Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Nhà thơ với thiên nhiên và mùa xuân

Nhà thơ với thiên nhiên và mùa xuân 
Thời gian tôi sinh sống bên nước Nga. Ở tại thủ đô Mátxcơva, một đồng nghiệp cũ ở Trường Viết văn Gorki Mátxcơva. Anh bạn chí cốt đã nhận lời mời cho một nhà giáo như tôi làm “người phản biện cho luận văn tốt nghiệp của sinh viên…”! Tất nhiên, tôi nhận ngay lời mời.
Một ngày chủ nhật.
Những giọt nắng ấm áp của mùa thu trở lại trong lành và rất đỗi dịu êm. Hàng cây xanh dọc bên đường đứng lặng ngắm những cơn gió mùa thu mải miết trở về trên phố.
Mátxcơva – thủ đô yêu dấu của chúng tôi!
Đến giờ, thì khoảng sân Trường Đại học đã chật chội tiếng nói và âm thanh rộn rã của những bản nhạc du dương Betthoven vang lên.
Đẹp nhất, vẫn là mùa hoa đại ngàn trắng nở bạt ngàn xung quanh khu vườn rộng rãi của Trường Gorki Mátxcơva.
Nắng đẹp! Và dịu lại, ẩn trong đôi mắt của mỗi người Nga. Khi chúng tôi, tay bắt mặt mừng chào đón nhau và nở những nụ cười đôn hậu, niềm nở rồi hạnh phúc sau cuộc gặp hội ngộ, thân thiết này!
Một người trẻ hoan nghênh và vỗ tay khi nói đến “các luận văn tốt nghiệp của sinh viên Việt đang du học bên Nga”, “Thật là điều tuyệt vời, các đồng chí ạ!”. Anh ta cười mãn nguyện…
Sau phút gặp gỡ “các bạn bè quốc tế”. Chúng tôi cùng ngồi phân tích và bình giảng các bài thơ hay về xuân - đất nước qua các trang thơ viết; và kể lại những câu chuyện lịch sử về Bác - một vị lãnh tụ yêu nước và nhà cách mạng vĩ đại của dân tộc, đồng thời là một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào Quốc tế cộng sản. Cùng với sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người còn để lại một sự nghiệp văn học to lớn.
Đối với Bác những tư tưởng, tình cảm về thiên nhiên và mùa xuân đất nước không chỉ dừng lại ở những chỉ giáo trong các văn bản hay tác phẩm nghệ thuật, mà hơn thế nữa điều ấy đã trở thành những hành động sống trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chính thiên nhiên đã khơi nguồn cho nhiều tác phẩm thơ ca nổi tiếng và góp phần nâng vị thế danh nhân văn hóa thế giới của Người lên một tầm cao mới.
Ngay từ những ngày còn ở trong lao tù của Tưởng Giới Thạch, cảnh vật thiên nhiên như đã ùa vào tình cảm của Người. Một Người có tâm hồn và lòng yêu nước lớn:
                                             “Trong tù không rượu cũng không hoa
                                               Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ
                                               Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
                                               Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”.
                                    (Ngắm trăng)
Như vậy có thể thấy cảnh vật thiên nhiên và hình ảnh đất nước và mùa xuân luôn là một phong cảnh hữu tình và đẹp đẽ trong mắt của các thi nhân, văn nghệ sĩ ngay cả trong những năm tháng gian khổ và thiếu thốn…
Dưới ngòi bút sắc, trong thì kiệt tác văn chương về thiên nhiên và đất nước thường là sản phẩm vô giá của những nhà văn, nhà thơ lỗi lạc và đồng thời cũng là những người có tư tưởng  tình cảm xuất chúng như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tago, Puskin, Nguyễn Du, Nguyễn Trãi…
Mùa xuân về mang cái đẹp, mang sức sống đến cho cỏ cây hoa lá và mang cả những náo nức, mê say cho lòng người… Im lặng để lắng nghe mùa xuân đất trời, người người cảm nhận được sức sống nội tại của nó vươn dậy mãnh liệt, lắng lòng người sẽ thấy cả những mùa xuân đã qua hiện về đầy ắp qua những sáng tác thơ văn. Những mùa xuân của thế kỉ XV qua thơ Nguyễn Trãi, mùa xuân của những nhà thơ lãng mạn và mùa xuân trong lòng người cách mạng.
Mỗi người một vẻ đã dâng tặng cho đời, làm đẹp cho mùa xuân đất nước, quê hương bởi những vần thơ dạt dào tình người. Khi văn học dân tộc đạt tới những thành tựu khá rực rỡ, những tập thơ đã đạt đến sự tinh xảo của cảm xúc nghệ thuật, Nguyễn Trãi hiện ra là cây đại thụ lớn nhất với các sáng tác nổi tiếng về mùa xuân. Một mùa xuân đẹp, yên bình của làng quê Việt Nam nơi bến đò đầu trại:
                                        Cỏ xanh như khói bến xuân tươi
                                        Lại có mưa xuân nước vỗ trời
                                        Quạnh quẽ đường đồng thưa vắng khách
                                        Con đò gối bãi suốt ngày ngơi
Đến đây thì những hình quen thuộc thân thương miền thôn dã có mưa và cỏ. Những vạt cỏ mùa xuân gần gũi bao nhiêu với đời thường và gần gũi ngay trong thơ ca. Chính bởi màu sắc rất riêng “xanh như khói”  ta có hiểu được đó chính là sắc xanh được làm mờ đi sau làn mưa bụi mùa xuân. Cái màu xanh của sự giao thời giữa màu trắng non và độ xanh rì, được phủ mưa trắng nên màu cỏ ấy còn giống cả màu mơ. Vì vậy câu “Cỏ xanh như khói” là gợi được cả cái thực và cái mơ của một sắc xanh thật đẹp: làn cỏ xanh thành một vạt sáng mềm mại, sự quyện hòa của mưa, sông, trời.
Mùa xuân còn là âm thanh nở rộ: 
                                         Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
                                         Đầu xuân mưa bụi nở hoa xoan
                                                   (Cuối xuân tức sự)
Tiếng cuốc là sự báo hiệu, là tiếng gọi mùa hè, hoa xoan rơi báo trời vẫn còn xuân. Hai câu thơ là cái bản lề khép mở và cũng là chút tâm tình tiếc nuối thời gian.
Thơ văn Nguyễn Trãi không dừng ở cảm xúc đưa thiên nhiên vào thơ mà còn là sự gửi gắm rất tài tình tâm trạng của bản thân.
Trước mùa xuân ta thêm tin yêu cuộc sống, tin vào sự vươn dậy, tồn tại của những cái thanh cao.
Và một mùa xuân của Nguyễn Du: 
                                              Cỏ non xanh rợn chân trời
                                              Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
                                                              (Truyện Kiều) 
Những gam màu cực đậm “xanh rợn” với nét bút tài hoa đã tự tôn nhau lên nổi bật nét vẻ điểm xuyết sắc sảo của bông hoa trên thảm cỏ xuân nối với chân trời…
Ở mỗi thời kì, con người đều có những quan niệm khác nhau về con người, về cuộc đời. Tình cảm bao giờ cũng bắt đầu là những suy nghĩ, vì thế theo thời gian tình cảm trong tác phẩm lại phát triển theo một chiều hướng mới. Và tình yêu mùa xuân không nằm ngoài quy luật đấy. Mùa xuân trong thơ văn cổ hay hiện tại thì cảnh sắc gắn liền với tình yêu của con người: mùa xuân tĩnh lặng, đẹp mà buồn! Đẹp như nỗi buồn thánh thiện của thi nhân trước vận nước, về nỗi đau nhân tình thế thái. Buồn mà không hề đạp phá, chính bởi thế mà “tâm hồn của các thi nhân đẹp như thiên nhiên, như mùa xuân trời đất”.
Ta có thể nhận biết rõ điều ấy qua cảm xúc thơ của các thi sĩ qua mùa xuân. Những con người của thơ ca lãng mạn như Hàn Mặc Tử viết về xuân:
                                      Trong làn nắng ửng khói mơ tan
                                      Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
                                      Sột soạt gió trêu tà áo biếc
                                      Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang.
                                                         (Mùa xuân chín)
Mùa xuân cảnh vật hiện ra ở một làng quê thật đẹp đẽ, nên thơ không kém mùa xuân nơi tiên giới, qua sự cảm nhận của một tâm hồn thật nhạy, thật tinh tế. Khi mùa xuân đã chín, tất cả sự vật đều căng trào bật dậy một nguồn sinh lực dồi dào chưa từng thấy. Nắng ửng hồng, ấm áp và làng quê chìm cả trong cái huyền ảo lạ kì của làn khói đang tan trong hơi ấm. Sự hiện diện của tất cả đều được thi nhân phả vào hồn sống – đợt gió sột soạt trêu đùa tà áo biếc. Mọi sự hiện hữu như đang chuẩn bị “xuân sang”. Câu thơ ngắn nhưng như một sự thông báo mùa xuân ấy đã chín trong thiên nhiên và cả trong lòng thi sĩ. Cảnh xuân ấy thật đẹp xiết bao!
Mùa xuân với cảnh mơ của cõi tiên, con người với suy tư của cõi trần, tình yêu, sự sống thức dậy căng trào… Cũng là mùa xuân nhưng mùa xuân trong tình yêu của người cách mạng còn có một sức sống, một niềm tin mãnh liệt vào con người. Mùa xuân yêu đời trong thơ Bác Hồ:
                                       “Rằm xuân lồng lộng trăng soi
                                Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
                                       Giữa dòng bàn bạc việc quân
                                 Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
                                              (Rằm tháng giêng)
Thưởng nguyệt đẹp đêm rằm xuân nhưng không phải ngâm vịnh thủ tạc mà thưởng trăng xuân trên con thuyền bàn lo việc nước. Cảnh đẹp hùng vĩ và khoáng đạt “lồng lộng trăng soi” và sự tràn trề sắc xuân trong câu thơ tiếp: “Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”. Đây là một bài thơ chữ Hán và ở câu thơ dịch này đã mất một chữ “xuân” rất ý nghĩa. Ta hãy trở về với nguyên tác câu thơ: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên”. Sự tiếp nối liên tục của ba đối tượng làm không khí xuân mở ra đến không cùng. Đẹp nhất là mùa xuân ấy - một mùa xuân chiến đấu cho Tổ Quốc quê hương mình.
Và một lần nữa trong thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải, ta được thấy cái cao đẹp của tấm lòng người chiến sĩ. Mùa xuân không chỉ đẹp về cảnh:
                                       Mọc giữa dòng sông xanh
                                       Một bông hoa tím biếc
                                       Ơi con chim chiền chiện
                                       Hót chi mà vang trời
 Mà còn đẹp ở tiếng lòng sôi dậy:
  Ta làm con chim hót
  Ta làm một cành hoa
  Ta nhập vào hòa ca
  Một nốt trầm xao xuyến
  (Mùa xuân nho nhỏ)
Đó là những ước mơ đơn sơ và cao đẹp. Đó là những ước muốn hiến dâng cho đời của người chiến sĩ. Khi khắp đâu đâu, người người đang tưng bừng đón xuân, thì họ chắc tay súng giữ quê hương đất mẹ. Mùa xuân ấy mới thật ý nghĩa biết bao, đáng trân trọng biết bao! Mùa xuân nhen lên tình yêu, đánh thức những gì đẹp đẽ nhất trong phần người để mỗi con người sẽ sống có ích hơn. Xuân thơ cách mạng là những mùa xuân như thế, mùa xuân cầm súng, mùa xuân ra đồng bảo vệ cho mùa xuân đời sau được mãi mãi đẹp tươi.
Thiên nhiên và đất nước đã trở thành một hình tượng đẹp, thổi vào hồn thơ, làm sống động trong thơ. Và lẽ tất nhiên: thiên nhiên và mùa xuân đất nước” đã trở thành một phần máu thịt, gắn quyện với nhân sinh quan và thế giới quan của những thi sĩ xưa và nay.
Cái ký ức đẹp trong từng trang viết của thi nhân, còn lưu giữ mãi đến tận ngày sau. Chúng tôi cũng không thể quên được “hình ảnh mùa xuân trên đất nước bạn”, cũng mùa hoa lá tươi vui, cũng tiếng chim và những nắng, những mây trời xanh xanh, biếc biếc đến lạ thường!
Giữa mùa thu biếc của đất trời Mátxcơva, tôi ngỡ ngàng những giọt nắng vàng và mùa gió mát dịu thổi về, như là mùa xuân xanh đang nhựa sống tràn trề.
Các bạn tôi, hay những sinh viên ưu tú - chúng ta ai cũng đều nhớ rằng: “mình đang sống và sinh sống giữa một miền đất nước gần với lòng người, với yêu thương của dân tộc mình.
 Sau cuộc gặp gỡ, giao lưu văn học này. Hẳn các bạn tôi và nhất là anh bạn trẻ vui tính sẽ lại cười nói rằng: “Thật tuyệt vời, điều kì diệu của con người chúng ta là “hình ảnh về thiên nhiên tươi đẹp và những mùa xuân bình yên trên đất nước!”.
Ngô Thị Học
Theo http://tapchivan.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...