Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Cánh hoa trên gành núi đá

Cánh hoa trên gành núi đá
Vị đạo sĩ ra khỏi am thất lúc con trăng còn treo bên ghềnh. Trời mù sương. Rét thấm lạnh thấu da. Ông kéo tấm vải len cố che thêm vòng cổ. Ánh trăng mờ bạc không in thành bóng nhưng soi rõ dấu mòn những ghềnh đá. Ông tìm lối, đi ngược chiều gió lên cao hơn nữa về phía đỉnh núi. Thỉnh thoảng xạc xào một vài tiếng thú hoang hoảng động chạy trốn. Chỉ có gió vẫn ào ào, từng cơn.
Trên ghềnh đá, vị đạo sĩ tìm cách ngả lưng. Trời phương đông vẫn mờ sương đọng dầy hơi nước mù mịt. Con trăng có hơi xiêu qua đầu núi nhưng không biết lúc nào mặt trời mới lên. Ông cố thu mình gọn hơn nữa trong chiếc áo choàng nỉ màu nâu sậm. Ðôi lúc quá lạnh, ông run lập cập.
Cứ lâu lâu, ông lại lên ghềnh đá ngồi, nhất là vào những tuần trăng tròn. Trăng là thơ, là thanh tao cao vút trên ngàn. Nhưng ông bảo trăng cũng là yếu lòng của cám dỗ. Mơ trăng bên suối cô tịch có thể làm tâm đạo thấy đìu hiu. Trăng có huyền diệu là nhẹ nhàng vào hồn thi nhân cho dâng trào xúc cảm, cho thành sáng tạo dạt dào. Nhưng ông bảo, khi trăng cứ ở lại không chịu xuôi thời gian xuống ghềnh, cứ bám lấy hồn thi nhân, lúc ấy tâm đạo của thi nhân hay đạo sĩ cũng có  có thể mịt mù lối đi. Vì thế, cỏ cây và ghềnh đá vẫn thấy vị đạo sĩ lên đây vào những ngày có ánh trăng mơ màng. Ông bảo những lúc thấy tâm đạo có bóng dáng trăng quá nhiều, ông lên ghềnh đá này chờ đón mặt trời.
Bao giờ cũng vậy, khi lên ghềnh đá là ông ra đi lúc trăng còn nguyên và mặt trời còn bên kia vực thẳm. Vì sao ông ra đi quá sớm như vậy?
Một ngày ông chỉ có hai tuần trà, lúc rạng đông và chiều khuất bóng. Ông bảo uống trà khác với trà đạo. Một người có thể uống trà cả ngày mà suốt đời không bao giờ có trà đạo.
Vào tuần trà, ông nhấp một cụm nhỏ rồi thong thả trầm mình xuống yên tịnh. Ông bảo khi hương trà thấm vào đầu lưỡi, lúc đó ta phải thấy bát ngát màu xanh của cả rừng trà bao la trong cõi lòng. Một đốm lá trà là một huyền nhiệm của cả trời và đất. Trong trí ta phải thấy một đồi trà ngát hương thiên nhiên của vũ trụ và trong tâm ta phải băn khoăn về sự sống nhiệm mầu của từng cánh lá.
Khi hơi nóng của ngụm trà ấm lên đầu môi, trong trí ta phải thấy một rừng lửa rực cháy, và trong tâm ta phải thấy một con tim nồng ấm cho một tiếng gọi.

Khi dòng nước mềm mại chảy trên đầu lưỡi, trong trí ta phải thấy cả một dòng suối hiền hòa bao dung không ngơi nghỉ, và trong tâm ta phải thấy một màu trong ngắt thanh tịnh của đời sống con suối kia.
Vì nhiều vội vã trong một ngày nên ta không nhận thức được huyền nhiệm của sự sống đang dặt dìu vũ điệu chung quanh ta, ta không thấy được tâm Thượng Ðế đang nói chuyện với ta qua sứ ngôn của Ngài là hoa lá cỏ cây. Bởi đó ta phải kéo chậm thời gian lại bằng những giây phút thong thả suy tư. Ðể được vậy, ta phải chuẩn bị, và ông bảo chính vì thế mà ông ra đi khi trời chưa tờ mờ sáng. Ông muốn lên ghềnh đá thật sớm để lúc mặt trời lóe rạng thì tâm đạo ông đã sẵn sàng chờ đón rồi, chờ đón cho ánh mặt trời rót vào cõi hồn.
Trên ghềnh đá gió vẫn thổi. Cỏ cây dạt dào hơi sương. Gió đem theo hơi nước vuốt trên mặt từng chùm lá non. Chúng cũng se lạnh run rẩy nhưng như sung sướng vô cùng. Ông ngồi quay mặt nhìn xuống thung lũng. Phía xa là núi rừng trùng điệp. Ông biết đó là hướng đông. Mặt trời sẽ lên.
Trước mặt vị đạo sĩ có chùm hoa dại mầu vàng mướt. Hoa mọc trên kẽ nứt của ghềnh đá. Ông rảo mắt nhìn chung quanh. Mỗi chùm hoa dại trước mặt ông thôi. Trong đêm mà cánh hoa vẫn nở. Hoa hồn nhiên giữa núi rừng bao la. Giả sử ông không có mặt nơi đây thì sao. A! chùm hoa như đọc được ý nghĩ vị đạo sĩ, những cánh hoa mỏng nhịp nhàng đùa với gió như nói với ông:
- Ta vẫn hồn nhiên và vẫn nở trong sương khuya.
Ông im lặng nhìn chùm hoa. Giả sử đêm nay không có trăng, cả bầu trời là biển đen mênh mông chụp xuống, cánh hoa mảnh mai rẽ khối đen ấy ngoi lên, “vẫn hồn nhiên nở trong đêm khuya.”

Trong giây phút tĩnh mịch của cõi lòng, ông thấy cho dù những ngày tháng tâm hồn ông tĩnh mịch nhất cũng không so sánh được với cái tĩnh mịch của cành hoa. Trong đêm tối hoa vẫn nở giữa cõi rừng. Ông có mặt hay không có mặt, hoa vẫn nở hồn nhiên. Chỉ có điều đó mà sao ông vẫn cứ trăn trở mãi, là làm sao tĩnh mịch bước đi con đường của mình. Nhìn chùm hoa nở, ông thấy trong đời sống của ông:
- Hương nhân đức khó đơm hoa khi không có người khen.
- Lòng bao dung chỉ dễ khi chưa gặp ghen tỵ.
Cánh hoa cứ hồn nhiên bay bay trước mặt ông. Vị đạo sĩ ngước nhìn, trời cao thăm thẳm, mênh mông núi rừng. Bao ngày tầm tu tâm đạo, ông thấy cành hoa mỏng manh mà sao dũng mạnh hơn tâm hồn ông nhiều quá. Làm sao đời ông hồn nhiên nở được trong đêm khuya như cành hoa kia.
Không biết khi mặt trời gay gắt có làm cho cánh hoa kia rát nắng không? Lúc này đây, sương đang lạnh mà cánh hoa không cuốn tròn giấu mình ẩn kín. Nhìn chùm hoa, ông nghĩ giữa đêm vắng và sương lạnh mà chùm hoa cứ hồn nhiên nở thì chắc nắng chỉ làm cho cành hoa càng thêm rực sắc màu thôi. Nghĩ tới đó, ông trầm ngâm co tay lên vồng ngực.
Ðời ông đang đi qua lạnh và đêm. Ðêm và lạnh của tâm đạo là đêm và lạnh của ý nghĩa cuộc sống.
Loài hoa rừng không bao giờ để ý đến người xem. Nó sống bằng tự do. Ðể ý đến người xem là đặt một điều kiện cho mình rồi. Khi không có điều kiện ấy, loài hoa nhân đức không hồn nhiên nở được nữa. Và vắng điều kiện ấy là thiếu hạnh phúc. Những cánh hoa rừng đọc được ý nghĩ của vị đạo sĩ. Toàn thân chùm hoa giật rung lên mừng vui. Cơn gió qua rồi mà chùm hoa vẫn ngả nghiêng chao đảo ôm chầm vào nhau. Ðúng thế, làm sao để cuộc sống được tự do?
Kẽ đá lạnh thế kia mà chùm hoa cứ bám vào. Từ trong kẽ đá nứt, chùm hoa mọc rễ bám xuống cho cánh hoa ngoi lên. Bây giờ vị đạo sĩ thấy cánh hoa kia không phải chỉ đẹp vì hồn nhiên nở trong sương khuya mà là làm sao nó sống được trong hoàn cảnh khắc nhiệt như thế. Ðất không nhiều, để sống còn trên bờ đá, chùm hoa phải ôm chặt từng chút đất trong kẽ nứt, không một chút phung phí. Ông thấy những nhánh rễ con kia đang tìm mọi ngõ ngách mà đi. Bờ đá thật khắc nghiệt, lạnh ban đêm, nóng ban ngày. Từ những nhánh rễ con ấy, ông thấy tiềm ẩn một sức sáng tạo phong phú vô cùng. Chúng không ngừng sáng tạo những con đường mới để đứng vững  trên bờ đá. Ông không ngờ ngoài dáng hoa mỏng manh kia lại là một dũng cảm phi thường. Ông nhìn chùm hoa dại vàng rồi nhìn xuống thung lũng phía trước mặt. Dưới thung lũng là cuộc đời. Trong cuộc đời là cuộc sống của ông.
Những nhánh rễ con đang dạy ông về sự phung phí thời gian trong cuộc đời. Sức mạnh chùm hoa bám được vào bờ đá là làm việc không ngừng trong những sáng tạo mới. Người nghệ sĩ không còn là nghệ sĩ nữa khi hết sáng tạo. Và ông thấy khó khăn hay hoàn cảnh khắc nghiệt là lúc sáng tạo thành hình. Sáng tạo không thể lười biếng. Trong cái tâm đạo ông đang kiếm tìm, ông thấy cũng thế, phải có lạnh của sương, có chênh vênh của đá. Tất cả là lực tố làm cho tâm đạo ngời sáng. Những khi yếu lòng, ông nghĩ muốn có cành hoa phải có một khu vườn trước đã. Cánh hoa dại kia không cần khu vường, nó rẽ đá mà ngoi lên. Ông cúi mặt hỏi lòng về con đường tâm đạo ông đang đi.
Bao nhiêu năm tìm tâm đạo mà ông đâu ngờ tâm đạo mọc ngay bên bờ cuộc đời, trên ghềnh đá thô sơ. Cuộc sống chùm hoa kia là con đường tâm đạo ông phải đi:
- Nở hồn nhiên trong đêm tối.
Trong cánh lá mỏng manh là một cõi trời dũng mạnh:
- Khó khăn là năng lực cho sáng tạo.
Sáng tạo nghệ thuật luôn luôn là phấn đấu. Phải nhìn những cánh hoa tầm thường bằng cái nhìn không tầm thường. Bởi nghệ thuật nói bằng im lặng. Vị đạo sĩ ngồi như thiền mặc trước chùm hoa dại yếu đuối.
Ðể sống được trên ghềnh đá khắc nghiệt này, chùm hoa phải dũng cảm. Ông thấy yêu quý chùm hoa dại quá. Nơi chùm hoa là bát ngát bầu trời tự do, đêm cũng như ngày. Ông nghĩ đời ông cũng sẽ đi theo con đường của chùm hoa dại. Từ ý nghĩ đó, ông muốn bứng chùm hoa dại về am thất để hàng ngày nhìn chùm hoa mà học tâm đạo.
Khi ông tìm cách bứng chùm hoa, có tiếng nói của chùm hoa như đến từ gốc rễ nơi ghềnh đá:
- Vì sao ông không muốn tôi ở ghềnh đá này?
Vị đạo sĩ trả lời chùm hoa. Ông cắt nghĩa những ý nghĩ của ông về tâm đạo như tôi vừa viết ở trên. Nghe xong, chùm hoa trả lời:
- Ðây là quê hương đẹp nhất của tôi. Tôi sống thênh thang với trời cao. Ðêm có vẻ đẹp của thinh lặng. Sáng có vẻ đẹp của bình minh. Phải can đảm bám vào ghềnh đá mà sống nhưng tôi không muốn cuộc sống dễ dãi tầm thường nơi khu vườn của ông. Thôi, xin ông cứ để tôi sống ở đây.
- Ta cần cái thanh tao không bám víu vào cõi đời  của hoa. Ta mong cái dũng cảm không lười biếng của hoa mà muốn trồng ngươi bên am thất để ngày ngày suy tư tìm dũng cảm trong cái mỏng manh, tìm sáng tạo trong nghịch cảnh.
Chùm hoa thinh lặng. Vị đạo sĩ cũng im tiếng nói. Núi đồi vẫn mênh mông dạt dào hương thơm của rừng thông đang mùa buông phấn. Một tâm hồn và một chùm hoa dại đang đối thoại với nhau bên ghềnh đá trên đỉnh núi. Chùm hoa nói với vị đạo sĩ:
- Tôi rất ngại sống trong khu vườn của ông, vì như vậy, ngày ngày có người nhìn tôi. Tôi lại phải phấn đấu nhiều hơn để mình không mất tự do, để cứ hồn nhiên nở trong cõi đời.Tuy nhiên, với một điều kiện, nếu ông có điều kiện này, tôi sẽ để ông bứng tôi đi.
Vị đạo sĩ hỏi:
- Ðiều kiện gì?
- Ông bứng tôi khỏi núi rừng này là tôi phải rời bỏ cả một quá khứ. Không ai muốn từ giã một quá khứ đẹp. Chẳng ai muốn mất một hiện tại êm đềm. Vì ai mà biết được chân trời mới kia sẽ ra sao. Vậy ông muốn đem tôi khỏi đây, tôi có một điều kiện là chính ông, ông có sẵn sàng rời bỏ thế giới của ông khi tiếng phục vụ cuộc đời kêu gọi?
Khi ông đang êm vui với cuộc sống mà vì có tiếng cầu than của một kẻ khốn cùng đang cần đến ông, ông có sẵn sàng ra đi vì tiếng kêu thương xót ấy?
Khi một đạo sĩ đang thành công, khó mà ông ta dám bỏ công việc ấy, ra đi, cho dù có tiếng khóc ở xa xa. Ông có sẵn sàng ra đi khi có tiếng kêu?
Ông tự hỏi mình, nếu ông thấy ông sẵn sàng ra đi thì tôi cũng thế, tôi cũng sẵn sàng để ông bứng tôi đi.
Cuộc đối thoại tiếp tục
Lúc chấm dứt rồi, vị đạo sĩ đặt hai bàn tay, bám cứng lên bờ đá lạnh như một tiên tri run rẩy sắp dâng của lễ. Tâm hồn ông nóng bừng như rực lửa. Ông không ngờ mẩu đối thoại của cánh hoa mỏng xoáy vào linh hồn ông như thế.
Cuộc suy tư quá lâu. Ông đâu hay chim đã thức giấc hót líu lo trên cành. Toàn thể núi rừng đang bừng tỉnh. Ở phía đông, mặt trời đang lên. Những dải nắng đầu ngày hắt bật lên táo bạo. Sương tan dần. Cả thung lũng phía dưới sắp được rải nắng bình minh.
Liệu ông có bứng được gốc hoa về trồng không?
Ông đã lên ngọn núi từ tờ mờ sớm để chuẩn bị đón mặt trời. Tôi nghĩ vì tha thiết như thế, thì lúc mặt trời thoát xác, thế nào ánh trăng mềm cũng phôi phai và nắng sẽ đổ vào lòng ông như ý ông mong muốn.
Lạy Chúa, cuộc đời con đâu có dài như dòng sông, đâu có trường cửu như ghềnh đá, mỏng manh như một cánh hoa thôi. Nhưng xin cho con mỏng manh mà tự do giữa trời và đất. Mỏng manh mà cứ hồn nhiên dũng cảm nở trong đêm khuya cuộc đời.
Nguyễn Tầm Thường
Theo http://gxannagiusehien.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...