Con đèo đã thơ mộng, ngun ngút bóng thông
ngàn và rợp trời hoa cỏ dại, lại mang tên loài hoa thân thương của phố lạnh:
Mimoza. Con đèo còn mơ màng, vàng son, và lạ hơn khi ẩn một chỗ trên dải đồi
thông có nơi yên nằm của một người con gái làm thơ: Tương Phố.
Sự lạnh lùng của kẻm gai và sự mong
manh
của thi ca. Ảnh Nguyễn Hàng Tình
Tương Phố đã thi ca và bất diệt hoá tình
yêu, người con gái đủ sức để đi đến tận cùng bi kịch luyến ái, biểu tượng của
tiết hạnh và sự thuỷ chung của người phụ nữ với chồng. Chẳng mấy ai trên đời ở
tuổi đôi mươi cưới chồng được một năm, chồng tha phương học chữ rồi ba năm
sau vừa quay về tới nước thì chết ngay để dù một lần vợ nhìn lại chưa kịp, mà
người gái tài sắc ấy vẫn cứ thế mãi ngồi làm thơ nhớ chồng, sang tiếp để khóc
chồng. Trên mộ nàng, ngày nay, người ta còn khắc lên những câu thơ của nàng: "Trời thu ảm đạm muôn màu/ Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em/ Trăng thu bóng
ngã bên thềm/ Tình thu ai để duyên em bẽ bàng." . Ngay từ năm 1930
thi phẩm "Giọt lệ thu" đã được dịch ra tiếng Pháp_hiện tượng hiếm
hoi của người Việt sáng tác thơ bấy giờ. Từ điển Văn Học do nhà nước xuất bản
ngày nay ở Hà Nội đã tạc chữ về nàng: "…Góp vào bộ phận Văn chương hợp
pháp 30 năm đầu thế kỷ XX một tiếng khóc ảo não; ít nhiều có làm sống lại tâm
trạng người Chinh phụ trong văn học quá khứ". Đẹp, buồn sang trọng, nhân
văn, mà như nhà nghiên cứu Bùi Xuân Uyên nghiên mình: "Cái tên của Tương
Phố đã đóng dấu một nỗi buồn, và cũng chính điều đó khiến thơ bà có sức rung
cảm sâu xa trong nỗi niềm độc giả". Nay thử đọc những thi phẩm viết bằng
lệ như "Giọt lệ thu", "Mưa gió sông Tương", "Khúc
thu hận", "Trúc mai", "Bức thư rơi"... khó mà không
ước sống và ước yêu được thế.
Rao lại ngay sát mộ phần của
người
Nữ sĩ. Ảnh Nguyễn Hàng Tình
Năm 1928 "Giọt lệ thu" của nữ sĩ
Tương Phố xuất hiện trên Nam Phong tạp chí của Học giả Phạm Quỳnh... Năm 1973
người con gái làm thơ "ra đi" và được Chính quyền khi ấy cho chôn
trên rừng thông hoang liêu ở Đà Lạt_một nấm mồ lẻ loi duy nhất. Từ đó ngọn đồi
nàng yên ngủ muôn thu được người Đà Lạt gọi là Đồi Tương Sơn. "Giọt lệ
thu" đã thấm vào con đèo Mimôsa ở Thành phố cao nguyên này. Không chỉ
nơi con đèo, từ năm 2002 một con đường ở Đà Lạt được Chính quyền lấy tên
Tương Phố. Năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng ký quyết định giao 34ha của ngọn đồi
kia cho một Công ty từ xa lên lập Khu du lịch nghỉ dưỡng, với hàng chục biệt
thự được phép hạ dọn thông xây dựng. Người ta đã quên mất cái tên Tương Phố
cùng ngôi mộ thi ca bơ vơ, vì theo bản đồ nó đã nằm gọn trong dự án. Khi triển
khai dự án xây biệt thự, người nói với Chính quyền "có ngôi mộ nằm... lạc
trong dự án". Không ai dám đứng ra bảo vệ phần mộ thi sĩ ấy, duy chỉ vài
tiếng than yếu ớt của người cháu còn lại của bà. Dằng co mãi, không "đẩy"
ngôi mộ đi được, người ta cho hàng rào kẽm gai áp sát "Giọt lệ
thu", thuê vệ sĩ hàng ngày canh doạ ai muốn nới hàng rào ra cho hương hồn
thi nhân thở.
Nhang trên mộ và những người xa
lạ vũ khí trong tay đến giang kẻm gai cô lập ngôi mộ để đọat
lấy ngọn đồi thi ca của người Dalat. Ảnh Nguyễn Hàng Tình
Những người Đà Lạt bình thường nào những
tháng ngày này, chẳng lạnh buốt sống lưng khi ngang qua nhìn vào cái
hàng rào kẽm gai bỗng len lỏi khắp gốc thông già, lồng ngọn đồi Tương Sơn lại,
vắt một vạch dài lê thê sắt thép uốn cong theo con đèo thơ mộng, còn không
gian yên nghỉ của Thi nhân hàng rào từng ngày dịch vào thêm, dí sát hơn mộ phần.
Về hình thức, “Nhà đầu tư” rất khó để sai, Chính quyền càng vậy. Bởi mọi thứ
đều có qui trình, giấy tờ, theo "nghị quyết", quyết định giao đất
giao rừng cho doanh nghiệp, dấu mộc thắm đỏ... Còn mộ phần, bao giờ chẳng vậy,
có ai cấp "sổ đỏ" cho người chết đâu. Nhiều người nhân hậu ở phố
núi cứ tâm tư rằng sao thời thế không tha cho nàng Nữ sĩ đã lưu tên không chỉ
trên đường phố, một chỗ chốn an lành ở miền xứ thi ca đặc biệt này, vì
Đà Lạt_Lâm Đồng đã có đến 700 khách sạn và đang bội thực với 235 dự án du lịch
đã và sẽ triển khai với ước thêm ít nhất 45.000 biệt thự nữa sẽ xuất hiện. Nên
nếu có cái gì trật, là trật ở rằng: cớ sao người con gái Tương Phố lại làm
thơ làm gì!?
Có người bảo, thi sĩ Hàn Mặc Tử à_người
gần thời với nàng Tương Phố, ông nằm mê trong cõi thơ phú ở Qui
Nhơn, trên ngọn đồi Ghềnh Ráng, chứ ông mà nằm ở Đà Lạt chưa chắc giấc ngủ
bình an vậy đâu. Đà Lạt giờ khác lắm rồi, mộng mơ đang ngày càng là thứ vất
vưởng, chìm nổi, cho dù hệ thống khách sạn và lương quan viên lớn bé được
nuôi bằng chính điều đó, còn từ bi nhân hậu trở thành thứ xa xỉ với rừng
thông và lòng người có tiền, có quyền. Ở Qui Nhơn người quyền thế còn tôn trọng
văn hoá, yêu quí thi ca, còn ít nhiều từ tâm, sống "thật" với dân
lành, còn biết sợ "lịch sử", sợ khi gác kiếm chính trị, về
già, chòm xóm xa lánh, chứ không lạnh lùng kiêu hãnh và thẳng tay bạo cường với
cả gió sương, thi phú, núi đồi. Ở Qui Nhơn, người ta còn mong chờ lữ khách
phương xa tìm về mơ tưởng, ví như rảo bước viếng thăm Hàn thi sĩ trên đồi
cao gió mộng, còn Đà Lạt hình như người ta không cần điều ấy nữa rồi. "
Bóng đè" lên đồi Tương Sơn, đè lên miền hoang vu; nhưng làm ơn đừng hỏi
thi nhân hay kẻ viết lách lang thang này bóng ai đè, hay tại sao và vì
đâu nó lại "đè".
"Nỗi ly hận mây chiều gió sớm"
là tiếng thơ tình ái riêng tư của Thi nhân lưu lạc từ Bắc Việt vào cao
nguyên lạnh phương Nam làm nên “Mưa gió sông Tương” hay còn là sự thật trần
trụi trên mặt đất ở mọi ngóc ngách cho đến ngày nay.
|
Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016
Giọt lệ trên đồi Tương Sơn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2
Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét