Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Thơ bước ra từ nơi chiều sâu độc thoại

Thơ bước ra từ nơi chiều sâu độc thoại
Năm 1991, tôi được đọc “Gọi bạn,” tập thơ đầu tay của Trần Hùng gửi tặng. Tới năm 2015, nhân Đại hội đại biểu lần thứ IX, Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, Trần Hùng lại tặng tôi hai tập “Vườn khuya” và “Thảm thắc.”
Hai nhăm năm, một phần tư thế kỷ, Trần Hùng đã cho in bốn tập thơ. Đã làm nên bước chuyển tiếp. Đã khơi sâu và đắp dầy một chân dung thi sĩ trong hiện diện, trong “cái Có” thật lung linh, thật nặng sâu và lắng thấm nơi trang thơ anh viết.
Dễ thấy, một vệt đậm suốt dặm dài mải mê khai phá cái vỉa tầng khá phồn thi và lấp lánh cái thế giới mà thi sĩ này đã bám chặt, đã gần như đặt cược vào công cuộc cấy gieo trước mùa màng bội thu hay thất bát thơ mình.
Quả vậy. Trần Hùng đã bước vào cái ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh.” Từng mặc áo lính. Từng gánh vác trên đôi vai những trọng trách của “viên quan” đầu ngành của một vùng đất, rồi của cả một tỉnh.
Với vị thế ấy. Với diện kiến của người trong cuộc trước không ít nặng nề, phức tạp. Người thơ này từng đi giữa ba dòng Thiên - Địa - Nhân của tháng năm với những đối thoại sôi động của thế sự, những va đập, biến thiên của thế giới bề bộn quanh mình. Những tưởng, thơ Trần Hùng sẽ ắp đầy những vỉa hè, xương xảu. Sẽ nóng bỏng, bộn bề những đại mộng, đại giác. Sẽ quặn thắt, dư vang của những lần mở mắt trước giông bão đời thường.
Song, Trần Hùng với cái kênh riêng mở. Cái kênh có từ sự quan tâm, từ ý thức, quan niệm của thi sĩ. Đó là, cái nhất quán từ “Gọi bạn,” “Mơ quê” đến “Vườn khuya, Thảm thắc”… Đó là, sự chọn lựa cho lối rẽ, cho dòng khơi nơi nguồn mạch kiếm tìm. Đó, phải chăng là cái tạng. Là sở trường? Mà Trần Hùng đã dày công làm nên cái riêng Tôi thế chăng?
Phải nói, xuyên suốt các tập thơ, Trần Hùng từng ngụp lặn trước hiện thực, ngụp lặn trước cái “vô biên độ,” trước bao nhiêu “ái ố hỷ nộ,” để rồi, sau phút giây đó, thi sĩ này lại đẩy mình ra thật xa, tách mình ra thật xa, ngỡ chỉ còn lại riêng mình với hồn mình độc thoại. Bởi vậy, đọc Trần Hùng, ngỡ chỉ còn năng lượng của thế giới hồn mình mà đẻ ra cảnh sự. Đẻ ra liên tưởng. Đẻ ra tâm tình, suy ngẫm… Để rồi, từ gốc rễ ấy lại tiếp tục phát lộ một thế giới khác của những gì được văng xa, được sáng lên sau đấy.
Và, thơ Trần Hùng bơi trong tầng trong xanh, đọng lắng. Bơi trong mạch chìm. Bão trong thơ Trần Hùng là dấu tích sau bão. Hiện thực ở đây không còn gặp ở “cái Thấy,” cái nắm cầm trên tay. Mà, mọi cái bên ngoài nếu có, đều có từ cái nhu cầu của cái sâu xa, cái bên trong tỉnh thức.
Thử đọc:
Phút chốc muốn băng vườn khuya tìm đến
nơi gương mặt người thấm đẫm ánh trăng
nơi gương mặt lá thấm đẫm bóng tối
nơi gương mặt đá lạnh như môi
tôi tìm em trăng mang em đi rồi
(Hạ huyền)
Hoặc:
Rồi một ngày
một ngày
một ngày
bước chân hôm qua nắng đã phủ đầy
dấu xuân hôm nào sương đã bay
lá vàng muôn nẻo đã đầy tay
(Nắng bên sông)
Rõ ràng, những “gương mặt người, mặt lá…” Rồi, “bước chân nắng phủ, lá vàng …” Tất cả hình ảnh kia ngỡ có từ trực giác, đều ảo đi, đều hiện lên từ cõi sâu tâm tưởng nhà thơ mà có cái hữu hình.
Là thế. Trần Hùng, một thi sĩ của những gì thật diết da, thật trong xanh, quặn thắt. Tôi từng chầm chậm đọc và nhiều lần dừng lại để ngắm nhìn người thơ này trong vời xa, trong lặng thầm, ám ảnh. Bởi, luôn gạt đi cái ôm chứa của những gì thuộc thế giới bề mặt, Trần Hùng với con tim luôn đốt mình, luôn mở với đa chiều, đa tầng, đa thanh trước những mối quan tâm, trước tình yêu, tình người, tình đời, trước nhân tình thế thái.
Không to tát, gầm ghì, gai góc, Trần Hùng, nhà thơ của tâm tình, của vía hồn đam mê, thương cảm. Để rồi, chỉ một chút mơ hồ, ngỡ khó cất lên lời. Vậy mà, hồn thơ mong manh kia dễ run rẩy, dễ thấm loang, dễ làm nên xao xuyến là thế:
… Đường tôi về
rừng ngun ngút trăng
đèo ngun ngút trăng
ngày mai Cao bằng mưa
trăng cầm ô màu gì
mặc áo màu gì
màu gì cũng mỏng…
(Không màu)
Cứ thầm thì như thế trong cảm xúc ngập tràn, Trần Hùng luôn chọn lối hẹp, luôn bám cái lãng đãng, mơ hồ mà tự sự, tái tạo.
Thì, cứ nhìn những lát cắt: Sương hương bay, Ru cát bụi, Cơ may, Cơn mơ, Thảm thắc, Ngoài tôi, đến Ngày về, Cúc xanh, Chứng sinh, Tan tác, bẫy bạn, Lối trăng, Nhớ hoa v.v… Gần như, đấy là nét trội, nét bao trùm mà người viết luôn tựa vào và tạo được hiệu quả, hiệu ứng ở nghệ thuật đi từ cái Hẹp, những mong sẽ mở ra cái Rộng hơn của vệt loang trong suy tư, kiến giải.
Ví như :
Tìm đến em - khu rừng không có nấm
chỉ tràn đầy hương nấm
nơi ấy mắt lá đăm đăm lên trời
nơi thiên đường vầng trán thanh khiết
chạm gân xanh những sợi tóc loạn nhịp
tôi bay…
(Ong đêm không cánh)
Đấy là phút si mê, lãng mạn, trước bóng dáng người thương. Hay, đây là khi “Gọi bạn”:
Bạn ơi
khi viết bài thơ này
suối âm thầm chảy
lá âm thầm trôi
có một con người
âm thầm nhớ…
Rồi, với Mẹ:
Xa một ngàn cây số
con đang nói cùng mẹ đây
con quỳ xuống tắt đèn
con nhắm mắt cho tối thêm lần nữa
mẹ ơi quay lại với con…
ngoài hiên
những bông lửa trên trời đỏ rực
mẹ chợt nhận ra
mình còn nhiều đứa con
chúng ra đi đã lâu mà không về
sao lại như thế nhỉ ?...
Hay, khi xa con, “Nhớ con” trong lễ Tết Trung thu:
…Áp thấp về đêm Hà Nội
cha như ông trăng sau màn trời
con đang làm gì con ơi
… ngoài kia
những ngôi sao đang bò ra từ các góc tối
rủ con cùng chạy chơi
nếu thiếu nến thì con bắt đom đóm bỏ vào
không có đom đóm thì cầm sao ra ngoài ngõ
rồi đèn sẽ sáng lên
và con sẽ tin
cha trở về cho con đêm trung thu khác…
Có lẽ, ở giọng điệu này, nhà thơ cần kiệm lời, cô đúc hơn ở lối tự sự. Ở cái cần gợi trong lối kể. Song, không lấy vần điệu làm sức vang. Mà, lấy cái tung hoành, phóng khoáng ở quá trình vận động của ngôn thi, hình thi, để kiến tạo những câu hay, những câu thơ lấp lánh từ Tâm thi phát sáng. Và, ở đấy, Trần Hùng lần nữa thành công, có khi là cái tinh tế trong cảm nhận, ngắm nhìn trước ngày xuân đang đến:
…Sườn đê ven làng vó sen đẫm nước
mơ mòng những giọt sương cánh gai
dừng lại đi, tỉnh dậy đi, tan ra đi
chim nâu bay rồi
cánh đồng ban mai đã vỡ
mùa xuân…
Đấy là, đứng trước “Ban mai.” Còn, trước “Thời gian”? Đây là câu thơ hay trong chiều sâu ngẫm ngợi:
…những con ve ngày ấy đã già
chúng biến thành nếp nhăn trên cây cổ thụ
chiều nay bên gốc cây nhìn lên
ta lặng người
trước bình thản cây thăm thẳm lên trời
Hoặc:
… trái tim - người là ai
mà như chiếc gầu sòng
thì thụp tát về cánh đồng thân thể
nuôi lên tơi bời ý nghĩ
Hoặc, duy nhất, bài lục bát trong thơ Trần Hùng, câu thơ hay ở phát kiến, lý giải, ở cú tự có thần:
giật mình tuổi cũng đã xa
mà chưa thật rõ là Ta hay Mình
Đi từ thế giới hồn mình, trong mối quan hệ nhiều chiều, nhà thơ sao chối bỏ cái “nhỡn tiền” luôn dồn xoay chóng mặt? Nhưng, thơ Trần Hùng bùng phát và sinh nở sau những gì là ngoại giới đã lặn chìm. Thơ của tiếng lòng đắm say, khao khát. Thơ của những khoảng trống luôn dày vò, ám ảnh từ mộng mị, yêu thương. Thơ của những thi liệu, cảnh huống, tâm trạng, những liên kết rất xa nhưng lại cấu thành điểm hội tụ khi cảm rung đồng hiện:
… rồi sẽ ra sao khi cát bụi cuộc đời này
thêm vào lòng tay tôi, thêm vào lòng tay bạn
thuộc về thân thể tôi, thuộc về thân thể bạn
non tơ rồi sẽ ra sao, cằn trơ rồi sẽ ra sao
lẩn trong cỏ đêm thấy bài thơ cũ
tìm trong bài thơ cũ
thấy chiếc trâm cỏ thi người xưa đánh rơi
và tôi chẳng thể cầm lòng - tôi lặng lẽ
như vì sao xa nhất
Đấy là trạng thái khi tỉnh thức lúc “Ba giờ sáng.” Và, đây là cái cảm, cái linh khi tiếng lòng chợt vọng lên, chợt ngộ ra “Thế rồi một ngày”:
Rồi một ngày ta nằm dưới đất nâu
không toan tính đời thường
tiếng chuông nào đã điểm
bao hư danh mãi còn phía trước
vĩ đại bao nhiêu tiết mục cuộc đời
mà bây giờ cũng biến đi đâu rồi
những diễn viên cát bụi của ta ơi…
Thi sĩ Trần Hùng quê Minh Tân, Phú Xuyên, Hà Tây, nhiều năm sống, làm việc, gắn bó với “Non nước Cao Bằng.” Trong cái duyên của người cầm bút, tôi nhiều lần gặp Trần Hùng ở đất Cao Bằng, ở những cuộc giao lưu, tiếp xúc, ở niềm yêu đầy đặn góc lòng. Trần Hùng đẹp trai, thư sinh, lịch lãm. Với Trần Hùng, sự ăn khớp giữa thơ và người thơ là vẻ êm xanh, đằm thắm, mát lành.
Thơ Trần Hùng là mạch nguồn phù sa chảy tươi nồng, lắng xoáy. Từ tự thức, ý thức, Trần Hùng đã làm nên thơ mình trong nét riêng “Nó là Nó” trong hai chiều nhập hòa “Thế giới ấy và Tôi!”
Vâng. Tôi là tôi! Còn ai đó, có phải là cái “Gu”? Cái hòa đồng? Cái ai thích… Lại là một chuyện khác.
Tôi yêu Trần Hùng, yêu thi sĩ này, lẽ giản đơn là vậy.
Hải Phòng, 9/2015
Kim Chuông
Theo http://vanhocquenha.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Xin làm gió thổi lại đôi – Chùm thơ Huỳnh Liễu Ngạn 21 Tháng Sáu, 2023 Về thăm nhánh cỏ bên đường/ thuở chân em dẫm vô thường m...