Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Những nốt nhạc mùa thu

Những nốt nhạc mùa thu
Người ta nói rằng xuân là mùa vạn vật thay đổi mang đến hy vọng và sức sống, và mùa thu là dấu hiệu của u buồn tàn héo… Nhưng với bố tôi thì không. Lần xa xưa nói chuyện với bố, có lẽ khi còn nhỏ lắm, nhưng tôi vẫn nhớ ông đã hết lời ca tụng mùa thu, thời tiết mát mẻ dịu dàng, cảnh vật lãng mạn giúp cho con người cảm thấy dễ chịu và có hứng thú làm việc,… rằng ông thích mùa thu nhất. Ngày đó còn nhỏ quá, tôi chỉ nghe mà chưa có ý kiến, nhưng bây giờ tôi cũng đồng cảm với ông, và tin chắc hẳn còn có các thi nhân cũng đứng cùng phe với chúng tôi.
Chẳng vậy trong thi ca đã có biết bao áng thơ điệu nhạc về mùa thu. Viết về tất cả chắc chắn cần đến trình độ viết tự điển, nên trong bài viết này tôi xin khoanh nhỏ, chỉ viết về các nhạc sĩ với những bản nhạc thu bất hủ của thời tiền chiến.
Nhạc tiền chiến là dòng nhạc tân nhạc đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam khoảng cuối thập niên 1930 mang âm hưởng trữ tình lãng mạn.Nhạc tiền chiến chỉ những bản nhạc tiếng Việt theo âm luật Tây phương trước khi nổ ra chiến tranh Việt Pháp, có nghĩa là trứơc năm 1945. Điểm đáng chú ý, theo tôi, dù thuộc về thời kỳ mở đầu, có thể nói là sơ khai của dòng tân nhạc Việt Nam, nhạc tiền chiến vẫn có thể được đánh giá là những bản nhạc tuyệt đẹp, trữ tình và đi vào lòng người hơn bất cứ những bản tân nhạc nào tiếp theo sau chúng. Phải chăng có thể giải thích rằng, không như khoa học kỹ thuật, các sản phẩm càng về sau càng hay hơn, được yêu chuộng hơn, nhạc phát xuất từ cảm nhận của tâm hồn nên không theo quy luật “phát triển” này. Trái lại, còn có thể cho rằng càng hiện đại, con người càng mất dần đi những rung động với thiên nhiên, thiếu những giây phút trầm lắng nên nhạc cũ vẫn giữ riêng những nét đẹp, nét hay của nó?
Người nhạc sĩ nổi tiếng sớm nhất trong thể loại âm nhạc tây phương thời tiến chiến là Đặng Thế Phong, dù tên ông chắc không được nhắc đến nhiều như Lê Thương, Văn Cao, Dương Thiệu Tước,… Có lẽ vì người nhạc sĩ tài hoa đoản mệnh đó đã chỉ kịp để lại cho đời ba sáng tác, cả ba đều về mùa thu: Đêm Thu, Con Thuyền Không Bến và Giọt Mưa Thu.
Vào năm 1939, Đặng Thế Phong đã chinh phục ngay được thính giả với Đêm Thu, một tình khúc với những giai điệu cuốn hút, hoàn toàn không giản dị, bình thường cho một sáng tác đầu tay. Những ca từ gợi hình cũng đẹp một cách não lòng:

Vườn khuya trăng chiếu
Hoa đứng yên như mắt buồn
Lòng ta xao xuyến lắng nghe lời hoa
Cánh hoa vương buồn trong gió
Áng hương yêu nhẹ nhàng say […] Gió lay […]



Người nhạc sĩ đó hẳn phải yêu mùa thu lắm vì cả ba sáng tác của ông đều trở thành bất tử trong thi ca mùa thu, trong lòng người yêu nhạc. Sinh năm 1918 tại Nam Định, cha mất sớm nên cuộc đời Đặng Thế Phong long đong. Ông phải bỏ học khi đang trong năm thứ hai bậc thành chung, lên Hà Nội vẽ cho một số báo và học dự thính Cao đẳng Mỹ thuật, nhưng sau đó đã bỏ dở ý định theo đuổi hội họa. Truyền thuyết trong một cuộc thi vẽ, Đặng Thế Phong vẽ một thân cây cụt, không có ngọn rất đẹp. Người thầy Pháp không tiếc lời khen ngợi, nhưng lại tiên đoán e rằng Đặng Thế Phong sẽ không sống lâu được. Và quả nhiên Đặng Thế Phong đã mất vì bệnh lao khi mới 24 tuổi trên căn gác số 9 phố Hàng Đồng, Gia Định. Bản Giọt Mưa Thu ông viết vào những ngày cuối đời trên gường bệnh với tên Vạn Cổ Sầu, nhưng đổi lại thành Giọt Mưa Thu theo góp ý của bạn bè cho bớt sầu thảm.
Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Trời lắng u buồn, mây hắt hiu ngừng trôi
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu
Ai khóc ai than hờ!
Vài con chim non chiêm chiếp kêu trên cành như nhủ trời xanh
Gió ngừng đi, mưa buồn chi cho cõi lòng lâm ly.

Và bản còn lại, Con Thuyền Không Bến, cũng là một tình khúc lãng mạn sâu thấm lòng người, được sáng tác cho người yêu trong một đêm trăng mùa thu trên sông Tương. Người nhạc sĩ trẻ đã biến nhớ thương thành tuyệt phẩm:
Đêm nay thu sang cùng heo may
Đêm nay sương lam mờ chân mây
Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng
Như nhớ thương ai chùng tơ lòng.
Lời ca như một bức tranh não nùng, hòa cùng những nốt nhạc tha thiết, có lẽ ngay cả bằng phim ảnh cũng không tìm được cách nào diễn tả được cảnh sắc cảm động thấm thía hơn. Dù sự nghiệp chỉ được ba sáng tác, nhưng tinh hoa ông để lại trong ba tuyệt phẩm bất hủ này có thể vượt xa các sáng tác cả đời của nhiều nhạc sĩ khác.
Người nhạc sĩ thứ hai, Văn Cao, với những bản tình ca đựơc liệt vào hàng nổi tiếng, cũng bị mùa thu ám ảnh, và ông thường nửa đùa nửa thật giải thích là vì ông sinh vào mùa thu. Tuy nhiên, những bản nhạc thu của ông đã bớt đi nỗi buồn sâu thẳm bi lụy của Đặng Thế Phong, nhẹ đi ảnh hưởng sầu thảm từ thi ca Pháp (như bài thơ L’Adieu by Guillaume Apollinaire mà Phạm Duy dịch thành Mùa Thu Chết sau này) so với những nhạc sĩ trước đó. Hai tình khúc thu của Văn Cao chỉ man mác buồn như những bài Đường thi. Xin trích từ Thu Cô Liêu:
Thu cô liêu, tịch liêu, cô thôn chiều
Ta yêu mùa thu, yêu mùa thu
Vàng hoen đáy nước soi rõ đường đi
Một mùa thi, một mùa thi
Lá xanh rơi rụng buồn chi lá vàng.

Hay bản Buồn Tàn Thu nổi tiếng muôn thuở:
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi vừa thoáng nghe em mơ ngay bước chân chàng
Từ từ xa đường vắng, đêm mùa thu chết,
Nghe mùa đang rớt rơi theo lá vàng
Em ngồi đan áo, lòng buồn vương vấn, em thương nhớ chàng […]

Văn Cao là một nhạc sĩ tài hoa, những nhạc phẩm tiền chiến dù là tình ca hay quân hành sáng tác từ trước cuộc Cách Mạng mùa thu đều có biểu hiện những hình ảnh đẹp. Hình ảnh người tình chỉ lãng bãng, hư cấu, lý tưởng trong những bản quân hành bàng bạc cao siêu, chứ không khát máu hận thù như thời kỳ … Tiến Quân Ca. Tiếc thay vì thời cuộc, người nghệ sĩ với những dòng nhạc phong phú trữ tình đã không có môi trường tự do để sáng tác. Xin được trích sau, lời con trai ông, Văn Thao, trả lời phỏng vấn về bộ sách “Văn Cao – Đời và Nghiệp” đang soạn viết về bố:
Tôi thấy thương cha tôi thấm thía. Cha tôi chịu nỗi thiệt thòi lớn nhất của người sáng tạo là phải dừng lại 30 năm không làm được gì. 30 năm câm lặng, trầm uất, cha tôi buồn đến mức không muốn cho các con theo nghiệp làm nghệ thuật, buồn đến mức, có lúc ông muốn kiếm một nghề lao động chân tay để nuôi gia đình. Khi đi tìm lại nhân chứng tư liệu, tôi như sống lại những năm dài nhọc nhằn của cha. Ông không đựoc sinh hoạt ở các hội nghệ thuật, bài hát không được sáng tác. Tranh không có vật liệu để vẽ. Ông phải làm bìa sách, minh hoạ báo, làm vỏ hộp diêm để trang trải cho gia đình. Nếu không có 30 năm ấy, chắc chắn cha tôi sẽ đóng góp được nhiều hơn cho nền nghệ thuật nước nhà.

Văn Cao sinh năm 1923, như bao thanh niên cùng thế hệ ông theo kháng chiến chống Pháp, theo Việt Minh và đã ở lại miền Bắc sau 1954. Ông được xử dụng là nhạc sĩ trong kháng chiến và chính phủ Việt Minh, tác giả của Tiến Quân Ca, cho đến khi tham gia vào Nhân Văn Giai Phẩm, ông phải đi học tập chính trị, và không còn sáng tác tiếp. Mãi năm 1976, Văn Cao đã sáng tác trở lại với bản Mùa Xuân Đầu Tiên, vẫn tràn đầy tình cảm, trữ tình mừng mùa xuân thống nhất đầu tiên của dân tộc. Những tình ca thời tiền chiến của ông không được lưu hành ở miền Bắc, và mãi đến cuối thập niên 1980, những nhạc phẩm này mới được trình diễn trở lại ở Việt Nam. Người nhạc sĩ tài hoa bất phùng thời này từ giã cuộc đời vào ngày 10-7-1995 tại quê nhà.
Em không nghe mùa thu 
dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực, 
hình ảnh kẻ chinh phu, 
trong lòng người cô phụ
Em không nghe mùa thu, 
lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác, 
đạp trên lá vàng khô.



Bài thơ Tiếng Thu phổ biến của Lưu Trọng Lư được đi vào dòng nhạc thu tiền chiến qua tác giả bản trường ca bất tử Hòn Vọng Phu, Lê Thương, cũng là người đi tiên phong trong việc phổ nhạc các bài thơ. Ông xuất thân trong gia đình có bố mẹ là nghệ sĩ cổ nhạc. Thuở thiếu thời ông cùng các bạn nhạc sĩ Hoàng Phú, Hoàng Qúy, Canh Thân, Phạm Ngữ thành lập nhóm nhạc trẻ Đồng Vọng, đi trình diễn tại một số tỉnh thành miền Bắc. Vốn gốc hướng đạo, các bài ca của nhóm thường có âm hưởng tươi sáng và hùng tráng.
Trong sáng tác thứ hai Thu trên Đảo Kinh Châu, ông còn đi xa thêm một bước nữa xử dụng những âm giai mang đậm âm hưởng Nhật mà có một số người thiếu hiểu biết cho là ông cóp lại từ một bản nhạc Nhật. Nhưng thật ra, bản nhạc đã được ông sáng tác từ lâu, trước thời quân đội Nhật đổ qua. Đáng chú ý, bản nhạc này đã được đưa vào thể loại hát quan họ của miền Kinh Bắc ngay từ thập niên 1940.
Đàn chim bay thiết tha trên núi cao miền xa
Mang theo những nỗi buồn mộng mơ, niềm thảm sầu đã qua
Hồn thu theo gió đến ngọn núi vót cao cành mây
Gió đưa hồn thu xuống cây bao lá rơi để gió thu cuốn đi […]
Lê Thương dọn vào miền Nam từ năm 1941, ngoài sáng tác, nghề chính của ông là dạy học.
Người nhạc sĩ được kể là tài danh nhất của thế hệ nhạc sĩ tiên phong, ngoài trình độ uyên thâm cả về tân nhạc lẫn cổ nhạc, ông còn xử dụng điêu luyện nhiều nhạc cụ Tây phương lẫn cổ truyền như: hạ uy cầm, tây ban cầm, đàn tranh, đàn bầu… Đó là Dương Thiệu Tước. Cũng nhờ kiến thức sâu sắc về cả hai thể nhạc vậy mà Dương Thiệu Tước đã soạn ra những nhạc phẩm với giai điệu Tây phương nhưng lại mang âm hưởng đặc thù của dân tộc (Đêm Tàn Bến Ngự là một điển hình). Và với tính chất lịch lãm, tài hoa của ông cộng với kiến thức đã tạo ra một dòng nhạc Dương Thiệu Tước quý phái, hòa hoa, trữ tình. Về cuộc đời, ông cũng là nhạc sĩ may mắn nhất trong các nhạc sĩ thời tiền chiến. Kết hôn lần thư hai với nữ danh ca Minh Trang, hai ngừơi được kể là một cặp tài sắc vẹn toàn, để ông càng thêm cảm hứng sáng tác ra những tình ca bất hủ cho đời: Bóng Chiều Xưa, Ngọc Lan, Tiếng Xưa … Dương Thiệu Tước di cư được vào Nam, làm chủ sự ở đài phát thanh Saigon và dạy đàn tại Quốc Gia Âm Nhạc, cả gia thế lẫn hoàn cảnh đều thuận lợi tạo cho ông có môi trường sáng tác viên mãn nhất. Ông qua đời tại Sài gòn ngày 1-8-1995 (chỉ sau Văn Cao chưa đầy một tháng) ở tuổi 80. Tất nhiên trong sự nghiệp gồm khoảng 200 bản nhạc bao gồm nhiều tuyệt tác của Dương Thiệu Tước không thể thiếu được một bản cho mùa thu:
Chiều thu vấn vương vì đâu
Người ra đi nhớ chăng hôm nao
Trong lúc chia tay nhìn nhau
Thầm giấu ai đôi hàng lệ sầu
 (Ước Hẹn Chiều Thu)
Đến đây mong rằng các bạn đọc đã có được những giây phút êm ả, hoài cảm về những ngày xưa luyến ái, xin được chuyển tới các bạn thêm một suy nghĩ nhỏ cho phần kết:
Mùa thu, mùa lá rụng, mùa diễm tuyệt của thi nhân, nhưng với bản chất … thiếu thi vị của người viết, mùa thu lại được yêu thích và nhìn theo một khía cạnh khác. Với tôi, những lá vàng tả tơi theo gió, lìa khỏi những thân cây cứng cỏi trong trời ảm đạm như để dành lại sức sống dự trữ trong cây, để cho sức sống đó âm ỉ tiềm tàng qua mùa đông lạnh giá sẽ sinh mầm cho những chiếc lá mới, mạnh mẽ trở lại đón chào xuân. Tôi tự hỏi mỗi người chúng ta có thấu hiểu và tuân phục quy luật tạo hóa như … cây lá trong mùa thu? Cho đi những chiếc lá héo úa cũ kỹ để năng lực xuất tiết những chiếc lá mới xanh tươi, cho những đổi mới sau mùa đông lạnh lẽo…
Bảo Như
Theo http://yume.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...