Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Con đường của câu thơ sớm bạc đầu đá núi

 Con đường của câu thơ sớm bạc đầu đá núi
Thay lời mở
Tập thơ này là tập thứ 9 của Dương Tam Kha. Và là tập thơ thứ 4 sau khi anh rời Sơn La - Nơi mà anh từng bao năm "Một mình một bóng gói lời nhớ thương..." Rời vùng núi Tây Bắc để lên sống vùng núi Tây Tây Bắc, có thể gặp nhiều thú vui hơn, nhưng xem ra anh chưa giây phút nào quên nổi "Đường núi" gắn với một thời tuổi trẻ cơ hàn.
Người trai đêm này lang thang
Cô đơn rừng xa lối vắng
Tìm em bóng hình thấp thoáng
Chập chờn thao thức miên man...
                                   (Tình anh )
Nơi ấy, chỉ một hình bóng nhỏ nhoi của núi rừng vụt qua ký ức cũng khiến hồn thơ anh thổn thức, dạt dào:Khăn Piêu em thêu dưới ánh nắng vàng...Đêm đêm đầu sàn chuốt từng sợi trăng (Mùa lau chín )- Bước chân nàng tiên núi rừng in bóng (Đêm hội)- Em dệt sợi lanh dài đợi chàng cả mùa trăng (Tình núi)
Anh dường như lúc nào cũng nghe thảng thốt trong tâm tưởng lời gọi của cô gái mặc áo cóm Khăn piêu vẫy gọi bên suối trong:
Về đi anh! Về đi anh!
Trăng đầu non nụ biếc xanh chồi
Vầng trăng khuyết vơi đầy mong đợi
Bờ suối vắng em nhớ lời hò hẹn
Cây cầu đong đưa lắng nhịp bàn chân
                (Anh có nghe) nghe) nghe)
Nơi ấy có "Những tháng ngày rộng dài" và cũng tràn ngập nỗi cô đơn ngọt ngào:
Măng rừng rau ngải đắng
Một mình đồi núi vắng
Em xa và rất xa...
                   (Mưu sinh)
Không phải ngẫu nhiên mà Sông Đà thành nỗi nhớ/ Theo suốt cuộc đời tôi... (Nhớ sông Đà). Bởi anh đã từng đi tới ngọn nguồn sông Đà trong bao niềm khát khao mơ mộng, và cũng có cả nỗi tuyệt vọng đớn đau; song mảnh đất ấy, cánh rừng ấy và dòng sông ấy cũng là cội nguồn tình yêu của đời anh:
Nhớ thuở ban đầu anh yêu em
Nơi cánh rừng hoang vu mặt trời đậu đỉnh tầng tán lá
Mầm cây vươn mình đón ánh bình minh
Những giọt sương lung linh tan dần vào thinh không trầm lặng
Những chú chim rừng líu lo, nắng tràn dát quanh cổ thụ...
                     (Cõi mộng)
Một trong những bài thơ làm gần đây nhất đã cho thấy cảm nhận của anh về Tây Bắc sao mà rực rỡ, bay bổng, tựa như anh được sống trong giấc mộng- dù đó chỉ là những hình ảnh của thực tế:
Bản nhỏ cheo leo giữa rừng
Rực rỡ khăn piêu, áo váy, đệm bông
Trinh trắng thơm hương ban nghiêng bờ suối
Sơn nữ hay nàng tiên rạng ngời ánh trăng?...
Và không chỉ là giấc mộng đẹp mà còn có cả ác mộng nữa:
Cánh rừng nguyên sinh thiên nhiên kiệt cùng sự sống
Dòng sông đỏ thác réo gầm rừng động...
                              (Rừng hoang)
Những mảnh ký ức đắm say về "Đường núi" thường đến với DTK trong cảnh vật phố thị ồn ào xa lạ:
Dòng người trôi muôn ngả đường đời
ánh đèn phố thị nhạt nhòa
Ngõ quanh mịt mờ cát bụi...
                      (Kí ức)
Từ điểm tựa là "Đường núi", anh ngẫm chuyện đời từ thuở hồng hoang (Biển tắm Ngọc Vừng) và nhớ lại "Tình đầu" xa lắc:
Trăng soi đỉnh núi
Trời đầy sương
Mây trắng mênh mang...
Và cũng với cái hồn vía thẳm sâu của "Đường núi", anh thường gắng tìm đến chân dung tinh thần đích thực của mình giữa cuộc đời ngổn ngang:
 Nhiều lúc cầm gương soi
Tóc râu ngày thêm bạc
Công danh, chức quyền xa lánh
Mây ngưng lưng núi đỉnh ngàn
Ước mình chim trời vỗ cánh...
             (Soi Gương)  
Quầng mây đen phủ kín bầu trời
Lợi ích nhóm bầy người chia chác
Cáo buộc, mọn hèn, bon chen
Thoảng hương thơm đài sen tỏa ngát
Đóa quỳnh đêm khuya thanh khiết
Non cao vầng trăng ngời sáng
              (Đêm khuya)
Thôi hãy quên một đời từng khổ nhục
Lũ gian tà kéo vây cánh bủa quanh
Ngẩng cao đầu đôi chân ta mạnh bước
Tạc dáng hình cổ tháp trước bình minh...
               (Dáng hình cổ tháp)
Chỉ những người quen sống ở rừng, ở đường núi, mới có thể có sự quan sát tỉ mỉ và khác lạ về cảnh vật xứ biển như thế này:
Những con còng gió ngây thơ bờ lá cỏ
Bầy dã tràng se tổ nương thân
Con ốc biển vùi mình cát lấp
Muôn lớp sóng dồi quặn lòng biển đau.
Trong tập thơ mới nhất này của DTK, có lẽ nổi bật hơn cả về nghệ thuật chính là chùm thơ 4 câu và chùm thơ Hai Ku. Tôi chỉ xin phép dẫn lại đôi bài để nhấm nháp cái thú vị của thơ một người từng làm hàng trăm bài thơ dài, từng viết cả trường ca, đã tự nhốt mình một cách khá nhuần nhị trong câu chữ hạn chế mà dư ba mãi không dứt: 
Nghe đêm gió hát động cành
Sương khuya ủ lạnh liếp mành song thưa
Nghe đơn côi gối chăn thừa
Tỉnh mơ em hiện trăng vừa ghé thăm...
               (Nghe đêm)
     Sự đời khi nắng khi mưa
Nhớ trung du biết bao giờ cho nguôi
     Chiếu gon trải giữa sân đồi
Một mình chuốc cạn trăng trời chưa say...
               (Lại nhớ Trung du)
          Gắng non mòn sông cạn
          Rừng sâu sương rơi đầm mắt phật
          Lòng thành lộc trời ban.
          Hồn lạc mờ khói sương
          Câu thơ sớm bạc đầu đá núi
          Cửa từ bi tỏa hương.
          Gió cát lặng thầm hát
          Biển cả bao dung thuyền xuôi ngược
          Nước mắt đời mặn chát.
          Tiếng ve xanh hàng cây
          Hè tàn xác vùi sâu đáy cỏ
          Phách hồn đợ chốn đời.
          Cành tre trăng non đậu
          Sóng biển mênh mang thuyền cập bến
          Đất trời nối duyên đầu.
Trước sau, DTK bạn tôi vẫn là người mang cái nghiệp vừa khốn khổ vừa kiêu hãnh, cái nghiệp của kẻ "phiêu dạt giang hồ"- song cũng bình dị như người đi chợ, làm ruộng mà thôi:
Sột soạt ngọn bút chạy tràn trang giấy trắng
Người đàn bà thức giấc nửa đêm
Chờ phiên chợ sáng đèn trăng
Đồng bãi ngày giáp hạt
Gùi yên lưng ngựa phiêu dạt giang hồ...
              (Đêm)
Chắc lúc này, DTK lại đang ngẩn ngơ nhớ về "Đường núi" thân thuộc và đắng cay của hai chúng tôi...
Hà Nội, thu 2013
Nguyễn Anh Tuấn
Theo http://duongtamkha.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...