Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Nét bình yên trong thơ Nguyễn An Bình

Nét bình yên trong thơ Nguyễn An Bình 
Thơ anh không dữ dội, cho dù có những bài như “hành”, man mác chút lãng tử đã xa, song cái chính vẫn là “chữ tình”. Tôi nghĩ, anh cũng sẽ có nhiều những người đồng điệu, đồng cảm trên bước đường thi ca… (Trần Hoàng Vy)
62 bài thơ, với lời giới thiệu của nhà văn Mang Viên Long và phụ lục những cảm nhận của bạn bè thân hữu: Lê Liên, Hoài Huyền Thanh, Ngưng Thu…đã làm nên diện mạo một cây bút thơ, với những phút mong chờ bình yên của thi cảm…
Nguyễn An Bình làm thơ khá lâu, 16 tuổi đã in thơ, 19 - 20 tuổi có thơ in trên tạp chí Văn, một tờ tạp chí văn nghệ “sang trọng” và có tiếng tăm thời đó ở miền Nam. Bẵng đi một thời gian, tìm… bình yên cho cuộc sống, khi đã bước qua lứa tuổi “tri thiên mệnh”, anh trở lại với nghiệp thơ, cũng là sự tìm kiếm lắng lại những bình yên cho tâm hồn, bằng những vần thơ của một thời: “Từ thuở yêu người tim chợt thức/ Mọc nhánh rong buồn một góc sân/ Sớm nắng chiều nghiêng theo lặng lẽ/ Góc nhớ đường quen mòn vết chân…” (Đánh mất vầng trăng, trang 10), để: “Thơ tình anh viết từ dạo ấy/ Tuổi đôi mươi vụng dại bao lần/ Năm tháng tuổi xuân đi biền biệt/ Đắng lòng chưa hết nỗi bâng khuâng” ( trang 11), và rồi: “Ai người nhả chữ gieo thơ/ Hương tình xưa có đợi chờ mà trông/ Gởi cùng áo lụa qua sông/ Tìm đâu chiếc lá diêu bông tặng người?” (Áo lụa qua sông, trang 12)
Có chút gì đó miên man buồn, cái hoài niệm năm tháng cũ, cho dù đã xa lăng xa lắc: “Xưa ta một trời đầy đại mộng/ Danh không thành chưa trở về quê/ Qua cầu trời đất ngùi thương nhớ/ Mơ lối huyền sương lạc nẻo về.”(trang 16), và còn đó những mùa chinh chiến cũ, buồn thương day dứt: “Anh đưa em về miền Năm Căn/ Ở đó phù sa ngập ruộng đồng/ Tháng chạp đến mùa dưa hấu chín/ Ngọt tình ngọt lịm cả dòng sông” (Viết cho ngày ngưng bắn, trang 29), và “Bạn sau mùa chinh chiến/ Không về, lại ly hương/ Ngày đi ai đưa tiễn/ Phong trần kiếp gió sương?” (Sau mùa chinh chiến, trang 34). Thơ phảng phất nét truyền thống cũ, là gã giang hồ, tên lãng tử… trước sóng gió của cuộc đời, phù hư danh lợi, và chìm đắm trong sóng tình lãng đãng: “Trước thềm năm ngoái đêm nay/ Trái tim tôi có sông đầy nước trôi/ Thương em quá đổi bùi ngùi/ Sầu trăm năm nhớ một thời yêu nhau.” (Cuối năm nhớ thời yêu em, trang 36). Và với mong ước bình an: “Về đi thôi đã bao mùa nắng lạ/ Con chim gầy về đậu trước vòm hiên/ Hót lãnh lót bài tình ca thuở ấy/ Để hồn tôi như chiếc lá bay nghiêng.”.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Nguyễn An Bình đã từng là thầy giáo, song nét nghiêm khắc, mô phạm không làm anh bớt đi những vần thơ huyễn mộng, đau tình: “Thì em một lần nghe anh nói/ Dù mộng không tròn cũng thế thôi/ Anh sẽ ra đi sầu viễn khách/ Từng đêm ru giấc ngủ ngậm ngùi.” (Dòng sông ngã bảy, trang 76). Những bài thơ làm từ hồi… non tơ, yêu em và làm thơ, cũng được anh trân trọng đưa vào tập: “Cũng như anh một đời trên bục giảng/ Trong nỗi buồn thoáng chốc đã lên ngôi/ Tình yêu ơi! Sao chia nhiều lối mộng/ Để ngàn năm anh thương nhớ một người.” (Về Cần thơ ngắt chùm tương tư thảo, trang 19). Tôi đọc và nhận ra anh đang tìm kiếm một tình yêu đích thực hay đang tìm kiếm những bình yên cho chính mình, khi anh tâm sự: “Anh sẽ trao chùm hoa tương tư thảo/ Gởi cho em làm kỷ vật sau nầy” (trang 19)?
Với bạn bè, người thân trong gia đình, Nguyễn An Bình vẫn mong tìm đến những sự bằng an cho cuộc sống: “Tôi cứ ngỡ em là nàng công chúa/ Ngủ trong rừng đợi hoàng tử hôn nhau.” (trang 21), cũng như:“Bạn đi mưa bụi mù sương tuyết/ Lãng tử một đời như trăng khuyết…/ … Trăm năm nào có ai không chết?/ Tiễn bạn ngùi ngùi, rượu cạn hết/ Ta khẽ ngâm bài “Khuê oán thi”/ Phong ấn công hầu sao thấm mệt.” (trang 25), và khi người thơ, gã thi sĩ nghĩ đến con trai đang sống rất xa nhà thì: “Nhắc máy đi con đừng làm ba lo lắng/ Sao thời gian trôi chậm chạp vô cùng/ Đồng hồ cát thong dong rơi từng hạt/ Mà lòng ba khắc khoải đến từng cơn.” Hay như “Thầm ước mơ con vẫn còn bé nhỏ/ (Dầu biết rằng đó chỉ ước mơ suông)/ Nơi xứ người có bao mùa tuyết lạnh/ Nhớ quê nhà còn nắng ấm nghe con!” (Nắng ấm quê nhà, trang 45). Cảm động thay một tấm lòng phụ tử, dù là kẻ làm thơ vẫn mong nắng ấm cho mọi người dù hắn là kẻ du tử cơ hàn? Thơ mang thông điệp nhân văn có lẽ vì thế!...
Chợt nhớ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm đã từng viết: “Đông lưu chi thủy/ Thảm mạc hồi ba” (Nước sông chảy về biển đông. Buồn sóng không trở lại), đó là đạo trời đất chu lưu không ngừng. Con sóng đời đẩy ra xa nỗi buồn, tâm sự để thấy lòng mình bình yên, thanh thản. Bản tính Nguyễn An Bình xem ra cũng rất hiền, ít nói. Có gì đó cũng mong buồn trôi xa, bình yên trở lại, đó là cái thực của lòng. Thơ anh không dữ dội, cho dù có những bài như “hành”, man mác chút lãng tử đã xa, song cái chính vẫn là: “Gởi em một bài thơ/ Từ quê nhà cách trở/ Gởi em những ngày xưa/ Suốt đời anh vẫn nhớ” (trang 47). Tôi nghĩ, anh cũng sẽ có nhiều những người đồng điệu, đồng cảm trên bước đường thi ca…
TRẦN HOÀNG VY
(Đọc CÒN MỘT CHÚT MƯA BAY, NXB Hội Nhà Văn,
Văn Tuyển ấn hành, quí IV/ 2013)
Theo http://vantuyensaigon.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...