Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Hình ảnh thuyền và trăng trong thơ Hàn Mạc Tử

Hình ảnh thuyền và trăng trong thơ Hàn Mạc Tử
Nhà thơ "Hàn Mặc Tử" cò viết
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Ai cũng biết, dòng sông không thể là dòng sông trăng và thuyền càng không thể trở trăng, nhưng hình ảnh ánh trăng, con thuyền và dòng sông trong câu thơ trên vẫn tạo nên một bức tranh thơ mộng. vì sao? câu thơ ấy gợi cho em nghĩ tới câu ca dao nào mà ở đó, ánh trăng cũng được cảm nhận thật cụ thể và tinh tế, làm tôn lên vẻ đẹp của con người?.
Vầng trăng của nhà thơ Hàn Mặc Tử lại phong cách tuyệt vời, vầng trăng ấy cứ nấn ná giữa bến sông, nhà thơ chờ mãi, bèn hỏi con đò của ai, lại cũng phong cách như vầng trăng, chần chờ chưa rời bến, đến nỗi Hàn Mặc Tử phải thốt ra thơ rằng:
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

(Hàn Mặc Tử)
Ôi sao mà khách sáo, nhiêu khê thế, hay khách yêu trăng vốn ngại ngần, muốn có trăng riêng chỉ của mình, trong lúc trăng muôn thu, ngàn kiếp của vũ trụ, nhân gian, làm sao gọi thuyền tình chở trăng về bến mộng chứ.
Ngày xưa, thủa còn thiếu nữ, tôi viết tập thơ Mùa Trăng Con Gái, ý nói trăng tròn 16, trăng dậy thì, thế mà có ít vị nam nhi cũng còn chưa khôn lớn như tôi, bèn nhếch miệng cười... bút chiến:
“Trăng của chung thiên hạ, kể cả nam, phụ, lão, ấu... chẳng của riêng ai mà xí phần nhé.”
Tôi đành làm thơ trăng thì cứ làm, nhưng không dám đề (Mùa trăng con gái) trong ngoặc lớn, dưới tên tác giả nữa.
Tôi vẫn yêu trăng như quý vị sáng tác và quý khách ngắm trăng - biết bao lời lẽ tôn sùng, mê đắm trăng, giới văn học nghệ thuật thì hầu như nghề nào, nghiệp nấy thổ lộ, tôn vinh trăng, nào là suối trăng, sông trăng, biển trăng, rừng trăng, đồi trăng, vườn trăng, sân trăng, hiên trăng, thềm trăng, v.v...
Cứ thế quý vị tác giả thi văn sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, v.v... biểu lộ, luận bàn về trăng.
Nếu các văn thi sĩ, nhạc sĩ, thốt ra lời, như thi sĩ Hàn Mặc Tử nhắn hỏi thuyền ai đậu bến sông trăng, có chở trăng về cho Hàn thi sĩ kịp tối nay không? Sao không đợi tối mai, tối mốt v.v... mà phải tối nay, sợ không kịp nữa, vì có thể mai mốt trăng già hơn, không còn tròn như trăng mười sáu chẳng hạn.

Nhạc sĩ Văn Cao thì:
Thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian...
Ánh trăng nơi thiên thai của Văn Cao mầu xanh, không phải mầu vàng kim, hay mầu nguyệt bạch như thường thấy, có nghĩa là ánh trăng... bình thường thôi, nhưng phản ảnh qua rừng cây, vách núi, uyển chuyển, dạt dào, mềm mại như dòng suối, ánh trăng tạo thành dòng suối vậy.
Tình cờ tôi được nghe thi sĩ Cung Trầm Tưởng diễn tả vầng trăng mùa Ðông ở Minnesota, cho Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế lúc sinh thời nghe:
“Ánh trăng xuyên qua thành phố tôi ở ông ạ, nó màu xanh lạ lắm, chưa bao giờ tôi thấy trăng màu xanh.”
Giáo Sư Nguyễn Sỹ Tế cười nụ, rất sư phạm, có lẽ nhà giáo vẫn đinh ninh trăng phải màu vàng, màu ngà, hay có thể tán thành vòng trắng mỏng khi đêm về sáng.
Mới đây, tôi có dịp lên thủ phủ Cali, lại cũng tình cờ, tới thăm một tư thất thân quen, gia chủ là nhiếp ảnh gia Ðặng Ðức Cương, đúng lúc ông từ phố thị Sacto trở về, nhiếp ảnh gia cho tôi xem mấy bức ảnh mà ông ghi hình được từ thời còn ở Phan Rang, cách đây chắc cũng nửa thế kỷ.
Nơi bức tranh chụp ban đêm ở dòng sông, có chiếc thuyền chơi vơi dưới vầng trăng tròn, đẹp lạ kỳ, ấy là trong vòng cung trăng, hiện rõ ràng hình ảnh cây đa mà quý vị đã thấy ở ngoài... đời.
Nhiếp ảnh gia đã lão thành, nên khá nhiều kinh nghiệm về chụp hình trăng. Cụ ôn tồn, ý nhị, chỉ vầng trăng trong bức ảnh trắng đen, tất nhiên trăng màu trắng, có hình cây đa mờ màu đen, thuyền neo màu đen sậm, trên sông trăng dưới ánh sáng bạc tuyệt vời. Ở góc trái, phía trên, là 2 câu thơ dẫn thượng, của thi sĩ Hàn Mặc Tử từ thủa xa xôi.
Sự kiện chan hòa đến nỗi thơ đã nhập vào ảnh từ bao giờ, hay tình cờ chụp được ảnh bến sông, dòng sông có ánh trăng tròn kia, giống y... thơ Hàn Mặc Tử, nên cụ tức cảnh sinh tình, mượn thơ Hàn Thi Sĩ đề vào bức ảnh. Tôi hỏi:
“Ảnh đẹp như thế này, mà sao cụ không triển lãm?”
“Có chứ, nhóm ảnh của chúng tôi đã trưng bày được mấy lần ở đây.”
“Sao quý cụ không triển lãm gần, xa?”
“Thôi được rồi, ở Sacto cho gần nhà, vả lại dưới Nam Cali, cũng có 2 hội ảnh lớn, thay phiên triển lãm. Song, tôi thấy trăng của quý vị khác, thường chỉ là một hình tròn màu trắng trên nền đen. Còn tôi, thủa xưa tôi canh lắm, mới chụp được bức ảnh này.”

Nhiếp ảnh gia Ðặng Ðức Cương rất hòa nhã, không có ý khoe, chỉ nhận định cho có ý kiến thôi. Cụ hỏi tôi:
“Cô có thấy hình cây đa đó không?”
“Dạ thấy, in trong lòng vầng trăng.”

“Cây đa, vầng trăng, thì cũng thường thôi, điều tôi, cụ nhiếp ảnh gia, đắc ý nhất là bức ảnh tôi chụp đây, nói lên được tinh thân 2 câu thơ của Hàn Mặc Tử cô ạ. Bến sông này, con thuyền đó, vầng trăng kia, ôi, một hư không đầy phẩm cách.”
“Vâng, cái hư không ở tinh thần thơ, cái phẩm cách ở sắc thái hình ảnh này, cô đơn mà vẫn chấp nhận vũ trụ quan, nhân sinh quan một cách không thể chối cãi được Chân, Thiện, Mỹ của sự vật - thi sĩ Hàn Mặc Tử mang về cho chúng ta một học thuyết Duy Mỹ, đẹp từ lời thơ đến ý thơ.”
“Thế là cô hiểu được bức tranh này rồi, bức ảnh chứ, ảnh là từ thực tế, còn tranh cần thêm tưởng tượng. Họa sĩ, nhiếp ảnh gia đều có một ngôn ngữ tĩnh lặng, hình ảnh là lời lẽ vô ngôn, Hàn Mặc Tử thốt ra được ngôn ngữ của ảnh, bởi Hàn quân tử là thi sĩ, diễn tả giùm chúng tôi tiếng nói của hình ảnh thiên nhiên bao la, trầm lặng...”
Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
“Đây thôn Vĩ Dạ” - Hàn Mặc Tử. Cảm nhận thơ trữ tình xét cho cùng là cảm nhận "cái tình" trong thơ và tâm trạng của nhân vật trữ tình trước thiên nhiên, vũ trụ, đất trời. Đến với thơ ca lãng mạn Việt Nam, giai đoạn 1932 -1945 "ta thoát lên trên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu" (Hoài Thanh- Thi nhân Việt Nam). Đúng thế, bạn đọc đương thời và hôm nay yêu thơ của Hàn Mặc Từ bởi chất "điên cuồng" của nó. Chính "chất điên" ấy đã làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, mới mẻ của Hàn Mặc Tử. "Chất điên" trong thơ ông chính là sự thay đổi của tâm trạng khó lường trước được. Nét phong cách đặc sắc ấy đã hội tụ và phát sáng trong cả bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ rất tài hoa và cũng rất đỗi bất hạnh này. "Đây thôn Vĩ Dạ" trích từ tập Thơ Điên của Hàn Mặc Tử. Chất điên cuồng ấy thể hiên cụ thể và rõ nét trong khổ thơ:
"Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?"
Với lời trách cứ nhẹ nhàng dịu ngọt vừa như một lời mời, Hàn Mặc Tử trở về với thôn Vĩ Dạ trong mộng tưởng:
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cây nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Cảnh vật ở thôn Vĩ Dạ - một làng kề sát thành phố Huế bên bờ Hương Giang với những vườn cây trái, hoa lá sum suê hiện lên thật nên thơ, tươi mát làm sao. Đó là một hàng cau thẳng tắp đang tắm mình dưới ánh “nắng mới lên” trong lành. Chưa hết, rất xa là hình ảnh “nắng hàng cau nắng mới lên” còn rất gần lại là “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”. “Mướt quá” gợi cả cây nhung non tràn trề sức sống xanh tốt. Màu “mướt quá” làm cho lòng người như trẻ hơn và vui tươi hơn. Lời thơ khen cây cối xanh tốt nhưng lại nhu huyền ảo, lấp lánh mới thấy hết cẻ đẹp của “vườn ai”. Trong không gian ấy hiện lên khuôn “mặt chữ điền” phúc hậu, hiền lành vừa quen vừa lạ, vừa gần, vừa xa, vừa thực vừa ảo bởi “lá trúc che ngang”. Câu thơ đẹp vì sự hài hòa giữa cảnh vật và con người. “Trúc xinh” và “ai xinh” bên nhau làm tôn lên vẻ đẹp của con người. Như vậy tâm trạng của nhân vật trữ tình ở đoạn thơ này là niềm vui, vui đến say mê như lạc vào cõi tiên, cõi mộng khi được trở về với cảnh và người thôn Vĩ.

Thế nhưng cũng cùng không gian là thôn Vĩ Dạ nhưng thời gian có sự biến đổi từ “nắng mới lên” sang chiều tà. Tâm trạng của nhân vật trữ tình cũng có sự biến đổi lớn. Trong mắt thi nhân, bầu trời hiện lên “Gió theo lối gió mây đường mây” trong cảnh chia li, uất hận. Biện pháp nhân hóa cho chúng ta thấy điều đó. “Gió theo lối gió” theo không gian riêng của mình và mây cũng thế. Câu thơ tách thành hai vế đối nhau; mở đầu vế thứ nhất là hình ảnh “gió”, khép lại cũng bằng gió; mở đầu vế thứ hai là “mây”, kết thúc cũng là “mây”. Từ đó cho ta thấy “mây” và “gió” như những kẻ xa lạ, quay lưng đối với nhau. Đây thực sự là một điều nghịch lí bởi lẽ có gió thổi thì mây mới bay theo, thế mà lại nói “gió theo lối gió, mây đường mây”. Thế nhưng trong văn chương chấp nhận cách nói phi lí ấy. Tại sao tâm trạng của nhân vật trữ tình vốn rất vui sướng khi về với thôn Vĩ Dạ trong buổi ban mai đột nhiên lại thay đổi đột biến và trở nên buồn như vậy?. Trong mộng tưởng, Hàn Mặc Tử đã trở về với thôn Vĩ nhưng lòng lại buồn chắc có lẽ bởi mối tình đơn phương và những kỉ niệm đẹp với cảnh và người con gái xứ Huế mộng mơ làm nên tâm trạng ấy. Quả thật “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” nên cảnh vật xứ Huế vốn thơ mộng, trữ tình lại bị nhà thơ miêu tả vô tình, xa lạ đến như vậy. Bầu trời buồn, mặt đất cũng chẳng vui gì hơn khi “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”.
Dòng Hương Giang vốn đẹp, thơ mộng đã bao đời đi vào thơ ca Việt nam thế mà bây giờ lại “buồn thiu” – một nỗi buồn sâm thẳm, không nói nên lời. Mặt nước buồn hay chính là con sóng lòng "buồn thiu” của thi nhân đang dâng lên không sao giấu nổi. Lòng sông buồn, bãi bờ của nó còn sầu hơn. “Hoa bắp lay” gợi tả những hoa bắp xám khô héo, úa tàn đang “lay” rất khẽ trong gió. Cảnh vật trong thơ buồn đến thế là cùng. Thế nhưng đêm xuống, trăng lên, tâm trạng của nhân vật trữ tình lại thay đổi:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Sông Hương “buồn thiu” lúc chiều dưới ánh trăng đã trở thành “sông trăng” thơ mộng. Cắm xào đậu bên trên con sông đó là “thuyền ai đậu bến”, là bức tranh càng trữ tình, lãng mạn. Hình ảnh “thuyền” và “sông trăng” đẹp, hài hòa biết bao. Khách đến thôn Vĩ cất tiếng hỏi xa xăm “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Liệu “thuyền ai” đó có chở trăng về kịp nơi bến hẹn, bến đợi hay không? Câu hỏi tu từ vang lên như một nỗi lòng khắc khoải, chờ đợi, ngóng trông được gặp gương mặt sáng như “trăng’ của người thôn Vĩ trong lòng thi nhân. Như thế mới biết nỗi lòng của nhà thơ giành cho cô em gái xứ Huế tha thiết biết nhường nào. Tình cảm ấy quả thật là tình cảm của “Cái thưở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm nào dễ mấy ai quên” (Thế Lữ).
Đến đây ta hiểu thêm về lòng “buồn thiu” của nhân vật trữ tình trong buổi chiều. Như vậy diễn biến tâm lí của thi nhân hết sức phức tạp, khó lường trước được. Chất “điên” của một tâm trạng vui với cảnh, buồn với cảnh, trông ngoáng, chờ đợi vẫn được thể hiện ở khổ thơ kết thúc bài thơ này: 
“Mơ khách đường xa khách dường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?”
Vẫn là một tâm trạng vui sướng được đón “khách đường xa”- người thôn Vĩ đến với mình, tâm trạng nhân vật trữ tình lại khép lại trong một nỗi đau đớn, hoài nghi “Ai biết tình ai có đậm đà?”. “Ai” ở đây vừa chỉ người thôn Vĩ vừa chỉ chính tác giả. Chẳng biết người thôn Vĩ có còn nặng tình với mình không? Và chẳng biết chính mình còn mặn mà với “áo em trắng quá” hay không? Nỗi đau đớn trong tình yêu chính là sự hoài nghi, không tin tưởng về nhau. Nhân vật trữ tình rơi vào tình trạng ấy và đã bộc bạch lòng mình để mọi người hiểu và thông cảm. Cái mới của thơ ca lãng mạn giai đoạn 1932- 1945 cũng ở đó.
Đọc xong bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, nhất là khổ thơ “Gió theo lối gió -…. kịp tối nay” để lại trong lòng người đọc những tình cảm đẹp. Đoạn thơ giúp ta hiểu thêm tâm tư của một nhà thơ sắp phải giã từ cuộc đời. Lời thơ vì thế trầm buồn, sâu lắng, đầy suy tư. Bạn đọc đương thời yêu thơ của Hàn Mặc Tử bởi thi nhân đã nói hộ họ những tình cảm sâu lắng nhất, thầm kín nhất của mình trong thời đại cái “tôi”, cái bản ngã đang tự đấu tranh để khẳng định. Tình cảm trong thơ Hàn Mặc tử là tình cảm thực do đó nó sẽ ở mãi trong trái tim bạn đọc. Ấn tượng về một nhà thơ của đất Quảng Bình đầy nắng và gió sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí người Việt Nam. 

 Nguyễn Trung Ngân
Theo http://mocnoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...