Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

70 năm Dế mèn phiêu lưu ký

70 năm Dế mèn phiêu lưu ký 
Nếu có cuộc bình chọn 10 tác phẩm văn học Việt Nam dành cho thiếu nhi hay nhất từ trước đến nay, có lẽ truyện đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài sẽ dẫn đầu.
Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Hà Nội cùng NXB Kim Đồng cũng vừa tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký.
"Một con dế đã từ tay Tô Hoài thả ra chu du thế giới tìm những điều tốt đẹp cho loài người. Dế Mèn Tô Hoài đã lại sinh ra Tô Hoài Dế Mèn, một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương, luôn luôn tìm cách sống với cái thường ngày, cái lúc này ở đây, để ngay cả khi tuổi đã đại lão ông vẫn còn có được những trang viết tươi rói, tung tẩy, như thuở mới tung tăng cùng dế."
Dế Mèn 71 chứ không phải 70 tuổi
Chú Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài ra đời ở làng Nghĩa Đô, ven bờ sông Tô Lịch của Hà Nội vào năm 1941, nên năm nay ở tuổi 71. Thời đó chàng trai Nguyễn Sen (tên thật của Tô Hoài) mới 18 tuổi, “phải làm phu đi đắp đê ngoài sông Cái. Ngày ngày lên Sù, Gạ làm việc, canh đê, đắp đê”. Từ những ngày tháng lam lũ đó mà “tôi lại viết được một cái truyện ngắn như phóng sự tên là Nước lên, ký là Tô Hoài (tức sông Tô ở phủ Hoài Đức). Tôi đem cái truyện ngắn ấy gửi tuần báo Hà Nội tân văn ở phố Hàng Buồm”, Tô Hoài chia sẻ.
Truyện gửi tới báo, lại được nhà văn Nguyễn Công Hoan nhận xét “anh viết cũng hóm đấy”, Tô Hoài bắt đầu tự tin hơn. Qua Nguyễn Công Hoan giới thiệu, Tô Hoài biết đến ông Vũ Đình Long - chủ NXB Tân Dân, nơi hồi đó đang ra tuần báo Truyền bá dành cho tuổi trẻ, dày 36 trang.
Nhà văn Tô Hoài nhớ lại: “Bấy giờ, ở Hà Nội đã có những loại sách viết cho thiếu nhi như Hoa Xuân, Hoa Mai của nhà in Cộng Lực và cả ở Tự Lực văn đoàn, ông Khái Hưng cũng viết truyện cổ tích cho thiếu nhi. Tôi hay ngồi tha thẩn đầu làng bên cửa sông Tô Lịch, trông ra dòng nước quanh co. Trên bãi cỏ, có mấy đám trẻ đang múc nước đúc dế. Trước đó, hằng ngày những lúc thong thả, tôi vẫn ra bãi sông chơi đúc dế. Những con dế mèn được đúc bỏ vào rọ, đem ra chơi cho dế vật nhau. Tôi đã đúc dế, chơi dế từ năm lên mười bên cây gạo. Tôi chợt nghĩ: Hay là ta viết truyện con dế mèn. Con dế mèn ta đúc, ta chơi, chơi chọi dế từ bao năm nay. Nghĩ thế, rồi mấy hôm liền tôi viết truyện Con Dế Mèn”.
Hơn một tháng sau, NXB Tân Dân đã in Con Dế Mèn trong tuần báo Truyền bá, Tô Hoài được trả 10 đồng nhuận bút (hồi đó 3 đồng mua được 1 tạ gạo). Thấy sách bán được, ông Vũ Đình Long - chủ NXB Tân Dân liền “đặt hàng” Tô Hoài viết tiếp một tác phẩm gì đó, cũng cho thiếu nhi. Thế là được đà, Tô Hoài viết tiếp hai tập Dế Mèn phiêu lưu ký, in liền trong hai số Truyền bá 16, 17 (tháng 1-1942). Lần ấy tác phẩm vẫn bán chạy, Tô Hoài được trả 100 đồng nhuận bút. Tuy nhiên, vì sách xuất bản trong thời thuộc Pháp, kiểm duyệt chặt nên bản thảo đã bị cắt nhiều đoạn chủ yếu liên quan đến thực dân Pháp.
Sau này, cả ba cuốn được tập hợp dưới tên gọi Dế Mèn phiêu lưu ký và tác giả đã cố phục hồi theo trí nhớ để đưa vào, như chúng ta biết ngày nay. Theo nhà văn Tô Hoài, “có một may mắn, từ những bản in đầu tiên của Dế Mèn phiêu lưu ký đến nay, chưa bản in nào không có minh họa. Bản in đầu tiên trong tủ sách Truyền bá của Tân Dân Con Dế Mèn và về sau là Dế Mèn phiêu lưu ký do họa sĩ Nguyệt Hồ vẽ, sau này còn có nhiều bản vẽ khác của Ngô Mạnh Lân, Trương Qua, Thành Chương, Tạ Huy Long…”.
Đó cũng chính là tác phẩm đầu tay viết cho thiếu nhi của Tô Hoài và là tác phẩm định mệnh đời văn của ông. Vì vậy, Tô Hoài được bạn văn và độc giả trìu mến gọi là “ông Dế Mèn”.
Dế Mèn không già
Tính theo mốc thời gian lần đầu tiên xuất hiện Dế Mèn phiêu lưu ký, năm nay tác phẩm tròn 70 năm. Buổi lễ vừa là kỷ niệm, vừa là hội thảo thật ấm áp đã được tổ chức tại Hội Nhà văn Hà Nội với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ. Cảm động nhất là có cả nhà văn Tô Hoài và vợ ông - bà Nguyễn Thị Cúc. Bà Cúc mặc áo dài, lịch lãm, đài các đúng kiểu phụ nữ Hà Nội xưa.
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên nhận định: “71 năm Dế Mèn cất bước lên đường. Thế giới đại đồng mơ ước của Mèn hãy còn xa lắm lắm. Nhưng Dế Mèn không già, không mỏi trong cái sự đi của mình. Con đường nhiều lúc có ý nghĩa hơn đích đến và người đang đi đường đáng nói hơn là người đã đi hết đường. Trong tinh thần đó, Dế Mèn vẫn luôn đồng hành cùng những thế hệ đang tới... Con Dế ấy đã mang tên tuổi ông đi cùng trên những chặng đường phiêu lưu đến với cộng đồng những con vật văn học thế giới, đến với xứ sở thiên nhiên và văn hóa của các quốc gia khác”.
Còn ông Nguyễn Huy Thắng, Phó Giám đốc NXB Kim Đồng bày tỏ: “Liệu có tác phẩm văn học thiếu nhi nào được như Dế Mèn phiêu lưu ký, không chỉ thiếu nhi mà cả người lớn cũng thích; không chỉ bạn đọc Việt Nam mà cả bạn đọc thế giới, ngay cả ở những nước biết đến con dế mèn là như thế nào, thích đọc, thích trải nghiệm cùng cuộc phiêu lưu của nhân vật văn học có một không hai này!”.  
Nói về cách sử dụng ngôn từ của nhà văn, nhà phê bình văn học Vũ Nho nhận xét: “Nhà văn Tô Hoài chẳng những quan sát tinh tế, miêu tả sinh động từng loài vật như: Bọ Ngựa, Kiến Chúa, Châu Chấu Voi... mà ngôn ngữ kể chuyện cũng rất cuốn hút. Ngoài những từ ngữ hóm hỉnh, ý nhị, nhà văn còn sáng tạo ra không ít những từ mới”.
Ba tập sách in lần đầu tiên trên tuần báo Truyền bá (NXB Tân Dân - 1941, 1942), sau này được gộp lại thành tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký như chúng ta biết ngày nay.
Người viết văn như cái cửa hàng bách hóa
Trong cuốn sách Sổ tay viết văn trang 119, bản in năm 1960, Tô Hoài nói về nghề: “Người viết văn như cái cửa hàng bách hóa, càng nhiều mặt hàng càng dễ chạy”.
Quan điểm ấy quán xuyến đời văn của ông. Ngoài viết truyện thiếu nhi, Tô Hoài còn viết truyện ngắn, ký sự, những câu “chuyện cũ Hà Nội”, hồi ký và hàng nghìn bài báo. Hồi trước, tòa soạn nào đặt bài ông cũng có thể viết, trả “hàng” đúng hẹn. Ông duy trì thói quen viết hằng ngày và dường như không viết thì không chịu được. Thậm chí, Tô Hoài còn luyện được khả năng ngồi viết khi đang… dự họp. Nhiều bài báo, truyện ký, truyện ngắn của Tô Hoài đã ra đời ngay trong các cuộc họp, cả khi ông ngồi trên bàn chủ tọa. Bởi khi người khác phát biểu thì Tô Hoài hí húi viết.
Tô Hoài cũng có nhiều thói quen đặc biệt. Từ trẻ tới già ông có thói quen khi cầm tờ báo trên tay thì đều đọc hết các chuyên mục. Có khi ông đọc ngược, đọc từ trang cuối lộn lên trang đầu. Nhỏ như mục tâm sự hay hộp thư cũng không qua được mắt Tô Hoài. Với ông, đọc báo cũng là một cách “đi thực tế” và biết được đời sống xã hội, trau dồi ngôn ngữ đời sống, đồng thời cũng biết được ai đang viết gì, sức viết đến đâu. Dù ở tuổi “cửu thập” nhưng bàn làm việc của Tô Hoài luôn có sẵn giấy bút, đèn bàn và hàng chục gọng kính.
“Tháp tùng” bố mẹ đến dự kỷ niệm 70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký, anh Nguyễn Phương Vũ tiết lộ nhà văn Tô Hoài vừa hoàn thành cuốn hồi ký mới, dày tới 500 trang với nhiều câu chuyện người thật, việc thật. Mấy năm nay sức khỏe Tô Hoài yếu nên sức nghĩ, sức viết chậm hẳn, dù ông luôn muốn viết. Nhiều người đặt ông viết báo Tết nhưng “cửa hàng bách hóa Tô Hoài” cũng không đủ “hàng” để bán. Có người gợi ý ông nên thuê thư ký, ông đọc cho người ta viết. Nghe vậy, Tô Hoài mỉm cười.
NGUYÊN THANH
Nguồn: Baodanang 
Theo http://www.songtho.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...