Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Vùng cao khi mùa đông về

Vùng cao khi mùa đông về
Nếu ai đã từng một lần ghé thăm vùng cao vào mùa đông, chắc hẳn sẽ không quên cái lạnh đến tê tái xuyên thấu da thịt, xuyên thấu đất trời… Đồng bào các dân tộc của đất nước ta ở đó đang gặp rất nhiều khó khăn về vật chất, tinh thần, điều kiện sống…. chính vì thế nhiều năm trở lại đây, công tác chăm lo đời sống cho người dân vùng cao nhất là vào mùa đông lạnh đã và đang được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Mùa đông, trên vùng cao những ngày này sương trắng xoá mù trời, người đi xa về tay lạnh cóng. Trời lúc nào cũng xam xám màu chì, nhất là những lúc tan sương đặc biệt là ở vùng có núi đá, ngồi trong nhà mặc mấy áo len mà vẫn cảm nhận được cái lạnh đến thấu xương. Cái lạnh như ngấm lịm vào từng thớ ra, thớ thịt.
Mùa đông trên vùng cao
Mùa đông trên vùng cao rét là thế, nhưng những người đàn bà Mông đã dậy từ rất sớm đến tận con suối đầu bản cõng nước, đám trẻ con người Mông cứ đôi chân trần đến lớp, có em chỉ một manh áo mặc suốt cả mùa đông giá rét, áo cánh mỏng không giữ được nhiệt, rét run cầm cập. Đêm mùa đông trên bản vùng cao, những ngôi nhà người Mông lúp xúp, không gian yên ắng mênh mông như rộng hơn, núi rừng càng bao la thăm thẳm. Ánh đèn dầu run rẩy trước cơn gió lạnh, lúc tối lúc sáng, lúc thì lịm đi, bóng đêm ùa vào ngập tràn, mấy lần như vậy, mấy lần gần tắt, ánh đèn vẫn cố leo lét sáng. Văng vẳng trong đêm là tiếng âm u xen lẫn những tiếng rít lên sắc lẹm. Trong nhà hơi ấm sao mà ít ỏi, nhất là ngôi nhà của người nghèo, cái lạnh cứ như xát muối vào da thịt.
Lớp học vùng cao vào mùa đông
Đời sống người dân vùng cao còn nhiều khó khăn. Kinh tế chủ yếu là dựa vào sản xuất nông nghiệp với những rẫy lúa, nương ngô. Những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta cũng có nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế vùng cao: Xây dựng các công trình giao thông, cầu đường…để thông thương hàng hóa. Công tác giáo dục cũng được chú trọng nhiếu hơn. Rồi những nghĩa cử cao đẹp, những chiếc áo ấm của miền xuôi cũng phần nào xua tan cái lạnh mùa đông của những người dân miền sơn cước…
Mùa đông trên vùng núi cao hầu như nhà ai cũng có bếp sưởi, bếp sưởi đặt gần giường ngủ. Bếp sưởi được người dân vùng cao thêm mấy thanh củi, ánh sáng bừng lên, hơi ấm toả rộng hơn. Khi cơn gió tràn qua lại giật mình tỉnh giấc. Đêm không ngủ, đêm dài ra vô tận. Những khi lạnh không ngủ được thì ngồi sưởi lửa mới thấy có hơi ấm, vì vậy ánh lửa được thổi lên bập bùng suốt canh thâu. Đến khi trời sáng, hơi lạnh yếu đi vài phần, chảo mèn mén được bắc lên bếp, nồi canh nhạt được vùi vào cạnh bếp, củ sắn cũng được vùi vào cạnh bếp.
Nét hồn hậu của con người vùng cao
Nhiều cô giáo miền xuôi, những kỹ sư công trình xây dựng cũng đã tình nguyện lên công tác tại vùng cao. Mùa đông đối với họ thật là tê tái trong những ngôi nhà vách nứa giữa đồi, hút gió. Đêm ngủ mặc nguyên cả áo len đi mấy lần tất nằm mãi mà không ấm. Gió, luồn lách khắp mọi nơi, tiếng lá rừng cũng như run lên vì lạnh. Đêm mùa đông trên vùng núi cao dài, buồn và lạnh lắm. Cái lạnh được tuôn ra từ ruột núi, rút ruột núi nhả ra hơi lạnh, cái lạnh của sự xa vắng, cái lạnh của sự cô đơn, cái lạnh của nỗi buồn thăm thẳm... Làn gió như trăm ngàn mũi kim châm vào da thịt để rút ra từng đường gân nho nhỏ.
Chiều sụp tối rất nhanh, sương mù phủ kín đường đi, các con phố vẫn chưa lên đèn. Ánh trăng về tỏa sáng trên các triền đồi. Xa xa và heo hút, có tiếng vợ gọi chồng và đàn con nô đùa bên bếp lửa. Và tiếng chuông leng keng từ cổ một con dê núi nào đó văng vẳng chợt gần chợt xa trong chiều đông lạnh giá... Có thể nói rằng mùa đông ở vùng cao là mùa người ta cảm nhận thấy sự thiếu thốn rõ rệt nhất của đồng bào dân tộc. Giá mà mùa đông bớt lạnh. Giá mà đêm đông bớt dài. Giá mà trời đông bớt sương, thì những ngôi nhà chưa che kín gió người sẽ chẳng run lên vì lạnh.
 Lê Ngân
Theo http://vungtau.baria-vungtau.gov.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội n...