Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Sơn Thu - Nhà thơ của sông Thu Bồn Quảng Nam

Sơn Thu - Nhà thơ của sông 
Thu Bồn Quảng Nam
(Văn Thơ Ba Miền – NXB Văn Hóa Sài Gòn)
Tôi muốn gọi ông Sơn Thu là nhà thơ của dòng Thu Bồn êm đềm chảy xuống sông Hoài phố cổ Hội An của đất Quảng Nam văn vật, với hai bờ dâu xanh ngắt nuôi lớn những làng nghề truyền thống ở huyện Duy Xuyên, cho đời những guồng tơ và mảnh lụa thắm tươi vàng óng từ thuở xa xưa cho tới bây giờ.
Tên thật của ông là Lương Thanh Liêm. Đó là tên trong giấy khai sinh, tên thường dùng LƯƠNG ANH LIÊM. Quê quán Đông Yên, Duy Trinh, Duy Xuyên. Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, Hội Luật Gia Việt Nam, Hội viên LCB Thơ Việt Nam – CLB sáng tác văn học nghệ thuật Việt Nam - CLB nhà văn, nhà báo TP.HCM, CLB Thơ Đất Quảng - TP.HCM.
Ông tốt nghiệp cử nhân luật. Cao cấp lý luận chính trị Mác Lênin và quản lý kinh tế.
Về sáng tác: từ năm 1960, Sơn Thu có thơ, truyện, ký, phát sóng trên các phương tiện truyền thanh, truyền hình trung ương và địa phương. Đăng nhiều trên báo, tạp chí, được các nhạc sĩ phổ hơn 100 bài thơ thành ca khúc.
Tác phẩm in riêng của nhà thơ Sơn Thu có:
- Kỷ niệm vào thơ  - NXB Trẻ, 1995
- Đất tình - NXB Hội Nhà văn 1997
- Thơ Sơn Thu - NXB Đồng Nai, 1997
- Hoa của nắng - NXB HLHVHNT Hà Nội, 1997 
- Dòng sông trăng - NXB Văn Học, 1998 
- Mây và núi - NXB Hội Nhà văn, 1999 
- Mây trắng - NXB Văn hóa thông tin, 1999
- Đất nước trống đồng - NXB QĐND, 2000
- Sóng thời gian - NXB Hội nhà văn, 2000
- Tình sông Thu - NXB Văn học, 2002
- Sóng cát Hội - VHNT Bình Thuận, 2002
- Thơ Sơn Thu chọn lọc - NXB Văn học, 2003
- Trăng Thu Bồn - HVHNT Quảng Nam, 2005
- Và ông đã chủ biên tập Thơ, văn, nhạc Thuyền rồng Húa ngự, do NXB Văn Học ấn hành tháng 1.2009
Với một bề dày tác phẩm như trên, đủ thấy bút lực của Sơn Thu, người cầm súng cả bút đáng khâm phục. Ông đã có hàng trăm tập thơ in chung với nhiều tác giả trong và ngoài nước. Ông còn 7 tập bản thảo thơ hoàn chỉnh chưa in. Sở dĩ ông viết nhiều như thế là vì ông coi thơ là lẽ sống của đời mình, ông tâm sự: “Thơ là giãi bày lòng mình trước cái đẹp. Nó vu vơ mà đồng điệu. Nó lãng mạn mà đời thường. Mỗi người cảm nhận thơ theo cái nghĩ của riêng mình, chung quy gặp nhau ở cái tình, cái nghĩa. Thơ làm cho tình gần lại. Thơ làm cho nghĩa lớn lên. Thơ là sức sống nên cuộc sống cần thơ”.
Sơn Thu là người lính cụ Hồ, khoác chinh y dong ruỗi trong các chiến trường trong thời vệ quốc, thơ Sơn Thu phảng phất hơi lạnh của núi rừng, hơi mặn nồng của biển cả, mùi thơm chân rạ của đồng bằng châu thổ Đồng Nai, của Cửu Long giang, ánh nắng cháy da ở Tây Nguyên, Trường Sơn hùng vĩ và ánh trăng treo đầu súng lúc hành quân… tất cả hình ảnh đó, chất liệu đó, đều được ông khuôn vào thơ – những câu thơ có mùi sắt thép, nhưng vẫn giàu chất lãng mạn, trữ tình:
“Bóng núi ngả chiều in sắc biển
Thuyền về đảo yến cánh chim câu
Tôi đi tìm đất thời thơ ấu
Trời bỗng mây vương sóng bạc đầu”
(Đường về quê)
Quả thật, cây súng và cây bút là hành trang không thể thiếu trên đường vệ quốc của nhà thơ Sơn Thu:
“Mặc áo học trò đi đánh giặc
Cắt tóc thư sinh lội chiến trường
Vào xuân còn bận mùa chinh chiến
Đường ra mặt trận súng và thơ”
(Đường Vào Xuân)
Tâm hồn lãng mạn hòa với cảnh vật nên thơ, Sơn Thu cho người đọc thưởng thức ý thơ sâu lắng, hồn thơ phiêu du làm bạn với ánh trăng treo giữa một “Đêm rừng”:
“Đêm nay rừng cũng cùng ta thức
Trắng cả mây trời, trắng cả trăng
Suối hát mòn thân viên đá cuội
Ngược dòng cá lội vỡ sao băng”
(Đêm Rừng)
Có một chiều nơi biên cương lộng gió, ông hướng về quê cũ, lòng bâng khuâng nỗi niềm hoài cảm và hình dung thời khắc đoàn tụ những người thân yêu ruột thịt ở mái nhà xưa, cũng như bao kỷ niệm của thời thơ ấu:
“…Hoa dẻ có còn thơm quê ngoại
Giờ này biết có mẹ nhà không
Có còn tiếng trẻ vui ngày Tết
Hoa cúc vàng mơ, xác pháo hồng
Đồng làng biết có thơm hương lúa
Có còn tiếng sáo cuối nương ngô
Quả có đung đưa giàn hoa mướp
Giếng còn hay cạn nước mùa khô
Phượng hay nắng có vào khung cửa
Cho ấm từng trang sách học trò
Trăng có về trường sân nho nhỏ
Giữ giùm kỷ niệm thuở còn thơ…”
(Trích: “Chiều biên cương”)
Nhưng tiếng kèn hành quân đang thúc giục, làm tan vỡ giấc mơ hoa đưa ông về thực tại, tắm màu trắng Tây Nguyên giữa “trời trong xanh, nắng pha hồng sắc má” rồi leo trèo Phượng Hoàng “đất đỏ ba dan” lời thơ đã theo chân người lính trận:
“Gió xuống lưng đèo
Câu tâm sự
Nghiêng gùi
Sơn nữ tải xuân sang
Mây mải mê bay
Đưa tiễn trăng ngàn
Để lại lưng đèo
Dấu chân người lính…”
Sau ngày hoà bình, nhớ lại nơi nào đó cuối dải Trường Sơn đã ghi sâu trong lòng nhà thơ dấu ấn khó quên của những tháng năm bám trụ chiến trường Tây Nguyên ác liệt. Một khung cảnh hoang tàn, những đổ nát những nạn nhân của kẻ thù xâm lược, ông tưởng như đang hiện ra trước mắt:
“Chúng tôi vào
Căn nhà lấy trời làm mái
Vách đất trơ ra những bộ xương gầy
Những cụ già sống sót vẫn còn đây
Những em bé sinh ra thời hậu chiến
Chôn cuộc đời với rừng núi thiếu văn minh
Những người lính chúng tôi tóc giờ đã bạc
Cứ ngỡ mình lạc giữa cơn mơ
Hoa mướp vàng mang màu đất đỏ
Con bướm ngu ngơ lạc lối đi tìm
Có phải xưa nơi này điểm tựa
Cho ta vào thế trận tiến công?”
(Trích: Nơi Đó Cuối Trường Sơn)    
Với Tây Nguyên trong những năm tháng dài chiến đấu trực diện với quân thù, ông đã có bao kỷ niệm, mà ngày toàn dân đại thắng trở về đồng bằng ông luôn nâng niu, nhưng tự hào vì mình đã trải qua những tình huống vô cùng khốc liệt, góp phần nhỏ trong công cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Và cũng ở góc khuất nào đó trong tâm hồn, ngoài tình yêu rừng núi bao la của dải Trường Sơn, nắng dãi mưa dầu có những mối tình thơ mộng với cô gái hồn nhiên của núi đồi điệp trùng, hoang dã:
“Rượu cần ta uống lâng lâng
Nghe như sông núi vào xuân chuyển mùa
Má hồng ửng đỏ hoa mua
Em nghiêng cần để cho vừa tầm nhau
Bàng hoàng như tỉnh như say
Bất ngờ chạm phải bàn tay em cười…”
Nhưng dấu ấn tình yêu thơ mộng ấy rồi cũng phai dần theo thời gian vì không có hồi kết thúc, vì ông vẫn là người lính – người của khói lửa chiến trường:
“Nhủ mình thôi những vấn vương
Ta đi mai nở biên cương giao thừa
Rượu cần không bán không mua
Đãi người tình cũ trong mùa vu quy 
Gặp rồi rạng sớm người đi
Sao khuya về núi thầm ghi chuyện đời”
(Trích: Rượu Cần)
Trong những ngày hoà chung nỗi vui mừng thống nhất đất nước của toàn dân, nhà thơ Sơn Thu về thăm viếng làng xưa – Đông Yên – nơi mở mắt chào đời đã gánh chịu hai thời chiến tranh tàn phá, nay đã hồi sinh:
“Chỗ nhà tôi nay đã hoá nên đồng
Nhỏ hẹp sao mà cảm thấy mênh mông
Kênh thuỷ lợi nước sông Thu về tưới
Xanh bắp khoai, xanh nỗi nhớ đời mình
Có lẽ nơi này,
Xưa mẹ ngồi ươm tơ dệt lụa
Mịt tối trời mới thổi lửa nấu cơm
Có lẽ nơi đây
Cha tôi xưa trồng hoa, chơi kiểng
Cây giành giành giờ đã quy tiên”
Hình dung những cảnh vật xa xưa của quê nhà, ông ngậm ngùi hoài cảm:
“Đồng xanh quá đâu nền nhà thuở nhỏ
Con kênh thì thầm chảy giữa hồn tôi
Bỡ ngỡ quê hương sau thời chiến trận
Tôi trở về tóc bạc điểm chân mây!”
(Trích: Về Thăm Quê)
Và Sơn Thu bâng khuâng tự nhủ:
“Đi giữa quê hương vẫn nhớ nhà”
(Trích: Làng Đông Yên)   
Dòng sông Thu Bồn lịch sử, qua bao đời bồi lở buồn vui thay nhau, vẫn mãi trôi êm đềm giữa mùa xuân và khi nổi cơn thịnh nộ tàn phá khủng khiếp giữa đông về. Tuy nhiên, trong hồn ông đây là tình khúc bi hùng của xứ sở Quảng Nam thân yêu muôn thuở:
“…Một dòng sông mang hai di sản
Văn hoá loài người lưu giữ ở Quảng Nam
Sông Thu quê tôi
Hồn thơ ý nhạc
Tình dâu nuôi tằm, tơ lụa nuôi dân
Sức sống từ đi lên dựng nước
Người giữ quê, quê ấm tình người…”
(Trích: Tình Khúc Sông Thu)
Rồi về với phố cổ Hội An, uống “Ly cà phê bốn mươi năm bỏ dỡ” để gọi “Sông Hoài ơi! Chiều trở gió ta về” nhưng ông không dừng lại nơi đây. “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thắm”, lôi cuốn chân ông trở lại những địa danh mà thời ấu thơ đã một lần đến đó, cho thỏa nỗi khát khao thương nhớ hơn nửa đời người.
Đến Đà Nẵng trong một dịp tình cờ, nghe tiếng pháo vu quy của người con gái ngày nào, ông không khỏi thấy mình bỡ ngỡ:
“…Gặp em lo ngày cưới
Bỗng bất ngờ cầm tay
Lâu ngày tôi trở lại
Đà Nẵng ngỡ người dưng
Một mình đi lững thững
Bóng nghiêng phố ngập ngừng
Sóng sông Hàn cứ ngỡ
Có một người bỗng dưng…”
(Trích: Tình Cờ Đà Nẵng)
Song chưa hết, những dấu ấn của ngày về, dưới mái nhà xưa, trước bàn thờ người mẹ hiền khuất bóng, nhà thơ Sơn Thu ân hận vì ngày mẹ đi xa không được ở bên cạnh đưa tiễn mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng, giờ chỉ còn biết hồi tưởng công ơn sinh thành dưỡng dục:
“...Nhớ lúc tản cư
Qua đèo cây trao
Mẹ ghánh chúng con
Mỗi đầu một đứa
Đòn ghánh cong cong thương đất nước quê mình
Trăng đổ xuống đôi vai gầy của mẹ
Giấc ngủ của chúng con say theo bước gập ghềnh…
Tàn chinh chiến
Trở về với mẹ
Trước bàn thờ tưởng niệm… con đốt nhang
Vòng khói bay loang loáng ánh trăng vàng
Hoa huệ trắng cánh cò bay chấp chới
Áo lính phong sương con lặng lẽ cuối đầu!”
(Trích: Mẹ Tôi)
Một tiếng đàn… chỉ một tiếng đàn xưa vang lên trong tiềm thức, nhà thơ nhớ đến người cha ngày nào đã dạo bản nhạc trong buổi chiều thu có gió heo may, hay giữa màn đêm tĩnh lặng trước hiên nhà. Ông thả hồn thơ theo tiếng đàn mơ hồ xa xưa ấy:
“…Bâng khuâng tiếng sóng nụ cười
Chiều hôm chớp lạch bùi ngùi nhớ cha
Nhịp đàn xưa rụng Ngân hà
Hay lều tranh nhỏ lửa hoa bập bùng
Đêm dài giọt lắng thuỷ chung
Hay âm tiếng vọng tận cùng nước non
Cha ơi! Nước chảy đá mòn
Tuổi xuân cung cấm tiếng đàn nỉ non
Nhịp trầm, nhịp bổng sắt son
Tiếng đàn cha gọi thơ con vào đời”.
(Trích: Nghe Tiếng Đàn Nhớ Cha)
Trở lại cuộc sống đời thường, ông mới có thời gian tham quan hoặc công tác khắp nơi hai miền, Nam Bắc, cả miền Trung quê hương ông. Và nơi nào ông cũng để lại những dòng thơ đầy ắp ân tình đối với đất với người: Sầm Sơn, Quảng Ninh, Hạ Long, Sông Cầu, Qui Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Cà Mau, Mũi Né, Cần Giờ, Minh Hải, Kiên Giang… 
Minh Hải – Cà Mau – trời nước bao la cuối dư đồ Tổ quốc mà tiền nhân đã khai phá, trong bóng hoàng hôn, Sơn Thu đã có những dòng thơ chan chứa:
“…Sóng Cà Mau
Dẫu còn nhiều thao thức
Tiếng đàn bầu gợi nhớ người đi
Phòng ốc cao sang ngọc ngà ánh điện
Em có nghe thoang thoảng vị hương tràm….
Đêm Minh Hải,
Trời cao xanh lấp lánh
Báo mùa vui đang tới rất hiền hoà
Xin tặng em đoá hoa chung thuỷ
Thương quê mình cao quý bông sen”.
(Trích: Đêm Minh Hải)
Nhà thơ đã tìm ra giữa buổi chiều Hà Nội, có phải bóng dáng cố đô đã trải qua bao mùa dâu bể, giờ đây trở lại cảnh vật như “tình em quen biết buổi ban đầu”:
“…Hà Nội bâng khuâng vào thu dìu dịu
Như tình em quen biết buổi ban đầu
Có phải sông Hồng cát cồn dâu bể
Nên Long Biên nỗi nhớ vươn dài
Anh đi tìm em
Hồ Gươm sóng trải
Bỗng gặp bóng hình
Phố cổ nhoà mưa
Hà Nội hát
Trong mùa thu có phải
Hay ta về
Nỗi nhớ cũng đi theo”.
(Trích: Chiều Hà Nội)
Một hôm ghé Huế, vùng đất của Vương triều các Chúa Nguyễn, viếng thăm hoàng thành cổ kính rêu phong, di sản của thế giới niềm hoài cảm:
“Có một lần
Anh trở lại tìm em
Mây hoá thạch
Dải lụa mềm lăng tẩm
Chiều bảng lảng
Sông Hương cùng nỗi nhớ
Chuyển câu hò tím Huế vào mây”
(Trích: Huế Tím Trong Mây)
Bỗng ông nhớ đến cồn cào Sài Gòn, nơi đôi cánh thiên di nương cây lành làm tổ, yên vui cuộc sống đời thường, trong những ngày tre già nghiêng bóng cầu ao để đếm bóng chiều rơi trong những ngày ngưng tiếng súng đất trời nở hoa:
“…Rập rờn phượng nở rung rinh
Đã nghe thu đến bình minh về chiều
Đã yêu thì nói rằng yêu
Nắng mưa, mưa nắng có điều chi đâu
Mưa không đội nón qua cầu
Nắng không đội mũ đưa dâu qua đồng
Thẹn không ửng đỏ má hồng
Mà trong bụng đã nặng lòng trao duyên…”
(Trích: Sài Gòn)
Hễ có dịp đi, là ông xách hành trang ngao du cho đã. Hết trong nước đến nước ngoài. Ở Trung Quốc, ông tham quan Vạn Lý Trường Thành, đến Thượng Hải, thăm sông Hoàng Phố, để lại ba bài thơ bốn câu gợi nhiều suy ngẫm:
“Không cổ mà lại có mông
Vạn lý đâu phải thinh không mà thành
Núi xương chép sử lá xanh
Chủ tâm đâu phải để giành tham quan”.
(Vạn Lý Trường Thành)
“Vừa gặp Hàn Phong nhớ Nguyễn Du
Mùa xuân chiều thoáng ánh sương mù
Những tưởng nàng Kiều thăm Thượng Hải
Em về lá trở chuyển sang thu”.
(Đến Thượng Hải)
“Chảy về đâu những mảng màu rực lửa
Chuyện tâm tình vừa cổ lại vừa tân
Dòng chảy thời gian xoáy lòng Hoàng Phố
Bóng ngả chiều sao Thượng Hải bâng khuâng”.
(Thăm Sông Hoàng Phố)
Thơ Sơn Thu được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà báo  cả nước cảm nhận, được bạn đọc yêu thích mến phục, vì thơ ông đầy ắp hình tượng ẩn dụ những dấu ấn và kỷ niệm trong thời chiến cũng như thời bình, nên chất thơ trữ tình đậm tính nhân văn. Cái chất trữ tình của thơ người lính nó không mềm yếu, lả lơi mà là giọt mật của tình yêu, yêu thiên nhiên, núi rừng hoang dã, yêu cả cuộc sống chính mình trong lửa đạn, khói bom. Nó có mảnh lực lôi cuốn người thưởng thức. “Tôi rất thích đọc thơ ông”.
Với hàng trăm bài báo và thơ cảm nhận thơ Sơn Thu, trong tập “Đồng cảm tình Sơn Thu”, tôi xin kết thúc bài viết bằng những dòng thư của nhà thơ thiên tài Bùi Giáng gởi ông: Tôi phải chờ đến hôm nay tâm hồn thư thái, mới giở tập thơ của Liêm ra xem. Tôi thấy thơ Liêm đã đọng lắm rồi. Chờ một mùa nữa thì nó sẽ chín rực, phải không? Kể ra, những thi sĩ hiện nay có đăng thơ ở các báo và có thi tập ra đời, hẳn là không hơn mấy chú đâu. Nhưng Liêm cũng đừng nên vội tìm cách in thơ làm gì. Bởi không khí ngày nay không thích hợp với thơ. Lặng lẽ đi về với nàng thơ. Chờ… sẽ có ngày… hãy tin thế. Tôi thích những dòng thơ lục bát của Liêm. Chung quy đã nói được nhiều tâm tình của bạn. Tránh được cái sáo, giản dị mà đẹp biết bao: “Giờ đây lỡ sớm lỡ trưa. Là năm tháng thẹn là thưa thớt tình”.
BÙI GIÁNG
(Sài Gòn năm 1961)
Một nhà thơ thiên tài kỳ dị, làm toàn những từ ngữ rối rắm, thế mà có những lời nhắn nhủ chân tình khi cảm nhận thơ của Sơn Thu, như thế đã quá đủ nói lên giá trị thơ ông. Tôi không còn biết nói gì…
Gia Định, chiều Xuân 2009
NGUYỄN THANH NHÃ
Theo http://sonthu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...