Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Làm gì khi chúng ta không phải là vĩ nhân

Làm gì khi chúng ta không phải là vĩ nhân?
Câu chuyện của những cơn sóng mạng ném đầy gạch đá vừa qua làm tôi nhớ lại hồi tôi còn làm việc tại FPT. Do công ty có hệ thống mạng nội bộ nên chuyện bàn luận về các vấn đề lớn nhỏ của công ty cũng sôi nổi chả kém trên facebook và báo chí bây giờ. Vì văn hóa công ty khá mở nên các ý kiến được bày tỏ một cách thẳng thắn, khen chê hết lời. Hễ có một sự kiện gì xảy ra, hoặc ai đang làm một cái gì đấy, thì gạch đá cũng được ném tùm lum. Tuy nhiên ở FPT có cái hay là mọi người khá lạc quan, các đương sự bị chửi vẫn cười hề hề: “Bố” đ’ quan tâm, miễn “bố” làm “bố” thấy sướng là được.”
Ở một tổ chức nhỏ, không khác gì một xã hội thu nhỏ, chỗ nào cũng cần phải hoàn thiện và cải tiến. Có một câu nghe rất quen quen mỗi khi bạn đề xuất ý kiến lên sếp trên rằng “cái quy trình này nó rất không ổn, chỗ này làm sao mà nó lởm thế hả sếp ơi”, thì sếp (dù là sếp to nhưng vẫn dùng điện thoại đểu), ngồi vắt chân chữ ngũ, nói tỉnh bơ: “Anh biết rồi, thế em có thể làm được gì để thay đổi hoặc cái tiến nó. Tóm lại, em định làm gì?”. Cái đứa mà lúc nào cũng đau đáu tâm huyết như mình, ban đầu thì cũng ý kiến ý cò lắm, cũng ngồi vẽ hươu vẽ vượn ra bao thứ, xong lúc làm thật thì thối inh. Ngượng quá lần sau im luôn, cắm mặt vào mà làm.
Có hai bài học sau khi rời khỏi công ty, đó là “Triết lý những vòng sóng nhỏ” và “Chửi ít thôi, làm đi.” Nếu ghép lại có thể dùng thành một câu đầy văn vẻ là: “Hãy tạo ra những vòng sóng nhỏ mà ở đó trung tâm là những con người của hạnh phúc và hành động.”
Nói về triết lý “những vòng sóng nhỏ”, thì thật ra không phải ai trực tiếp dạy, mà do tôi quan sát cách vận hành của văn hóa công ty. Ngoài những bộ phận thông thường như phòng ban các kiểu chính thống, thì công ty còn phân nhánh ra các hội thuộc khối chuyên môn. Ví dụ Hiệp hội thư ký, nơi tụ tập các chị em chuyên làm hành chính, nhưng sử dụng vào mục đích loan tin thì vô cùng nhanh chóng, hiệu quả. Hiệu quả hơn nữa là các câu lạc bộ gắn kết với nhau bằng sở thích. Ví dụ như hội thích xem phim, hội thích viết lách, hội bóng đá, hội cầu lông, hội thích hát karaoke, hội thích đạp xe, hội thích chơi games, hội ghét hút thuốc… Ban lãnh đạo cần biết dân thường buôn bán gì về mình thì cứ chơi thân với các trưởng hội, khi cần truyền đi một thông điệp sâu sắc gì chỉ cần nhờ các trưởng hội, hoặc thân thiết hơn nữa thì đi nhậu cùng các hội này, cũng như tài trợ kinh phí cho hội hoạt động. Thế là tình dân với sếp rất “tình thương mến thương”, bao nhiêu bức xúc rồi cũng đều giải tỏa được hết, niềm tin và lòng nhiệt tình với công việc lên cao phơi phới.
Sau này, khi triển khai công việc kinh doanh riêng của mình, tôi cũng áp dụng nguyên lý “những vòng sóng nhỏ”, nhưng dành thời gian tâm huyết để xây dựng nên những vòng sóng trong cộng đồng hiểu và ủng hộ những công việc mình làm, và tất nhiên toàn bộ nhân viên của mình cũng được coi là một trong những vòng sóng đó. Sử dụng lợi thế của mạng xã hội, tự tạo những hội nhóm mà hoạt động của nó có liên kết vững chắc với giá trị thương hiệu mình muốn xây dựng, quan hệ mật thiết với những hội nhóm đã tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng. Khi đưa ra một thông điệp nào đó đến với cộng đồng hoặc bất cứ có một hoạt động nào cần được nhiều người biết đến, ngoài sự chủ động phát tán thông tin bằng những kênh cá nhân, thì “những làn sóng nhỏ” trong cộng đồng kia tạo nên một hiệu ứng đầy tin cậy.
Câu chuyện của những “xã hội thu nhỏ”, không khác gì câu chuyện của xã hội chúng ta đang sống. Đó là bất cứ mỗi cá nhân hay tổ chức nào, cũng cần có rất nhiều điều cần hoàn thiện. Và để giải quyết những vấn đề quá vĩ mô, phụ thuộc vào nhiều điều còn đang chồng chéo lẫn nhau, trước hết cần giải quyết những vấn đề trong những không gian sống nhỏ, trong từng tổ chức nhỏ, trong từng mỗi cá nhân.
Tôi rất không phải là một con người của hành động, nên tôi hiểu rằng việc hành động một cách thực sự để làm một điều gì đó thực sự có kết quả, là một điều rất khó khăn với từng cá nhân. Bằng những trải nghiệm qua nhiều không gian của công việc, lẫn tham dự nhiều cộng đồng, tôi tránh ngồi nhận xét hay đưa quan điểm, chỉ quan sát và ngẫm xem những việc như thế có tác động tiêu cực hoặc tích cực gì đến bản thân mình, hoặc quan sát để hiểu thêm về thời đại mình đang sống. Mỗi khi bắt tay làm được một việc gì nho nhỏ, tôi đều cảm thấy rất vui, niềm vui thực sự và vững chắc không chỉ đến từ suy nghĩ, sự hiểu biết. Niềm vui đích thực chỉ đến được từ hành động và có kết quả.
Nhiều năm trước tôi xem một phim ngắn của Pháp có tiêu đề “những con chim trắng và những con chim đen.” Những con chim trắng biểu tượng cho những lời nói hay được bay ra, những con chim đen biểu tượng cho những lời nói xấu được bay ra. Trên bầu trời tràn ngập những con chim trắng và những con chim đen. Cứ mỗi lần trên những diễn đàn của truyền thông và mạng xã hội, dâng lên những làn sóng mà ở đó người ta chửi bới nhau, bày tỏ quan điểm đúng sai loạn hết cả lên, tôi chỉ nhìn thấy trên bầu trời là những con chim trắng và những con chim đen va vào nhau loạn xạ. Những lúc như thế, tôi không ước làm sao mình có thể làm cho bầu trời được trở nên trong xanh hơn, tôi chỉ suy nghĩ mình nên hành động thế nào để những cánh chim đen không bay vào tâm hồn mình, hay không gian sống xung quanh mình.
Mỗi chúng ta đều có khả năng tự là trung tâm của “một làn sóng nhỏ”, nếu như bản thân trong tâm hồn chúng ta có những hiểu biết nhất định, suy nghĩ vững chắc, cảm giác bình yên và tỏa ra một nguồn năng lượng sống tích cực. Đầu năm nay tôi đọc được một bài báo mang tên “Niềm tin” của tác giả Nguyễn Minh Thành, có viết:
“Đã luôn không thiếu những tâm hồn nhiệt huyết muốn thay đổi thế giới bằng các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo, Song trên thế giới đến ngày nay dường như sự xấu càng gia tăng và bất hạnh của loài người là không kể xiết. Bởi vì đó là những phong trào chỉ lo bên ngoài. Chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi thế giới bề ngoài theo cách nào đó, nhưng giải pháp cho sự đau khổ của con người chỉ có thể bắt đầu từ bên trong.
… Chỉ khi hướng nội, thì người ta mới thực sự tiến hoá. Tiến hoá là: càng ngày mình càng lớn hơn, trưởng thành hơn về tâm thức. Khi ấy sự ảnh hưởng với người khác là tự nhiên chứ không cần nỗ lực.”
Ở đây, tôi không muốn nói rằng mình phản đối những mong muốn thay đổi thế giới bằng “các phong trào rầm rộ có sức lôi cuốn đông đảo”. Tôi chỉ muốn nói rằng không phải tất cả mỗi chúng ta khi sinh ra đều có một sức mạnh phi thường hoặc là những người xuất chúng. Ngoài ra, để trở thành những người xả thân vì nghiệp lớn hay những người của công chúng, mỗi chúng ta cần xác định và cân nhắc rất nhiều về sự được mất trong đời sống cá nhân. Ngay trong những việc cuộc sống có quá nhiều vĩ nhân, bản thân cũng khiến cho xã hội bị mất cân bằng và có những lỗ hổng mà ai đó nói rằng “điều này đã bị sai ở đâu đó mà không thể lý giải được”.
Trong sâu thẳm tâm hồn, ngoài những điều người ta dễ dàng có thể nhìn thấy là những gì rất mong manh, bất ổn và cần được yêu thương. Nếu thật sự bạn tâm huyết với xã hội này, với cuộc đời này, bạn không cần phải quá tài giỏi để đứng lên trở thành những người thủ lĩnh của các cộng đồng. Việc duy nhất bạn cần làm là, hãy bình tĩnh ngồi xuống thật bình yên, mỉm cười và biết cách yêu bản thân mình, trao đi yêu thương để thấy mình hạnh phúc. Trao đi yêu thương dường như vẫn còn chưa đủ, bạn cần hành động nhiều hơn trong công việc của mình. Hành động để bắt tay vào một công việc gì đó thiết thực, cũng luôn là việc làm rất khó. Nếu như tất cả những việc trên đều khó với bạn cho một sự khởi đầu, thì việc cần làm là bạn hãy bao bọc xung quanh mình bởi những người có năng lượng tích cực, tư tưởng tích cực. Họ sẽ truyền cho bạn nụ cười, tình yêu thương, niềm tin và bạn cũng cần tích lũy nó, biến nó thành nguồn năng lượng tích cực của mình, rồi lại lan truyền đến những người xung quanh khác.
Ai cũng muốn sống trong một xã hội bình ổn và hạnh phúc, nơi tình yêu và niềm tin gắn kết từng cá nhân với nhau thành những mắt xích chặt chẽ và bền vững. Để làm được điều đó, mỗi một người bình thường như chúng ta chỉ cần có ý thức gắn kết bền chặt hơn với không gian sống nhỏ xung quanh của mình, trao đi và nhận lại những nguồn năng lượng tích cực, hành động nhiều hơn nữa để tạo thêm nhiều giá trị cho bản thân và cuộc sống. Những vòng sóng nhỏ mà tâm điểm của nó là những cá nhân biết hạnh phúc và biết hành động, sẽ lan tỏa, giao nhau, lan truyền đi, lan truyền đi mãi những điều tốt đẹp của cuộc sống.
Đoàn Minh Hằng
Theo http://doanminhhang.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...