Chào Nguyên xuân - Bản tình
ca mùa xuân
Bùi Giáng
Xin
chào nhau giữa con đường
Mùa
xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên hồ nước có bóng ta bên người
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa
rằng: những ngón thon thon
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng: bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn
xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa
rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì
sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào
Hỏi
rằng: đất trích chiêm bao
Sá
gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: li biệt mai sau
Là
trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân.
(Mưa nguồn, Sơ khai xuất bản, 1962)
Bùi Giáng (1926 - 1998) là
thi sĩ và cũng là một học giả được liệt vào hạng quái kiệt trong những nhân vật
văn nghệ sĩ của thế kỉ XX ở Việt Nam. Bài thơ Chào Nguyên xuân vừa dẫn
ở trên nằm trong tập thơ đầu tay, cũng là tập thơ nổi tiếng nhất và trong sáng
nhất của Bùi Giáng: tập Mưa nguồn. Bài thơ viết theo thể lục bát truyền
thống của dân tộc gồm 28 câu với kết cấu 6 đoạn gồm 4 đoạn 4 câu, 1 đoạn 2 câu
và 1 đoạn 10 câu. Thế nhưng, sức quyến rũ chủ yếu của tác phẩm nằm ở nghệ thuật
ẩn dụ mà tác giả đã sử dụng nó như một hành trình xuyên suốt, tạo thành một bầu
khí quyển vừa tươi mới vừa lạ lùng lại thấm đẫm chất nhân văn của một tình yêu
dâng hiến cho con người và cuộc sống.
Đã có không biết bao
nhiêu trứ tác thi ca cổ kim Đông Tây viết về mùa xuân hoặc lấy cảm hứng từ mùa
xuân. Bài thơ của Bùi Giáng chọn một tựa đề chính danh là Chào nguyên xuân trong
một kết cấu động ngữ với chào là động từ trung tâm, tính ngữ nguyên
xuân đi sau bổ nghĩa thêm cho động từ đi trước. Như vậy, thi tứ và thi hứng
của bài thơ khởi từ mùa xuân này sẽ được dồn nén nhiều ý vị qua biểu tượng
"chào" và biểu tượng "nguyên", kết nối nên một hành trình ẩn
dụ xuyên suốt thi phẩm.
Chào là một hành động mang
tính phổ niệm toàn nhân loại. Chào biểu thị văn hoá, thể hiện tình cảm tích cực
trong xã hội con người. Ở phương Đông, chào biểu thị một tinh thần trọng Lễ, vốn
đã được khẳng định qua học thuyết Khổng Tử cách đây hàng nghìn năm. Tục ngữ,
thành ngữ Việt Nam có những câu về lời chào đã trở thành kinh điển như: Lời
chào cao hơn mâm cỗ, Đi hỏi về chào. Tiếng Việt lại càng có nhiều biểu
hiện phong phú về lời chào hơn nữa, khi chào nhau mà không phải dùng đến từ chào.
Như vậy, lời chào có một vị trí vô cùng quan trọng trong cuộc sống trong vai
trò kết nối tình cảm mọi người, từ xa lạ trở thành yêu thương, từ dửng dưng hoá
ra nồng ấm. Bùi Giáng đã viết nên Chào nguyên xuân trong một cảm quan
như thế về lời chào và đây là thi phẩm lục bát duy nhất viết về lời chào trong
thi ca Việt Nam hiện đại. Đối tượng để thi sĩ tặng cho lời chào không ai khác
chính là mùa xuân, mà lại phải là Nguyên xuân, tức là mùa xuân trong sự khởi đầu,
trong sự toàn vẹn, trong tính nguyên sơ của nó. Đó chính là ý nghĩa của từnguyên mà
các cuốn Từ điển Hán Việt đầy tin cậy của Thiều Chửu, Đào Duy Anh,
Nguyễn Văn Khôn đã khẳng định. Nói một cách dung dị hơn, Nguyên xuân chính là
mùa xuân đầu tiên. Mùa xuân đầu tiên ấy nằm trong sự cảm nhận riêng của một người
và cũng có thể là của nhiều người. Nó hoàn toàn mang tính chủ quan bởi có ai biết
được mùa xuân đầu tiên của đất trời đã diễn ra từ bao giờ đâu. Thế nhưng, một
điều có thật là thi ca Việt Nam trước và sau Bùi Giáng đã đón nhận thêm
hai mùa xuân đầu tiên. Mùa xuân đầu tiên thứ nhất nằm trong thi phẩm Xuân
đầu tiên của Hàn Mặc Tử, thuộc tập Xuân như ý:
Xuân gấm đầu tiên giữa cõi đời
Mùi thơm ngây dại sóng con
người
Hãy hoan hô, lời cao như sấm:
Vạn tuế bay ơi! Nắng rợp trời!
Mùa xuân đầu tiên thứ hai đến
cùng nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên (1976) của cố nhạc sĩ Văn Cao, đón mừng
một kỉ nguyên mới của dân tộc - kỉ nguyên của độc lập tự do, của sự làm chủ cuộc
đời mình. Bản thân ca từ của bài hát chính là một bài thơ:
Rồi dặt dìu muà xuân nay đã
về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã
về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến
đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt
sưởi ấm đôi vai anh
Nếu như với Hàn Mặc Tử, mùa
xuân đầu tiên là phút giây hoà lòng mình với đất trời, là quyến luyến khát khao
trong sự ngợi ca nồng nàn say đắm cuộc sống; nếu như với Văn Cao, mùa xuân đầu
tiên của ông cũng là sự bày tỏ giùm muôn triệu trái tim của người Việt Nam
trong một kỉ nguyên mới thống nhất đất nước; thì mùa xuân đầu tiên của Bùi
Giáng là mùa xuân của tình yêu miên viễn thấm nhuần một thế giới quan và nhân
sinh quan của riêng ông, và nhà thơ đã mượn thi tứ lời chào như một biểu tượng
xuyên suốt để gửi mùa xuân bất tận đến cuộc đời mến thương và mỗi con người trần
thế.
Lời chào đến đầu tiên
với con đường, một không gian trần thế rất cụ thể, rất đời thường, nơi chúng ta
vẫn gặp nhau hàng ngày một cách giản dị và dễ dàng nhất:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía
sau
Con đường ấy cũng chính là
cuộc đời và khi song hành cùng từ miên trường vốn được hoà phối cả về
vần và điệu, cặp lục bát đầu tiên đã tạo nên một bộ ba: con đường - mùa
xuân - miên trường như những hình tượng mang ý nghĩa ẩn dụ. Tất cả những
gì đáng lãng quên sẽ bỏ lại phía sau như một giấc ngủ dài (miên trường) để đón
những điều tốt đẹp đang chờ đợi phía trước. Và lời chào chính là cầu nối giữa mỗi
chúng ta, cầu nối cho cuộc đời này. Thời gian và tuổi thanh xuân dù trôi đi (tóc
xanh phai màu) nhưng những hò hẹn yêu thương sẽ không bao giờ hết. Nhưng điều
quan trọng là phải có con người làm trung tâm trong những hò hẹn ấy. Khi con
người yêu thương nhau thì thiên nhiên cũng yêu thương nhau, giao hoà nhau trong
tấm tình đằm thắm:
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối
và
Có trời mây xuống lân la
Bên hồ nước có bóng ta bên
người.
Thiên nhiên được thổi vào
linh hồn nhờ nghệ thuật nhân hoá xuất hiện liên tiếp trong bốn câu thơ qua các
động từ hẹn, ngó và lân la. Cây xanh hò hẹn biểu thị tuổi trẻ,
ngàn năm ngó cây cối là thiên nhiên giao hoà vượt qua biên giới thời gian, trời
mây lân la là sự giao hoà vượt qua biên giới không gian. Không phải là người
say đắm cuộc đời, không thể viết được những câu thơ như thế. Mặc dù Bùi Giáng
đã chẳng có những lúc giận dỗi (hay giả vờ giận dỗi?!) thiên nhiên đó sao: Mưa
ơi là mưa/ Gió ơi là gió/ Ta bỏ đi đây (Bài thơ ngắn nhất).
Lời chào tiếp tục hành trình
của mình, như để thấm nhuần từng tế bào của thế giới này. Không gian đang từ
bao la bỗng chuyển về một nơi thật nhỏ nhắn - một không gian mà bất cứ ai cũng
có quyền sở hữu: không gian của một bàn tay:
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày
ngón con
Thưa rằng: những ngón thon
thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ
nhau
Năm ngón tay trên một bàn
tay cũng chào nhau đầy yêu thương, đó chính là biểu tượng về sự xoá nhoà những
ranh giới và khoảng cách trong xã hội. Đời cũng có kẻ sang kẻ hèn, người sáng kẻ
ngu, người cao kẻ thấp, nhưng mọi bất bình đẳng ấy, nhất đán, có thể xoá đi khi
một lời chào bỗng đâu vang lên trên con đường thu nắng quái. Thú vị hơn, lời
chào của bàn tay và những ngón tay có thể là một lời chào không cần đến ngôn ngữ.
Phương Đông sẽ gọi là Dĩ động thế ngôn còn phương Tây sẽ gọi là Body
language.
Lời chào tiếp tục chặng đường
của mình để dừng ở làn môi. Vẫn là một điểm không gian thuộc cơ thể người nhưng
đây là điểm không gian gần với lời nhất. Ngôn ngữ từ miệng phát ra làm sao
không đi qua cửa ngõ làn môi:
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa
cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ
cây.
Trường liên tưởng của làn
môi dẫn đến màu hồng và nước mắt. Dù có đắng cay vẫn xin nhau một lời chào, dù
có tuyệt vọng hay hi vọng, dù ở giữa sự sống và cái chết vẫn xin chào và được
nhận lời chào… Trịnh Công Sơn từng tâm sự: "Nếu một ngày trên phố,
gặp một người không hề quen biết nở nụ cười với bạn, thì bạn cũng hãy đáp lại bằng
một nụ cười hay cử chỉ yêu thương với người đó đi, vì chỉ giây lát nữa thôi
chúng ta có thể chẳng còn bao giờ biết nhau nữa trên cõi đời này". Niềm
vui bất tuyệt khi lời chào là biểu hiện chân thành của tình yêu thương sẽ làm
cho mỗi chúng ta trở thành bất tử. Đó là khi Đạo trở về cõi miên viễn vậy.
Lời chào tiếp tục di chuyển
không gian đến một điểm nhỏ nhất: hạt bụi. Câu thơ "Xin chào nhau giữa bụi
đầy" có thể làm ai đó không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về sự hư vô của kiếp
người, nghĩ về lời dạy của nhà Phật, rằng "cát bụi lại trở về với cát bụi".
Thế nhưng, bụi là nhỏ nhất mà phút chốc có thể làm không gian lan toả ra đến
muôn nghìn. Chào nhau giữa bụi đầy có thể là tiếng chào trên những con đường
giang hồ gió bụi. Vì thế, câu thơ kế tiếp bỗng nhiên hắt lên một không gian bao
la của bầu trời với một hình ảnh thật lãng mạn: "Nhìn xa có bóng áng mây
nghiêng đầu". Thiên nhiên thật tình tứ như một sự chứng giám qua hình ảnh
nhân hoá "mây nghiêng đầu". Kết cấu của bài thơ đến đây đã tạo thành
một vòng tròn đầy mê hoặc với sự lặp lại đầu cuối tương ứng của áng mây trong
cùng một nghệ thuật tu từ nhân hoá: trời mây lân la ở câu thơ thứ 7 và mây
nghiêng đầu ở câu thơ thứ 18.
Thực ra, bài thơ đã có thể dừng
ở đây trong một giọng điệu trữ tình đằm thắm, nhẹ nhàng, duyên dáng nhưng Bùi
Giáng đã không làm như vậy. Vòng tròn thứ hai đã mở ra và kéo bài thơ đi thêm một
chặng đường 10 câu lục bát nữa. Và thực sự trong phần thứ hai này của bài thơ,
bản lĩnh thi ca của Bùi Giáng mới bộc lộ hết mình, bộc lộ thế giới thơ độc đáo
có một không hai của ông:
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê
nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm
dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi
vào
Hỏi rằng: đất trích chiêm
bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón
nhau
Thưa rằng: li biệt mai sau
Cấu trúc của đoạn thơ cuối
này chia làm ba cặp hỏi - thưa rõ rệt. Lối đối đáp như thế dễ làm ta liên tưởng
đến đối đáp trong lục bát của ca dao truyền thống. Tuy nhiên, đối đáp trong ca
dao truyền thống thường là đối đáp phong tình giữa người nam và người nữ, chủ yếu
mang tính duy tình; còn đối đáp trong đoạn thơ này của Bùi Giáng là đối đáp
mang tính triết học, lấy duy lí làm chủ đạo của một người tôn sùng chủ nghĩa hiện
sinh. Tuy thế, cái tình thực chất đã được xuyên suốt từ phần một (5 đoạn) sang
phần hai (1 đoạn) của bài thơ.
Lời chào giờ đây đã được hoá
thân sang lời hỏi. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi lẽ hỏi là một sự biểu hiện quan
tâm nhiều hơn đến nhau sau lời chào. Tiếng Việt vì thế có từ chào hỏi với
một trật tự - thứ tự được mặc định là chào trước hỏi sau, thành ngữ cũng có câu Đi
hỏi về chào như đã dẫn trong phần đầu của bài viết. Mặt khác, trong ngôn
ngữ giao tiếp thường ngày của người Việt, hỏi cũng chính là chào. Chẳng hạn đối
với những câu hỏi như: Anh đi đâu đấy, Bác xách cái gì nặng thế, thì
thực chất chính là những câu chào mà người hỏi thực sự không quan tâm lắm đến một
câu trả lời tương ứng vào câu hỏi.
Lời chào trong phần xuất
hiện của mình luôn được đặt trong mối quan hệ với không gian và thời gian,
nhưng ta sẽ xem lời hỏi ở đây được xử lí như thế nào cũng trong mối quan hệ đó.
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê
nhà
Trong cặp hỏi - thưa thứ nhất
này, ta bắt gặp một sự lãng quên không gian hay nói cách khác là vượt ra ngoài
không gian. Trong một điều kiện thông thường, câu hỏi trên cho ta một tính chất
bình thường nhưng câu đáp rõ ràng rất bất thường, thậm chí ngô nghê, vượt ra
ngoài dự tính của lời hỏi. Thế nhưng nó lại chuyển tải một ý nghĩa sâu sắc. Người
ta không cần phải nói đến một không gian cụ thể chỉ cho quê nhà của mình nữa
khi đã đạt đến Đạo, làm chủ tâm mình và ngoại cảnh: Đâu cũng không phải là quê
nhà mà đâu cũng là không gian quê nhà của tôi. Bùi Giáng có những bài thơ trình
bày rõ hơn nhân sinh quan này:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất
xa
(Tặng Mã Giám Sinh)
Hôm nay tôi kiếm củi trong rừng
Lạc mất đường về chơi bỗng
dưng
Sực nhớ rằng đây rừng rú thẳm
Là quê thân thiết biết bao
chừng
(Người về)
Sau sự lãng quên không gian,
ở cặp hỏi - thưa thứ hai, con người đi đến chỗ lãng quên thời gian:
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm
dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi
vào
Người hỏi muốn xác định một
thời điểm (từ bước chân ra) nhưng người nghe không những đã không trả lời mà
còn phủ nhận luôn sự tồn tại xứng đáng của câu hỏi đó: Thưa rằng: nói nữa
là sai. Lúc này, thi sĩ chỉ còn quan tâm đến lát cắt của hiện tại. Đó chính là
yếu tố thời gian quan trọng nhất khi mùa xuân sắp đến. Nhưng mùa xuân rất cần
con người thổi hồn cho nó, làm nó trở nên sống động, lung linh; bởi lẽ nếu
không có con người, sự tồn tại của mùa xuân cũng là vô nghĩa. Con người với
ngôn ngữ, hành động, lời chào và nhất là bằng trái tim của mình đã và đang làm
nên bao nhiêu mùa xuân cho cuộc đời này.
Và bây giờ đến cặp hỏi -
thưa cuối cùng, đẩy tính duy lí của đoạn thơ thứ 6 lên chỗ cao trào và kịch
tính nhất: Có nhất thiết phải tồn tại lời chào trong cuộc đời này không khi bản
chất cõi thế chỉ là phù du, mỗi con người là những thân phận bé nhỏ, mong manh
và cô đơn, chúng thậm chí là những sinh linh bị lưu đày và phiêu dạt:
Hỏi rằng: đất trích chiêm
bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón
nhau
Hai chữ đất trích gợi
cho ta nhớ đến tuyệt phẩm Tỳ Bà hành của Bạch Cư Dị với những câu
như: Tầm Dương đất trích gối đầu sớm mai và Cùng một lứa
bên trời lận đận. Hai câu thơ này khiến giọng điệu bài thơ bỗng nhiên chùng xuống,
không tránh khỏi phút giây ngậm ngùi; nhưng hai câu kết của thi phẩm, cũng đồng
thời là câu trả lời đã làm cho câu thơ cuối vút lên, trong sáng và bay bổng,
tràn ngập ánh sáng và sắc hương của một mùa xuân mới:
Thưa rằng: li biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu
Nguyên xuân
Ai cũng một lần đến rồi đi,
ai cũng một lần sống rồi từ biệt thế giới này. Thế nhưng, chúng ta sẽ còn gặp lại
nhau bất tử trong một cõi vĩnh tồn bởi chúng ta đã gieo những hạt mầm vĩnh cửu
trong cuộc đời này theo một cách thật đơn giản: mỗi ngày để lại một lời chào
cho trần thế. Khi cuộc đời và con người nồng ấm chào nhau, mùa xuân nào cũng là
Nguyên Xuân, cũng là mùa xuân đầu tiên bất tận. Và nếu mùa xuân vẫn còn trên
trái đất này, thì cũng có nghĩa là chúng ta sẽ sống mãi khi từng phút giây, lời
yêu thương vẫn cất lên tha thiết...
Bức tranh ngôn từ tuyệt đẹp
của Nguyên Xuân có thể được hình dung lại qua sơ đồ sau:
Bên cạnh những vẻ đẹp ngôn từ
theo một hành trình ẩn dụ như đã trình bày, Bùi Giáng còn độc đáo trong việc tạo
ra một bầu không khí vừa cổ kính vừa lạ lùng qua việc sử dụng các từ Hán Việt một
cách mới mẻ và nhuần nhị: miên trường - hồng tàn lệ - bạc mệnh - bất
tuyệt - ngẫu nhĩ - li biệt - trùng ngộ - Nguyên Xuân.
Trương Trào, một danh nhân nổi
tiếng của Trung Hoa với trứ tác U mộng ảnh đã từng viết: "Một chữ
tình để duy trì thế giới, một chữ tài để tô điểm càn khôn". Vâng, điều
quan trọng sau cùng trên thế gian chỉ còn là một chữ Tình. Cuộc đời ngoài
kia vẫn trôi đi. Bao kiếp người đã và đang trôi đi, ngang qua mỗi chúng ta như
ngang qua bầu trời và mặt đất. Hậu sinh hôm nay lại thành tiền nhân của ngày
mai. Có những lời chào được sắp đặt và những lời chào không hẹn trước. Có lời
chào đầu tiên và lời chào tạm biệt. Nhưng tôi thầm tin rằng, sẽ không bao giờ
có lời chào sau cuối:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía
sau.
Đỗ Anh Vũ
Nguồn: TC Ngôn ngữ số
6/2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét