Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Hình tượng sông Đà trong tùy bút sông Đà của Nguyễn Tuân

Hình tượng sông Đà trong tùy bút 
sông Đà của Nguyễn Tuân 
Nhà văn đã lấy tên con sông Đà - mạch nước nguồn tưới tắm, bồi đắp cho đất, cho núi, cho ngàn hoa,… Tây Bắc làm nhan đề cho cả tập tùy bút, có lẽ bởi sự gắn bó tự nhiên, ngàn đời của con sông và vùng đất tạo cho ông bao cảm xúc và khơi lên sức sáng tạo. Sâu xa hơn, cái tên ấy, hình tượng ấy còn chất chứa những thông điệp nghệ thuật đầy ý nghĩa. Bởi thế, gần như trong toàn bộ tập tùy bút, thế giới đời sống của đất và người Tây Bắc hiện lên qua ngòi bút nhà văn trong sự gắn bó khi trực tiếp, khi gián tiếp nhưng vô cùng bền chặt, da diết mối thiên duyên và nhân duyên với sông Đà.
1.ĐÔI ĐIỀU VỀ NGUYỄN TUÂN VÀ MẢNH ĐẤT TÂY BẮC, VỀ TÙY BÚT SÔNG ĐÀ
Trong Xòe, Nguyễn Tuân đã họa nên Tây Bắc thật đẹp, thật thơ: Cái vườn đẹp Tây Bắc ấy, diện tích rộng tới một phần sáu đất đai toàn bộ đất nông nghiệp Việt Nam. Ở đấy, cây to bóng cả, núi vót ngọn xanh, núi dằng dặc lam, suối dạo đàn và rêu biếc lòng suối óng ả như tóc tuôn của một người đàn bà biết phát biểu bằng thơ[2, 186]. Với Nguyễn Tuân, Tây Bắc dường như đã tìm gặp được người tình nhân, người nghệ sĩ tài hoa để được yêu, để được họa và ca nơi tùy bút Sông Đà. Dòng thác mãnh liệt của cách mạng đã đưa một trái tim từng tha thiết, nâng niu những vẻ đẹp của một thời vang bóng đến với mảnh đất Tây Bắc xa xôi muôn trùng, để làm nên mối duyên kì ngộ. Sức sống, vẻ đẹp nguyên sơ, trong lành của Tây Bắc được đánh thức, được bất tử hóa bởi ngòi bút tài hoa. Và có lẽ, hồn khí của đất và người Tây Bắc với nét duyên quyến rũ đã khơi nên nguồn cảm hứng mãnh liệt nơi trái tim và tâm hồn nhà văn, để ông có được những trang tuyệt bút ấy.
Nhà văn đã lấy tên con sông Đà - mạch nước nguồn tưới tắm, bồi đắp cho đất, cho núi, cho ngàn hoa,… Tây Bắc làm nhan đề cho cả tập tùy bút, có lẽ bởi sự gắn bó tự nhiên, ngàn đời của con sông và vùng đất tạo cho ông bao cảm xúc và khơi lên sức sáng tạo. Sâu xa hơn, cái tên ấy, hình tượng ấy còn chất chứa những thông điệp nghệ thuật đầy ý nghĩa. Bởi thế, gần như trong toàn bộ tập tùy bút, thế giới đời sống của đất và người Tây Bắc hiện lên qua ngòi bút nhà văn trong sự gắn bó khi trực tiếp, khi gián tiếp nhưng vô cùng bền chặt, da diết mối thiên duyên và nhân duyên với sông Đà.
2.HÌNH TƯỢNG SÔNG ĐÀ TRONG TÙY BÚT SÔNG ĐÀ CỦA NGUYỄN TUÂN
Trong tư duy văn hóa của nhân loại, biểu tượng sông hay dòng nước chảy đồng thời là biểu tượng cho khả năng của vạn vật, của tính lưu chuyển của mọi dạng thể, của sự phong nhiêu, của cái chết và sự đổi mới. Dòng chảy là dòng của sự sống và sự chết… Chảy xuống từ trên núi cao, quanh co qua những thung lũng, biến mất trong những hồ và biển, dòng sông tượng trưng cho đời người với chuỗi những liên tiếp những ước mong, những tình cảm, những ý định và thiên hình vạn trạng những bước ngoặt của chúng… [3, 830].
Bài viết này hướng tới nỗ lực khám phá hình tượng sông Đà trong tùy bút cùng tên của Nguyễn Tuân từ ba góc độ:
     + Sông Đà – quà tặng của tạo hóa dành cho Tây Bắc
     + Sông Đà – dòng chảy mãnh liệt của sự sống Tây Bắc qua đau thương, máu lửa
     + Sông Đà – sự lưu chuyển của điểm nhìn trong hành trình đi tìm cái đẹp
2.1. Sông Đà – quà tặng của tạo hóa dành cho Tây Bắc
Chảy miên man bên những sườn núi, dốc đá Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở, sông Đà chính là cái mạch âm của vùng đất, làm nên một thực thể Tây Bắc trọn vẹn như là hiện thân tuyệt mĩ của chốn non nước hữu tình. Bao đời nay, những cư dân Tây Bắc kết nối, duy trì sự sống cùng với hành trình mãnh liệt trôi chảy của dòng nước Đà giang giữa đất, trời bao la.
Bởi thế, lẽ tất nhiên, Nguyễn Tuân khi viết về đất và người Tây Bắc đều hướng đến những hình ảnh châu tuần về hợp lưu của dòng sông ấy. Những trang của tập tùy bút Sông Đà được viết bởi chất thơ của xúc cảm và trí tuệ, ở đó hình tượng con sông mang sứ mệnh thiêng liêng, là quà tặng của tạo hóa dành cho Tây Bắc – “con sông có sức hút mạnh bước chân người”.
Qua những khám phá, phát hiện của Nguyễn Tuân, (và cũng là cảm nhận của bất cứ lữ khách nào đến với vùng đất này), trước hết, sông Đà mang đến cho Tây Bắc vẻ đẹp của cảnh sắc thiên nhiên đầy mê đắm, trữ tình nhưng vô cùng hiểm trở, dữ dội. Thiên tùy bút Người lái đò sông Đà là những trang tuyệt bút kết tinh tài năng và cảm xúc nhà văn để lột tả đến tận độ vẻ đẹp ấy. Có biết bao thế hệ người đọc từng say sưa với những câu văn tài hoa miêu tả vẻ đẹp trữ tình, thơ mộng của dòng sông mang nhịp điệu, âm hưởng của thơ ca: “Con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban, hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân… Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”[2, 74]. Dường như chỉ có sự tài hoa, lịch thiệp của Nguyễn Tuân mới dựng lên dáng hình sông Đà duyên dáng, quyến rũ đến nhường ấy, mới đủ sức mạnh để bất tử hóa vẻ đẹp – linh hồn của Tây Bắc. Chỉ với từng ấy trang sách, nhà văn đưa đến cho người đọc một suy diễn thú vị: chỉ Nguyễn Tuân, duy nhất Nguyễn Tuân đã tạc hình ảnh sông Đà nơi không gian Tây Bắc vào thời gian và nghệ thuật; Tây Bắc - sông Đà – Nguyễn Tuân mối thiên duyên kì lạ.
Trong tùy bút ấy, sông Đà còn được Nguyễn Tuân khắc họa với vẻ hung bạo, hiểm trở của những thác, những đá, những hút nước, những vực sâu… Đặt trong hoàn cảnh tác phẩm ra đời, vẻ hung bạo, hiểm trở ấy được người đọc tiếp nhận như là những thử thách khẳng định vẻ đẹp của chất vàng mười trong những người chèo đò Tây Bắc, thì giờ đây sự tiếp nhận ấy dần được mở rộng. Nó đem đến cho người đọc sự thấm thía bởi khả năng dự báo đầy chất nghệ thuật của nhà văn về sứ mệnh tài nguyên vô tận của sông Đà.
Như thế, trong khám phá của Nguyễn Tuân, sông Đà không chỉ đem đến vẻ đẹp kì thú cho cảnh sắc thiên nhiên Tây Bắc, mà còn dành cho vùng đất nguồn tài nguyên vô giá: “Dưới mặt đất Tây Bắc, cũng như trên mặt Tây Bắc và ngay trong dòng nước sông Đà trôi xuôi kia có vô khối là tài nguyên”[2, 60]. Nguồn tài nguyên sức nước không chỉ làm quay tua bin tạo nên dòng năng lượng điện, dòng nước ấy đổ ra sông Hồng khiến Tây Bắc có “đường ra, đường về”. Nguyễn Tuân đã miêu tả sứ mạng ấy của con sông với niềm tự hào, hồ hởi: “Mùa xuân này, tôi trở lại Quỳnh Nhai, tôi thấy vui hơn mùa xuân năm ngoái, một phần chính cũng là vì được thấy mỏ than mỡ đã khai ra và cuối năm vừa qua, đã có hàng trăm chuyến thuyền than Quỳnh Nhai xuôi sông về nhà máy đồng bằng và áp cả bến nhà máy của ta ở ngoài cửa biển”[2, 278]. Điều đó, khiến ta có cảm nhận, Nguyễn Tuân đến với sông Đà không chỉ trong tâm thế của một nghệ sĩ say mê đi tìm cái Đẹp, mà còn với tư cách nhà khoa học, nhà địa chất… đầy trách nhiệm. Ông gọi mỏ than mỡ chạy dọc sông Đà là mỏ vàng góp vào “gia tài hương hỏa chung của Tổ quốc”. Nguyễn Tuân, trong câu chuyện với bao người Tây Bắc, đã nhận thấy: nơi lòng rừng núi ông đang từng bước đường băng qua, trong lòng lưỡi cát bờ sông Đà có nhiều kim, nhiều quặng nhiều vàng. Nhưng qua thực tế chứng kiến công cuộc đổi thay bên dòng sông này,  còn giúp ông tinh tế phát hiện có một thứ tài nguyên quí giá khác đang được tôi luyện trong tâm hồn những con người nơi đây, đó là ý chí và khát vọng. Nó là yếu tố quyết định để chinh phục sông Đà, làm giàu đẹp cho cuộc sống bên dòng sông: “hai ven sông Đà và các chi lưu sông Đà, không chỗ nào là không có vàng. Vàng trong cát bờ sông, trong quặng núi, vàng trong tâm người”[2, 60].
Điều đặc biệt, trong hành trình đến với Tây Bắc, Nguyễn Tuân luôn khám phá vẻ giàu đẹp ấy của sông Đà trong sự gắn bó ngàn đời, máu thịt với con người nơi đây. Chẳng hạn, trong Than Quỳnh Nhai, ông viết: “Sông đẹp núi đẹp, cả con đò cả mày mắt cô lái đò đều rất tạo hình… Ấy là ở Quỳnh Nhai đây, nhờ giời nhờ đất, còn có một khúc sông của sông Đà chảy qua cho quả núi đá xanh bớt lẻ bóng, cho cô gái chèo thuyền hái rêu đỡ phải mua gương con, và cho cuộc đời Quỳnh Nhai thêm được bến trên bến dưới”[2, 275]. Với sự hóm hỉnh, trí tưởng tượng giàu có, nhà văn gợi ra một hình ảnh khủng khiếp: châu Quỳnh Nhai cạn mất con sông thơ mộng, di dưỡng tính tình và đời sống làm ăn: “giả thử vì một cuộc dâu bể địa chất tạo sơn tạo địa nào đó mà Quỳnh Nhai trôi buột đi và mất tích hẳn con sông Đà, tất cả thuyền bè và người đang tắm cứ tênh hênh tô hô trong lòng đá con sông bỗng ráo hoảnh”[2, 60].
Hay ở Người lái đò sông Đà, nhà văn đã bộc bạch những cảm nhận tinh tế về mối tơ duyên của con người và dòng sông. Người lái đò sông Quỳnh Nhai mang dáng hình một người tình nhân muôn thuở, một anh Trương Chi nào của dòng sông nhiều trữ tình này, là một linh hồn muôn thuở của sông nước này. Từ đó, ông có những liên tưởng sâu sắc, giàu hình ảnh: hình như con sông đã tạo riêng cho họ một cách cảm một cách nói vừa rắn rỏi vừa uyển chuyển âm trầm, …từ câu chuyện kể đều dội lên dư âm của thác đá sông Đà, có khi gân guốc rồi lại êm ru như dòng sông lặng tờ, sau những khúc ào ào ghềnh thác…
Như vậy, trong tư duy và tâm thức sáng tạo của người nghệ sĩ tài hoa, uyên bác, con sông khởi nguồn và đắp đổi cho sự sống cả cộng đồng dân cư; nó làm duyên, gợi dáng và tạo hồn cho con người và vùng đất. “Ở đâu có sông có nước lớn, thường trội lên những dấu hiệu của cuộc sống văn hóa, trội lên những hình ảnh của văn minh” – văn hóa, văn minh Tây Bắc hình thành, tiếp nối bên dòng chảy Đà giang bất tử và mãnh liệt.
2.2. Sông Đà – dòng chảy mãnh liệt của sự sống Tây Bắc qua đau thương, máu lửa
Đọc tùy bút Sông Đà, người đọc không chỉ được đắm mình trong một cảnh sắc thiên nhiên vừa dữ dội, hoang sơ, vừa trữ tình, thơ mộng mà còn có thêm nhiều hiểu biết về lịch sử một vùng đất đầy đau thương đang chuyển mình đi lên với cuộc sống mới bên dòng sông Đà. Qua những khám phá và biểu hiện của Nguyễn Tuân, ta tìm thấy một dòng chảy vô hình mà mãnh liệt của sự sống Tây Bắc qua đau thương, máu lửa, chảy song trùng với con sông của trời của đất.
Trong suốt chiều dài thời gian, sự sống con người và vùng đất nơi đây trải qua biết bao biến cố lịch sử như sự trôi chảy của dòng nước sông Đà được tạo nên bởi hành trình vượt bao ghềnh, bao thác. Sự sống ấy trải dọc trên những sườn non, những bến sông, những dòng suối, những chi lưu của dòng sông… Hình ảnh về sự vận động của sự sống Tây Bắc từ quá khứ đau thương đến hiện tại và tương lai tươi sáng, trong trang viết Nguyễn Tuân, thật dẻo dai, bền bỉ, đáng trân trọng.
Cùng Nguyễn Tuân ngược dòng thời gian, xuôi sông Đà, người đọc đến với cuộc đời đen tối của Tây Bắc khi xưa. Nỗi đau vẫn còn đọng lại nơi phía bờ sông Đà, nước thác vẫn réo lên tiếng bọt nước xô vào đá, khi nhà văn lắng nghĩ về cái xác chết của dĩ vãng Tây Bắc – Đèo Văn Long. Biết bao thân phận người Thái đen, Thái trắng, người Mèo đã phải chịu kiếp sống trâu ngựa dưới bàn tay bạo tàn. Máu của người Tây Bắc đỏ loang, lênh láng bên những tảng đá đen đầu cổng nhà Đèo Văn Long, những dịp hắn tế cờ xuất quân biết bao tù người Xá, người Kinh bị mổ bụng moi gan ăn sống… “Nói sao cho hết những đau thương của Tây Bắc trước khi lửa cách mạng tháng Tám cháy bùng lên núi cỏ gianh đánh lùi bóng tối của đem dài Tây Bắc”[2, 188]. Giọng văn Nguyễn Tuân ngậm ngùi như thế khi nói về quá khứ xưa của sự sống bên sông Đà. Xúc động hơn hết là những trang ông viết về Xòe: “Bóng tối của phong kiến và đế quốc đã trùm lên đêm hoa đăng giả tạo, bóng tối buộc lấy cổ tay, ngón chân, cổ chân những bước xòe Thái”[2, 188]. Trong màn đêm ấy, thật xót xa, xòe – hòn ngọc quí của văn hóa Tây Bắc, thứ giá trị tinh thần hội tụ vẻ đẹp thể chất và khát vọng tinh thần cháy bỏng của cả một dân tộc, lại biến thành một thứ tô nghệ thuật. Xót xa hơn nữa, những đóa ban rực rỡ, tài hoa nhất của núi rừng lại trở thành những “tội nhân nghệ thuật”, những cái đệm sống của bè lũ đế quốc và phong kiến. Những đôi chân xòe đã bỏng cháy trên sàn gỗ luộc dầu để trái tim càng buốt giá. Những nỗi uất hận cứ chồng chất gửi vào tiếng thác sông Đà, mài nhẵn những bậc đá trên bao bến sông, những cầu vồng của nhân gian Tây Bắc ngày ấy. “Và trong những đêm tiệc, máu đồng trinh cứ rỏ theo bước đi của đôi chân khiêu vũ, cô gái xòe cứ giẫm lên máu mình mà múa, rồi máu tươi ấy khô dần một đống trên một cuộc đời đã biến thành một cái đệm, lớp máu đêm sau đóng vảy lên lớp máu đêm đầu, và cứ thế cứ thế”[2, 193]. Thiết nghĩ, không cần thêm một lời bình nào, những hình ảnh trong trang viết Nguyễn Tuân đã diễn tả đến tận cùng những nỗi đau, niềm uất hận hằn lại nơi lòng người, giữa mây ngàn sông nước miền Tây.
Tích tụ trong căm hờn, đau thương là cái cốt cách vững vàng, khát vọng giải phóng của những con người bao đời tự do làm bạn cùng với sương mù, non cao, và sóng nước. Tựa vào núi cao, sông dài, người Tây Bắc tìm thấy ánh sáng cách mạng trong những ngày gian khó. Những hạt đào cộng sản đã nảy mầm sự sống nơi nhà ngục – chốn đọa đày, khuất phục ý chí đấu tranh cách mạng; để rồi nhân niềm tin ở những sắc hoa tươi thắm trong gió ngàn. Chàng thanh niên Lò Văn Gía của núi rừng hồn hậu, điềm đạm, linh lợi mà kín đáo đã dũng cảm đưa những người tù cộng sản vượt ngục ra phía sông Đà, trong cái màn mưa trắng núi trắng rừng quen thuộc của Tây Bắc. Sự tỉnh táo đầy quả cảm và biến báo của những người cộng sản lúc lâm nguyđã giúp người con của núi rừng hoàn thành sứ mệnh cách mạng. Kẻ thù hèn hạ tìm cách tiêu diệt anh hòng uy hiếp phong trào và khuất phục tinh thần của đồng bào. Lò Văn Gía ngã xuống, quả ổi rừng đã buột khỏi tay. Người con ấy yên nghỉ trong vòng tay quê hương, trong những câu hát mới tự do được cất lên để thay thế cho những câu hát cũ than thở về ổi rừng: “quả ổi biến thành quả lựu, người yêu của mình thành ra người của bản xa”. Hình ảnh quả ổi rừng, gốc ổi rừng mà Nguyễn Tuân phát hiện trong câu chuyện, câu hát về người con trung hiếu gợi lên trong người đọc  những suy tưởng đầy chất thơ về vẻ đẹp tâm hồn người anh hùng, về vẻ đẹp của vốn thơ ca cũ dân tộc Thái.
Những người lái đò Sông Đà dùng cái sức mạnh để duy trì và tiếp nối sự sống nơi chốn sông nước bao la, sức mạnh chiến thắng cái thiên nhiên không bình thường của một con sông Tây Bắc hiểm trở để thoát khỏi sự áp bức của giặc Tây, giặc Nhật…
Trong thử thách khốc liệt, con người Tây Bắc không hề cô đơn, họ được chở che bởi núi rừng đại ngàn, được tiếp sức bởi những nguồn mạch nước vô tận của đất và trời. Thiên nhiên Tây Bắc cùng chung vai với con người trong đau thương, cùng sục sôi khát vọng giải phóng: “Trên Pha Đin, cỏ gianh liên tiếp đồi nọ đồi kia như một tấm áo nhung đại cà sa óng ánh xanh một màu cỏ pha. Trong chiến tranh vừa qua, cái áo xanh đẹp ấy đã bị bọn lính viễn chinh xé rách và làm cháy xém nhiều mảng. Bom chùm, bom dây, bom bướm, bom tạ, bom tấn, bom nhanh, bom chậm, giờ đã làm hoen ố, rách nhàu nhiều miếng trên thân áo nhung màu. Cây cỏ Tây Bắc có độ lượng, đã khâu lại tất cả, nhưng người Tây Bắc ở đây không những nêu tội ác của giặc mà muốn bắt đền nó và không bao giờ quên những khoản nợ máu mà nó gây nên. Đất đỏ đỉnh đèo lưng đèo bật tung lên như cơ thể vọt máu từ miệng vết thương, và núi sông quanh đây không ngớt dội lại không thôi tiếng hận thù trong những trận bom sáng giăng”[2, 94]. Những cảm nhận sắc sảo, tinh tế của Nguyễn Tuân đã lột tả thật ấn  tượng sức sống dẻo dai, bền bỉ của đất và người Tây Bắc trong chiến tranh. Chính sức mạnh ấy đã giải phóng cho thân phận và khát vọng sống bao thế hệ con người nơi đây.
Và rồi sức sống của đất và người lại làm nên công cuộc dựng xây. Nhà văn Nguyễn Tuân đã phát hiện biết bao hình ảnh thật đẹp, thật ý nghĩa về sức mạnh  hồi sinh của Tây Bắc. Bên những tháp trắng mộ liệt sĩ bên đồi A1, cánh đồng đạn đã trở thành cánh đồng lúa đứng hàng đầu của bốn cánh đồng lương thực ở Tây Bắc. Cả vùng đất lại quyết tâm, say sưa mở đường vượt sông, kết nối huyết mạch với Tổ quốc: “Vượt sông Đà, vượt sông Đà, đúng là cái điệp khúc thân yêu của những con người đã sống chết với Tây Bắc và đang sống cao độ với quê hương Tây Bắc”[2, 120]. Lời văn Nguyễn Tuân như ngân lên những nốt nhạc tươi vui để diễn tả ý chí, sự hào hứng nơi hồn người đi mở đường. Hình ảnh ngọn lửa Quỳnh Nhai khơi dậy hát vọng về một Tây Bắc no ấm bên sông Đà: “Từ ngọn lửa lom dom mười năm xưa địch hậu Quỳnh Nhai gian khổ, cho tới ngọn lửa những thùng phuy luyện cốc trong hoàn cảnh hôm nay có tươi vui hơn nhưng vẫn chưa hết gian khổ, tôi cảm thấy có một mạch nối thiêng liêng làm ấm sáng lên tấm lòng của tất cả những con người đang cảm xúc theo nhịp khai thác mỏ than bên sông Đà”[2, 289].
Như vậy, Nguyễn Tuân với những khám phá của mình giúp người đọc cảm nhận thật rõ nét: cơ thể Tây Bắc đang chuyển dần, mạch máu của Tây Bắc đang hóa sinh thêm lên vô vàn hồng huyết cầu; từ nay sông Đà  ngày càng xanh ve mãi lên một niềm hoài vọng; vòng xòe Tây Bắc nối dài trong men say tự do và tình yêu; nhịp sống mùa xuân “đang tưng bừng chỗ đầu suối tràn ruộng, bến sông” để những người con gái được yên bình gội đầu bên suối, duyên dáng hong tóc cùng sắc ban trắng tinh khôi.
2.3. Sông Đà – sự lưu chuyển của điểm nhìn trong hành trình đi tìm cái đẹp
Sông Đà là kết tinh những kỉ niệm và vốn sống nhiều năm ở Tây Bắc, đồng thời cũng đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản của tâm hồn Nguyễn Tuân sau lần nhận đường thứ hai của các nhà văn đi vào cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Trình bày những cảm tưởng về Tùy bút “Sông Đà” của Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyên Ngọc đã khẳng định: “Khi nói cảm tưởng về “Sông Đà”, trước hết tôi muốn chào mừng anh Nguyễn Tuân ở một cách đứng mới, một vị trí mới, không những chỉ là một vị trí mới của anh trong tác phẩm của anh, mà trước hết là một vị trí mới của anh trong cuộc sống ngày nay mà anh nói đến trong tác phẩm. Theo tôi, đó là một thành công mới của anh đạt được sau cả một quá trình thay đổi lâu dài. Thành công đó quyết định tất cả những điều tốt đẹp mà anh đem đến cho chúng ta qua tập Sông Đà.
Thế mới biết việc chọn chỗ đứng là quan trọng mức nào đối với người viết. Có khi đứng như thế nào đấy thì lại tự mình thu hẹp tầm mắt của mình lại, tự mình che lấp mất cái thế giới bao la quanh mình, và lúc đó chỉ còn thấy những điều tủn mủn, nhỏ nhặt, lại dễ sinh ra tính câu nệ vụn vặt. Ngược lại, do một cái vị trí mới, đúng, tác giả bỗng thấy mở ra trước mắt mình một thế giới mới xôn xao, rộn rịp, tâm hồn mình cũng thành ra cởi mở, rộng rãi”[1, 272].
Chọn cho mình một điểm nhìn nghệ thuật gần gũi, hòa hợp và Ta thấy ở Sông Đà, Nguyễn Tuân có cái náo nức, sôi nổi của một con người vừa thấy bày ra trước mắt mình một cuộc sống mới cuồn cuộn, những con người mới rất đẹp, ào ạt đi tới. Nguyễn Tuân viết về con người mới, cuộc sống mới Tây Bắc với một tâm thế cởi mở, say mê và vô cùng gắn bó.
Trong Dọn nhà lên Điện Biên, ông đã dựng lên một khung cảnh điển hình về một phương diện sinh hoạt mới của đất nước ở giai đoạn xây dựng, kiến thiết: “Hàng loạt người rời đồng bằng lên những vùng núi non giàu có, bao la, dọn nhà lên Điện Biên”, đi xây dựng đất nước. Gắn liền với khung cảnh hiện thực ấy là những hoàn cảnh tâm lý, tư tưởng phức tạp của con người vươn tới cái mới: bỏ quê hương, phá đi bao thứ nếp suy nghĩ cũ về hạnh phúc, về tình yêu, về đạo đức, làm nên những quan niệm mới, cách mạng. Nguyễn Tuân thật sâu sắc và tinh tế khi chạm đến những trăn trở, suy tư kín đáo “bỏ một thói quen, kể cả thói quen với cái làng gốc gác của mình để mà ra đi, nó rất là giằng xé, rất là phiền phức”. Tác giả say mê ca ngợi cái mới, đồng thời cũng thấu hiểu, đồng cảm với những khó khăn, sự giằng xé trên bước đường vươn đến cái mới. Dòng triết lý: “Có những sự chia tay là tất yếu trong đời sống tiến lên” như là sự trải lòng của chính cái tôi nhà văn trong giai đoạn “nhận đường”, hơn thế nữa cho thấy một nhân sinh quan tiến bộ, cách mạng trong cách nhìn về đời sống. Tác phẩm khép lại bằng câu chuyện của một cán bộ địch hậu Tây Bắc: “Cụ tổ ba đời tôi người Nam Định, lên làm ăn ở Phú Thọ. Nếu căn cứ vào mồ mả tổ tiên chi họ, thì phải nói quê tôi ở Nam Định. Nhưng nếu đem hộ tịch, địa bạ ra mà so, thì tôi là người quê ở Phú Thọ, mặc dầu tôi với Phú Thọ đối với thực tế Phú Thọ, tôi biết tôi hiểu rất ít, hầu như là chưa đủ tri thức để xúc cảm với những thực tế ấy. Cuộc sống tình cảm của tôi chỉ bắt đầu có từ giai đoạn sống chết với cơ sở Tây Bắc. Mỗi lần chết đi sống lại với cơ sở trong lòng địch, mỗi lần đau thương, rồi yêu thương với cơ sở, là mỗi lần mình cảm thấy cơ sở ấy chính là quê hương mình đấy… Có thể nói một cách khác rằng người ích kỉ cũng là người không có quê hương. Tôi cho rằng chỗ nào mình có nhiều cảm xúc trước thực tế mà mình có góp phần xây dựng, chỗ nào mình gắn bó với vận mệnh nơi đó và tập thể nơi đó yêu thương mình, thì đấy là quê hương của mình”… [2,150]. Cái quan niệm rất mới, rất đẹp về quê hương ấy được Nguyễn Tuân phát hiện và thấu ngộ trong từng đoạn đường xe lên Tây Bắc, trong những trái tim đầy hồi hộp xen lẫn những băn khoăn khi đến Điện Biên. Đó là những chia sẻ mà Nguyễn Tuân góp nhặt, quan sát từ thực tế chiến đấu và xây dựng, lồng trong đó còn là sự chiêm nghiệm của nhà văn về lẽ tồn tại trong sự chảy trôi vĩnh cửu của đời sống.
Mở rộng tầm mắt, cởi bỏ cái Tôi cực đoan để hòa mình vào cuộc sống mới, gắn bó với những con người mới, Nguyễn Tuân đã khám phá muôn vàn sự biểu hiện của cái Đẹp từ sự trải nghiệm đầy trách nhiệm. Đó không còn là những cái Đẹp dị biệt, đối lập với thực tế cuộc sống đương thời, mà là những cái Đẹp giản dị, thầm lặng vươn lên từ gian khó, khốc liệt.
Nhà văn trân trọng, nâng niu vẻ đẹp của sự hy sinh nơi những con người đang cống hiến cho sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ Tổ quốc, những con người ông gặp gỡ hàng ngày, hàng giờ trên những nẻo đường Tây Bắc. Đó là những công nhân “đang tạm thời lấy chân tay mình ra mà moi mà cuốc những vỉa than mỏ đang chờ cơ giới kéo lên” [2, 140]; những chiến sĩ ở đồn biên giới Tây Trang xa xôi, thiếu thốn đủ đường nhưng “chật vật nhất là mặt tình cảm”; những người đi mở đường “giống như những người lái đò cạn…, những vạn chài trên đất liền Tây Bắc. Và những con đường ta mở ra, sao lại không là một tia đèn bể chiếu rọi đi xa, chiếu rọi qua những sóng đêm dài ở Tây Bắc” [2, 132]… Không chỉ say mê ngợi ca  mà nhà văn còn tìm thấy đằng sau mỗi vẻ đẹp một triết lý sống thấm thía, sâu sắc. Ông cảm nhận cuộc sống của những lính Tây Trang đã động viên mình không phải là ít, nó có thêm cho tôi nhiều cảm nghĩ về cái khía cạnh chịu đựng để mà vươn lên. Ta không còn thấy một cái Tôi ngạo nghễ, khinh bạc với muôn sự cuộc đời, mà là một cái Tôi trăn trở, gắn bó với con người và đời sống thực tế, sống kĩ lưỡng với chính mình.
Trong tâm thế người nghệ sĩ đã hòa hợp vào cái Đẹp cái Lớn chung của dân tộc, Nguyễn Tuân còn ngược dòng thời gian hướng đến phát hiện, khắc họa cái Đẹp trong quá khứ của Tây Bắc đau thương. Đó là ánh sáng của những hoa đào cộng sản Sơn La, ánh sáng đôi mắt của người thanh niên cộng sản Thái Lò Văn Gía… Góc nhìn con người từ phương diện tài hoa nghệ sĩ, mà ông theo đuổi từ trước cách mạng, đã giúp Nguyễn Tuân khám phá nên cái Đẹp mà ít người nhìn thấy nơi những người chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh “cái phẩm cách toàn năng của con người cộng sản nhiều trí tuệ chính trị” là sự đa tình đa cảm đối với đồng loại, đối với cõi tự nhiên. Giữa ngục tù, nơi đày đọa giết mòn kiếp người, người cộng sản đã bình tĩnh cắm xuống tấc đất đầy máu và nước mắt một nhánh đào để nó hút lấy hơi đất máu ấy mà kết dần nụ hoa; người cộng sản khao khát một ánh trăng đêm rằm… Qủa là chỉ có Nguyễn Tuân mới phát hiện thấy chất lãng mạn nghệ sĩ bên cạnh chất lãng mạn cách mạng trong vẻ đẹp của người cộng sản.
Cái Đẹp trong quá khứ ấy của Tây Bắc đau thương được Nguyễn Tuân tô đậm trên cái nền quá khứ phản diện. Ngòi bút ông đặc biệt trầm lắng, sâu sắc khi nói đến những khổ đau ngày trước. Sự độc ác, gian xảo của Đèo Văn Long, những kiếp đời não nùng của biết bao cô xòe Thái… những hình ảnh tăm tối của cuộc đời cũ chính là “những đường viền đen làm sáng rõ thêm màu sáng của cuộc đời Tây Bắc ngày nay” [2, 276].
Có thể thấy, trước cách mạng, ông tuyệt đối hóa cái Đẹp chỉ tồn tại trong quá khứ thanh sạch, phủ nhận sự tồn tại của phạm trù ấy nơi hiện tại rối ren, thì giờ đây với nhãn quan biện chứng Nguyễn Tuân luôn tìm được mạch kết nối giữa cái đẹp trong quá khứ và hiện tại, gửi gắm niềm tin, ước vọng về cái Đẹp của tương lai.
Thời gian đã làm nên những giới hạn cho mỗi đời người, song những ai sống hết lòng với thời gian của đời mình, người đó coi như đã tìm cách để đến được với vĩnh viễn. Nguyễn Tuân đã bước vào cõi vĩnh hằng, nhưng những gía trị ông cống hiến cho nghệ thuật còn mãi với thời gian, ghi danh ông vào cõi bất tử của cái Đẹp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Tôn Thảo Miên (tuyển chọn và giới thiệu), Nguyễn Tuân về tác gia và tác phẩm, Nhà xuất bản Giáo dục, Thp Hồ Chí Minh, 2003.
[2]. Nguyễn Tuân, Tuyển tập (tập 2), Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, 1996.
[3]. Jean Chevalier, Alain Gheerbant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2002.
Nguyễn Thị Ngọc Thúy
Theo http://nguvan.utb.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...