Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Bốp!” - âm thanh khô khốc
vang lên. An loạng choạng rồi ngã xuống sàn. Tay An ôm lấy mặt, mắt mở to bàng
hoàng. Mẹ An vừa đánh nó vì một đứa trẻ khác. Và ngay lúc này, khi trên má An
còn in dấu những ngón tay của mẹ thì mẹ lại đang dỗ dành, nựng nịu đứa trẻ
khác.
- Còn đứng đó làm gì? - Mẹ
An quát - Không dọn dẹp cho gọn đi. Đúng là cái thứ chướng tai gai mắt.
An lủi thủi dọn đống sách vở
ngổn ngang trên sàn, nước mắt chỉ chực trào ra khi nhớ lại câu nói của mẹ. “Còn
làm em bé khóc thì liệu hồn đó. Mày không là gì trong cái nhà này đâu. Khóc cái
gì, ở không được thì cút về nhà bà ngoại”.
An chưa từng nghĩ mẹ lại nói
với mình những lời vô tình như vậy. Một giọt nước mắt tràn khỏi mi, rơi xuống
con điểm 9 trên bài tập làm văn. Bài tập làm văn mà cô giáo đã khen ngợi và đọc
lên trước lớp. Bài tập làm văn An viết về mẹ!
Ngay từ nhỏ An đã không được
mẹ yêu thương. Ký ức xa xăm nhất mà An còn có thể nhớ được là vào năm An lên bốn.
Bà ngoại cho An đi mẫu giáo. Sau khi khóc chán vì phải xa người thân đến một
nơi hoàn toàn lạ lẫm, mấy đứa nhóc như An bắt đầu làm quen với nhau. Ngồi bên cạnh
An là một cậu bé có mái tóc nâu nhạt, mắt chỉ hoe hoe đỏ chứ không khóc.
- Mẹ tớ bảo nếu tớ học
ngoan, chiều mẹ sẽ đến đón về sớm, còn mua kẹo cho tớ nữa.
Cậu bé tên Bi khoe. Khi đó
An đã tròn mắt hỏi: “Mẹ là gì?”.
- “Mẹ” mà cậu cũng không biết
à? - Bi hơi lên giọng, tỏ vẻ hiểu biết - “Mẹ” là người sinh ra cậu và chăm sóc
cậu đấy. Mẹ tớ đẹp lắm. Mẹ tớ tên Hiền nên mẹ rất hiền. Thế mẹ của cậu tên gì?
Từ nhỏ An chỉ sống với bà
ngoại và bà cũng là người duy nhất chăm sóc An, vậy chắc bà ngoại là “mẹ” rồi.
An trả lời bạn: “Mẹ của tớ tên là bà ngoại!”.
An vẫn nhớ khi nghe câu trả
lời của mình, Bi đã cười ngặt nghẽo. Chiều hôm đó, khi vừa trông thấy ngoại ở cửa
lớp, An đã òa khóc ngay. Rồi không ngày nào An không hỏi bà ngoại về mẹ và đòi
bà phải dẫn An đến chỗ mẹ.
Lần đầu tiên An được gặp mẹ
là khi nó vào lớp hai. Từ lúc nghe cậu bạn lớp mẫu giáo khoe về mẹ, An đã tưởng
tượng và tin rằng mẹ của mình cũng đẹp và hiền như thế.
Đúng là mẹ đẹp thật, đẹp hơn
cả trong tưởng tượng của An. Nhưng sao mẹ không tươi cười, không ôm An vào lòng
và hôn lên tóc An như mẹ của Bi hay làm với bạn ấy. Ánh mắt mẹ nhìn An thật xa
lạ và lạnh lùng. Lúc còn nhỏ, An chưa biết diễn tả ánh mắt đó như thế nào nhưng
bây giờ mỗi khi nhớ lại, lòng An lại ngập tràn cảm giác hụt hẫng khi cảm nhận
được An không phải là điều mẹ cần, không phải là đứa con mà mẹ yêu thương. An vẫn
nhớ cái cách mẹ gạt tay rồi đẩy An ra khi nó chạy tới bám lấy áo mẹ, muốn được
dụi đầu vào lòng mẹ.
Mẹ đã từng là những dấu chấm
hỏi lớn trong An. Vì sao mẹ không ở cùng An, vì sao mẹ lạnh nhạt với An, vì sao
chưa bao giờ mẹ gọi An một tiếng “con” và xưng là “mẹ”? Rồi thời gian và bà ngoại
đã cho An những lời giải đáp.
Mẹ vốn là hoa khôi của trường.
Suốt thời phổ thông, có không biết bao người theo đuổi mẹ nhưng mẹ chẳng ưng
ai. Rồi cô hoa khôi kiêu kỳ gặp chàng lãng tử ở trường đại học. Họ quen nhau và
An là kết quả tình yêu của mẹ. Phải, An chỉ là kết quả tình yêu của mẹ mà thôi.
Bởi nếu chàng lãng tử kia cũng yêu mẹ, yêu An thì đã không chia tay mẹ khi An
tượng hình được vài tháng, đã không ngoảnh mặt làm ngơ khi mẹ sinh An. Mẹ căm
giận người ấy và ghét lây cả An. Ngay từ lúc còn đỏ hỏn, An đã về với ngoại,
còn người mẹ mà An hằng mơ ước được gặp đã bắt đầu lại mọi thứ mà không có An.
- Ngẩn ngơ gì ở đó? Không lo
đi nấu cơm đi, ổng sắp về rồi đó.
“Ổng” là chồng của mẹ, là ba
của em bé vừa phá tung bàn học của An vừa khiến An bị mẹ đánh mắng. Mẹ kết hôn
khi An lên lớp sáu. Chồng của mẹ là một giám đốc trẻ, không biết gì về quá khứ
của mẹ, không biết gì về An. So với mẹ, ông có vẻ còn tử tế với An hơn. Tử tế
theo cách một ông chủ lịch thiệp với osin trong nhà! Đúng, An chỉ là osin trong
gia đình của mẹ mà thôi. Dọn dẹp, cơm nước, trông chừng em bé là những việc An
phải làm ngoài giờ học. Nơi An ngủ là một căn phòng hẹp dưới chân cầu thang.
Nói đúng hơn thì đó chỉ là một khoảng không gian được tận dụng làm nơi chứa đồ
và giờ dành cho An.
Lắm lúc An nghĩ tạo hóa thật
bất công. An không làm gì sai cả. Ở lớp An học rất giỏi, về nhà An rất ngoan.
Sao mẹ không dành cho An chút tình thương nào? Từ nhỏ, An luôn khao khát có
ngày được sống với mẹ, có ngày được mẹ ôm vào lòng, được thủ thỉ với mẹ mỗi tối,
được mẹ chải tóc cho mỗi ngày. Nhưng khi được sống với mẹ rồi, An lại mong mình
chưa từng ước mơ như thế. Vì mẹ chẳng cần An, vì mẹ chẳng khi nào xem An là con
của mẹ, vì mẹ thấy An chỉ như thấy lại những bồng bột tuổi trẻ, thấy lại nỗi tủi
nhục khi bị người yêu phụ bạc. Những điều thú vị, mới mẻ khi được lên thành phố
học đã không còn ý nghĩa với An khi mỗi ngày An phải nhận sự ghẻ lạnh của mẹ.
Nhiều khi bị mẹ hắt hủi, đánh mắng oan vì em bé quá nghịch ngợm, An chỉ muốn
chuyển ra ngoài sống. Nhưng không hiểu sao, ở đâu đó trong lòng, An vẫn mong đến
một lúc nào đó, mẹ sẽ yêu thương mình, dù một chút thôi cũng được.
Trưa tan học, trời nắng gắt.
Mới dừng xe ở chốt đèn xanh đèn đỏ một chút mà mồ hôi An đã tuôn ra ướt đầm. Vậy
mà ở phía bên kia đường, trên vỉa hè, An trông thấy một người phụ nữ luống tuổi
cõng một thanh niên to hơn mình bước đi chầm chậm. An trông thấy người thanh
niên cười hềnh hệch, cái cười ngô nghê trên khuôn mặt một người không bình thường.
Người phụ nữ buộc anh vào người mình bằng một mảnh vải cũ. Tay bà vừa đỡ hai
chân anh, vừa cầm chặt một xấp vé số. Đến chỗ nào có khách, bà lại mời rồi lại
cắm cúi bước đi. Mắt An nhòe đi, không biết vì nắng, vì giọt mồ hôi trên trán
chảy xuống mắt hay vì điều gì khác nữa.
Hôm nay An cố tình dừng xe
chỗ ngã tư ấy và chờ đợi, hi vọng có thể gặp lại họ. Và rồi An gặp lại thật.
Cũng người mẹ với chiếc áo bạc màu, cõng người thanh niên có khuôn mặt trẻ con
ngờ nghệch.
Người mẹ quê ở miền Trung, một
vùng quê còn nghèo, hết hạn hán lại đến lũ lụt làm người ta héo hắt. Bà có chồng
rồi sinh con. Nhưng chồng bà đã lấy vợ khác khi những đứa con bà sinh ra, đứa
thì chết sớm, đứa lại không được bình thường. Anh là đứa con duy nhất còn lại của
bà. Dù anh không khỏe mạnh, không bình thường như những người khác, bà vẫn yêu
thương anh hết mực. Nhìn cách bà nói chuyện, nựng nịu anh thì ai cũng biết. Duy
chỉ có anh là không biết gì, chỉ ú ớ vài tiếng rồi lại cười hềnh hệch.
- Lúc bình thường thì nó
ngoan lắm, chỉ ở yên trên lưng bác thôi - Bà nói - Còn lúc giở chứng thì cũng cực
lắm. Nó coi vậy mà khỏe, nhiều khi vùng vẫy làm bác té hoài. Cũng may người đi
đường còn thương, chạy vào giúp.
Người mẹ lại quay sang con
mình, vuốt mái tóc được cắt gọn ghẽ của anh. An thấy lòng mình nhói lên một
chút ganh tị. Chưa bao giờ mẹ dành cho An cử chỉ âu yếm như thế!
Những ngày đi học, khi nào
An cũng chạy qua chỗ này để mua giúp bà một tờ vé số hay có khi biếu bà trái
cam, trái quýt mà An để dành được. Ngày nắng cũng như ngày mưa, người mẹ tóc bạc
còm cõi ấy vẫn đều đặn cõng con trai đã ngoài hai mươi tuổi trên vai, đi qua
các con phố Sài Gòn để mưu sinh. Chưa khi nào bà mở miệng xin tiền của bất kỳ
ai. Bà chỉ sống với con bằng đồng lời ít ỏi từ những tấm vé số. Bà làm An nhớ đến
ngoại. Dù ngoại không lâm vào tình cảnh khó khăn như bà nhưng ngoại đã một mình
nuôi dạy An suốt bao nhiêu năm.
Một ngày nọ, An thấy người mẹ
không cõng con mình trên vai nữa mà đẩy anh đi bằng một chiếc xe lăn. Thì ra có
một người tốt bụng, thấy bà mẹ quá vất vả đã tặng một chiếc xe lăn. Bà kể với
An, mắt lấp lánh niềm vui:
- Trên đời còn nhiều người tốt
quá con à. Có cái xe này bác đỡ cực mà nó ngồi cũng dễ chịu hơn.
An mừng cho bà chưa kịp bao
lâu thì mấy ngày sau lại thấy bà cõng anh đi trên đường.
- Có xe lăn rồi người ta ít
mua vé số con ơi. Lấy cái bệnh của con cái ra để kiếm tiền thì thấy thiệt mắc cỡ,
nhưng mà phải cõng nó đi như thế này, người ta thương mới mua giúp nhiều. Bán
vé số được thì mới có tiền mà lo cho nó.
Gương mặt sạm đen của bà như
hằn thêm nhiều nếp nhăn khổ cực. Bà lại cắm cúi bước đi, đôi dép mòn vẹt đỡ lấy
hai gót chân nứt nẻ. An nghĩ đến mẹ, người phụ nữ vẫn vẹn nguyên nét đẹp thuở
xuân thì, có người chồng là niềm mơ ước của nhiều cô gái, chưa khi nào phải lo
lắng đến chuyện áo cơm, mỗi tuần đều đi mua sắm, làm đẹp. Không biết tình
thương của mẹ dành cho em bé lớn đến thế nào, có giống tình thương của người phụ
nữ bán vé số với đứa con bệnh tật của mình hay không. Và không biết, có lúc nào
mẹ chợt nghĩ đến An, đến đứa con mà mẹ chối bỏ suốt thời gian qua hay không.
Cùng là mẹ mà sao… khác nhau quá!
An vào đại học, bắt đầu tìm
chỗ trọ khi kiếm được những đồng tiền đầu tiên bằng việc làm thêm của mình. Bà
ngoại nói mãi không được cũng đành chìu theo ý của An. Khi nói ý định dọn ra ở
riêng với mẹ, An tưởng mẹ sẽ đồng ý ngay tức khắc vì vốn dĩ ngay từ đầu mẹ đã
không muốn An sống cùng kia mà. Nhưng thật khác với suy nghĩ của An, mẹ hơi ngạc
nhiên và do dự. Không hiểu sao, mẹ không bảo “ừ đi đi” mà cũng không giữ An ở lại.
An rời căn biệt thự khang
trang vào một ngày nắng. Chiếc xe đạp chở vài thứ đồ dùng cuối cùng đứng trước
cổng một hồi lâu. Dù sao An đã ở đây cũng lâu và nơi này lại có người mẹ An yêu
thương sinh sống nữa.
- Ra ngoài sống một mình phải
cẩn thận - An quay lại khi nghe mẹ nói lời quan tâm đầu tiên với mình - Xin lỗi
con… mẹ… mẹ không đủ can đảm để nhìn nhận con. Cứ coi như mẹ là một người dưng
xấu xa...
An mỉm cười, cuối cùng An
cũng được nghe tiếng mẹ gọi “con”. Chỉ bấy nhiêu thôi là đủ rồi, An không cần
gì hơn nữa. “Không sao đâu mẹ. Mẹ phải thật hạnh phúc nha”.
An đạp xe đi. Qua ngã tư quen
thuộc, An lại thấy hai mẹ con người bán vé số. Họ dừng lại nghỉ mệt bên vệ đường.
Người mẹ rút khăn lau mồ hôi cho con, rồi xoa xoa hai bàn chân nhức mỏi. Dù cực
khổ nhưng An vẫn thấy trong ánh mắt bà, niềm hạnh phúc khi được chăm sóc con
trai.
An nhớ đã nghe đâu đó câu:
“Cánh cò cõng nắng
cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió
sương”
Không phải tất cả bà mẹ đều
hoàn hảo nhưng trong mắt những đứa con, họ luôn là những người vĩ đại. Có thể mẹ
không dành tình thương của một người mẹ cho An vì mẹ đã dành tất cả điều đó cho
em bé và gia đình của mẹ rồi. An sẽ không buồn vì chuyện đó nữa bởi lúc nào An
cũng được ngoại thương yêu. Người ta nói “phải cho đi mới mong nhận lại” nhưng
có lẽ đôi khi, chỉ cần “cho đi” bằng tất cả yêu thương đã có thể cảm nhận được
thế nào là hạnh phúc.
AN MINH(Bà Rịa-Vũng
Tàu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét