Chủ Nhật, 28 tháng 8, 2016

Đà Lạt - Mưa giăng sương phủ

Đà Lạt - Mưa giăng sương phủ 
Do ảnh hưởng của cao độ và rừng thông bao bọc nên tuy ở phương Nam của vùng nhiệt đới châu Á, Đà Lạt mang nhiều đặc tính của miền ôn đới. Không khí trong lành mát mẻ quanh năm, thật dễ chịu. Ánh sáng phong phú và điều hòa, dù là ngày mưa vẫn có mặt trời. 
Đà Lạt có hai mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa nắng từ tháng 11 đến tháng 4. Mùa hè thường có mưa vào buổi chiều, đôi khi có mưa đá. Những tháng cuối năm là lúc phong cảnh tươi đẹp nhất. Tuy sáng có sương mù nhưng khi nắng lên trời trong ngần, lộng nắng gió. Đó là một mùa lý tưởng cho du ngoạn và cắm trại. Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.562mm và độ ẩm 82%. Đà Lạt không bao giờ có bão, chỉ có gió lớn do ảnh hưởng bão từ biển thổi vào vì sườn Đông không có núi che.
VI KHUÊ ngắm mưa rơi, những giọt mưa như gợi hứng, nhà thơ đặt bút viết “Đà Lạt trong đêm mưa rơi” (1969):
“Tôi không hiểu nổi sự lặng câm này
sự lặng câm chết người từ bao chục năm nay
chao ôi băng giá, ôi băng giá
đêm dài Đà Lạt như đêm nay
cho tôi nâng niu trong hai bàn tay
tấm lòng của em, nỗi đau quằn quại
tấm lòng của mẹ, ray rứt tương lai
tấm lòng của anh, băn khoăn rã rời
không làm gì hết cho cuộc đời này
chúng ta đã khóc nhiều lắm em ơi
những giọt nước mắt mặn tình biển cả
chúng mình có nhau trong đêm mưa rơi…”
QUÁCH TẤN đưa ra nhận xét về những cơn mưa của Đà Lạt nhân khi ghi lại những kỷ niệm của mình với HÀN MẶC TỬ lúc cùng ngồi bên cửa sổ:
“Ở Đà Lạt thường thường, nhất là về mùa xuân, hễ mưa thì ào xuống như xối, đến khi tạnh thì tạnh hẳn chứ không kéo lai rai. Và sau cơn mưa, quang cảnh trở nên trong sáng và đẹp đẽ bội phần.
Hôm ấy cơn mưa tạnh thì trời còn sớm lắm. Ánh mặt trời như được rửa sạch bụi bặm, trông rực rỡ phi thường. Những đám mây trắng lồng trong sắc thông xanh mướt, nằm yên lặng như đã thành băng. Những đoá hoa hường vàng leo nơi vách tường nhà, đọng nước mưa, long lanh lóng lánh như khảm kim cương...
Choàng vai tôi, tựa cửa sổ trông ra, Tử âu yếm nói:
- Nhà anh không treo tranh thật phải quá!”
Trưa chưa về, nắng chưa phai đi, thì trên biển trời đã xuất hiện vài mảng mây trắng đục giăng ngang thành phố. Cơn mưa giao mùa như những đường tơ cài thêu lên hoa lá, lên cây cỏ, thì thầm trên mái nhà, nhẹ vang dưới mặt đất, tựa như một khúc nhạc mưa rơi trên phố thị, buôn làng, giăng giăng khắp núi đồi cô tịch. Tiếng mưa trên thành phố cao nguyên đã gợi hứng cho VIỆT TRANG viết những vần thơ “Mưa hoài Đà Lạt”:
“Đà Lạt mưa hoài em chẳng hay
Tiếng mưa sũng lạnh cỏ cây gày
Mặt trời chưa bao giờ chịu nắng
Bài thơ tình chết lặng trên tay.
Mưa vẫn bay qua rừng qua núi
Mưa vẫn rơi xuống phố xuống phường
Không gian sắp tan thành lệ đá
Gõ vào hồn giọt nhớ, giọt thương.
Trong khoảnh khắc. Em chợt tới: muộn màng!
Trong khoảnh khắc. Em vội xa: phiền muộn!
Anh hụt hẫng trong niềm tin vô vọng
Rất ngậm ngùi thành ốc đảo cô đơn.”
Những hạt mưa rơi nhè nhẹ giăng phủ núi đồi Đà Lạt một thời khiến nhạc sĩ ĐỨC HUY khi ghé thăm thành phố này vào năm 1969 đã dâng trào ý nhạc để sáng tác “bản nhạc đầu tay” của mình, đó là bản “Cơn mưa phùn” mà mấy chục năm sau vẫn còn được ghi âm và phổ biến rộng rãi. Hình ảnh cơn mưa phùn Đà Lạt lúc nào cũng như chập chùng thoáng hiện qua lời ca tiếng nhạc. 
ĐỨC HUY thổ lộ rằng mặc dù sau đó mình có nhiều bản nhạc thành công nhưng bản “Cơn mưa phùn” vẫn là một trong những bản mà nhạc sĩ ưa thích nhất vì nó phản ánh được phần nào cái quan niệm triết lý của tác giả và mở đường cho tác giả vào lãnh vực sáng tác nhạc sau này. Nội dung bản “Cơn mưa phùn”:
“Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ. Hàng cây dật dờ rụng hoa tàn úa. Buồn chìm vào mắt đen người con gái hát một mình.
Bài hát buồn như cuộc tình.
Một sớm mai thức dậy. Tình yêu rời chăn gối bay theo những cơn mưa phùn. Làm cánh chim bé nhỏ. Chiều nay nhiều mây xám. Bay theo những cơn mưa phùn lạnh lùng.
Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ. Đèn đêm lặng lờ gục trên đường phố. Một ngày buồn đã qua. Người con gái khóc một mình. Đời úa tàn theo cuộc tình.
Buồn chìm vào mắt đen. Người con gái hát một mình. Bài hát buồn như cuộc tình. Cơn mưa phùn bay qua thành phố nhỏ...”
Ở Đà Lạt có cái thú là đi chơi dưới mưa, từng cặp, từng lứa đôi kề nhau đi trong làn mưa nhẹ dưới những chiếc dù xinh xinh đủ màu sắc. Vòng tay quấn quýt quanh thân mình như truyền hơi ấm tình cảm khiến trái tim thêm rung động. Tiếng mưa mãi vang vọng trong lòng người, giọt mưa chuyển mùa mơn man trên da thịt, thấm lạnh vào tâm hồn khiến TÂM MINH cảm hứng viết bài “Sang mùa” như để riêng tặng những kẻ phải biệt ly sầu muộn:
“Day dứt u hoài khúc nhạc mưa
Như người rơi lệ đẫm trên tơ
Gió về trút lá vương hè cũ
Mưa đến tuôn sầu ngập phố xưa
Lê bước, dội vang niềm quạnh quẽ
Dừng chân, thấm lặng nỗi bơ vơ
Hồn hoang nghiêng lạnh chiều Đà Lạt
Trời đất sang mùa gợi ý thơ.”   
TUYỀN SƠN ở nước ngoài cũng thả hồn về chốn cũ Đà Lạt, không quên những cơn mưa nên viết bài thơ “Nhớ mưa Đà Lạt”:
“Mới đó mười năm qua thật nhanh
Ngày đi mái tóc hãy còn xanh
Nhớ thương ray rứt đầu pha bạc
Vết thẹo tha hương biết có lành?
Mưa chiều Đà Lạt tận trời xa
Thấm lạnh tâm tư nỗi nhớ nhà
San thành nắng hạn, thèm mưa lũ
Sương đọng nâng niu từng giọt sa
Rời bỏ đồi cao vượt biển sâu
Bèo trôi theo ngọn sóng dâng trào
Bão nổi chân trời mờ bến cũ
Đèn chong ai có đợi chờ nhau?
Tháng năm Đà Lạt chiều mưa lạnh
Hơi ấm cà phê ngọt giọng ai
Hết cơn mưa đổ trời quang tạnh
Tươi tốt thông rừng đẹp nắng mai
Mưa chiều Đà Lạt gây thêm nhớ
Nhớ thác nước đầy, nhớ cỏ xanh
Nhớ cả từng người đi kẻ ở
Mưa chiều Đà Lạt ướt hồn anh.”
Mưa Xuân giăng phủ trên thành phố gợi hứng cho HUỆ THU đặt bút viết những vần thơ trong bài “Thương hoài”:
“Đà Lạt mùa Xuân
những cơn mưa nhẹ
muôn lần về sau
trăm năm một chút dạt dào
rồi muôn cái chút còn xao xuyến hoài!
Trời Đà Lạt
nắng mong manh
khi mưa bất chợt
tung mành gió qua
chiều về hái trộm cành hoa
xếp đôi guốc lại trước nhà có thơ!”
Mùa Hè Đà Lạt đó, ấm áp như mùa Xuân, dịu hiền như mùa Thu và đôn hậu như mùa Đông. Nhạc mưa mùa hạ như gợi chia ly thôi thúc VIỆT TRANG viết bài “Nhớ thương ngày tháng Hạ”:
“Và phút chia tay,
Chưa kịp lời từ giã.
Xuân vừa tàn, nắng rơi về phía đó
Chiều tháng tư, mưa rớt lại nơi này.
Mưa lênh đênh, ngậm ngùi thành phố nhỏ
Mưa nhạt nhòa, che khuất dáng chim bay
Nhạc mưa buồn sóng hồ chao thác đổ
Núi rừng sương, xanh một nhánh thông gầy.
Ở xứ lạnh, chỉ có mưa và gió
Gió thật mềm, mưa thật nhẹ như mây
Và có nắng, nắng mịn màng tơ lụa
Chẳng vàng đâu, một chiếc lá trên cây.
Nghe quạnh quẽ, con dốc mòn sỏi đá
Bước tha nhân, còn in lại dấu giày
Lòng bất chợt nhớ thương ngày tháng hạ
Mưa vô thường, tím lạnh cả vòng tay.
Và phút chia tay
Chưa kịp lời từ giã
Xuân vừa tàn, nắng rơi về phía đó
Chiều tháng tư, mưa rớt lại nơi đây.”
Mưa Đà Lạt giăng mắc trên thành phố cũng khiến cho nhà thơ ngậm ngùi nhớ lại biết bao hình ảnh cũ chất chồng, đôi khi đầy ngang trái và nát tan. Kể lại “Truyện chúng mình” NHẤT TUẤN viết bài “Mưa trong kỷ niệm”:
“Chiều mưa đó tưởng không còn gặp lại
Lần cuối cùng hai đứa lặng nhìn nhau
Có bao giờ em hiểu được anh đâu
Tình ngang trái và những lời gian dối.
Trong tay nhau nhiều lần anh tự hỏi
- Ái khanh ơi! Em còn nhớ chăng em
Bình minh hồng... và những buổi chiều êm
Truyện Chúng Mình... với bao nhiêu kỷ niệm.
Hoa không đợi mà tình cờ bướm đến
Mình yêu như chưa từng có bao giờ
Em về rồi anh ở lại bơ vơ
Và bỗng thấy muốn giận hờn mãi mãi.
Chiều mưa đó tưởng không còn gặp lại
Nào ngờ đâu trên thành phố Cao Nguyên
Đang âm thầm đếm bước dưới trời đêm
Anh bỗng thấy dáng người xưa thấp thoáng.
Mái tóc mây bồng bềnh che vầng trán
Nụ cười buồn vương ánh mắt nai tơ
Anh tưởng mình như đang sống trong mơ
Rồi thầm nghĩ đó chỉ là… hư ảnh
Ai thoạt gặp… đã vội vàng… lẩn tránh
Trong mưa bay anh thờ thẫn quay về
Mimosa… tràn ngập lối chân đi
Hoa hay chính tình ta… đang tan nát.
Tết tha hương nhớ mùa xuân Đà lạt
Lòng bâng khuâng… thương người cũ… năm nào
Tình tưởng phai theo ngàn cánh anh đào
Bỗng giây phút lại… thắm hồng nỗi nhớ.
Tiếng mưa như
giọng ai hoài nức nở…
Lần cuối cùng
Rồi mãi mãi
Và mãi… mãi… chia xa
Cho hồn anh nổi bão táp phong ba
Thương từng hạt… mưa buồn… trong kỷ niệm.”
Ngoài màn mưa giăng mắc, đất trời Đà Lạt còn bồng bềnh trong sương phủ. Đà Lạt từng được gọi là “thành phố sương mù.”     QUÁCH TẤN ghi lại kỷ niệm với HÀN MẶC TỬ về cảnh sương mù ở Đà Lạt thuở xa xưa: 
“Chúng tôi đang nói chuyện thì dường như có một luồng sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: Một đám sương lớn bằng chiếc chiếu chõng, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc một vươn cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hực cả bốn bên. Trong phút chốc mặt hồ bị khuất hẳn, và trước mặt chúng tôi, nổi lên một ngọn “núi bông gòn” trắng phau và sáng ánh. Rồi một ngọn gió thổi nhẹ, sương ùn ùn toả ra khắp nơi... cuốn cả trời đất muôn vật. Chúng tôi không còn thấy gì, ngoài ánh nắng. Đến nỗi đứng sát bên nhau mà chúng tôi cũng không thấy rõ được nhau!
Chúng tôi có cảm giác trời đất đã tan thành thủy tinh và chúng tôi đang đứng giữa hư vô... Sương bay thắm má và một luồng hơi ấm tỏa khắp châu thân, gây một khoái cảm dìu dịu... Tôi nói khẽ cùng Tử:
- Mình đương chìm vào mộng, hay mộng đang lắng vào mình?
- Hư thực, phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều... Hãy lắng nghe... Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe... Đứng tựa lan can cầu trước dinh Quản Đạo, chúng tôi nắm chặc tay nhau... Rồi sương tan dần, và dần dần mặt trăng sáng trở lại. Tử nói:
- Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật! Con người hòa hẳn vào Thiên nhiên!
Trời đã khuya, nhưng còn tiếc cảnh, chúng tôi đứng tựa lan can cầu. Sương thấm ướt cả áo, nhưng chúng tôi không thấy lạnh. Bỗng một ngọn gió thổi, chúng tôi rùng mình ớn lạnh... Chúng tôi bèn dắt nhau đi nhanh về nhà.”
Sương Đà Lạt giăng phủ khắp núi đồi trùng điệp, vương vấn trên ngọn cây, đẫm ướt dưới thảm cỏ. QUÁCH TẤN viết về lý do đã khơi nguồn và gợi hứng cho mình khi viết những vần thơ trong bài “Đà Lạt đêm sương”:
“Nhân nhớ lại cảnh cùng Tử thưởng sương trên bờ hồ Đà Lạt một đêm trăng năm 1933, tôi làm bài “Đà Lạt đêm sương”, gởi ra tặng Tử:
“Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im,
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Đứng dựa non sao bờ suối ngọc,
Hồn say dịu dịu, mộng êm êm.
Một luồng sương bạc bỗng từ mô
Lẻn cuốn vừng trăng cuốn mặt hồ,
Cuốn cả non sao bờ suối ngọc:
Người lơ lửng đứng giữa hư vô.
Trời đất tan ra thành thủy tinh.
Một bàn tay ngọc đẫm hương trinh.
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.”
Tử khen và cho là một bài thơ thoát hẳn lối thơ Đường cả nếp nghĩ lẫn dáng thơ. Tử bảo rằng Đà Lạt Đêm Sương đã mở lối cho tôi bước vào đường tương lai huy hoàng và nhiều lần viết thơ thúc dục tôi làm thơ mới.”
Bài thơ “Đà Lạt đêm sương” đi sâu vào lòng người. Tâm và cảnh hòa nhịp với nhau, đưa tâm hồn thi sĩ lên cao, hầu như tan biến vào hư vô, không còn cảm giác thời gian không gian nữa.  Nhà thơ LÊ TRIỀU PHƯƠNG (là học trò của nhà thơ Quách Tấn) đã  bình bài thơ này của thầy mình như sau: 
“Với ba khổ thơ thi nhân đưa người đọc vào quá trình biến chuyển của không gian, thời gian và xúc cảm của kẻ thưởng ngoạn cảnh hồ dưới ánh trăng trong đêm sương. Thi nhân dẫn người đọc đi từ cảnh thực đầy màu sắc vào cõi mộng say say (khổ 1) rồi tiến vào thế giới mờ ảo mênh mang không còn gì để bám tựa, mộng cũng tan mà thực cũng tan, chỉ còn một bóng người giữa hư vô (khổ 2); Cuối cùng thi nhân kéo ta qua thế giới mộng - một màu trong suốt: con người thực, tận hưởng hạnh phúc của cõi thiên thai (khổ 3).
Mạch tứ về không gian, thời gian và cảm giác vận chuyển trong mạng lưới tương quan tương sinh, thực thực hư hư. Trong đó kẻ thưởng cảnh không một giây phút nào tan lẫn vào cái hư hư thực thực - nghĩa là thần trí luôn luôn tỉnh táo và thực tại.
Khách thưởng cảnh đã đi theo thời gian từng giây từng phút, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, để hưởng thụ vẻ đẹp và mọi hiện tượng kỳ ảo của thiên nhiên. Giữa hư vô vẫn trụ được, vẫn nhận thức rằng mình “đứng”. Khi đất Trời tan ra thành một khối trong suốt vẫn cảm nhận được tác động của hơi mát từ ngoài lên đôi má và khắp cơ thể.
Âm thầm mơn trớn bên đôi má
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
Toàn bài thơ toát ra vẻ đẹp diễm lệ, kỳ ảo và sự thưởng thức say mê tuyệt vời tới tâm trạng ngạc nhiên không có dấu vết cô đơn, lạnh lẽo. Khổ thơ đầu dựng lên một không gian thanh tịnh tráng lệ: hồ và trăng đã trang điểm và làm tăng vẻ đẹp cho nhau:
Bóng trăng lóng lánh mặt hồ im
Chất trong và yên tĩnh của hồ đã quyến rũ trăng đến soi mình và xuống tắm. Ánh sáng làm cho khuôn trăng dưới nước và trên trời càng long lanh. Ngược lại ánh trăng long lanh đã làm cho mặt thoáng của hồ rỡ sáng, thơ mộng. Nhà thơ tận hưởng từng giây từng phút cảnh sắc kỳ diệu, mênh mông, thơ mộng ấy với cảm quan và tỉnh thức của mình. Vì vậy nhà thơ thấy được từng đơn vị thời gian đi qua. Nhà thơ đã níu thời gian chậm bước để mong kéo dài thời khắc hưởng thụ vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên.
Và trong khung cảnh huyền ảo ấy, thời gian đã chiều theo ước muốn của thi nhân nên dừng lại và hiện thành một hữu thể có mắt có tình. Thời khắc cũng không những chiều lòng thi nhân mà thôi, mà đã trở thành một “kẻ ngắm cảnh” để cùng thi nhân ngắm cảnh, trong cảnh ấy chính thi nhân lại trở thành một bóng hình thầm lặng đứng “tựa non sao” bên “bờ suối ngọc” say sưa chìm đắm trong “bóng trăng lóng lánh mặt hồ im.”
Thơ mộng làm sao! Sao trời như rơi xuống biến thành núi non cho thi nhân thoải mái tựa mình. Sông Ngân đã rời bỏ vũ trụ, tuôn thành dòng suối ngọc rung rinh ru mơ cho thi nhân.”
LÊ TRIỀU PHƯƠNG như cảm thụ trọn vẹn bài thơ của Quách Tấn nên tiếp tục bình thơ: 
“Vẻ đẹp của đất trời tụ về quây quần chung quanh thi nhân, hoá hiện thành một cõi lung linh diễm huyền.
Đứng tựa non sao bờ suối ngọc
Từng thời lượng dừng lại không trôi nữa và đưa mình hòa vào cảnh sắc siêu ảo. Trời đất, con người hòa nhập vào nhau thành một cõi thơ mộng: xúc cảm, tâm tư đều chìm  trong ngất ngây.
Thời khắc theo nhau lải rải chìm.
Trong cơn ngây ngất ấy bỗng hiện ra một làn sương bạc.
Một làn sương bạc bỗng từ mô...
Làn sương đến đột ngột trong lúc hồn say dìu dịu mộng êm êm: chưa kịp tỉnh, chưa kịp định hướng, chưa kịp nghĩ ngợi thì làn sương đã kín đáo cuốn cả đất trời một cách nhanh chóng - Cuốn Vừa mới nhìn vào một đối tượng… thì chớp nhoáng đối tượng ấy đã bị cuốn đi mất! Khi mọi đối tượng (ngoại cảnh) mất sạch hết không còn gì để nhìn để thấy, nhà thơ chợt thấy lại con người bằng cái nhìn tự nó (khổ 2).
Trạng từ “bỗng” (câu 1) và động từ “đứng” (câu 4)
Một làn sương bạc bỗng từ mô…
Người lơ lửng đứng giữa hư vô
tác động lẫn nhau cho thấy một hữu thể vừa thức tỉnh vừa trụ vững trước mọi biến dịch.
Sự tỉnh thức ấy đã giúp thi nhân cảm nhận ngay một cách trọn vẹn những hiện tượng đột biến của đất trời.
Trời đất tan ra thành thủy tinh

Ôi mọi vẻ đẹp mênh mông lai láng… Trăng long lanh, mặt hồ im, non sao, suối ngọc đã hòa tan thành một chất liệu nhất thể trong suốt uyên nguyên.
Nó như một làn tơ nhẹ dâng hiến tặng cho mình, hoàn toàn riêng cho mình… Thần tiên thú vị đến lịm người.
Hơi mát đê mê chạy khắp mình.
Thi nhân đứng một mình trước vũ trụ mênh mông song không thấy cô đơn, chơi vơi. Thi nhân đã để cho giác quan của mình chan hòa vào các hiện tượng đang chuyển đổi của đất trời, đồng thời giữ nguyên vẹn sự tỉnh thức của con người đang thưởng ngoạn.
Vẫn “đứng”  tựa non sao, vẫn “đứng” giữa hư vô mà theo dõi cảm giác lan truyền lên “đôi má” và “chạy khắp mình”.
Thật tuyệt vời! Con người thường mong được hòa nhập, trầm lắng vào thiên nhiên và suối nguồn của vạn vật. Ở Quách Tấn trong “Đà Lạt Đêm Sương”, tất cả những vẻ đẹp diễm ảo lung linh trong suốt đã hội tụ vây quanh thi nhân.
Hai bên cùng nhìn ngắm nhau trong ánh mắt, con tim và tỉnh thức. Vậy còn gì đâu để đặt vấn đề hòa điệu hay hòa nhập, đâu còn vấn đề tri thức “nhất nguyên” hay “nhị nguyên”.
Một cây viết khác là TRẦN UYÊN THI trước hết nói đến cảm nghĩ của mình về Đà Lạt rồi mới bình bài thơ của Quách Tấn: 
“Đà Lạt, thành phố sương mù, thành phố mộng mơ, nguồn thi hứng của bao đời... Làm sao vẽ lại Đà Lạt, với tất cả các đường nét của nó: mây trắng giăng giăng đầu núi, muôn ngàn thung lũng xanh non, những con suối ngoằn ngoèo, những rặng thông vi vu, những căn nhà xinh xinh nằm rải rác trên sườn đồi, những vườn rau xanh mơn mởn, những cuộc tình thơ mộng, những bước chân chia ly... Đà Lạt, với những con dốc thoai thoải, cái này chồng lên cái kia, buổi chiều mặt trời đỏ ối phía sau dốc, người đi lên dốc tưởng như từng bước chân đưa mình gần hơn đến thượng giới.
Đà Lạt, với những con thác sủi bọt trắng xoá, với chiếc cầu bắc ngang làm bằng thân của một cây thông già để nguyên vỏ, nước liếm vào thân cây phủ đầy rêu xanh, bước lên không khéo trượt chân, thấy mình chơi vơi giữa bờ sinh-tử: nhìn về phía đầu ghềnh, dòng nước chảy xiết dữ dội đập vào những tảng đá bạc đầu, nhìn về phía cuối ghềnh, nước êm ả nhè nhẹ trôi, những thân củi mục từ thượng nguồn xa xôi trôi về, lênh đênh như thân phận con người. Làm sao có thể mang tất cả những thứ đó vào trong một bức tranh, hay một bài thơ?”
Sau phần dẫn nhập nói trên TRẦN UYÊN THI mới phát biểu về bài thơ “Đà Lạt đêm sương” của Quách Tấn:
“Bốn câu đầu, đã có thể sánh vai với một bài Đường thi, và có phần tân kỳ. Hay nhất là câu “thời khắc theo nhau lải rải chìm”. Ta đã từng nghe âm thanh rơi: “Tiếng vàng rơi xuống giếng / Trăng vàng rơi bờ ao” (Hàn Mặc Tử), nhưng thời gian - một phạm trù phi hình thể - cũng theo bóng trăng rơi chầm chậm xuống mặt hồ, thì thực là độc đáo! Trong giây phút này chứa đựng cái thiên thu.
Nhưng bài thơ sẽ không có gì đặc biệt hơn nữa, nếu không có sương mù. Khi luồng sương bạc xuất hiện, ở đoạn thứ hai, như cánh tay áo của một tiên nga, cuốn cả vừng trăng, mặt hồ, non sao, bờ suối ngọc, và cả thi nhân, cuốn lên giữa hư không, thì đó cũng là lúc bài thơ chắp cánh bay cao, là lúc cảnh vật và con người hòa thành một, là lúc trời và đất hòa vào nhau và tan ra thành thuỷ tinh.
Hiện hữu hay là không hiện hữu? Thực hay là mộng? Nếu nói là thực, thì sao không thấy tăm dạng đâu? Còn nếu nói là mộng, thì sao có bàn tay của tiên nga mơn trớn lên má, khiến cho khắp mình một nỗi đê mê chạy rần rật?”
Nhiếp ảnh gia TRẦN CAO LĨNH qua ống kính nghệ thuật của mình đã mô tả sương mù Đà Lạt dưới một khía cạnh khá khác lạ, bằng một cái nhìn thật độc đáo của người nghệ sĩ: 
“Tất cả những cảnh tượng màu sắc ấy lại gặp được một ngày sương mù thì thật là huyền ảo. Đồi núi như trôi lững lờ vì mây trắng thấp vắt ngang chân. Sự ẩn hiện tới mức cho ta thấy như đi trong giấc mộng. Rồi khi mặt trời cố nhoi lên cao, thình lình rọi mạnh xuống những tia sáng xẹt vào thung lũng làm cho mây trắng, sương bạc cuống quít thi nhau chạy trốn; cảnh tượng những màn mỏng vô tri đó thoắt bỗng biết quằn quại, chen lấn ẩn nấp, vương vít, vấn vương thật là kỳ diệu.
Tiếc thay hình ảnh này chỉ để dành cho một số du khách biết tìm đến những thung lũng từ năm sáu giờ sáng - giờ Đà Lạt đang ngủ Khi màn sương đêm mộng ảo vừa tan thì mặt trời ban mai cũng vừa e ấp ló dạng choàng một lớp ánh sánh mỏng manh lên đồi núi và cỏ cây hoa lá, trải từng nhung lụa lên khắp các nẻo đường, lóng lánh trên mặt suối hồ, trong suốt như thủy tinh. Trong trái tim người xa xứ hình ảnh này khó có thể quên. Từ phương trời xa nhớ về thành phố cao nguyên cũ NGÔ XUÂN HẬU viết bài thơ “Đà Lạt trong sương” (1985):
“Trời đất khách mấy độ rày trở lạnh
chiều buồn thơ nhớ tóc ai bay
mùa vào hanh Đà Lạt có nhiều mây
nắng còn trải trên sân Cù lộng gió
Hồn Đà Lạt có còn thơm hoa cỏ
má còn hồng như đào chín ban mai
sương có còn nhỏ giọt phôi thai
trên tóc mẹ mỗi mù khuya Võ Tánh
Này Cam Ly, con trăng này có lạnh
như hồn thơ lữ thứ mỗi chiều đông
mắt môi tươi mà hồn lạnh như đồng
như suối vẫn reo vui giờ tiễn biệt
Thơ nhớ quá những mùa mưa diễm tuyệt
hồn rưng rưng trên từng nhánh thông gày
mù sương về xõa mái tóc mây
Trên phố thị xôn xao chiều nắng quái...
Đà Lạt ơi nhớ ngày thơ bỏ lại
một cao nguyên thần thoại muôn đời
một chiều mưa như mắt lệ ai rơi
trên lũng thấp, đồi cao...
bâng khuâng sương khói
Đà Lạt ơi!
thơ mãi yêu em không bằng tiếng nói
bằng lời thông, tiếng suối, gió ven hồ...
bằng một hồn thơ rất mực là thơ
mà ngôn ngữ, âm thanh... đều vô dụng!”
Sương mù Đà Lạt cũng từng gợi ra muôn ý nhạc tình tứ nên MINH KỲ và DẠ CẦM viết bản nhạc “Đà Lạt hoàng hôn”. Từ lâu bài ca này nổi tiếng với tiếng hát Thanh Tuyền. Trong lời ca ta thấy hình ảnh chiều xuống thành phố mộng mơ và “màu lam tím Đà Lạt sương phủ mờ.” Ẩn hiện “Từng đôi đi trên phố vắng” khoác tay nhau dạo trên các ngả đường thơ! Nhưng rồi trong “hơi sương giá buốt” vẫn xen lẫn hình ảnh của chia cách, của “tình đầu dang dở” nên vẫn có bước chân cô liêu của “người đi trong sương rơi”.
Hình ảnh sương mù Đà Lạt cũng gợi hứng cho VŨ THÀNH AN viết bản nhạc “Bài không tên số 14” (Đà Lạt Xanh). Bản nhạc ca tụng tình yêu đôi lứa, cũng nhung nhớ giăng đầy: 
“Đà Lạt xanh trong… in dấu chân em hồng. Đà Lạt nắng say… điểm tô thời con gái. Đà Lạt mù sương… mộng mơ sóng cuồn cuộn. Tình yêu mới chớm… mở nguồn đôi mắt sáng.
Nụ cười em tươi… mơ có nhau trong đời. Kỷ niệm ngất ngây… bao nhiêu điều vui mới. Sài Gòn mù khơi… tình vui có anh đợi. Đợi trong nỗi khắc khoải… của tình anh chơi vơi.
Em có biết… đẹp nhất một đóa hoa. Là tình yêu... tình yêu của chúng ta. Em đã đến… trong khi anh không ngờ. Và như thế… chẳng lẽ một giấc mơ.
Tình hồng anh trao… như máu anh đang hồng. Nhịp đập trái tim… vẫn chia đều sự sống. Mặn nồng dòng sông… trải ra đến vô cùng. Tặng em tất cả… nhiệm mầu trong không trung...”
(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao)
Theo http://www.dalatdauyeu.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...