Thứ Tư, 31 tháng 8, 2016

Khi bảy mét là cả một đại dương

Khi bảy mét là cả một đại dương
“Khi bảy mét là cả một đại dương
Em bắt đầu thấy tim mình ngạt thở
Trái Đất. Sáu tỉ người.
Không thể có một phút giây cùng nhịp…”
Bằng tất cả nỗi buồn đang giăng mắc trong lòng, cô mở cửa kính ở phòng khách, trèo lên chắn song sắt và ngồi vắt vẻo ở đó. Phía đối diện là một trung tâm thương mại lớn, phủ đầy kính lấp lóa. Buổi sáng tám giờ. Mùi cà phê thơm nồng vẫn còn vương đầy trong không khí kể từ lúc M mở cửa bước ra khỏi nhà. Hôm nay M mặc áo sơ mi màu rượu đỏ mà đêm qua cô đã ngay ngắn treo nó ở vị trí mà M thường sẽ chọn “một cách ngẫu nhiên” hàng ngày. Ichi nhảy từ dưới đất lên bàn bếp, nhấm nháp những vụn bánh mì còn vương vãi mà cô chưa kịp dọn. Từ Radio, chương trình “Ngủ gật ở Paris” đang phát nhạc của Nancy Sinatra. Buổi sáng hôm nay hình như giông giống tất cả những buổi sáng của 782 ngày trước. Chỉ có điều, trong lòng mình, cô không còn thấy nhớ M nữa. Thứ cảm giác quay quắt sau khi hôn M, thấy bóng anh khuất ở cuối hành lang, trong lòng tự hỏi “bao giờ thì đến tối?” đã không còn nữa.
782 ngày qua, cô đã sống thế nào?
Cô quen M ở trong siêu thị của chung cư bên dưới nhà. Lúc xếp hàng tính tiền, cứ loay hoay rồi vứt liên tục kẹo bạc hà vào giỏ của M đằng trước. Đến khi tính tiền xong, vẫn không nhớ là mình đã mua rất nhiều kẹo. Ra đến cửa, M đã đứng đợi, đưa túi kẹo cho cô, bên trong có cả số điện thoại của M. Giáng Sinh năm đó, họ ngủ với nhau trong căn hộ có cửa sổ lớn nhìn xuống sông Seine của anh. Tình yêu vốn dĩ không phải là thứ xa lạ với cô. Nhưng đấy là lần đầu tiên cảm thấy có thể hiểu được đối phương, muốn lắng nghe mọi câu chuyện của anh một cách thật lòng và cởi mở cho dù nó có nói về thiên văn, địa lý, động đất, vũ trụ..đi chăng nữa. Cô thích cách M vuốt tóc mình nhẹ nhàng. Giống như thể anh đang nhìn thẳng vào mắt cô mà nói : “Ừ anh đã ở đây rồi. Em hãy kể chuyện đi!”. Nó chính xác là như vậy. Sự thân thiết gần gũi đấy là thứ quý giá khôn cùng.
Từ hồi cô còn nhỏ, bố đã đi khỏi nhà. Mẹ chưa bao giờ kể bố cô bỏ đi vì lí do gì. Chỉ nhớ rằng, buổi tối, trời mưa rất to, bố im lặng và không bao giờ về nữa. Mẹ luôn thể hiện một thái độ đồng nhất theo kiểu “không sao cả”. Từ từ, cô cũng thể hiện trước mẹ và mọi người một thái độ đồng nhất “không sao cả”. Nhưng những câu chuyện khác của mẹ đã khiến cô hiểu rằng mình phải luôn trở thành người tốt nhất. Bạn có hai sự lựa chọn: “Làm một cái giẻ đơn độc hoặc làm một nàng công chúa đơn độc.Những phân tầng ở giữa đều là lựa chọn không an toàn mà vẫn…đơn độc.” Thế đấy, cô được dạy để hiểu rằng tình yêu cũng thật ác nghiệt. Nên phải luôn cố gắng không ngừng để trở thành sự lựa chọn tốt nhất trong mắt đối phương. Mẹ cho cô học ở trường quốc tế, 7 tuổi đã bắt đầu đọc sách ngoại văn, học đàn, học chơi cờ. 14 tuổi đã theo mẹ đến các buổi tiệc trà toàn phụ nữ thanh lịch, nghe chuyện mùa nào có thể đặt mua hoa mẫu đơn từ nước ngoài về, danh sách chờ thiết kế mới nhất Xuân-Hè này đã có tên hay chưa, ăn gì để đẹp da, chưng tổ yến thế nào cho đúng cách…Rồi bất ngờ 17 tuổi, mẹ đẩy cô sang Pháp với 1000 euros tiền mặt và không gì thêm nữa. Những tháng ngày tuổi trẻ đấy, cô bình thản sống bằng tất cả những công việc mà cô có thể kiếm được và học. Miệt mài và lặng lẽ đối diện với chính mình. Thỉnh thoảng cô gọi điện về nhà, kể cho mẹ rằng mình đã thi xong học kì này, nhận được cái bằng kia, đi làm thêm ở tiệm bánh còn học lỏm được nghề. Cô không nhớ mình có từng một lần nào tủi thân hay không. Cho đến khi gặp M. Anh đứng ở đó, dưới trời mùa đông lạnh lẽo, nắm lấy bàn tay cô. Vậy là cô kể hết. Vậy là cô hồi tưởng lại đầy đủ, vẹn toàn kí ức của mình. Và chia sẻ cùng anh. Lúc hiền lành rúc vào lòng M, cô chợt hiểu mình hóa ra là một người chết đuối cũng cần thật sự sống và M chính là cái phao rơi xuống giữa lòng đại dương.
Hai tháng sau, cô dọn đến ở cùng M. Ý nghĩ có thể cùng ai đó sống cạnh nhau và chống lại cả thế giới xác định được tồn tại. Ít ra với M, cô biết niềm tin đó được nhem nhóm trong lòng. Những ngày cuối tuần, lúc tỉnh dậy, M thường úp mặt vào lưng cô và thì thầm bằng một âm điệu hết mực trầm mặc về những chuyện bí mật bất giác chạy ngang tâm trí anh. M nói nếu lúc nhỏ mà quen biết cô, sẽ nhìn cô thật xa lạ, giống như thể người thuộc về một hành tinh khác. Vì tuổi thơ của anh là bản màu hoàn toàn đối lập. Hạnh phúc lúc đó là được ăn bữa cơm nhiều thịt, bày trò nghịch dại sau lưng bố mẹ. Nó có vẻ đơn giản hơn của cô rất nhiều. Một lần nọ cô hỏi : “Anh ơi, có bố thì cảm giác nó thế nào?”. M ôm cô thật chặt. Không trả lời gì cả. Nhưng cô hiểu, có một người đàn ông vững chãi trong đời, để mình có thể an tâm dựa dẫm là như vậy. Là như lúc đặt một câu hỏi khó, người đó sẵn sàng đưa tay ra kéo mình vào lòng. Bình yên dựng thành một cái tượng đài vững chãi xung quanh.
Mùa xuân đầu tiên kể từ lúc yêu nhau, M hỏi cô có muốn đi theo anh về Việt Nam không. Sức khỏe của mẹ anh có vẻ càng ngày càng không tốt. Cô đồng ý. Vậy là họ cùng nhau về Hà Nội. Cô thuê một căn phòng nhỏ trong phố cổ, cửa sổ sơn gỗ đỏ nhìn xuống ngay sát đường, ồn ào và chộn rộn. Buổi sáng không thể nào ngủ muộn nên tự nhiên thành thói quen xuống lầu, ngồi ở quán nước bên dưới nhà nghe chuyện vẩn vơ lẩn thẩn. Cô bắt đầu nhận dịch sách và viết báo nhưng tuyệt nhiên không muốn đi làm. Cô vẫn luôn nghĩ cô và M sẽ sớm rời khỏi đây. Chắc chắn là sẽ rời khỏi đây vì một lí do gì đó. M đến gặp cô mỗi ngày, kể chuyện hôm nay đã làm gì, đi tới những đâu, gặp những ai, phỏng vấn ở công ty nào, lời mời công việc, sức khỏe mẹ đã có dấu hiệu khả quan…Rồi cô bảo : “Em nhớ anh!”. M hôn lên trán cô. Mỗi khi anh làm thế, cô đều tự cho phép mình trở nên bé bỏng và được quyền vòi vĩnh nhiều điều. Nhưng M ở Hà Nội không giống như M đang ở Paris. Giống như thể, ngay từ lúc họ bước ra khỏi Nội Bài, anh kéo một cái vali lớn giữa họ, và nó trở thành khoảng cách được sắp đặt vĩnh viễn. “Ngoan nào, cuối tuần anh sẽ ở lại với em!”. Ở Hà Nội, M thường xuyên nói với cô như vậy.
Mỗi cuối tuần, tối thứ bảy, M đều ở lại với cô như đã hứa. Một đôi lần cô muốn mở lời hỏi M tại sao không đưa cô về nhà thăm mẹ anh rồi lại thôi. Trong lòng e sợ sẽ vi phạm nguyên tắc “phụ nữ không nên hỏi quá nhiều”. Nếu anh ấy muốn hoặc giả nếu thời điểm mà anh ấy nghĩ là thích hợp, M sẽ làm. Mà dù gì thì cô cũng chỉ cần mỗi anh nên những điều bận tâm vụn vặt khác, cô luôn cố tìm cách xua đuổi chúng đi. Hà Nội qua mùa nóng, đáng yêu một cách lạ thường. Những cơn gió nhẹ buổi chiều dễ dàng khiến người vương vấn. Một buổi tối, M đến ngủ với cô. Cúp điện. Trong nhà không còn cây nến nào mà cô thì lại đang dở tay nấu bữa tối. M bảo để anh chạy xuống phố mua “hai nghìn tiền ánh sáng”. Điện thoại vẫn để lại trên bàn ăn. Anh vừa khuất sau cửa là có ngay chuông báo tin nhắn đến. Lúc quay lưng, cô nhìn thấy hiện rõ trên màn hình tin nhắn từ một người có tên là Sweet Pea với nội dung “I miss you”. Sự đột ngột đó như hòn đá ném vào mặt hồ phẳng lặng. Từng đợt sóng bấp bênh cứ thi nhau dâng lên rồi hạ xuống, dâng lên rồi hạ xuống.
Cô không nói gì với M. Nhưng kiên quyết muốn anh cùng cô quay trở lại Paris. M bảo anh vẫn chưa đi được. Họ cãi nhau lần đầu tiên. Lớn tiếng.
M hỏi: “Khi nào thì em mới bớt sống ích kỉ đi?”
Cô ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào mắt M, chậm rãi trả lời: “Em đã quyết định thôi ích kỉ từ lúc thật lòng, dũng cảm nói yêu anh.”
Sự căng thẳng kéo căng ra giữa họ. M bỏ đi. Như một lời chia tay không nói rõ. M bỏ đi khỏi và không gọi điện lại lần nào. Lúc đó, cô vẫn không hiểu tại sao mình không rời Hà Nội. Những buổi chiều chớm đông se se lạnh, cô kéo khăn quàng kín thân mình, ngồi ở một quán nhỏ khuất trong ngõ hàng giờ liền đọc sách. Có một đoạn trích, An Ni viết “Khi yêu anh phải tin tưởng nó. Khi chia tay anh phải tin tưởng vào chính mình.” Nhưng còn cô. Khi yêu chỉ tin tưởng được M. Và khi chia tay lại hồ nghi chính mình. Cô luôn tự hỏi mình đã làm gì? Đó chỉ là một cái tin nhắn. Vậy mà cô đã đào một cái hố thênh thang giữa cô và M. Nhưng anh nói bỏ đi là bỏ đi. Có thể nào dễ dàng bỏ rơi cô đến thế sao?
Tháng Mười Hai. Mẹ M mất. Cô ôm anh suốt năm giờ đồng hồ trong yên lặng. M nằm lên chân cô, lẻ loi như một đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc. M không khóc. Nhưng cô khóc. Nỗi đau của anh, cô muốn nó được đè nặng lên vai mình. Giọt nước mắt rơi xuống vai M, vỡ tung. M nắm chặt tay cô. Rồi họ quay trở lại Paris. Lúc máy bay cất cánh khỏi Nội Bài, một khoảnh khắc cô đã nghĩ có lẽ từ nay họ sẽ không bao giờ về Hà Nội nữa. M sẽ lại là M của riêng cô, riêng một mình cô. Nhưng rõ ràng là có gì đó đã bị đánh rơi mà cô không thể nào tìm lại được. Cô bắt đầu nhận ra mình muốn biết trong điện thoại của M có gì. Cái người mang tên Sweet Pea đấy là ai. Và chỉ một Sweet Pea thôi hay là còn vô vàn những Sweet khác nữa. Thật đáng sợ! Cô biết mình đã không còn tin anh nữa.
Cô lục lọi điện thoại của M. Không còn tin nhắn nào. Có lẽ M đã xóa đi hết. M không biết cô đã nhìn thấy. Tại sao M phải xóa đi? Những câu hỏi luẩn quẩn giống như đám tua rua bám chặt nơi lồng ngực khiến cô nghẹt thở. Trong suốt 6 tháng liền, ngày nào cô cũng tìm cách xem điện thoại của M, rồi đến máy tính cá nhân. M ngồi ở ghế. Cô ngồi ở đầu bên này. Nhìn anh. Thật kì quặc. Cô nghĩ mình nên hỏi. Nhưng cô không biết phải bắt đầu thế nào. Cho đến một ngày, khi (lại) cố tình lục lọi, cô nhìn thấy tin nhắn từ một số lạ mà M vẫn chưa đọc. “Em đã ở Paris rồi, hãy gọi cho em bằng số này! Em nhớ anh”. Một cách vô thức, cô lưu số điện thoại đó váo máy. Rồi dùng máy của M nhắn tin hẹn gặp người đó lúc ba giờ chiều tại một quán cà phê ở Rue Rivoli. Sau đó, cô cẩn thận xóa toàn bộ tin nhắn đi. Tim cô đập vội vã. Buổi tối, nằm bên cạnh M, cô thấy căn phòng tách làm đôi. Anh ở phía bên kia. Cô ở phía bên này. Hoàn toàn xa cách. Như thể cái người cô vốn nghĩ luôn ở bên trong mình thật ra không phải. Cái người có thể gánh vác quá khứ, hiện tại và tương lai của mình không tồn tại. Chỉ có một mình cô. Hoàn toàn đơn độc. Bên cạnh người đàn ông mà cô muốn yêu hơn cả thân mình.
Buổi chiều Rue Rivoli nhộn nhịp người qua lại mua sắm. Cô đi bộ lên từ bến tàu điện ngầm, bất giác thấy ánh sáng buổi ban ngày khiến mình váng vất. Quán khá nhỏ và vắng. Ba giờ 15 phút. Trong quán chỉ độc nhất một cậu thanh niên người châu Á khá điển trai, mặc áo sơ mi màu xanh nhạt đang ngồi cạnh cửa sổ. Cô có chút lo lắng bần thần. Lẽ nào “người kia” không nhận được tin nhắn hẹn gặp. Hay là M đã phát hiện ra rồi họ gặp nhau ở một nơi khác. M sẽ bỏ cô đi vĩnh viễn. Cô khẽ lắc lắc đầu. Ba giờ ba mươi phút. Vẫn không có ai đến, cậu thanh niên bắt đầu châm thuốc, dáng vẻ rất từ tốn và nhẹ nhàng. Đột nhiên một ý nghĩ băng qua đầu, cô quyết định bấm máy gọi vào số của “người kia”. Điện thoại đổ chuông. Đầu bên kia nhấc máy a lô, a lô liên tục. Cô ngồi ngay phía sau lưng chàng thanh niên. Nhận ra những thanh âm trong điện thoại gần đến vậy bởi nó phát ra từ chính người ngồi trước mặt.
“M à, có phải là anh không?”
Câu hỏi vang lên trong điện thoại. Suôt đời này, nó sẽ lưu lại trong trái tim cô. Như một vết dao rạch ngang lồng ngực.
Buổi sáng ngày thứ 783.
Cô ngồi ở thành cửa sổ, quay lưng về phía anh lúc M chuẩn bị bước ra cửa. M gọi “Em ơi!”. Cô quay đầu lại, thấy phía bên kia mơ hồ là người đàn ông mình đã một lòng yêu say đắm. Cô tiến lại gần M, choàng tay qua cổ anh. “Anh đi làm cẩn thận nhé!. M vén tóc rồi hôn lên trán cô nhẹ nhàng. “Yên hôm nay phải ngoan, biết chưa!”.
Rồi M đi mất. Ngôi nhà là một khoảng không bồng bềnh xa lạ. Lúc ôm M, trái tim cô kề sát trái tim anh vì cô muốn hỏi anh một cách thật thà và dũng cảm như lúc cô nói yêu anh. Cô muốn được biết sự thật từ chính anh. Nhưng rồi cô nhận ra sự thật nào cũng không còn quan trọng nữa khi khoảng cách giữa họ đã là cả một đại dương bao la. Cô không còn tin anh. Sợi dây vô hình nối giữa họ đã bị cắt đứt. Khô khốc và Nhạt Nhòa.
Cô gói những bức ảnh trong nhà vào va li. Để Ichi vào cái chuồng màu xanh ngọc bích của nó. Rồi trở về Hà Nội. Một mình.
Ở đó, với niềm tin bé nhỏ còn sót lại về hạnh phúc. Chắc sẽ có một khoản an dành cho cô. Chắc vậy.
7/11/2012
Phan Ý Yên
Theo http://gocsuyngam.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...