Mưa xuân
Xuân đã đem mưa về giăng khắp Hà thành. Một năm bốn mùa luân
chuyển, mỗi một mùa dường như có một cái gì đó nổi trội lên, mà qua đó người ta
cảm nhận được bước đi của thời gian.Với hạ là nắng, thu là gió heo may, đông là
sương giá, riêng với xuân, đó là mưa. Mưa xuân.
Không biết mùa xuân nào trong thuở hồng hoang xa xăm, là mùa
xuân đầu tiên trời gieo mưa xuống, để rồi thành thông lệ có lẽ đến muôn đời.
Cũng không ai biết ai là người đầu tiên nhìn ra được, cảm nhận được cái ý vị của
mưa xuân. Và ai mà biết được là có bao nhiêu bài thơ viết về mưa xuân.
Mưa xuân không dầm dề nát đất thối cỏ như mưa thu, cũng không
ồn ào, náo động như mưa rào tháng hạ. Mưa xuân êm êm giăng mắc bất ngờ. Mưa
xuân như không rơi mà bay, bay lay phay như là bụi vậy.
Thường thì mưa xuân vào lúc hạ tuần tháng chạp. Cứ ấy trời
còn rét. Mưa vào đúng cái lúc người ta rộn ràng sắm tết. Mưa xuân đã đi vào
trong tiềm thức của người ta và để lại dấu ấn đậm nét. Bạn cứ tưởng tượng mà
xem, sẽ ra sao nếu từ ngày hai mươi tháng chạp đến chiều tất niên không có mưa
lấy một chút nào. Dường khi là khi đi sắm tết, có vài bụi mưa buông xuống thì mới
ra không khí tết, mới ra khung cảnh đi sắm tết. Xuân về, chưa thấy mưa thì nhớ
và thèm mưa lắm. Đi sắm tết mà trời cứ nắng và khô hanh quá sẽ làm giảm đi
không khí chợ búa. Trời thương nhân gian, trời buông mưa vào chính lúc ấy. Mưa
xuân kéo bụi đường về với mặt đất. Đi sắm tết mấy chiều hai mươi tám, hai mươi
chín, rồi chiều tất niên có ai không rẽ vào hàng hoa, chợ hoa. Người Hà Nội
mình vốn lịch lãm trong ăn uống đã đành, nhưng trong cách chơi thì mới thể hiện
rõ nhất sự lịch lãm, thế cho nên ngày tết, nhất nhất nhà ai cũng có hoa tươi.
Chợ hoa Hà Nội, xuân về, tết đến có mưa xuân xuống thì mới thực là chợ hoa ngày
tết. Chợ hoa tết có mưa hoa sẽ tươi lâu, dễ giữ gìn, người bán đỡ thất thiệt,
người mua cũng phấn chấn. Mưa xuân tươi cây xuân. Mưa xuân tươi hoa xuân. Đi chợ
hoa về, tay cầm cành bích đào hoa thắm đỏ giữa mưa xuân phố phường, trông tết lắm.
Ai cũng yêu mưa xuân. Nhưng thi nhân yêu mưa xuân hơn ai. Thi
nhân mong mưa xuân. Mưa xuân bay và rồi ngưng đọng trong trang thơ họ. Đỗ Thiếu
Lăng trông xuân mong mưa rồi để lại một câu thơ tuyệt bút: “Hoa trọng Cẩm Quan
thành” (thành Cẩm Quan, hoa trĩu nặng vì mưa xuân). Xuân về nhớ Nguyễn Bính –
Nguyễn Bính đã hơn một lần chen chân vào hội chèo ở một làng Đông làng Đoài rồi
để lại bài thơ về một cuộc tình lỡ muộn, để buồn cho bao năm. Thiên tình sử ấy
được viết trên nền trời xuân mưa bay phấp phới. Xuân về, về thăm quê, đi qua một
bến nước, bỗng nhớ Chiều xuân xưa mưa đổ bụi, của người nữ sĩ sông Thương. Mưa
xuân nên thơ. Mưa xuân như mơ. Mưa xuân bay lay phay. Mưa không thành tiếng, đậu
vào cây lá nhẹ nhàng như chân con bướm xuân đậu lên hoa. Gió đưa mưa đi miên
man. Gió đưa mưa đi lang thang như gót chân người lãng tử. Mưa vô biên. Mưa
miên man. Mưa êm êm. Mưa cũng đang tết với người Hà Nội mình đây.
Hà Nội, Xuân 92
Bài đăng trên số TẾT năm 1992
Nguyễn Xuân Diện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét