Đọc tập thơ “Mưa phố” của Hương Đình
Tự nói về mình, nhà thơ
Hương Đình có viết: “Tôi cố gắng để - nói theo ngôn ngữ của toán học - các
tác phẩm của mình khác nhau từng đôi một”. Đúng là ngôn ngữ của một Nhà thơ - Tiến sĩ Toán học. Tôi chưa được đọc cả ba tập thơ nên chưa thấy được cái khác
nhau từng đôi một đó như thế nào. Giờ đây, trước mắt tôi là tập Mưa Phố
(NXB Thuận Hóa, 2001) của Hương Đình, nên đành phải cố gắng để tìm một chút cái
khác đó của nhà thơ.
Nhan đề là Mưa Phố, nên có nhiều bài thơ nói về mưa. Có bài mưa xuất hiện và đi
nhanh, thoáng qua như một cơn mưa giông, chỉ có mấy chữ, một dòng, một câu thơ,
nhưng cũng có bài, như mưa đến khắp nơi: “mưa đằng đông, mưa đằng tây, mưa
đằng nam, mưa đằng bắc” (Mưa), mưa âm ỉ, mưa liên miên, mưa bất tận:
“Mưa
Lại mưa
Như không thể khác
Lâm thâm đồng sương
Ầm ào núi thác
Khi nhè nhẹ vỗ về nước mắt
Khi dai dẳng khuya
ngõ phố
tiếng rao buồn”
(Mưa)
Tôi là người ở cái xứ quanh năm bốn mùa đều có mưa. Những cơn mưa đặc biệt gửi
bao nỗi niềm cho kẻ tha hương và những người nơi khác hướng về những cơn mưa Huế.
Nhiều văn nghệ sĩ đã dành nhiều bút mực, màu sắc, âm thanh để ngợi ca những nét
thần của mưa Huế. Nhưng có lẽ mỗi người, mỗi tác phẩm tuyệt vời của họ cũng chỉ
vẽ lại một sắc thái của những cơn mưa quanh năm xứ Huế:“mùa xuân mưa bấc,
mùa hạ mưa giông, mùa thu mưa ngâu, đầu đông mưa lũ, cuối đông mưa dầm”. Thuở
còn đi học ở trường Quốc học Huế, rồi lại lên đại học Văn Khoa, đại học Sư phạm
Huế, mỗi sáng thức dậy, việc đầu tiên là ra sân nhìn trời xem có chút hy vọng
nào về một ngày nắng đến trong cái cảnh: “…sương khói mờ nhân ảnh” (Hàn
Mặc Tử) này không. Đọc “Mưa Phố”, tôi có cảm tưởng rằng Hương Đình đã đem
tất cả những cơn mưa bốn mùa của Huế về lại chỉ một bài thơ ngắn (Mưa), với đủ
mọi sắc thái khác nhau , thật tuyệt.
Nhưng “Mưa Phố” không chỉ nói về mưa, mà qua mưa nhà thơ như muốn gợi lại, nhớ
lại những hình ảnh về ngày tháng đã qua. Nhà thơ viết về phố núi - nơi nhà thơ
đang ở và công tác - mà như đang nói về một miền quê của một thời mà nay không
còn. Tập thơ vì vậy như là một hoài niệm về dĩ vãng thời xa xưa của bản thân.
Chính trong bài thơ Mưa, ta có thể bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của tuổi
nhỏ mọi người: “có thằng bé mong mưa ra tắm” (Mưa). Mưa Phố chỉ là một
gợi nhớ. Và trong dòng hồi tưởng đó, mỗi một sự việc dù rất bình thường cũng đều
gợi lại cho nhà thơ những nỗi nhớ.
Nghe tiếng ếch kêu trong đêm mưa, nhà thơ nhớ lại tiếng ếch kêu ngày còn ở quê
nhà trong những đêm mưa gió và những hình ảnh xưa hiện lên:
“…Lụt
trắng ngoài kia
Chưa đến hăm ba tháng mười
Hết lụt thì tết
Qua tết lại giỗ
Tháng giêng cô láng giềng có người chạm ngõ
Ếch mày còn kêu đến tháng giêng không?”
Nghe tiếng đàn nhị nhớ đến hình ảnh một chuyến đi xa vĩnh viễn của một người
nào đó:
“…Đêm
tha hương
Một người vương
Tiếng nhị buồn
Tiếng nhị buồn…”
(Đêm
nghe tiếng đàn nhị)
Trong “Mưa Phố”, không có thơ nói về tình yêu dù là kiểu tình yêu thoáng qua,
nhẹ nhàng hay hồn nhiên của một thời tuổi nhỏ mà chủ yếu chỉ là những kỷ niệm của
đời thường của nhà thơ – cũng có thể là của chúng ta (tắm mưa, thả diều v.v..)
Diều
giấy tạp
Dây
vải vụn se vào rơm
Thế mà níu được hoàng hôn
Mà đắm được một mặt trời cháy dở
(Chiều chiều)
Hai câu đầu thì đúng là cánh diều của những ngày ấu thơ ở nông thôn, nhưng hai
câu sau lại là cánh diều đầy suy tưởng của thời kỳ sau này. Trong khung cảnh
đó, hình ảnh người mẹ quê hiện lên đầy cảm xúc và sinh động:
Tôi men theo chạng
vạng đồi sim…
Mẹ chờ trước cửa
Rồi tôi đi
Quả sim mẹ héo dần trong rổ cạp…
Tôi lâu không về
Mẹ chờ trước cửa
Tiếng quạ chiều thảng thốt mé đồi sim.
(Chiều chiều)
Tuy nhiên, viết về quê hương, về những ngày qua, nhà thơ không chỉ kể mà chính
là muốn bày tỏ những suy tưởng của mình. Vì vậy, qua mỗi chi tiết, sự việc, người
đọc dễ dàng nhận ra điều đó. Có thể gọi đó là chất triết lý. Những câu thơ
trích dần trong bài Chiều chiều ở trên cũng đã mang tải biết bao ý vị
về nhân sinh. Mặc dù vậy, nhà thơ không dùng những cách nói nặng nề, khô khan của
triết lý mà chỉ là những lời lẽ nhẹ nhàng sâu sắc:
Miền
ảnh hai chiều vô cảm
Ta xoay tìm chiều linh hồn
Mới biết vùng thăm thẳm ấy
Chưa về khi chưa hoàng hôn …
Sắc đó để rồi không đó
Ta xoay tìm đáy cuộc chơi
Bạn bè năm cùng tháng tận
Dần thưa quanh chỗ ta ngồi
(Xem ảnh ảo ba chiều)
Nhiều bài thơ mang dáng dấp triết lý nhẹ nhàng, xa xôi, mơ hồ ấy; “Đêm nghe tiếng
đàn nhị”, “Giêng hai”, “Khuya nào”, “Một vai tuồng”, “Màu”, “Nợ”, “Ám ảnh”... trong
loạt bài này, nhà thơ như muốn bày tỏ suy nghĩ của mình về cuộc sống (của mình,
của mọi người...). Có bài rất ngắn nhưng lại ẩn sau chữ nghĩa biết bao điều:
Những
giả thuyết chìa ra biết bao câu hỏi
Mưa. Mưa xiên vào từng giọt!
Ta ngồi xoay dấu ba chấm đời mình
Bên những ếch những hồn rong ruổi sáng
Dấu chấm hết trang cuối cùng luận án...
(Dấu)
Tôi có người bạn đồng hương, vong niên, đã hơn 50 năm làm thơ. Trong tập thơ ra
mắt bạn đọc năm 2010, anh đã tự bằng lòng với cuộc sống hiện tại:
Ngôi
nhà trên đồi cao
Anh sẽ hát cho em nghe bài tình ca thứ nhất
Dỗ dành giấc ngủ người vợ Tào Khang
Như thế mình đi hết một đường đời.
(Ngôi nhà trên đồi Monterey Hills – Kiêm Thêm)
Nhưng đó là lời của người bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, còn tương lai của nhà
thơ của chúng ta không phải là “khung cửa hẹp”, là dấu chấm hết.
Có hai bài thơ liền kề với nhau và cùng nói về một đề tài, bài “Tự họa” và bài
“Tiếng vọng” làm tôi suy nghĩ mãi. Nhan đề là Tự họa tức là tự vẽ, tự
nói về mình, nhưng nghe chừng mơ hồ hơn Tiếng vọng tôi nghĩ có lẽ nên
đổi tên của hai bài thơ cho nhau là hay hơn. Lại chợt nghĩ, tác giả đã đặt như
thế chắc là phải có dụng ý. Chưa chắc nói nhiều đã hơn nói ít.
“…Ngày
tôi dựng búp tay làm ngọn tháp
Xiêm áo phai như thành quách theo mùa
Ngày tôi mở lòng tay làm gốc rạ
Giật mình nghe sung rụng dưới ao chua
Phơi phới tôi tan ra trăm mảnh gió lùa
Lằng lặng tôi nghiêng mình thành dáng khói
Lập lòe sáng rồi thăm thẳm tối
Đom đóm tôi giăng một miền mưa”
(Tự họa)
Nói về tôi mà sao thấy bâng khuâng như mây bay, gió thoảng. Tôi là ai? Cuối
cùng: “Đom đóm tôi giăng một miền mưa” lại càng mơ hồ hơn.
Trong bài Tiếng vọng, lần theo tiếng gọi xa xôi, nhân vật tôi đang trở về với
những hình ảnh xưa cũ, quen thuộc: Cánh đồng làng mùa gặt, có bước chân trần
tung tăng khắp bờ ruộng, có chú dế mèn khúc lãng du lá cỏ… vậy mà, cũng như bài Tự
họa nhà thơ kết thúc bài Tiếng vọng cũng mơ hồ không kém:
“…Kìa
tôi ơi gì lãng đãng như sương?
Là khói ấy, lá vườn hoang tôi đốt
Gọi chim về khơi về tiếng chuông ngân
Là tôi ấy, ánh ngày lơ đãng tắt
Chợt ngước nhìn trước cửa một vầng trăng”
(Tiếng vọng)
Hóa ra trong tâm tư tình cảm của nhà thơ ngày nay, cái hình ảnh ngày xưa ấy vẫn
luôn luôn hiện lên, khi lãng đãng thoáng qua như sướng khói nhưng cũng rất bền
chặt, ngự trị trong cái tôi của mình.
Có một loạt những bài thơ mà khi đọc lên người đọc nghe âm hưởng kiểu lẩy Kiều,
tập Kiều, Phố núi, Trịnh Công Sơn, Giêng hai, Ngẫu hứng ca dao I, Ngẫu hứng ca
dao II v..v..chính là loại bài đó.
Đọc những bài thơ này ta mới thấy nét tài tình của nhà thơ khi đưa những chi tiết
trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh hay lời của bài thơ được
phổ nhạc Còn một chút gì để nhớ (Thơ: Vũ Hữu Định - Nhạc: Phạm Duy) để
nói về phố núi bây giờ hay nói về cuộc sống ngày nay. Tài tình thay, âm hưởng vẫn
là nhạc Trịnh là thơ Vũ Hữu Định, nhưng bên trong lại là một hiện thực mới khác
trước với biết bao luyến tiếc về một thời:
“Phố
núi cao cao
Nhà phố cao cao
Thêm bao mặt người
Bớt vài con dốc
Phố xoay con hẻm phố ra mặt tiền
Ngoại ô rơm vàng mây trắng điềm nhiên…
Môi hồng phai chưa
Má đỏ đâu rồi
Một chiều mùa đông quán cóc ta ngồi
Em đi phố về bước ngang qua đó
Xin cảm ơn
còn chút gì để nhớ
Xin cảm ơn
một vạt tóc thề”
(Phố núi)
Kết thúc bài thơ viết về họ Trịnh, Hương Đình viết:
Vòng tay lớn nối vào đi yêu đời nhé khóc mà chi
Chủ nhật buồn chuông thinh không người gác trọ soi bóng mình
Ôi hai vai như biển rộng gánh làm sao được cõi mộng
Thôi ta về ừ người đi hoa mấy vòng rong mấy phố
Ta cùng họ ta còn nợ du ca này lời thiên thu.”
(Trịnh Công Sơn)
Khi tôi đang viết những dòng này cũng là ngày kỷ niệm đúng 10 năm ngày mất của
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hương Đình viết bài thơ này gần 10 năm trước, ngày sau
khi Trịnh Công Sơn mất. Vậy mà đọc lại bài thơ, tôi có cảm tưởng rằng có lẽ nhà
thơ Phố Núi của chúng ta cũng đã cảm nhận được – trong một chừng mực nào đó - suy tưởng của nhạc sĩ qua các ca khúc của ông.
Ngoài hai bài thơ trên, thì “Giêng hai”, “Ngẫu hứng ca dao I” và “
Ngẫu hứng ca dao II” cũng là cách liên tưởng tương tự, góp phần vào việc
thể hiện những nội dung mới theo kiểu lẩy Kiều ngày trước. Theo tôi thì Hương
Đình đã mạnh dạn đã thành côn trong kiểu diễn đạt này. Chẳng hạn như đoạn cuối
bài Giêng hai:
“…Anh
quay về chiều ấy, giêng hai mưa
Cầu vồng thấp ngang đầu, vườn kịp nắng
Trèo cành bưởi, đắng một bông hoa trắng
Bước xuống vườn cà, chát một nụ tầm xuân.”
“Mưa phố” còn nhiều bài thơ khác rất ấn tượng như “Cắt hình đám cưới”, “Một
vai tuồng”, “Thời gian” v.v. Mỗi bài là một bài thơ-cuộc đời đầy ý nghĩa,
nhưng trước hết vẫn là “cái tôi” của nhà thơ Hương Đình.
“…Thời
gian, người mơ gì kia?
Đã là đêm thứ bao nhiêu rồi nhỉ,
Tôi nằm nghe tiếng lá chạm bên thềm
Đằng sau cơn lũ là phía trước mùa xuân,
Hòn than ủ dưới tro tàn âm ỉ cháy
Nhân chứng cùng tôi giữa hai bờ thế kỉ
Là cội mai vàng sau bão, để làm tin…”
Như đã nói ở phần đầu, tôi chưa được đọc mấy tập thơ trước và sau tập thơ “Mưa
phố”, nhưng chỉ cần qua tập thơ này, tôi cũng đã cảm nhận được một nét mới, một
cái khác với những tác giả khác của thơ Hương Đình, từ nội dung ý tứ, đến những
hình ảnh thơ mới lạ. Sau tập thơ đầu (Trăng lửa - 1994), bảy năm sau Hương Đình
mới ra mắt tập thơ thứ hai này. Tôi tin với những nét mới đó, nhà thơ - Tiến sĩ
Toán học - của chúng ta chắc sẽ làm cho bạn yêu thơ say đắm hơn với những sáng
tác sau này.
01/4/2011
Hà Nguyên Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét