Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Phạm Thị Cúc Vàng với phiền muộn đang xanh

Phạm Thị Cúc Vàng với phiền muộn đang xanh 
Nếu như muộn phiền ở mức độ úa vàng thì hạnh phúc mới có cơ may vươn lên. Ở đây, muộn phiền đang xanh cũng đồng nghĩa với hạnh phúc đang trên đầu mây trắng nhởn nhơ bay quá nửa hành trình cơm áo... (Xuân Trường)
Nếu như muộn phiền ở mức độ úa vàng thì hạnh phúc mới có cơ may vươn lên. Ở đây, muộn phiền đang xanh cũng đồng nghĩa với hạnh phúc đang trên đầu mây trắng nhởn nhơ bay quá nửa hành trình cơm áo. Những được, mất, thăng trầm, thua thiệt đã qua, luôn căng rộng làm mỏi mệt đôi tay của Phạm Thị Cúc Vàng. Đọc MUỘN PHIỀN XANH ta thấy Cúc Vàng đang gieo neo, đơn thương độc mã cho áo cơm cuộc đời, có lẽ, sức nặng đang dồn về một đầu gánh nên nỗi chông chênh cứ khập khiễng hành trình. Phía sau nụ cười là mênh mông. là rưng rưng ngày mai những lo toan đang độc thoại chính mình. Những muộn phiền cứ vây quanh rồi riết chặt theo thời gian dồn nén, ràng buộc, thúc ép phá vỡ bình yên tâm tư làm phát tiết ra những tiếng lòng thổn thức, đau, sâu, âm vang ray rứt, tâm tư mở rộng biên độ nhanh, gấp khúc có thể nói nhọn vào đời những âm thanh thống thiết… làm ray rứt lòng người.
Những xé lòng bao giờ lùi bước/ Nhìn yêu thương thiên hạ mớm nhau/ Thấm mỏi mòn thêm tội rỉ đau/ Từng giọt cứ căng cơ nhức nhối (Tì Vết). Phạm Thị Cúc Vàng giã từ nghề giáo đến với thương trường, nhiều cơ may đã đến với chị nhưng rồi những thách thức dường như không vượt qua nổi như là định mạng an bày, chị mệt nhòai… Chị đến với thơ giữa lúc muộn phiền đang xanh, gian truân vất vả đang chờ. Đây không phải là cơ duyên an bày mà là một ngã rẽ tâm tình.
Những bước chân lang thang vào khoảng trống chị đã vấp phải thơ, không tìm mà gặp, hội ngộ bất ngờ. Chị đã gửi vào thơ nỗi đời, nỗi mình dài ra thăm thẳm bằng những âm thanh lạ: Cái chu kỳ thời gian/ Cái quẩn quanh tìm sống/ Ờ, một ngày y chang mọi ngày/ Riêng chỉ cái rách bươm hoan ca trong tôi/ Không tiết chế/ Hẳn, khác bao người! Đúng vậy, bất kỳ ai đó trên đời này thường khi hạnh phúc vươn cao hoặc những khi đau khổ tột cùng họ đều có thể đọc một vài câu thơ để bình tâm đối diện với hiện tại. Phạm Thị Cúc Vàng gặp thơ cũng là điều tất yếu. Chính thơ đã gieo vào các khoảng trống của con người những hạt bình sinh bật mầm, hóa giải những muộn phiền. Phạm Thị Cúc Vàng - người đàn bà làm thơ, giữa lúc chưa bình yên cuộc sống nên tính cách, ngôn ngữ, cảm xúc chị rất riêng đôi khi thành lạ. Có lẽ do sự đồng điệu với thơ đã thôi thúc Cúc Vàng, trong vòng 4 năm chị đã cho ra đời 4 tập thơ, về mặt lao động nghệ thuật thì đây là tín hiệu đáng mừng cho thi ca.
Chị đã có: TIẾNG CHIM VÀ NHÁNH RẼ (NXB Văn Nghệ, 2009), ẨN DỤ TIẾNG ĐÊM (NXB Thanh Niên, 2010), LUC BÁT CÚC VÀNG (NXB Hội Nhà Văn, 2012) và MUỘN PHIỀN XANH (NXB Hội Nhà Văn, 2013). Chị đã nhanh chóng hội nhâp với làng văn Tp. Hồ Chí Minh với vị trí Hôi viên Hội Nhà văn Thành phố. Thật là họa vô đơn chí, từ những mất mát vật chất kéo theo mất mát tinh thần, trong đó, tình yêu đã vụt khỏi tầm tay chị. Đây, chúng ta hãy nghe những âm thanh của Cúc Vàng: Người đi rồi em cô đơn mòn mỏi/ Tóc thưa dần/ Từng sợi giữ cho nhau. Giữ tóc rụng cho nhau để đánh giá thu hoạch của trái tim là điều lạ của người đàn bà chia tay tình yêu ngoài ý muốn. Lý trí buông thả, trái tim tình yêu chùng xuống không hẹn ước gì hóa thành lời than… Nỗi buồn đến với Cúc Vàng bao giờ cũng vô cùng, đến tròn xoe tấn công vào hành trình cơm áo người thơ đòi hỏi sư chống đở mãnh liệt của Cúc Vàng, rồi chị lai bình tâm chấp nhận: Long đong vất vả/ Đong đếm có hay/ Vai gầy gánh lấy/ Nỗi niềm chia hai/ Phần cất giữ/ Phần riêng ai/ Thương vầng trăng/ xé/ mảnh lẻ/ Gieo buồn/ Tròn xoe. Trong bài thơ tự do này Cúc Vàng đã xử dụng đổi thanh: bằng, bằng, trắc, bằng… mở ra độ thăng giảm của âm thanh gợi lên tiêt tấu của nhạc, thơ Cúc Vàng gần với nhạc.
Có thể nói toàn tập là một vũ điệu hành trình luôn luôn động mà khắc khoải tâm tư. Những âm thanh nhọn có thể gây sốc cho người đọc nhưng nó cũng làm cho người đọc muốn hiểu bài thứ 2 để nhận biết thơ Cúc Vàng: Nắng vàng ngõ phố/ Người không về đâu/ Con chim sẻ nâu/ Ghếch lòng ngóng nhớ (Xót Xa). Ghếch lòng là biểu cảm lạ của nhà thơ, rốc lên trong tâm tư và rồi: Nắng thôi rực rỡ/ Thơ ủ ê sầu/ Tận cùng nỗi đau/ Vào ngày giá buốt/ Con tim úng nước/ Chực vỡ bờ bao… Ở cuối nỗi đau, Cúc Vàng đã chấp nhận né tránh đa đoan để tìm lại hướng đi. Ở đây, Pham Thị Cúc Vàng đã thổi hơi thở mới vào cách nói lối ngày xưa ở thể thơ 4 chữ để tự vỗ hát ca mình. Đó là cách nói lối thời nay vậy.
Toàn bộ những bài thơ trong tập, hầu như câu cuối của bài nào cũng chùng xuống như chị đã buông xuôi chơi vơi muộn phiền. Chúng ta hiểu và đồng cảm với chị là vậy. Những tựa đề các bài thơ thường xót xa đẩy thơ lên tận cùng đau đớn lan ra làn sóng âm ba muộn phiền. Bên cạnh những gấp gáp vội vã của cuộc đời, Cúc Vàng cũng có những giây phút bình yên trong những vần thơ lục bát hay: Một ngày trong vắt nắng tươi/ Tình yêu trở dạ niềm vui chào đời/ Ngắm nhìn đôi mắt biết cười/ Chiếc răng nhu nhú thơm mùi sữa non (Niềm Vui Của Mẹ). Chị vẫn tin ở ngày mai lập trình lại cho đời: Mở to con mắt chong trời/ Ngóng tinh tú rớt xuống đời đổi thay/ Đen thành trắng đêm hóa ngày/ Cái nghèo khó, tuột khỏi tay cơ hàn… Rồi chị tiếp tục: Diễn viên cởi bỏ lớp tuồng/ Xiêm y cũng trút vai thương trả đời/ Hết câu vọng cổ dài hơi/ Khép màn sân khấu cuộc chơi bắt đầu… Ba chấm, Cúc Vàng để dành cho người đọc. Có lẽ trong 4 năm, Phạm Thị Cúc Vàng đã cho ra đời 4 tập thơ, nên tốc độ đó đã giới hạn thời gian lao động bản thảo, do đó, những góc cạnh ngôn ngữ chưa được tròn vạnh lắm. Tôi tin thơ Cúc Vàng sẽ có ngôn ngữ riêng và cảm xúc lạ trong tương lai…                             
XUÂN TRƯỜNG
Theo http://vantuyensaigon.net/
                                                                              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...