Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Ngược mặt trời - Ngược lại những thói quen

Ngược mặt trời - Ngược lại những thói quen 
Ngược Mặt Trời đúng là một tiểu thuyết rời rạc - quá rời rạc, như tác giả đã thông báo trước, nhưng là sự rời rạc cố tình. Tiểu thuyết lại không được đánh số thứ tự cho các chương, làm cho sự rời rạc càng rời rạc hơn, chắc đây cũng là một sự cố tình... (Nguyễn Liên Châu)
Ngược Mặt Trời đúng là một tiểu thuyết rời rạc - quá rời rạc, như tác giả đã thông báo trước, nhưng là sự rời rạc cố tình. Tiểu thuyết lại không được đánh số thứ tự cho các chương, làm cho sự rời rạc càng rời rạc hơn, chắc đây cũng là một sự cố tình. Thật ra, dạng cấu trúc tiểu thuyết như thế này không mới, một số nhà văn hiện đại và cách tân ở phương Tây – và cả Trung Quốc – đã từng áp dụng. Nhưng áp dụng cấu trúc “chẳng có cái nào ăn nhập tới cái nào” cho một không gian đa chiều, cho sự xáo trộn nhuần nhuyễn nhưng phức hợp các yếu tố thời gian, cho nhiều giọng văn trong một tiểu thuyết chỉ với khoảng 50.000 từ… thì đây là tiểu thuyết “rời rạc cố tình” đầu tiên mà tôi được đọc. Một tiểu thuyết đã được viết không bằng những lề thói quen thuộc.
Đọc, với sự “cảnh báo trước” của tác giả, làm người đọc vừa bị kích thích sự tò mò, lại vừa phải cẩn trọng với từng chữ từng dòng, vì sợ... “không thể kể lại giấc mơ một cách trọn vẹn”. Rất may là khi “coi như đã đọc xong”, tôi có thể kể lại khá trọn vẹn ý đồ của tác giả vì đã thử đọc nó theo nhiều kiểu khác nhau: sau khi đã đọc theo thứ tự trang thông thường, tôi lại đọc theo kiểu vớ được chương nào thì đọc chương nấy như đọc những truyện ngắn độc lập trong một tập truyện, và cuối cùng lại đọc theo kiểu đi mò tìm những diễn biến của từng số phận nhân vật. Tôi đã đọc “Ngược mặt trời” với đủ các kiểu… rời rạc như thế, vì rất may là dung lượng từ của tiểu thuyết này không nhiều, và mỗi kiểu đọc đã đem lại những thú vị khác nhau. Phải nói ngay là “Ngược mặt trời” hấp dẫn, tiêu chí hàng đầu phải có của thể loại tiểu thuyết, dù đã được tác giả cố tình không viết theo cấu trúc quen thuộc của thể loại tiểu thuyết. Tất nhiên, sự hấp dẫn thì không bao giờ rời rạc.
Có thể xem mỗi chương của tiểu thuyết này như một ô độc lập của một mạng nhện. Chúng ta thường nhìn mạng nhện với tổng thể vốn có của nó chứ hầu như không để ý tới từng ô của mạng nhện. Nhưng ở đây, nếu bạn không chịu chú ý đến từng ô của mạng nhện, bạn sẽ không nhận ra một kiến trúc mang tính khoa học và mỹ thuật hài hòa của “mạng nhện Ngược mặt trời”.
Cách khác, mỗi số phận nhân vật trong tiểu thuyết này của Nguyễn Một như một miếng da rời rạc, kích cỡ và hình dạng khác nhau, của một quả bóng. Tác giả đã cắt cúp những miếng da này cũng theo kiểu rời rạc cố tình, nhưng khi kết chúng lại bằng “chỉ may” chủ đề tư tưởng thì đã rất khéo léo và tài hoa. Người đọc chỉ việc bơm hơi vào, căng hay non tùy thích, tác giả không làm chuyện này sẵn cho bạn đâu, và đá nó bay về phía “Ngược mặt trời”, cũng theo lực mạnh nhẹ tùy thích - tùy cảm nhận.
Tác giả đã chỉ dừng lại ở mức gợi ý cảm nhận cho người đọc chứ không diễn giải hoặc triết lý dùm người đọc. Vì thế mà tiểu thuyết này cho dù ngồn ngộn chi tiết, những chi tiết mà theo tôi là đắc địa, lại chỉ nằm gọn trong một tập sách khá là mỏng đối với thể loại tiểu thuyết. Nếu “giấc mơ” này và ngồn ngộn những chi tiết đã được chọn lọc kỹ càng này, vào tay một người viết khác, thật dễ dàng để có một cuốn sách ngàn trang! Nguyễn Một đã khéo léo tiết chế sự vung bút, giúp người đọc cùng viết với mình, về những điều sẽ gây tranh cãi nếu chỉ cần hai người thôi cùng ngồi nói với nhau về tiểu thuyết này. Cùng với sự rời rạc, tác giả cũng đã cố tình lửng lơ khi bày biện những điều mình muốn đề cập đến. Điều này buộc người đọc phải tự giải quyết những điều mà Nguyễn Một, bằng thủ thuật riêng, đã buộc người đọc dung nạp vào đầu. Phải đồng làm tác giả với Nguyễn Một khi đọc “Ngược mặt trời”, vì chỉ với tâm thế ấy người đọc mới cảm nhận hết những thi vị giấu mặt khắp nơi trong tiểu thuyết này.
Cũng từ sự rời rạc cố tình nên trong “Ngược mặt trời” không tìm thấy nhân vật chính. Chỉ có nhân vật mà tôi tạm gọi là nhân vật trung tâm, đó là Nguyễn Chạc, một nhân vật mang sứ mệnh kết nối và cũng là cái cớ, để tác giả đẩy các nhân vật của mình trực diện với ánh sáng mặt trời trong tư thế lừ lừ tiến tới, cho dù đôi khi ở vài thời điểm đã có lúc phải quay lưng lại vì bị chóa mắt. Tất cả các nhân vật trong tiểu thuyết này đều có thái độ sống quyết liệt, tùy lúc mà đậm nhạt khác  nhau theo lực nhấn nhá cảm hứng rất chừng mực của tác giả khi khắc họa.
Nhân vật trung tâm Nguyễn Chạc dễ làm người đọc liên tưởng tới “Đi tìm thời gian đã mất” của Marcel Proust, chỉ khác là nhân vật “tôi” của Marcel Proust đi tìm lại cái mà ai cũng công nhận đã có, còn nhân vật Chạc của Nguyễn Một lại đi tìm lại cái mà chẳng ai biết tới. Rất nhiều con người có quê mà không có nguồn cội! Chỉ chính bạn mới biết nguồn cội thật sự của mình, và Nguyễn Chạc tìm về một nguồn cội mà chẳng ai tin là có thật, trừ Thánh nữ Ngân Hà. Sự tìm về khao khát và cháy bỏng ấy cộng với mong muốn chụp lại cả thế gian này bằng những bức ảnh ngược sáng, đủ để nói lên tín ngưỡng của Nguyễn Chạc ở cõi đời ô trọc này.
Mỗi nhân vật, bất kể lớn nhỏ, trong “Ngược mặt trời” cũng đều có tín ngưỡng riêng của họ, y hệt mỗi chúng ta trong đời sống này. Chỉ có điều là các nhân vật của Nguyễn Một luôn quyết liệt khi sống với tín ngưỡng của mình, còn chúng ta vì cả thẹn mà thường giấu sự quyết liệt ấy ở góc khuất nào đấy của tâm hồn. Tín ngưỡng xuất hiện trước, tôn giáo xuất hiện sau. Có tín ngưỡng rồi mới có tôn giáo. “Ngược mặt trời” mượn Công giáo để bày tỏ tín ngưỡng cho một số các nhân vật của mình, cả ở trong và ngoài đạo. Tại sao lại là Công giáo chứ không phải là một tôn giáo khác? Có lẽ vì lịch sử đầy biến động của tôn giáo này tại Việt Nam trùng với giai đoạn có quá nhiều biến cố của dân tộc ta, phù hợp với bối cảnh chủ lực và thời gian khung của tiểu thuyết này. Đó chỉ là suy diễn của riêng cá nhân tôi, vì thiết nghĩ, nếu chọn một tôn giáo khác có lẽ sẽ không đủ kích và cả không đủ diện thuyết phục. Sự mặc khải và thấu thị tâm linh, nếu có, suy cho cùng cũng đến từ tín ngưỡng, hay nói một cách đơn giản hơn, là cũng khởi nguồn từ lẽ sống của mỗi người. Vì vậy, khi nói “tình yêu là một tôn giáo”, cũng chẳng khập khiễng một chút nào. Mỗi người sống theo lẽ sống của mình, mỗi nhân vật của “Ngược mặt trời” sống theo tín ngưỡng mà Nguyễn Một muốn họ theo.
Rất nhiều nhân vật của tiểu thuyết này có tín ngưỡng là tình yêu: Bảy Đò vì chữ tình bất đạt mà tự giam mình đến độ trở thành một nhà tiên tri, Chín Toàn vì chữ tình bất khả mà tự âm thầm ôm một nỗi đau để rồi trở thành người có khả năng thấu thị cõi âm, Hoàng Lan vì một chữ tình bất kỵ mà gặp khổ nạn nhưng cũng đã kịp sinh ra một thiên tài…
Tín ngưỡng của Hoàng Thạch là đồng tiền (để cứu con), của A Hóa cũng là tiền (để thoát đói), của Trần Danh là quyền lực… Bài cảm nhận ngắn này không kịp nói đến tín ngưỡng của các con chiên, các nhân vật cõi âm, các nhân vật huyền sử và lịch sử… bởi vì, suy cho cùng, cũng chẳng khác là mấy so với những nhân vật của chiều không gian hiện thực đã kể ở trên, cũng “hỷ nộ ái ố thất tình lục dục” đủ cả. Nhưng tất cả đều quyết liệt với lẽ sống của mình. Có cảm giác, Nguyễn Một luôn yêu quý tất cả nhân vật của mình, dù lớn nhỏ trẻ già trai gái, vì nhân vật nào cũng có một lẽ sống đầy thuyết phục rất riêng. Đây là ưu điểm hay khuyết điểm của một người viết tiểu thuyết? Ưu hay khuyết gì cũng được, tôi thích cái cách đẩy nhân vật đi về phía ngược sáng của Nguyễn Một.
Quả thật, có quá nhiều điều để tranh cãi cho một cuốn tiểu thuyết mỏng (theo tôi, đây là thành công đầu tiên của “Ngược mặt trời”). Bài cảm nhận này chỉ mới kể lại cách đọc (của riêng tôi) cho một cấu trúc lạ và dựa vào “đức tin của mỗi nhân vật” để lý giải cho những sáng - tối, âm - dương, tri - hành,... mà tác giả đã khéo dụ cho người đọc (là tôi) sa vào. Chưa dám mạn bàn vào những hệ lụy lớn nhỏ mà tiểu thuyết này đã và sẽ gây ra.
Tôi thích giọng văn đa phong cách nhưng chừng mực của Nguyễn Một trong tiểu thuyết này, nhất là “những bài thơ bằng văn xuôi” khi viết về cái đẹp.
Trong tôi còn hai nỗi ám ảnh: 
1/ Đi tìm nguồn cội không có thật là còn giữ thiêng nguồn cội của Nguyễn Chạc. 
2/ Sự an nhiên trong veo của một Thánh nữ như Ngân Hà khi chĩa hai bầu vú thanh tân thách thức mặt trời. Cần phải gặp tác giả để “thanh toán” hai nỗi ám ảnh này.
Đọc “Đất trời vần vũ”, tôi nói “Hay!” và cảm tác được một bài thơ. Đọc “Ngược mặt trời”, tôi nói “Hay hơn!” và viết lan man lộn xộn những dòng này thay vì lại một bài thơ cảm tác như thói quen đã từng. Ngược thói quen lại hóa hay, vì nhận được những thú vị mới!
Thú thật, tôi đã cố tình viết “rời rạc” mà không ra!.
NGUYỄN LIÊN CHÂU
Theo http://vantuyensaigon.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Cà phê bên sông Cà Ty – Chùm thơ Thanh Tâm 31 Tháng Mười Hai, 2023 Mây xa nhớ nắng mây đen/ Ta gần mà chẳng ai thèm nhìn nhau… Cà ...