Thứ Năm, 25 tháng 8, 2016

Thương nhớ cố đô Huế "Cái nôi của nền văn hóa Phú-Xuân"

Thương nhớ cố đô Huế "Cái nôi 
của nền văn hóa Phú-Xuân"
"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên-Mụ, canh gà Thọ-Xương"
Từ lâu, hai câu thơ nổi tiếng trên đây từng được tranh cãi rất nhiều về nguồn gốc xuất xứ về ý nghĩa địa danh, đã tự biến thành ca dao dân gian, thấm sâu vào tâm hồn người dân trong nước mỗi khi muốn hình dung về xứ Huế hồn nhiên, thơ mộng. Dẫu sao, thì cũng từ lâu, nội dung ý nghĩa của câu ca dao nầy cũng đã từng chiếm lĩnh ưu thế để được nhiều ý kiến chấp nhận đó là một áng thơ súc tích gợi tình, và cảnh quan thuộc hẳn vào không gian văn học địa phương. Trước hết, vì nó đã chuyên chở được phần hồn dân dã đồng quê, từng có thể hiện ra được hình ảnh của ngôi chùa Thiên-Mụ* uy nghi, cổ kính soi bóng trên giòng nước sông Hương kề bên núi Ngự.
Chùa Thiên Mụ
Hơn thế nữa, trong sách cổ "Đại Nam Nhất Thống Chí" (Phạm-Trọng-Điềm dịch và Đào-Duy-Anh hiệu đính sau cùng) cũng đã có ghi chép rõ ràng dưới thời Gia-Long, thì bên giòng sông Hương đối diện chùa Thiên-Mụ cũng từng có một cái gò tên là Thọ-Xương, và cho đến thời Minh-Mạng vào năm 1824 thì mới bị đổi tên lại là Long-Thọ-Cương. (Trường hợp nầy cũng giống như chùa Thiên-Mụ đến thời vua Tự-Đức vào năm 1862, thì bị đổi lại là Linh-Mụ). Vả lại, tác giả của hai câu thơ bất hủ lưu truyền nầy bấy lâu nay đã từng được giới văn học nước nhà từ thời tiền chiến cũng đương nhiên thừa nhận, đánh giá coi như là một vị học giả tài ba, uyên bác**. Do vậy, cho nên từ lâu đã có nhiều ý kiến nhập cuộc phê bình bằng những chứng từ, và họ nhất trí cho rằng tác giả của nó hoàn toàn không hề có một sự nhầm lẫn cỏn con nào về địa danh trong câu ca dao nầy. Chính vì thế mà Huế cần phải được bảo vệ về những địa danh vốn là sở hữu của địa phương, và xứng đáng thừa hưởng cái gì từng đã được cho là hồn quê, hoa gấm từ lâu thủy chung gắn bó tình yêu vào hình ảnh của xóm làng, không thể phủ nhận.
Do vậy, nguồn gốc xuất xứ của mảnh đất trí tẹo nầy cần được trả về cho đúng với ý nghĩa của lịch sử ca dao văn học, mà người ta phải biết tôn trọng sự thật của thời gian, và giá trị của sự công bằng. Còn nữa, ngoài những cuộc bút chiến tương tợ thường xảy ra như trường hợp trên đây, thì mảnh đất xứ Huế xưa nay lại cũng có thêm những trận đụng độ không khoan nhượng trên văn đàn về hình ảnh lịch sử của thời kỳ dĩ vãng đi qua giữa hai dòng họ hoàng phái, vốn thuộc hàng hậu duệ liên hệ xa gần của hai vương triều nhà Nguyễn Tây-Sơn và Nguyễn Gia-Long, qua các giai thoại ly kỳ với nhiều tình tiết tế nhị được cho là hoàn toàn có phần trái ngược với nhau.
Nhưng chúng ta đang ở trong thời hiện tại, đất nước thanh bình mọi nhà người người sum họp, và thực tế ngày nay xứ Huế là một địa danh nổi tiếng của Việt-Nam được cả thế giới bên ngoài nghe biết đến rất nhiều qua hình ảnh của những cung điện, đền đài của một thời vua chúa ngự trị huy hoàng của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc. Ngay chính cả về hình ảnh sinh hoạt thư thả quen thuộc hằng ngày trong thành phố Huế cũng vậy, nó từng thể hiện ra được một phong cách sống trầm lặng, bình yên, rất được nhiều người yêu thích.
Tuy nhiên, khuất sau theo tấm rèm thưa nhưng được phủ che kín đáo đó, thì người dân Huế thật cũng không trễ hẹn chút nào với nhịp quay theo tốc độ vận hành khoa học của thời gian để vươn mình phát triển văn minh xã hội, đáp ứng nhu cầu thời đại làm đẹp phố phường, và giới thiệu về dáng đứng quê hương qua hình ảnh của những lăng tẩm tiên vương cùng núi sông hoa gấm. Ngoài ra, nét đan thanh trong không gian bao la tổng hợp ở địa phương cũng đã làm nổi bật lên biết bao nhiêu là danh lam thắng cảnh đẹp tuyệt vời. Từ lâu, nó đã từng làm cho gợi nguồn cảm hứng tâm hồn của nhiều văn nhân, thi sĩ, cũng như có sức quyến rũ lòng người và cầm chân, luyến lưu tình viễn khách ở khắp bốn phương tìm đến Huế để tham quan, khám phá.
Núi Ngự Bình
Và thật cũng không phải là vô cớ, khi mà Huế đã được chọn làm lễ Festival cứ mỗi hai năm chẵn là có một lần. Và người ta nhìn nhận rằng, sự hợp tác hữu hiệu giữa hai quốc gia Việt-Pháp về "Festival Việt-Pháp"bắt đầu từ năm 1992 đã mở đường giúp cho Huế có dịp hồi sinh để giới thiệu, và tôn vinh những giá trị ưu việt của các di sản văn hóa nghệ thuật đặc trưng ở địa phương ra toàn thế giới bên ngoài. Lý do đó khiến cho hình ảnh của xứ Huế ngày càng trở nên gần gũi, thân thiện nhiều hơn, nhất là đối với những thành phố xa xôi đã từng kết nghĩa với Huế như từ ở Hawaii, New Haven, Québec, Nord Pas de Calais, Poitou Charentes, Rennes, Quang-Chu, Shizuoka, Chiết-Giang... Hơn thế nữa, là sau khi đổi tên lại là "Festival Huế" kể từ năm 2000, thì một lần nữa địa danh của xứ Huế lại càng được phổ biến, quảng bá đi xa hơn bằng với sự có mặt nhiều hơn của hàng ngàn du khách nước ngoài tìm đến tham quan trong thời gian xảy ra những ngày lễ hội.
Vả lại, là một trong những thành phố lớn đứng đầu ở duyên hải miền Trung, nơi duy nhất còn lưu trữ được nhiều dấu vết giá trị của nền văn hóa Phú-Xuân cận đại. Cho nên, hình ảnh của thành phố Huế từ lâu cũng đã trở thành một điểm hẹn lý tưởng được chọn, nằm trong con mắt hiếu kỳ mến mộ của người phương Tây tìm đến để nghỉ dưỡng bên cạnh thành quách của một cố đô nổi tiếng có cảnh quan môi trường trong lành, thích hợp cho một chuyến du hành.
Cổng Ngọ Môn - Đại nội Huế
Huế về đêm
Còn đối với người trong nước, thì trước đây Huế không phải là nơi lý tưởng để cho họ tìm đến viếng thăm, nhưng nay thì đa số họ có khuynh hướng muốn quay trở lại để khám phá tìm hiểu về cố đô nầy, sau khi họ đã từng trải nghiệm qua nhiều chuyến tham quan khắp trên khắp nẻo đường quê hương đất nước. Sự kiện đó, chứng tỏ ra rằng ảnh hưởng sức mạnh của văn hóa cố đô Huế lúc nào cũng còn được coi như là phần hồn của mảnh đất nầy, đã có sức hút tinh thần khám phá của những con người có ý thức muốn tìm hiểu về hành tung của trang lịch sử cận đại nước nhà. Nếu trước đây (1972), cư dân trong thành phố Huế chỉ có khoảng chừng 198.064 người, thì nay con số ấy đã bị vượt qua khỏi ngạch số 348.279 được thống kê vào năm 2013, và phải cộng thêm với con số cuối cùng của những năm nầy chưa được cập nhật hóa đầy đủ. Tỉ lệ con số người dùng xe đạp chạy cộc cạch ngoài đường, từ lâu, cũng đã được thay thế vào bằng hình ảnh của những chiếc xe máy. Và nhiều chiếc ô tô, kể cả xe loại xịn thong dong lướt qua bên các dãy nhà có lối kiến trúc trộn pha nhau giữa nét cổ kính vừa hiện đại, và được khách du hành đến đây có dịp nhìn thấy rõ ràng.
Ngoại trừ, hình ảnh của những chiếc xe xích lô đạp truyền thống được tân trang sẵn sàng túc trực đón mời du khách lên... ngồi tham quan diện mạo cung điện, phố phường, đường sá. Và đây cũng là những nét chính của thành phố Huế trên đà khởi sắc để cho hầu hết mọi người nhìn thấy, để họ có thể tìm ra cơ hội trong một thành phố của cơ hội, để nếu cần sẽ nhập cuộc dấn thân vào cuộc sống sở tại, và tự phát huy sáng kiến đầu tư vào cho sự nghiệp lớn nhỏ của mình.
Chợ Đông Ba
Cầu Tràng Tiền trên sông Hương
Ngoài ra, nếu đem so với các thành phố trực thuộc trung ương loại đặc biệt như Hồ-Chí-Minh, Hà-Nội, hay như loại 1 là Hải-Phòng, Cần-Thơ, Đà-Nẵng là những nơi có hoạt cảnh năng động với quang cảnh xe cộ dập dìu, hối hả. Ở đây thì trái lại, thành phố trực thuộc tỉnh yên lặng Huế rất khiêm nhường với lưu lượng xe cộ giao thông trên đường sá, khiêm nhường với con số hình ảnh sinh hoạt ra vẻ vô tư của người dân diễn ra nơi chợ búa, phố phường. Điều nầy, làm cho người ta có cảm tưởng rằng người dân Huế ngoài phong cách sống kín đáo, thì họ còn là những con người có tinh thần kỷ luật, vì rằng phải chăng ở địa phương nầy ngày nay cũng vẫn hãy còn tự hào là nơi từng mang đậm dấu ấn ảnh hưởng văn hóa của đất Thần Kinh? Tuy nhiên, nếu thử lạm bàn vế ý nghĩa của câu ca dao "Quảng-Nam hay cãi, Quảng-Ngãi hay co, Bình-Định hay lo, Thừa-Thiên ních hết", thì người ta có thể sẽ đưa ra có những nhận xét trái chiều.
Nói cách khác, thì thành phố Huế bây giờ đang thể hiện ra có một sự bứt phá ngoạn mục. Trước khi bắt đầu có tổ chức "Festival" thì Huế vốn là một thành phố nên thơ, bình thản, nhưng bây giờ thì đột nhiên cất cánh vươn mình bừng lên với nhịp sống mới. Từ một thành phố từng được coi như là có hình ảnh luyến tiếc với tinh thần hoài cổ mang dấp dáng nỗi u buồn, thì giờ đây Huế đã tự trở thành là một nơi điểm hẹn giao lưu trộn pha giữa bản sắc truyền thống địa phương với du khách nội địa, bè bạn năm Châu. Do vậy, vòng tay thân thiện bén nhạy của người dân xứ Huế bây giờ cũng ngày càng thêm mở rộng để hòa đồng thân thiện chào đón hầu hết tất cả mọi người. Dẫu sao, trong trường hợp nào thì xứ Huế ngày nay cũng hãy còn được coi như là hình ảnh của một viện bảo tàng sống, hay là một thành phố chứng tích của vương triều nhà Nguyễn được ráp nối bằng những phần hậu cảnh nổi bật là cung điện, đền đài trong thành phố, và lăng tẩm ở quanh vùng.
Ngai vàng vương triều nhà Nguyễn
Điện Thái-Hòa biểu trưng quyền lực của Hoàng triều Nguyễn
Đường ra (hay vào) xứ Huế từ xưa nay là một lộ trình thiên lý, vô cùng ngoạn mục với cảnh quan thiên nhiên bao la của núi rừng, đèo dốc, bể khơi, hải đảo. Thật quả danh bất hư truyền như câu ca dao:
Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Và khi đặt bước chân vào cố đô rồi, thì lại càng thấy nó khác lạ hơn là bất cứ thành phố nào trên đất nước VN, nếu không muốn nói là chỉ có một không hai. Thực vậy, ngoài các di tích lịch sử độc nhất vô nhị của vương triều nhà Nguyễn, thì người ta còn nhìn thấy thêm có khá nhiều hình ảnh người phụ nữ thường vẫn mặc chiếc áo dài mỗi khi có dịp bước chân đi ra khỏi nhà theo thói quen bấy lâu nay của họ. Còn nữa, đối với một người khách vãng lai cho dù có trí thông minh, thì thính giác của họ cũng đành phải trở thành chậm hiểu, để lắng nghe từ một thứ ngôn ngữ trộn pha đặc biệt của người nước ngoài nào đó! Vì lẽ, người Huế ở xứ mộng mơ có tính ăn cay, nói nặng giọng thổ âm cả khi dùng thổ ngữ mô, tê, răng, rứa (đâu, kia, sao, thế), cho nên nếu họ nói nhanh, thì du khách muốn nghe qua sẽ thật không phải dễ! Thế nhưng không hiểu tại sao lại có rất nhiều người yêu xứ Huế một cách lạ lùng, ngay cả một thời kỷ niệm của thuở vị thành niên mà cũng đã có những cậu
Học trò xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không rời
Ảnh minh họa
Vậy có nghĩa là sao, sau nữa? Có phải chăng mảnh đất Thần Kinh nầy từ xưa nay từng đã có những cái gì cám dỗ giá trị khá đặc biệt toát ra để tạo thành một sức hút lạ kỳ, và thường hay để lại những dấu ấn tâm tư tình cảm vào lòng viễn khách?
Thực ra, cảnh quan ở Huế thì ngoài các công trình vua chúa còn lại dấu vết tiên vương, ngoài hình ảnh chiếc áo dài trắng thướt tha nổi bật trên vai bằng mái tóc thề óng ánh của cô nữ sinh xinh đẹp, duyên dáng dưới chiếc nón bài thơ. Ngoài các món ăn đặc sản độc đáo nổi tiếng địa phương, thì xứ Huế ngày nào cũng hãy còn đã có thêm những thú vị ngủ đò trên sông Hương. Nơi đây, là điểm hẹn để cho tài tử giai nhân tao ngộ, nâng ly rượu mừng sưởi ấm lòng đàm luận văn thơ, và thức trắng canh trường trút sạch tâm tình trao tặng người bạn sơ giao, hay tâm đầu ý hợp kết thân bằng hữu kể từ lúc mới có duyên tri ngộ. Hay để tự thả hồn mình sâu lắng gieo duyên văn nghệ vào lẫn những tiếng ca, câu hò, lời ru đậm chất hồn quê xứ Huế hòa quyện vào với quan họ miền Bắc, dân ca ở đất phương Nam.
Ngoài ra, còn có những hình thức của con đò không bến, (thường là neo đậu ven bờ), di động thả trôi lênh đênh, chở theo cả bao niềm lạc thú cho khách giang hồ muốn đi tìm thưởng thức thời khắc đam mê phù du ngắn ngủi! Ngày trước, những ai đã từng có dịp được trải nghiệm qua một lần, thì hãy thử hình dung ôn nhớ lại những phút giây thư dãn thỏa chí tang bồng như sa lạc vào cõi mộng mơ trên dòng nước, dưới trăng sao đầy ấn tượng. Tuy giản dị tầm thường, nhưng ý nghĩa nhập vào cuộc gió trăng cũng có thể được gọi với cái tên bằng những tiếng lóng mỹ miều của thời buổi bấy giờ như là nhất dạ... phong trần! Đây cũng có thể nói là một loại hình thức giải trí thư dãn ngẫu nhiên đặc biệt, do hoàn cảnh xã hội tự nhiên của xứ Huế tiên phuông phát sinh ra, trong khi toàn quốc không tìm thấy nơi nào có. Và nếu có chăng nữa dù là khiêm nhường, thì cũng không sao có thể so bì được với mọi điều thú vị ở nơi đây, vì nhờ có phong cảnh nên thơ lãng mạn, xúc tác tâm hồn làm cho ngây ngất lòng khách trong không gian hòa quyện tình người cảnh vật.
Ảnh minh họa
Trở lại cái thú vị ngủ đò trên sông Hương ngày xưa từng làm cho hàng mặc khách tao nhân có bao niềm cảm hứng tuyệt vời, khi họ có dịp thả hồn vào không gian thế giới thơ ca hò hát, đối ẩm men say, thưởng thức từ những tô bún bò giò heo, bánh nậm, bánh bèo v.v. Rồi đến lúc phải chia tay, thì lại thấy lòng càng bịn rịn luyến lưu như không muốn từ giã hình ảnh của con đò... Ngày nay, sau hằng thập niên dài vắng bóng, thì dịch vụ ngủ đò trên sông Huơng đầy thú vị, thơ mộng, tao nhả của ngày xa xưa đó cũng vừa đã được người dân địa phương nghiên cứu khẩn trương tái lập. Và cải thiện với hình thức tân trang con đò bằng những phương tiện mới có chất lượng cao hơn, thích hợp hơn, do chính những nhà đầu tư chuyên nghiệp đứng ra khai thác, để nhằm đáp ứng thỏa mãn nhu cầu cho du khách ngày càng tìm đến xứ Huế nhiều hơn. Trong những năm gần đây, nhất là vào các dịp Festival thì đã có tới con số hàng trăm du khách đã chọn cái thú ngủ đò trên sông Hương trên những chiếc du thuyền được thiết kế tiện nghi theo tiêu chuẩn nhà nghỉ ngàn sao, có phòng ngủ, sân khấu, chỗ ngồi cho khán giả, dịch vụ nhà hàng. Và bây giờ, thì những con đò nầy cũng đã được gọi bằng tên mới là thuyền Rồng.
Thuyền Rồng trên sông Hương
Và như mọi người đều biết, thì hiện nay du ngoạn bằng thuyền Rồng trên sông Hương ở Huế là một phương tiện đã được phổ biến rộng rải, còn cái tên Rồng có đó là bởi do trước mũi của các loại thuyền nầy đều được đóng theo kiểu đầu Rồng, hai bên mạn thuyền cũng được sơn phết sắc màu rực rỡ. Hình thức đưa du khách thưởng ngoạn trên sông nước để nghe ca hát, ru hò, thả hoa đăng. Và cảm nhận hương vị, âm sắc đặc trưng của cố đô nầy là một hình thức nhằm phục hồi, tái hiện sinh hoạt cung đình Huế trên du thuyền ngày trước dành cho Vua quan triều đình đi thưởng ngoạn, và nghe ca hát văn nghệ trên sông Hương thơ mộng.
Thả hoa đăng trên sông Hương
Con sông Hương nầy chính là một thắng cảnh được thiên nhiên vô tình ban tặng, để tô điểm thêm cho vẻ đẹp nên thơ xứ Huế, và nó cũng có công dụng không khác gì hơn là như hai con sông Hồng và Cửu-Long, ở đất Bắc và phương Nam. Tuy nhiên, thủy lộ Sông Hương ngoài việc đóng góp cho sinh hoạt đời sống người dân dùng vào phương tiện giao thông, kinh tế, thì ngoài ra, hình ảnh của nó thực sự đã đi vào lãnh vực của thế giới văn chương thơ ca. Và tiếng sóng vỗ của nó cũng còn là một bệ phóng về nghệ thuật văn hóa âm nhạc, ru hò mang hồn quê tính chất địa phương tung bay vào khắp phương trời đất Việt. Giờ đây, thì người ta cũng có thể nói bằng cách khác là không có con sông nào trong nước được các văn nhân thi sĩ chọn làm đề tài cảm hứng tâm hồn, để sáng tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật như trường hợp đặc biệt của sông Hương.
Hoàng hôn trên sông Hương
Do vậy, cho nên ngày nay bất cứ du khách nào đến đây thì cũng không bao giờ bỏ qua lỡ dịp một lần bước xuống thuyến Rồng, để thưởng thức loại hình sinh hoạt văn hóa phi vật thể nầy như là nhã nhạc, ca Huế, yến tiệc cung đình trên giòng Hương giang sóng nước lơ lửng, bồng bền... Ở đây, tác giả có ý kiến là một khi du khách đến tham quan cố đô Huế thì có thể bỏ qua cơ hội viếng thăm một lăng tẩm đường bệ, nhưng nếu bỏ qua dịp nghe ca Huế thì quả là một điều thiếu sót!
Ca Huế vốn là một tài sản giá trị tinh thần đặc trưng ở địa phương, mà người dân Huế đã trân trọng giữ gìn từ hằng thế kỷ. Và thú nghe ca Huế trên sông Hương ngày xưa là có thể nói chỉ dành cho riêng những con người yêu thích nghệ sĩ, tìm đến với văn nghệ thơ ca trữ tình, có ảnh hưởng tác dụng cảm khái vào tâm hồn của bao hàng khán thính giả... Ca Huế gồm có hai điệu chính là điệu Bắc và điệu Nam. Điệu Bắc thì phấn khởi, trang trọng với âm sắc rộn ràng trong sáng như Lưu-Thủy, Kim-Tiền, Xuân-Phong, Phú-Lục, Hành-Vân, Long-Điệp, Long-Ngân, Cổ-Bản... Còn điệu Nam thì đượm nỗi bi ai, sầu thảm, sâu lắng trữ tình như Tương-Tư-Khúc, Nam-Bình, Vọng-Phu, Nam Ai...
Nghệ sĩ biểu diễn ca Huế
Ngày nay, du thuyền chở khách nghe ca Huế được thả trên sông Hương đoạn từ Phu-Văn-Lâu đến cầu Tràng-Tiền, ngang qua kinh thành Huế, và thường thì chính thức khởi hành vào buổi tối lúc khí trời vừa mát lạnh, trên không trung còn bàng bạc những đám mây chiều. Và lúc thuyền vừa tách bến, thì cũng là lúc mà khách cảm thấy lòng mình rộn rã ngay lập tức khi được đón chào bằng những tiếng hòa tấu âm thanh của các loại đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nguyệt... từ những ngón tay khéo léo, điêu luyện của các nhạc công đồng loạt trổi lên những khúc nhạc tưng bừng như Lưu-Thủy, Kim-Tiền... Và khi thuyền tắt máy thả trôi bồng bền thì được nghe những nhạc khúc Tương-Tư, Nam-Ai... da diết bi thương, từng gieo lại nhiều ấn tượng luyến lưu vào trong lòng du khách.
Vào những đêm trăng tỏ rạng treo lơ lửng từ cao, dát lên cả dòng sông một ánh sáng nhạt vàng, kết thành muôn ngàn viên ngọc lấp lánh chạy dài theo cơn sóng nước, thì lại thú vị hơn biết bao lần. Đây có thể nói là những dịp may hiếm có, để cho du khách được thưởng ngoạn trọn vẹn một khắc giây kỷ niệm sâu lắng trên đêm sông Hương sóng vỗ mạn thuyền với đầy đủ hình ảnh của ngoại cảnh thiên nhiên. Lại khi kết thúc đã lên bờ rồi, thì khách lại vẫn còn được nghe thêm văng vẳng đâu đây, từ xa vọng lại có những âm thanh của tiếng sáo nhị, tiếng phách, điệu hò đặc trưng Huế của những con thuyền khác thay nhau lần lượt đi về ngay tại bến đò. Phải nói rằng du khách được thưởng thức nghe tiếng ca Huế trên sông nước quả thật là một điều thú vị tuyệt vời, vì không phải ở địa phương nào cũng có. Muốn hiểu Huế, phải hiểu được phần hồn của nó, và phần hồn của nó chính là các di sản kiến trúc chùa chiền, lăng tẩm. Và những khúc nhã nhạc cung đình cho đến thơ ca, ru hò giai điệu dân gian, mà chỉ có, con người chính cống xứ Huế mới có thể diễn tả lột trần ra hết được tính chất đặc trưng của nó mà thôi.
Cảnh du thuyền ở Huế về đêm
Tuy nhiên, dẫu sao thì hình ảnh của những cung đình, lăng tẩm dưới triều nhà Nguyễn mới là chính yếu để cho người ta có dịp tìm hiểu nhiều hơn về nền văn minh, văn hóa cận đại Phú-Xuân sau 143 năm, trải qua 13 đời Vua (1802-1945) từng ngự trị trên chiếc ngai vàng nằm trên xứ Huế (và 9 đời Chúa khởi nghiệp trước đó từ năm 1558-1777)***. Và nếu ngày xưa người ta có cái nhìn về xứ Huế như là một vùng đất kinh kỳ hoa lệ của vương triều, mà người địa phương hằng từng tự hào, thì ngày nay niềm tự hào đó đã được đổi thay bằng sự hãnh diện khác. Đó là vì xứ Huế bây giờ được người ta ưa thích nhiều hơn, nhờ có không gian cảnh trí hữu tình, sinh hoạt bình thản, dịu dàng theo phong cách của người dân sở tại từng đã được nói đến rất nhiều qua trong các lãnh vực văn chương thi ca, hò hát v.v, nhất là công trình xây dựng của các cung điện, đền đài.
Trong kho tàng văn chương thi ca nước nhà, thì địa phương Huế đã có công góp phần tinh hoa không phải nhỏ, nếu không muốn nói rất là đặc biệt và phong phú. Nhân tài về văn học cũng rất nhiều, và họ cũng đã từng sáng tạo ra biết bao lời thơ, nốt nhạc, hát hò, ca dao...đi vào lịch sử đời sống thực tế của dân gian còn lưu lại cho đến thế hệ hôm nay.
Thành phố Huế bây giờ thuộc tỉnh Thừa-Thiên&Huế, có đường sá sạch sẽ nhà cửa khang trang, bán buôn nhộn nhịp với tất cả số lượng rất nhiều của các quầy bán hàng lưu niệm thủ công nghệ. Và 6 siêu thị, là Co.opmart Tràng-Tiền, Thuận Thành - Cơ sở 1, Thuận-Thành - Cơ sở 2, Huế Plaza, Green Mart, GIGA. Cùng với 14 chợ, là Đông-Ba, Bến Ngự, Vỹ-Dạ, An-Cựu, An-Hòa, Trường-An, Thủy-Biều, Phước-Vĩnh, Kim-Long, Cầu Đất, chợ Xép, chợ Đồn, chợ Cồn, chợ Dinh. Khi xưa Huế có tên là Phú-Xuân. Ngày trước, Phú-Xuân nguyên là đất thuộc địa lý của vùng Thuận-Hóa. Trong sách "Phủ Biên Tạp Lục" năm 1776, học giả Lê-Quý-Đôn từng miêu tả vùng đất Phú-Xuân là một đô thị phồn thịnh được phát triển dọc theo hai bờ sông Hương. Và Phú-Xuân là kinh đô đầu tiên của nước Đại-Việt sau ngày thống nhất nước nhà dưới triều đại Nguyễn Tây-Sơn (1788-1801), mà cũng còn tiếp tục là kinh đô của nước Viêt-Nam gần 145 năm dưới triều đại phong kiến bắt đầu từ Nguyễn Gia-Long cho đến lúc suy tàn (1802-1945). Tuy nhiên, có một điều khá thú vị bất ngờ là cho tới giờ phút nầy mà người ta cũng chưa tìm ra được những tư liệu nào đưa ra có tính thuyết phục, để chứng minh được rõ ràng về thời điểm chính xác của danh từ Phú-Xuân được đổi sang tiếng gọi trở thành Huế?
Và, hơn thế nữa, người ta cũng không hiểu tại sao là trước đây chừng một hai thế hệ (trung bình 60 năm cuộc đời) thì người xứ Huế, nhất là các cô gái được gọi là Tôn-Nữ thường hay lộ ra vẻ kiêu sa, và rất nghễ trước những chàng trai cho dù là hào hoa, lịch lãm từ ở bất cứ phương nào? Và cũng nếu mọi điều thắc mắc trên đây được cho là xác định, thì có lẽ sự kiêu hãnh quý phái của họ đều có những nguyên nhân chính đáng bắt nguồn từ mọi sự liên hệ trộn pha, luân lưu huyết thống của hoàng tộc. Thêm vào đó, Huế còn là hình ảnh của một trung tâm văn hóa cận đại lớn nhất của đất nước VN lúc nào cũng hãy còn phảng phất nguyên khí hồn thiêng bằng di tích của các vương triều. Tuy nhiên, đào sâu vào trong cá tính tâm hồn đặc biệt của người dân được gọi cho là xứ Huế, thì có lẽ ngườì ta tự tìm thấy là đã có một cái gì đó hãy còn chưa được ổn! Và điều đó cũng đã thực sự được chứng minh trong cuộc sống cộng đồng sinh hoạt hằng ngày của dân gian địa phương, qua những nghệ thuật sáng tạo âm nhạc, câu hát, điệu ru hò mang nặng bao nỗi u hoài, man mác chất chứa ở nội tâm, cho nên khi diễn đạt ra ngoài thì có phần lê thê, tìm ẩn.
Phải chăng chính vì xứ Huế ngày xưa vốn là vùng đất đai của vương quốc Chiêm-Thành, rồi sau đó lại trở thành địa đầu giới tuyến giữa hai quốc gia Việt, Chiêm. Cho nên, cùng hòa quyện ảnh hưởng văn hóa gắn bó với nhau qua mọi hình thức bản sắc giao lưu trong xã hội, giữa một dân tộc hiên ngang lúc nào cũng luôn luôn có ý chí hướng tới tương lai, và một dân tộc bất hạnh có mối sầu định mệnh thuở từ muôn vạn kiếp!
Trường hợp bài thơ tuyệt tác đi vào huyền thoại ca dao dân gian của một sĩ phu đất Huế sau đây, cho dù là đã được sáng tác ra trong bối cảnh nhà tan cửa nát bởi giặc xâm lăng. Nhưng sao cái hồn thơ da diết, ý thơ nhịp nhàng, và lời thơ não nuột của thi nhân**** thì nó không khác gì hơn là những khúc nhạc của hận Đồ Bàn (do ảnh hưởng thơ ca Chiêm-Thành):
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non.

Phu Văn Lâu
Phu Văn Lâu là một công trình kiến tạo dưới thời vua Gia-Long dùng để trưng bày văn thư, hoặc niêm yết những chỉ dụ quan trọng của triều đình. Hay dán công bố, về kết quả của những cuộc thi Hội, thi Đình được tổ chức tại Huế. Ngoài ra, mặt tiền của nó còn là một quảng trường sinh hoạt văn nghệ, vận động thể thao, Dưới thời Pháp thuộc, bến Văn-Lâu là một điểm hẹn lịch sử giữa vua Duy-Tân và hai nhà chí sĩ Trần-Cao-Vân cùng Thái-Phiên để bàn về việc nước nhưng chẳng may kết quả đã bị bại lộ, và thực dân Pháp bắt vua Duy-Tân lưu đày ra đảo Réunion ở tận Phi-Châu. Còn hai nhà chí sỉ thì bị giặc xử chém chôn lấp cùng một hố với nhau. Tương truyền năm câu thơ tuyệt tác trên đây, là ngụ ý của tác giả muốn gợi lại trang sử đau buồn đó của dân tộc nước nhà.
Hiện nay, nếu người ta lùi lại thời gian để thử đem so sánh về tình trạng dân số của các tỉnh trong cả nước dựa vào bảng thống kê 2009, thì tỉnh Thừa-Thiên&Huế lúc bấy giờ chỉ đứng vào hàng thứ 34 trong số 63 tỉnh thành. Tuy nhiên, dù cho bất luận ở vào thời gian nào mà cũng thử đem so về số lượng nghệ thuật sáng tạo văn hóa kiến trúc, âm nhạc, thi ca, hát hò truyền thống dân gian, bí quyết đặc sản gia chánh v.v của từng địa phương, thì quả thật xứ Huế lúc nào cũng vẫn đứng ở hàng đầu. Nói tóm lại, vùng văn hóa cận đại Phú-Xuân sở dĩ được phong phú đó là nhờ do có sự kết hợp của nhiều yếu tố kịch sử đa dạng của những sắc dân như Mường, Việt, Chiêm-Thành trong từ những thế kỷ trước đây.
Và cũng như mọi người đều biết, là theo sự nhận xét đánh giá khách quan của các phóng viên báo chí quốc tế qua những cuộc điều tra đáng tin cậy từ trước cho đến nay, thì thường xác nhận là ở Huế đã có tới hơn 80/100 người dân đều là Phật tử. Trong số đó, phải kể cả những tín đồ thường xuyên đến chùa chiền cầu nguyện nhưng vẫn chưa có làm lễ quy y Tam-Bảo, vì điều nầy không hề có tính cách bắt buộc thể theo tinh thần của giáo luật lưu truyền từ xưa cho tới nay. Do vậy, cho nên ảnh hưởng sinh lực biểu dương của Phật giáo ngay tại địa bàn khu vực địa phương, tiên hậu, thường chỉ được người ta có thể nhìn thấy được rõ ràng vào trong những phút giây cuối cùng, khi có xảy ra biến cố trọng đại có liên quan đến yếu tố lịch sử quyết định châm ngòi.
Hàng vạn Phật tử Huế trong những ngày đại lễ
Về mật độ chùa chiền trong thành phố Huế và ở quanh vùng, thì thật là dày đặc với hơn hai trăm ngôi chùa lớn nhỏ, từ nguy nga cho tới đơn sơ được xây cất lên khắp nơi trong địa bàn. Và ngoài sự đóng góp công đức cúng dường của Phật-giáo đồ, thì lại còn có thêm cả sự yễm trợ về công sức của triều đình, cùng các từng lớp quý tộc thuở xưa. Do vậy, mà người ta có thể không quá lời, để ví von ca ngợi xứ Huế là nơi tập trung của các chùa chiền.
Cổ kính và nổi tiếng nhất là chùa Thiên-Mụ tọa lạc trên một ngọn đồi ven cạnh sông Hương trong thành phố Huế, có vị trí phong thủy là nơi đắc địa hài hòa thơ mộng cảnh quan kiến trúc thiên nhiên núi sông hoa gấm. Mặt tiền của chùa Thiên-Mụ còn có tháp Phước Duyên, cao 21m, và gồm có 7 tầng. Cạnh tháp Phước Duyên có một quả chuông cao 2m50, đường kính 1m40, cân nặng 1.986kg được đúc vào năm Canh Dần 1710. Còn Tiếng chuông Thiên-Mụ gõ nhịp thời gian thì được đúc vào năm 1815, và được đặt tại cổng Tam-Quan. Từ lâu, cả hai quả chuông nầy đều chính là biểu tượng văn hóa được gắn liền vào với công trình di tích của chùa Thiên-Mụ, không thể tách rời.
Tháp Phước Duyên
Ngoài ra, thành phố Huế còn có chùa Từ-Đàm được xây cất lên từ năm 1690, bên trong chính điện chỉ thờ duy nhất có một tượng Phật Thích-Ca, hai bên có phù điêu của hai vị Bồ-tát là Phổ-Hiền và Văn-Thù. Hằng năm, nơi đây thường được chọn làm trung tâm cử hành đại lễ Vésak.
Đại lễ Vésak tại chùa Từ-Đàm
Và chùa Báo-Quốc được xây cất lên vào năm 1747, nơi đây có một đại hồng chung được đúc từ thời vua Gia-Long sau khi lên ngôi được 6 năm. Riêng chùa Từ-Hiếu thì nằm khuất cạnh rừng thông, và trước cổng chùa có ngôi tháp cao 3 tầng được xây cất lên từ năm 1896. Đặc biệt, nơi đây hãy còn có vết tích lăng mộ của nhiều vị phi tần dưới thời các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Và như tác giả đã trình bày ở phần trên, là ở Huế hãy còn có thêm con số cả hàng trăm ngôi chùa khác nữa.
Chùa Báo Quốc
Chùa Từ Hiếu
Trở lại hình ảnh văn hóa xứ Huế đúng 387 năm (mốc thời gian 1558-1945), thì trong gần bốn thế kỷ, nơi đây từng là thủ phủ trung ương tập quyền về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các triều Chúa Nguyễn xứ Đàng Trong, các triều nhà Nguyễn Tây-Sơn, các triều của nhà Nguyễn Gia-Long. Và nơi đây cũng chính thức được chọn làm kinh đô của nước nhà, trải qua các thời kỳ tiếp nối từ quốc hiệu Đại-Việt được đổi sang là Đại-Nam, rồi Việt Nam. Ngoài ra, về phần hình thức tâm linh tín ngưỡng của các vương triều vua chúa nhà Nguyễn đóng đô tại Huế, thì vị nào cũng đều là Phật tử. Ngoại trừ, trường hợp đặc biệt sau cùng của vua Bảo-Đại (lúc bấy giờ thì đang sống với cuộc đời còn lại ở tại Paris) trước phút lâm chung mới chịu cải đạo để được đưa vào điện Invalides làm lễ cầu nguyện theo nghi thức Thiên-Chúa giáo. Tuy nhiên, tiếp theo vài tuần sau đó thì các Hoàng tử, Công chúa cùng Hoàng tộc cũng đã có tổ chức làm một buổi lễ cầu siêu vô cùng long trọng cho nhà Vua ngay tại trong ngôi chùa Phật giáo quốc tế ở Vincennes.
Hình ảnh quê hương, đất nước, con người trên xứ Huế từ lâu đã từng chiếm lĩnh một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa của nước nhà. Nó đẹp, nó nên thơ duyên dáng đến nỗi khi xưa người ta, ai ai cũng muốn thử vô xứ Huế một lần cho biết, nhất là những chàng trai anh tuấn, lịch lãm đa tình, nhưng mà
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam-Giang.
Còn ngày nay thì
Phá Tam-Giang ngày rày đã cạn
Truông nhà Hồ, Nội tán cấm nghiêm.
Tuy nhiên, ngày nay dù cho có trở ngại hay không thì du khách từ ở khắp bốn phương cũng kéo đến tham quan dập dìu trên xứ Huế. Vì lẽ, người dân Huế sống trên đất Huế, nhưng những cái gì từng được gọi cho là tinh hoa văn hóa của Huế thì đã thuộc hẳn về di sản chung của dân tộc, mà hầu hết mọi người dân đều phải có ý thức biết trân trọng góp sức bảo tồn.
Và thường thì một khi du khách bước chân vào thành phố Huế, thì tùy theo điều kiện thời gian mà họ sắp xếp chương trình thưởng ngoạn trong thành phố, khu vực ngoại ô, hoặc phải đi tới những địa điểm danh thắng ở cách xa hơn. Trong thành phố, thì du khách nước ngoài cũng như nội địa thường trước tiên ghé tham quan Đại-Nội, Bảo-Tàng Mỹ-Thuật Cung Đình Huế, nghe ca trù trên sông Hương.
Cung điện Huế
Nếu đi theo các tổ chức, thì du khách thường được các hướng dẫn viên giới thiệu thêm về các hình thức văn hóa ẩm thực đặc sản địa phương như nào là bún bò Huế, cơm Hến, bánh bèo, bánh lọc, bánh khoái, chè Hẻm v.v. Và thuyết trình về phong cách thưởng thức từ món ăn cung đình, món ăn dân gian và cả món ăn chay. Còn du ngoạn cạnh thành phố Huế thì du khách tham quan chùa Thiên-Mụ, núi Ngự-Bình, đồi Vọng Cảnh, điện Hòn Chén và các lăng tẩm.
Đồi Vọng Cảnh
Xa hơn nữa, là bãi biển Lăng-Cô, bãi biển Thuận-An, bãi biển Cảnh-Dương, núi Bạch Mã, suối nước khoáng nóng Thanh-Tân.
Suối nước khoáng Thanh-Tân
Và thiền viện Trúc-Lâm, là một ngôi thiền viện đầu tiên thuộc thiền phái Trúc-Lâm Yên-Tử được xây dựng lên ở miền Trung.
Thiền viện Trúc-Lâm dưới chân núi Bạch-Mã.
Nói chung, ở xứ Huế có rất nhiều thắng cảnh vẻ đẹp khác nhau và cũng tùy theo sở thích tham quan của từng du khách. Tuy nhiên, các địa điểm thắng cảnh mà tác giả vừa mới nêu ra như trên thì chỉ có bãi biển nổi tiếng Lăng-Cô đẹp tuyệt vời, là nơi từng được nhiều du khách bốn phương nghe biết đến từ lâu.
Bãi biển Lăng-Cô
Và dưới đây, là 7 lăng tẩm của các vua triều Nguyễn đóng đô tại Huế mà du khách không thể bỏ qua:
Lăng vua Gia-Long (1762-1820) còn gọi là Thiên Thọ Lăng có chu vi là 11.000m, nằm giữa quần thể núi Thiên-Thọ, và được xây cất từ năm 1814 đến năm 1820 mới hoàn thành. Khung cảnh nơi đây tĩnh lặng, và đầy chất thơ. (Lăng Thuận-Thiên Cao-Hoàng-hậu (1767-1846) phi tần của vua Gia-Long, mẹ của vua Minh-Mạng. Minh-Mạng từng được các sử gia đánh giá xem như là một vì Vua mưu lược, tài trí nhất của triều đại nhà Nguyễn).
Lăng Gia-Long
Lăng mộ Thuận-Thiên Cao-Hoàng-hậu
Lăng vua Minh-Mạng (1791-1841) còn gọi là Hiếu Lăng, tọa lạc trên núi Cẩm-Khê được khởi công xây dựng vào năm 1840 cho đến 1843 mới được hoàn thành. Bên trong có sân chầu và hai bên có tạc tượng đá hình bá quan văn võ, voi, ngựa. Lăng vua Thiệu-Trị (1807-1847) còn gọi là Xương Lăng nằm dựa lưng vào núi Thuận-Đạo, tọa lạc giữa cánh đồng có cây trái bao quanh. Lăng được khởi công xây dựng từ ngày 11-2-1848, và chỉ sau có 10 tháng thì đã được hoàn thành.
Lăng Minh-Mạng
Lăng Thiệu-Trị
Lăng vua Tự Đức (1829-1883 ) hay Khiêm Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp ở Thủy-Xuân, thuộc thành phố Huế. Lăng được xây cất từ năm 1864 đến năm 1867 thì mới được hoàn thành. Lăng vua Dục-Đức (1852-1883) hay An Lăng tọa lạc tại huyện Hương-Thủy được xây đựng từ năm 1889. Bên trong là nơi an táng vua Dục-Đức, vua Thành-Thái (1879-1954) và vua Duy-Tân (1900-1945).
Lăng Tự-Đức
Lăng Dục-Đức
Lăng vua Đồng-Khánh (1864-1889) hay Tư Lăng tọa lạc ở Thủy-Xuân thuộc thành phố Huế, có vị trí nằm giữa lăng Thiệu-Trị và lăng Tự-Đức. Lăng được khởi công xây dựng suốt 35 năm, từ năm 1888 cho đến năm 1923 trải qua bốn đời vua mới được hoàn thành. Lăng vua Khải-Định (1885-1925 ) còn gọi là Ứng Lăng tọa lạc trên triền núi Châu-Chữ, thị xã Hương-Thủy. Lăng được khởi công xây dựng từ năm 1920 cho đến 11 năm sau, thì mới được hoàn thành. Lăng Khải-Định là một công trình tốn kém, nhưng có giá trị về mặt trộn pha nghệ thuật kiến trúc Đông-Tây.
Lăng Đồng-Khánh
Lăng Khải-Định
Quần thể lăng tẩm của triều đại nhà Nguyễn đều nằm trong những khu vực, quanh vùng có địa hình thiên nhiên sông núi bao la, tạo dáng hài hòa cùng với không gian cảnh vật. Nếu lăng Gia-Long có la thành là vô số núi đồi tạo thành vòng đai bảo vệ giấc ngủ ngàn năm của tiên vương, thì la thành bảo vệ cho lăng Thiệu-Trị là những cánh đồng, vườn cây xanh mướt quanh năm cây trái bốn mùa. Nếu lăng Minh-Mạng uy nghi, đường bệ thì lăng Dục-Đức thật là đơn giản, khiêm nhường. Nếu lăng Tự-Đức là một trong những công trình kiến trúc cầu kỳ được xem như là đẹp nhất, và chứa đầy chất thơ, thì lăng Đồng-Khánh cũng được thiết kế đan xen giữa những kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian và kiến trúc du nhập. Còn lại lăng Khải-Định thì lại là một công trình kiến trúc ngoại lệ, tuy có giá trị về phong cách kết hợp giữa nghệ thuật Đông-Tây, nhưng lại bị chỉ trích rất nhiều về những lý do tế nhị.
Tìm hiểu thêm về các di tích lịch sử ở tại cố đô Huế, thì theo tác giả được biết. Từ lâu, đã có rất nhiều người trong nước từng có dịp được nghe qua, hay đã từng du lịch tham quan đấu trường bò mộng (tót) ở tận xứ Tây-Ban-Nha, hoặc đấu trường La-Mã ở Ý. Tuy nhiên, cả hai hình thức của loại đấu trường nầy ngày xưa thường là nơi tranh tài giữa những võ sĩ giác đấu, và cả khi có màn quyết đấu tử sinh giữa thú vật. Riêng tục lệ đấu bò ở Tây-Ban-Nha hiện nay vẫn còn tồn tại.

Đấu trường La-Mã ở Ý
Nhưng lại cũng có rất nhiều người khác, vô tình không hề nghĩ tới rằng ở tại nước ta dưới thời vua Minh-Mạng, thì cũng đã từng có xây dựng lên một đấu trường đẫm máu giữa các loài thú hoang dã vào năm 1830 ở bên bờ Nam sông Hương, cách kinh thành Huế 4km. Đó là đấu trường Hổ Quyền. Địa điểm nầy khi xưa là chuồng nuôi cọp ở tại thôn Trường-Đá, phường Thủy-Biều (Huế). Ngay cả hằng thập niên trước đây, trong các tổ chức có chương trình tham quan xuyên qua cố đô Huế, thì người ta cũng ít khi thấy có đề cập đến di tích của đấu trường Hổ-Quyền để giới thiệu cùng hàng du khách.
Đấu trường Hổ Quyền chỉ là nơi quyết đấu rùng rợn giữa voi và cọp, dành cho Vua quan triều đình nhà Nguyễn đến xem giải trí, được tổ chức hàng năm. Và trận đấu cuối cùng được xảy ra vào năm 1904, dưới triều vua Thành-Thái. Theo lời dân gian địa phương lưu truyền lại, thì ý nghĩa chính của các cuộc tử chiến giữa các loài thú hoang dã nầy là nhằm cổ xúy việc tiêu diệt cọp, một loại thú dữ hằng ngày gieo rắc tai họa hãi hùng vào trong đời sống của người dân vào lúc bấy giờ. Đây là một di tích độc đáo, vô cùng lý thú mà du khách không nên bỏ qua.
Đấu trường Hổ Quyền

Bên trong đấu trường
Ngoài ra, nếu du khách muốn thưởng ngoạn nhiều di tích khác ở Huế thì phải tốn rất nhiều thời giờ để tham quan cho hết những địa điểm ở trong hoàng thành như: Ngọ Môn, ĐiệnThái-Hòa, Thế-Miếu, Sân Đại-Triều-Nghi, Hưng-Miếu, Cửu- Đỉnh, Hiển-Lâm-Các, Triệu-Miếu, Điện Phụng-Tiên, Thái-Miếu, Lầu Tứ phương Vô Sự, Cung Diên-Thọ, Cung Trường-Sanh. Trong kinh thành như: Kỳ Đài, Trường Quốc-Tử-Giám, Quốc-Sử-Quán, Bảo-Tàng Mỹ-Thuật Cung-Đình Huế, Đình Phú-Xuân. Linh-Hựu-Quán, Hồ Tịnh-Tâm, Đàn Xã-Tắc, Viện Cơ-Mật Tam-Tòa, Đình Phú-Xuân, Cửu vị thần công, Điện Long-An, Tàng-Thư-Lâu. Còn khu vực Tử-Cấm thành thì có: Tả-Vu và Hữu-Vu, Điện Kiến-Trung, Vạc đồng, Điện Cần-Chánh, Điện Càn-Thành, Duyệt-Thị-Đường, Thái-Bình Lâu. Hoặc tham quan địa điểm ngoài kinh thành như: Phu-Văn-Lâu, Đàn Nam-Giao, Cung An-Định, Trấn-Bình đài, Tòa Thương-Bạc, Văn-Thánh, Võ-Thánh, Nghênh-Lương-Đình, Trấn-Hải-Thành, Điện Hòn Chén, Điện Voi Ré.
Viện bảo tàng mỹ thuật cung đình Huế
Tại mỗi địa địa điểm lịch sử tham quan nầy, du khách sẽ được dịp tìm hiểu nhiều điều thú vị hơn, về giá trị của quần thể di tích cố đô Huế rất là đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, ở Huế cũng còn có thêm khá nhiều làng nghề thủ công truyền thống hiện nay vẫn còn tồn tại như nào là làng đúc đồng, làng hoa và hoa giấy, làng rau, làng nghề làm ông táo, làm tranh cổ, làm hương, bún bánh Ô-Sa, đồ gốm, dệt thổ cẩm, đèn lồng...đặc biệt là làng nón lá. Và hình ảnh của chiếc nón bài thơ gắn liền với tà áo dài, từ lâu cũng đã được coi như là một biểu tượng cho nét đẹp thanh tao, dịu dàng của người con gái xứ Huế.
Nón lá bài thơ
Còn về các đặc sản ẩm thực của xứ Huế, thì kể như là khỏi phải nói. Các nhà hàng và tiệm quán kê khai từ những món ăn cung đình nghi lễ và vương giả cho tới hàng dân dã như nào là thực đơn vua Bảo Đại, xôi gà bóp xứ Huế, bánh ướt Truồi, cháo, bún, cơm Hến, bánh khoái, bánh bèo, bánh nậm, bánh ít, bánh ram, mè xửng, chè bột lọc thịt heo quay, cơm Âm-Phủ v.v. Và nổi tiếng nhất, thì xưa nay vẫn là món bún bò Huế từ lâu đã được phổ biến lan tràn ra từ Nam chí Bắc.
Bún bò Huế
Ngày nay Xứ Huế tôi yêu, là một câu nói bây giờ không những của riêng người trong nước mà còn xuất phát ra bằng cảm nghĩ của cả người nước ngoài có dịp rong ruổi dến đây, sau khi trải nghiệm qua một chuyến du hành. Nhất là, kể từ khi Festival Huế 2014 vừa khép lại. Ngoài du khách nội địa, còn lại là những người khách quý mến, thân thiện của thành phố Huế đã đến góp phần tham dự vào lễ hội trong năm vừa qua. Và họ là những nghệ sĩ ca múa nhạc đại diện cho nước bạn, những thành phần du khách từ khắp nơi trong những quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên mà Festival Huế lần thứ VIII đã có tới sự hiện diện tham gia của 38 quốc gia ở khắp châu lục, trong đó có 66 đoàn nghệ thuật quốc gia đăng ký tham gia biểu diễn.
Ngoài ra, còn có cả hàng trăm phóng viên trong nước cũng như của các hãng thông tấn báo chí nước ngoài đến dự trực tiếp, để tường thuật và đưa tin suốt trong thời gian 9 ngày xảy ra lễ hội hoành tráng tràn ngập lan tỏa sắc màu của hơn 50 hoạt động văn hóa cộng đồng. Và người ta có thể nói, đây là ngày lễ hội vô cùng đặc biệt nhất trong lịch sử của Festival Huế.
Lễ khai mạc Festival Huế 2014
Khai mạc chính thức đúng vào lúc 20 giờ ngày 12-04-2014 và bế mạc vào đêm 20-04-2014, Festival Huế lần thứ VIII nầy đạt được một thành quả vô cùng khích lệ, thu hút 2,4 triệu lượt người tham dự trong đó có hơn 200.000 khách lưu trú và hơn 100.000 du khách quốc tế đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Và trong thời gian nầy, đã có gần 10.000 phòng ngủ, cơ sở được triển khai để phục vụ cho du khách. Điều nầy khẳng định lại niềm tự hào, phấn khởi và tự tin của nhân dân đồng bào trong xứ Huế quyết tâm thể hiện sức mạnh của văn hóa cố đô, để nâng cao tầm vóc lễ hội nước nhà trong bối cảnh hội nhập giao lưu cùng cộng đồng thế giới.
Các tiết mục chính của Festival Huế 2014 gồm có: Lễ khai mạc và bế mạc, Ðêm Hoàng cung, Lễ hội Áo dài, Chương trình Nghệ thuật tôn vinh Ca Huế - Hương Bình khúc tri âm, Ðêm Phương Ðông, Đêm nghệ thuật ASEAN, Nghệ thuật sắp đặt lửa Carabosse, Lễ hội đường phố, Lễ tế đàn Nam Giao. Ngoài ra, còn có các lễ hội cộng đồng như Hương xưa làng cổ, Phong Hải biển nhớ (Phong Ðiền), Chợ quê ngày hội (Hương Thủy), Sắc màu tuổi thơ v.v.  Tất cả những hình ảnh đó đều được thể hiện ra ở khắp nơi trên đường phố hoa, đèn, cờ xí, biểu ngữ ngập tràn dưới một không gian náo nhiệt, và người ta có thể nói là nhìn đâu cũng thấy đầy màu sắc của một ngày hội lớn, mà trong những ngày thường sẽ không bao giờ có dịp nhìn thấy được.
Và sau đây, là vài hình ảnh tượng trưng về lễ hội đường phố với chủ đề "Di sản và sắc màu văn hóa" qua các buổi diễn hành của các quốc gia trong ngày Festival Huế 2014.
Diễn hành lễ hội
Đoàn nghệ sĩ Thái-Lan
Đoàn nghệ sĩ Bati - Holic (Nhật-Bản)
Đoàn nghệ sĩ Rio-en-Caribe(Colombia)
Đoàn múa Belly Dance (Việt-Nam)
Đoàn nghệ sĩ Malaysia
Đoàn nghệ thuật cà kheo (Bỉ)
Dàn hạc Nadarzyn (Ba-Lan)
Cuộc vui nào rồi cũng phải tàn, những sắc màu pháo hoa rực rỡ cuối cùng từ trên không trung không còn rơi xuống nữa. Đây chính là giờ phút biệt ly để hẹn ngày tái ngộ, và người dân xứ Huế cùng du khách bốn phương đồng loạt giơ cao tay vẫy chào tạm biệt lẫn nhau trong bầu không khí đầy ấn tượng, cảm động, luyến lưu. Và đồng thời, cũng thật lại là một niềm khích lệ vui mừng hơn bao giờ hết cho người dân ở cố đô, là khi nhìn thấy có những người trong thành phần các phái đoàn du khách nước ngoài với từng bước đi chậm lại dường như muốn còn bịn rịn thời gian. Họ vừa lũ lượt tiến ra về, vừa hướng những hàng ánh mắt ra vẻ hân hoan tự nhiên về phía nhóm người tay đang bấm máy ảnh lia lịa của chúng tôi, và tươi cười thân thiện hô vang lên được ba tiếng nói Việt-Nam bằng với sự biểu lộ một cách chân tình... Huế tạm biệt.
Tạm biệt Festival Huế 2014
Trở về thực tại, người dân xứ Huế đã tự hiểu mình hơn ai hết, sở dĩ quê hương nầy ngày nay được nhiều người ưa thích, là vì chính do nhờ có nhiều yếu tố bản sắc văn hóa cổ truyền đa dạng còn lưu lại. Do vậy, mà người dân địa phương cũng đã kịp thời tái dựng lại từ năm 2004 phong tục lễ tế đàn Nam-Giao sau gần 60 năm bị vô tình vắng bóng lãng quên. Vì đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể không có, để nhằm mục đích nguyện cầu cho đất nước được thái bình thịnh trị, vũ thuận phong điều, bá tánh dân lành an cư lạc nghiệp.
Đàn Nam-Giao
Hơn thế nữa, là dân ta ai cũng biết xứ Huế vốn là vùng đất sơn kỳ thủy tú, địa linh nhân kiệt từng sản sinh ra biết bao danh nhân xả thân đóng góp vào đại cuộc, làm cho quê hương rạng rỡ tiếng thơm. Và Huế cũng là nơi vinh hạnh từng quy tụ được nhiều vị anh hùng hào kiệt họp mặt bàn chuyện cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi xiềng xích ngoại bang của các nhà chí sĩ như Phan-Bội-Châu, Phan-Chu-Trinh, Trần-Quý-Cáp, Huỳnh-Thúc-kháng v.v. Hiện tại, thì Huế là nơi tàng trữ nhiều chứng tích kho tàng văn hóa cận dại của dân tộc nước nhà. Nói cách khác, quần thể di tích cố đô Huế là kết quả của một công trình kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật hài hòa cảnh quan được sáng tạo nhào nặn thành hình bằng sự góp sức đầu tư trí tuệ của nghệ nhân VN dưới thời phong kiến, có giá trị tiêu biểu như một kiệt tác đô thị. Và đã từng được tổ chức UNESCO công nhận vào năm 1993, đánh giá vinh danh là di sản văn hóa thế giới.
Và bây giờ, tóm lại, nếu không đề cập đến văn minh văn hóa sông Hồng, Sa-Huỳnh và Ốc-Eo, thì ngoài văn minh cổ đại Trống Đồng thì nước VN ta còn có ba nền văn hóa lớn khác nhau từng thời kỳ là Hoa-Lư, Thăng-Long và Phú-Xuân. Riêng vùng Phú-Xuân nhờ có địa lý nằm ở chính giữa, cho nên từ xa xưa đã từng là địa bàn của các nhóm người cộng cư mang nhiều bản sắc nguồn gốc về văn hóa đa dạng khác nhau hòa hợp tạo thành những mối giao lưu quan hệ sinh tồn.
Giờ đây, trải qua bao giai đoạn thăng trầm biến thiên trong lịch sử, xứ Huế (nguyên là cái nôi của nền văn hóa vùng đất Thuận-Hóa& Phú-Xuân ngày trước), ngày nay đã để lại cho dân tộc nước nhà những dấu ấn đặc biệt của một nền văn hóa cận đại Phú-Xuân, được thể hiện rõ nét ra từ ở chốn đường bệ cung đình ra tận bên ngoài sắc màu dân dã. Nào những thành quách, lăng tẩm, chùa chiền, miếu vũ v.v, tuy không vĩ đại nhưng cũng không kém phần giá trị về nghệ thuật sáng tạo dân gian. Nào những tác phẩm văn hóa, thi ca, múa, nhạc, điệu hát, câu hò, lời ru... chuyên chở trọn vẹn tinh hoa văn học mang hình ảnh tinh thần của hồn thiêng sông núi, đậm đà bản sắc tâm linh, xã hội, tình tự quê hương và tình yêu tổ quốc.
Ngược dòng thời gian, kể từ ngày vì Vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn là Bảo-Đại chính thức thoái vị, để trở thành công dân của một quốc gia độc lập, còn hơn là làm Vua của một đất nước nô lệ, thì biểu tượng kinh thành Huế cũng đã được cáo chung cùng một lúc, để vĩnh viễn trở thành một cố đô thuộc về quá khứ của lịch sử. Tuy nhiên, cũng do bối cảnh lịch sử xã hội nước nhà vào lúc bấy giờ còn đang trong tình trạng hỗn mang vì nạn chiến tranh tàn phá quê hương, cho nên đất Huế cũng hãy còn là nơi phảng phất, xuất phát tạo ra nhiều ảnh hưởng áp lực kỳ thị tín ngưỡng tâm linh đè nặng vào trong tinh thần cộng đồng sinh hoạt xã hội của người dân sở tại.
Đó là dưới thời chiến tranh, nếu thành phố Sài-Gòn có một dạo thường xuyên được các báo chí nước ngoài ví von như là cung Vua, thì cố đô Huế cũng thường được họ dùng thuật ngữ xem như là một phủ Chúa có đầy quyền lực ảnh hưởng vào hoàn cảnh dân sinh địa phương. Sự kiện lộng hành nầy đã là một trong những nguyên nhânlàm cho nảy sanh ra các biến cố lịch sử trọng đại, không chỉ riêng về mặt tôn giáo mà còn có ảnh hưởng đến các quyết định thi hành, tác dụng liên quan trực tiếp vào trong mọi yếu tố châm ngòi về quân sự (5) kéo tiếp theo sau, cũng như về bình biến (6) xảy ra từ trước đó. Và sau cùng, cũng bởi do bối cảnh lịch sử chính trị miền Nam lúc bấy giờ cũng cần bắt buộc phải có mọi sự lựa chọn đổi thay thích hợp theo từng giai đoạn như trường hợp của Tuyên ngôn truất phế vương quyền (7) để tiến hành cuộc trưng cầu dân ý đã từng có xảy ra. Cho nên, thời điểm thúc bách của nhu cầu khẩn trương đã đi tới một giải pháp chín muồi. Và sự kiện nầy đã xảy ra khá lâu, trước khi nước nhà được hoàn toàn thống nhất, tái lập hòa bình.
Còn ngày nay, người Việt-Nam mỗi khi nhắc đến lịch sử cố đô của vùng địa linh nhân kiệt Huế, thì hầu hết mọi người đều không thể nào quên được câu chuyện cảm động về hình ảnh của Huyền-Trân. Một nàng công chúa vẹn toàn đức hạnh đã từng vâng lời phán lệnh của Vua cha là Trần-Nhân-Tông và Vương huynh là Trần-Anh-Tông, để nguyện đem tấm thân giá ngọc nghìn vàng của mình sang qua đất Chiêm-Thành làm vợ của vua Chế-Mân (năm 1306), để cho nhà Trần đổi lấy được hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm, (tỉnh Thừa-Thiên Huế bây giờ thuộc một phần của địa lý ngày xưa đó). Chính vì thế mà hơn địa phương nào khác, người dân Thuận-Hóa (nói chung) và người dân ở thành phố Huế (nói riêng) luôn luôn bao giờ cũng vẫn xem như là họ hiện đang hãy còn vấn vương một món nợ tinh thần đối với hình ảnh của một vị công nương, từng đã hi sinh cả cuộc đời phong lưu đài các tuổi thanh xuân của mình, để đánh đổi mang về mọi điều phúc lợi cho quốc gia, dân tộc.
Và giờ đây, để thể hiện tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn và ý thức tôn trọng, vinh danh sự nghiệp cao cả của danh nhân đóng góp phần vào việc mở mang bờ cõi nước nhà. Cũng như, để tỏ lòng tưởng nhớ đến công đức của bậc nữ lưu, cho nên hằng năm người dân địa phương đều có tổ chức chu đáo làm ngày lễ hội"Huyền-Trân", tại đền thờ "Huyền-Trân công chúa" uy nghiêm tọa lạc ở trên núi Ngũ-Phong tại Huế. Đền thờ nầy, hiện nay cũng đã trở thành một địa điểm dừng chân tham quan đầy thú vị, và hành hương đảnh lễ của hàng vạn du khách nội địa đến từ ở khắp các bốn phương...
Đền thờ Huyền Trân công chúa
Giã từ thành phố mộng mơ, cái nôi của nền văn hóa Phú-Xuân, kiêu kỳ một thuở huy hoàng tàn che ngựa cưỡi từng mang hơi thở của vương triều. Phế tích cố đô Huế lúc nào cũng hãy còn sót lại có những ngôi nhà cổ kính mang dấp dáng hình ảnh sầu tư của một thời luyến lưu quá khứ, dường như muốn níu kéo bánh xe thời gian quay chậm lại!
Tuy nhiên, tín hiệu ngày mới (nhật tân) bây giờ của thành phố Huế thì lại luôn luôn được bắt đầu công phu rất sớm vào từ lúc đêm khuya, bằng tiếng chuông Thiên-Mụ gióng lên thường xuyên đúng 5 giờ sáng, để báo tin, nhắc nhở cư dân bến Ngự là màn đen sắp tàn trong giây phút. Âm thanh ngân vang của nó từ ngày trước, thường được xuất phát ra cùng một lúc với thời gian có tiếng canh gà Thọ-Xương cất lên từ phía bên kia dòng sông Hương lặng lẽ, êm đềm.
Đó chính là những dấu ấn tình cảm thân thương, sâu đậm, hòa quyện nguyên khí hồn quê đã từng quen thuộc gia nhập vào trong bối cảnh sinh hoạt cuộc sống cộng đồng của người dân sở tại, vào thuở bấy giờ.
* - Chùa Thiên-Mụ được xây cất từ năm 1601.
** - Tạp chí Nam-Phong số 10 tháng 4 năm 1918 có cho đăng 2 câu thơ nầy của Phạm-Quỳnh
*** - Các Chúa, là Nguyễn-Hoàng (1600-1613), Nguyễn- Phúc-Nguyên (1613-1635), Nguyễn-Phúc-Lan (1635-1648), Nguyễn-Phúc-Tấn (1648-1687), Nguyễn-Phúc-Trăn (1687-1691), Nguyễn-Phúc-Chu (1691-1725), Nguyễn-Phúc-Chú (1725-1738), Nguyễn-Phúc-Khoát (1738-1765), Nguyễn-Phúc-Thuần (1765-1777).
- Các Vua, là Gia-Long (1802-1819), Minh-Mạng (1820-1840), Thiệu-Trị (1841-1847), Tự-Đức (1848-1883), Dục-Đức (làm vua 3 ngày thì bị phế), Hiệp-Hòa (6/1883-11/1883), Kiến-Phúc (1883-1884), Hàm-Nghi (1884-1885), Đồng-Khánh (1885-1888), Thành-Thái (1889-1907), Duy-Tân (1907-1916), Khải-Định (1916-1925), Bảo-Đại (1926-1945).
**** - Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
(5) - Đảo chính tại miền Nam ngày 1-11-1963, (do Dương-Văn-Minh và các tướng lãnh cầm đầu).
(6) - Binh biến tại miền Nam ngày 11-11-1960, (do Vương-Văn-Đông và các sĩ quan cấp tá cùng nhóm chính trị gia cầm đầu).
(7)- Tuyên ngôn truất phế vương quyền tại miền Nam ngày 30-04-1955, (do Hội-Đồng Nhân-Dân Cách-Mạng Quốc-Gia cầm đầu).

Một góc nhìn thành phố Huế
Mai Lý Cang
Theo http://www.tongphuochiep.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2

Người kể chuyện lúc nửa đêm và những giấc mộng 2 MƯỜI SÁU Trên mênh mông vùng đồi xứ Ai Len Tôi được Ban lãnh đạo khu sáng tác mang tên nh...