Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Thương nhớ trăng quê

Thương nhớ trăng quê
Tôi chỉ là một trong số rất nhiều người con xa xứ. Tôi cũng chỉ là một thân phận  nhỏ bé trong số rất nhiều thân phận đang ngày đêm thao thức về quê hương, về cội nguồn nơi mình sinh ra, lớn lên. Bao nỗi nhọc nhằn, hối hả của cuộc sống không làm lụi tàn nỗi ý niệm về những mùa trăng trong tôi.
Tiếp nối mùa trăng tháng Bảy, mùa lễ Vu Lan báo hiếu mẹ cha, ý niệm về mùa trăng tròn dịu dàng, êm đềm và ấm áp của trăng thu, của những ký ức tuổi thơ lại ùa về. Nó trở đi trở lại trong đầu tôi, như một cuốn phim quay chậm, đầy đủ và day dứt. Rồi tôi thấy nhói lòng, khi chợt nhận ra, đã bao mùa trăng qua, tôi chưa có dịp ngắm trăng ở quê mình, chưa về sum họp thưởng trăng tán gẫu chuyện vụ mùa, đồng áng bên những người thân, dưới ánh trăng thu.
Khoảng hơn hai chục năm trước, tôi cũng như những đứa trẻ khét nắng, hôi bùn lớn lên ở miệt vườn, xứ ruộng, và cứ mỗi độ rằm Tháng Tám đến là nghĩ ngay tới lồng đèn, rồi bánh trung thu. Mà những thứ đó xa xỉ lắm. Thế nên, mỗi năm, khi con nước lớn tràn bờ, cũng là lúc ông nội tôi bắt đầu lui cui đục cưa làm những chiếc lồng đèn xinh xắn cho chị em chúng tôi, để tụi tui cũng có cái mà đi chơi hội ở sân đình với đám bạn cùng xóm. Chỉ từ những chiếc gáo dừa đơn giản, thêm khóm trúc mọc chen lên từ vườn rau trước ngõ, vậy mà qua bàn tay của ông nội, chúng đã trở thành những chiếc lồng đèn xinh xắn, với màu sắc sặc sỡ trông đáng yêu làm sao. Ký ức tuổi thơ của tôi thêm phần lung linh, sinh động cũng bởi những điều giản dị, sắc màu giản đơn này đây.
Ðêm trung thu ở miệt vườn xa ngái, đám trẻ con chúng tôi làm gì biết đến việc rước đèn, phá cổ, xem văn nghệ, hát hò như đám bạn thành phố. Niềm hạnh phúc đơn sơ, giản dị chỉ là được thắp lên ánh nến, trong những chiếc lồng đèn gáo dừa nhỏ xinh, là món quà đơn sơ do ông nội tôi làm.
Ngày thường, chỉ sau gà lên chuồng một lúc là thằng em tôi đã đi ngủ. Nhưng những đêm rằm trung thu, chị em tôi được mẹ cho xách lồng đèn nhà làm, men theo hàng dừa, nơi có ánh trăng thu đang rọi qua khe lá để đi lên nhà bác năm chơi với anh em họ. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ như in những cảm xúc ngọt lành thời thơ ấu, ký ức tuổi thơ trong trẻo nơi xóm nghèo, nhà nghèo. Những câu chuyện trà dư tửu hậu, về một mùa gặt bội thu, về chuyện trái cây bán được giá, hay về chuyện bà con trong xóm tát đìa, tát mương trúng cá, nhiều tôm được kể lại suốt bao năm quanh ấm trà để trong chiếc gáo dừa, tại sân trước nhà bác năm.
Thời đó, làng quê yên ả, yên bình và thấm đậm tình láng giềng chòm xóm, dẫu nghèo khó lắm. Trung thu, nhưng bánh trung thu vẫn chỉ là khái niệm xa vời, xa xỉ với mọi người. Vậy là mẹ tôi, rồi mấy cô cùng nhau làm món kẹo đậu phộng đường đen nhà quê, rồi có thêm mứt dừa dẻo để nhâm nhi cũng cho cảm giác ngon lành. Và những hương vị đó cứ mãi theo chúng tôi khi lớn lên.
Nhiều năm sau đó, cô bé chân chưa ráo phèn ngày xưa, tốt nghiệp đại học, rồi ở lại thành phố làm việc, đêm ngày ngụp lặn trong dòng đời, hối hả mưu sinh. Ngày tháng qua, bao mùa trăng qua, công việc cứ cuốn tôi vào guồng quay hối hả, không ngừng nghỉ của cuộc sống. Người ta vẫn thường ví cuộc đời là những chuyến hành trình không mệt mỏi, nhiều sân ga lớn xa mãi cuối chân trời chứ không phải bó hẹp trong những điểm nhỏ tiễn đưa. Tôi may mắn khi có dịp mải mê trong hành trình lớn, xa hơn vượt xa khỏi những bến sông quê, đến một nơi mà tôi gọi là đất khách, cách quê tôi mười mấy ngàn cây số với biết bao hoài bão, khát vọng.
Quả thật, nhiều đêm nằm một mình trong căn gác trọ, trong cách suy nghĩ thô thiển của mình, tôi luôn như bị ức chế bởi cuộc đời đua chen, ngột ngạt. Vậy mà, những ký ức về làng quê, về gia đình, về tuổi thơ, hàng dừa, bụi chuối, rồi cả những mùa trăng thu đã tiếp sức, nâng đỡ cho tôi cố gắng vượt qua những trắc trở nghiệt ngã của cuộc đời.  Ai có ở xứ người, sẽ hiểu rõ nỗi buồn xa xứ, khi đối mặt với cuộc sống trôi đi lạc lõng, cô đơn bên cạnh sự hào nhoáng, tiện nghi, sạch sẽ. Lắm khi nhớ lại, cái bừa bộn, cẩu thả, thiếu thốn nhiều thứ ở quê nhà, dường như cũng là một phần của cuộc sống những thân phận tha hương. Nhưng tôi biết, trái tim tôi chưa bao giờ ích kỷ, cho những ký ức về làng quê yêu dấu, êm đềm, hay sự xuất thân của mình, bất luận ở những phương trời cách biệt.
Bất chợt, tôi tự hỏi mình, đã qua mấy thu vàng, đã bao nhiêu mùa trăng, mình chưa được ngắm trăng trên quê hương, xứ sở, sum họp bên gia đình. Nghĩ mà thương nức nở. Và tôi biết, ở một góc làng của đất nước hình chữ S, vẫn luôn có những mùa trăng dang tay đón đợi tôi về.
 Chí Nguyễn 
Theo http://baotreonline.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...