Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Cảm nhận ca khúc: Cho đời chút ơn

 Cảm nhận ca khúc: Cho đời chút ơn
Tự cảm về nhạc phẩm "Cho Đời Chút Ơn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dưới cái nhìn chánh niệm, tuổi trẻ và tình yêu."
Nhạc khúc "Cho đời chút ơn" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã được viết từ rất lâu - Và tôi tuy được nghe cũng đã nhiều lần...Nhưng sau một thời gian có cái nhìn thoáng hơn và được soi rọi bởi chánh niệm - Tôi chợt nhận ra một điều, tất cả những nhạc khúc của ông Trịnh, mỗi bản nhạc là một bài kinh nhạc mang đậm triết lý nhân sinh về cuộc đời, làm tôi có cảm giác - Rằng ông Trịnh đang hoằng pháp bằng âm nhạc thì phải (?!)
Nếu quán chiếu và tiếp xúc sâu sắc với những tình khúc Trịnh, thính giả sẽ nhận ra một điều "Tình khúc Trịnh không chỉ dừng lại ở tình yêu giữa Ta và Em, mà đó còn là tình yêu ông đã dành trọn cho cuộc đời bằng một trái tim chắp mảnh: "Hạnh phúc và đau khổ nhưng vẫn vẹn toàn một buồng huyết tươi son đỏ cùng năm tháng".
Trong nhạc phẩm "Cho đời chút ơn" - Đó đâu có hẳn là tình yêu của Ta dành cho Em - Bởi chính ca từ "Làm hồng chút môi cho em nhờ" đã thật sự mở ra một cái nhìn mới cho lối vào vườn thơ.
"Hôm chợt thất em đi về bên kia phố"
Lấy thời gian là một "Hôm" và không gian là "Bên kia phố", trong cái bối cảnh đó chợt Em xuất hiện, thoáng hồ tựa như một bóng mây. Vậy "Em" ở đây là ai? Rất có thể "Em" mà Trịnh Công Sơn nhắc đến trong tình khúc không hẳn là một "Em" cụ thể nào của ông; Mà "Em" vẫn có thể chính là một thoáng hồi tưởng nào đó - Em là cuộc sống, Em là kỉ niệm về một thời tuổi trẻ, hay chính "Em" là chân dung một thời trai trẻ của ông. Em ở đây là thời vàng son đã qua mà trong một chiều đi lại trên con phố quen nào, tác giả vô tình thấy lại được cái hình ảnh của chính mình trong năm xưa đang về - Dù nó đến rất bất chợt, trong một chiều không hẹn mà gặp. Cho nên, khi quá khứ quay về, giữa dòng hồi tưởng, Trịnh Công Sơn bỗng thấy trong lòng vui như "Đời rất lạ", cái cảm giác gặp lại hình ảnh - kỉ niệm của chính mình trong quá khứ, giống như việc gặp lại cố nhân, vừa lạ vừa quen, vừa vui mà cũng đầy ngỡ ngàng.
Và phải chăng vì thế, ca từ "Gót xa" đã xuất hiện, nó đóng vai trò làm then chốt trong trích đoạn. "Gót xa" mở ra hình ảnh của quá khứ đã lui về dĩ vãng, đồng thời khi ông nhớ về những hình ảnh sống động trong quá khứ mà cứ ngỡ như mới hôm qua đó. Trịnh Công Sơn đã đã tìm thấy được chính mình trong dĩ vãng thông qua giây phút hiện tại: "Tôi tìm thấy tôi trong từng gót xa". Nếu không phải là sống sâu sắc với giây phút hiện tại thì tôi nghĩ ông khó có thể tiếp xúc được với "Em" là quá khứ của mình một cách nhiệm màu như thế. Bởi "Quá khứ đã qua, tương lại chưa đến, sự sống chỉ được tiếp xúc trong giây phút hiện tại", nên chỉ có những người yêu thương sâu sắc với giờ phút hiện tại, tiếp cận được với giờ phút hiện tại theo kiểu "Một cặp môi gần" giữa Ta và Em, phải gắn bó thật gần đến mức ấy thì sau này mới có thể dễ dàng quán tưởng lại được nhiều chuyện trong quá khứ mà như chuyện đang xảy ra trong hôm nay: "Hôm chợt thấy em đi về bên kia phố", nhưng quá khứ đã thật sự về rồi - Quá khứ về với những kỉ niệm đẹp, rụng trên suốt đường đi là tuổi đời con người: "Làm lời hát ca trên đường đi". Có hay chăng ở đây - là ẩn dụ để chỉ hình ảnh trong quá khứ, hình ảnh ấy cũng có thể là hình ảnh về tuổi trẻ của con người, tuổi trẻ của ông - Mà tuổi trẻ chính là tuổi của tình yêu, những kỉ niệm trong tình xưa lác đác rơi về trên đất kí ức và rơi suốt dặm trình đường đi của cuộc đời mỗi con người.

"Tôi tìm thấy tôi như giọt nắng kia
Làm hồng chút môi cho em nhờ"
Phải công nhận khi nghe những nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, những ca tử của ông đã thật sự là những ca từ siêu hình. Nó không chỉ là một hay hai từ trong số vài bài sáng tác của ông, mà đó là cả một hệ thống ngôn ngữ siêu hình, hình ảnh siêu hình; Chẳng hạn như trong trích đoạn trên "Giọt nắng" hay "Hồn chút môi" chính là một điển hình như vậy - Cái thời tuổi trẻ hoặc những kỉ niệm ấn đậm sâu thẳm giờ đây đang trở về rọi sáng trong tâm thức của tác giả. Niềm vui thoát nôi làm cho tác giả như đang tìm gặp lại chính mình, đang tìm thấy chính mình thông qua những kí ức tuyệt vời ấy, cho dù bây giờ nó đã trở thành "Gót xa" với thời phút hiện tại.
Tôi rất thích hình ảnh "Nắng" trong nhạc khúc của ông Trịnh ("Giật mình nhìn ra - ô nắng lên rồi", "Nắng thủy tinh vàng", "Nắng không gọi sầu" - Hạ trắng;"Trời ươm nắng cho mây hồng" - Mưa hồng...). Những "Vầng nắng" trong những sáng tác của Trịnh Công Sơn quả là đẹp thật! Ông luôn biết cách "Thay áo đổi màu" và tạo dáng cho ngôn ngữ theo nàng nắng trong ông và trong lòng thính giả luôn biến chuyển bởi một lớp ca từ mới khoác lên mình...Nhưng dù nói thế nào đi chăng nữa thì "Nắng" đối với Trịnh Công Sơn vẫn luôn là biểu tượng cho niềm vui, niềm lạc quan, tin tưởng, yêu đời và hạnh phúc. Vì thế đồng nhất hóa mình với giọt "Nắng" kia tức là đồng nghĩa cái tôi trong tác giả với niềm vui của cuộc sống, niềm vui về những kỉ niệm thời son trẻ chợt sáng lên như màu nắng trong trí nhớ của ông. Ông sống với quá khứ ngay trong giây phút hiện tại, nếu nhìn vào lá, nhìn vào con đường, nhìn vào nắng...tất cả đều gợi nhớ đến trong tâm hồn nhạc sĩ về quá khứ và nhắc nhở về những kỉ niệm êm đẹp nào đó của cuộc đời, kỉ niệm về một thưở yêu người và một thưở yêu đời.
Mượn hình ảnh "Giọt nắng" để nói đến niềm vui, niềm hạnh phúc, sự ấm áp. tinh trong, hồn nhiêu và vô tư. Mượn hình ảnh "Giọt nắng" Trịnh Công Sơn còn muốn nói đến vẻ đẹp của những kỉ niệm mà quá khứ đang gửi thông điệp đến với người nhận là "Chính tôi"- là ông ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Và chính "Giọt nắng" kia , chính cái thời khắc son trẻ kia cùng với tất cả những kỉ niệm ấm sáng, tinh khôi một thời của đời người đã tô hồng thêm cho dung nhan cuộc sống. Tình yêu đôi khi cũng là một loại phấn thơm, một loại nắng son để điểm trang cho đời "Hồng thêm chút môi", để "Cho em nhờ" và ta cũng nhờ đó mà thấy ấm áp thêm cuộc đời.
"Môi thiên đường hót chim khuyên
Ôi! Tóc trầm ướp vai thơm".

Nếu nghe nhạc Trịnh mà chỉ hiểu theo một nghĩa đơn thuần thì sẽ không bao giờ chạm đến được đỉnh cao của nghệ thuật. Nghe nhạc Trịnh, không chỉ thẩm âm mà còn phải biết thẩm ca từ, nếm cho sạch từng câu từng chữ, đừng bỏ sót dù chỉ một từ thì sẽ cảm nhận được cái tuyệt của tình khúc nhạc Trịnh. Nhạc phẩm "Cho đời chút ơn", nếu chỉ được hiểu thuần túy là ngợi ca tình cảm giữa Ta và Em thì hóa ra chúng ta đã vô tình làm phá sản hết cái tài của ông Trịnh. Bởi hiểu thế nhưng chỉ dừng lại ở đó thì làm sao ra cảm thấm được cái hay của nó, hiểu được cái nghĩa của nó có trong câu "Làm hồng chút môi cho em nhờ". Nếu nghe hát "Em" mà chỉ biết "Đó là em", nghĩa là một Em nào đó của tác giả thôi thì ta lý giải làm sao được cho cái câu tình khúc trên? Nếu chỉ biết "Em" là một người bạn gái của ông thì câu "Làm hồng chút môi cho em nhờ" phải được sửa thành "Làm hồng chút môi cho ta nhờ" mới đúng chứ (?!). Nhưng theo tôi "Em" ở đây vốn được hiểu là vẻ đẹp thời son trẻ, là tình yêu xuân sắc của tác giả. hay đó cũng chính là tác giả đang tự sử dụng thuật phân thân để gọi mình là "Em" và độc thoại với quá khứ của mình trong dĩ vãng đã qua. Tình yêu và những kỉ niệm vui thời trai trẻ đã làm hồng thêm cho cuộc đời tác giả, và đến lúc Trịnh Công Sơn đã đem niềm vui đó để làm hồng thêm "Chút môi" cho vẻ xuân sắc của trần đời. Cho nên ý nghĩa nhân sinh của nhạc Trịnh là ở chỗ đấy, ta hãy trao đi và cho đi những gì đẹp nhất của tình người mà có khi không đòi nhận lại. Người trao cho ta và ta trao cho đời, người làm hồng cho đời ta và ta làm đẹp thêm cho đời sống: "Trao người hoa hồng - hương vương trên tay" âu có lẽ là thế.
Thánh nhạc nhưng vẫn trần tình
Tthanh thoát mà vẫn nhập đời
Thoát tục nhưng trữ tình...
Vẫn là tiếng kèn chập đôi trong những sáng tác của Trịnh Công Sơn. Nhưng có lẽ, phải là một người vượt thoát lên trên được cái nhìn thiển cận về vật chất đời thường, Trịnh Công Sơn mới có thể sống được giữa đời thường mà sáng tác những "Kinh nhạc" vẫn rất khác thường, thậm chí là phi thường. Cái phi thường từ những gì bình thường nhất của cuộc sống đã sản sinh. Nó bình thường ở chỗ Trịnh Công Sơn biết sử dụng những "Vật liệu" thường ngày như: Sỏi đá, nắng, mưa, dòng sông, gió, mây...trong tự nhiên có sẵn để phối trộn với một vài "Nguyên liệu" của con người phàm trần như: tóc mây, vai gầy, môi hồng, tay thơm tho...để xây dựng nên những công trình vĩ đại (Cái mà tôi gọi là phi thường) nhưng mang đậm dáng dấp cuộc sống bình thường. Dùng cái bình thường sẵn có để xây dựng những cái phi thường chưa có...Nhưng rốt cục cái phi thường đó vẫn không ngoài mục đích phục cho lại cho cái đời thường kia, quả là một vòng tuần hoàn rất đẹp của nghệ thuật mang đậm tinh thần "Nghệ thuật vị nhân sinh"!
Là một người sống sâu sắc với giây phút hiện tại và nặng tình với cuộc đời, cho nên khi nhìn vào con đường ông Trịnh cũng thấy được thông điệp của con đường, nhìn vào nắng ông cũng thấy được thông điệp của nắng...Nghĩa là Trịnh Công Sơn có khả năng đọc tốt ngôn ngữ của vạn vật thông qua cái nhìn nhân sinh quan và ngôn ngữ của muôn loài qua tiếng nói của yêu thương. Thế nên, sau khi được nhúng lọc qua tư tưởng đã quán chiếu sâu sắc, con đường trong mắt người nghệ sĩ này không còn là con đường bình thường, nắng đẹp như một nàng thiếu nữ , và cả bờ môi, cả mái tóc cũng đều biến thành một cõi thiên đường ngay trên đất địa đàng ta đang sống.

Nếu Văn Cao mơ tìm một thiên đường xa xôi nào đó ở chốn "Thiên thai", hay Phạm Duy nhạc sĩ muốn đi "Tìm em" ở "Động hoa vàng" hay non niên; Thì Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người có công lớn trong việc "Đốt cháy" cõi bồng lai, đóng lại cổng "Động hoa vàng" ở cao sơn để xua ai náy vè mặt đất trần gian, để mọi người đi tìm chân dung "Em", chân dung chúng mính và chân dung cuộc sống thông qua những gì thực nhất trong giờ phút hiện tại mà ta đang có.
Thế nên, chỉ cần một bờ môi, một làn tóc, một vai thơm và gót ngà cũng đủ tạo nên khu vường địa đàng đầy tươi mát trong hồn nhạc sĩ ("Môi thiêm đường hót chim khuyên, Ôi! Tóc trầm ướp vai thơm"). "Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, đời người bắt đầu bằng tuổi trẻ là mùa xuân của đời người"(Hồ Chí Minh), thế những chất liệu dùng để xây dựng nên mùa xuân - Ông Trịnh sử dụng những "Vật liệu" rất đơn giản mà cũng thật "đắt" - Đó là ngoài tuổi trẻ còn phải có tình yêu và niềm vui góp vào...Nên "Môi thiên đường" hay "Tóc trầm" ở đây cũng không ngoài việc nhằm gợi lên sự liên tưởng đến tuổi trẻ, tình yêu và những kỉ niệm ngọt ngào, dễ thương, tươi mát của cuộc đời người đã góp nhặt vào cho cuộc sống. Tình yêu và tuổi trẻ đã góp cho đời một tiếng vui ("Hót chim khuyên"), đã dâng cho đời một chút hương ("Ướt vai thơm") làm hồng thêm cuộc sống một "Chút môi", chính là làm cho đời đẹp hơn, tươi hơn bằng phấn tình yêu, trang sức tuổi trẻ và kỉ niệm vàng đã đeo lên thân thể của cuộc sống.
"Ta nghe đời rất mênh mông
Trong chân người bước chậm chậm."
Đến với Trịnh Công Sơn ta thấy cuộc sống thật vi diệu, đối với cố nhạc sĩ, thiên đàng là ở cõi trần gian, và cõi phàm chính là một vườn "Địa đàng". Địa đàng không chỉ ở trên mặt đất mà địa đàng ấy không phải ở đâu xa xôi mà nó ở ngay trên trần gian này, ở ngay trong giây phút hiện tại đầy nhiệm màu; Bởi tâm hồn ông được tự do, ông nhớ về quá khứ nhưng tâm không hề dính mắc bởi quá khứ, biết thưởng thức cái đẹp, tuổi trẻ và tình yêu, nhưng cũng không hề bị mắc kẹt vào trói buộc trong những điều đó. Cho nên cuộc đời đối với ông rất nhẹ nhàng, tất cả như mây bay nước chảy, tâm không khiến cố nhạc sĩ cảm nhận được niềm vui luôn lan rộng, lan rộng ra mênh mông và để lại dư ba trong lòng người. Ở đây, nếu nói theo ngôn ngữ đời thường thì cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang cảm nhận cuộc sống bằng tất cả những kênh giác quan của mình: Thị giác (giọt nắng), thính giác (hót chim khuyên), khứu giác (vai thơm) và xúc giác (nghe đời rất mênh mông)...Và như thế thời gian vẫn lặng lẽ trôi đều trên nhịp đời mênh mông, mà "Chân người bước chậm chậm " chính là một ẩn dụ dùng để chỉ về nhịp đi của thời gian đang bước tới dần.
"Tôi luôn luôn nhớ thương tuổi trẻ, tuổi trẻ của tình yêu nồng nàn. Khi tôi yêu thương tuổi đời ngạt ngào hương hoa này thì đồng thời tôi cũng yêu một cõi đời tôi đã mất" (Trịnh Công Sơn). Những lời bộc bạch của cố nhạc sĩ đã phần nào giúp cho ta hiểu thêm về nhạc phẩm "Cho đời chút ơn" và rõ hơn đối với ca từ
"Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm
Cho đời chút ơn biết tà áo nọ
Em là phấn thơm cho rừng chút hương
Làm lời hát ca cho trần gian"

Ở đây, chúng ta bắt gặp liên tiếp ba ca từ rất hay đi giữc dùng làm ẩn dụ để chỉ về niềm vui, tình yêu và tuổi trẻ, đó là "Tà áo", "Phấn hương" và "Lời hát ca". Tràn trề một nhựa sống mà vẫn không đánh mất được vẻ mềm mại của nội dung nên có thể nói rằng đoạn cuối của nhạc phẩm "Cho đời chút ơn" là đoạn lạc quan nhất, theo tôi nó tuyệt vời nhất!
Cái hình ảnh "Bước tới" và "Bình minh lên sớm" là hai hình ảnh đẹp vô cùng. Con người bước tới để đón lấy ánh bình minh hay từ ngàn xưa ánh bình minh vẫn hiện hữu để nâng gót loài người! Bước tới mỗi ngày để cảm nhận được niềm vui hay niềm vui và hạnh phúc đã có mặt với ta ngay trong giờ phút mỗi ngày! Hạnh phúc là bây giờ và ở đây?! Tuổi trẻ là tuổi của tình yêu, mà tình yêu thì luôn luôn hứa hẹn nhiều hạnh phúc. Thực ra người ta vẫn luôn có được hạnh phúc nhờ tình yêu, nhưng nếu có ai đó vì tình yêu mà đem đau khổ thì cũng chỉ tại một chữ "Luyến" mà thôi. "Ái" thường đi đôi với "Luyến", nhưng "Ái" mà xả bỏ bớt "Luyến" thì hỉ sẽ có mặt trong cuộc sống hiện tại. Trịnh Công Sơn là một người như thế, mặc dù trên bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa đó con đường tình duyên đã gắn kết cuộc đời ông với nhân gian này một cách sâu đậm, cũng chính những người tình mang lại cho cố nhạc sĩ lắm điều phiền muộn "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ. Ôi! Những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mưa" (Tình xa). Vậy mà nhờ có được một chữ "Xả" trong tâm, cố nhạc sĩ sau nhiều lần trăn trở với tình yêu, những vết thương lòng "Rồi như đá ngây ngô" và "Phai phôi" dần theo từng thu vắng ("Chuyện chúng mình ngày xưa, anh ghi bằng nhiều thu vắng - đến thu này thì mộng nhạt phai" Nắng thủy tinh). "Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời ngập tràn tiếng hát ca" - Hoàng Phủ Ngọc Tường), Vì vậy có trong lời ca "Hãy còn bước đi cho bình minh lên sớm", ta dễ dàng cảm nhận được niềm lạc quan, tin tưởng và yêu đời của cố nhạc sĩ trong hình ảnh "Bước đi" trên hành trình tìm chân lý cuộc sống - Đi tìm một niềm vui và một "Bình minh" giữa cõi phù sinh này. Lời ca này chợt làm tôi nhớ đến câu nói của ai đó rằng: "Khi con người ta quyết bước về phía ánh sáng thì bóng tối sẽ đổ lại phía sau lưng"...Điều đó cũng có nghĩa là khi ta bước tới với cuộc đời thì nhất định cánh cửa niềm vui cũng sẻ mở ra để chào đón ta. Tuy nhiên niềm vui mà ông cảm nhận được từ cuộc đời - nó quá "Xa xỉ" như niềm vui của nhiều người hằng trở tiện nghi vật chất; Có thể chỉ là một nét ngọc về sắc tình yêu, về cái đẹp hình thức dịu dàng như một sớm mai, một bình minh mới, một nụ hoa tươi, một tuổi trẻ xuân sắc của đời người - trinh như giọt trong đọng lại trên ngọn đầu của cuộc sống. Hay có khi niềm vi ấy cũng là một chút thanh trong tâm hồn, một cáo đẹp thuộc về "Bản môn" nhằm góp thêm cho rừng đời một chút hương nồng thơm thoảng, một niềm tin vui, say yêu trong cuộc sống mà ở đây cố nhạc sĩ đã gói trọn lại trong ba hình ảnh nghệ thuật là "Tà áo", "Phấn hương" và "Lời bài hát".
Khi tình yêu và tuổi trẻ qua đi, nếu nhìn dưới nhãn quan thường tình thì chúng ta sẽ tưởng mùa xuân tuổi trẻ đã chín rụng thật rồi, nhưng nếu ta soi chiếu nó dưới triệu nhãn của chánh niệm thì "Không có cái gì sinh ra và cũng không có cái gì mất đi" - (Lavoiser), nghĩa là không cái bất biến và cũng không có cái thường hằng. Ta sẽ thấy tình yêu và tuổi trẻ tuy đã qua đi nhưng thực ra vẫn đang còn đó, người ta thường nói tuổi trẻ là tuổi của tình yêu nhưng điều đó không có nghĩa là tình yêu chỉ dành riêng cho lớp người trẻ - còn người già thì không!
Theo tôi nghĩ, người trẻ cũng không hẳn là người tóc xanh và cũng không hoàn toàn là người đang ở độ tuổi xuân thì. Người trẻ nếu soi dưới cái nhìn của bản môn thì 60 tuổi của một đời người vẫn còn gọi là trẻ, bởi cái trẻ hóa đó nó toát ra từ chất thơ trong tâm hồn, trong trạng thái và nếu có tài năng như Trịnh Công Sơn thì chất trẻ đó sẽ dễ dàng được ta phát hiện thông qua ý vị ca từ của nhạc sĩ. Tuổi trẻ là tuổi của tình yêu, là tuổi máu đang nóng và nhựa sống căng đầy. Nhưng khi cái sức trẻ của thể xác đã qua đi, nếu ta vẫn sống được với một tâm hồn trẻ trung, một trái tim nhiệt huyết và lòng say yêu cuộc sống đam mê thì tuổi trẻ ấy - với ta sẽ không bao giờ mất.
"Xuân đến, xuân đi hoa vẫn nở
Xuân về, xuân ở vẫn còn xuân".

Vì vậy, tuổi trẻ không chỉ là một thời, mà tuổi trẻ với tình yêu còn là một đời gắn bó với con người. Và khi tuổi trẻ qua đi cũng không phải là ta ngoái đầu nhìn lại để luyến tiếc về quá khứ "Vang bóng một thời" mà đó còn là khoảnh khắc để ta tiếp tục bước tới tương lai ngay trong giờ phút hiện tại. Ở nhạc phẩm "Cho đời chút ơn", nhờ có chánh niệm nên nhạc sĩ đã thật sự an trú được trong giờ phút hiện tại và vì có được sự an trú đó nên quá khứ và tương lai thực sự đồng hiện cùng một lúc trong thế giới bản môn của Trịnh Công Sơn. Tác giả vừa bước tới để đón lấy niềm vui của mỗi ngày, đón lấy tình yêu trong mỗi giờ và hạnh phúc trong mỗi phút giây của cuộc sống. Nhưng đồng thời ông vẫn luôn nhớ về tuổi trẻ bằng tất cả lòng biết ơn của một người tri ân, biết ơn tuổi trẻ và biết ơn những niềm vui nho nhỏ cuộc sống đã mang lại cho ông...Và - Dù đã đón nhận những hạnh phúc giản dị ấy, cố nhạc sĩ vẫn không quên trao tặng lại cho cuộc đời những gì đẹp tươi của tình yêu và tuổi trẻ mà mình có được. Tình yêu và sự son sắt của thời trẻ đã đem lại niềm vui cho nhạc sĩ, để giờ đây nhạc sĩ sẽ đem chính niềm vui đó để hiến tặng lại cho đời; Mặc dù sự hiến tặng đó chỉ nhẹ thoảng như một chút phấn hương, hay góp vào cho đời một tiếng hát ca, một tà áo xinh (Chỉ cái đẹp về hình dáng) để giúp đời sống thanh xuân hơn và trở nên thi vị hơn.
Trong tác phẩm "Trịnh Công Sơn và cây đàn luy của hoàng tử bé", Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rất có lý và tinh ý khi nhận xét rằng "Mặt tiền của nhạc Trịnh chính được thẻ hiện rõ qua qua từ". Thật ra vẻ "Bình thường" của Trịnh Công Sơn chính là tuyệt chiêu của một tay bút lão luyện. Cho nên cũng nói về nhan sắc, về tình yêu và tuổi trẻ nhưng Trịnh Công Sơn đã cách tân trong cách dùng từ "Môi thiên đường", "Hót chim khuyên", "Tóc trầm" và "Vai thơm" để xây dựng nên một cõi thiên đường tuyệt trần ngay trên mảnh đất trần này. "
"Dưới đường phố kia có người nhớ em
Nằm mộng suốt đêm trong thiên đường"​
Mỗi khi nghe đến lời hát này, không hiểu vì sao trong tôi lại luôn mong về câu nói của một vị thiền sư "Thiên đường là bây giờ hoặc không bao giờ". Vì với bình minh đó, chim khuyên đó, tóc trầm đó và giọt nắng đó...tất cả chỉ có thể có ở chốn thiên đường mà thôi. Nhưng thiên đường ở đâu khi ta không thể tiếp xúc được ngay trong giây phút hiện tại này. Theo tôi, thiên đường không chỉ ở bên ngoài ,à còn còn nằm trong trái tim của con người, nên khi trong tim người có được thiên đường thì dù ở bất kì nơi đâu ta cũng cảm thấy chốn ấy đều là thiên đường! Và với Trịnh Công Sơn, thiên đường là bây giờ và ở đây, nó tồn tại ngay trên mặt đất này, trên đường phố này khi ta tiếp xúc được với quá khứ tuổi trẻ, kỉ niệm và tình yêu của mình một cách nhiệm màu.
Trịnh Công Sơn là người đã an trú được trong thiên đường, ông tiếp xúc được với thiên đường đó không chỉ bằng những bước chân thường tình mà còn bằng cả những bước nhịp của con tim rung động trong một người nghệ sĩ, và cả những hơi thở chánh niệm đang bước đi trong tế bào tuệ giác của ông. Sự tỉnh thức đã làm nên tài năng, và với tài năng đó - Trịnh Công Sơn đã giúp thính giả cảm được một thiên đường rất gần gũi ngay trên mảnh đất này. Một thiên đường tuổi trẻ, tình yêu và chánh niệm mà ai cũng có thể tìm thấy ngay - trong - từng - phút - giây - hiện - tại và ngay trong chính đời sống của mình.
"Năm tháng trôi đi, bao nhiêu nước đã chảy dưới chân những cây cầu, những người yêu nhau. Nhứng người đẹp một thời đã thành thiếu phụ, và những cô bé đã lớn lên thành thiếu nữ. Và tất cả vẫn hát nhạc Trịnh Công Sơn như là tình ca của hôm nay, vẫn nhìn thấy ở Trịnh Công Sơn một gương mặt hoàng tử sầu muộn và dịu dàng không hề xa lạ (Hoàng Phủ Ngọc Tường).
Bài viết trên đây chỉ là cảm nhận của người viết dưới nhãn quan: “Chánh niệm, tình yêu và tuổi trẻ” - Nó chỉ là góc nhìn của một cá nhân riêng lẻ tự cảm về nhạc phẩm nên chắc chắn không tránh khỏi những sai sót và chủ quan . Lối vào vườn nhạc vì vậy chỉ mới mở ra được một cổng, trong khi đó để cảm được vẻ đẹp của "Vườn địa đàng" đầy rợp những thanh sắc và ý nghĩa triết vị, chúng ta phải nhìn và bước vào bằng rất nhiều lối khác nhau.
Theo http://truyenky.vn/
Cho đời chút ơn - Trịnh Vĩnh Trinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...