Các nhà Nho, thầy đồ
xưa đều có “nghề” viết câu đối. Nguyễn Khuyến, Tú Xương, cả bà chúa thơ Nôm Hồ
Xuân Hương... đều tỏ ra rất thú vị khi sáng tác câu đối về đề tài xuân tết,
hoặc tiệc lễ của gia đình, đám tiệc… để chúc mừng, chia vui, an ủi động viên,
hoặc châm biếm, phê phán... Có câu đố chữ Hán, chữ Nôm, hoặc nửa chữ Hán, nửa
chữ Nôm. Về thể loại có câu đối theo thể thơ dân tộc, câu đối phú, hay câu đối
Đường luật. Câu đối theo thể thơ Đường mỗi vế có 5, 7 chữ, viết theo niêm luật
thơ Đường. Câu đối phú nhiều chữ hơn, viết theo lối văn biền ngẫu.
Với truyền thống yêu chuộng thư pháp, từ xưa
người Việt đã có thói quen xin chữ, treo đôi câu đối trong nhà vào mỗi dịp đón
tết cổ truyền. Đó cũng chính là một trong những thú chơi xuân tao nhã, một biểu
hiện của đời sống văn hoá không thể thiếu, xuất phát từ sự ngưỡng mộ cái đẹp,
tôn trọng chất tinh tế, thâm thuý và hóm hỉnh của thú chơi chữ từ những chữ
nghĩa của văn chương, thơ phú tiếng Việt.
Cụ Tam nguyên Yên Đổ hẳn đã quá bận rộn vào
những ngày giáp Tết khi phải viết câu đối cho bà con, làng xóm. Gửi trong câu
đối đâu chỉ cái tài dụng ngôn từ, hoa tay viết chữ rồng bay phượng múa, mà còn
cả cái tình, tấm lòng của cụ đối với làng quê, mỗi con người. Tương truyền
trước cụ Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương khi còn là cô học trò búi tóc đuôi gà đã
thể hiện khẩu khí, tài chơi chữ ngay khi vô ý bị trượt ngã, trước tiếng cười
trêu chọc của bọn học trò trai:
Giơ tay với thử trời cao thấp
Tài ứng khẩu câu đối thời con gái của Hồ Xuân
Hương như đã dự báo trước một cá tính độc đáo, một phong cách đặc biệt của con
người này. Và con người ấy khi trưởng thành, qua bao sóng gió cuộc đời, cảm cho
thân phận mình và giới nữ đã làm thơ thách thức đối với một trật tự đẳng cấp
phong kiến nghìn đời. Cá tính ấy đâu phải ngẫu nhiên, đấy là tiếng vang dội của
một cao trào nông dân khởi nghĩa thế kỷ XVII, XVIII; là tiếng nói đanh thép,
dõng dạc của quần chúng hùng mạnh, quyết liệt; đồng thời cũng là sự thể hiện
nỗi ấm ách, bực bội không giải toả được của cá nhân, của nữ giới - những con
người tài hoa, giàu sức sống, khao khát tự do và tình yêu chân thật lại gặp bất
hạnh. Thơ Hồ Xuân Hương pha lẫn tiếng cười ngạo mạn, ngang tàng, thoải mái với
những giọt nước mắt và tiếng thở dài của một tâm trạng đầy mâu thuẫn... một bản
lĩnh dám chọi lại cả một xã hội đầy thành kiến hủ bại, thậm chí thách thức với
cả vũ trụ càn khôn (Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/ Lại đây cho chị dạy
làm thơ...; Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu !...) Đồng
thời là một tâm sự cô đơn, chơi vơi có lúc muốn nhắm mắt xuôi tay, đến hương
xuân cũng tẻ nhạt chán chường, bởi tình xuân lai láng, mà tình đời lại hụt
hẩng, tạm bợ, mong manh (Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến/ Dong lèo thây kẻ
rắp xuôi dòng; Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con...) Nhưng
có lúc lại là một tấm lòng son tươi rói trẻ trung, đầy ắp xuân tình, xuân sắc (Chơi
xuân kẻo nữa xuân đi hết... ; Đôi lứa như in tờ giấy trắng/ Nghìn
năm còn mãi cái xuân xanh; Êm ái chiều xuân tới khán đài/ lâng lâng chẳng chút
bợn trần ai; Chơi xuân đã biết xuân chăng tá?...). Xem cái cách Hồ
Xuân Hương phóng bút tài hoa, trào lộng viết câu đối tết càng ngưỡng mộ danh
xưng Bà chúa thơ Nôm, càng hiểu vì sao lại có những vần thơ nổi
loạn, ngông nghênh, oái oăm, ngang ngược:
Tối ba mươi, khép cửa càn khôn, ních chặt lại
kẻo ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hoá, mở toang ra
cho thiếu nữ đón xuân vào.
Câu đối trên xuất phát từ tục vẽ cung bắn quỷ.
Những ngày trước tết, ở nhiều làng Bắc bộ, ngoài tục dựng cây nêu, người ta còn
vẽ những hình cánh cung bằng vôi ở sân hoặc ngoài cổng để bắn, đuổi xua ma quỷ. Ma
vương đối lập với thiếu nữ trong câu đối của Hồ Xuân
Hương tất nhiên còn có nghĩa khác. Chính sự trào lộng, sự ẩn ý tinh nghịch ấy
đã làm nên phong cách độc đáo cho thơ Hồ Xuân Hương. Nhưng đâu chỉ là sự mỉa
mai châm chọc, sáng tác vào dịp xuân, nữ sĩ dùng răn đời cũng là tự răn mình,
qua đây còn biểu hiện sự hiểu biết về phong tục, tập quán nhiều nơi trên đất
nước.
Hồ Xuân Hương đã mượn cái cười để đánh cho đau
vào cái xã hội mà trái tim và cuộc đời bà đã bị guồng máy oan nghiệt của nó
nghiến nát, như câu tục ngữ: khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt. So
sánh với cái cười của hài kịch Moliere, thế kỉ XVII ở Pháp, càng thấm thía hơn
chất thơ máu và nước mắt khuất sau cái áo khoác của câu đố, của thơ trào phúng
Hồ Xuân Hương, như nhà thơ Pháp Alfred de Musset ở thế kỉ XIX đã viết:
Cái vui cười mạnh chắc rất buồn và rất sâu
Đến nỗi mới cười xong ta thấy cần phải khóc.
Hồ Xuân Hương đã nói một cách trần trụi, chân
thực với tất cả sự sâu sắc của xúc cảm, sự mạnh mẽ của ý thức phản kháng, gắn
chặt đời mình cùng số phận chị em phụ nữ trong xã hội cũ. Cái tài ngôn ngữ, văn
chương thơ phú giúp khẳng định thêm bản lĩnh, khí phách, tâm hồn bà. Xem cái
cách ra câu đối không giống ai của Xuân Hương, rồi cái cách dùng toàn vị thuốc
bắc an ủi bà lang khóc chồng, ta càng trân trọng tài và tình gửi gắm qua thơ
Xuân Hương:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc gì
Thương chồng nên nổi khóc tì ti
Ngọt bùi thiếp nhớ mùi cam thảo
Cay đắng chàng ơi vị quế chi
Thạch nhũ, trần bì sao để lại!
Quy thân liên nhục tẩm mang đi!
Đằng sau cái giọng trêu cợt, bông đùa, ta nhận
sự cảm thông sâu sắc của nữ sĩ cho cảnh goá bụa, như kiểu nói tinh tế của ca
dao: Gió đưa hoa cải về trời/ Rau răm ở lại chịu đời đắng cay. Hơn
thế, Hồ Xuân Hương còn khuyên chị em đừng mãi gục đầu khóc than, tỉ tê mà thẹn:
Văng vẳng tai nghe tiếng khóc chồng
Nín đi kẻo thẹn với non sông!
Đáo để, tài hoa, mà đầy ứ hồn dân gian, cảm
quan nghệ thuật của Hồ Xuân Hương nghiêng hẳn về phía người bình dân, khác hầu
hết các danh sĩ đương thời. Chữ nghĩa của bà sống động như cuộc sống hằng ngày,
nó biến hoá khôn lường bởi tất cả sự éo le, kì lạ, hiểm hóc của trò đố chữ dân
gian.
Nữ thi sĩ Nga Blaga Đimitrôva trân trọng dịch
và giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương qua tuyển tập Thơ Hồ Xuân Hương và
tuyển tập Thơ Việt Nam xuất bản ở Liên Xô, Bungari
năm 1973. Chị viết về Hồ Xuân Hương: Là một trong những hiện tượng độc
đáo nhất không chỉ ở Việt Nam mà ở trong toàn bộ cái nguồn thơ mà tôi đã được
biết của nền thơ thế giới qua tất cả các thời đại. Đó là nữ sĩ với cái tên
hương mùa xuân. Khi tôi truyền đạt cái độc đáo trong thơ Việt Nam, thì bạn bè
của tôi đã dừng lại trước cái tên này với một sự ngạc nhiên cao độ. (Theo
Xuân Diệu: Bình luận các nhà thơ Cổ điển Việt Nam). Nhận định của
nữ thi sĩ đã nói hộ chúng ta lời kết khi tìm hiểu đôi câu đối và những dòng thơ
xuân của Hồ Xuân Hương.
Mùa xuân và sự cảm nhận bao hương tình, hương
sắc thanh xuân trong thơ xuân mà bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã lưu lại, ban
tặng cho đời.
Huỳnh Diệu
Tài
liệu tham khảo:
- Ban Văn hoá văn nghệ
Trung ương.Văn hoá Việt Nam (tổng hợp 1989-1995. Bài Câu
đối Việt Nam). Hà Nội 1989.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét