Mùa xuân cũng là
lúc những liền anh, liền chị quan họ được gặp nhau, trao gửi tâm tình qua từng
câu hát.
Dịp cuối năm, những
câu hát dân ca quan họ lại vang lên tại làng Đặng Xá, phường Vạn An, thành phố
Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh - một trong những cái nôi quan họ cổ Bắc Ninh.
Đó là những âm thanh
quen thuộc phát ra từ ngôi nhà khuất trong con ngõ nhỏ của bà Nguyễn Thị Kim
Quýnh, chủ nhiệm câu lạc bộ quan họ thôn Đặng Xá. Vẫn như thường lệ, những ngày
giáp Tết này, các liền anh, liền chị và các em thiếu nhi trong làng lại tụ họp
về đây để luyện hát những làn điệu quan họ cổ chuẩn bị cho những canh hát đón
xuân và mùa lễ hội đầu năm. Không có nhạc đệm, chỉ có lời ca và kỹ thuật lấy
hơi, nhả chữ, nảy hạt… nhưng những làn điệu quan họ vẫn có sức hấp dẫn đặc
biệt.
Ngày xuân, người dân
Đặng Xá dành nhiều thời gian để chuẩn bị những canh hát quan họ cổ mời đón bạn
về hội. Quan họ của làng Đặng Xá kết chạ với quan họ các làng khác như Hữu
Chấp, Đông Mơi, Ngang Nội…
Mùa xuân là lúc các
liền anh, liền chị trao đổi tâm tình qua câu hát. (ảnh: Trọng Phú)
|
Đến ngày lễ hội thì
mời quan họ các làng ấy về nghe một canh hát tại nhà gọi là canh hát chiếu.
Việc đón tiếp bạn quan họ của làng luôn chu đáo và long trọng. Có câu rằng
“Tiếp bạn quan họ thì thịt gà, giỗ cha thì thịt ếch”. Mâm cơm quan họ bao giờ
cũng phải là “mâm đan, bát đàn”, tức là mâm gỗ đỏ và bát làm bằng gỗ bạch đàn
biểu hiện tình cảm, tình yêu bền chặt giữa những người quan họ với nhau.
Người quan họ thường
có câu nói cửa miệng “Yêu nhau cái nết, trọng nhau cái tình và say nhau ở giọng
hát câu ca”. Quan họ đâu chỉ để nghe, mà quan họ có tinh mới tường - tức là có
chơi thì mới hiểu được người quan họ. Mỗi câu hát đều cho thấy ý tứ của người
hát, mỗi ánh mắt, nụ cười đâu chỉ là sự làm duyên mà còn ẩn ý bao điều muốn
nói. Các anh hai ngồi một bên, chị hai ngồi một bên, qua lời hát và cử chỉ
người ta hiểu được tấm lòng của nhau.
Anh hai quan họ Nguyễn
Hải Ninh bày tỏ: “Không ngôi thứ, khi đã lên một canh hát rồi thì đều gọi là
các liền anh liền chị. Bao giờ cũng phải xin phép được gọi tất cả các vị khách
quý cũng như các anh, các chị đều bằng những liền anh, liền chị để cho câu hát
được gần gũi. Riêng quan họ thì người ta chỉ được phép giao duyên bằng ánh mắt,
nụ cười và khuôn mặt biểu hiện lên tình cảm.”
Theo tập tục, nếu như
trai gái đôi bên làng quan họ kết nghĩa mà có tình cảm với nhau thì không được
kết hôn. Tập tục ấy còn duy trì đến ngày nay. Do vậy, mỗi dịp tết đến xuân về,
những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau lại gặp gỡ, hàn huyên trong
từng câu hát, từng cử chỉ kín đáo, mặn mà.
Thôn Đặng Xá là một
trong những làng quan họ gốc nổi tiếng với những câu hát: “Thuyền thúng là
thuyền thúng ơi! Có về Đặng Xá cho tôi về nhờ”… Đến hẹn lại lên, một mùa xuân
mới lại về, ai yêu quan họ thì về bên kia sông Đuống, cùng ăn miếng trầu, cùng
lắng nghe lời quan họ để hiểu thêm nỗi tâm tình, ý nhị mà sâu sắc, tinh tế của
người Kinh Bắc./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét