THÔI MÌNH XUỐNG NÚI…
Thôi ta xuống núi kẻo…
chiều
Mùa xuân viếng Phật đã
nhiều cầu xin
Chậm thôi, khéo vấp câu
kinh
Tiếng
chuông níu vạt áo tình… chong chao!
Cáp trôi trong cõi… xôn
xao
Ta trôi theo những thấp
cao bậc thềm
Buồn vui, ngồi xuống
nghỉ thêm
Dựa lưng vách đá nghe
mềm vai nhau?
Phất phơ bên suối hoa
lau
Bóng cây nhả giọt nắng
màu trưa trưa
Bàn tay mấy dịp đón đưa
Vẫn như búp lá… ngày xưa
yêu kiều
Thôi ta xuống núi kẻo
chiều
Nhường chân… bao cặp
đang dìu nhau lên…
Lời bình của nhà thơ Bùi Kim
Anh:
Thôi mình xuống núi… bài thơ tình ngọt ngào,
đằm thắm ngay câu nhan đề. Thì đây là nhan đề như bao nhan đề được tác giả chọn
từ ý chủ đạo, chọn từ một hình ảnh, chọn một câu, chữ trong bài thơ hay dụng ý
gì đó để đặt. Có tác giả không hiểu sao hay bí quá đặt luôn là Vô đề. Thôi
mình xuống núi - bốn chữ thường dùng gắn vào nhau lại mang sắc thái biểu
cảm thật tình tứ. Một chữ thôi không
gay gắt, dứt khoát lại có vẻ năn nỉ, dỗ dành. Một chữ mình chung
chung lại ngọt ngào, gắn kết.
Thôi ta xuống núi kẻo… chiều
Mùa xuân viếng Phật đã nhiều cầu xin
Hỏi nhà thơ nghĩ sao khi đổi chữ mình ra ta ở
câu thơ mở đầu và cuối bài thơ, dẫu biết mình hay ta cũng là vậy thôi. Cứ tiếc
tiếc, cứ muốn âm hưởng của thôi mình ấy kéo dài tha thiết như
không thể dứt. Vả lại đọc xong bài thơ cái âm hưởng bịn rịn ấy không hề hết.
Đôi tình nhân này có vẻ đã đi sắp trọn ngày. Phải về thôi và lý do đưa ra để về
cũng dùng dằng. Nào là kẻo
chiều chứ không chiều rồi.
Nào là đã nhiều cầu xin.
Mỗi chữ được dùng ở đây như nhắc nhớ nhiều hơn miêu tả. Chiều đấy, cầu xin
nhiều rồi đấy… nhắc nhau thế, nhắc lòng mình thế, vin vào lý do ấy để về.
Và về - về trong tâm trạng chẳng muốn về. Và khéo léo - khéo
trong lời chăm sóc. Câu thơ có vẻ ỡm ờ bởi chậm thôi đa nghĩa - chậm bước
chân, chậm lời kinh, chậm thời gian và muốn chậm lại tất cả của tâm tình. Mâu
thuẫn chưa và chẳng hề mâu thuẫn.
Tiếng chuông níu vạt áo tình… chong chao!.
Dừng lại ở đây cũng có thể là một bài thơ ngắn, nếu muốn dừng.
Câu 4 đã khép lại cho tứ thơ và cũng lại mở tiếp cho tình tứ giãi bày:
Cáp trôi trong cõi… xôn xao
Ta trôi theo những thấp cao bậc thềm
Buồn vui, ngồi xuống nghỉ thêm
Dựa lưng vách đá nghe mềm vai nhau?
Phất phơ bên suối hoa lau
Bóng cây nhả giọt nắng màu trưa trưa
Bàn tay mấy dịp đón đưa
Vẫn như búp lá… ngày xưa yêu kiều
Nhà thơ Trần Hoàng Vy ở Tây Ninh. Câu thơ hé ra nơi mình - ta đi
chơi Cáp trôi trong cõi… xôn
xao. Cảnh sắc được nhắc đến
trong thơ nhưng chỉ điểm thôi bởi nhà thơ đâu làm thơ tả cảnh, ca ngợi cảnh nơi
mình. Điểm qua thơ, diễn xuôi thơ thấy có cáp treo, có những bậc thang lên
xuống, có hai bên vách đá, có suối phơ phất lau thưa. Thơ không tả mà gợi qua
những cảnh vật được nhắc tới. Với thơ là cảnh trong tình ấy, tình trong cảnh
này Thiên nhiên đâu, họ tới đây để gần gụi, để hẹn hò…hay “hâm nóng” tình yêu?
Sự ồn ã với họ chỉ là cõi
xôn xao - có tiếng động mà
không cụ thể bởi chỉ nhìn nhau, nghe nhau trong lặng lẽ. Yên tĩnh thế, như chỉ
có mình - ta thôi thế. Đoán liều nhé nhà thơ Trần Hoàng Vy - đây là một đôi tình
nhân, nặng tình trong xa cách, hay đôi vợ chồng tuổi cũng gần chiều? Bàn tay mấy dịp đón đưa/ Vẫn như
búp lá…ngày xưa yêu kiều. Lặng
lẽ mà xao động mà bao điều không cần nói, có khoảng cách mà không hề xa cách.
Thôi ta xuống núi… mà lại chậm thôi, mà lại ngồi xuống nghỉ thêm. Dựa lưng
vách đá mà lại có cảm giác dựa vai mềm. Thời gian qua đi bao điều thay đổi, kể
cả họ nữa mỗi năm chắc mỗi thêm già vậy mà cảm giác tay trong tay không hề thay
đổi, bồi hồi trẻ mãi và tình yêu vẫn là mãi mãi. Là nhân ngãi nhân tình thì mãi
vấn vương. Là nghĩa trăm năm thì mấy cặp vợ chồng còn được cảm xúc ngày xưa yêu kiều như vậy đây:
Thôi ta xuống núi kẻo chiều
Cùng câu thơ ấy, cùng chữ ấy mà lần này lần đọc phải giọng khác
bởi nghe khác. Thơ ý tứ như tình yêu vậy. Về thôi không thể dùng dằng nữa. Vẫn
kẻo chiều và thực ra đây mới là lý do phải về. Nhà thơ né thực tại sang lãng
mạn - Nhường chân… bao cặp đang dìu nhau lên… Nhường chân hay tạm
dừng ở hôm nay đây. Bài thơ cứ thế yêu đương níu kéo, về và chẳng muốn xa.
Thôi mình xuống núi là một bài thơ tình, gắn
với sắc xuân, với vãn cảnh chùa xuân thật nhẹ, thật êm mà đằm thắm ý tình,
chong chao mà chẳng thể đổi thay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét