Tranh là tác phẩm hội
họa phản ánh hiện thực bằng đường nét và màu sắc. “Bức tranh ngôn ngữ” được
hiểu là những “bức tranh” mà chất liệu tạo nên nó là ngôn từ - thứ ngôn ngữ có
khả năng dệt nên những đường nét, hình khối, màu sắc. Mà màu sắc, đặc điểm của đường
nét, mảng khối thì thường do tính từ biểu thị. Nên chắc hẳn không ai nghi ngờ
về khả năng miêu tả phong cảnh của tính từ. Nhưng tính từ có thể “vẽ tranh” như
thế nào thì đến nay chưa có những kết luận rõ ràng. Vì vậy, với bài viết này,
chúng tôi muốn xem xét vai trò của tính từ trong việc họa nên một “bức tranh
ngôn ngữ” cụ thể - bức tranh xuân đồng bằng châu thổ Bắc Bộ nước ta vào một
buổi chiều cách đây hơn nửa thế kỉ. Đó là bức tranh được vẽ bởi tâm hồn nhạy
cảm, tài hoa tinh tế của nữ sĩ Anh Thơ trong Chiều xuân ( tập Bức tranh quê
-1941). Chúng tôi hi vọng rằng, qua việc xem xét này, có thể rút ra những kết
luận bước đầu về vấn đề đặt ra trên.
Bài thơ gồm ba khổ, mỗi khổ là một mảng tranh vẽ những cảnh mà tác giả của nó
quan sát được trên con đường từ bến sông về làng.Bức tranh bắt đầu bằng mảng
cảnh bến đò:
Mưa đổ bụi êm êm trên
bến vắng,Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi;Quán tranh đứng im lìm trong vắng
lặng,Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời.
Mưa bụi là thứ mưa đặc
trưng của mùa xuân Bắc Bộ. Hạt mưa nhỏ như hạt bụi, màu trắng sữa, lớp lớp đổ
xuống dịu nhẹ như khói như sương, tạo nên cảm giác êm êm. Từ êm êm vốn
chỉ cảm nhận của con người qua cơ quan xúc giác khi tiếp xúc với một cái
gì đó mềm dịu, và có được cảm giác dễ chịu. Từ dùng theo lối chuyển đổi cảm
giác này đã không chỉ góp phần tạo nên cái nền không gian của bức tranh - một
màu trắng dịu, mông lung, huyền ảo - mà còn gợi một cảm xúc tích cực của lòng
người trước cảnh xuân. Mưa xuân không cô đơn, nó xuống làm bạn cùng bến vắng.
Cái vắng vẻ của bến càng giúp giữ vẹn nguyên và tôn nên bức nền trắng mơ ảo của
mưa dăng. Cái vắng vẻ ấy cũng phản ánh nhịp sống thư thái, nhàn nhã của người
dân trong những ngày đầu năm. Người dân đồng bằng sống gắn bó với mùa vụ. Sau
tết là khoảng thời gian mà những công việc gấp gáp, bận rộn đã vơi bớt. Chiều
về, trời mưa nhỏ, đường trơn, người dân càng không cố hay vội tiến hành những
chuyến đi xa. Nổi lên bên cái nền không gian trắng mờ ấy là con đò và dòng sông.
Con đò ở đây không tất tả ngược xuôi như trạng thái vốn có của nó, cũng không
mang nỗi ủ ê của kẻ ế khách. Nó như một người đàn ông sau những kì tích hào
hùng dẹp bắc đánh tây đang tự cho phép mình thả lỏng thư giãn; lành hiền, dễ
dãi làm một thứ đồ chơi cho con trẻ vày vò. Định tố biếng lười cho thấy trạng
thái chủ động, thanh thản, thỏa mãn của con đò; sự tự nguyện thả mình cho nước
sông đẩy đưa đùa nghịch còn thể hiện khát vọng hòa mình với cảnh xuân. Bên cạnh
hai cặp đôi mưa bụi - bến vắng, đò biếng lười - nước sông còn có một cặp đôi
thứ ba: mái tranh - chòm xoan. Mái tranh như đang tư lự trong dáng đứng im lìm.
Và cái im lìm ấy như tăng lên hơn nữa khi mái tranh được đặt trong một khoảng
im lìm lớn hơn - trong vắng lặng. Cách danh hóa tính từ và việc chọn dùng các
từ cùng trường (vắng, im lìm, vắng lặng) đã giúp tác giả tạo được một bầu không
khí vắng vẻ, lặng lẽ vừa như lan tỏa, vừa như bao trùm toàn mảng tranh. Bến
vắng, chiều mưa, quán tranh ấy hẳn không có khách, mà cũng …chẳng có chủ. Nhưng
trong ngày xuân, nó không hề hoang lạnh.
Cảm nhận ấy có được ở người thưởng thức nhờ tác giả bức tranh đã phác nó trên một tấm nền tím lãng mạn, tươi tắn, xôn xao. Đó là cái nền được tạo nên bởi muôn cánh hoa xoan tí xíu màu tím pha trắng đang rụng tơi bời - tức rủ nhau bứt tung khỏi bông, ào ạt sà xuống để cùng nhau điểm trang cho cái nền đất cũng được nên thơ, tương xứng với nền trời.
Cảm nhận ấy có được ở người thưởng thức nhờ tác giả bức tranh đã phác nó trên một tấm nền tím lãng mạn, tươi tắn, xôn xao. Đó là cái nền được tạo nên bởi muôn cánh hoa xoan tí xíu màu tím pha trắng đang rụng tơi bời - tức rủ nhau bứt tung khỏi bông, ào ạt sà xuống để cùng nhau điểm trang cho cái nền đất cũng được nên thơ, tương xứng với nền trời.
Như vậy, trên tấm nền trời trắng mờ mơ ảo, tấm nền đất tím tươi lãng mạn là một
con đò đang hòa mình với sông nước, một quán tranh đang làm bạn với chòm xoan.
Mảng tranh tĩnh bởi vắng hoạt động của con người nhưng là cái tĩnh vừa đủ để
người ta có thể lắng nghe, cảm nhận được những ấm áp nên thơ, những xôn xao
tinh tế của khí sắc thiên nhiên chiều xuân.Nối tiếp bến sông là con đường đê
dẫn vào làng. Nữ sĩ phác lên mảng tranh thứ hai:
Trên đường đê cỏ non
tràn biếc cỏ,Đàn sáo đen sà xuống mổ vu vơ;Mấy cánh bướm rập rờn trôi trước
gió,Những trâu bò thong thả cúi ăn mưa.
Nền của mảng tranh này
là một màu xanh lam đậm tươi ánh đầy sức sống của cỏ non. Chút đường mòn nho
nhỏ trên đê cũng bị màu biếc ấy tràn lấn. Con đê dường như trẻ trung, rạng rỡ
hơn trong tấm áo choàng mà nàng xuân ban tặng. Vì vậy mà những chị sáo bé nhỏ
đã không thể cầm lòng, lấy cớ kiếm mồi mà sà xuống. Bổ tố vu vơ (trong mổ vu
vơ) đã “tố cáo” mấy kẻ đang bị sắc xuân mê hoặc ấy. Nhưng sức hấp dẫn của con
đê xuân không dừng ở đó, nó còn thể hiện ở cái cách thức hoạt động khác thường
của những nhân vật to lớn, quen thuộc hơn: những trâu bò đang tha thẩntrên đê.
Chúng thong thả cúi ăn bởi đã đến lúc no, bởi không sợ thiếu cỏ hay bởi buổi
chiều dễ gợi ưu tư đã nhắc chúng cần thưởng thức món quà của mùa xuân trong sự
trân trọng, nâng niu? Có thể vì tất cả những lí do ấy. Một tính từ giản dị mà
cho thấy được cả chiều, cả xuân và cảm xúc trước chiều xuân! Bổ tố mưa của cúi
ăn vừa khiến hình ảnh thêm chất thơ vừa tạo sự liên kết gắn bó với mảng tranh
đầu (mưa đổ thì có nước mưa). Và một điều rất thú vị ở bức tranh này là ta lại
gặp phiên bản của đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi. Đó là những cô bướm dẫu
có tạo chút cử động nhịp nhàng (rập rờn) nhưng chỉ là để được bắt theo làn gió,
được phó thác tấm thân mảnh mai, yêu kiều của mình cho gió đẩy trôi. Thế đó,
dưới mặt đê đã có những kẻ bị nàng xuân mê hoặc, trên không trung còn có những
kẻ bị xuân làm cho xiêu lòng hơn thế. Vậy là, mảng tranh này gồm hai lớp cảnh;
lớp cảnh tầng trên được vẽ bởi nhiều nét đưa thanh nhẹ, mềm mại, uyển chuyển;
lớp cảnh tầng dưới có khung nền xanh tươi, trên đó là những chấm đen, mảng
vàng, những hình khối to nhỏ, sống động. So với mảng tranh đầu, sắc xuân ở đây
như tươi hơn, khí xuân ấm áp, xôn xao hơn.Từ đường đê, con đường vào làng bỗng
chuyển xuống, men theo những cánh ruộng. Và đó là cơ hội để xuất hiện mảng
tranh thứ ba:
Trong đồng lúa xanh rờn
và ướt lặng,Lũ cò con chốc chốc vụt bay ra,Làm giật mình một cô nàng yếm
thắm,Cúi cuốc cào cỏ ruộng sắp ra hoa.
Những tác động của tiết
xuân tiếp tục được hiện ra với vẻ ướt át đến nao lòng và màu xanh non mượt mà
của lúa thì con gái. Tấm khung nền vẫn xanh, nhưng những mảng màu và hình trên
đó thì dường như nổi bật hơn, ấn tượng hơn. Cái nổi bật là những chấm trắng
thanh tao của bao cánh cò và nhất là một chấm đỏ bé nhỏ nhưng đậm đà,tươi tắn
của chiếc yếm thôn nữ. Yếm gợi nét trang phục của người phụ nữ Việt Nam một
thời, sắc thắm cho ta hình dung tới vẻ đẹp, sức ấm nóng của tuổi trẻ. Màu đỏ
thắm ấy lung linh giữa nền xanh rờn của lúa đồng là biểu tượng cho sự hòa quyện
giữa sức xuân của thiên nhiên với sức xuân của con người. Như vậy, mảng tranh
đầu vắng bóng người; mảng tranh thứ hai dáng mục đồng được gợi ra qua sự xuất
hiện của lũ trâu bò; đến mảng tranh này, ở hai câu cuối, con người đã thực sự
hiện ra. Sự sắp đặt khéo léo của tác giả đã đưa con người vào vị trí nổi bật
của bức tranh. Và qua đó, một thực tế cũng được phản ánh: nhịp sống của đồng
bào Bắc Bộ ta thời đó thật chậm và thư thả, những ngày đầu năm, không khí ấy
càng biểu hiện rõ rệt.
Nét ấn tượng thì thể hiện ở chỗ thế quân bình giữa những cặp đôi, những tập thể
ở hai mảng tranh trước đang nhường chỗ cho sự đối lập về lượng và về chất giữa
lũ cò con ngây thơ và một cô nàng đã tới độ đằm thắm. Sự đối lập về lượng do
các danh từ, số từ tạo nên, còn sự đối lập về chất có được phần lớn nhờ vai trò
của các tính từ (con và thắm). Một nét ấn tượng nữa là cái thế “động” đặc
biệt của mảng tranh. Không còn nữa vẻ đều đều của mưa đổ, hoa rụng hay trâu bò
gặm cỏ, cái “động” ở đây được tạo bởi đôi nét vẽ thanh gọn mà mạnh mẽ, dứt
khoát. Đó là cái vụt bay của lũ cò con, dẫn theo cái giật mình của cô nàng yếm
thắm. Bổ tố tính từ vụt tạo nét vẽ mới mẻ, bổ tố giật mình thì vừa làm nên vẻ
độc đáo của mảng tranh vừa gợi một cảm nhận thống nhất với những mảng tranh
trước. Bởi tiếng động mà lũ cò nhỏ tạo ra bất ngờ nhưng không thể lớn; không
lớn thì sao đã khiến thôn nữ giật mình? Nếu nàng tập trung vào việc cào cỏ và
để ý tới cảnh vật xung quanh thì có bị cái vụt bay của lũ cò tác động đột ngột
đến giật nảy mình lên như vậy? Hẳn là do nàng đang miên man theo những tâm
tình; trước mắt nàng hẳn vẫn là dáng hình, ánh mắt hút hồn của một người trai
thương nhớ đã gặp tự lúc nào, bên tai nàng có lẽ chỉ âm âm những lời thủ thỉ
yêu thương. Đò và cánh bướm thả mình theo mùa xuân, nàng không thả mình bởi
chính nàng với sắc yếm thắm trẻ trung, nồng nhiệt đã là hiện thân của mùa xuân.
Nhưng nàng thả hồn theo tình xuân. Hay tình xuân vốn chan chứa trong nàng?
Những cánh cò vụt bay ra báo hiệu sự sống của cá tôm đang dồi dào dưới lớp lá
lúa phủ che, ấp ủ. Cái giật mình cùng sắc yếm thắm của cô nàng cào cỏ báo hiệu
những làn sóng xuân tình dào dạt bị dấu che bởi một vẻ ngoài như thản nhiên,
như dửng dưng.
Cho nên, tôi không hề thấy cái “thản nhiên trống rỗng của nhà nghề” (như
nhận xét của Hoài Thanh - Hoài Chân về Bức tranh quê của Anh Thơ) ở đây. Mỗi
bức cảnh đều sóng sánh xuân tình. Xuân của đất trời- xuân của lòng người hòa
làm một. Nếu không khí chính trị còn nặng nề, tiếng trống thúc thuế dồn sưu còn
chát chúa, dáng hình bọn thống trị, cường hào còn làm xám sì chốn làng quê; thì
nữ sĩ của chúng ta hãy tạm dừng cây bút - cọ phía trước cổng làng. Ngoài đó,
trong tiết xuân, những nét đẹp của nông thôn Việt Nam vẫn hiện lên hồn nhiên,
sống động đến không thể gì vùi dập. Và Anh Thơ, người sáng tác theo lối thơ
điền viên, ưa “ngôn ngữ chất phác, phong cách tươi mát và lưu loát” [1], khi
viết Chiều xuân có lẽ cũng mang tâm trạng giống với người sáng lập ra trường
phái thơ này - nhà thơ Trung Quốc Đào Uyên Minh (356 - 427). Nữ sĩ hẳn cũng coi
cuộc sống nông thôn, phong cảnh ruộng vườn là đối tượng thẩm mỹ quan trọng của
mình, coi nó là “chỗ lánh nạn tinh thần trong thế giới hiện thực đau khổ” ở
Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, nên đã “thuần khiết hóa”, “mỹ hóa” nó đến cao
độ. Không yêu thiên nhiên thật nhiều, sao có thể vẽ được bức tranh xuân tươi
đẹp đến vậy? Không nặng lòng với cảnh tình đất nước, sao phải đi tìm chỗ “lánh
nạn tinh thần”? Trong con người ấy, trong bức tranh thơ của con người ấy, lẽ
nào có thể còn chỗ cho sự trống rỗng, thản nhiên?
Bức tranh thơ đã mở ra trọn vẹn. Bức tranh ấy có mưa bụi, bến, đò, nước sông,
quán tranh, chòm xoan, đường đê, cỏ non, đàn sáo, cánh bướm, trâu bò, đồng lúa,
lũ cò và …cô nàng yếm thắm rất đặc trưng của quang cảnh nông thôn Việt Nam
những năm nửa đầu thế kỉ XX. Bức tranh ấy còn có cái êm êm, cái vắng lặng, vẻ
biếng lười, sắc tím của một chiều xuân lãng mạn nơi bến đò; có cái vu vơ, rập
rờn, thong thả trong hoạt động của những loài vật trên triền đê tràn biếc cỏ
của một chiều xuân đam mê; có cả những nét động gọn thanh, sắc xuân tươi thắm
và những nỗi niềm sâu kín trong cảnh chiều xuân tình tứ nơi đồng lúa. Mỗi mảng
tranh một nét riêng độc đáo nhưng vẫn thống nhất với nhau trong giáng chiều, vẻ
xuân. Vẽ cảnh mùa xuân - mùa của sự sống dạt dào mà chọn lúc ngày đang tàn tạ.
Trong lúc ngày tàn tạ mà xuân vẫn hiện ra trọn vẹn với cả cảnh, sắc và tình. Đó
chính là cái tài trong việc sử dụng ngôn từ của Anh Thơ nữ sĩ vậy!
Các danh từ giúp giữ lại những sự vật chốn nông thôn Bặc Bộ một thời. Nhưng để
tạo được sắc thái riêng và cái hồn cho những sự vật ấy, phác nên thần thái của
chiều, của xuân, đậm tô sự phong phú trong cái thống nhất ở các mảng tranh thì
không thể thiếu được vai trò của tính từ. Vâng, tính từ có thể “vẽ tranh” như
thế đấy!
Nguyễn Thị Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét