Đoàn Chuẩn - Nhạc tình mùa thu
Vương Trùng Dương
Vào những năm đầu của thập niên 20, Hải Phòng đã sản sinh năm
khuôn mặt nghệ sĩ tài hoa, để lại những tình khúc bất hủ từ thời tiền chiến, tô
điểm những giai điệu tuyệt vời cho nền âm nhạc Việt Nam: Lê Thương, Tô Vũ,
Hoàng Quý, Văn Cao, Đoàn Chuẩn. Trong năm khuôn mặt đó, có sự trùng hợp không
thể nào quên, ngày tháng sinh của Văn Cao cũng là ngày vĩnh biệt trần gian của
Đoàn Chuẩn. Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923, qua đời vào lúc 4 giờ sáng
ngày 10-7-1995.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ngày 15-6-1924 tại đảo Cát Hải, Hải
Phòng. Nơi đây, bố mẹ nhạc sĩ, chủ nhân nước mắm Vạn Vân, nổi tiếng Đông Dương.
Thời gian trôi qua với bao biến động của đất nước... đúng vào ngày sinh lần thứ
78 của Văn Cao, Đoàn Chuẩn đi vào cõi thiên thu lúc 9 giờ tối ngày 15-11-2001
tại căn gác nhỏ, số 9 Cao Bá Quát, Hà Nội. An táng vào lúc 11 giờ ngày 18-11
tại nghĩa trang Như Quỳnh, Hưng Yên.
Năm 1992, Đoàn Chuẩn bị tai biến mạch máu não, bệnh tình kéo dài
cho đến những năm cuối đời, dần dà căn bệnh trở nên trầm trọng, tê liệt, không
nói được, suy sụp từ thể xác đến tinh thần. Cuộc sống phiêu lãng đã bị đóng
khung cho đến giờ vĩnh biệt trần gian!
Đoàn Chuẩn chỉ sáng tác trong một thập niên (1947-1958), ca khúc
đầu tay Aùnh Trăng Mùa Thu (1947) và từ đó với nhiều ca khúc đã nổi tiếng qua
năm tháng, vượt thời gian và không gian, và vài ca khúc được sáng tác rải rác
trong những thập niên sau, trong đó ca khúc Vĩnh Biệt chỉ riêng cho hình ảnh
người tình lở dở, được đề cập trong thời gian sau nầy. Bên cạnh có thêm mấy ca
khúc như: Tâm Sự (1956), Một Gói Nho Khô, Một Cánh Pensée (1988), Phấn
Son (1989), Mầu Nắng Có Bao Giờ Phai Đâu (1989).
Vàng Phai Mấy Lá là nhạc phẩm ông viết tặng Thanh Hằng, cô ca sĩ
nổi tiếng tại rạp Đại Đồng thuở những năm 50. Khi ông tặng "Vàng Phai Mấy
Lá" cho ca sĩ, nàng đã xé. Nhạc phẩm này, sau đó, ông còn đặt một tên khác
là Bài Ca Bị Xé, rồi cuối cùng, ông lại đổi thành Vĩnh Biệt. Nhưng có nguồn tin
cho rằng ca khúc Vĩnh Biệt mang theo bí ẩn của cuộc tình, qua vài lời kể, có
người cho rằng đó là hình ảnh người ca sĩ T.V (vợ của T.N, nay là vợ của NĐQ),
nồng nàn nhưng ngang trái, đắng cay giữa người nhạc sĩ ở thành phố cảng Hải
Phòng và người ca sĩ ở Sài Gòn, qua những bó hoa và trang thơ, biết nhau, mỗi
người đã có gia đình. Đất nước chia đôi, ngăn cách đôi đường, Đoàn Chuẩn sáng
tác vào năm 1955:
“Lá thu bay, về anh, như những cánh đời em. Còn đâu cành hoa sim
tím, dường như dệt gấm vàng son. Lòng anh chua xót. Cánh hoa vì đời anh rả rời
héo tán úa vàng vùi sâu trong kiếp thời gian... Ai đốt Cô Tô thành vì đôi
mắt giai nhân hề... Ai trót nhấp men tình để Mỵ Cơ thương nhớ, khi khóc rồi
Tiễu Nhiên còn mơ...” .
* Tình Yêu & Nghệ Thuật
Tự nghìn xưa, mùa thu là mùa của thi nhân, khí hậu và phong cảnh
của thời gian đó dễ tạo ra nhiều nguồn cảm hứng trong tâm hồn nhà thơ. Nguồn
cảm hứng đó cũng đi vào trong cung bậc, hầu hết ca khúc lãng mạn của Đoàn Chuẩn
đều mang hình ảnh mùa Thu vì vậy Đoàn Chuẩn thường được gọi: nhạc sĩ của mùa
thu. Trước Đoàn Chuẩn, hình ảnh mùa thu đã bàng bạc qua ca khúc Giọt Mưa Thu,
Con Thuyền Không Bến của Đặng Thế Phong, Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu của Văn Cao,
Tiếng Thu (thơ Lưu Trọng Lư) của Lê Thương (ca khúc Tiếng Thu của Phạm Duy sau
nầy được phổ biến rộng rãi hơn), Thu Chiến Trường của Phạm Duy...
Nhiều nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn đều đi kèm với tên chung cùng
người em kết nghĩa là Từ Linh. Không biết người bạn tri âm Từ Linh (tên thật là
Hà Đình Thâu, sinh năm 1928 tại Hà Nội) góp mặt thực hư ra sao qua sáng tác của
Đoàn Chuẩn nhưng cả hai đều hiện diện trong nhiều nhạc phẩm. Từ Linh qua đời
bởi căn bệnh ung thư năm 1992, cũng là thời điểm Đoàn Chuẩn ngã bệnh. Theo nhạc
sĩ Trần Trịnh, thuở đó người tài xế của Đoàn Chuẩn đem những bản nhạc Đoàn
Chuẩn sáng tác để lại trong xe về đặt thành lời, cảm nhận lời ca thật tuyệt
vời, người tài xế không còn hành nghề nửa mà trở thành người bạn tri âm trong
nghệ thuật.
Trong bài viết của Hải Lưu - Đông Nhân cho biết:
“Trong nguyên bản, sáng tác được ghi là (Nhạc: Đoàn Chuẩn – Lời:
Từ Linh). Tuy nhiên, theo một nguồn tin, ông Đoàn Đính (Con trai của cố nhạc sĩ
Đoàn Chuẩn) cho rằng đây là bài hát hoàn toàn do cha ông, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
sáng tác, ông viết nhạc và lời cùng một lúc với cây "Hạ Uy cầm"
(guitar Hawaii). Việc đề Đoàn Chuẩn – Từ Linh sáng tác, thì đó lại là câu
chuyện khá thú vị. Theo nhạc sĩ Trần Hiếu, Đoàn Chuẩn và Từ Linh là hai người
bạn thân và quá hiểu nhau. Từ Linh là người lái xe cho Đoàn Chuẩn và ông có khả
năng làm thơ, viết lời rất hợp ý Đoàn Chuẩn.
Rất nhiều tác phẩm của Đoàn Chuẩn được Từ Linh chắp vần. Nhiều
ca khúc của Đoàn Chuẩn được sáng tác trên những bước đường phiêu linh của hai
người, họ trở nên gắn bó, thân thiết. Tình bạn của hai người là mối quan hệ
giữa người làm và ông chủ, nhưng chính âm nhạc, sự thấu hiểu nhau trong âm
nhạc, ý thơ mới là chất keo kết dính tình bạn ấy. Vì thế, gần như mọi sáng tác
của Đoàn Chuẩn, cho dù Từ Linh có viết lời hay không thì Đoàn Chuẩn cũng đều để
hai cái tên cho sáng tác của mình. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trần Hiếu cũng cho rằng,
vì Từ Linh rất hiểu Đoàn Chuẩn, và biết rõ tâm tư của ông nên có thể Từ Linh
chính là người đã viết lời, hoặc tham gia cùng viết lời bài hát này như nhiều
sáng tác khác của Đoàn Chuẩn”.
Theo nhạc sĩ Hà Đình Cường, cây trumpet nổi tiếng của Việt Nam
là cháu gọi Từ Linh là chú ruột cũng cho biết, giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh, đó
là một tình bạn sâu sắc không thể phủ nhận. Có những điều của hai người chỉ có
hai ông biết với nhau.
Đoàn Chuẩn lập gia đình khi còn học trung học Louis Pasteur.
Thuở còn đi học, cậu ấm Đoàn Chuẩn có chiếc xe Ford Frégatte và chiếc Buick,
thuộc loại sang nhất không những ở thành phố cảng Hải Phòng mà cả Hà Nội. Cậu
ấm Đoàn Chuẩn say mê cô nữ sinh Nguyễn Thị Xuyên, cùng lớp với nhau, nàng con
nhà nghèo nhưng nhan sắc tuyệt vời; chưa qua lời tình tự nào, cậu ấm đã hối
thúc thân mẫu xin cưới hỏi. Sau vài năm lập gia đình, Đoàn Chuẩn sống cuộc đời
phiêu lãng, với âm nhạc, với những cuộc tình văn nghệ chất ngất yêu thương
trong lời ca nét nhạc. Người bạn đời trăm năm vẫn chịu đựng với tính trăng hoa
của chồng, một lòng chung thủy nuôi con, và hai mái đầu xanh năm xưa vẫn mãi
mãi bên nhau cho đến cuối đời.
Cuộc tình của Đoàn Chuẩn được ghi lại qua lời tâm sự của người
vợ hiền thục trong những ngày tháng cuối cùng, tận tình chăm sóc người chồng
lâm trọng bệnh: “Cái anh chàng ấý có nói với tôi câu nào đâu, tẩm ngẩm tầm ngầm
mà ghê thật. Tôi vừa buồn cười vừa ngạc nhiên quá... Sau đó tôi đến lớp thấy sợ
và ngượng lắm. Ông Chuẩn cứ lờ đi như không chuyện gì. Rồi lâu dần để ý nhau mà
có tình ý. Bạn bè trong lớp biết được, chúng trêu quá... bị chế nhiều, tôi xấu
hổ phải bỏ học giữa chừng khi còn chưa đến kỳ nghỉ hè...” Đám cưới được tổ chức
vào dịp hè.
Đoàn Chuẩn rất đa tình. Ông đã sáng tác tặng một người đẹp của
miền Bắc lúc đó sáu bài hát trong khi với vợ mình, ông chỉ viết tặng bà vỏn vẹn
hai bài. Thời trẻ, ông đã từng dành ba năm thuê người mỗi ngày mang một bông
hồng đến tặng người con gái mà ông yêu. Nhưng người bạn đời thông cảm tâm hồn
lãng mạn của người nhạc sĩ:
“Ông lãng mạn đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay
thế. Ông muốn ngang thì ngang, muốn dọc thì dọc, tôi chiều ông hết. Bổn phận
của tôi là chăm sóc chồng, nuôi con, lúc nào cũng an phận chịu đựng. Ông không
biết đến sinh kế gia đình, con cái... Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc
nào tôi cũng ngạc nhiên – sao ông tài thế? Mỗi bài hát là kỷ niệm một mối tình
đi qua đời ông. Ông chỉ viết một bài cho tôi, hồi đó ông chưa lơ mơ ai cả. Ông
viết Đường Về Việt Bắc, nhớ nhà, nhớ vợ và màu tím áo lụa Hà Đông tôi mặc khi
còn đi học. Đôi khi tôi cũng buồn vì ông tặng tình ca cho người phụ nữ khác.
Nhưng lấy chồng nghệ sĩ, số mình chịu vậy”. (Tình Thu Ở Lại – Nguyễn Quỳnh
Hương, Phụ Nữ - Xuân 2001).
Ca khúc Đường Về Việt Bắc bày tỏ tâm sự của người nhạc sĩ với
người vợ lúc xa cách khi từ bỏ cuộc sống ấm no nơi đô hội để bước chân vào chốn
sơn lâm ở Khu Bốn, vợ con di tản lên vùng núi đồi Việt Bắc:.“Chiều nào áo tím nhiều quá, lòng thấy rộn ràng, nhớ người.
Đường về Việt Bắc bao cách xa, nhìn về đường lối đây núi cao, muôn xa xăm, đây
lá hoa reo ngàn xưa. Đường về ngập gió tha phương, tiếc đời gấm hoa, màu sắc
núi rừng... Nhớ nhau từng phút yêu từng giây. Đường về Việt Bắc xa xôi rừng
núi. Nâng phím tơ lên mấy cung lả lơi. Đường về Việt Bắc xa xôi núi đồi”.
Đoàn Chuẩn trau dồi thêm về âm nhạc với thầy Nguyễn Thiện Tơ về
tây ban cầm và William Chấn về hạ uy cầm sau khi lập gia đình. Mang trong mình
dòng máu nghệ sĩ nên không muốn nối nghiệp kinh doanh của bố mẹ để lại mà đi
vào lãnh vực nghệ thuật. Với cây đàn Hạ Uy Cầm, Đoàn Chuẩn sống cuộc đời lang bạt.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Hiền, Đoàn Chuẩn còn học thêm hòa âm với Tạ Phước khi về
Hành Thiện, thỉnh thoảng trình diễn hạ uy cầm cùng Nguyễn Hiền trong chương
trình nhạc hội.
Sau năm 1956, hãng nước mắm Vạn Vân và tài sản gia đình Đoàn
Chuẩn bị tịch thu, căn nhà ở phố Bắc Ninh, Hải Phòng và căn nhà ở đường Trần
Nhật Duật, Hà Nội... của thân mẫu Đoàn Chuẩn không còn làm chỗ dung thân. Đoàn
Chuần sống cuộc đời dạy nhạc để độ nhật qua ngày nơi căn nhà nhỏ ở đường Cao Bá
Quát.
Tuy gặp thời thế trớ trêu nhưng nhạc sĩ rất đa tình, lãng mạn
trong trường tình để làm chất liệu sáng tác. Trong cuộc sống, người bạn đời của
nhạc sĩ vẫn một lòng thủy chung, chịu đựng tính phóng khoáng của chồng để quáng
xuyến gia đình, dạy dỗ con cái từ thuở thanh xuân đến cuối cuộc đời. Ông bà có
sáu người con, ca sĩ Đoàn Chính hồi chánh vào giữa thập niên 60 ở Montréal,
Canada và Đoàn Châu ở Toronto, Canada. Tháng 7-1990, vợ chồng Đoàn Chuẩn sang
thăm con cái ở Canada nhưng không tham gia trong mọi sinh hoạt nghệ thuật nào
cả. Bốn người con còn lại ở Hà Nội.
Có ca khúc mang theo giai thoại về cuộc tình của người nhạc sĩ
như Tình Nghệ Sĩ, sáng tác đầu tay vào năm 1947 với hình ảnh người tình
Mai Hương ở quán Thanh Hương:
“Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn mơ qua
trùng dương. Mơ tới bên em, em tô quầng mắt. Em tôi ngập ngừng trong tấm áo
nhung...
... Mối tình nghệ sĩ như giấc mơ. Trăng tàn vì với muôn ý thơ.
Mỗi chiều ngàn tiếng tơ khóc than. Còn nhắc tới đêm nao trăng thề...”
Theo lời kể người bạn của Đoàn Chuẩn, lời ca ban đầu viết: “Đây
quán Thanh Hương” nhưng đưa hình ảnh đó có tính cách riêng rẽ nên đã đổi lại
thành “khách ly hương”.
Tình khúc Gửi Người Em Gái là một trong những bản tình ca tuyệt
vời nhất của âm nhạc Việt Nam. Hình ảnh người em gái được viết lên với giai
điệu nhẹ nhàng, với ngôn ngữ hòa nhập trong con tim rung động:
“Tôi có người em gái. Tuổi chớm dâng hương mắt nồng rộn ý yêu
thương. Đôi mắt em nói nhiều, tha thiết như Giáng Kiều, ôi tình yêu... Em tôi
ơi, màu son lên đôi môi. Khăn san bay, lả lơi bên vai ai. Trời thắm gió trăng
hiền. Hà Nội thêm bóng dáng nàng tiên”.
* Chân Dung Tình Thu
Khoảng hai mươi ca khúc của Đoàn Chuẩn: 1. Ánh Trăng Mùa Thu,
1947 - 2. Tình Nghệ Sĩ, 1948 - 3. Lá Thư, 1948 - 4. Đường Về Việt Bắc, 1949 -
5. Thu Quyến Rũ, 1950 - 6. Chuyển Bến, 1951 - 7. Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay, 1952
- 8. Cánh Hoa Duyên Kiếp (hay "Dạ Lan Hương"), 1953 - 9. Lá Đổ Muôn
Chiều, 1954 - 10. Tà Aùo Xanh (hay "Dang Dở"), 1954-1955 - 11. Chiếc
Lá Cuối Cùng, 1955 (ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Tuấn Khanh được phổ biến rộng
rãi trước năm 1975 đến nay) - 12. Để Có Những Chiều Tắt Nắng, 1955 - 13. Một
Gói Nho Khô, Một Cánh Pensée, 1955 - 14. Vàng Phai Mấy Lá (hay "Vĩnh
Biệt"), 1955 - 15. Gửi Người Em Gái Miền Nam, 1956 - 16. Thuở Trâm Cài
(bút danh Việt Tử; Thập Niên 1960) - 17. Khuôn Mặt Em (Thơ: Văn Cao), 1987 -
18. Đường Thơm Hoa Sữa Gọi, 1988 - 19. Màu Nắng Có Bao Giờ Phai Đâu, 1989 (ca
khúc cuối cùng). Từ ca khúc Gởi Người Em Gái Miền Nam đến ca khúc Khuôn Mặt Em,
Đoàn Chuẩn giữ im lặng trong ba thâp niên.
Trong tình ca Thu Quyến Rũ với nỗi lòng nhạc sĩ:
“Anh mong chờ mùa thu. Trời đất kia ngả màu xanh lơ... Anh mong
chờ mùa thu. Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai. Và
cánh chim ngập ngừng không muốn bay. Mùa thu quyến rũ anh rồi...
... Thu nay vì đâu nhớ nhiều. Thu nay vì đâu tiếc nhiều. Đêm đêm
nhìn cây trút lá. Lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về”.
Ở nhạc phẩm Lá Đỗ Muôn Chiều, nhạc sĩ bày tỏ niềm tiếc nuối cho
cuộc tình tan theo thời gian như lá thu lìa cành:
“Thu đi cho lá vàng bay. Lá rơi cho đám cưới về...
... Nhưng mỗi mùa thu, khi lá vàng bay về cuối trời. Là mùa anh
nhớ quá người ơi! Nhớ em từ lặng im đôi mắt. Đời vắng em rôi vui với ai”.
Dòng thơ của Vũ Hoàng Chương đã nhập vào ý nhạc của Đoàn Chuẩn:
“Em ơi, lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai”
“Mộng nữa cũng là không. Ta quen nhau mùa thu. Ta thương nhau
mùa đông. Ta yêu nhau mùa xuân. Để rồi tàn theo mùa xuân... Hoa tàn, tình tan
theo không gian!”
Trong tâm trạng bi thương đó, nhạc sĩ đem cung bậc lời ca Gửi
Gió Cho Mây Ngàn Bay:
“Với bao tà áo xanh, đây mùa thu. Hoa lá tàn hàng cây đứng hững
hờ...
... Gửi gió cho mây ngàn bay. Gửi phím tơ đồng tìm duyên. Gửi
thêm lá thư, màu xanh ái ân, về đôi mắt như hồ thu”.
Nhạc sĩ như chiếc thuyền tình lưu lạc giữa bến sông. Khi mùa thu
về, vô hình chung khơi dậy trong lòng nỗi khắc khoải qua bài Chuyển Bến:
“Thuyền cắm tay sào từ cuối thu. Ngoài kia sông nước như đón
chờ...
... Thuyền ơi, sao mê say nhiều quá. Đường mê không ai ngăn cản
lối. Một sớm thu về chuyển bến xuôi. Về đâu giữ trời, bến nao?”.
Giai điệu trong ca khúc Cánh Hoa Duyên Kiếp tuy hơi dồn dập
nhưng cũng thể hiện niềm đau thương của cuộc tình:
“Hồng nào xinh thơm tươi. Bướm hoa không ngờ bẽ bàng. Yêu một
sớm, nhớ nhau bao mùa thu. Em tôi hay hờn lắm. Hay tô thâm quầng mắt. Hay mua
hoa màu trắng về. Tình em như mây trong mùa thu bay rợp lối. Rồi tan theo chiều
vắng. Khi gió mang về thành mưa”.
Ngoài hình ảnh mùa thu, ngôn ngữ chữ ái ân, ân ái bàng bạc
trong lời ca của Đoàn Chuẩn, nghe rất thanh tao, không mang hình ảnh phàm tục
nào cả, điển hình như ca khúc Lá Thư:
“Nhớ tới mùa thu năm nao mình cùng sông. Chiếc lá thu vàng dần
theo. Nhớ tới ngày nào cùng bước đến cầu. Ngồi xỏa tóc thề. Còn đâu ân ái chăng
người xưa...
... Ái ân theo tháng năm vàng. Ái ân theo tháng năm tàn. Tình
người nghệ sĩ đâu rồi”.
Những ca khúc viết rải rác sau nầy ít được phổ biến, phần nào đó
không phù hợp với mười tình ca lãng mạn tuyệt vời đã để lại trong lòng người
thưởng ngoạn niềm rung cảm từ âm điệu đến lời ca. Và, ngôn ngữ “ái ân, ân
ái” cũng bàng bạc trong nhiều bản tình ca của Đoàn Chuẩn.
Ca khúc của Đoàn Chuẩn được hình thành sau năm 1945, tuy nhiên
mười tình khúc lãng mạn đó vô hình chung lại xếp vào “thời kỳ âm nhạc tiền
chiến”. Sau năm 1954, ca khúc của Đoàn Chuẩn không được phổ biến ở miền Bắc vì
cho rằng ca khúc đó lãng mạn, ủy mị... nên bị dìm cho đến cuối thập niên 90 mới
được phổ biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét