Hoa nở trên mái nhà
Ở thành phố, tình thân của một người con trai và một người
con gái là điều rất bình thường. Chỉ có điều, tôi thấy anh có nụ cười, ánh mắt
rất giống ba mình.
Thoáng đó mà hai năm, như bước chân dài, bước đi và cứ bước
đi. Tôi vẫn luôn tò mò không biết mùa xuân ở thành phố như thế nào ? Bên cạnh sự
tò mò ấy là sự nao nức được trở về nhà.
Giáp tết, hàng của mẹ chắc đầy ắp biết bao nhiêu là bánh mứt,
chất đến ngút đầu, che khuất cả dáng người nhỏ xíu của mẹ.
Mấy năm trước, lúc còn ở nhà, nghỉ Tết sớm, tôi thường ra phụ
bán hàng với mẹ. Lúc đó, mẹ vui cười: "Có con, dường như mẹ bán đắt hơn mọi
bữa".
Vắng khách, mẹ lại ngồi bảo tôi nhổ tóc ngứa. Những sợi tóc bạc
cứ chen cùng tóc đen, tôi nói :"Mẹ ơi, mẹ nhuộm tóc đi cho trẻ lại".
Lúc ấy, mẹ cười :"Con cứ học xong đại học, mẹ trẻ lại thôi, lo gì !".
Nhà chỉ có hai mẹ con, những lúc có tôi ở nhà nhiều khi còn
thấy quạnh quẽ. Tối, tôi cứ ôm mẹ tìm hơi ấm mà ngỡ mình như đứa trẻ con. Rồi
sáng ra, mẹ lại đến chợ, tôi đi học. Ngôi nhà thường xuyên khoá trái cửa.
Khi tôi lên thành phố học, ngôi nhà lại thường xuyên khoá
trái cửa hơn, bởi mẹ chỉ có một mình. Hai mẹ con ở hai nơi. Tôi sống với lũ bạn
hồn nhiên từ mọi miền về đây họp lại. Học như đùa với những giá vẽ, hộp sơn.
Vâng, chúng tôi đang đi trên con đường mình thích. Đó là được học ở trường mỹ
thuật. Tôi cũng chọn cả điều mà ngay từ thuở nhỏ mẹ đã mê, đó là được vẽ. Ba
tôi chẳng dính líu gì đến nỗi đam mê của mẹ.
Ba là một nhà kinh doanh khá giỏi, bất cứ công việc làm ăn
nào, khi ba đã nhúng tay vào đều dễ dàng thành công. Mẹ về với ba bởi một điều
đơn giản : ba đã yêu mẹ rất chân thành. Mẹ có thể cho ba tất cả những gì mà một
người đàn ông muốn có từ một người phụ nữ, chỉ trừ trái tim.
Tôi rất ngạc nhiên khi nghe kể về ba. Mẹ kể như đang nói chuyện
về một tấm gương soi. Mẹ nói :"Ba con là mẫu người đàn ông mà bất cứ người
đàn bà nào cũng khao khát có được". Tôi là sự hài hoà giữa ba và mẹ. Tôi
đã trở thành toàn vẹn với đôi mắt của ba, đôi môi của mẹ và trong nỗi khát khao
được vẽ của mẹ.
Mẹ nói, khi còn đi học, mẹ thường dùng bút vẽ chân dung của bạn
bè trong lớp. Học xong lớp 12, mẹ khao khát được học mỹ thuật, nhưng bước chân
không bước tới được vì hoàn cảnh gia đình. Nhờ năng khiếu, mẹ được nhận làm ở một
cửa hàng vẽ quãng cáo, pa-nô, áp-phích.
Ngay từ phút gặp đầu tiên khi mẹ đến nhà hàng của ba để thiết
kế quầy rượu, mẹ đã làm trái tim ba xao động. Nhưng cũng lúc ấy, trái tim mẹ lại
gửi gắm ở một người đàn ông khác.
Hoạ sĩ Bích Hoàng, người mà mẹ đã gửi lòng ở Sài Gòn, khá nổi
danh. Mẹ gặp ông khi ông đang chuẩn bị mở phòng tranh. Lúc bước chân vào xưởng
vẽ, nơi mẹ làm việc, ông đã mời mẹ làm mẫu cho những bức tranh về biển. Phòng
khách của gia đình tôi vẫn còn bức chân dung ông vẽ khi mẹ còn con gái.Trên bức
chân dung đó, mẹ đang cười.
Nhưng tình yêu của mẹ là tình đơn phương, không được đáp trả.
Mẹ về sống với ba trọn vẹn, không hề phản bội cho đến khi ba làm ăn thua lỗ, trải
qua một cơn bạo bệnh rồi qua đời. Mẹ đã khóc suốt hai tháng trời khi ba vĩnh viễn
lìa xa rồi bắt đầu gánh vác trọng trách nuôi tôi. Cái sạp hàng nho nhỏ đủ nuôi
hai mẹ con sống thong thả.
Một mối tình trong mộng và chuyện tình ngoài thực tại dường
như đã đủ làm cho mẹ hạnh phúc. Kể từ sau ngày ba mất, tôi chưa hề thấy mẹ quan
tâm đến người đàn ông nào khác, dù ở tuổi 41, mẹ vẫn vô cùng xinh đẹp.
Tôi học mỹ thuật là nối tiếp ước mơ dở dang của mẹ. Tôi vẫn
mơ mình sẽ trở thành một hoạ sĩ tài ba. Ngày nào đó, bên cạnh bức chân dung của
mẹ do hoạ sĩ Bích Hoàng vẽ sẽ có thêm một bức chân dung do chính tay cô con gái
vẽ. Tôi dự định sẽ vẽ bức chân dung ấy làm quà Tết cho mẹ.
Một hôm, mẹ gợi ý :"Con bắc điện thoại đi. Khi nhớ con,
mẹ gọi điện. Nói chuyện với con xong, mẹ ngủ ngon giấc hơn". Nhưng rồi có
khi mẹ gọi điện, tôi lại đi vắng. Hôm nay tôi trả lời mẹ :"Con đi học thêm
Anh văn. Con đi học thêm vi tính. Con đi sinh hoạt Đoàn...".
Không có đâu, tôi đang giấu mẹ sự thay đổi. Tôi đang nhớ
thương một người khác chứ không phải mẹ. Tôi không còn nôn nóng trở về nhà với
mẹ. Giờ đây, tôi lại cảm thấy thành phố này ấm áp và thân quen đến lạ kỳ, bởi
trong lòng thành phố ấy có Minh.
Mẹ gọi điện: "Nên về sớm một tí cho vui cửa, vui nhà. Mẹ
định rủ bé Thanh, con chú Ba về ở cho nhà có hơi người, nhưng nghĩ lại thôi. Mẹ
quen cô đơn rồi". Tôi trả lời mẹ: "Cuối năm, người ta chen lấn mua vé
tàu đông ơi là đông. Con không biết có về kịp ngày ông Táo về trời không".
Tôi lại nói với mẹ :"Con sắm quần áo Tết cho mẹ nha. Năm nay, con vẽ thiệp
chúc Tết, kiếm được ít tiền"...
Minh học hơn tôi hai năm, thường vào dịp Tết nhất lại nhận vẽ
thiệp, loại thiệp chỉ có một mẫu cho mấy cửa hàng. Minh chia việc cho tôi để
cùng kiếm tiền.
Ngày trước, đi trên đường phố Sài Gòn, tôi cứ bị ngộp bởi cửa
hàng chen san sát cửa hàng. Còn giờ đây, tôi quen từng cửa hiệu. Nhiều khi
không biết đi đâu, tôi cứ chen vào các cửa hàng ngắm nhìn cũng hết thời gian. Rồi
chính tôi không hiểu đã thân với Minh tự lúc nào ? Dường như là vào dịp trường
tổ chức đón tân sinh viên. Hay đúng hơn là dịp đi Thủ Đức học quân sự.
- Hôm đó tôi mệt, muốn về sớm, nhưng đợi mãi không thấy chuyến
xe buýt nào. Minh đưa tôi về. Đó cũng là lần đầu tiên tôi ngồi uống nước với một
người con trai ở nơi xa này.
Tình thân giữa con trai và con gái học chung trường ở một thành phố là chuyện
bình thường. Điều tôi giật mình là Minh có nụ cười, ánh mắt giống ba và thậm
chí, tướng người cao ráo, lưng gù gù cũng giống ba nốt. Tôi viết thư cho mẹ
:"Minh, bạn học trên con hai lớp, con mới quen hôm đi học quân sự. Con nói
mẹ không tin đâu, Minh giống ba lắm !".
Mẹ nghỉ bán buổi sáng, ra ga đón tôi. Chuyến về của tôi có
Minh. Nhà Minh ở Phan Rang. Minh bảo :"Xuống ga Nha Trang xin ăn ké cơm
nhà Hà một bữa cho vui".
Bữa cơm trưa ngày gần cuối năm, nhà tôi có thêm một người đàn
ông. Mẹ nấu những món ăn quen thuộc tôi thích : cá chiên, canh chua. Mẹ xắn miếng
cá bỏ vào chén Minh :"Con ở Phan Rang chỗ nào?" , "Dạ ở tháp
Chàm, nơi gần tháp Podong". Mẹ hỏi tiếp : "Con có biết nhà bà Bích Thảo
chuyên bán tượng chàm ở đó không?". Minh reo lên :"Ủa, sao bác biết mẹ
con?".
Minh đi rồi, mẹ gọi tôi ra xích đu ngồi. Mẹ chỉ những chùm
hoa tim tím phủ đầy trên mái nhà :"Chùm dây leo trên mái nhà ta năm nay nở
hoa đón Tết. Hoa nở trên mái nhà là điềm lành đó Hà!". Rồi mẹ thở dài:
"Đúng là quả đất tròn, tròn quá. Hèn chi thằng Minh nó giống y chang ba
con". Tôi chẳng hiểu gì, cứ nhìn mẹ rồi nhìn chăm chăm những bông hoa tim
tím nở biếc đến lạ kỳ.
Tiếng mẹ thoảng trong gió xuân : "Bà Bích Thảo ở tháp
Chàm xưa kia yêu ba con trước mẹ. Sau khi đám cưới, ba mới biết bà ta đã có với
ba một đứa con". Tôi níu vai mẹ, thảng thốt :"Minh hả mẹ?".
Tôi không ngờ, người tôi thương yêu lại chính là đứa con rơi
của ba, người mà tôi rất kính yêu.
Khuê Việt Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét