Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Hoa rụng trong thơ xuân Đông phương

Hoa rụng trong thơ xuân Đông phương

Xuân sang là trời đất chuyển mình, là vạn vật hồi sinh ngàn hoa dâng hương khoe sắc. Trong cảnh Xuân,thi nhân thấy lòng nao nao,nguồn cảm hứng dâng trào chảy tràn qua ngọn bút. Các thi sĩ Đông phương cảm nhận sâu sắc sự đổi thay huyền diệu của thời gian, êm đềm trong sôi nổi, hạnh phúc lẫn đau buồn …để kết nên những vần thơ Xuân tuyệt diệu.
Thơ Xuân thường nhắc đến hoa. Nhưng khi nói đến hoa thì lại liên tưởng đến hoa tàn hoa rụng. Đó là sự trùng hợp lạ kỳ và vô cùng lý thú trong thơ Xuân Đông phương.
1-Hoa rụng trong thơ Xuân Trung Hoa:
Thi ca Trung Hoa được biết đến nhiều nhất là rừng thơ của các thi sĩ thời Đường-một thời đại mà họ tự hào cho là “thời vàng son của lịch sữ”-
Gần ba trăm năm chỉ có hai cuộc binh đao nhỏ là loạn An Lộc Sơn và cuộc nổi dậy của Hoàng Sào. Hai cuộc binh biến ấy đều bị nhà Đường dập tắt.
Trong khí thế bừng bừng của một quốc gia hùng mạnh,cảnh thanh bình thịnh trị đã nãy sinh các đấng tài hoa. Gần 3 ngàn thi sĩ với hơn 50 ngàn bài thơ còn lưu lại, đã chứng tỏ Trung Hoa có được một gia tài văn chương đồ sộ, một bức tranh muôn màu đa dạng… đi đầu trong văn học Đông Á thời ấy. Thế nhưng nhà Đường vẫn luôn có tham vọng xâm lược các nước lân bang, với chính sách cai trị dã man, sắc máu, làm khổ người khác, khi trong nước ruộng vẫn bỏ hoang, nhân dân vẫn nhọc nhằn đói khổ... Chứng nhân trung thực của thời đại đó là các nhà thơ như:
Đỗ Phủ: Là một đấng tài hoa, văn chương lừng lẫy nhưng vẫn lê lết một cuộc đời khốn khổ. Mùa Xuân đến, thấy một cánh hoa rơi thi nhân cũng nghe lòng đắng cay chua xót ; đành mượn rượu tìm quên hay kêu gào cho trời đất, quỷ thần nghe thấu ; rồi ngày mai ra sao cũng được ,chết đói cũng không cần.
“Thanh dạ trầm trầm động xuân chước.
Đăng tiền tế vũ thiềm hoa lạc.
Đản giác cao ca hữu quỉ thần.
Yên tri ngã tử diều câu bác”.
(Đỗ Phủ-Túy thi ca)
(Men xuân đêm lặng chìm chìm.
Trước đèn mưa rắc,ngòai thềm hoa rơi
Hát cho thần, quỷ,biết lời
Đói lăn ngoài rảnh hết đời sá chi
(Hoàng Tạo dịch )
Trương Nhược Hư , cùng những thi nhân bị lưu đày viễn xứ ,với nỗi nhớ quê canh cánh bên lòng, mơ đến mùa xuân trở về sum họp với người thân.
Trong giấc mơ lại thấy hoa rơi; biết rằng mùa xuân sắp hết, chỉ cỏn lại nỗi chán chường tuyệt vọng.
“Tạc dạ nhàn đàm mộng lạc hoa.
Khả liên xuân bán bất hoàn gia.
Giang thủy lưu xuân bất dục tận.
Giang đàm lạc nguyệt phục tây tà”.
(Xuân giang hoa nguyệt dạ)
Đêm qua thanh vắng, mộng hoa rơi.
Nhà chửa về xuân qúa nửa rồi.
Nước cuốn xuân đi, trôi sắp hết.
Dòng sông trăng đã xế sang đoài.
(Khương hữu Dụng dịch)
 
Hoa rụng cũng đồng cảm với khách đa tình trong giờ ly biệt. Trước cuộc chia phôi, ngàn hoa cũng tàn tạ và ngọn nến nhớ tình cũng chảy dài như rơi lệ.
Lý Thương Ẩn với sở trường thi ca tình ái, đã trút nổi buồn qua thơ tuyệt mỹ như con tằm nhả hết bầu tơ.
Tương kiến thời nan, biệt diệc nan.
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ti phương tận.
Lạp cự thành hôi, lệ thủy can.
( Lý thương Ẩn_Vô Đề)
Khó gặp nhau mà cũng khó xa.
Gió xuân đành để rụng trăm hoa.
Con tằm đến thác tơ còn vướng,
Chiếc nến chưa tàn lệ vẫn sa.
(Tương Như dịch)
Hay
Cao các khách cánh khứ
Tiểu viên hoa loạn phi.
(Lầu cao khách đã đi rồi.
Hoa trong vườn nhỏ tơi bời tung bay)
(Lạc Hoa- Lý thương Ẩn )

Mùa Xuân như cô gái mơn mởn má hồng, như hoa xuân vừa hé. Tuổi xuân ngắn ngủi và nỗi buồn thì dài lâu. Cô gái đi lấy chồng là thời hoa niên chấm dứt. Hoa xuân phai dần hưong sắc. Lý Hạ trong bài “Nam Viện” đem lòng thương xót nhan sắc chóng tàn phai của cô gái Việt.
Hoa thì thảo mạn nhản trung khai.
Tiểu bạch trường hồng Việt nữ lai.
Khả liên nhật mộ yên hương lạc .
Giá dữ xuân phong bất dụng môi.
(Lý Hạ-Nam Viện)
Trước mắt trên cành cỏ trổ bông.
Má cô gái Việt trắng pha hồng.
Thưong thay chiều tôi hương hoa rụng
Không mối mà đi lấy gió Đông.
(Châu Giang dịch)
Vương Duy với tháng ngày ẩn dật , một đêm xuânvắng vẻ miền sơn cước;nghe tiếng chim núi giật mình vì ánh trăng vừa lên ,hay tiếng hoa rơi khua động cũng khởi niệm đau buồn. Bài thơ “Điểu Minh Giản” của ông là tiếng thổn thức tuyệt vời ,trong một cảnh sắc chứa đầy âm thanh mỏng manh huyền bí. 
Nhàn nhân quế hoa lạc.
Dạ tỉnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu.
Thời minh tại giản trung.
( Vương Duy-Điểu minh giản)
 
Người nhàn hoa quế rụng rơi.
Đêm xuân lặng ngắt, nuí đồi vắng tanh.
Trăng lên,chim núi giật mình.
Tiếng kêu thủng thẳng đưa quang khe đồi.
( Ngô tất Tố dịch)
Có lẽ mùa xuân không bao giờ đến với những cụ già đơn chiếc; đêm giao thừa dưới ngọn đèn dầu với bàn cờ trước mặt chờ đợi người tri kỷ. Tiếng ếch nhái gần xa trong cảnh mưa buồn tuyết lạnh cũng như lòng ông đang chờ đợi từng bước chân người . Nhưng giờ hẹn đã qua rồi… người bạn già không đến.
Ao hồ tiếng ếch gần xa.
Mai vàng tuyết lạnh,nhà nhà mưa rơi..
Nửa đêm cái hẹn qua rồi. 
Quân cờ gỏ nhảm làm rơi hoa đèn.
(Cổ thi Trung Hoa-Nguyễn Bính dịch)(1)
Với những tâm hồn sầu mộng,thấy hoa rơi thì buồn;nghĩ đến cuộc đời thêm chán ngán; nhưng với Hoàng Sào thì lại khác. Ông thấy hoa rơi lại nghe lòng tràn đầy hy vọng. Ông cho rằng hoa rơi cũng mang ý nghĩa một triều đaị đã đến lúc suy tàn cần được thay thế bỡi một triều đại khác. Trong bài Đề Cúc Hoa, ông đã ví Nhà Đường như vườn hoa cúc muà đông.Và ông hứa hẹn trong một mùa xuân tơí sẽ thay thế nó bằng một triều đại hoa đào rực rỡ:
“Táp táp tây phong mãn viện tài,
Nhị hàn hương lãnh, điệp nan lai.
Tha niên ngã nhược vị thanh đế.
Báo dữ đào hoa nhất xứ khai”.
( Vi vút đầy vườn thổi gió Tây.
Nhị tàn hương lạnh bướm khôn bay
Nếu xuân năm tới ta làm chúa.
Truyền với hoa đào nở cả đây) 
(Khương hữu Dụng dịch).
Nhưng ước vọng ấy đã bị nhà Đường dập tắt.Thơ ông cũng bị thủ tiêu.Nhưng bài thơ trên vẫn là lời tiên tri xác đáng. Sau cuộc nổi dậy của Hoàng sào, nhà Đường chỉ sống thoi thóp trong kiệt lực và dần dần sụp đổ.(2) 
2 - Hoa rụng trong thơ Nhật bản:
Mùa Xuân Nhật bản cũng có nghĩalà mùa hoa anh đào. Các thi nhân Nhật bảncũng thường liên kết mùa xuân với nổi buồn hoa anh đào rụng. Một phần vì ảnh hưởng của thi ca Trung quốc một phần vì lòng trắc ẩn khi nghĩ về những người phụ nữ dịu dàng yếu đuối đáng được yêu như hoa.
Năm 1968 khi Việt nam ngập trong khói lửa thì ở Nhật bản nhà văn Yasurani Kawataba đạt giải Nobel về văn học.(3) Ông là người vén bức màng bí ẩn của thi ca của đất phù tang cho cả thế giới thưởng thức bằng cách mang thi ca vào văn xuôi hiện đại. Các sinh viên Việt nam du học từ Miền Nam Việt nam vào thập niên 60 như Nguyễn Nam Trân, Tôn thất Phương, Phạm vũ Thịnh, Nguyễn ngọc Duyên, Lê Ngọc Thảo, Đinh văn Phước Cung Điền, Cao Ngọc Phượng v.v…đã có công sưu tầm tổng kết và dịch sang tiếng Việt. Từ đó các người yêu thơ mới khám phá một nguồn văn chương tuy rất gần gũi nhưng vô cùng mới lạ . Trươc hết 1à loại thơ Haiku . Loại thơ này chỉ có 17 âm được chia làm 3 câu theo thứ tự 5-7-5. Với số âm ít ỏi như thế, người thưởng thức phãitự khám phá những bí ẩn phía sau lời cô đọng.
Một trong những nhà thơ Haiku hay nhất trong thế kỷ 17 là thi sĩ Basho
. Ông là một thiền giả xuất thân từ hoàng tộc, từng du hànhkhắp nơi trên đất Nhật. Nhà thơ phãi tự rèn luyện để có thể mô tả được cái chân tướng tịch liêu của vạn vật, của con ngưởi. Thơ Haiku của ông hàm chứa những tinh hoa củaZen. Như bài “Hoa Đào”dưới đây:
“ Hoa đào ơi hoa đào.
Trong tận cùng tâm tưởng rụng rơi .
Biết bao điều ( Nguỳễn Nam Trân dịch)
Thể loại thứ hai là thơ Tanka. Đây cũng là một lọai đoản ca như thơ Haiku được hoànthiện( từ thế kỷ thứ 7 ). Thơ gồm 5 câu âm tiết theo thứ tự:5-7-5 7-7.Tiêu biểu của loại thơ này là các bài thơ trong tuyển tập Manyoshu (vạn điệp tập). Đó là tập thơ gồm hàng ngàn bài thơ của nhiều tác giả được sưu tập qua nhiều thời đại
Theo bản dịch của Thái Bá Tân ;nhiều bài thơ đã nói về hoa rụng một cách tuyệt vời diễm lệ:
Bài số 1451:
Trong mỗi cánh hoa.
Anh tặng em.
Quá nhiều những điều anh chưa dám nói.
Em lo cánh hoa không chịu nổi.
Sức nặng của tình anh.
Bài số 1599
Có phãi vì con nai.
Đi qua đồng
Vướng vào hoa huệ.
Mà bông hoa lìa cành như thế.
Hay vì thời gian
Bài số 1833:
Những bông hoa tuyết vừa rơi.
Trên hoa mận trắng.
Em nâng lên tay.
Cho anh-em tặng.
Nhưng trên tay tuyết đã tan rồi.
Đời hoa ngắn ngủi cũng thể hiện qua dân ca Nhật bản được Phạm Duy phổ nhạc và chế lời Việt như sau.
“Trời xuân man mác những mối sầu.
Tình theo gió mau.
Cành hoa tươi tốt không lâu.
Một đêm nào sẽ rớt mau - về đời sau…”( Kiếp hoa anh đào 1974).

Nữ sĩ Ono No Komachi -một trang tuyệt thế giai nhân của vườn thi ca Nhật - nhìn hoa đào tàn rụng lại buồn cho nhan sắc của mình:
Màu hoa phai,nhan sắc tàn.
Cảm thương thân thế hai hàng mưa sa
(Bài hana no-irowa số 9)
Một nữ sĩ được cả thế giới biết đến là Fumiko-(1903-1951) Bà đã từng theo quân đội Nhật như một phóng viên chiến trường đi khắp các vùng Đông Nam Á (Bà đã đến Việt nam 1941 và sống tại Đà lạt đến năm 1943).Cuộc đời bà gặp nhiều bất hạnh .Chỉ với hai câu thơ nói về hoa rụng cũng hiễn lộ ý khổ đau của người phụ nữ Nhật trong chiến tranh - Chính vì thế nó được khắc lên bia mộ trước đền thờ của bà ở Hiroshima.
Hana no inochi wa mijikakute.
Nigashiki koto momi o-kariki.
(kiếp hoa ngắn ngủi
Cay đắng lâu dài )
Nước Nhật một thời được xem như một “ tiểu Trung hoa” nên người Nhật cũng rành thơ chữ Hán. Đầu từ thế kỷ thứ 7(đời thiên hoàng Tenmu) những bài thơ chữ Hán được lưu truyền trong hoàng tộc. Những bài thơ nói về hoa đào rụng đã chứng tỏ tài làm thơ chữ Hán của người Nhật cũng rất tài hoa không kém các thi sĩ nổi tiếng thơì Đường..
Nhật tự tam xuân vĩnh.
Tâm tùy dã thủy không
Sàn đầu hoa nhất phiến.
Nhàn lạc tiểu miên trung.
(Natsume Soseki (1867-1916)
Ngày như ba xuân dài.
Lòng nương sông cửa ngòai.
Đầu giường hoa một cánh,
Chợp mắt rụng nào hay.
(Nguyễn nam Trân dịch)
Hay 
Tam xuân nhị nguyệt Hà dương huyện .
Hà dương tùng lai phú ư hoa.
Hoa lạc năng hồng phục năng bạch.
Sơn băng tần hạ vạn điều tà..
( Hà Dương Hoa- Bunka Shuurei-Shuu)
Tháng hai Xuân đã đến Hà dương
Hoa tiếng từ xưa lắm sắc hương.
Cơn giông núi đến,cành nghiêng ngã.
Vạn cánh hoa rơi trắng lẫn hường .
(Nam Trân)
Nỗi buồn Xuân không những làm đau lòng ngưòi thế tục,mà còn chạm đến tâm tư của các vị cao tăng xuất thế:
“Cỗ lăng tùng bách hống thiên phiêu.
Sơn tự tầm xuân, xuân tịch liêu.
Mi tuyết lão tăng thì tuyết tảo.
Lạc hoa thâm xứ, thuyết nam triều.”
(Fujìi chikugai (1807-1868)
Lăng xưa tùng bách gào trong gió.
Chùa núi tìm xuân,xuân quạng hiu.
Lão tăng mày tuyết ngừng tay chổi.
Núi im hoa rụng ,kễ nam triều.
(Nguyễn nam Trân dịch).
Đến cuối thế kỷ 20 phong trào thơ mới ra đời. Tuy vậy thi ca cận đại cũng phóng tác theo ca dao cổ. Ảnh hưởng của thuyết hiện sinh, những bài ca hoa rụng được phổ biến nhiều trong giới hưởng lạc trong các xóm bình khang.
Sắc hương nào tiếc chi ai.
Hoa bìm sáng thắm rồi phai nắng chiều.
Hoa bìm không mang tính cao sang như hoa tử dương , nhưng tất cả đều cùng chung số phận.Nhà thơ Miyoshi Tatsuji đã mô tả thật tài tình qua bài Ubaguruma(Chiếc xe nôi) đã đưa ta từ hiện thực trở về cổ kính để rồi tan nhập vào cỏi bao la không bàn luận được.:
Mẹ ơi!
Có gì nhạt nhạt buồn buồn đang rơi.
Có gì mang màu tím hoa tử dương …đang rơi.
Phiá cuối hàng cây xa.
Nơi gió thổi lạnh lùng.
Ngày đã về chiều.
Mẹ hãy đẩy xe nôi của con.
về phía mặt trời,chiều đang nhuốm lệ.
Chiếc xe nôi cọc cạch cuả con.
Mẹ ơi! 
con vẫn biết.
con đường này xa xôi.
Không bao giờ chấm dứt.
(Nguyễn Nam Trân dịch)

Đi đến hướng hoa rơi, đến hướng hoàng hôn …là con đường xa xôi diệu vợi. Người Nhật cho rằng họ đang sống trong xứ sở của Măt Trời mới mọc.
Lòng thi nhân luôn mơ về một cỏi xa xăm và cảm thấy mình nhỏ nhoi bất lực.
3-Hoa rụng trong thi ca Ấn Độ: 
Ấn độ là một trong những nước có nền văn hoá và văn minh cổ kính huyền bí,muôn màu Nếu cả thế giới đã bàng hoàng khâm phục Homère với những trường thi hùng tráng Odyssée ,Iliad… trong cổ thi Hy lạp, thì cũng giật mình kinh ngạc trước trường ca Ramayana và Mahabharata của sử thi Ấn Độ. Mahabharata (vĩ đại) là một bức tranh hoành tráng đồ sộ lung linh trong cảnh giới thần linh và con người ,tập trung tất cả những gì có ở xứ nầy. Nó gần giống như một quyển tự điển bách khoa.Còn Ramayana là trường thi bi tráng bắt nguồn từ truyền thuyết nói về hoàng tử Rama:
Trong cuộc chinh biến ở hoàng cung,hoàng tử Rama bị lưu đày trong rừng sâu . Người yêu của chàng là Sita bị quỉ vương Ravana bắt, đưa về đảo Lanka. Rama trải qua bao gian khổ,liên minh với nhiều vua khác và cuối cùng đã đánh cứu được nàng. Sau khi thắng trận đáng lẽ chàng gặp ngay hạnh phúc,thế nhưng chàng lại nỗi cơn ghen tức vì nghi ngờ nàng Sita không chung thủy.
“Hoa Ashoka đỏ như than lửa.
Bay đầy trong gió Xuân. 
Gió Xuân quạt anh rát mặt…
(Đổ Khánh Hoan dịch)
Sự ghen tuông khiến chàng khổ đau giận dữ , muốn hành hạ nàng . Điều này khiến nàng thêm đau đớn. Để chứng minh tiết hạnh của mình nàng nhảy vào lửa đỏ….và thần lửa Anhi đã soi sáng chocả hai người.
Một lời khuyên của thần Anhi với Rama đã lưu truyền kim cổ. Đó là:
Đừng đánh người phụ nữ dầu bằng một đóa hoa
(Câu này từ lâu ta cứ tưởng là châm ngôn của Pháp).
Hoa rụng không phãi là nỗi buồn riêng tư của những tâm hồn trần tục Ấn độ; mà cỏn diển tả nổi tang thương của đất trời, của vũ tru.. Trong kinh điển Phật giáo còn ghi lại; Ngày Đức Thích Ca nhập diệt,hoa mạn đà la rơi đầy mặt đất. Hoa rơi phủ cả kim quan.
Thế nhưng văn hóa truyền thống Ấn có lúc tưởng như mất hẳn khi văn hoá Hồi giáo ngự trị xứ sở này. Ấn độ lại là xứ đa nhân chủng ,ngôn ngữ mỗi miền mỗi khác nên việc truyền bá văn học cũng khó khăn. Người mù chữ chiếm gần 60% . Nạn chết đói vẫn luôn đe dọa. Nỗi đau buồn nhất của các văn nhân thi sĩ là thiếu độc giả. Ấn độ đành khép kín nền văn hóa kiêu hùng đã có từ hai ngàn năm trăm năm về trước cho đến thời kỳ bị người Anh chiếm đóng.
Đầu thế kỷ thứ 20 bỗng xuất hiện nhiều nhân tài vĩ đại như Rabindranath Tagore, Aurobindo Ghose,Salman Rushdie,Micheal Madhusudan,Toru Dutt nhà phê bình Sudeep Sen v.v…Họ là những người đi tiên phong và mạnh bước trên đường phát huy văn hóa. Họ làm thơ và viết văn bằng Anh ngữ. Tuy vậy văn chương chỉ đựơc lưu chuyển trong hàng quí tộc và ở nước ngoài. Đa số người thôn quê không có khả năng thưởng thức. Văn hoá mới Ấn độ đến được Việt nam nhờ các dịch gỉả lỗi lạc như Đỗ Khánh Hoan, Phùng Hoài Ngọc, Phạm Thủy Ba và một số các sinh viên Việt nam du học.
Nhà văn hoá Ấn Độ nổi tiếng nhất trong thế kỷ 20 là Rabindranath Tagore(1861-1941)R.Tagore vừa là nhà thơ,một triết gia, một nhà soạn nhạc,một nhà aí quốc, vừa là một nhà cách mạng về tôn giáo.
Ông là người Châu Á đầu tiên được nhận giải nobel văn học(1913). Thơ ông là một đại dương tràn đầy nhân ái. Ông viết về tình yêu về cái đẹp, về thiên nhiên, ước mơ đem đến những giá trị hoàn thiện cho con người hôm nay và mai hậu. Và ông cũng nói đến hoa tàn:
“Hoa nở rồi tàn.
“Nhưng ai đó đã cài hoa lên áo
“Cũng chẵng cần mãi mãi khóc thương hoa…”
(Tâm tình hiến dâng - Đỗ khánh Hoan dịch)

Thơ ông cũng là thơ tải đạo. Ý đạo được hiển lộ như màu hoa đơn sơ ; dầu đã tàn nhưng còn hiện hữu: “thơ tôi viết cho anh toàn là những điều anh đã biết;những gì đang lưu chuyển trong giòng máu lưu truyền. Anh hãy tự tìm thấy và tận hưởng cái mỹ mièu anh đang có…”
“Bạn là ai-người trăm năm sau hay đang đọc thơ tôi.
“Tôi không thể gởi bạn bông hoa duy nhất
trong sắc xuân này 
“Ánh vàng độc nhất từ sắc mây .
“Xin mở toang cửa sổ.
“Thu nhặt ngay trong vườn mình hoa nở rộ,.
“Kỷ niệm ngát hương 
của bông hoa trăm năm về trước đã phai tàn.”
(Tâm Tình Hiến Dâng bàì 85- Đỗ Khánh Hoan dịch)
Trong tình yêu cũng thế. Hãy nhìn lại chính mình. Bây giờ. Không nghĩ chuyện xa xôi. Em cho ta tình yêu thì ta cứ nhận.Nhận hay không nhận cuối cùng em cũng khổ đau thôi. Dầu sao đi nữa thì ngay bây giờ em vẫn đẹp
“Hoa nầy anh xin nhận.
Cứ trao em trái sầu.
Tôi nhìn em chợt hiểu.,
Nhan sắc nàng vô tư….
Khi yêu nhau người ta thích quà tặng. Ý thơ cũng rất lạ lùng:
Yêu em ,anh không biết tặng cho em một món quà gì?
-Cho em ánh tươi hồng của bình minh em nhé?
-nhưng bình minh cũng sẽ tắt em à!. Hay một ca khúc?
-rồi em cũng nhàm chán thôi. 
Hay ngọn đèn?
-ngọn đèn rồi cũng tắt.
Hay những đoá hoa.?
-Thôi, hoa rồi cũng rụng…
Này em! Nếu một buổi thanh nhàn nào đó em sang vườn anh,nghe thoang thoảng mùi hương hoa thơm ngát. Đó là món quà cho em đấy;
hay em thấy hoa lá trên đường rợp ánh tà dương, đó là quà tặng cho em đấy.
Và 
rồi tất cả cũng mất đi !Em biết không. 
Món quà qúi nhất thì em đang có đấy ,đâu cần tìm kiếm bên ngoài:
…… Tìm đâu thân vạn dặm chơi.
Xa tầm tay với,xa nơi ngôn từ.
Những gì em có riêng tư.
Không hay không biết không chờ không xin.
Bạn lòng ơi giữ cho bền.
Của riêng em đó kiếm tìm đâu xa.
Dù ta có tặng em quà.
Tặng hoa hay khúc tình ca… đáng gì.
(Tâm tình hiến dâng_Quà tặng) (Tâm Minh Ngô Tằng Giao dịch )
Rồi thời gian sẽ thiêu đốt tuổi hoa niên.Tình yêu có bị cháy rụi không em khi những bông hoa kia rơi rụng?
Mặt trời lên thiên đỉnh.
Ngày cháy ánh tà huy.
Những bông hoa héo uá.
Đã tàn rơi-còn gì.
(Tâm tình hiến dâng-Đỗ Khánh Hoan dịch)
Bài thơ đó chàng đã tặng cho người đẹp Argentine-Nàng Victoria Ocompo -vào năm 1924 taị Buenos Aires.
Những bông hoa héo uá tàn rơi.Nhưng còn gì?. Nàng Victoria Ocompo có bao giờ chợt hiểu .
Nhưng tại sao hoa lại uá tàn,Tagore tự hỏi-phãi chăng chỉ vì thời gian tàn nhẫn hay bỡi con người muốn hưởng trọn cho riêng mình.Tại sao ta cần có một bó hoa trong khi thiên nhiên cho ta nhiều hơn thế...
“Tại sao đèn phụt tắt.
Tại tôi lấy áo che gió cho đèn.
Tại sao hoa úa tàn.
Tại tôi ôm chặt hoa mà lòng áy náy băng khuăng”
(tâm tình hiến dâng- bài số 52)
Sự cố gắng của con người là vô vọng. Lối thoát là sự quay về ,buông bỏ. Nếu không tất cả dầu sẽ ra đi nhưng sự khổ đau vẫn còn ở lại .
Đó là một phần trong xương tủy của văn hoá Ấn.
Ta ép hoa vào lòng,gai nhọn đâm sâu..
Ngày tắt, hoa tàn nhưng nỗi đau còn nguyên vẹn(TTHD 57)
4- Hoa rụng trong thi ca Việt nam:
Trong khi thi ca Trung Hoa rất thịnh trong thời Đường thì ở Việt nam thời ấy thi ca hầu như chưa được khai sinh.
Thật ra nhà Đường đã thành công trong việc kiềm hãm và tiêu diệt nền văn hóa Việt. Chữ Hán tuy đã vào nước ta từ thế kỷ thứ nhất trước công nguyên theo vó ngựa của quan thái thú (năm 179 TCN). Thế nhưng cho đến trận Bạch đằng (năm 938) là đúng 1.117 năm thi ca Việt nam vẫn chưa phát triển. Lần theo văn học sử ta bắt gặp những khoảng trống đau lòng.Ví dụ từ năm 825 đến năm 980 lịch sữ chỉ còn ghi lại được 22 câu thơ. Hai mươi hai câu thơ trong thời gian 155 năm !
Khó mà tưởng tượng . Thật ra 22 câu ấy cũng không phải là thơ mà là tập hợp từ hai bài kệ và một bài từ (dành cho tôn giáo và chính trị).
Sở dỉ có tình trạng đó vì sự cai trị khắc nghiệt của Bắc Phương. Với sách lược ngu dân họ không muốn mở trường dạy học. Nên văn chương bản địa chỉ là văn chương truyền khẩu. Chỉ có các nhà sư tự học chữ Hán để đọc kinh,chép kinh. Nên thơ ca chỉ còn lại những câu ca dao do giới bình dân truyền miệng và các bài kệ của các vị cao tăng Phật Giáo.
Bài thi kệ có nhắc đến mùa Xuân hoa rụng được nhiều người biết đến là bài “Cáo Tật Thị Chúng”của thiền sư Mãn Giác (1052-1096)
Xuân khứ bách hoa lạc.
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá.
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười.
Sự đời qua như chớp.
Tuổi già đến trên đầu.
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết.
Đêm qua sân trước một cành mai.
Bài thi kệ trên đây là viên ngọc quí của thi ca Phật Giáo và cũng là áng thơ tuyệt mỹ của thi ca Việt nam. Các học giả uyên thâm Nho học,Phật học đã phân tích bình luận khá nhiều,nhưng hình như chẳng ai dám khẵng định rằng mình đã vói tới những lời giáo huấn cao vời của một thiền sư đắt đạo. Bỡi lẽ đây không phãi là bài thơ viết cho hàng thế tục,mà là bài giảng cuối cùng trước khi ngài ra đi.Mục đích là cho tăng chúng hành trì. Tuy vậy người thế tục vẫn bồi hồi thức tỉnh,với một niềm hy vọng bao la khi đọc hai câu cuối.
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết. Đêm qua sân trước một cành mai.
Một bài thi kệ có nhắc đến hoa rụng thứ hai là bài Sơn Phòng Mạn Hứng của một bậc quân vương đắc đạo: Điều Ngự Giác Hoàng. Ngài chính là vua Trần Nhân Tông đã từng làm cho quân Nguyên hai lần khiếp đảm. Thắng lợi to lớn ấy ngài cũng không gọi là vinh quang, đến ngôi vua ngài cũng cầm bằng đôi dép rách thì sá gì những lời hơn thua phải trái.
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc.
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn.
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề diểu hựu xuân tàn
Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm.
Hoa tàn ,mưa tạnh non im vắng.
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim.
(Đỗ văn Hỷ dịch)
Ngài buông bỏ tất cả .Nhưng không phãi là mất đi tất cả. Hai câu cuối phải chăng là giá trị mà ngài đã đạt được.Từ cái vô thường ngài đã đi đến bản lai diện mục của sơn hà đại địa. Cái im vắng của núi non mùa xuân vẫn còn một tiếng chim, một âm vang cho hậu thế ngàn đời…
Năm 1406 quân Minh lại xâm luợc nước ta. Cuộc kháng chiến của nhà Hồ thất bại. Đất nước một lần nữa lại rơi vào kẻ thù phương bắc.
Chỉ trong vòng 20 năm(từ 1407 đến 1427) quân Minh phá huỷ An Nam Tứ Đại Khí. Đốt gần hết sách vở lưu lại từ hai triều Lý Trần. Giấc mơ Đại Hán luôn ám ảnh họ cho đến khi Lê Lợi kê gươm thần vào cổ Vương Thông họ mới tạm thời sực tỉnh.
Và từ đó Văn học Việt nam như những đoá hoa trong gió Đông ,giữa cỏi thanh bình đua nhau nỡ rộ . Từ chiếc lá Bình Ngô cho đến chốn ẩn cư Côn Sơn đều chung một cõi thanh nhàn.
Xuân đến đồng hoa cỏ nội.
Thiền môn một mái tranh cài.
Tùng cúc đi về đường lối hẹp.
Phù du bào ảnh nhập thiên thai.
(Nguyễn Trãi-Côn Sơn Ca

Dầu rằng vẫn có nàng chinh phụ nhớ chồng khắc khoải trong đêm ,ra sân trông ngóng tin chồng nhưng chỉ thấy:
Hoa buồn hoa rụng quanh tường.
Dạo sân một bước trăm đường ngẩn ngơ
Hay người cung nữ trong cung cấm khóc than số phận mỹ nhân, nhìn thời gian đi qua, thương tiếc tuổi hoa niên, buồn cho nhan sắc mỗi ngày thêm
tàn tạ…Buồn vì nỗi nguyệt tà ai trọng .Buồn vì điều hoa rụng ai nhìn
Hay nổi sầu mộng của chàng thư sinh Kim Trọng. Gã si tình tìm đến nhà cô gái lân la trước cổng. Người đẹp đâu không thấy chỉ thấy bàng hoàng trước cảnh đìu hiu:
Lơ thơ tơ liễu buông mành.
Con oanh học nói trên cành mỉa mai.
Mấy lần cửa đóng then cài.
Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu
( Nguyễn Du -Kiều)
Thế rồi…cảnh thanh bình Việt nam như mùa xuân ngắn ngủi.. Đất nước ta lại rơi vào tay thực dân Pháp Nỗi đau mất nước xa nhà nhìn xuân đi,hạ đến thu tàn đông lại …khách tha hương chạnh lòng mong nhớ
Tình khách bâng khuâng mấy dặm đường.
Mai tàn-sen đã ngát mùi hương..
Màu thu vườn cũ ra sao nhỉ.
Hoa lạnh nơi này đã cợt sương.
(Cao Bá Quát-Hoài cảm)
Đầu thế kỷ 20, phong trào thơ mới ra đời. Hoa xuân vẫn rơi rụng trong thi ca và ý xuân vẫn tỏa hương âm thầm trong gió nuí như Xuân Diệu trong bài “Gởi hương cho gió” .
Tản mát hương ngàn lạc gió câm.
Dưới rừng hoa đẹp chẳng tri âm.
Trên rừng hoa đẹp rơi trên đá.
Lặng lẽ hoàng hôn phủ bước thầm.
Hay như màu hoa phượng rơi đỏ thắm trên đường . Dấu chân người còn đọng lại những dư hương thời dĩ vãng,
Rưng rưng hoa phượng màu thương nhớ.
Son đậm bên thành những sắc xưa.
Cánh rực đòi cơn, rơi lối đỏ.
Bên chân ghi đọng dấu bao giờ
(Huy Cận_giấc ngủ chiều 1940)
Hoặc lấy cảm hứng từ nổi đau vay mượn như Chế Lan Viên
Ông làm như chán ghét mùa Xuân. Khi ngàn hoa đua nở thì lòng ông khép lại; kêu gào, hoảng hốt:
Huyền Trân! Huyền Trân! Huyền Trân ơi.
Mùa Xuân! Mùa xuân ! mùa xuân rồi.
Giờ đây chín vạn bông trời nở.
Duy có lòng ta khép lại thôi.
Hay tìm cách ngăn lối xuân về bằng cách góp nhặt những tàn dư quá khứ..
Ai đâu trở lại mùa thu trước.
nhặt lấy cho tôi những lá vàng,.
với cả hoa tươi muôn cánh rả. 
về đây đem chắn nẻo Xuân sang
Nhà thơ Lưu Trọng Lư cũng có lúc xem tình yêu là hoa mộng. Hoa tàn,mộng cũng tan theo:
Giờ đây hoa hoang dại 
Bên sông rụng tơi bời
Đã qua rồi cơn mộng
Đừng vỗ nữa tình ơi!( Còn Chi nữa)
Chỉ có Thái Can là sớm hiểu luật vô thường nên rất bình tỉnh trong giờ ly biệt.
Chẳng phãi vì anh, chẳng tại em.
Hoa xuân tàn tạ rụng bên thềm.
Ân tình sớm nở chiều phai úa. 
Chẳng phãi vì anh, chẳng tại em.
(Anh biết em đi chẳng trở về_Thái Can 1940).
Sau 1945, phần đông các thi sĩ Việt nam phải rơi vào vòng xoáy chính trị. Thi ca lãng mạn được thay thế bằng thi ca cách mạng. Các ngọn bút tài danh đã được chính quyền miền Bắc sử dụng như những chiến sĩ đi đầu trên nhiều mặt trận. Khi đất nước bị phân chia một số các thi nhân như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Anh Thơ… theo chân Tố Hữu đã dùng ngọn bút như vũ khí đấu tranh vô cùng lợi hại. Những chiến dịch Đông xuân đã làm chết bao cô gái bao chàng trai bao nhiêu trẻ thơ
"Tưng bừng năn 68 chuyển nhanh .
Như một chuyến tốc hành chở đầy hoa chiến thắng..."(Tố Hữu)
Hoa Xuân chỉ là xác hoa chiến thắng được kết bằng máu lệ.
Có ai tự hỏi giữa lúc giao thừa có “bao nhiêu lòng mẹ nhớ con, bao nhiêu lòng vợ trông chồng…bao nhiêu người ngã gục…
Trong khi đó phần đông các thi sĩ miền nam vẫn vô tư, vẫn miệt mài trong thơ tình yêu, thân phận, cùng nỗi chán chường ân hận tiếc thương. Nhưng tất cả đều rất đẹp bởi họ vẫn còn đứng vững trên lập trường nhân bản, biết nói yêu thương không cổ vũ hận thù. Chỉ tiếc là chưa bao giờ họ được hưởng một mùa xuân trọn vẹn.
Mùa Xuân Đông phương là sự hồi sinh sau những tai ương của mùa Đông u ám. Dầu là người Trung hoa, Nhật bản, Ấn độ hay Việt nam, dầu hòan cảnh có khác nhau nhưng vẫn có chung một nổi đau buồn.Nỗi đau buồn hoa rụng. Không phãi là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là những đồng cảm đồng thanh của các bậc thiên tài. Người thế tục gắn nỗi buồn từ trái tim sầu mộng với thiên nhiên.Người thoát tục nhìn thiên nhiên để liễu tri bằng tâm thánh thiện.
Tự do tự tại bất tri tử.
Hoa lạc hoa khai vô hạn xuân
(Nguyễn Du-Đồ trung ngẫu hứng)
Sống an nhiên thì không biết chết. Hoa tàn hoa rụng mặc xác hoa.Mùa xuân xưa nay vẫn thế. Chỉ có sự bình an thật sự của tâm hồn mới là mùa.
Xuân thật sự. Đạt được tinh thần ấy ta sẽ có mùa Xuân vĩnh viễn. Khó chăng?
Lam Điền Nguyên Thử
Phụ chú
(1) Bài cổ thi có tên là “Hữu Ước” của Triệu Sư Tú ,tự Tử Chi,hiệu Linh Tú. Có âm như sau: 
Hoàng mai thời tiết gia gia vũ
Thanh thảo trì đường xứ xứ oa.
Hữu ước bất lai qua bán dạ.
Nhàn xao kỳ tử lạc đăng hoa.( bài này do nhà văn kiêm nhà thơ Hoàng Ngọc liên cung cấp)
 
(2) Ngoài những tác giả đã đề cập đến ta còn thấy rất nhiều những thi sĩ thời Đường nói về hoa rụng trong thơ Xuân như: Lý Bạch với bài Thái Liên Khúc ,Vi thừa Khánh với bài “Nam hành biệt đệ”, Mạnh Hạo Nhiên với bài “Xuân hiểu” , Lư Phương Bình(Xuân Oán),Trương Bật (Ký nhân) , Vương Giá (Xuân tình),Thôi Đồ (xuân tịch lữ hoài) ,Thôi Huệ Đồ (Yên đông thành trang) ,Tư Mã Lễ (Cung Oán) Trương kính trung (biên Từ)v.v...
(3) Kawabata Yasunari(1899-1972) là người Đông Á thứ nhì được nhận giải Nobel về Van Học (năm 1968) sau R.Tagore(Ấn Độ 1913) và trước Cao Hành Kiện (năm 2000).Cao Hành Kiện người gốc Trung hoa nhưng đã nhập quốc tịch Pháp nên không được xem là người Đông Á.
Cái đẹp của sa mạc là một cái giếng nó ẩn dấu nơi đó


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...