Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Một ca khúc viết về mùa xuân của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Một ca khúc viết về mùa xuân của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhận định về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thế này: “Toàn bộ âm nhạc của anh đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ, nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa”. Nhạc phẩm “Góp lá mùa xuân” là một minh chứng cho nhận xét đó.
Người phu quét lá bên đường
quét cả nắng vàng quét cả mùa thu

Rừng thu phơi những cành khô

trăng về sau hè

Ngày thu xanh yếu làn da
em nằm ốm chờ
Người phu quét lá dưới nguồn
quét cả gió nồm quét cả mùa đông
Đầu sân hoa tím sầu đông
Bèo mang hoa tím về sông
Còn em xanh mướt hồng nhan
Chiều em ra bến cầu kinh
Người phu quét lá bên đường
quét cả nắng hồng quét hạ buồn tênh
Màu da em đã nâu hồng
chân nhộn phố phường em về biển xa
Bàn chân thoát chốn ao tù
em về đứng chờ dưới ngọn tình ca
Mùa xuân lót lá em nằm
lót đầy hố hầm lót lời đạn bom...
Người phu thôi quét bên đường
quét chỗ em nằm quét cả mùa xuân.
Góp lá mùa xuân - Khánh Ly
Góp lá mùa xuân - Lê Cát Trọng Lý

Ca từ của nhạc phẩm “Góp lá mùa xuân” rõ ràng không phải là một dòng tự sự, không miêu tả, không kể chuyện. Toàn bộ nhạc phẩm là sự diễu qua của lát cắt các sự việc và hình ảnh trong khoảnh khắc, tưởng như không liên quan, không có mối liên hệ với nhau nhưng lại gợi cho ta cảm giác về kiếp người, về chiến tranh (ca khúc nầy viết trước năm 1975), về sự chảy trôi của thời gian…
Cả bản nhạc là một sự kết liên của những hình ảnh nửa hư nửa thực. Dường như không gian lẫn thời gian đều bị xóa nhòa và hòa lẫn. Người nghe lạc bước vào cõi thâm u của cảm giác, của những dấu ấn tự ngã. Xuân, Hạ, Thu, Đông được đồng hiện để vẽ nên bức tranh tạo diệt kiếp người. “Người phu quét lá” tạo nên cảm giác trôi chảy không ngừng của sáng tạo và hủy diệt, còn “em” phải chăng là chủ thể con người đang quay cuồng trong đau khổ nhân sinh mòn mỏi. Với những cấu trúc được lặp đi, lặp lại “quét cả… quét cả…” khiến ta cảm thấy vô vọng giữa vần xoay của tạo hóa. “Làm sao thoát ra được?” chính là câu hỏi của bao bậc thức giả khi bắt đầu nhận thức được vô thường.
Nếu tách riêng từng lời ca có vẻ như đó chỉ là các thực thể phi logic. Tuy vậy, giữa các thực thể dù ít hay nhiều vẫn có một sự liên hệ. Sự liên hệ ấy chính là trình tự hình ảnh nảy sinh từ kinh nghiệm vô thức. Khi được đặt cạnh nhau trong giai điệu của Trịnh, nó khiến ta “mê mê, tỉnh tỉnh”. “Góp lá mùa xuân” là cả thế giới ta bà với những hình ảnh gián đoạn đầy hư ảo và siêu thực. Nó như chạm vào bản chất của những sự việc mà ta không thể nào diễn đạt mà chỉ có thể tự cảm nhận - cảm nhận bằng trực giác. Những phân tích của người nghe chúng ta sự thực cũng chỉ là cảm giác, chỉ là ám ảnh được bắt lấy khi ta chìm vào bức tranh âm thanh mà nhạc phẩm vẽ ra.
Âm nhạc cho mùa Xuân thường là giai điệu tươi vui rộn ràng nhưng dường như với Trịnh nhạc sĩ, bài nhạc hiếm hoi dành trọn cho chủ đề mùa Xuân này là sự trăn trở, day dứt trước cõi người phù phiếm. Chỉ có lẽ sinh-diệt là trường tồn. Kiếp người rồi cũng sẽ qua, dù khôn, dù dại cũng về cùng cát bụi. Và khi mùa Xuân đang ở ngưỡng cửa, hãy tự vấn ta đã để lại gì giữa thế gian.  

Góp Lá Mùa Xuân - Yeucahat.com 

Phan Khắc Huy
Nguồn: VNTrẻ TG số 43  




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...