Tất cả bắt đầu bằng suy nghĩ
Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói
quen và thói quen tạo nên định mệnh.
Họ tìm đến VN mong những đột phá kỳ diệu và một vận hành năng động
kiểu thung lũng Silicon (trung tâm IT của Mỹ ở phía nam San Francisco). Sau vài
năm tung tiền mua tiềm năng và cơ hội, họ thường thất vọng và âm thầm bỏ đi. Tại
sao?
Họ đã không lầm về những số liệu tạo nên hình ảnh đó. Tuy nhiên, sự
phân tích và biện giải về logic của họ vướng phải vài giả thuyết và tiền đề
không chính xác. Một người có số tuổi còn trẻ không có nghĩa là sự suy nghĩ và
vận hành của người đó cũng phải trẻ trung như số tuổi, nhất là khi họ lớn lên
trong một xã hội khép kín, ít tiếp xúc với thế giới.
Tôi còn nhớ một đai gia IT nổi tiếng cũng đã từng kết luân trong một
buổi hội thảo về kinh tế là số người sử dụng điện thoại di động ở VN đã tăng
trưởng ấn tượng 36% mỗi năm trong 5 năm qua và lên đến 68 triệu người hay khoảng
80% dân số. Kết luận của anh chuyên gia trẻ này là tương lai về công nghệ thông
tin của VN phải sáng ngời và sẽ vượt trội các nước như Trung Quốc, Ấn Độ,
Philippines...
Đây là những kết luận ngây thơ về thực tại của xã hội. Một người
trẻ suốt ngày la cà quán cà phê hay quán nhậu sẽ không đóng góp gì về sáng tạo
hay năng động; cũng như vài ba anh chị nông dân với điện thoai cầm tay không
thay đổi gì về cục diện của nông thôn ngày nay (nông dân vẫn chiếm đến 64% của
dân số xứ này).
Tôi thích câu nói (không biết của ai): Tất cả bắt đầu bằng suy
nghĩ (tư duy). Suy nghĩ tạo nên hành động, hành động liên tục biến thành thói
quen và thói quen tạo nên định mệnh. Định mệnh của cá nhân phát sinh từ tư duy
cá nhân, định mệnh tập thể đúc kết bởi suy nghĩ của tập thể.
Tư duy, thói quen và định mệnh
Quên đi góc nhìn cá nhân, hãy tự suy nghĩ về tư duy thời thượng của
xã hội này và từ đó, ta có thể nhận thức được những hành xử và thói quen của
người dân VN. Bắt đầu từ tầng cấp lãnh đạo về kinh tế, giáo dục và xã hội đến lớp
người dân kém may mắn đang bị cơn lũ của thời thế cuốn trôi; tôi không nghĩ là
một ai có thể lạc quan và thỏa mãn với sự khám phá.
Những thói quen xấu về chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều
lĩnh, sĩ diện... vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách
nhiệm, danh dự và hy sinh. Dĩ nhiên, đây là một nhận định chủ quan, sau một lục
lọi rất phiến diện trên báo chí, truyền hình và diễn đàn Internet. Nhưng tôi
nghĩ là rất nhiều người VN sẽ đồng ý với nhận định này.
Tôi nghĩ lý do chính yếu của những thói quen tệ hại này là bắt nguồn
từ một tư duy già cỗi, nông cạn và nhiều mặc cảm. Tôi có cảm giác là ngay cả những
bạn trẻ doanh nhân và sinh viên mà tôi thường tiếp xúc vẫn còn sống trong một
thời đại cách đây 100 năm, dưới thời Pháp thuộc. Thực tình, nhiều bậc trí giả
đã lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành
xử văn minh.
Tôi thường khuyên các bạn trẻ hãy đọc lại những tiểu thuyết của thời
Pháp thuộc trước 1945. Họ sẽ thấy đời sống và các vấn nạn của một nông dân
trong truyện của Sơn Nam vẫn không khác gì mấy so với một nông dân qua lời kể của
Nguyễn Ngọc Tư. Bâng khuâng và thách thức của những gia đình trung lưu qua các
câu chuyên của Khái Hưng rất gần gũi với những mẫu chuyện ngắn của nhiều tác giả
trẻ hiện nay. Ngay cả những tên trọc phú, cơ hội và láu lỉnh trong tiểu thuyết
của Vũ Trọng Phụng cũng mang đậm nét hình ảnh của những Xuân Tóc Đỏ ngày nay
trong xã hội.
Ôm lấy quá khứ ở thế kỷ 21
Tóm lại, tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy
nghĩ trong môi trường cả 100 năm trước. Những mặc cảm thua kém với các ông chủ
da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Trong lãnh vực kinh doanh, phần lớn
các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản.
Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim
ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một
khu công nghiệp của VN, "Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn
quên".
Tôi đang ở tuổi 66. May mắn cho tôi, nền kinh tế toàn cầu đã thay
đổi khác hẳn thời Pháp thuộc. Tôi không cần phải dùng tay chân để lao động, cạnh
tranh với tuổi trẻ. Kinh doanh bây giờ đòi hỏi một sáng tạo chỉ đến từ trí tuệ
và tư duy đổi mới. Thân thể tôi dù bị hao mòn (xương khớp lỏng lẻo, tai mắt nhấp
nhem..). nhưng trí óc tôi và tinh thần vẫn trẻ hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, nó
không bị phân tâm bởi những hóc môn (hormones) về đàn bà hay những thứ lăng
nhăng khác như các bạn trẻ. Do đó, hiệu năng và công suất của sự suy nghĩ trở
nên bén nhậy hơn.
Người Mỹ có câu, "Những con chó già không bao giờ thay đổi"
(old dogs never
change). Do đó, tôi thường không thích trò chuyện với những người trên 40, nhất
là những đại trí giả. Nhưng tôi thất vọng vô cùng khi về lại VN và gặp toàn những
ông cụ non mới trên 20 tuổi đời: Nhút nhát, cầu an, thụ động, chỉ biết ăn nhậu,
và đua đòi theo thời thế. Họ sống như các ông già đã về hưu, họ nói năng như một
con vẹt, lập đi lập lại những giáo điều, khẩu hiệu đã hiện diện hơn trăm năm. Họ
làm việc như một con ngựa bị bịt kín đôi mắt để chỉ nhìn thấy con đường một chiều
trước mắt.
Nhiều người đỗ lỗi cho những thế hệ trứơc và văn hóa gia đình đã kềm
kẹp và làm cho thế hệ trẻ này hay ỷ lại và hư hỏng. Cha mẹ vẫn giữ thói quen sắp
đặt và quyết định cho các con đã trưởng thành (ngay khi chúng vào tuổi 30,
40..) về những cuộc hôn nhân, công việc làm, ngay cả nhà cửa và cách sinh họat.
Hậu quả là một thế hệ đáng lẽ phải tự lập và lo tạo tương lai cho mình theo ý
thích lại cúi đầu nghe và làm theo những tư duy đã lỗi thời và tụt hậu.
Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy
năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ VN đang lần mò trong
bóng tối của quá khứ. Tôi tự hỏi, sao quê hương mình ... già nua nhanh như vậy?
Những nhiệt huyết đam mê của tuổi thanh niên bây giờ chỉ dành cho những trận đá
bóng của Châu Âu? Tôi nhìn vào những nghèo khó của dân mình so với láng giềng
chỉ là một tình trạng tạm thời. Nhưng tôi lo cho cái tư duy già cỗi của tuổi trẻ
sẽ giữ chân VN thêm nhiều thập niên nữa. Cái bẫy thu nhập trung bình to lớn và
khó khăn hơn mọi ước tính.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét