Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Thiên nhiên - Thế giới tinh thần của con người trong văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường

Thiên nhiên - Thế giới tinh thần của con người trong văn xuôi Hoàng Phủ Ngọc Tường 
TS. Ngô Minh Hiền
Trong bức tranh văn chương đẹp đẽ của Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT), thiên nhiên là một mảng màu đầy ý nghĩa. Nó trầm lắng và tỏa sáng bằng sự hòa tan của những sắc màu văn hóa. Tất cả đất, trời, sông, núi, bãi biển, con đèo, rừng cây, khí hậu... đều hiện tỏa sức sống cùng khả năng nuôi dưỡng, tái sinh văn hóa của chúng.
Khám phá tác phẩm văn học từ góc độ văn hóa trên cơ sở nhận thức mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, có thể thấy thiên nhiên trong văn xuôi của HPNT đã được xây dựng thành những thế giới tinh thần của con người. Ở đó, cái nhìn về thiên nhiên trong tư duy văn hóa phương Đông đã kết hợp với ý niệm bình đẳng, dân chủ của văn hóa phương Tây, khối tri thức uyên bác về khoa học, nghệ thuật, triết học, cái tôi nghệ sĩ và tài năng nghệ thuật của HPNT, tạo thành một sự hòa điệu tuyệt vời giữa thiên nhiên và con người trong tác phẩm của nhà văn.
Thiên nhiên là nơi HPNT khao khát tìm về để có thể được sống sâu, sống thực cuộc đời mình. Nếu ở Nguyễn Tuân, thiên nhiên được nhìn nhận, đánh giá trong sự phấn khích của con người khi phát hiện ý nghĩa to lớn của cái tôi trong cuộc đời thì ở HPNT, thiên nhiên lại được cảm nhận bằng sự hòa điệu tuyệt vời của tâm hồn con người trong ý thức sâu sắc của chính họ về tầm quan trọng của nó với sự tồn tại của con người cả về khía cạnh vật chất lẫn tinh thần. Bởi khi nhịp sống hiện đại gấp gáp đã tạo ra sức ép lớn, làm biến động thế giới tâm hồn của con người thì nỗi khao khát được giao hòa với thiên nhiên, mong tìm thấy ở thiên nhiên sự đồng điệu nhằm giải tỏa bớt những nặng nề, u tạp của con người càng trở nên đậm nét. Do đó, với HPNT, thiên nhiên là ảnh hình của một không gian có thực, đang hiện tồn cùng với con người làm thành một thế giới sống đầy ý nghĩa. Và ông đã viết về thiên nhiên trong khát vọng được khám phá, hòa hợp để thanh lọc tinh thần và được cảm nhận cuộc sống đang diễn ra xung quanh (Ngọn núi ảo ảnh, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Côn Sơn, Mùa xuân thay áo trên cây…).

Thiên nhiên trong cái nhìn của HPNT được thể hiện nhất quán trong suốt hành trình sáng tác của ông. HPNT đã quan sát, khám phá, thể hiện nó bằng sự quan tâm đặc biệt của một con người khao khát hòa mình vào thiên nhiên không phải đề trốn đời mà để được sống và hòa điệu hồn mình cùng với nó. 
Thiên nhiên trong văn xuôi của HPNT thường được cảm nhận bằng những suy tư chiêm nghiệm, bằng những rung động từ chiều sâu tâm thức. Điều này có căn nguyên của nó. Bởi trong tâm thức văn hóa phương Đông, thiên nhiên đã trở thành một bộ phận hữu cơ gắn bó mật thiết với con người. Nó thể hiện tần số rung động của tâm hồn con người trong sự chan hòa linh diệu giữa con người - thiên nhiên - vũ trụ. Đó là thế giới siêu việt, vùng tâm linh vĩnh hằng để tâm hồn con người có thể nương náu mà vượt lên trên cõi tầm thường. Vận dụng triết lý “nhân dữ thiên địa tương tham” (người và trời đất chen dự vào nhau), trong suốt hành trình sống của mình, người Việt Nam đã nỗ lực tìm cách tổ chức lại thiên nhiên thành một giá trị văn hóa để cùng tham dự vào cuộc sống nhân văn thay vì thô bạo chế ngự nó.
HPNT không miêu tả thiên nhiên như một cách để hưởng thụ mà đã sống cùng với nó bằng tâm niệm “thiên nhân hòa hợp”, bằng ý thức văn hóa luôn khát khao truyền hơi thở của mình qua từng mạch gỗ, thớ cây, để được cắm đời mình bền sâu trong đất. Với ông, thiên nhiên là một người bạn vô cùng quan trọng, là đầu mối nhận thức của con người. Mỗi dáng hình, mỗi động cựa của thiên nhiên đều có khả năng “chạm thấu từng tế bào của trí nhớ” và đánh thức trong tâm hồn “nhiều điều như đã quên trong đời”. Tâm hồn ông đã hòa nhập với thiên nhiên, gắn bó và tìm thấy ở thiên nhiên những niềm vui hồn hậu. Chính môi trường thiên nhiên núi sông diễm lệ của Huế, lối sống thanh tao, gần gũi với thiên nhiên của người Huế đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn HPNT. Chúng tạo nên trong ông những tình cảm rất đỗi đặc biệt với thiên nhiên để rồi được ông cụ thể hóa một cách sinh động trong tác phẩm của mình. Tri thức văn hóa dân gian, kiến thức triết học Nho giáo, cái nhìn tĩnh mà động của Thiền học hòa quyện với tâm thức văn hóa - lịch sử trong HPNT đã thực sự làm sáng lên cái tinh thần hòa hợp, màu sắc triết lý cho cảnh sắc thiên nhiên trong tác phẩm của ông.
Một cách hết sức tự nhiên, ý niệm về thiên nhiên đã thấm vào tâm hồn thanh khiết và nhạy cảm của HPNT bằng chính cuộc chuyển vận mùa màng kỳ ảo của nó, để mãi mãi trở thành một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm hồn ông. Qua năm tháng cuộc đời, dấu ấn ấy đã được di dưỡng, thăng hoa thành tình cảm gắn bó, hòa hợp tuyệt vời, “tình bạn không thể thiếu” mỗi khi HPNT nghĩ suy về một vùng đất đai nào đó

Trong tác phẩm của HPNT, thiên nhiên nói chung, thiên nhiên Huế nói riêng được quán chiếu trong mối quan hệ tổng hòa với kiến trúc, hội hoạ, âm nhạc, ẩm thực... mang sắc màu triết học, hòa hợp với con người một cách tuyệt vời. Trầm cả hồn mình vào văn hóa Huế, HPNT cảm nhận nét đa tình mà chung thủy của núi sông, cảnh vật, con người nơi đây. Ông nhận ra trong những đường cánh cung cong mềm của dòng sông Hương đẹp như cổ thi, huyền sử, qua bao tháng năm chỉ chảy có một dòng kia một “một chút lẳng lơ kín đáo” của tình yêu trong khoảnh khắc chia tay “dõi xa ngoài mười dặm trường đình”. HPNT đã viết về sông Hương bằng một tình yêu thiết tha, đầy ngưỡng mộ, tự hào trong sự dẫn dắt của “văn hóa sông ngòi” trong tâm thức người Việt (Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoa trái quanh tôi...). Ông tìm thấy vẻ đẹp “bình dị nhưng không tầm thường, trầm mặc nhưng không ủy mị, dịu dàng nhưng vẫn tiềm ẩn khí mạnh của đất đai” của “dòng sông đời người” của Huế trong mối liên kết kỳ diệu các cấu trúc địa lý của Huế. Do chảy qua một địa hình có độ nghiêng rất nhẹ nên mặt nước sông Hương thường có độ phẳng lặng, êm đềm như mặt nước hồ. Những kiến thức về cơ tầng địa chất, dòng chảy, kết hợp cùng độ nhạy bén trong quan sát, suy ngẫm, và cách lý giải của HPNT đã khiến sông Hương được vẽ lại trên bản đồ tâm hồn thật sắc nét. HPNT đã để tâm hồn mình dõi theo bước chuyển hóa của dòng sông từ thế giới huyền thoại của rừng già đến với thế giới kinh kỳ, rất xa mà rất gần với tiền thân A pàng của nó. Mỗi đoạn chuyển dòng, mỗi khúc quanh đột ngột của con sông, dưới mắt ông đều hiện lên một giá trị văn hóa như “một cuộc tìm kiếm có ý thức” để con sông tìm về và biểu hiện sống động tính cách cư dân sống cùng với nó. Sông Hương không chỉ trầm buồn, lặng lẽ như triết lý, như cổ thi mà còn đẹp, vẻ đẹp mạch nguồn văn hóa sâu thẳm, thiết tha và đầy quyến rũ. Sông Hương chính là cái nôi văn hóa Huế.
Để tâm quan sát, tìm hiểu các khu vườn Huế, HPNT đã khám phá “tính tổng hợp đặc biệt của môi trường sinh thái riêng” của vùng văn hóa đặc sắc này. Vườn Huế, trong sự khám phá văn hóa của HPNT, là “nơi cư ngụ của tâm hồn” con người giữa thế gian. Như một triết gia mơ mộng, HPNT trân trọng giở từng trang hoa lá cỏ cây trong “cuốn tự truyện” được “viết bằng nét chữ của cây cỏ”, nghiền ngẫm và khám phá từng chi tiết, sự kiện, từng rung động, nghĩ suy của cuộc đời cỏ cây, hoa lá. Ông phóng chiếu cái nhìn của mình về phía thiên nhiên, thức nhận những giá trị vô giá của đời người đang âm ỉ trong những vỉa ngầm văn hóa. Ông trân trọng, lắng nghe “tiếng nói vô ngôn” của cây cỏ, tìm thấy nét văn hóa “thật là Huế” trong tổng hợp và đa dạng của văn hóa đất nước từ khu vườn An Hiên nổi tiếng (Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hoa trái quanh tôi...). Và đặc trưng văn hóa đẹp đẽ, đầy tính nhân văn của những khu vườn Huế thực sự là một phát hiện mới mẻ, đầy giá trị văn hóa của HPNT. Từ cái cổng có mái che rộng với vài cây ăn quả phía trước đến cái “ngõ hạnh” nối dài vào sân hay ngôi nhà kín đáo cuối vườn đều ẩn tàng những giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Với HPNT, cái cổng vườn là lẽ nhân hậu của con người, cái “ngõ hạnh” là lối kiến trúc đầy trí tuệ mang đến cho con người “một món quà tâm hồn nửa thực nửa ảo rất khó tả, một chút hương đăng đắng của rừng mùa thu, một mảnh nhỏ xa xôi của biển”, làm xao xuyến tâm hồn người. Và cả khu vườn là tổng hòa của tri thức nông nghiệp, kiến trúc, hội hoạ... Tất cả đều tỏa sáng một thần thái yên tĩnh và khoáng đạt. Chúng đem đến cho con người “sự tự do nội tâm” cùng niềm hạnh phúc được sống đến tận cùng thiên nhiên, sự sống.
Nếu vẻ đẹp của thiên nhiên trong tác phẩm của Nguyễn Tuân được tạo tác từ một cái tôi độc đáo luôn nồng nhiệt nỗi khát thèm sống và thể hiện mình thì vẻ đẹp thiên nhiên trong tác phẩm của HPNT lại được khám phá từ một góc nhìn khác. Bằng sự điềm tĩnh, thâm sâu của một nhà triết học đã trải nghiệm cuộc đời mình cùng cỏ cây, núi sông diễm lệ, HPNT đã khám phá, phát hiện từ thiên nhiên những nét văn hóa truyền thống của dân tộc cùng những triết lý đẹp đẽ, sâu sắc về vũ trụ, con người. Thiên nhiên trong tác phẩm của HPNT mang đậm chất triết lý.
Từng bước quan sát, chiêm nghiệm, HPNT đã thấm sâu cái thần thái dịu dàng, uy nghiêm và đầy minh triết của thiên nhiên. Ánh sáng văn hóa từ đó hiện ra rất đậm nét. Ông đã quan sát, đối diện, lắng nghe và trò chuyện với thiên nhiên khắp nơi, nắm bắt từ đó những thông tin về cái đẹp của vũ trụ.

Dù nhìn ở khía cạnh nào của thiên nhiên, HPNT cũng đều phát hiện, lý giải được những nét đặc thù riêng của mỗi vùng đất đã làm nên khuôn mặt sinh động của non sông (Côn Sơn, Rừng hồi, Rừng nước mặn...). Ông tìm thấy ở “trái núi u tịch không người” Côn Sơn “lượng thông tin về cõi đời”, ở núi Dục Thúy những “ý tưởng của người hiền” còn lưu hiện, phát hiện nơi châu thổ sông Hồng “chất sử thi, dữ dội và gần gũi”, trên đỉnh Côn Sơn cái thanh khiết của không khí tâm linh; thấu nhận từ rừng hồi Lạng Sơn “sự hài hòa vĩnh cửu mà không một thứ địa chấn nào phá nổi”, và bồi hồi lắng nghe trong thẳm sâu rừng nước mặn Cà Mau sức sinh sôi làm mạnh mẽ thêm cuộc sống của muôn loài...
Trong chiều sâu tâm thức của người Việt, núi, sông gắn bó với nhau như hai mặt tồn tại của vũ trụ, biểu hiện mối quan hệ âm - dương trong trời đất. Người Việt đã tìm thấy ở những ngọn núi vẻ uy linh của trời đất, sự minh triết của trí tuệ và nét thâm trầm cao khiết của tâm hồn. Trong tâm thức của cộng đồng, những giá trị tâm linh dường như bao giờ cũng được hun đúc trên những ngọn núi cao.
Với HPNT, núi rừng thâm nghiêm không chỉ gợi lên trong tâm hồn ông sự kính trọng, ngưỡng mộ với thiên nhiên tráng lệ, chứa đựng bao điều nghĩa lý mà còn giúp ông nhận thức cái lẽ “có” và “không” đang ẩn hiện giữa cuộc đời. Bằng sự hiểu biết sâu sắc về triết học, lịch sử và văn hóa, thiên nhiên, HPNT nhận ra sự tồn tại của xu hướng vũ trụ hóa trong thiên nhiên Côn Sơn được Nguyễn Trãi miêu tả trong Ức trai thi tập. Ông hiểu, Côn Sơn chính là “môi trường tiếp giáp” của tâm hồn con người với cõi vô cùng, là “căn nhà vũ trụ” để Nguyễn Trãi “thực hiện cuộc sống tâm linh trong bản giao hưởng của trời đất”. Từ cảm quan về thiên nhiên tinh tế của mình, HPNT đã lý giải được vai trò của thiên nhiên đối với nội tâm Nguyễn Trãi, làm nổi bật ý nghĩa của những cuộc “ở - về” đầy trăn trở, day dứt của tiền nhân trên sân khấu bi hài của lịch sử. Ông đã khẳng định nỗi nhớ Côn Sơn chính là nỗi hoài niệm về căn nhà vũ trụ trong đời sống tâm linh của Nguyễn Trãi. Tính cách lưỡng nguyên anh hùng - hiền triết của Nguyễn Trãi vì thế được làm sáng tỏ (Côn sơn, Mượn đá để ngồi...). Là một nghệ sĩ am tường văn hóa, triết học, thích suy tư, chiêm nghiệm về thiên nhiên, cuộc đời, HPNT đã nhận ra trong vẻ uy nghi, dũng mãnh, trong từng gốc cây ngọn cỏ của Bạch Mã một phần lịch sử. Bạch Mã là “khuôn mặt nhìn nghiêng của Tổ quốc”. Nó không chỉ là một cảnh quan thiên nhiên ban tặng cho Thừa Thiên Huế mà còn là niềm kiêu hãnh của mọi người Việt Nam chân chính. Qua bao biến thiên, thăng trầm và sóng gió của lịch sử “ngọn núi ảo ảnh” này đã cùng chung chịu bao điều buồn vui, cay đắng... với con người. HPNT tìm thấy ở ngọn núi Bạch Mã “không gian huyền nhiệm kiểu phương Đông với thiên nhiên đầy hoa rừng mùa xuân, nắng rực rỡ mùa hè, và sương khói mộng ảo mùa thu, nơi đó cây và đá sạch như vô nhiễm, mây trời và tiếng suối reo khẽ, đánh động trong tâm linh giấc mộng tiền thân”. Cũng như bao ngọn núi khác của đất nước, Bạch Mã mang trong nó “thông điệp về những giấc mơ thái hòa giữa con người và thiên nhiên nhưng cũng đầy những ưu tư thế sự”(1).
Sinh ra và lớn lên ở Huế, thành phố nổi tiếng với phong cảnh sông nước hữu tình, HPNT không thể không bị ám ảnh bởi bóng hình của những con sông. Trong tâm hồn ông, những dòng sông đất nước được suy tưởng thành những dòng sông văn hóa, những biểu tượng về những vùng đất văn hóa.

Từ thẳm sâu tâm hồn nhà văn miền Trung này, các dòng sông vận hành trong lẽ tuần hoàn của vũ trụ đã chuyên chở bao nhiêu điều huyền nhiệm của cuộc sống. “Sông Hồng là nỗi nhớ về phù sa của đời người, sông Cửu Long là sức mạnh đi tới biển” và sông Hương là “nỗi hoài vọng về cái đẹp nào đó chưa đạt tới ở đời”. Các dòng sông là nỗi ám ảnh mơ về cội nguồn, về xa xưa dân tộc. Trong ông, chúng trở thành niềm trăn trở “nỗi say mê riêng, muốn được tắm mình trong những dòng sông của đất nước...” để xương thịt và tâm hồn “mãi mãi ướt đẫm chất phù sa nuôi dưỡng”.
Ở tác phẩm của HPNT, chất văn hóa truyền thống đậm như một dòng chảy ẩn ngầm, trở thành hạt nhân chi phối, quyết định cái nhìn của ông về thiên nhiên. Điều này thể hiện nhất quán trong quá trình sáng tạo nghệ thuật của ông mà biểu hiện cụ thể là suốt quá trình thức nhận thiên nhiên, HPNT không miêu tả nó như một cách để hưởng thụ mà để chiêm nghiệm. Vì thế, những khu vườn Huế, với ông, là cõi đời ấm áp song cũng là không gian tâm tưởng của con người. Chúng thể hiện mối quan hệ thống nhất giữa con người với thiên nhiên trong truyền thống văn hóa, triết lý sâu xa của người phương Đông. Thế giới vườn của người Huế đẫm chất văn hóa tâm linh. Trong tâm thức của họ, mảnh vườn là cánh cổng mở vào thế giới vũ trụ, nơi họ có thể sống cuộc sống tâm linh thanh khiết của mình. Từ chiếc bình phong trước sân, ngôi nhà ẩn mình dưới cây lá cuối vườn đến lễ tạ ơn, lễ đeo tang cho cây... đều là sự hiện diện của thuyết phong thủy, triết lý đạo Phật, quan niệm hòa hợp thiên nhiên trong hồn những khu vườn Huế. Phong tục đeo tang cho cây khi người chủ vườn qua đời là một ấn tượng đẹp trong tâm hồn HPNT. Ông cảm nhận ở đó cái triết lý phương Đông ẩn sâu trong tâm thức người Huế, xúc động trước tình cảm gắn bó thân thiết giữa con người với thiên nhiên. Và hơn hết, cảm phục cái tâm ân nghĩa của con người Huế với thiên nhiên, cuộc đời.
Thiên nhiên còn đem đến cho HPNT nhiều suy nghiệm về thời gian. Cuộc biến ảo diệu kỳ của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong cuốn lịch vĩnh hằng của thiên nhiên viết trên cây cỏ đã khiến ông thức nhận bao điều nghĩa lý. Trong đĩa hoa cuối đông được điểm xuyết bằng những bông mai trắng bên nụ đào mới hé nơi phòng khách của bà Lan Hữu, HPNT cảm nhận “bóng dáng của mùa đông đang ra đi trong âm vang xa xôi của mùa xuân sẽ về”. Từ tận cùng những rung động sâu xa của tâm hồn, ông hiểu đó chính là cảm thức thời gian đang hiện diện trong tâm hồn người đàn bà cao quí này. Nó không đơn giản là nhịp đếm bước thời gian. Nó là “tất cả niềm cảm hứng tự do”, là cái nhìn hướng vọng của tâm hồn bà được ấp ủ, nuôi dưỡng, “lặng lẽ qua bao nhiêu cái bi và cái hài, cái ảo và cái thực, cái thiện và cái đẹp, giữa tháng năm đất nước đời người”.
Thiên nhiên trong tác phẩm của HPNT là những “xáo động khôn cùng của ngổn ngang trần thế, thâm hậu như những châm ngôn mà vẫn lấp lánh một ánh sáng lạ”(2). Chúng đã giúp HPNT nhận thức những vấn đề khó lý giải trực tiếp của lịch sử, cuộc sống (Côn Sơn, Ngọn núi ảo ảnh, Mượn đá để ngồi...). 
Cùng với các nhà văn Việt Nam hiện đại, HPNT đã vượt qua lối tư duy truyền thống để cảm nhận thiên nhiên trong sự giao thoa văn hóa Đông - Tây, trong hài hòa truyền thống với hiện đại. Song thiên nhiên trong văn xuôi của HPNT là biểu hiện rất riêng của thế giới tâm hồn phức tạp, nhiều biến động của nhà văn trong từng hoàn cảnh cụ thể. Ở tác phẩm của HPNT, thiên nhiên lại hòa điệu tuyệt vời với con người. Con người với thiên nhiên tuy không hòa tan vào nhau nhưng giữa con người và thiên nhiên dường như không còn sự ngăn cách. Từng dòng sông, ngọn núi, từng ngọn cỏ, lá cây... đều mang trong nó dấu tích, thần khí của con người, cùng với con người làm nên sự sống, làm nên văn hóa. Cái nhìn của văn hóa đô thị cùng cảm quan thiên nhiên phương Đông kết hợp với tâm hồn nhạy cảm, lối sống khép mình trong thiên nhiên của người Huế và lối suy tư đậm màu sắc triết học của HPNT đã làm nên sắc màu riêng cho sự hòa điệu này trong sáng tác của ông. Thiên nhiên trong tác phẩm của HPNT vì thế thường ẩn tàng trong nó những trầm ngâm suy tưởng, rất thanh nhẹ nhưng có lúc lại nặng trĩu những ưu du thế sự và thảng hoặc còn có cả những cô đơn, hoang mang của thân phận giữa sự chảy trôi vô tận của cuộc đời. Thiên nhiên trong sự hòa điệu với tâm hồn con người không chỉ là bài ca cuộc sống mà hơn hết tất cả nó còn là sự chiêm nghiệm các giá trị cuộc đời. Đây cũng có thể được coi như một trong những cơ sở quan trọng để giải thích lý do vì sao thiên nhiên trong văn xuôi của HPNT giàu tính triết lý và suy nghiệm. Sự hòa điệu của tâm hồn con người với thiên nhiên trong văn xuôi của HPNT vì thế, chính là một dấu ấn đặc 1biệt góp phần làm nên giá trị riêng cho tác phẩm của ông.
(1) Những trích dẫn Hoàng Phủ Ngọc Tường đặt trong ngoặc kép được rút từ cuốn: Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường gồm 5 tập. Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2002.
(2) Lê Đức Dục: Hoàng Phủ Ngọc Tường - người “lễ độ với thiên nhiên” - Cửa Việt, số 65, 2000.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...