Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

Hoa xoan lớp lớp vơi đầy

'Hoa xoan lớp lớp vơi đầy'
 Mùa xuân năm nay ở ngoài ấy chắc ấm trời, chẳng tê tái như đợt rét đậm rét hại năm ngoái. Lúa chắc đã xanh đồng, giỡn sóng? Gió xuân phơi phới trong lành thổi ngàn ngạt trên những nẻo đường trẩy hội mùa xuân. Mưa xuân nhiều chưa nhỉ? Có mưa mới ấm trời. Những mùa xuân ấy…Khi những làn mưa bụi hiền hòa ấm áp khiến đất trời mờ đi, xa hơn, đó là lúc cảm thấy rõ nhất sức sống của mùa xuân. Sức sống trào dâng trong từng thân cành khô bởi mùa đông bật lên theo mỗi chồi non. Qua mỗi làng xóm, hương bưởi thanh khiết khiến ta muốn đạp xe thật chậm lại, cố hít sâu để làn hương thấm tận lồng ngực, để hồn ta cũng trở nên thanh khiết. Một mùi hương nữa, quen thuộc lắm của làng quê xưa, hương thơm ngát say sưa của mùa xuân, nghe như có vị đăng đắng mà nồng nàn ấm áp. Hoa xoan. Hoa xoan giờ đã nở chưa?
Tôi sinh ra và lớn lên ở một thị xã nhỏ, biết đến và yêu thương làng quê qua những ngày sơ tán gian khổ nhưng không sao quên được. Nghĩa tình bà con nơi sơ tán cưu mang qua hai cuộc chiến tranh phá hoại và cuộc sống làng quê in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Hồi xưa ấy, ở làng quê cây xoan gần gũi thân thiết lắm. Xoan được trồng ở khắp nơi: bờ mương, góc vườn, ven đường, bờ ao... Mỗi cặp vợ chồng mới ra ở riêng, họ trồng chục gốc xoan quanh mảnh vườn mới được chia có mái nhà tranh. Lúc đó thân cây mới chỉ bé bằng ngón tay thôi. Hàng xoan vươn cao nhanh, xum xuê tỏa bóng. Họ đẵn xoan, ngâm dưới ao bùn vài năm. Cùng với đó chuẩn bị nung gạch, mua ngói, một mùa vui đến, mái nhà gỗ xoan được dựng lên. Mùi gỗ xoan ngâm thum thủm mà thơm lành với niềm vui hoàn thành một trong ba công việc lớn của đời người đàn ông xưa ( Lấy vợ, làm nhà, tậu trâu).
Mùa hè, đường làng bờ mương dịu mát vì có bóng xoan xào xạc. Bóng xoan che mát những chú trâu bò lim dim nghỉ trưa buộc dưới gốc. Bóng xoan che mắt máy bay giặc cho lũ trẻ đội mũ rơm tung tăng tới lớp thấy yên lòng. Mùa thu lá vàng xuộm rồi rụng hết. Cây xoan mùa đông trông tội nghiệp lắm: cành đen thui, trơ trụi, vật lộn với gió rét, trông cứ tưởng cây xoan chết khô chết rét rồi. Con đường đi học mùa đông vì vậy thật buồn. Tôi theo các bạn chăn trâu trong làng xúm xít đốt rơm sưởi ấm, vùi khoai ven đê, thương hàng xoan oằn mình trong gió bấc…

Sắp Tết, ta lãng quên vì bận rộn. Qua tháng Giêng, khi trời đất ấm dần lên và “mưa xuân phới phới bay”, ta nhìn lên bâng quơ, chợt cảm thấy: hình như có gì đang được gấp rút chuẩn bị. Đầu cành vẫn trơ trụi khô đen, nhưng như mập mạp hơn, như gạc non đang nhú. Bác chủ nhà nói đấy là xoan đang “chụm chân chó”. Quên đi vài ngày nữa, từ chỗ gạc non đó, lá non mơn mởn, mỗi ngày một khác, như không thể chờ được nữa. Trong mưa phùn ấm áp, lá non mỡ màng, thích thú vẫy nhẹ. Ta mải với hội hè, một hôm cảm thấy mùi hương thoảng ngát, chợt nhìn lên và thích thú ngỡ ngàng: một vòm tím ngát xum xuê, hoa xoan cánh trấu nở thỏa thuê, bời bời trong mưa ấm. Cánh hoa mỏng nhẹ nên khi rụng cũng như bay tung lên hớn hở. Mưa xuân lẫn trong vòm hoa xoan. Hoa rụng phơi phới cùng mưa ấm, hiền lành mà tha thiết. Cánh hoa ẩm mát, lẫn vào tóc thôn nữ, tím mướt cả chiều xuân. Nhà thơ của làng quê Hà Nam – Nguyễn Bính – cũng yêu hoa xoan lắm khi tả “Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy”. Nhưng sao mà có gì đấy như vội vàng, gấp gáp, như sợ chỉ chậm một chút thôi là lỡ một cuộc hẹn hò. Những vần thơ hay xưa nay nói tới hoa xoan đều không vui trọn vẹn. Cô gái bên khung cửi trong trắng cũng lầm lũi với mùa xuân nhỡ nhàng khi hoa xoan “nát dưới chân giày”. “Bức tranh quê” của Anh Thơ đẹp mà buồn nẫu với chòm xoan tím rụng tơi bời…Vì màu hoa tím u buồn hay vì sự tích hoa xoan chắc phải gắn với một chuyện buồn trắc trở, để cả mùi hương cũng mang vị đắng xót lòng?
…Ngày ấy chị con gái bác chủ cho nhà tôi ở đang độ xuân xanh. Tối mùa xuân, cô thôn nữ hẹn hò cùng anh trai làng, chia tay nhau bên gốc xoan đầu ngõ. Chị lách cửa vào nhà, mắt sáng long lanh, mái tóc lấp lánh mưa bụi còn vương những cánh hoa xoan cong cong ẩm mướt. Ngày anh lên đường nhập ngũ, chị dúi vào tay anh chiếc khăn tay nhỏ thêu chùm hoa xoan tím. Chị ngồi bên cối giã gạo đầu nhà thêu mấy buổi trưa, tôi ngồi chăm chú xem bên cạnh. Mùa xuân sau, tối tối chị vẫn ra đầu ngõ, trở về với mái tóc đầy cánh hoa xoan ướt sũng và ánh mắt thẫn thờ nhìn xuống. Thân cây xoan ứa nhựa ở những vết nứt. Những giọt nhựa trong veo khô dần thành màu vàng sậm, rồi nâu bầm…Ngày chiến thắng, anh trai làng không về…Thỉnh thoảng chị đi chợ thị xã ghé thăm nhà tôi, cho các em mớ ổi chín, quả thị thơm vườn nhà, mồ hôi lấm tấm chiếc áo màu tím nhạt…
Tôi hồi ấy chỉ thích vun cánh hoa xoan lại, giả làm cơm gạo để chơi đồ hàng. Cơm gạo tím mềm thơm ngát! Cùng với hoa xoan là muỗi!  Những con muỗi nhỏ tý đốt đau nhói. Chẳng hiểu sao khi hoa xoan nở, muỗi cũng như trấu, và người ta đổ tại hoa xoan.
Quả xoan bé tí lớn dần, xanh bóng, to bằng đầu ngón tay. Dĩ nhiên hoa nhiều thế thì quả cũng sai lắm, chùm thật lớn, lúc lỉu. Buồn là quả thật nhiều mà chẳng ăn được. Đã bao lần tôi ngửa cổ nhìn lên và ước ao đó là chùm dâu da xoan chua chua ngọt ngọt (quả này chỉ miền Bắc mới có). Khi quả xoan chín già, nâu đỏ rồi chuyển màu trắng, khô quắt nhưng cũng không rụng dù mưa rung gió dập. Các cụ ở tổ phụ lão thu hái về để ươm giống. Mùa xuân, thanh niên lấy cây xoan giống đi trồng trong Tết trồng cây. Để cho những cột nhà gỗ xoan sau này thật thẳng, người ta giật bớt cành. Lá xoan khi đó để ủ phân xanh hay tắm ghẻ cho trâu bò (và cả người cũng được). Lá đắng lắm nhé. Những chùm quả xoan xanh lăn lóc. Bé gái tiếc rẻ gom lại, buộc thành túm, luồn que gánh, chơi đồ hàng.
Khi hiệp định Pari được ký, bọn tôi trở về thị xã, xa rời xóm nhỏ có những hàng xoan. Nhà tôi bị bom làm đổ nát. Mái nhà được dựng lại có xà ngang bằng cây xoan to, bác chủ nhà chở từ xóm nhỏ lên cho. Mãi sau mới làm nhà mái bằng.
…Bây giờ về làng quê ngoại thị ấy cũng không thấy cây xoan đâu nữa. Thị xã nâng cấp lên thành phố, mở rộng đến tận đấy. Bờ mương lúc trước có hàng xoan giờ đất đã chia lô. Nhấp nhô những ngôi nhà cao mái xanh tường đỏ. Không còn ai mơ ước mái nhà gỗ xoan thơm hắc. Các cụ phụ lão đi bộ quanh hồ nước, thanh niên đạp vịt dưới hồ, chẳng còn ai ươm trồng giống xoan. Thương lắm xoan ơi, thương lắm màu tím bời bời trong mưa ấm. Ở miền Nam hình như cây xoan gọi là cây sầu đâu. Nhưng sầu đâu sầu ở đâu ấy, tôi chưa thấy lần nào!
Lần sau về lại, thế nào tôi cũng tìm được cây xoan. Chắc chắn là ở những bờ mương, đường làng xa hơn mà tôi chưa đi đến, cây xoan vẫn còn chứ, làm sao hết được…
Những hình ảnh hoa xoan tôi mới nhận được từ một người bạn, xin được chia sẻ cùng bạn đọc yêu hoa!
 Theo http://vnn.vietnamnet.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...