Mấy
suy nghĩ từ cuộc đời và
sự nghiệp của Vũ Trọng Phụng
Trong lĩnh vực văn chương,
tác phẩm không hay, không có giá trị nghệ thuật thì chỉ là con số không, chẳng
có gì để nói, để bàn. Người viết ra nó, dù cuộc đời có ly kỳ thế nào, người ta
cũng chẳng quan tâm.
Nhưng một cây bút khi đã tạo
ra được những kiệt tác, thì cuộc đời ông ta, tác phẩm của ông ta, tự chúng sẽ đặt
ra biết bao vấn đề khiến ta phải suy nghĩ để khai thác những bài học kinh nghiệm,
để rút ra những chân lý này khác về sáng tạo nghệ thuật. Vũ Trọng Phụng là trường
hợp như vậy. Ngày nay người ta không còn phải dè dặt khi gọi ông là một thiên
tài: hai mươi bảy tuổi đời mà để lại một sự nghiệp đồ sộ, trong đó có những tác
phẩm có thể gọi là không tiền khoáng hậu.
Từ cuộc đời và sự nghiệp ấy,
có thể ngẫm ra nhiều điều bổ ích và thú vị.
1. Văn chương đã có giá thì
không thể chôn vùi được
Chân lý này chẳng có gì mới
lạ. Từ nghìn năm trước người ta đã nói rồi: Lập ngôn cùng với lập đức, lập công
là ba sự nghiệp bất hủ của người đời. “Khuất Bình tứ phú huyền nhật nguyệt, Sở
Vương đài tạ không sơn khâu” - Lý Bạch đã viết như thế. Điều đáng nói ở đây là,
cuộc đời và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã cung cấp cho ta một bằng chứng thật
quý hiếm, đầy sức thuyết phục về chân lý ấy.
Nhớ lại không khí căng thẳng
của đời sống văn học những năm 60, 70 của thế kỷ trước, sau vụ Nhân văn - Giai
phẩm, mà chưa hết ghê sợ. Người ta đổ lên đầu Vũ Trọng Phụng đủ mọi tội lỗi ghê
gớm nhất: trốt-kít, chống cộng, đạo văn, đầu cơ chính trị, mật thám cho Tây,
lưu manh, truỵ lạc, chỉ có độc cái tài xỏ xiên, văn chương thì dâm uế, tự nhiên
chủ nghĩa, thuộc dòng văn học phục vụ giai cấp tư sản mục nát (1) v.v… Người ta
đã vùi Vũ Trọng Phụng xuống tận bùn đen, lại còn đổ lên trên hàng tấn rác rưởi
bẩn thỉu nhất. Ấy vậy mà chỉ mươi năm sau, tác phẩm Vũ Trọng Phụng, như những mầm
cây đầy nhựa sống, lại tiếp tục vươn lên, chọc thủng lớp lớp bùn đất, nẩy nở tốt
tươi, đơm hoa, kết trái dưới ánh sáng mặt trời.
2. Nhà văn và thực tế
Hỏi chuyện mấy nhà văn quen
biết Vũ Trọng Phụng (Nguyễn Tuân, Vũ Đình Liên, Bùi Huy Phồn, Lưu Trọng Lư, Như
Phong, Nguyên Hồng…), tôi mới rõ, Vũ Trọng Phụng không biết đánh bạc, sống rất
đứng đắn, mực thước. Đối với mẹ, là một người con chí hiếu, đối với vợ, là một
người chồng mẫu mực, đối với bạn bè, đồng nghiệp, tuy nghèo túng thật, nhưng ứng
xử rất đàng hoàng, đầy tự trọng… Thế mà đọc tác phẩm của ông, thấy ông viết về
các mánh khoé cờ bạc như một tay sành sỏi (Cạm bẫy người). Và thế giới nhân vật
của ông thì đầy rẫy những thằng cha đểu giả, xỏ xiên, bịp bợm, dâm ô, độc ác… Vậy
là sao? Giải thích thế nào đây về quan hệ nhà văn với thực tế mà ông phản ánh?
Đọc Kỹ nghệ lấy Tây, thấy có nhân vật xưng “tôi” - người kể truyện - đích thân
lên tận Thị Cầu (Bắc Ninh), vào hẳn cái làng me Tây bên trại lính lê dương để
điều tra sự thật. Cơm thầy cơm cô cũng vậy. Vẫn cái nhân vật xưng “tôi” ấy đóng
vai một anh cơm thầy cơm cô, thâm nhập vào thế giới những con sen, thằng nhỏ,
chị vú, anh bồi để tìm hiểu thực tế. Nhưng sự thật có phải thế đâu! Vũ Trọng Phụng
bịa đặt, hư cấu ra thế thôi. Phóng sự Tôi kéo xe của Tam Lang cũng có một nhân
vật xưng “tôi” như thế đóng vai phu xe. Cũng là bịa đặt ra cả. Làm gì có chuyện
đi thực tế như thế của các nhà văn thời bấy giờ. Nhà thơ Vũ Đình Liên biết rất
rõ điều đó. Ông ở cùng phố Hàng Bạc với Vũ Trọng Phụng, quen biết cả nhà Vũ Trọng
Phụng, cùng học trường tiểu học Hàng Vôi với Vũ Trọng Phụng. Không có chuyện ấy
đâu! Bịa ra hết! - Vũ Đình Liên nói thế mà! Vậy thì giải thích như thế nào về
những bức tranh hiện thực rất chân thật, rất sinh động trong các tác phẩm của
Vũ Trọng Phụng?(2).
Tôi cho rằng, trong sáng tao
nghệ thuật, điều quyết định là tư tưởng nghệ thuật (idée poétique) của nhà văn.
Đó là một hình thái tư tưởng tổng hợp, bao gồm cả lý trí, tình cảm, cảm xúc, cả
tiềm thức, vô thức, được huy động triệt để trong giờ phút cảm hứng vào việc nhận
thức và diễn tả thế giới. Nó tạo ra ở tâm hồn nhà văn một chất dính riêng, một
thứ nam châm riêng, có khả năng bắt lấy, hút lấy rất nhậy và làm sống dậy,
trong trí tưởng tượng của người viết, tất cả những gì đáp ứng yêu cầu của nó, kể
cả những tư liệu gián tiếp thu lượm từ sách vở báo chí hay nghe ai đó thuật kể
lại. Vũ Trọng Phụng là người rất ham đọc, ham học. Ông là một nhà báo, nên phải
đọc đủ thứ sách vở, báo chí, tiếng Tây, tiếng ta để nhặt tin tức. Ông lại có một
người bà con tên là Trưởng Tạo cùng ở một căn hộ, người tầng trên, người tầng
dưới. Trưởng Tạo là tay ăn chơi lõi đời, rất thạo các ngón cờ bạc. Ông ta là một
kho tư liệu sống, thường xuyên cung cấp “thực tế” cho Vũ Trọng Phụng.
Tất nhiên tư tưởng nghệ thuật
cũng có nguồn gốc từ đời sống thực tế. Nó được hình thành ở nhà văn từ tuổi ấu
thơ, do tác động của môi trường sống của ông ta, bao gồm môi trường gia đình,
môi trường xã hội, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hoá. Vũ Trọng Phụng
xuất thân trong một gia đình dân nghèo thành thị, mồ côi cha từ nhỏ, nhà có bệnh
lao gia truyền (ông nội, ông thân sinh và bản thân Vũ Trọng Phụng đều mất sớm
vì bệnh lao. Khi Vũ Trọng Phụng qua đời, cảnh nhà rất bi thảm: ba người đàn bà
goá trong một gia đình). Vũ Trọng Phụng học hết bậc tiểu học đã phải đi làm để
kiếm sống. Chạy được chân thư ký quèn cho một nhà in, rồi một hãng buôn, thì cả
hai lần đều bị sa thải vì nạn kinh tế khủng hoảng. Một thiếu niên vừa bước chân
vào đời thì mọi con đường lập thân, lập chí đều tắc nghẽn hết. Hoàn cảnh ấy đã
tạo ra ở Vũ một tâm trạng phẫn uất mãnh liệt đối với cái xã hội mà ông gọi là
“chó đểu” - một xã hội mà kẻ có quyền, có tiền làm chủ tất cả, chi phối tất cả.
Tư tưởng nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng được tạo nên từ đó. Ông lại sống chủ yếu
ở phố Hàng Bạc, trong một căn gác xép. Vùng phố này là một trong những trung
tâm buôn bán và ăn chơi của Hà Nội. Kề chung quanh là Hàng Đường, Hàng Đao,
Hàng Buồm, Đồng Xuân, Mã Mây, Sầm Công, Tạ Hiền, nhan nhản những tiệm ăn, tiệm
hút, rạp tuồng, rạp hát… Cạnh nhà Vũ Trọng Phụng lại sừng sững dinh cơ của bà
Bé Tý, một mụ me Tây cao cấp nổi tiếng một thời (người ta gọi là “Bà chúa Hàng
Bạc”). Vậy là hàng ngày giễu qua giễu lại trước mắt Vũ Trọng Phụng là một thế
giới nhân vật, như muốn trêu ghẹo, chọc tức ông: giàu là con buôn, me Tây, bọn
công tử bột ăn chơi, nghèo là bồi săm, bồi tiêm, ma cô, lưu manh, gái điếm… Tất
nhiên ở đâu chẳng có những người dân lương thiện. Nhưng với tâm trạng phẫn uất,
thái độ bi quan, cái nhìn của Vũ dễ bị hút nhiều hơn về phía đen tối của “nhân
loại”, dễ bắt lấy nhiều hơn những mặt trái của cuộc đời.
Vâng, tạo ra thế giới nhân vật
của Vũ Trọng Phụng, vẽ ra những bức tranh hiện thực của Vũ Trọng Phụng, là cái
tư tưởng nghệ thuật ấy. Một số kiếp đầy bất hạnh, một cuộc đời “Tài cao, phận
thấp, Chí khí uất” (Tản Đà), một tâm trạng căm thù không bao giờ nguôi đối với
cái xã hội “chó đểu” ngày trước, đó là nguồn gốc tài năng của Vũ Trọng Phụng,
là linh hồn của chủ nghĩa hiện thực có sức công phá ghê gớm của Vũ Trọng Phụng.
3. Nhà văn và sức mạnh tưởng
tượng tổng hợp
Viết văn, nhất là viết tiểu
thuyết, phải có khả năng khái quát tổng hợp. Không phải khái quát bằng những
khái niệm trừu tượng thuộc lý trí mà bằng sức mạnh tưởng tượng: tạo ra một thế
giới nghệ thuật có khả năng phản ánh một cách tổng hợp những mảng hiện thực rộng
lớn của xã hội trong một thời kỳ lịch sử.
Nam Cao và Vũ Trọng Phụng đều
có khả năng ấy, nhưng họ thực hiện ngược chiều nhau. Tôi nhất trí với Chu Văn
Sơn: Nam Cao thường đi từ những cái nhỏ nhặt đời thường, từ một điểm vi mô mà
nâng lên, khái quát lên bằng suy tưởng triết lý, đến những vấn đề ở bình diện
vĩ mô, có khi liên quan đến vận mệnh của cả đất nước, của cả nhân loại. Vũ Trọng
Phụng thì ngược lại: thâu tóm, dồn nén cả một xã hội, cả một thời đại vào trong
vài trăm trang sách. Như Giông tố chẳng hạn, biết bao nhân vật sinh sống trên
nhiều vùng đất khác nhau, thành phần xã hội và số phận khác nhau, cứ đan chéo
vào nhau, đâm sầm vào nhau, huých đạp lẫn nhau, tạo nên bao cảnh lên voi xuống
chó, xuống chó lại lên voi, đay tính bi hài…
Không nên hiểu khái quát tổng
hợp ở đây là cứ theo dòng tự sự đơn tuyến, lần lượt miêu tả, thuật kể vùng đất
này rồi vùng đất khác, cảnh ngộ này rồi cảnh ngộ khác, loại người này rồi hạng
người khác một cách rời rạc. Đầu thế kỷ XX, ông Trọng Khiêm đã viết một cuốn tiểu
thuyết dày dặn theo lối ấy (Kim Anh lệ sử). Tác phẩm cũng có đủ cả miền xuôi,
miền ngược, nông thôn, thành thị, cũng có đủ mọi hạng người trong xã hội thời bấy
giờ. Tất cả được lần lượt ngoắc nối vào nhau, xâu chuỗi vào nhau một cách thiếu
tự nhiên bằng cuộc đời phiêu lưu, chìm nổi của một cô gái tên là Kim Anh.
Vũ Trọng Phụng không làm như
thế. Ông sáng tao ra một xã hội hẳn hoi, vận hành theo qui luật nội tại của nó.
Những số phận cá nhân có vẻ rất ngẫu nhiên, như là do vận may vận rủi bầy ra
như vậy, kỳ thực đều bị chi phối bởi những qui luật tất yếu và nghiệt ngã của
xã hội một thời. Khái niệm “Sức mạnh tưởng tượng tổng hợp” (puissance
d’imagination synthétique) tôi mượn của Lanson, một nhà nghiên cứu văn học
Pháp, khi ông đánh giá tiểu thuyết của H. Balzac. Balzac và Vũ Trọng Phụng quả
là hai cây bút có sức mạnh tưởng tượng tổng hợp phi thường.
4. Số đỏ và nghệ thuật trào
phúng
Trong lịch sử văn học nước
ta (và của thế giới có lẽ cũng vậy), xem ra những tài năng trào phúng tầm cỡ lớn
không nhiều. Nói riêng về thơ, có thể điểm danh hàng chục nhà thơ trữ tình lớn
không khó khăn gì. Nhưng nhà thơ trào phúng cỡ Hồ Xuân Hương, Tú Xương có được
bao nhiêu? Nhà tiểu thuyết trào phúng lớn cũng rất hiếm, có lẽ không đếm đủ
trên năm đầu ngón tay.
Trong nền văn học hiện đại
Việt Nam, về tài năng trào phúng, phải thừa nhận Vũ Trọng Phụng là cây bút số một,
một bậc thầy về nghệ thuật châm biếm hài hước. Cho nên Số đỏ là tác phẩm thật
quý hiếm. Nguyễn Khải bái phục là phải: Số đỏ là “một cuốn sách ghê gớm có thể
làm vinh dự cho mọi nền văn học”(3).
Từ Số đỏ, có thể rút ra được
những bài học gì về nghệ thuật trào phúng?
a. Tôi có được đọc một bài
tiểu luận bàn về tiếng cười (Le Rire) của một nhà triết học Pháp (H. Bergson).
Luận điểm của ông có thể tóm tắt như sau: Ai là người biết cười? Trả lời: Chỉ
có con người. Con người có trí tuệ nên mới biết cười (người trí tuệ kém phát
triển, đầu óc trì độn, nói chung, không biết đùa, không biết cười) và Ai là đối
tượng đáng cười? Trả lời: Cũng chỉ có con người. Thiên nhiên, loài vật sống rất
tự nhiên, chẳng có gì đáng cười ca. Chỉ con người mới hay có những hành vi vô
nghĩa lý, thiếu tự nhiên làm bật cười. Bergson gọi là bị đồ vật hoá, máy móc
hoá, như con rối. Số đỏ đã khai thác triệt để thủ pháp này. Cứ xem những con vật,
như con chó, con mèo, chúng hoạt động rất tự nhiên: đói thì ăn, khát thì uống,
thấy chuột thì vồ, buồn ngủ thì ngủ… Làm gì cũng có mục đích, có lý cả. Còn
nhân vật Số đỏ thì ăn nói, cử động rất vô nghĩa lý, cứ như những cái máy vô hồn
vặn sẵn dây cót: Thằng Xuân gặp ai cũng cúi đầu rất thấp: “Chúng tôi rất hân hạnh”,
rồi xổ ra một tràng những câu thuộc lòng như con vẹt: “Hạnh phúc có gì khác nếu
không phải là hạnh phúc vợ chồng?” “Cái gì hủ lau ta đào thải đi!” “Thể thao…
nòi giống…”. Cụ cố Hồng thì tuy chẳng biết gì cả, nhưng động mở miệng là “Biết
rồi, khổ lắm nói mãi!”. Những nhân vật khác, từ mụ Phó Đoan, Minđơ, Mintoa, đến
Cậu Phước “em chã” đều được xây dựng theo lối ấy…
b. Nói chung truyện cười cho
phép sử dụng thủ pháp phóng đại một cách thoải mái. Thường ngày, đùa vui với
nhau, ta cũng phải phóng đại mới có thể gây cười. Nhưng phóng đại đến đâu, đến
mức độ nào thì vừa gây được tiếng cười, vừa đảm bảo được tính chân thực của chủ
nghĩa hiện thực? Cảm nhận được chính xác cái độ thoả đáng, cái độ tối ưu ấy, là
tài năng của những nhà trào phúng lớn. Phóng đại chưa đến cái độ ấy thì chưa đủ
gây cười. Nhưng phóng đại quá cái ngưỡng ấy thì tác phẩm mất tính chân thật,
người đọc không tin là có thật, và như thế là nguyên tắc phản ánh của chủ nghĩa
hiện thực bị vi phạm.
Nguyễn Công Hoan cũng là một
cây bút trào phúng tài năng. Nhưng trong nhiều trường hợp, ông đã phóng đại quá
mức. Tác phẩm mất tính chân thật, mất sức thuyết phục.
Lấy một ví dụ: Truyện “Nỗi
vui sướng của thằng bé khốn nạn”. Chủ đề: phê phán sự hư hỏng của phụ nữ. Một
bà phán nọ, chồng vừa chết, đã bồ bịch luôn với một ông phán khác bạn của chồng.
- Bước phóng đại thứ nhất: Họ
tình tự với nhau ngay cạnh bàn thờ ông Phán quá cố (thiếu gì nơi tình tự mà phải
ngồi với bồ ngay cạnh bàn thờ của chồng! Sự phóng đại đã bắt đầu vượt ngưỡng).
- Bước phóng đại thứ hai: Bỗng
ông Phán nhân tình cảm thấy nóng bức quá. Bà vợ goá bèn gỡ luôn cái ảnh của chồng
trên bàn thờ cho ông bồ quạt (sự phóng đại hết sức vô lý, thiếu gì cái có thể
dùng thay quạt tốt hơn mà phải lấy đến cái ảnh của chồng!)
- Bước phóng đại thứ ba: quạt
chán, ông Phán nhân tình quăng cái ảnh lên bàn nước, khiến mặt chồng bà Phán
trong ảnh phồng rộp lên…
Nguyễn Công Hoan mắc rất nặng
tư tưởng bảo thủ phong kiến, nhất là chung quanh vấn đề hôn nhân, gia đình, vấn
đề phụ nữ. Viết về đề tài này, ông không kiềm chế được thái độ ác cảm với những
phụ nữ muốn thoát ra khỏi sự trói buộc của lễ giáo phong kiến. Trong những trường
hợp như thế, Nguyễn Công Hoan không còn là một văn sĩ xã hội tiến bộ, không còn
là cây bút hiện thực chủ nghĩa nữa.
Số đỏ của Vũ Trọng Phụng
không mắc khuyết điểm đó. Thoạt xem tác phẩm này, ta tưởng như sự phóng đại của
tác giả còn tuỳ tiện, phóng túng hơn cả Nguyễn Công Hoan: một thằng ma cà bong
vô học mà trở thành đốc tờ bác sĩ, triết gia, thi sĩ, anh hùng cứu quốc; một mụ
me Tây đại dâm ô mà được sắc ban Tiết hạnh khả phong v.v… Nhưng hãy gấp quyển
sách lại và nhìn ra cuộc đời thực mà xem: té ra không thiếu gì những thằng Xuân
tóc đỏ có thực, không thiếu gì những mụ Phó đoan bằng xương bằng thịt… Hoá ra,
Vũ Trọng Phụng chẳng nói oan nói ức cho thằng nào, con nào cả. Thiên tài của
tác giả Số đỏ là ở chỗ ấy: cảm nhận được và dừng lại đúng cái ngưỡng tối ưu của
sự phóng đại, để tạo ra những nhân vật rất chân thật, những điển hình hiện thực
chủ nghĩa bất hủ.
c. Về nghệ thuật trào phóng,
trong một bài viết về thơ Tú Mỡ, Xuân Diệu phân biệt hai khái niệm “chửi địch”
và “đánh địch”. Tất nhiên chỉ là cách diễn đạt có tính ước lệ mà thôi. “Chửi địch”
là trực tiếp thoá mạ đối tượng bằng ngôn ngữ, bằng giọng điệu và các thủ pháp
này khác. “Đánh địch” là dựng đối tượng lên thành nhân vật sống động, có tính
cách, cá tính thật sự, để tự nó dở những trò lố bịch mà chuốc lấy tiếng cười của
thiên hạ. Nghệ thuật “đánh địch” tất nhiên là cao cường hơn. Tú Mỡ, Nguyễn Công
Hoan thiên về “chửi địch”. Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng thiên về
“đánh địch”.
5. Tiểu thuyết và thời sự.
Nguyên mẫu và nhân vật truyện của Vũ Trọng Phụng
Đọc Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê,
thấy Vũ Trọng Phụng có khả năng đưa thẳng không khí thời sự và các sư kiện chính
trị, xã hội, văn hoá còn nóng hổi tính thời sự vào tiểu thuyết của mình. Tiểu
thuyết mà cứ muốn chạy đua với bút ký, phóng sự và thông tin báo chí. Tôi có đọc
một số báo hàng ngày xuất bản cùng thời với các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, thấy
có những tin tức tương tự như trong tiểu thuyết của Vũ. Chẳng hạn tờ báo nọ đưa
tin bà Bé Tý (một me Tây cao cấp) đến sở cẩm xin tha cho một thanh niên phạm một
tội gì đó. Trong tiểu thuyết Số đỏ, bà Phó Đoan cũng đến bóp cảnh sát xin tha
cho thằng Xuân phạm tội nhòm trộm một cô đầm thay váy. Lại có báo đăng tin một
du học sinh mới ở Pháp về, không kiếm được một bằng cấp gì, nên rất khinh bỉ
văn bằng. Thì trong Số đỏ, nhân vật Văn Minh cũng đúng như thế. “Anh ta dõng dạc
giảng cho ông bố ngu si, chậm hiểu của mình: “Học thức không ở văn bằng. Những
người như Phạm Quỳnh hay Nguyễn Văn Vĩnh, mà khảo đến bằng, thì thành ra vô học
hay sao?” v.v…
Nhiều người sống cùng thời với
Vũ Trọng Phụng, nói rằng, đọc Giông tố, Số đỏ, có thể chỉ ra được những người
thật trong xã hội đương thời mà Vũ muốn ám chỉ. Trong số các nhà văn hiện đại
Việt Nam, có hai cây bút rất hay dùng nguyên mẫu để xây dựng nhân vật của mình:
Nam Cao và Vũ Trọng Phụng. Tôi đã từng hướng dẫn một sinh viên cao học làm luận
văn, đề tài: “Từ nguyên mẫu đến nhân vật truyện của Nam Cao”. Chúng tôi đã về
làng Đại Hoàng của nhà văn để tìm tư liệu. Hầu hết nhân vật trong Chí Phèo, Sống
mòn đều có nguyên mẫu. Cụ Nguyễn Lương Ngọc, nhà lý luận, phê bình văn học sống
cùng thời với Vũ Trọng Phụng cũng nói như vậy về các nhân vật trong Giông tố, Số
đỏ. Tôi nghĩ giá có ai đó chịu khó tìm tòi để biết được những nguyên mẫu các
nhân vật của Vũ Trọng Phụng thì hẳn là rất thú vị. Từ đó, có thể xây dựng được
một luận văn vừa có giá trị khoa học vừa hết sức hấp dẫn. So sánh nguyên mẫu với
nhân vật truyện, có thể phát hiện ra những phương thức chế biến, hư cấu đầy
sáng tạo của nhà văn. Từ gã Chí Phèo - nguyên mẫu (chỉ là một anh đồ te say rượu
bét nhè, chửi trời chửi đất lung tung), Nam Cao đã sáng tạo ra một Chí Phèo -
nhân vật văn học bất hủ.
Nhưng tìm hiểu nguyên mẫu của
các nhân vật truyện của Vũ Trọng Phụng hẳn là không dễ chút nào. Vì khác vơi
nguyên mẫu các nhân vật trong Chí Phèo, Sống mòn, chủ yếu tập trung ở một làng
Đại Hoàng, nguyên mẫu nhân vật trong Giông tố, Số đỏ quá đông đúc và phức tạp,
gồm đủ các hạng người, lại có mặt ở nhiều môi trường xã hội, ở nhiều vùng đất
khác nhau, hầu như trên cả nước.
Người ta đã viết nhiều, nghiên cứu nhiều, khám phá nhiều về cuộc đời và sự nghiệp
của Vũ Trọng Phụng. Mấy năm gần đây, có hàng chục luận văn thạc sĩ, tiến sĩ viết
về nhà văn này. Vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn chưa thôi đặt ra những
câu hỏi chưa được giải đáp thấu đáo để tiếp tục làm cho các nhà nghiên cứu, lý
luận, phê bình văn học phải động não.
Mới biết, những cây bút lớn,
những tác phẩm đỉnh cao, chẳng những là những đóng góp làm vẻ vang cho truyền
thống nghệ thuật dân tộc, mà còn tạo điều kiện cho sự phát triển ngày càng
phong phú của khoa học văn chương.
(1) Xem “Nhà văn Vũ Trọng Phụng với chúng ta”. Trần Hữu Tá biên soạn - Nxb TP Hồ
Chí Minh. 1999. Đọc các bài của Nguyễn Đình Thi (Nhà văn với quần chúng lao động);
Hoàng Văn Hoan (Một vài ý kiến về tác phẩm Vũ Trọng Phụng trong văn học Việt
Nam); Vũ Đức Phúc (Vũ Trọng Phụng - nhà văn tự nhiên chủ nghĩa tiêu biểu)
(2) Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải cũng có khả năng tương tự. Nguyễn Tuân chưa lên Tản Viên Ba Vì bao giờ mà viết “Trên đỉnh non Tản” rất đúng. Trong kháng chiến, ông mới có dịp tới ngọn núi ấy và thấy “Sao mình giỏi quá vậy?”. Nguyễn Khải ở ngoài Bắc mà tả “Hòa Vang” chiến đấu chống Mỹ nguỵ như thật. Anh chỉ nghe một nhà tình báo cao cấp thuật kể mà viết về những bộ trưởng, thượng nghị sĩ… thuộc chính quyền Sài Gòn cũ như là thông thạo lắm (kịch Cách mạng và tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm)
(3) Tham luận tại Đại hội nhà văn lần thứ 3 (9-1983).
(2) Nguyễn Tuân, Nguyễn Khải cũng có khả năng tương tự. Nguyễn Tuân chưa lên Tản Viên Ba Vì bao giờ mà viết “Trên đỉnh non Tản” rất đúng. Trong kháng chiến, ông mới có dịp tới ngọn núi ấy và thấy “Sao mình giỏi quá vậy?”. Nguyễn Khải ở ngoài Bắc mà tả “Hòa Vang” chiến đấu chống Mỹ nguỵ như thật. Anh chỉ nghe một nhà tình báo cao cấp thuật kể mà viết về những bộ trưởng, thượng nghị sĩ… thuộc chính quyền Sài Gòn cũ như là thông thạo lắm (kịch Cách mạng và tiểu thuyết Gặp gỡ cuối năm)
(3) Tham luận tại Đại hội nhà văn lần thứ 3 (9-1983).
Láng Hạ, 3/11/2009
Nguyễn Đăng Mạnh
Nguồn: nguoibanduong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét