Xuyên qua những màn sương
mù,
(Đọc “Những đỉnh núi du ca-Một
lối tìm về
cá tính H’Mông” của Nguyễn Mạnh Tiến)
Tôi gặp anh Nguyễn Mạnh Tiến
lần đầu ở quán bia Hải xồm Giảng Võ, thông qua lời giới thiệu của thầy mình-học
giả Đỗ Lai Thúy. Hồi ấy, chàng trai xứ Thanh mới rời xứ Huế với tấm bằng thạc
sĩ, ra Hà Nội nhận công tác ở Viện Văn học. Tửu lượng anh Tiến khá nhưng ít
nói, có phần rụt rè. Tàn cuộc nhậu, anh chăm chăm nhìn bản đồ Hà Nội để khỏi lạc
đường. Có lẽ lần đầu tiếp xúc không mấy ấn tượng như thế nên tôi không nghĩ anh
sẽ sớm viết được một công trình nghiên cứu nổi bật; cùng lắm lại viết mấy bài
phê bình đầy những câu từ ngả ngớn, uốn éo lý luận về văn chương đương đại nhan
nhản trên báo.
Thỉnh thoảng gặp nhau
nơi vỉa hè trà đá, phần nhiều qua điện thoại thì anh bảo anh đang ở miền núi
làm mấy đề tài nghiên cứu về văn học dân tộc thiểu số mà anh được giao. Và cũng
không thấy anh viết trên báo nhiều. Tôi lại thêm tin ở nhận định ban đầu về anh,
có lẽ anh Tiến rồi cũng sẽ là “cán bộ nghiên cứu” theo guồng làm việc, mà chẳng
có đóng góp học thuật độc đáo nào.
Thời gian cứ thế trôi…
Bất ngờ, anh Tiến ra sách. Bất ngờ nữa là cuốn sách chẳng mấy dính dáng gì đến
văn chương. Một cuốn sách dân tộc học về người H’Mông có cái tên rất gợi: “Những
đỉnh núi du ca-Một lối tìm về cá tính H’Mông” (NXB Thế giới & Song Thủy
Books). Hóa ra, mấy năm ngược lên vùng núi non Hà Giang là để sinh thành cuốn
sách này. Đọc một mạch cuốn sách mới thấy hết sự chủ quan của mình khi đánh giá
ai đó chỉ bằng vẻ bề ngoài…
Một công trình nghiên
cứu được gọi là thành công, tôi nghĩ công trình đó phải có kiến giải mới hoặc ứng
dụng được một phương pháp nghiên cứu mới. Công trình anh Tiến đạt được cả hai
yêu cầu này, đó là một điều không dễ dàng với một người nghiên cứu mới chỉ ở tuổi
30.
Sự mới mẻ của cuốn
sách đó là xua đi đám sương mù phủ lên tộc người H’Mông vốn đầy xa lạ và bí ẩn
với những người ở bên ngoài tường rào đá nhìn vào. So với những tộc người lớn ở
Bắc Việt như Việt, Mường, Thái, Tày-Nùng, người H’Mông ít được các nhà nghiên cứu
dành cho một sự quan tâm lớn, dẫu rằng, chúng ta đã có những công trình nghiên
cứu khá nghiêm túc của F. M. Savina, Trần Hữu Sơn, Bế Viết Đẳng, Cư Hòa Vần...
Chỉ ra những hạn chế của bất kỳ một công trình nghiên cứu nào đó không phải là
điều khó nhưng có lẽ không cần thiết bởi mỗi một công trình nghiên cứu chỉ là
“mảnh ghép” để hiện lên một “bức tranh” về đối tượng nghiên cứu mà thôi. Và
quan trọng hơn, nếu không có những người “mở đường”, tôi tin để hoàn thành công
trình của mình, anh Tiến không phải chỉ trong vòng bốn năm mà có khi còn lâu
hơn. Lựa chọn người H’Mông làm đối tượng nghiên cứu là lựa chọn có chủ ý, rất hợp
lý của anh Tiến để không phải khổ sở vượt qua các “đỉnh núi học thuật” Từ Chi với
người Mường, Cầm Trọng với người Thái... Và đến với tộc người H’Mông, với anh
Tiến có khi là cả một tình cảm say mê khó lý giải...
Điều đáng ngạc nhiên ở
cuốn sách “Những đỉnh núi du ca” chỉ cần 200 trang đầu tiên của cuốn sách, anh
Tiến đã vẽ ra một “bức tranh” khá hoàn chỉnh về lịch sử người H’Mông ở Việt Nam
cũng như cá tính của tộc người này. Không chỉ đầy đủ mà những nhận định mà anh
Tiến đưa ra khá thuyết phục dựa trên các tư liệu phong phú, đáng tin cậy, với một
thái độ thận trọng. Rõ ràng, với một dân tộc di cư, không có nhiều tài liệu ở dạng
văn bản để lại như người H’Mông, bất cứ nhận định nào không thực chứng đều dẫn
đến sự võ đoán hiển nhiên.
Không bằng lòng với thứ
dân tộc học mô tả đơn thuần, anh Tiến nỗ lực đi sâu vào nghiên cứu cá tính tộc
người theo chiều sâu. Với một tộc người không có nhiều di sản vật thể, văn tự để
lại, việc tìm hiểu cá tính của H’Mông chỉ có cách nghiên cứu dân ca bởi tiếng
hát và trình độ tiếng hát “trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá tộc
người” (trang 53). May mắn cho anh Tiến là dân ca Mông đã được chuyển dịch ra
Quốc ngữ, với công trình kinh điển “Dân ca H’Mông” (1984) của Doãn Thanh. Nhờ
được đào tạo bài bản về nghiên cứu văn học, anh Tiến đã xử lý hàng ngàn bài dân
ca Mông thông các phương pháp phân tích ngữ văn để cho ra được những “từ khóa”
mở ra cánh cửa tâm hồn người H’Mông: Tâm thức lưu vong, tâm thức mồ côi, ám ảnh
Hán, tự vẫn, nổi loạn, mơ mộng, tự trị tộc người... Con đường “khảo cổ học tri
thức” nghe chừng thì dễ nhưng cũng mất nhiều thời gian. Dân ca Mông có hàng
ngàn bài, phải đọc, phải “xếp chồng văn bản” để xem chủ đề nào, từ ngữ nào được
lặp đi lặp lại, sau đó mới cô lập để trở thành những “từ khóa” áp dụng vào
nghiên cứu.
Với những “từ khóa”
thu được, tác giả tiếp tục sử dụng đi sâu nghiên cứu cấu trúc xã hội người
H’Mông, để từ đây lần về quá khứ, lý giải những phong tục, tập quán của tộc người
này. Đây là bước nghiên cứu sau cùng, định danh cuốn sách thuộc thể loại dân tộc
học lịch sử, chứ không phải là cuốn sách nghiên cứu dân ca H’Mông; bởi dẫu sao
nghề dân tộc học cũng là một nghề đi ngược về quá khứ! Cũng cần nói thêm rằng,
quá khứ mà anh Tiến nghiên cứu là lịch sử đời sống vật chất và tinh thần người
H’Mông khi họ đặt chân đến Việt Nam vào thế kỷ XVII cho đến giữa thế kỷ XX. Anh
Tiến không có tham vọng nghiên cứu lịch ngàn năm của dân tộc hình thành ở cao
nguyên Quý Châu tận Trung Hoa xa xôi, cũng như nghiên cứu thực trạng người
H’Mông hiện nay-vốn đã bị đồng hóa, không còn giữ được nhiều nét bản sắc văn
hóa độc đáo.
Quá trình tìm về cá
tính H’Mông của tác giả cũng đã gián tiếp trả lời cho người đọc những thắc mắc
lâu nay về người H’Mông như: Vì sao người H’Mông lại thích du canh du cư? Vì
sao người H’Mông lúc nào cũng chọn đỉnh núi để cư trú mà không chịu “hạ sơn”?
Vì sao người H’Mông rất dễ tin theo lời tuyên truyền, dụ dỗ rằng đã xuất hiện một
vua H’Mông? Vì sao người H’Mông rất dễ tự vẫn?... Với việc áp dụng phân tâm học
để phân tích cá tính tộc người, cá tính người H’Mông bất khuất, yêu tự do, sống
trong cái lý của người H’Mông và cả cơ cấu vận hành xã hội phân chia giai cấp của
người H’Mông đã hiện hiển rõ rệt, sinh động chưa từng thấy. Thông qua cuốn sách
này, tôi tin tưởng những người làm chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc sẽ
hiểu được phần nào cá tính người H’Mông, để có thể giúp tộc người này sống yên ổn
của biên cương, trên những đỉnh núi tai mèo dựng đứng.
Một niềm tin khác
trong tôi là khi đọc kỹ cuốn sách, chúng ta sẽ loại bỏ đi những thiên kiến
không đáng có về người H’Mông. Hình ảnh đứa trẻ bẩn thỉu tồng ngồng lê la đất
cát, những bà mẹ lầm lũi với chiếc gùi sau lưng, những người đàn ông uống rượu
ngô ngất ngư bên chảo thắng cố... thực ra chỉ là hình ảnh bề ngoài “xấu xí” của
tộc người này. Nhưng trong sâu thẳm đời sống tinh thần người H’Mông xa xưa, họ
có nhiều điểm tiến bộ và dân chủ mà mãi gần đây chính người Kinh mới đạt được.
Chẳng hạn như việc người H’Mông luôn có quan niệm về tình yêu dân chủ và tự do.
Trong thời thanh xuân, trai gái thoải mái tìm hiểu nhau và quan hệ tính giao là
chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng đồng thời, họ không chấp nhận quan hệ ngoài
hôn nhân, nếu phạm tội ngoại tình thì bị phạt nhưng nhẹ nhàng hơn so với người
Việt, Mường, Thái.
Có thể nói, mục đích
xuyên suốt trong cuốn sách của anh Tiến là vừa khám phá cá tính tộc người
H’Mông và song hành với đó là quá trình giải-ngộ nhận từ lịch sử lẫn hiện tại về
tộc người bí ẩn này. Và không chỉ có người H’Mông, ở phần cuối cuốn sách “Cá
tính H’Mông: Nhìn từ các hệ thống quyền lực miền núi”, quyền lực của các tộc
người miền núi ở Bắc Việt đã nhìn nhận một cách triệt để, thấu đáo, trả lại
đúng vị trí trong lịch sử. Lâu nay, dưới cái nhìn của người Việt-dân tộc chủ thể
sống ở đồng bằng, tất cả các đánh giá nhìn nhận đều trở nên thiếu khách quan.
Người Việt chỉ chiếm lĩnh được đồng bằng, còn miền núi phân chia theo độ cao là
vành đai quyền lực của Mường-Thái (vùng Tây Bắc), quyền lực Tày (vùng Đông Bắc)
và chót vót trên các đỉnh núi là quyền lực H’Mông.
Trong lịch sử, chưa
bao giờ các triều đại phong kiến lẫn chính quyền trong tay người Pháp có thể
khuất phục được các tộc người miền núi bằng vũ lực; có chăng, những chiến thắng
quân sự là chỉ nói quá trong sách sử để đẹp mặt triều đình trước dân chúng miền
xuôi mà thôi. Chính sách với những tộc người trốn chạy khỏi sự bánh trướng của
người Hán là kết tình bang giao, tôn trọng sự tự trị nhất định các cấu trúc quyền
lực và xã hội của những “tiểu vương quốc” tộc người thiểu số này. Đồng thời
cũng tránh đề cập về một quyền lực ở miền núi không chịu quy thuận dưới vỏ bọc
là những cuộc khởi nghĩa của đám “giặc cỏ” mà sau bị quy hết là các khởi nghĩa
nông dân chống lại triều đình thối nát. Ở điểm này, anh Tiến đã xem lại các bộ
chính sử, và nhận ra rất nhiều điều sai lệch đã được ghi chép. Và anh cho rằng,
đất nước Việt Nam nếu nhìn dưới khía cạnh là đất nước đa tộc người cần phải có
cái nhìn toàn diện, thêm một cái nhìn từ đỉnh núi chứ không chỉ là nhìn từ đồng
bằng và nhìn từ biển.
Điểm cuối cùng cần
trân trọng cuốn sách quý về người H’Mông là cách viết của tác giả. Một lối viết
uyển chuyển, tinh tế, trình bày sáng sủa mà có người nói đùa là che tên tác giả
đi cứ tưởng là sách dịch của một ông Tây nào đó. Con người gần gũi với văn
chương bấy lâu của anh Tiến đã phát huy hết phẩm chất để làm nên một cuốn sách
nghiên cứu dân tộc học lịch sử làm say mê người đọc.
Anh Tiến bảo, anh sẽ
nghiên cứu người H’Mông lâu dài theo lối thâm canh chứ không quảng canh và dọn
hẳn lên vùng núi non Hà Giang để “ba cùng” với đồng bào, tránh cái lối nghiên cứu
phòng giấy nhan nhản hiện nay. Anh Tiến còn nói sẽ nghiên cứu tang ca người người
H’Mông để hiểu vũ trụ luận của tộc người này như Từ Chi đã từng nghiên cứu vũ
trụ luận của người Mường năm xưa. Và rồi nghiên cứu người H’Mông hiện nay sống ở
Tây Nguyên như thế nào nữa. Vẫn biết “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”, tôi
nghĩ rằng với cái chí, lòng đam mê, với quá trình vừa làm vừa học, người H’Mông
sẽ tiếp tục được bước ra khỏi màn sương mờ trên các đỉnh núi, để sáng rõ dưới
ánh mặt trời thông qua những công trình tiếp theo của anh Tiến.
Trần Hoàng Hoàng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét