Nhân đọc tập thơ Chút Hương Cố Xứ của Bùi Văn Cang
Hạnh phúc có vẻ như là người
khách lạ của thơ? Các tác phẩm kinh điển của Việt Nam như Đoạn
trường tân thanh của
Nguyễn Du, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh
phụ ngâm của
Đặng Trần Côn đều lấy khổ đau làm chất liệu chính cho tác phẩm. Xưa nay các nhà
thơ càng gặp nhiều đen đủi trong cuộc tồn sinh thì những câu thơ càng rực sáng.
Có phải nhà thơ cần phải lâm vào cảnh cùng khốn thì tinh hoa mới phát tiết ra
ngoài? “Thi cùng nhi hựu công” (Âu Dương Tu đời Tống Trung Quốc). Liệu có
mối tương quan nào giữa những bất hạnh trong đời và niềm hạnh phúc trong thơ?
Các tuyệt tác Đường thi dường như chưng cất từ những đọa đày của chính nhà thơ
hay những âm vọng lầm than của thời đại. Hàn Mặc Tử và Bích Khê là hai nhà thơ
đã “chắt lọc” từ những khổ đau bệnh tật thành những ly rượu thơ trong vắt hạnh
phúc. Muriel Rukeyser cho rằng không thể có sự tách biệt giữa thơ và những trải
nghiệm cuộc sống. Hít vào là trải nghiệm, thở ra là thơ (Breath – in
experience, breath – out poetry). Nhà thơ “hít vào” những khổ đau và khi thở ra
những bài thơ đã trở thành hạnh phúc. (Pain is filtered in a poem so that it
becomes finally, in the end, pleasure – Mark Strand). Tin vào thơ như một liệu
pháp, Giả Đảo từng nói một ngày không làm thơ, suối lòng như giếng hoang (Nhất
nhật bất tác thi, tâm nguyên như phế tĩnh). Thoát thai từ khổ đau nhưng thơ là
cánh buồm dong về chân trời hạnh phúc. Làm thơ là cách để được sống trọn vẹn
hơn (I write poetry in order to live more fully – Judith Rodriguez). Thơ là tấm
gương soi làm tươi đẹp những gì đã bị cuộc đời làm xiêu lệch (Poetry is a
mirror which makes beautiful that which is distorted – Percy Bysshe Shelly).
Và cũng thế, đối với Cang, thơ
là niềm hạnh phúc.
Hầu hết những bài thơ trong tập
“ Chút hương cố xứ ”
đều nhắc đến ánh trăng. Với Cang, có thể trăng là thơ và thơ là trăng. Trăng là
hiện thân của thơ. Thơ là tính thể của ngôn từ (The crown of literature is
poetry – Somerset Maugham), và có lẽ cũng chính là tính thể của hiện thể (It is
the sublimest activity of the human mind - Somerset Maugham).
Nếu ví những khổ đau liên tục
đến với số phận con người như thể đêm dài, trăng là người bạn đáng tin cậy để
chia sẻ những gì chỉ có thể chia sẻ lặng thầm như niềm cô liêu ngất tạnh của Lý
Bạch trong bài Nguyệt hạ độc chước: Cử bôi yêu minh nguyệt, đối ảnh thành tam
nhân (Nâng chén mời trăng nhé, thêm bóng nữa là ba).
“Với
trăng tôi thức trắng…đêm dài”
“Cõi
nào đã hiện ra thơ
Dắt ta
trôi giữa đôi bờ tử sinh”
Nhiều nhà thơ đã viết về trăng,
nhưng chưa một ai nghĩ đến sự gắn kết “tiền định” giữa nhà thơ và ánh trăng:
“ Hỡi
ơi một bóng trăng tiền kiếp
Đã rợn
bao lần sắc bể dâu”
Hình ảnh cô đơn của bóng trăng
xê dịch trong đêm khuya giữa vòm trời bao la như một kẻ bộ hành đơn độc trong
cuộc sống khiến ta không thể không nghĩ đến có sự đồng cảm của Bùi Văn Cang và
nhà thơ đời Đường, Tư Không Thự:
“Hiểu nguyệt quá tàn lũy, phồn
tinh túc cố quan” (Trăng sớm qua lũy vắng, bầy sao ngụ ải xưa)
“Tôi có
được soi từ kiếp trước
Bởi em,
vầng nguyệt ẩn phiêu linh”
Cang có một tình yêu nhẫn nại
với trăng. Thật ra yêu chính là nhẫn nại, là sự chờ đợi trong thao thức:
“Bao
đêm thao thức lòng mê mải
Ngóng
đợi vầng trăng biếc hiện về”
Khi viết về quê hương, nhà thơ
Đoàn Vị Thượng từng ví “Một mảnh trăng vàng như mảnh chai, mảnh chai đâm nhói
lòng xa xứ…”. Có lẽ cũng như Cang, nhìn thấy đâu cũng là trăng, hoặc tất cả
hiện thể đều biến thành trăng.
“Hoặc
thành trăng ôm đáy nước sông dài”
“Chắc
từ lúc mắt xanh dần nhuốm tím
Bởi
nuối hoài trăng lạc nẻo mù khơi”
Và tình yêu của Cang với trăng
giúp anh cảm nhận được sự có mặt của trăng không phải chỉ trong mùa trăng.
Người đọc không thể không liên tưởng đến câu nói đầy thi tính của Albert
Einstein “Tôi muốn nghĩ rằng vầng trăng vẫn hiện hữu ở đấy ngay cả khi tôi
không ngước nhìn lên” (I like to think that the moon is there even if I am not
looking at it).
“Như
trăng mùa lạnh ngủ vùi
Qua cơn
mê vẫn chưa nguôi tội tình”
“Vẫn
tỏa ánh ngời một nửa trăng
Còn nửa
trăng kia mây tóc phủ”
Yêu trăng không phải chỉ trong
những đêm rằm:
“Lồng
lộng trời xanh chim én lượn
Mênh
mang sóng biếc nguyệt rằm trôi”
Cang nhói lòng khi nghĩ đến
những vầng trăng trong nguy nan:
“Như
hoa rụng trên sông ngày mưa bão
Như
trăng chìm vào vần vũ mây đen”
Trăng đã là người bạn đồng hành
thân thiết của nhà thơ ngay từ thuở thơ ấu:
“Em đó
ư! Mùa thu xanh ký ức
Cùng
vầng trăng thời bé dại quay về”
Nhà thơ yêu ánh trăng với một
tình yêu ngây ngô và bền vững như đá tảng:
“Lòng
như bãi đá hoang sơ
Thấm
màu nguyệt úa đến giờ chưa phai”
Có phải trăng chính là biểu
tượng của khát vọng về những vẻ đẹp trong đời sống, những vẻ đẹp luôn có số
phận mỏng manh, những hiện thể lưu lạc rày đây mai đó.
“Dễ gì
ta chết vì trăng
Đầu hôm
đang nở cuối chân biển, trời”
Khi bị tan vỡ, ánh trăng lại
biến thành muôn ngàn đôi mắt lấp lánh:
“Hồn
trăng vỡ buổi triều đầy
Hóa
ngàn mắt rọi sâu dày thế gian”
Trong thế giới ngày càng ồn ả,
cuồng động này, còn ai cảm thức được niềm cô liêu của lữ khách, vẻ cô tịch của
một bến vắng dưới bóng trăng tà trong đêm khuya?
“Lữ
khách lòng buồn như bến vắng
Khuya
nay nằm mộng dưới trăng tà”
Còn mấy ai giữ được mối tương
giao lặng lẽ với thiên nhiên?
“Trăng
xuân tàn rụng về đâu nhỉ?
Bỏ lại
trần gian những cánh sầu”
Cang lấy bóng trăng làm điểm
quy chiếu cho những ước mơ bình thường trong đời:
“Giấc
mơ có một mái nhà
Cũng xa
vời vợi bóng tà trăng kia”
“Vẫn
cháy niềm hoài vọng bóng trăng xưa”
Thơ Cang không phải chỉ đầy
nhạc tính, ta có thể tìm thấy những “thi ảnh” tuyệt đẹp mà hội họa không thể
vươn đến:
“Sẽ về
rực chân mây vàng giấc ngủ”
“Ôi thơ
ca một vầng trăng ngời chiếu
Xuống
trần gian, sông núi thắm tơ duyên”
“Giấu
chi mấy giọt trăng tà
Khi mùa
thu đã ngút xa, bên trời”
Tác giả dẫn người đọc đến một
thế giới được nhìn qua kính vạn hoa. Mỗi mảnh vỡ phản chiếu toàn thể. Và toàn
thể biểu hiện trong một mảnh vỡ.
“Trăng
từ độ chết dòng xanh
Tóc tơ
dệt mãi chưa thành áo duyên”
“Trăng
về xua bóng hoàng hôn
Chim
kêu lạc tiếng lên nguồn hỗn mang”
“Trăng
vẫn đi, về trên cõi không
Trăng xanh rồi tàn úa như những
buồn vui thân phận con người luôn là những ám ảnh không nguôi:
“Dẫu
lòng đã rệu qua mưa bão
Và
trăng phai úa tự bao giờ”
Ánh trăng trong thơ Cang có thể
là tượng trưng, “mưa bão”, “hoàng hôn”, “hoa rụng”, “đêm tối” là hiện thực,
nhưng Cang không hề bận tâm đến việc cách tân hay hậu hiện đại. Nói như A.
Vonznessenski về Pasternak “trong những tác phẩm về sau trở về hình thức
cổ truyền hơn nhưng ông không mất đi một chút tài năng nào, và chính vì vậy mà
cứ mới mãi…”
“Qua
xuân trời đất xanh như mộng
Bởi
giấu niềm riêng bóng nguyệt tà”
“Bốn
mặt vần xoay, năm chuyển tiếp
Riêng
xuân ngời sáng mặt trăng tròn”
Thơ Cang phần nào giúp chúng ta
tiếp cận với vẻ đẹp mà theo Percy Bysshe Shelly, thơ đã vén lên tấm màn đã che
mờ vẻ đẹp, khiến các vật thể bỗng hiện ra rỡ ràng như mới gặp lần đầu chưa hề
quen biết (Poetry lifts the veil from the hidden beauty of the world, and makes
familiar objects be as if they were not familiar).
Cũng như tất cả những ai còn
tin vào sức mạnh chuyển hóa của thơ như Thomas Hardy đã từng cho rằng nếu
Galileo phát biểu bằng thơ, chân lý chính trái đất chứ không phải mặt trời
chuyển động, thì quan tòa giáo hội đã không cản trở (If Galileo had said in
verse that the world moved the inquisition might have let him alone).
Và Bùi Văn Cang đã “phát biểu” bằng thơ:
“Trăng chợt nở sáng hơn
lòng đã tưởng”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét