Mặt trăng thứ nhất
Cao Huy Thuần
Trong
đời, tôi đã thấy mặt trăng lần nào chưa? Nhìn trăng, tôi nhìn cả đời. Nhưng
thấy trăng, tôi không dám nói chắc. Khi tôi nhìn trăng trước mắt, tôi nghĩ đến
trăng nửa khuya loáng thoáng trên tàu lá chuối sau vườn cũ. Tôi nghĩ đến đèn
trung thu lúc nhỏ. Tôi nghĩ đến cái chõng tre giữa sân trên đó, ngày xưa, tôi
nằm nhìn mây bay. Nhìn trăng, tôi không thấy trăng. Chỉ thấy lá chuối, chõng
tre. Thấy cả tôi với trẻ con hàng xóm nô đùa. Có lần tôi trốn tìm với chúng nó,
bị lộ, tôi nhảy bừa vào bụi tre, bất ngờ có đứa con gái đã ngồi sẵn trong đó.
Tôi sợ hoảng, toan vọt ra thì nó kéo tay tôi lại, ấn vai tôi xuống, cười đồng
lõa. Trong loáng thoáng của cây lá, tôi thấy hai cái răng cửa của nó sáng ngời
ánh trăng. Bây giờ, nhìn trăng non, tôi thấy cái miệng và hai cái răng. Tựa như
hai cái răng của nó phát ánh sáng và in hình miệng nó lên bầu trời.
Trăng
là đề tài ruột của các thi sĩ từ khi con người biết làm thơ. Nhưng các vị có
thấy mặt trăng hơn tôi không, hay các vị cũng chỉ phóng hai cái răng lên mặt
trăng? Trong mối quan hệ giữa người ngắm trăng và trăng được ngắm, có bao giờ
mặt trăng hiện hữu như nó đang chiếu hay chỉ là một vật được người làm thơ mượn
tạm để nói lòng dạ của mình? Ðem lòng nhìn cảnh hay mượn cảnh để nói lòng, mặt
trăng chẳng phải đều được thấy qua tưởng tượng cả đấy sao? Càng tưởng tượng
"nên thơ", trăng càng xa với trăng thật. Xa như thế, nó đâu còn đấy
nữa; nó không có. Trăng đã không có, làm sao nói được có người ngắm trăng? Cả
hai đều không có. Trăng không có, vì đó là trăng trong mộng. Người đang sờ sờ
ra đấy mà cứ trố mắt vào mộng, ấy là người ảo. Có lẽ ông Lý Bạch đã chứng
nghiệm được điều đó. Ông say rượu, thấy trăng trong nước đẹp quá, nhảy xuống ôm
chị Hằng. Chị Hằng không có, nên ông chỉ ôm thủy thần. Ông cũng không có nốt vì
ông say, ông đang là Lưu Linh.
Trong
sự thưởng ngoạn rất chủ quan của tôi về trăng trong thơ, tôi tự hỏi: có chăng
trong thơ một mặt trăng thật và một người ngắm trăng thật? Thơ có làm được
chuyện phi thường đó không? Ðặt câu hỏi như thế tức là tôi ám chỉ rằng trăng
trong thơ thường là mặt trăng thứ hai, mặt trăng đến sau mặt trăng nguyên thủy.
Tôi thử đọc lại những bài thơ mà tôi đã thích trong thơ Ðường và Nguyễn Du để
xem tôi nghĩ như thế có đúng không.
Dễ
minh chứng cho tôi nhất là bài "Tĩnh dạ tứ " quen
thuộc của Lý Bạch:
Sàng
tiền minh nguyệt quang
Nghi
thị địa thượng sương
Cử
đầu vọng minh nguyệt
Ðê
đầu tư cố hương
"Minh
nguyệt" trong câu đầu không phải là "minh nguyệt" trong câu thứ
ba. Trong đêm thanh vắng, bỗng mắt Lý Bạch chạm phải ánh trăng trên đầu giường.
Có thể ông đang ngủ thiếp, chợt thức giấc, bắt gặp trăng. Trong nhận thức đầu
tiên của ông, ông ngỡ ánh trăng là sương phủ mặt đất. Ông ngẩng đầu nhìn trăng,
và ông cúi đầu... Lập tức vầng trăng thứ hai hiện ra trong nỗi nhớ nhung quê cũ
của ông.
Cũng
vậy, Triệu Hổ đứng trên lầu bâng khuâng nhìn trăng trên sóng nước. Trăng sáng
như nước, nước sáng như trời. Bất giác, ông nhớ người cũ cùng ngắm trăng với
ông năm trước. Cảnh cũ còn đây, người cũ đâu rồi?
Ðộc thượng giang lâu tứ
tiểu nhiên
Nguyệt quang như thủy,
thủy như thiên
Ðông lai ngoạn nguyệt
nhân hà tại?
Phong cảnh y hi tự khứ
niên
"Nguyệt"
trong câu thứ hai cũng không phải là "nguyệt" trong câu thứ ba. Cũng
vầng trăng đó, nhưng trăng năm này, trăng trước mắt, vầng trăng đang làm lung
linh trời nước một màu kia, phút chốc đã bị vầng trăng năm ngoái truất phế. Ðây
là mặt trăng-thời gian, trăng quá khứ. Giống như trăng của Lý Bạch
khi ông triết lý: người thời nay không thấy trăng thời xưa, nhưng trăng thời
nay đã từng chiếu người thời xưa:
Kim nhân bất kiến cổ
thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh
chiếu cổ nhân
Ông
nói như thế để làm gì? Ðể chuốc rượu! Bạn không uống rượu thì ta xin hỏi: trăng
còn mãi đấy, người xưa có còn đấy không?
Quân nhược bất ẩm tửu
Tích nhân an tại tai?
Cũng
mặt trăng-thời gian, nhưng bây giờ nó chạy tới phía trước, bay vèo vào tương
lai. Trong "Nguyệt Dạ" của Ðỗ Phủ, một khuê phụ xa
chồng đứng ngắm trăng khuya trước sân. Sương móc thơm của đêm trăng làm ướt mớ
tóc mây. Ánh trăng trong giãi trên đôi tay ngọc giá lạnh:
Hương vụ vân hoàn thấp
Thanh huy ngọc tý hàn
Trăng
vừa chiếu trên tay ngà thì chớp mắt đã bay vào tương lai để chiếu trên má cô
gái vừa khô nước mắt biệt ly:
Hà thời y hư hoảng
Song chiếu lệ ngân can?
Biết
ngày nào đôi ta được tựa màn cửa trống, cùng ngắm trăng chiếu sáng đôi ngấn lệ
khô?
Khuê
phụ ngắm trăng nhớ chồng chinh chiến phương xa là một hứng lớn trong thơ Ðường.
Trăng bây giờ trở thànhtrăng-không gian, vầng trăng thứ hai đang soi
bóng chồng ở xa. Trích dẫn thì nhiều quá, mà e chưa chắc đã tài hoa bằng Kiều
của ta:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi
dặm trường
Ðâu
có chinh phụ thì đấy có trăng-không gian. Chinh phụ ngâm chiếu
những vầng trăng nhớ nhung như thế.
Có
khi mặt trăng thứ hai vừa sáng trong thời gian vừa sáng trong không gian. Mắt
của Lý Bạch đã nhìn như vậy:
Bất hướng Ðông sơn cửu
Tường vi kỷ độ hoa
Bạch vân hoàn tự tán
Minh nguyệt lạc thùy gia
Tôi
chọn bản dịch của Ngô Tất Tố vì dịch rõ nhất ý đó:
Non Ðông xa cách bao
xuân
Cây tường vi đã bao lần
nở hoa
Mây xưa hẵn vẫn bay xa?
Trăng xưa biết rụng
xuống nhà ai nao?
Dù
là thời gian hay không gian, mặt trăng thứ hai đó chiếu từ xa, rất xa. Có những
mặt trăng thứ hai chiếu gần, rất gần, gần như một người bạn. Và bởi vì ngày xưa
người bạn nhiều khi gần hơn cả người tình, trăng-bạn hiện ra
rất nhiều trong cổ thi. Trăng đó bồi hồi với Lý Bạch khi ông ca múa với bóng
ông và bóng trăng (ngã ca nguyệt bồi hồi), trăng đó đi theo
ông từ trên núi khi chiều hôm ông bước xuống lưng đèo (mộ tòng bích sơn
hà, sơn nguyệt tùy thân quy), trăng đó không rời ông già Ðỗ Phủ sống
cô quạnh trong xóm nhỏ ven sông: khi ông cuốn rèm trăng vẫn ngó theo ông, khi
ông chống gậy trăng vẫn theo bên mình:
Thu nguyệt nhưng viên dạ
Giang thôn độc lão thân
Quyển liêm hoàn chiếu
khách
Ỷ trượng cánh tùy nhân
Tròn
vành vạnh trăng thu trên trời là vầng trăng thứ nhất. Nó xuất hiện trước mắt
ông lão. Trăng ngó theo ông, trăng đi theo ông là vầng trăng thứ hai. Bởi vì nó
đã trở thành người bạn. Vầng trăng-bạn đó, cảm động thay, từ xa vẫn đến thăm
Nguyễn Du lúc ông cùng đường, suốt ba mươi năm, dù chân trời góc biển:
Cùng đồ liên nhữ dao
tương kiến
Hải giác thiên nhai tam
thập niên
Nguyễn
Du ôm bệnh, ôm tấc lòng riêng, thường thao thức suốt đêm, canh một nghe tiếng
trống, tiếng ốc, canh năm nghe tiếng gà, suốt đêm nghĩ quẫn nghĩ quanh, thế mà
lạ quá, nhìn ra ngoài, trăng vẫn sáng với ông: lạ quá, làm sao trăng sáng đầy
trời thế mãi trong khi gió tây thổi lạnh ngăn ngắt vào mình?
Sơn canh cổ giác ngũ
canh kê
Chung dạ bồi hồi tứ
chuyển mê
Minh nguyệt mãn thiên hà
cố cố
Tây phong xuy ngã chính
thê thê
Nguyễn
Du ngã bệnh liên miên trong thơ. Buổi sáng lạnh, ông soi gương thấy mình gầy và
già. Ðêm thanh vắng, cửa tre đóng kín, ông nằm rên. Bệnh cũ mười năm không ai
hỏi han, tìm đâu ra thuốc tiên luyện chín lần để uống? Trong tình cảnh như vậy,
ông nhìn trăng thế nào đây? Ông muốn trăng trên trời xuất hiện ngay trườc cửa
để ánh sáng dọi xuống xua tan mọi bóng tối:
An đắc huyền quang minh
nguyệt hiện
Dương quang hạ chiếu phá
quần âm
Trăng-bạn
thường soi chiếu như thế ở câu cuối của Nguyễn Du sau những than thở, sụt sùi,
lạnh lùng, cô đơn, yếu đuối, tơ vò trăm mối, lữ thứ cùng chân:
Không ốc lậu tà nguyệt
Chiếu ngã đan thường y.
Nhà
trống, ánh trăng xế lọt vào, chiếu xuống tấm áo đơn của ta. Câu cuối của Ðỗ Phủ
cũng vậy, sau khi ôm gối không ngủ được, nằm nghe vượn hú, kèn ngân. Không bi
thương như Nguyễn Du, Ðỗ Phủ chợt bắt gặp ánh trăng xuyên qua những dây leo
giãi trên mặt đá, chiếu sáng đám hoa lau trước bãi sông:
Thỉnh khan thạch thượng
đằng ba nguyệt
Dĩ ánh châu tiền lô địch
hoa
Những
ánh trăng xuất thần như vậy có khi hiện ra giữa bài thơ, nhưng đây không phải
là những bài thơ mang chủ đề về trăng. Quái lạ, khi trăng đột xuất ở giữa bài
thơ, trong một câu thôi, nó thường rất thật, rất gần với mặt trăng thứ nhất mà
tôi sẽ nói ở phần sau. Ðây là trăng của Ðỗ Phủ soi vào lông chim khiến con chim
đang ngủ cứ xoay mình luôn(minh phiên túc điểu tần). Ðây là trăng
Hoành Sơn của Nguyễn Du lóng lánh trên vó ngựa vỗ đường vào Huế bệ kiến (cố
quốc thiềm tùy mã hậu minh). Trăng hiện ra đột ngột rồi biến ngay mất, chưa
kịp tạo cơ hội cho tưởng tượng vẽ vời của vaàng trăng
thứ hai.
Ấy
là trăng trong thơ cổ. Bây giờ tôi sẽ xem mặt trăng thứ hai hiện ra như thế nào
trong một bài thơ mới. Tôi chọn bài thơ của Hàn Mặc Tử mà học trò chúng tôi
ngày trước thuộc làu làu vì mê quá. Bài thơ làm giữa lúc thơ mới vừa đại thắng
thơ cũ, lời thật mới nhưng ý vẫn còn thấp thoáng bóng dáng những khuê phụ trong
thơ Ðường và cô gái xuân của Lý Bạch e thẹn, rạo rực, hỏi nhỏ gió xuân: cớ sao
gió chẳng biết gì lòng dạ của nhau mà thổi vào tận trong màn thiếp như thế này? Hà
sự nhập la vi?
Tôi
sẽ đọc từng đoạn:
Trăng nằm sóng soải trên
cành liễu
Ðợi gió đông về để lả
lơi
Nằm
sóng soải… Các quyển từ điển cắt nghĩa: sóng soải là nằm thẳng dài người ra.
"Sóng soải" gợi hình ảnh một thân thể nằm thuỗn ra, duỗi tay duỗi
chân. Ta nói: nằm sóng soải trên giường, trên phản, trên bãi cát… Ai nhìn một
người nằm sóng soải sẽ thấy đập vào mắt một cái lưng dài, tay dài, chân dài.
Sóng soải gợi chiều dài. Mà mặt trăng thì không dài! Nó tròn! Làm sao nó nằm
sóng soải được! Mặt trăng nằm tròn như bào thai nằm trong bụng. Không ai nói
bào thai nằm sóng soải trong dạ con! Huống hồ, để có thể sóng soải, cái lưng,
hai tay và đôi chân cần phải có một mặt bằng thênh thang để duỗi ra thoải mái,
vươn ngón chân, móng tay đến vô tận vô biên. Thế mà mặt trăng ở đây nằm sóng
soải trên cái gì? Trên một nhánh liễu! Trên một sợi lông mày! Một hình tròn nằm
sóng soải trên một đường tơ! Lấy luận lý bình thường mà nói, đáng lẽ nhà thơ
phải viết: cành liễu nằm sóng soải trên mặt trăng mênh mông!
Có
lẽ cũng phải dẹp luận lý bình thường qua một bên để đọc câu thơ tiếp theo: Ðợi
gió đông về…Ai đợi gió đông về? Cứ theo cách đọc bình thường thì đó là
trăng. Nhưng ai cấm tôi đọc một mạch từ câu thứ nhất qua câu thứ hai không ngắt
quãng: cành liễu đợi gió đông về… Tôi có nhiều lý lẽ để biện minh cho
cách đọc không bình thường của tôi. Giữa mặt trăng và cành liễu, ai có tương
quan nhiều với gió hơn ai? Chắc chắn phải là cành liễu. Gió chỉ có tương quan
với mây, gió thổi mây bay và do đó dường như trăng trôi. Nếu có ai nói: gió
thổi trăng trôi, thì tương quan giữa gió với trăng cũng chỉ là tương quan gián
tiếp. Còn cành liễu với gió thì tình nhân với nhau từ thuở trái đất mới sinh.
Bởi vậy cành liễu mới đợi gió đông. Gió làm lay động cành liễu, chúng nó đùa
bỡn với nhau, lắm khi cợt nhã. Vậy thì ai "lả lơi"? Ai đợi
gió đông về để lả lơi nếu không phải đích danh thủ phạm là cành liễu?
Ấy
thế mà ai đọc câu thơ cũng nghĩ rằng trăng đợi gió và cái thói lẳng lơ hoa
nguyệt là cái nết đánh chết không chừa của trăng. Vì lẳng lơ như vậy cho nên
trăng mới có một thân hình, có tay, có chân, có lưng để nằm và naèm sóng soải.
Nhìn
trăng và thấy trăng nằm trong cái thế chờ đợi rất khêu gợi đó, vạn vật trong
hai câu thơ tiếp theo nín thở như chính mình rợn người trong hoan lạc của phút
giây chờ đợi:
Hoa lá ngây tình không
muốn động
Lòng em hồi hộp chị Hằng
ơi!
Nói
là vạn vật vì có hoa lá, kỳ thực đây là chuyện trò tâm sự của một cô gái không
thể nói với ai khác những rung động bí ẩn của mình ngoài trăng sáng một cách vô
tư trên trời. Trăng thì vẫn tròn thế thôi, nhưng những rung động thầm kín của
cô gái khiến cô thấy trăng nằm gợi tình như chính cô ước muốn được nằm như thế.
Và hơn thế nữa, hơn thế nữa, cô thấy trăng đang cởi xiêm y và vạn vật nín lặng
nhìn trăng nhúng thân thể nõn nà trong nước:
Trong khóm vi lau rào
rạt mãi
Tiếng lòng ai nói sao im
đi?
Ô kìa bóng nguyệt trần
truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới
đáy khe
Nếu
lại đem luận lý thường tình để đọc bài thơ thì quả thật nhà thơ trước sau không
như một. Ông vừa mới nói hoa lá đều ngây tình cả không muốn động ở
câu trên thì ở câu dưới ông nghe khóm vi lau kia cứ rào rạt mãi như
ai nói chuyện. Rào rạt mãi, tức là gió cứ thổi hoài. Sao câu trên lại nói hoa
lá không muốn động, và câu trên nữa lại nói trăngđợi gió đông? Có
gió hay không có gió? Không có gió thì không thể có rào rạt. Có gió
thì sao rào rạt lại im đi? Tôi giận lắm nếu có ai bắt bẻ hành tỏi
bài thơ như vậy. Bắt bẻ như vậy là chẳng thưởng thức gì hai chữ ô kìa thần
tình. Có thể lúc đó gió đã thổi rồi. Nhưng gió đang thổi cũng im để trố mắt
nhìn trăng như cô gái đang trố mắt nhìn ai như chính mình đang trần truồng
trong bóng nguyệt.
Thi
hứng của Hàn Mặc Tử đẩy ông vào chốn buồng the của thơ Ðường. Ðúng là gió đã
thổi, và gió đông mà trăng chờ đợi bây giờ lân la trên má cô gái như thử chính
cô đợi gió đông về:
Vô tình để gió hôn lên
má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa
đêm
Em sợ lang quân em biết
được
Nghi ngờ tới cái tiết
trinh em
Tiết
trinh thì thơ cổ nói nhiều rồi. Cái tiết trinh thì chỉ Hàn Mặc Tử
dám nói. Chữ cái biến trừu tượng thành cụ thể. Nó cụ thể hóa
nỗi bẽn lẽn của cô gái. Nó đưa nỗi bẽn lẽn đó vào hoang tưởng của một vết
thương êm ái nằm sâu trong tiềm thức của cô thiếu nữ. Chính nó đã lột trần
truồng mặt trăng. Mặt trăng là hóa thân của cái đó.
Vậy
thì thế nào là mặt trăng thứ nhất? Tôi thử tìm trong thơ Nguyễn Du vì Tố Như là
người tình của trăng. Tôi dừng lại rất lâu với bài "Ðạo Ý" và
tôi ngỡ tôi thấy trăng của tôi trong đó, nhưng vẫn chưa phải. Tôi đọc bài thơ:
Minh nguyệt chiếu cổ
tỉnh,
Tỉnh thuỷ vô ba đào.
Bất bị nhân khiên xả,
Thử tâm trung bất dao.
Túng bị nhân khiên xả,
Nhất dao hoàn phục chỉ.
Trạm trạm nhất phiến
tâm,
Minh nguyệt cổ tỉnh
thủy.
Quách Tấn dịch như sau:
Trăng trong lòng giếng
cổ,
Nước giếng không ba đào.
Chẳng bị người khuấy động,
Lòng nầy không chút xao.
Dù bị người khuấy động,
Xao rồi trở yên lặng.
Vằng vặc một mảnh lòng,
Giếng trong trăng giọi
bóng.
Bài
thơ tuyệt diệu. Nhưng đây là ý về lòng, ý về trăng, mượn trăng để diễn ý, không
phải mặt trăng đang chiếu trên trời. Tôi ngắm rất lâu trăng tròn trong lòng
giếng và tôi ngần ngại: hay đây cũng là trăng thật, thật đâu kém trăng trên
trời? Thế nhưng, lòng này không chút xao làm hiện người giữa
lòng giếng, không phải trăng. Người là thật, lòng là thật, tâm là thật; trăng
là hình, là ảnh, là bóng, là ẩn dụ. Trong mối quan hệ giữa người và cảnh, cảnh
bay trọn vào lòng người, vào nội tâm.
Làm
thế nào để người đừng nuốt cảnh, cảnh đừng nuốt người, cảnh với người đều hiện
hữu, nhưng không phải tách biệt ra làm hai? Tôi muốn tìm thấy trong thơ cảm
giác kinh ngạc của tôi khi trực diện với mặt trăng trong những lúc bất ngờ
nhất: thức giấc giữa khuya nhìn qua cửa sổ, bước ra vườn đêm nhìn lên mái nhà,
quanh co đường đèo nhìn lên đỉnh núi… Trăng bất thần hiện ra, rạng rỡ, sáng
quắc. Mắt của nó và mắt của tôi như chạm nhau, sững sờ, không nói được. Thơ có
nói được thay tôi không?
Trong
thơ Ðường, có lẽ Vương Duy là người gần tôi nhất trong cảm nhận đó. Mỗi lần
thấy trăng ló ra là tôi nghĩ đến bài "Tiếng chim trong khe núi".
Tôi nói: tôi thấy trăng ló ra. Tôi không nói: tôi nhìn trăng
ló ra. Ta nhìn, ta ngắm trăng trên trời, nhưng ta không ngắm trăng khi nó ló
ra. Khi đó, ta chỉ thấy. Cái thấy đến bất chợt. Sau đó, mặt trăng từ từ lên và
ta ngắm, ta nhìn. Có lẽ Vương Duy muốn diễn tả cái thấy nguyên thủy đó của ông
chăng?
Nhân nhàn, quế hoa lạc
Dạ tĩnh, xuân sơn không
Nguyệt xuất, kinh sơn
điểu
Thời minh xuân giản
trung
(Người nhàn hoa quế rụng
Ðêm tĩnh núi xuân không
Trăng hiện chim kinh hãi
Rộn kêu giữa khe xuân)
Ðêm
thật yên trước khi trăng lên. Người yên, cảnh vật yên. Yên lặng tuyệt đối của
vũ trụ trước một mầu nhiệm sắp ra đời. Yên lặng tuyệt đối? Tại sao hoa quế
rụng? Trong mấy chục năm trời tôi ăn ngủ không tròn với mấy cánh hoa quế này.
Nó rụng như thế là nó yên hay không yên? Câu thứ hai của bài thơ, dạ
tĩnh, là đêm tĩnh hay không tĩnh? Bỗng tôi hiểu được yên lặng tuyệt đối của
Vương Duy khi đọc một câu thơ thiền:
Gió thoảng qua rồi, hoa
rụng cánh
Vương
Duy nhuần nhuyễn đạo Phật, chắc không xa ý đó chăng? Ai nghe một tiếng vạc kêu
trong đêm khuya mới thấy đêm sâu như thế nào. Buổi trưa thiếu tiếng gà làm sao
nghe được im lắng mênh mang của nắng hạ? Làm sao ai biết một chút gió nhẹ đã
thoảng qua và đã xa mất nếu hoa không rơi một cánh? Không có gió đó nữa lấy gì
ý thức về gió nếu không làm động cánh hoa? Không có động làm sao có tĩnh? Vậy
thì, trong câu thơ, cả gió nhẹ cũng đã thoảng qua rồi, vũ trụ yên lặng tuyệt
đối chờ đợi mầu nhiệm.
Nguyệt
xuất! Khe núi! Trăng! Chim! Giật mình! Kinh sợ! Kêu! Giữa im lặng của hoa rụng
và kinh sợ của chim núi, giữa khe núi và trăng chiếu, tuyệt nhiên không có
trung gian - không thời gian, không không gian, không ý niệm, không tình cảm,
không ẩn dụ, không có lòng, không có ý, không có tâm, không có gì cả. Không có
gì cả cho nên mặt trăng nguyên thủy hiện nguyên hình. Ai muốn hiểu cái chốn
rỗng không của thiền có lẽ sẽ hé thấy ở đây chăng?
Trong
bài thơ, tất cả đều là cảnh; người chỉ có mặt ở hai chữ nhân nhàn.
Nghiệm cho cùng, ngay hai chữ đó cũng có thể bỏ, bời vì Vương Duy ở đây rỗng
không. Nếu ông không vứt bỏ đi được tất cả bận rộn, khuấy động trong lòng ông,
chắc chắn ông không nắm bắt được cái rỗng không vô thời gian, vô không gian của
cảnh. Ở đây, không có trung gian giữa cảnh với người bởi vì không có trung gian
giữa Vương Duy với chính ông. Tâm ông rỗng không. Vì tâm ông rỗng không cho nên
trong đó mới chiếu được vầng trăng nguyên thủy.
Tôi
yêu nước giếng thanh tịnh của Nguyễn Du bao nhiêu thì tôi yêu mặt trăng hiển lộ
của Vương Duy bấy nhiêu. Một bên chuộng tĩnh. Một bên gợi động. Nhưng động với
tĩnh có bao giờ là hai với nhau đâu, chúng nó ở trong nhau. Giếng nước của
Nguyễn Du có khuấy cho nên mới có lắng. Con chim của Vương Duy có ngủ cho nên
mới giật mình. Nếu chỉ có thanh tịnh mà thôi thì đó là cõi chết. Thiền chỉ có
mặt ở đâu có ba đào. Cho nên trong nhiều bài thơ thiền về trăng, động và tĩnh
thong dong qua lại với nhau. Tôi đọc một bài:
Bóng tre lướt trên hè
Không phủi một hạt bụi
Trăng dọi sâu đáy khe
Không làm nhăn mặt nước
Nước
cũng không làm trăng ướt! Thong dong qua lại giữa động và tĩnh là trăng của
thiền. Mà trăng đó cũng là trăng thật. Ai nhìn trăng trên trời mà không thấy
trăng thong dong. Thong dong, nó chiếu ánh sáng đến vô tận. Nó chiếu ánh sáng
thế kia, ai dám nói nó tĩnh? Nó thong dong thế kia, ai dám nói nó động?
Trăng thu chiếu sáng
mênh mông
Càng đi xa
Trăng càng đi xa nữa
Xa mãi trên bầu trời xa
Chiếu
sáng khắp vũ trụ, trăng cũng thong dong chiếu sáng trong một giọt sương. Nơi
một giọt sương, có vô tận ánh trăng trong vũ trụ. Vô tận ánh trăng trong vũ trụ
long lanh trong một giọt sương. Giữa một và vô tận, giữa vô tận và một không có
trung gian, không có chướng ngại. Ai dám bảo đó không phải là trăng thật? Không
phải là vầng trăng thứ nhất?
Cuộc đời
Ví thế nào?
Một giọt nước
Rơi
Từ miệng con chim đêm
Phản chiếu ánh trăng
Rất
tĩnh. Nhưng hãy nhìn giọt nước đang rơi. Vô tận ánh trăng trong vũ trụ đang
rơi. Trăng trong thơ thiền là trăng của cái phút chốc trước mắt và chỉ có trăng
trong cái chớp mắt chưa bị ô nhiễm vì ý niệm mới là trăng nguyên thủy mà thôi.
Tôi
không thể nói gì thêm nữa và đáng lẽ phải chấm dứt ở đây. Nhưng tôi yêu Nguyễn
Du quá, nên tôi muốn yêu thêm nữa một bài thơ của ông trong đó có chữ một. Ở
trên, tôi vừa nói một và vô tận thong dong
qua lại trong trăng của thiền. Tương quan đó được diễn tả nhiều lắm trong thơ
thiền mà đây chỉ là một ví dụ:
Khuất sau núi lam
Vượn bồng con về ngủ
Trên mõm đá xanh biếc
Con chim dừng cánh
Miệng ngậm một nhánh hoa
Tất
cả vũ trụ thu vào trong một, một cánh hoa, trở thành trọng tâm của
bài thơ, thổi tất cả sức sống vào bài thơ.Ðêm trước sân cười một nhánh mai của
Mãn Giác nằm trong tứ thơ đó. Nguyễn Du cũng thổi chữ một như
thế vào bài"Dạ Hành":
Lão nạp an miên Hồng
Lĩnh vân
Phù âu tĩnh túc noãn sa
tân
Nam minh tàn nguyệt phù
thiên lý
Cổ mạch hàn phong cộng
nhất nhân
(Vị sư già ngủ ngon
trong mây núi Hồng
Chim âu cũng nằm yên
trên bãi cát ấm
Bóng trăng tàn dập dờn
trên biển nam xa nghìn dặm
Trên lối cũ gió lạnh dồn
cả vào một người)
Nguyễn
Du sử dụng tài tình tĩnh và động, bao la và đơn chiếc. Vị sư già ngủ, mà ngủ
trong mây. Sóng vờn trăng ở biển xa, xa thẳm. Tất cả đều ngủ yên, kể cả trăng
cũng sắp đi ngủ vì trăng tàn. Trong cảnh mênh mang, tịch lặng đó, bỗng một chấm
người di động trong cơn gió, gió ở đâu như ở khắp trần gian dồn thốc tất cả khí
lạnh vào mặt. Cái chấm nhỏ đó là cái thần của bức tranh. Nó nhỏ xíu, nhưng nó
vác trên vai tất cả bi ai của kiếp người.
Ở
xa quê, có lần nào đi một mình giữa phố khuya mà câu thơ của Tố Như không chiếm
trọn lòng tôi! Nhưng may quá, tôi học được rồi: ở đâu có ba đào thì ở đó mới có
thiền, ở đâu có bi ai thì ở đó mới có an vui, ở đâu có tàn trăng thì ở đó mới
thấy "trăng tàn mà lại bằng mười rằm xưa". Cùng bắt
đầu bài thơ với tĩnh lặng như Nguyễn Du, hãy xem câu cuối của thiền tổ Ðạo
Nguyên khác biệt như thế nào:
Bãi sông sóng lặng
Trong cây gió yên
Thuyền ai ngủ bến
Trăng tròn nửa đêm
Trăng sáng vằng vặc
Bao
nhiêu động! Bao nhiêu sáng! Mà tự nhiên, bình thường, không vướng mây cũng
không làm vướng bầu trời.Trăng thong dong trong bầu trời rỗng không, người
thong dong trong tấm lòng rỗng không, giữa hai rỗng không như vậy khi gặp nhau,
cảnh nào hiện ra, dù bên ngoài hay trong lòng, mà chẳng phải là mặt trăng thứ
nhất?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét