Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Giáo sư Phạm Vinh Quang - Hành trình Sống và Khát

Giáo sư Phạm Vinh Quang - Hành trình Sống và Khát 
Có người biết đến ông như một nhạc sĩ tài hoa, với những tình khúc nổi tiếng. Có người lại biết đến ông là một người thầy giáo đầy tâm huyết trên giảng đường Học viện Quân y, nhưng cũng có những người biết đến ông là một người thầy thuốc có tình thương cảm sâu sắc dành cho người bệnh. Nhờ tâm đức, tài năng, ông đã điều trị, mổ và cứu sống, mang lại sức khỏe, niềm vui và hạnh phúc cho biết bao người. Đó chính là GS.TS y khoa. Nhạc sĩ.Đại tá. Phạm Vinh Quang - Chủ nhiệm bộ môn - khoa phẫu thuât lồng ngực - tim mạch- nội tiết - Bệnh viện 103 - Học viện Quân y. Trong trái tim ông không chỉ có nội lực sống vô cùng mạnh mẽ mà còn có một lí tưởng cao đẹp muốn cống hiến trọn đời mình cho khoa học và nghệ thuật.
Cơ duyên với nghề y
GS. Phạm Vinh Quang sinh ngày 18/2/1956 tại Hà Nội. Nguyên quán của ông là một làng quê thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Tuổi thơ của ông sinh ra vào thời chiến tranh, bom đạn đầy vất vả gian khổ. Do bố mẹ còn phải công tác tại Hà Nội, ông cùng bốn anh chị em đi sơ tán ở Hà Bắc. Đó là những tháng ngày vất vả, lam lũ. Ngoài giờ học, ông còn phải mò cua, bắt ốc, cắt ra, quét lá, cấy lúa, trồng rau… để anh em tự nuôi nhau. Mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu tình thương yêu, ấp ủ, trở che của cha mẹ nhưng trái tim của cậu bé Quang vẫn thổn thức mỗi khi nghe tiếng sáo nơi đồng quê ngày ấy.
Tiếng sáo đã làm cho tâm hồn vốn nhạy cảm của cậu bé cảm nhận được những vẻ đẹp tinh tế của tình người, tình làng xóm, tình yêu đối với quê hương, đất nước. Tiếng sáo có sức cuốn hút, tạo dựng cho cậu bé niềm mơ ước trở thành một nghệ sĩ thổi sáo - sự say mê được hình thành và nuôi dưỡng nhờ người cha đáng kính.
Biết được niềm đam mê và ước mơ của các con, cha ông đã hướng cho bốn người con của mình học nghệ thuật. Anh trai lớn học múa, biên đạo múa, hai cô em gái học Violon và Violoncel, còn cậu bé Quang được theo học sáo Flute tại trường Âm nhạc Việt Nam - nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam như ước mơ từ thời thơ ấu của cậu ấy.
Không dừng lại ở con đường âm nhạc, đến năm 1968, Phạm Vinh Quang dự thi và trúng tuyển, được theo học hệ chuyên ngữ tiếng Nga của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Học ngoại ngữ vẫn chưa là điểm dừng trên con đường học tập của ông, năm 1972, do chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, Phạm Vinh Quang cùng với bao thanh niên khác thời đó đã tình nguyện ra nhập quân đội, theo học khóa đào tạo bác sĩ dài hạn từ năm 1972 - 1979 tại trường Đại học Quân y - nay là Học viện Quân y.
Đối với ông: Bệnh tật là kẻ thù đối với sức khỏe của những người đồng chí, đồng đội thân thương. Ông cũng ý thức được trận địa của người thầy thuốc là phải đấu tranh để giành giật sự sống, giúp cho thương bệnh binh vượt qua những căn bệnh hiểm nghèo, nhanh chóng trở lại chiến trường. Làm được điều đó cũng có nghĩa là ông đã đóng góp được một phần nhỏ bé sức lực, trí tuệ và tài năng của mình cho sự nghiệp đấu tranh của đất nước. Đây cũng chính là niềm ước mơ, nỗi khát vọng cháy bỏng của GS. Phạm Vinh Quang và ông đã cố gắng học tập, rèn luyện để có thể thực hiện bằng được ước mơ đó.
Căn duyên của GS. Phạm Vinh Quang với chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực - tim mạch - nội tiết
Năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm ấy cũng là năm người cha kính yêu của ông đang công tác tại trường Lý luận Nghiệp vụ, nay là trường Đại học Văn hóa Hà Nội đột ngột qua đời do căn bệnh tim hiểm nghèo. Đau thương, mất mát đã thôi thúc ông lựa chọn chuyên ngành phẫu thuật lồng ngực - tim mạch. Ông quyết tâm học tập, nghiên cứu, tìm hiểu những phát triển khoa học tiên tiến nhất trên thế giới để có thể áp dụng cứu chữa cho những người bệnh như cha ông, không để cho những người như mẹ ông và những người như anh chị em trong gia đình ông chịu cảnh mất chồng, mất cha khi tuổi đời còn quá trẻ.
Với khát vọng, ước mơ cùng niềm say mê trong khoa học,đến năm 1989 ông được cử đi học nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm Y học Quân sự ở Bad Saarow - Cộng hòa dân chủ Đức. Sau khi trở về nước, ông tiếp tục công tác tại bộ môn - khoa phẫu thuật lồng ngực - tim mạch - nội tiết - Bệnh viện 103 - Học viện Quân y.
GS. Phạm Vinh Quang là một người thầy mẫu mực, tận tụy, luôn tâm huyết với học sinh. Các bài giảng của ông thật sinh động, cuốn hút nhờ phong cách giảng dạy nhiệt tình sôi nổi và hiệu quả của việc ông áp dụng những phần mềm soạn giáo án multimedia trong giảng dạy lâm sàng. Ông thường sử dụng những đoạn video clip được ghi lại trong những lần khám chữa bệnh để cho bài giảng thêm sinh động. Và một điều thật đáng quý khi người thầy đầy nhiệt tâm này luôn chú trọng nhắc nhở sinh viên phải khắc sâu một phương châm hành nghề: “ thầy thuốc giỏi phải biết yêu thương bệnh nhân và tôn trọng họ với tất cả những gì mà thầy thuốc có được là nhờ người bệnh ”. Ông đã đào tạo được nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực.
Trong 30 năm qua, GS. Phạm Vinh Quang đã trực tiếp tham gia phẫu thuật và cứu sống hàng trăm bệnh nhân. Ông cũng rất tich cực trong công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng những công nghệ mới, cải tiến phương pháp phẫu thuật để mang lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Đối với ông sự tâm huyết, say mê tìm hiểu và sáng tạo chính là chìa khóa để dẫn đến mọi thành công trong cuộc sống.
Những câu chuyện khoa học thấm đẫm tình người
GS.TS. Phạm Vinh Quang không thể nhớ hết được trong hơn 30 năm cầm dao mổ, ông đã cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân, nhưng có lẽ những bệnh nhân được ông trực tiếp cùng đồng nghiệp giành giật lại sự sống, trả lại cho họ sinh lực và niềm tin vào cuộc sống thì sẽ không bao giờ quên được ông - vị bác sĩ tài hoa có tấm lòng nhân hậu ấm áp chan chứa tình người. Mỗi thành công của ông trên bàn mổ là kết quả của sự kết hợp hài hòa giữa một trái tim nhân hậu, chứa chan tình yêu thương của người nghệ sĩ, một ý chí, nghị lực phi thường của một nhà khoa học, với đôi bàn tay khéo léo của một phẫu thuật viên, một bác sĩ ngoại khoa.
Khi nói đến GS. Phạm Vinh Quang, các đồng nghiệp của ông thường nhắc đến những phương pháp mổ trong lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực mà ông là một trong những người đầu tiên ứng dụng có hiệu quả tại Bệnh viện 103. Đặc biệt ông rất thành công với các phương pháp mổ nội soi lồng ngực như: mổ nội soi bóc vỏ phổi, mổ nội soi cắt phổi, mổ nội soi điều trị tràn máu, tràn khí khoang màng phổi do chấn thương, mổ nội soi lấy dị vật trong khoang màng phổi, mổ nội soi hủy hạch giao cảm điều trị chứng ra mồ hôi tay do cường thần kinh giao cảm, mổ nội soi cắt tuyến ức điều trị bệnh nhược cơ, mổ nội soi cắt u trung thất…. Ông kết hợp cùng với các đồng nghiệp trong khoa đã áp dụng thành công phương pháp mổ nội soi tuyến giáp có video hỗ trợ, sử dụng dụng cụ tự tạo để tạo khoang không cần sử dụng khí CO2. Ông đã cùng đồng nghiệp nghiên cứu và áp dụng thành công phương pháp gây tê đám rối cổ để mổ nội soi tuyến giáp cũng như nhiều phẫu thuật mổ mở khác điều trị các bệnh lý vùng cổ. Nhiều bệnh nhân đã được hưởng ưu điểm của các phương pháp mổ nội soi như: giảm đau, không gây chảy máu nhiều, đảm bảo tốt sức khỏe cho bệnh nhân sau mổ và không để lai vết sẹo lớn vùng cổ, tạo tính thẩm mỹ cao.
Ít ai biết rằng, đằng sau những ca mổ gay go nguy kịch, những nụ cười hạnh phúc của các bệnh nhân đã được GS. Phạm Vinh Quang và các đồng nghiệp cứu sống, là những câu chuyện đầy xúc động về tấm lòng nhân hậu của người bác sĩ này với những bệnh nhân của mình.
Trước tiên có lẽ phải kể đến trường hợp của của chị Đỗ Thị Thúy Phương, trú quán tại Thanh Xuân – Hà Nội. Đầu năm 2007, chị thấy xuất hiện một số triệu chứng như: khó nuốt, khó nói, nói lạc tiếng, sụp mi mắt. Khi chị được đưa vào Bệnh viện Bạch Mai để khám, các bác sĩ kết luận chị mắc chứng bệnh nhược cơ, kê đơn thuốc cho chị về tự uống. Đây là căn bệnh ít gặp nhưng lại vô cùng phức tạp, có nhiều khó khăn trong điều trị. Chị Phương uống thuốc được một thời gian thì thuốc không còn tác dụng nữa, tình trạng bệnh ngày càng nguy kịch, làm cho tinh thần hai vợ chồng chị đã sa sút , kinh tế gia đình ngày càng gặp nhiều khó khăn. Gia đình chị thật may mắn khi được một bệnh nhân đã từng được chữa trị thành công căn bệnh này tại Bệnh viện 103 Học viện Quân y giới thiệu. Theo sự chỉ dẫn của bệnh nhân này, tháng 10 năm 2008 chị Phương đã nhập Viện 103. Tại đây, GS.TS Phạm Vinh Quang đã trực tiếp tiếp khám cho chị. Ông nhận định: tình trạng bệnh nhân rất nặng, có nguy cơ suy hô hấp sau mổ. Ông đã chỉ thị cho bác sĩ phụ trách buồng sử dụng những phác đồ mạnh để điều trị nhược cơ, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng và nâng đỡ thể trạng cho bệnh nhân. Với sự quan tâm và chăm sóc tận tình của các bác sĩ chỉ sau 2, 3 tuần điều trị, tình trạng chị Phương trở nên tốt hẳn, và thời điểm tiến hành mổ cho chị cũng chuẩn bị được tiến hành. Ngày 10/11/2008 chị Phương lên bàn mổ. Theo kế hoạch dự kiến, GS Phạm Vinh Quang đã nhanh chóng tiến hành mổ nội soi. Lúc đầu, việc tiếp cận khối u, phẫu tích tách khối u ra khỏi tổ chức xung quanh hoàn toàn thuận lợi. Nhưng do mặt sau của khối u đã xâm lấn và dính vào động mạch phổi nên khi vừa nhấc khối u lên thì động mạch phổi bị rách, máu trào ra rất nhiều. Ông đã tiến hành kẹp tới 5 clip nhưng vẫn không thể cầm máu được cho bệnh nhân. Đây chính là trường hợp mà GS. Phạm Vinh Quang cùng các đồng nghiệp đã không thể lường trước được. Đứng trước tình huống tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa, ngàn cân treo trên sợi tóc, Ông đã nhanh chóng cho hội chẩn ngay trên bàn mổ và đi đến quyết định: phải mở ngực khẩn cấp để xử lí cầm máu mới mong có thể cứu sống được bệnh nhân.
Quyết định của ông đã chính xác, Sau rất nhiều khó khăn, cuối cùng ông cùng đồng nghiệp cũng cầm được máu cho bệnh nhân.Tuy ca mổ đã hoàn thành, nhưng GS. Phạm Vinh Quang vẫn rất lo lắng cho kết quả của ca phẫu thuật. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ là: bệnh nhân vẫn đang ở tình trạng rất nặng do bị sốc mất nhiều máu nặng và thời gian mất máu kéo dài. Huyết áp bệnh nhân vẫn rất thấp và nếu không có máu truyền kịp thời cho bệnh nhân thì mặc dù không tử vong, nhưng bệnh nhân có thể sẽ phải sống thực vật suốt đời. Nghĩ đến điều này, trái tim ông quặn đau. Trách nhiệm và lương tâm của một bác sĩ đã thôi thúc ông phải làm điều gì đó để có thể cải thiện tình trạng này cho chị. Thế rồi, vừa cởi bỏ bộ quần áo phẫu thuật, quên cả đói, mệt, mặc mưa to, gió lớn, mặc sân bệnh viên ngập sâu trong nước, ông đã lội nước đi xuống khoa máu để lấy máu truyền kịp thời cho chị Phương. Thật không may, máu dự trữ đã không còn. Ông đã tình nguyện đề nghị các bác sĩ lấy máu của ông để truyền cho bệnh nhân nếu như có thể. Sau đó, ông đã xin được 1 lít rưỡi máu từ Viện Huyết Học Trung Ương và tiến hành truyền ngay cho bệnh nhân. Sau 2 ngày truyền máu, một điều rất bất ngờ: tất cả các triệu chứng nhược cơ của bệnh nhân mất hoàn toàn bởi gần như bệnh nhân đã được lọc máu và 1 tuần sau khi mổ, chị Phương đã dần bình phục, 10 ngày sau chị xuất viện. Giờ đây, khi đã trở lại cuộc sống bình thường, mỗi lần nhắc đến tâm huyết cùng tấm lòng nhân hậu của GS. Phạm Vinh Quang cùng những giọt máu quý giá mà ông đã truyền cho chị, chị lại xúc động nghẹn ngào. Bởi trong lúc nguy nan nhất, người bác sĩ này đã coi nỗi đau của bệnh nhân như chính nỗi đau của mình, đã nỗ lực hết mình để bệnh nhân có thể mỉm cười trở lại với cuộc sống. Câu chuyện này đến hôm nay vẫn là câu chuyện được kể lại nhiều nhất và cũng là bài học thấm thía dành cho những thế hệ học viên Học viện Quân y 103 về câu nói “Lương y như từ mẫu”, thương người như thể thương thân.
Trường hợp của bệnh nhân Quán A Bình lại là một trường hợp đặc biệt. Đặc biệt bởi có lẽ đây là bệnh nhân đầu tiên được GS.TS. Phạm Vinh Quang áp dụng kĩ thuật mổ nội soi bóc vỏ màng phổi, và đặc biệt bởi hoàn cảnh của bệnh nhân cũng như những câu chuyện đằng sau ca mổ thành công đó. Ở đây tấm lòng của GS. Phạm Vinh Quang đã không chỉ dừng lại là tấm lòng của một bác sĩ với bệnh nhân, mà còn là tình đồng chí đồng đội sâu sắc của những con người đã cùng trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Những triệu chứng bệnh của anh thương binh Quán A Bình bắt đầu từ những cơn khó thở, hàng ngày có tới 4, 5 trận sốt, không thể ăn uống ngon miệng. Trong thời gian tại ngũ, anh Bình đã bị 3 mảnh đạn găm vào phổi. Do nghĩ rằng đây là những triệu chứng biểu hiện sự tái phát của bệnh cũ nên anh Bình lặng lẽ chịu đựng. Nhưng người vợ của anh, người đã chứng kiến và chịu đựng những thất thường trong tâm tính anh hiểu rằng, những biểu hiện bệnh của anh lần này không thể coi thường. Chị đã cố gắng động viên anh nhập Viện 103 để chữa trị. Anh nhập viện và được chẩn đoán là viêm mủ màng phổi, được chuyển đến khoa Phẫu thuật lồng ngực. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế không cho phép, nhà nghèo, lại là thương binh nên nên mặc dù được giáo sư Quang giải thích nhiều lần về những ưu điểm của phương pháp mổ nội soi, nhưng anh Bình vẫn nằng nặc một mực xin được mổ mở. GS. Phạm Vinh Quang sau khi đến thăm hỏi, xác định được tình trạng bệnh và biết được hoàn cảnh của gia đình anh, ông đã động viên gia đình anh nên lựa chọn phương pháp mổ nội soi bởi vì nếu được mổ nội soi, bệnh nhân có thể có được một cuộc sống gần như hoàn toàn bình thường sau phẫu thuật. Hơn ai hết, GS. Phạm Vinh Quang thấu hiểu được nỗi lòng của người đồng đội, ông đã chủ động xin ý kiến bệnh viện có thể hỗ trợ cho bệnh nhân một chút kinh phí, nhưng bệnh viện chỉ có thể hỗ trợ cho bệnh nhân một phần rất nhỏ. Để có thể giúp cho anh Bình, người thương binh - đồng đội của mình có thể mổ nội soi được, ông đã kêu gọi các nhân viên, bác sĩ trong khoa mỗi người đóng góp một chút cho bệnh nhân và thật đáng quý, các bác sĩ trong khoa đã rất nhiệt tình đóng góp hỗ trợ cho ca mổ của anh Bình. 
GS. Phạm Vinh Quang sau đó đã quyết định mổ cho anh Bình bằng công nghệ nội soi với rất nhiều ưu việt: nhanh hồi phục hơn. Tuy nhiên, do anh Bình có di chứng của vết thương làm ảnh hưởng tới sức khỏe nặng nên ông cùng các đồng nghiệp hết sức thận trọng và cẩn thận khi tiến hành phẫu thuật mổ bóc vỏ phổi bằng phương pháp phẫu thuật nội soi lồng ngực cho bệnh nhân. Ca mổ đã thành công mỹ mãn. Phổi của bệnh nhân đã nở trở lại sau một thời gian dài bị xẹp, đè ép bởi dịch mủ. Ngay ngày hôm sau tình trạng thông khí phổi của anh Bình đã cải tiến rất nhiều. Đích thân GS. Phạm Vinh Quang đã động viên bệnh nhân tập thở, ho, khạc đờm hàng ngày. Chính những lời động viên khích lệ hết sức giản dị, chân tình của GS. Phạm Vinh Quang: “Rồi, giỏi lắm, cố lên nào” đã giúp cho anh Bình mau chóng lành bệnh và ca mổ đã thành công. Ca phẫu thuật đã tiếp thêm cho anh Bình niềm tin mới về cuộc sống, kết quả của ca phẫu thuật là thành công chung của những người bác sĩ mặc áo lính và cũng là bài học đầy ý nghĩa, tôn thêm vẻ đẹp của người bác sĩ mặc áo lính trong thời bình.
Những trường hợp bệnh nhân như anh Bình, chị Phương…chính là thành công đáng nhớ trong sự nghiệp cầm dao mổ của GS. Phạm Vinh Quang. Tuy nhiên, đối với ông, hoạt động khoa học không chỉ là áp dụng những phương pháp cải tiến để mang lại kết quả phẫu thuật cao nhất, mà còn là những nghiên cứu, tìm tòi tìm ra phương thức phòng bệnh hữu hiệu cho con người, trước khi họ phải cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ. Ông đã trực tiếp viết những cuốn sách như: “Các phương pháp chẩn đoán bệnh lý lồng ngực” (NXB Y học 2009), “Phẫu thuật nội soi điều trị tràn khí màng phổi tự phát” (NXB Y học 2010), “Phẫu thuật cắt tuyến ức điều trị bệnh nhược cơ” (2010), cho xuất bản bộ “Phẫu thuật lồng ngực” - tổng hợp toàn bộ những kiến thức về giải phẫu sinh lí, sinh lí bệnh, bệnh học, kỹ thuật phẫu thuật của các bệnh sinh lý lồng ngực, nhằm huấn luyện cho các bác sỹ vùng sâu vùng xa những kiến thức về chẩn đoán, điều trị bệnh trong điều kiện không thể tiếp cận được với y học hiện đại. Ngoài ra ông còn rất tâm huyết với cuốn sách do chính ông hiệu đính bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt – cuốn sách “Không còn bệnh tim” của nhà khoa học người Mỹ đã từng đoạt giải Nobel Y học. Cuốn sách sẽ giúp mọi người tự huy động được tiềm năng bản thân, kết hơp sinh hoạt, ăn uống điều độ, phòng ngừa, đẩy lùi bệnh tim và đột qụy.
Âm nhạc - Người bạn đồng hành thân thiết
Mặc dù phải dành rất nhiều thời gian cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, quản lí điều hành đơn vị cũng như chữa và điều trị bệnh, GS.TS. Nhạc sĩ Phạm Vinh Quang vẫn dành một quỹ thời gian cho sáng tác âm nhạc. Đối với âm nhạc, ông làm việc cũng hết sức nghiêm túc, với niềm đam mê vô hạn. Ông đã dành tới hơn 5 năm để viết, thu thanh, dàn dựng và dựng phim cho tác phẩm giao hưởng hợp xướng 3 chương “Hà Nội ngàn năm” và đã cho công diễn đúng dịp Hà Nội chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội. Là một người con sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ông đã dành toàn bộ chương 1 của tác phẩm để diễn tả tình cảm của những người con Hà Nội khi xa sứ. Chương 2 ông mô tả những trang sử hào hùng một ngàn năm được tạo dựng nên bởi chí khí và những gì sâu kín nhất trong tâm hồn người Hà Nội. Biết bao xương trắng và máu đỏ! Biết bao mồ hôi và nước mắt của người Hà Nội đã rơi từ đời này qua đời khác. Và cuối cùng, ông đã dành trọn chương 3 của tác phẩm để mô tả một Hà Nội trong thời kì đổi mới, một thành phố vì hòa bình - thành phố phát trển như ngày nay.
Bản giao hưởng hợp xướng được viết hết sức công phu, vì đây là thể loại âm nhạc mang tính “Bác học”. Tác phẩm đã được công diễn trong đêm nhạc của ông được tổ chức tại nhà hát âu cơ trong dịp đại lễ kỉ niệm Hà Nội vừa tròn 1000 năm tuổi vào năm 2010. Bạn bè vẫn thường nói: ông là người đa tài, đa nghệ. Đúng vậy, những tác phẩm âm nhạc của ông thường dạt dào cảm xúc trên nhiều lĩnh vực. Rất nhiều người biết đến tác phẩm “ Thầy tôi” của ông. Lời bài hát thật dung dị, nói lên công lao to lớn của những “ người lái đò ” đầy tận tụy chở những chuyến đò tri thức, đưa biết bao thế hệ học trò sang sông: “Thầy tôi tóc đã điểm sương sau bao năm chở những chuyến đò qua”. Những ca từ đầy xúc động, chân thật của một người đã từng làm trò rồi làm thầy. Bài ca còn là niềm tự hào của những người thầy thuốc quân y, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào “ trên giảng đường ” hay “ trong chiến đấu ” vẫn đầy nhiệt huyết và tỏa sáng tài năng. Thầy là người dẫn đường chỉ lối tận tình, âm thầm và lặng lẽ, dù có phải trải qua “ giông tố bão bùng ” nhưng cuối cùng, những con thuyền tri thức mà thầy đem lại cho chúng em vẫn cập bến thành công .Nhạc sĩ đã ví những người học trò như bao vì sao quây quần bên người thầy là vầng trăng sáng. Hình tượng người thầy trong tác phẩm được tác giả ví như “ vầng trăng yêu thương ”. Hình ảnh của thầy thầy chính là “ vầng trăng trí tuệ ”, tạo nên sự thành công cho những thế hệ mai sau. Ca từ của bài hát thật sâu sắc khi nói đến công lao, sự cống hiến, tâm huyết của người thầy đồng thời cũng nhắc nhở các thế hệ học trò luôn nghi nhớ, tâm huyết những điều thầy đã truyền dạy qua các bài giảng để tiếp bước cống hiến tâm, sức cho cuộc đời. Bài ca đã trở thành sự thôi thúc tinh thần không riêng với tác giả - GS.TS.NS. Phạm Vinh Quang mà còn là một thông điệp gửi đến các thế hệ mai sau về tính chất cao quý của sự nghiệp làm thầy.
Trong những năm tháng xa sứ đi học tập, làm nghiên cứu sinh tại cộng hòa dân chủ Đức, nhạc sĩ Phạm vinh Quang với nỗi nhớ thương da diết về người mẹ nơi quê hương yêu dấu vẫn ngày đêm tảo tần “nuôi con rồi lại nuôi cháu”. Tình cảm ấy đã được tích lũy, dồn nén và dòng cảm xúc ấy đã trào dâng khi ông sáng tác ca khúc “nhớ mẹ” . Ông đã dành những lời yêu thương chân thành nhất, da diết nhất dành cho người mẹ đã sinh thành, dưỡng dục mình, với một tấm lòng biết ơn vô hạn. Ông cũng thầm hứa với chính mình và với mẹ, sẽ quyết tâm tu dưỡng, rèn luyện, học tập để trở thành người con có ích cho xã hội, hiếu thảo với cha mẹ. Những lời ca đó đã giúp cho GS.NS. Phạm Vinh Quang vượt qua được những khó khăn vất vả khi học tập nơi đất khách quê người để tích lũy kiến thức quý giá cho sự nghiệp sau này của ông.
Với những tình cảm chân thành của một tâm hồn đẹp, với tấm lòng biết ơn sâu sắc, và một tình yêu mãnh liệt, ông đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất, những tình cảm chân thật nhất để diễn tả về những cảm xúc trong tình yêu, niềm hạnh phúc mà ông có được với người bạn đời đã kề vai, sát cánh bên ông những lúc khó khăn, thăng trầm của cuộc đời để cho ra mắt CD “ Hương bách Hợp ” dành tặng cho người vợ yêu quý của mình vào đầu năm 2008 . Người đàn bà từ lòng biết ơn, kính trọng vị giáo sư. Bác sĩ đa tài, đa nghệ đã cứu sống mẹ mình qua những cơn nguy kịch, không ai khác, người phụ nữ ấy đã thấu hiểu giá trị tinh thần, tài đức của ông, khát vọng sống, khát vọng cống hiến vô cùng mãnh liệt luôn cháy bỏng trong ông. Trong số những ca khúc ông đã sáng tác thì ca khúc “ Sống ” có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, là điểm tựa về tinh thần, giúp ông có thêm nghị lực để “ Sống ” có ích hơn cho cuộc đời, dũng cảm hơn để vượt qua những thử thách nghiệt ngã của cuộc đời, khi ông mắc căn bệnh thế kỉ - bệnh tiểu đường. Khi phải đối mặt với những giây phút đắng lòng trước số phận nghiệt ngã, niềm khát khao được sống, được tiếp tục cống hiến cho cuộc đời lại bùng cháy lên trong ông mãnh liệt hơn bao giờ hết. Ông tự nhủ, và tự đặt cho mình câu hỏi, phải lựa chọn giữa hai con đường “ sống tồn tại hay chết vinh quang ” và cuối cùng ông đã thắng. Ông đã vượt qua được những thử thách khốc liệt nhất của số phận và vẫn ngẩng cao đầu để có thể “sống đẹp cho đời” (ca khúc Sống). 
Khi có sức khỏe, có tình yêu, ông như thấy mình trẻ lại. Đối với ông, cuộc đời thật đẹp “Đời rộng thênh thang, chân trời bát ngát, thắm đượm hồn tôi tình yêu cuộc sống” và ông lại ước ao, lại khát khao “ được hiến dâng trọn đời, vì nhân dân, vì thương binh, vì sinh viên, vì tổ quốc Việt Nam … ” (ca khúc Khát). Ca khúc Khát đã được ông chọn làm tiêu đề để đặt tên cho cho một anbum mới sẽ ra mắt vào tháng 11 năm 2012.
Những ca khúc đã sống cùng ông, đã trở thành động lực, là món ăn tinh thần giúp ông tiếp tục sống và cống hiến cho đời. Nhờ tài năng trong nghệ thuật, trong sáng tác mà những nốt nhạc, những lời ca đã giúp ông thăng hoa để có thể cảm nhận được sự tinh tế, vẻ đẹp của tâm hồn và trái tim của mỗi con người cũng như vẻ đẹp của tự nhiên. 
Chính niềm tin vào cuộc sống, niềm hạnh phúc và tình yêu tỏa ra từ mỗi trái tim của những bệnh nhân đã từng được ông cứu sống đã giúp ông cảm nhận được vẻ đẹp, sự thiêng liêng của sự sống. Ông tâm sự với chúng tôi : “Trên đời này không có gì đẹp bằng quả tim người khi nó còn đang đập. Cảm xúc tuyệt vời nhất đối với tôi là quả tim nhỏ nhoi ấy lại đang đập trong lòng bàn tay của mình. Màu tim tím của của tĩnh mạch, màu đỏ của động mạch, màu vàng của mỡ…tất cả không phải là một bức tranh chết, mà rất chân thực, sống động. Thật tuyệt vời!”.
Đã trải qua hơn 50 năm sống trên cuộc đời, hơn 30 năm cống hiến, chữa bệnh cứu người và sáng tác âm nhạc để dâng hiến cho đời, trái tim GS.TS.NS. Phạm Vinh Quang vẫn đập những nhịp đập mạnh mẽ và rộn ràng - nhịp đập của trái tim không bao giờ biết mệt mỏi. Những đóng góp của ông đối với lĩnh vực phẫu thuật lồng ngực - tim mạch - nội tiết nói riêng và đối với nền y học nói chung đã giúp cứu sống rất nhiều bệnh nhân, trở thành những bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ sau học tập. Tấm lòng nhân hậu cùng với tâm hồn cao đẹp của ông cũng sẽ mãi là tấm gương sáng, là niềm tự hào của những người thầy thuốc mặc áo lính. Hi vọng rằng, với trái tim ấy, tài năng ấy, tâm hồn ấy, GS.TS. Phạm Vinh Quang sẽ tiếp tục vững bước trên hành trình “Sống”, hành trình “làm thầy” mà ông đã lựa chọn để cống hiến.
Thành tích những công trình khoa học và những khen thưởng của Giáo sư Phạm Vinh Quang
Thành tích công trình khoa học:
1) 44 công trình Chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ
2) Hướng dẫn 8 luận án Thạc sỹ, 9 luận án Tiến sỹ, 11 chuyên khoa 2.
3) 9 giáo trình và sách tham khảo giảng dạy.
4) 11 đề tài nghiên cứu khoa học được nghiệm thu.
5) Giải thưởng khoa học, bằng sáng chế, sáng kiến: 1 giải thưởng “dụng cụ đo áp lực khoang màng phổi tự tạo”.
Khen thưởng:
1. Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng tặng Đại tá Phạm Vinh Quang - Học viện Quân y, đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học, được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2010, góp phần vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố Quốc Phòng và bảo vệ Tổ Quốc (kí ngày 12/11/2010)
2. Huân chương chiến công hạng nhất do Chủ tịch nước Trần Đức Lương kí ngày 20/12/2004.
3. Bằng khen đạt giải xuất sắc hội diễn nghệ thuật quần chúng Học viện Quân y năm 2001.
4. Giấy khen cho Đại tá Phạm Vinh Quang đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2001 – 2002 của Học viện Quân y.
5. Giấy khen đạt giải nhất sáng tác tự biên “Đôi mắt biết nói” tại hội diễn nghệ thuật quần chúng bệnh viện năm 2006.
6. Giấy khen cho bộ môn Khoa Phẫu thuật lồng ngực đạt giải nhất hội diễn nghệ thuật quần chúng Bệnh viện 103 năm học 2007.
Bài viết được đăng trên cuốn sách Tấm gương người làm Khoa học.
 Theo http://bacsi.phamvinhquang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...