Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Hãy là chính mình

Hãy là chính mình 
Bà Edith Allred ở Mount Airy, North Carolina có gửi cho tôi một lá thư, trong đó bà viết:
“Hồi nhỏ, tôi cực kỳ nhạy cảm hay xấu hổ. Tôi bị béo phì và những ngấn cằm khiến tôi trông càng béo hơn. Mẹ tôi là người cổ hủ và cho rằng ăn diện chỉ là chuyện tầm phào. Bà luôn nói: “Mặc rộng còn được, chứ mặc chật thì sẽ rách thôi”; và bà cho tôi mặc y như thế. Tôi không bao giờ dám tham dự các bữa tiệc; chưa bao giờ vui vẻ; và ở trường, tôi cũng không bao giờ tham gia cùng bạn bè trong các hoạt động ngoài trời, kể cả chơi các môn thể thao. Tôi mặc cảm với ý nghĩ mình “khác người” và không ai ưu thích tôi.
Lớn lên, tuy kết hôn với một người hơn mình mấy tuổi, nhưng tôi vẫn không thể thay đổi. Mọi người bên gia đình chồng tôi ai cũng tự tin và đĩnh đạc. Họ có tất cả những gì mà tôi ao ước. Tôi cố gắng để được như họ, nhưng không thể. Những nổ lực của họ nhằm kéo tôi ra khỏi cái vỏ ốc tự ti chỉ càng đẩy tôi vào sâu thêm. Tôi trở nên căng thẳng và cáu kỉnh. Tôi tránh mặt bạn bè. Tình trạng của tôi trở nên tồi tệ đến nỗi ngay cả tiếng chuông cửa cũng làm tôi sợ! Tôi là một kẻ thất bại, và tôi lo sợ chồng mình sẽ nhận ra điều đó. Vì thế, mỗi khi hai vợ chồng ở chỗ đông người, tôi luôn cố tỏ ra vui vẻ - đến mức hơi thái quá; tôi biết thế thế nên sau đó, ngày nào tôi cũng cảm thấy vô cùng khổ sở. Cuối cùng, tôi buồn chán tới nỗi không còn thiết sống nữa và bắt đầu nghĩ đến việc tự vẫn”.
Điều gì đã làm thay đổi cuộc đời người phụ nữ bất hạnh này? Chỉ là một lời nhận xét ngẫu nhiên! Bà Allred kể tiếp:
“Một lời nhận xét ngẫu nhiên đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Một ngày nọ, mẹ chồng tôi kể lại việc bà đã nuôi dạy những đứa con của mình trường thành như thế nào. Bà nói: “Dù có xảy ra chuyện gì, mẹ vẫn luôn nhắc chúng hãy luôn là chính mình. “Luôn là chính mình!”.Chính câu nói đó đã thay đổi đời tôi! Ngay lập tức, tôi nhận ra mình đã tự làm khổ bản thân chỉ vì ép mình vào một khuôn mẫu hoàn toàn không phù hợp.
Chỉ sau một đêm, tôi đã thay đổi! Tôi bắt đầu là chính mình. Tôi cố gắng tìm hiểu con người thật của mình, cố gắng tìm ra tôi là ai. Tôi dần nhận thấy những điểm mạnh của bản thân. Tôi học tất cả những gì có thể về màu sắc, phong cách và ăn mặc theo cách riêng khiến tôi cảm thấy đang là chính mình.
Tôi ra ngoài kết bạn. Tôi tham sự một tổ chức – mới đầu là một tổ chức nhỏ - và đã sợ chết điếng khi người ta yêu cầu tôi phát biểu trong một chương trình. Nhưng mỗi lần đứng lên phát biểu, tôi lại có thêm một chút can đảm. Phải mất một thời gian dài để thay đổi – nhưng giờ đây, tôi hạnh phúc hơn cả những gì mình có thể mơ tới. Tôi luôn dạy các con mình điều tôi đã rút ra từ chính trải nghiệm cay đắng đó: Dù có xảy ra chuyện gì, hãy luôn là chính mình!”.
Không bằng lòng với chính mình là căn nguyên của những căn bệnh tinh thần, bệnh rối loạn thần kinh chức năng và phức cảm tự ti. Angelo Patri, tác giả của 13 quyển sách và hàng nghìn bài báo về chủ đề giáo dục trẻ em, nói: “Không ai khổ sở như những người luôn ao ước trở thành một người nào đó mà không phải là chính mình cả về tâm hồn và thể xác”.
Nỗi khao khát trở thành một người khác đặc biệt phổ biến ở Hollywood. Sam Wood, một trong những đạo diễn nổi tiếng ở Hollywood cho biết điều khiến ông đau đầu nhất với những diễn viên đang lên chính là vấn đề này: Khiến họ là chính mình. Tất cả điều muốn trở thành những Lana Turner(49) thứ hai hay Clark Gable(50) thứ ba. Sam Wood phải luôn nhắc nhở họ rằng: “Công chúng đã được thưởng thức hương vị đó rồi, và bây giờ họ muốn thưởng thức những điều mới mẻ khác kia!”
Trước khi làm đạo diễn cho những bộ phim như Goodbye, Mr. Chips (Tạm biệt Ngài Chips) và For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai), Sam Wood có nhiều năm kinh doanh bất động sản và đã học được những phẩm chất của một nhà kinh doanh. Ông tuyên bố rằng những nguyên tắc trong kinh doanh cũng cần được áp dụng trong thế giới điện ảnh: “Bạn không thể đi khắp nơi để bắt chước thiên hạ, cũng như bạn không thể là một con vẹt. Kinh nghiệm đã dạy tôi rằng tốt nhất là cho rớt càng nhanh càng tốt những kẻ cố học đòi làm người khác”.
Tôi hỏi Paul Boynton, giám đốc phụ trách tuyển dụng nhân sự của một công ty dầu khí lớn, rằng đâu là sai lầm lớn nhất của những người đến xin việc. Hẳn ông phải biết rất rõ câu trả lời bởi ông từng phỏng vấn hơn 60.000 người đi xin việc đồng thời cũng là tác giả quyển sách 6 Ways to Get a Job (6 cách giúp bạn xin được việc). Ông trả lời: “Sai lầm lớn nhất của những người đến xin việc là họ không phải là chính mình. Thay vì cư xử tự nhiên và nói chuyện thẳng thắn, họ thường cố đưa ra những câu trả lời mà họ nghĩ là tôi muốn nghe”. Nhưng việc đó chẳng giúp ích gì, bởi không ai muốn sự giả dối. Không ai muốn có một đồng tiền giả.
Con gái của một người bán vé xe điện đã phải rất vất vả mới học được bài học đó. Cô ao ước trở thành ca sĩ, nhưng điều không may nằm ở gương mặt cô với cái miệng rộng và những chiếc răng hô. Lần đầu tiên hát trước đám đông – trong một hộp đêm ở New Jersey – cô đã cố gắng kéo môi trên xuống để che răng đi. Cô cố gắng tỏ ra “đẹp quyến rũ”. Kết quả ư? Cô khiến mình trở nên lố bịch và thất bại thảm hại.
Tuy nhiên, tối đó có một người đã lắng nghe cô hát và nhận ra cô có tài năng. Ông thẳng thừng nói: “Nghe này, tôi đã xem cô biểu diễn và tôi biết biết cô đang cố che giấu cái gì. Cô xấu hổ vì răng của mình!” Cô gái vô cùng lúng túng, nhưng người đã nói tiếp: “Thì sao chứ? Có răng hô là mắc tội sao? Đừng cố gắng che giấu chúng nữa! Cô hãy hát một cách tự nhiên và nồng nhiệt, khán giả sẽ yêu mến cô khi họ thấy cô không còn xấu hổ nữa. Mà”, ông ta sắc sảo nói tiếp, “biết đâu những cái răng cô đang cố che giấu kia lại chẳng mang lại may mắn cho cô!”.
Cass Deley đã nghe theo lời khuyên đó và quên đi những chiếc răng của mình. Từ đó trở đi, cô chỉ nghĩ đến khán giả. Cô mở rộng miệng hát với niềm phấn khích và say mê đến nỗi trở thành ngôi sao hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh và phát thanh. Một số diễn viên hài kịch sau đó còn cố gắng để bắt chước cô!
Khi nói rằng người bình thường chỉ phát huy được 10% tiềm năng trí tuệ của mình, triết gia nổi tiếng William James đang ám chỉ những người không bao giờ nhận ra chính mình. Ông viết: “So với khả năng thực của mình, chúng ta mới chỉ được đánh thức một nửa. Chúng ta chỉ mới đang sử dụng một phần rất nhỏ nguồn lực thể chất và trí tuệ của mình. Nói một cách tổng quát, cá nhân mỗi người có thể làm được nhiều thứ vượt xa giới hạn của bản thân. Con người sở hữu những nguồn sức mạnh mà chúng ta thường không biết cách sử dụng đến”.
Bạn và tôi đều có những khả năng như thế, vậy đừng nên lãng phí một giây nào cho việc lo lắng chỉ bởi vì bạn không giống người khác. Trên thế gian này, bạn là một bản thể mới mẻ. Từ thuở khai thiên lập địa làm gì có ai giống hệt bạn; và sau này cũng sẽ không có ai giống hệt bạn. Khoa học di truyền chứng minh rằng bạn là kết quả của sự kết hợp giữa 24 nhiễm sắc thể của cha và 24 nhiễm sắc thể của mẹ. 48 nhiễm sắc thể này quyết định mọi thứ bạn được thừa hưởng. Theo Amram Acheinfeld, trong mỗi nhiễm sắc thể “có từ hàng chục đến hàng trăm gen – và chỉ cần một gen thôi cũng đủ làm thay đổi toàn bộ cuộc đời của một ai đó”. Sự thực là chúng ta đã được tạo ra một cách “kỳ diệu và đáng sợ”.
Xác suất để có một người giống hệt bạn chỉ là 1/300.000 tỷ! Nói cách khác, nếu bạn có 300.000 tỷ anh em cùng chung cha mẹ sinh ra, thì mới có cơ may được một người giống y như bạn. Liệu tất cả chỉ là phỏng đoán? Không, điều đó hoàn toàn có cơ sở khoa học. Nếu muốn tìm hiểu thêm, bạn hãy đọc quyển You and Heredity (Bạn và Sự di truyền) của tác giả Amram Scheinfeld.
Sở dĩ tôi có thể khẳng định một cách chắc chắn về việc hãy là chính mình bởi tôi biết rất rõ mình đang nói gì. Tôi đã rút ra từ trải nghiệm cay đắng của bản thân: Khi lần đầu tiên rời xa những cánh đồng ở Missouri để đến New York, tôi đã đăng ký vào Viện kịch nghệ Hoa Kỳ với ao ước trở thành một diễn viên. Tôi có một ý tưởng mà tôi tự cho là rất thông minh, một con đường tắt để tới thành công, một sáng kiến thật quá đơn giản, quá dễ dàng đến nỗi tôi không thể hiểu được tại sao hàng nghìn kẻ tham vọng khác lại không nghĩ ra. Ý tưởng đó là thế này: Tôi sẽ tìm hiểu xem những diễn viên nổi tiếng thời đó như John Drew, Walter Hampden và Otis Skinner đã làm thế nào mà có được ảnh hưởng lớn như thế. Sau đó, tôi sẽ bắt chước những điểm mạnh nhất của mỗi người và khiến bản thân mình trở thành một sự kết hợp hoàn hảo của tất cả bọn họ, và tỏa sáng. Thật ngớ ngẩn! Thật ngốc nghếch! Tôi đã lãng phí nhiều năm bắt chước những người khác trước khi bộ óc u tối của tôi hiểu ra rằng tôi phải là chính mình chứ không thể là ai khác được.
Đáng lẽ tôi phải rút ra bài học nhớ đời từ kinh nghiệm xương máu đó; nhưng không, tôi quá mê muội và cần phải ôn đi ôn lại bài học đó. Vài năm sau, tôi bắt đầu viết cái mà tôi hy vọng sẽ trở thành kiệt tác về nghệ thuật diễn thuyết trước đám đông dành cho những doanh nhân. Tôi lại nảy ra một ý tưởng viết sách ngu ngốc không kém gì ý tưởng về đóng phim trước đây: tôi sẽ mượn ý tưởng của những tác giả khác và cho tất cả vào trong một quyển sách – một quyển sách bao gồm mọi thứ. Vì thế, tôi tập hợp hàng chục quyển sách viết về diễn thuyết trước đám đông và dành ra một năm để hợp nhất những ý tưởng của họ vào trong bản thảo viết tay của mình. Nhưng cuối cùng, một lần nữa tôi lại nhận ra mình đang làm một trò thật ngu ngốc. Mớ hỗn độn những ý tưởng của những người khác nhau mà tôi viết ra tạp nham và nhàm chán đến nỗi không một doanh nhân nào thèm đếm xỉa đến. Vậy là tôi quẳng một năm làm việc của mình vào sọt rác, và bắt đầu lại từ đâu. Lần này, tôi tự nhắc mình: “Mày phải là Dale Carnegie với tất cả những lỗi lầm và hạn chế của mình. Mày không thể là một ai khác được”. Thế là tôi bỏ hẳn ý muốn trở thành sự kết hợp của những người khác. Tôi xắn tay áo lên và bắt đầu làm cái việc mà đáng lẽ phải làm ngay từ đầu: Tôi viết một quyển sách về nghệ thuật diễn thuyết trước đám đông, dựa trên những kinh nghiệm, quan sát và những lập luận của bản thân rút ra sau nhiều năm làm diễn giả và trực tiếp giảng dạy bộ môn nói chuyện trước công chúng. Và thành quả của quyết định đó là quyển How to Win Friends and Influence People (Đắc nhân tâm) được đông đảo độc giả đón nhận.
Hãy là chính mình. Hãy hành động theo lời khuyên đúng đắn của Irving Berlin dành cho Geoshwin. Khi hai người lần đầu tiên gặp nhau, Berlin đang rất nổi tiếng, còn Gershwin mới bắt đầu tự nghiệp sáng tác và phải sống chật vật với tiền công 35 đô-la một tuần ở nhà xuất bản Tin Pan Alley. Ấn tượng với tài năng của Gershwin, Berlin đã đề nghị Gershwin làm thư ký âm nhạc cho mình với mức lương cao gấp ba lần. Berlin khuyên: “Nhưng đừng dồn tâm huyết cho công việc này. Nếu làm thế, anh có thể sẽ trở thành một Berlin thứ hai. Còn nếu tiếp tục là chính mình, rồi một ngày anh sẽ trở thành một Gershwin số một”.
Gershwin đã lưu tâm đến lời cảnh báo ấy của Berlin và dần dần phát triển tài năng của mình, trở thành một trong những nhà soạn nhạc Mỹ nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Charlie Chaplin, Will Rogers, Mary Margaret McBride, Gene Autry, và hàng triệu người khác đã từng trải qua bài học mà tôi đang cố gắng ghi lại trong chương sách này. Cũng như tôi, họ học được theo một cách không mấy dễ dàng.
Khi Charlie Chaplin lần đầu tiên đóng phim, đạo diễn khăng khăng yêu cầu ông phải bắt chước một diễn viên hài kịch nổi tiếng người Đức thời bấy giờ. Charlie Chaplin đã chẳng đi tới đâu cho đến khi ông thể hiện mình trong phim. Bob Hope cũng trải qua kinh nghiệm tương tự: mất nhiều năm trong sự nghiệp hát múa – và chẳng chút thành công – cho tới khi ông bắt đầu trình diễn cách nói châm biếm dí dỏm của riêng mình.
Will Rogers đã biểu diễn với những sợi dây thừng trong những vở kịch câm suốt nhiều năm mà vẫn chẳng đạt được gì, cho tới khi ông khám phá ra khiếu hài hước độc nhất vô nhị của mình và bắt đầu đóng những vở kịch có tiếng, vừa nói vừa quay nhanh sợi dây thừng(51).
Khi Mary Margeret McBride lần đầu tiên lên sóng phát thanh, cô đã cố bắt chước một diễn viên hài kịch Ai Len, nhưng thất bại. Khi thể hiện là chính mình – một cô gái nông thôn giản dị đến từ Missouri – cô đã trở thành một trong những ngôi sao nổi tiếng nhất New York.
Khi Gene Autry cố bỏ giọng Texas, ăn mặc như một thanh niên thành phố và nói rằng mình đến từ New York, mọi người chỉ cười nhạo sau lưng anh. Nhưng khi anh bắt đầu gảy đàn banjo và hát những bản batat về chàng trai cao bồi, Gane Autry đã mở ra một sự nghiệp khiến anh trở thành một chàng cao bồi nổi tiếng nhất thế giới cả ở trên phim ảnh lẫn đài phát thanh.
Bạn là một bản thể mới mẻ và duy nhất thế giới này. Hãy vui mừng vì điều đó. Hãy tận dụng những gì mà tạo hóa đã ban tặng cho bạn. Xét một cách sâu xa, mọi môn nghệ thuật đều có tính chất tự truyện. Bạn chỉ có thể hát lên hay vẽ ra những gì thuộc về con người mình. Bạn phải là chính mình với những gì mà di truyền, môi trường sống và những trải nghiệm đã hình thành nên con người bạn. Dù tốt hay xấu, bạn phải trồng cây trên chính mảnh vườn của mình. Dù hay hay dở, bạn phải chơi nhạc cụ của mình trong dàn nhạc của cuộc sống.
Như những gì tác giả Emerson đã nói trong bài luận về “Sự tự lực”: “Đến một lúc nào đó trong đời, người ta sẽ nhận ra rằng ghen tỵ là ngu dốt, bắt chước là tự tử, rằng dù tốt dù xấu thì mỗi người phải là chính mình, rằng dù thiên nhiên có tạo mọi điều kiện thuận lợi nhưng nếu không chịu đổ mồ hôi công sức trên mảnh đất được giao để cấy cày, thì ta không thể có được hạt ngô nào trên cánh đồng của mình. Trong mỗi người đều ẩn chứa một sức mạnh mới mẻ, và không ai ngoài người ấy biết được anh ta có thể làm gì, thậm chí chính bản thân người ấy cũng không thể biết cho tới khi anh ta thứ sức mình”.
Đó là cách nói của Emerson. Còn Douglas Malloch thì diễn đạt theo cách của một nhà thơ:
Nếu không thể là cây thông trên đồi,
Bạn hãy là một bụi cây trong thung lũng;
Hãy là bụi cây bé nhỏ bên dòng suối
Nhưng là bụi cây tươi đẹp nhất bên bờ.
Nếu không thể là một cây bụi,
Hãy là một phần nhỏ nhoi của cánh đồng cỏ,
Nhưng là một phần vươn cao hạnh phúc.
Nếu bạn không thể là một con cá lớn,
Thì hãy là một chú cá peca;
Nhưng là chú cá sống động nhất trong hồ!
Tất cả chúng ta không thể đều là thuyền trưởng,
Vậy hãy là thủy thủ,
Luôn có việc gì đó cho mỗi người trong cuộc đời này.
Có những việc lớn và có những việc không lớn bằng
Và nhiệm vụ của chúng ta là làm hết khả năng của mình.
Nếu bạn không thể là một con đường lớn,
Vậy hãy là một con đường mòn;
Nếu bạn không thể là mặt trời, hãy là một ngôi sao;
Lớn hay nhỏ - điều đó không làm nên thắng bại.
Hãy luôn là chính mình và nỗ lực.
Cho dù bạn là ai!
Để gieo mầm một thái độ tinh thần giúp xua tan lo lắng và mang lại sự thanh bình, hãy thực hiện Nguyên tắc 5:
ĐỪNG BẮT CHƯỚC NGƯỜI KHÁC.
HÃY KHÁM PHÁ BẢN THÂN VÀ TỰ TIN LÀ CHÍNH MÌNH.
DALE CARNEGIE
Theo http://ditimchanly.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...