Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Lại bàn về sắc đẹp phụ nữ

Lại bàn về sắc đẹp phụ nữ
Thí sinh hoa hậu hoàn vũ VN 2015. Ảnh: alobacsi.com

Qua một số tiếp xúc với vài giảng viên, sinh viên và nhà báo phái nữ trong nước, người viết bài này học được nhiều điều. Phần đông, đó là những người có tri thức và nhất là biết suy nghĩ.
Thời sự cũng cho thấy là một vài phụ nữ tham chính và giữ những chức vụ chủ yếu trong guồng máy công quyền.
Một số doanh nghiệp quan trọng cũng có giám đốc là một người của … giới tính thứ nhì – để dùng chữ của bà Simone de Beauvoir.
Nhưng những… cây xanh đơn lẻ không che được cánh rừng.
Báo chí trên mạng thường nêu nhan sắc như đặc điểm đầu tiên của phụ nữ. Khi nói đến một nữ sinh viên, một nữ cơ trưởng hay một nữ bác sĩ, … các phóng viên không quên bình là những người này đẹp như hot girl, người mẫu hay ít nhất cũng cũng là vẻ quyến rũ của bà hay cô ấy. Cứ như không có nhan sắc thì một phụ nữ, dù có tài có đức thế nào đi nữa, cũng là một phụ nữ bỏ đi.
Bên cạnh đó, báo chí ngày nào cũng đưa lên trang hình ảnh của những phụ nữ, nhất là các cô thuộc giới giải trí, với trang phục hở hang. Phụ nữ chỉ còn là chân dài, đường cong nóng bỏng, gợi cảm, …tức là hiện thân của một vật thể giới tính.
Một bác sĩ tâm thần người Việt  ở nước ngoài, khi nhìn những trang báo Việt Nam trên mạng đã nói đùa rằng “Không hiểu tại sao giới mày râu bên ta không bực mình khi thấy những trang này vì cứ như các bài báo đồng hóa các ông với những … con thú đực, đang mùa hoóc môn tình dục tăng cao, thè lưỡi nhỏ dãi nhìn hình các bộ phận nhạy cảm của các con thú cái” (có khác chăng là thú vật không biết …đọc báo !).
Con người có văn hóa và sống trong xã hội với những thuần phong mỹ tục. Những “luật lệ” này tổ chức rất giỏi các liên hệ giới tính giữa các thành viên để bảo đảm trật tự và trường tồn của xã hội. Cấm loạn luân, kết án ngoại tình, … là những “luật” điển hình.
Ở đâu cũng có một số người … không bình thường – số đàn ông thích nhìn phụ nữ khỏa thân ở Âu Tây chiếm không tới 10% trong xã hội, tức là số người mua/xem các báo dành cho đàn ông như Playboy, Men Health, …Số người truy cập các trang mạng đen có lẽ cao hơn nhưng hiện ta chưa có thống kê hoàn chỉnh.
Nhưng khi tất cả các báo đều đăng ảnh phụ nữ với trang phục thiếu vải hay những chuyện các người nổi tiếng “lộ hàng”, …thì không khác nào xem 100% độc giả, nhất là các ông, đều thích những bài hay ảnh ấy.
Vấn đề sắc đẹp phụ nữ chưa dừng ở đó.
Những tiêu chí sắc đẹp phụ nữ làm rộ nở một số trào lưu: tắm trắng, nhuộm tóc, nâng mũi, độn ngực, … Tất cả những can thiệp này đều có ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho tương lai sức khoẻ, vừa sức khoẻ thể xác vừa sức khoẻ tâm thần, của các bà, các cô.
Nhìn gần hơn, hiện tượng theo trào lưu nhuộm tóc, tắm trắng, … khiến bất cứ nhà tâm lý học nào cũng có thể hỏi không biết bản thể của các cô ở đâu mà các cô dễ dàng chạy theo các mẫu như thế. Chả nhẽ các cô “ghét” vẻ đẹp tự nhiên của mình đến nỗi phải thay màu da, màu tóc, hình dáng cái mũi, cái cằm, …
Có thể vì gia đình đã quên vun trồng bản thể con em mình. Có thể học đường không chú trọng đến vấn đề đó. Có thể vì các giới truyền thông tiếp thị giỏi đến nổi các cô mất cẩn mật…
Giải phẫu thẫm mỹ cũng có ở trời Âu – Mỹ. Chỉ khác một điều, hiện ở Bỉ, chẳng hạn, giải phẩu thẫm mỹ để tái cấu trúc vì dị tật, sau một tai nạn, sau một phẩu thuật ung thư, … chiếm đa phần so với giải phẫu thẫm mỹ vì …áp lực xã hội.
Ngày nào ta giảm bớt số hình ảnh các người đẹp với “da trắng không tì vết”, với “vòng một gợi cảm” hay, “vòng một sexy”, … ta sẽ giảm bớt áp lực xã hội về tiêu chí của sắc đẹp.
Nhiều người cũng đã lên tiếng chống các cuộc thi hoa hậu để các thanh nữ bớt bị ám ảnh bởi vẻ đẹp bề ngoài. 
Phải nói thêm rằng, một số phụ nữ, nhất là những người tranh đấu cho nữ quyền, cảm thấy bị xúc phạm khi được ai đó khen thân thể hay sắc diện họ đẹp. Vì thân thể, sắc diện là phần riêng tư, phần thầm kín của cá nhân. Hơn nữa, giá trị của người phụ nữ nằm ở chỗ khác.
Chưa ai dám bảo là bà Simone de Beauvoir đẹp như một hoa hậu chẳng hạn dù trên thực tế, tất cả những người có dịp tiếp xúc hay xem ảnh của bà đều đồng tình rằng lúc sinh thời, người phụ nữ ấy đẹp thanh nhã.
 Huỳnh Mai
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/
Để nhan sắc tỏa sáng đúng chỗ
Cuộc thi “Người đẹp phố biển Cửa Lò” vừa khép lại với rất nhiều những dư âm. Với tôi, ngoài sự ngỡ ngàng, ngưỡng mộ nhan sắc của thí sinh là những băn khoăn. Trong đầu tôi lần lượt hiện lên những cái tên: Người đẹp hang Bua, Người đẹp lễ hội đền Bạch Mã, Người đẹp làng Vạc, Người đẹp lễ hội đền Chín gian, Người đẹp lễ hội Làng Sen, Nét đẹp các dân tộc thiểu số, Người đẹp xứ Nghệ qua ảnh và sắp tới, sau Người đẹp phố biển sẽ là Người đẹp lễ hội hoa hướng dương.  Như vậy, chỉ mới sơ tính thôi thì trong 7 tháng đầu năm đã có 8 cuộc thi người đẹp. Liệu “mật độ” như vậy có quá dày và hiện tượng này đang phản ánh điều gì?
Tràn lan thi người đẹp ở các lễ hội
Có thể nhân thấy các cuộc thi nhan sắc kể trên phần lớn được tổ chức trong những lễ hội. Dường như đưa nội dung thi người đẹp vào lễ hội đang trở thành một xu hướng trên địa bàn mấy năm gần đây. Điều này phản ánh BTC đã trăn trở về việc tổ chức lễ hội, về cách lôi kéo sự tham gia của người dân và du khách. Tuy nhiên phải chăng cũng chính điều đó đang nói lên sự “bối rối” trong khâu tổ chức và tạo sức hấp dẫn của các lễ hội hiện nay?
Tôi không phản đối việc đưa nội dung thi người đẹp vào các lễ hội nhưng nhất thiết phải đưa một cách hợp lý, không thể lễ hội nào cũng mang nội dung này vào như một cách nhằm kéo người dân tới xem. Bất cứ hoạt động nào khi đưa vào chương trình lễ hội, điều đầu tiên phải xét tới là có phù hợp với tổng thể các hoạt động hay không bởi lễ hội là một sinh hoạt văn hóa mà ở đó tất cả các hoạt động tạo thành một thể thống nhất, cùng hướng đến một chủ đề và cùng chuyển tải một thông điệp. Nếu không đảm bảo được điều này các hoạt động đưa vào sẽ trở nên lạc lõng, làm giảm ý nghĩa, giá trị văn hóa của lễ hội, thậm chí có thể “trần tục hóa” lễ hội. Ví dụ lễ hội Làng Sen, mục tiêu chính chúng ta hướng đến là tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Vậy có mối liên hệ nào không khi đưa nội dung thi người đẹp vào chuỗi các hoạt động trong lễ hội tôn vinh một nhân vật lịch sử, một lãnh tụ và là anh hùng giải phóng dân tộc?
Quay trở lại câu chuyện muôn thuở là sức hấp dẫn của lễ hội. Nếu muốn lễ hội thực sự thu hút được người dân tham gia thì phải để dân thực sự là người làm chủ. Chừng nào các lễ hội còn mang tính hành chính hóa, sân khấu hóa như hiện nay thì chúng ta còn phải đau đầu tìm nhiều cách khiến dân đi hội và thi người đẹp cũng chỉ là một giải pháp tình thế tạm thời, thiếu hợp lý mà thôi.
“Đẹp mà không đẹp”!
Mỗi chúng ta hẳn đều không quên câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” được học từ thời tiểu học. Truyện kể về cậu bé Hùng vẽ một con ngựa trên tường và hỏi bác Thành bức tranh mình vẽ có đẹp không. Bác Thành trả lời: “Cháu vẽ đẹp đấy nhưng có cái không đẹp”. Cái không đẹp ấy ở chỗ bức tường đã bị vẽ bẩn. Mẩu chuyện nhỏ dạy ta rằng những thứ dù đẹp nhưng đặt trong hoàn cảnh không thích hợp có thể gây phản cảm, thậm chí trở thành xấu. Không hiểu sao khi chứng kiến những cuộc thi nhan sắc hiện nay lại khiến tôi nhớ và nghĩ về câu chuyện đó.
Có thể nói, những cuộc thi ngày nay tạo cơ hội cho nhan sắc Nghệ được vinh danh. Người ta biết đến Nghệ An với những cô gái không chỉ đằm thắm, nghĩa tình mà còn hiện đại và có nhan sắc lộng lẫy. Tuy nhiên, trên sân khấu, với những bước đi lắm khi còn ngượng nghịu, gò bó; với những màn trình diễn trang phục, những khuôn mặt phấn son lộng lẫy ấy người ta chủ yếu chỉ thấy được vẻ đẹp của hình thể, của đường nét mà thôi. Bởi thế các gương mặt trở nên nhạt nhòa, trộn lẫn. Đáng buồn hơn là khi chứng kiến cuộc thi sắc đẹp của dân tộc thiểu số. Những cô gái tựa thiên thần của các bản làng lại khoác lên mình trang phục truyền thống với những đôi giày cao gót, kiểu tóc hiện đại, khuôn mặt trang điểm quá đậm. Không ai phủ nhận vẻ đẹp của họ nhưng chao ôi, không thể không thốt lên một tiếng kêu hay tiếng thở dài trước sự lạc lõng ấy. Tôi không phải là người bảo thủ, khư khư giữ những điều cũ kỹ nhưng tôn vinh cái đẹp, đặc biệt là vẻ đẹp của người con gái xứ Nghệ thì không thể chỉ bằng nhan nhản những cuộc thi nhan sắc theo cách ta tổ chức hiện nay. Nghệ Tĩnh nói chung vốn là một mảnh đất nổi tiếng với những người con gái đẹp. Không phải cái đẹp đài các, nhẹ nhàng, thanh lịch đất Bắc; không phải cái đẹp dịu dàng của gái Huế; con gái xứ Nghệ cuốn hút người ta bằng vẻ đẹp đằm thắm, mặn mòi pha chút đa tình toát ra chính từ một tâm hồn đẹp và nhạy cảm. Không cần đến các cuộc thi nhan sắc như hiện nay thì thời gian, lịch sử và thơ ca cũng đã chứng minh điều đó. Ngày xưa tiếng tăm một người đẹp có thể lan truyền từ vùng này qua vùng khác mà đâu cần một cuộc thi, đâu cần phải số đo ba vòng và bước lên sàn diễn? Thiết nghĩ, vẻ đẹp thực chất tự nó có sức lan tỏa và hãy tôn vinh, ngợi ca nó theo một hướng khác chứ không như bây giờ.
Thiết nghĩ, trên địa bàn tỉnh, mỗi năm chỉ nên tổ chức một đến hai cuộc thi nhan sắc là vừa đủ. Nếu tổ chức với “mật độ” dày đặc như hiện nay thì không chỉ làm giảm giá trị các danh hiệu mà còn khiến thí sinh lẫn người xem dần trở nên nhàm chán. Thay vì tổ chức nhiều cuộc thi sắc đẹp như hiện nay, tại sao không tập trung mở rộng những cuộc thi về tài năng, kỹ năng cho phụ nữ nói riêng và giới trẻ nói chung. Tôi nhớ người bạn trong một band nhạc ở Vinh từng tâm sự khao khát có một cuộc thi cho các band nhạc trên địa bàn. Tại sao chúng ta không đáp ứng nguyện vọng chính đáng ấy của các bạn trẻ? Bên cạnh đó chúng ta còn có thể tổ chức nhiều cuộc thi khác như: thi nói tiếng Anh, thi nữ công gia chánh, thi hùng biện, thi tìm hiểu về văn hóa lịch sử địa phương… Các cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ, văn học nghệ thuật trên địa bàn cần được mở rộng và đặc biệt là tăng cường truyền thông hơn nữa. Thực tế hiện nay cho thấy, các cuộc thi mảng này vốn đã ít lại ít được thông tin nên chưa thu hút sự quan tâm, tham dự của các bạn trẻ.
Tôi tin rằng dù có trải qua bao biến cố thăng trầm, có những thời kỳ giá trị bị đảo lộn thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng xã hội sẽ vẫn trở lại vận hành đúng quy luật của nó. Ở đó không có chỗ cho những thứ hình thức phù phiếm. Ở đó chân giá trị được khẳng định và tôn vinh. Chính vì thế đã đến lúc chúng ta nên dẹp bỏ tư duy chạy theo đám đông và hình thức phù phiếm để hướng đến những hoạt động có ý nghĩa, có giá trị hơn nhằm đóng góp cho đời sống văn hoá tinh thần hiện tại cũng như tương lai. Và một trong những việc cần làm ngay có lẽ là thay vì tổ chức những cuộc thi người đẹp đơn thuần như hiện nay, hãy tạo ra không gian, chương trình, hoạt động phù hợp cho những vẻ đẹp được tỏa sáng một cách ý nghĩa hơn.
 Trang Đoan
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...