Thứ Ba, 2 tháng 8, 2016

Một bước tới mùa hè

Một bước tới mùa hè
1. Kỳ nghỉ hè dường như đã nằm trong tầm tay của trẻ nhỏ, khi từ giữa tuần này lần lượt nhiều trường tổ chức bế giảng năm học. Mượn cách nói của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mùa hè chỉ còn khoảng… một bước chân nữa mà thôi.
Mùa hè của trẻ miền biển. Ảnh Chu Thụy 
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh chọn cái tựa “Bảy bước tới mùa hè” cho truyện dài viết xong hồi tháng 12.2014, vốn chỉ để bàn về quãng thời gian chờ đợi mùa hè kế tiếp. Tác giả đã cho những nhân vật của mình, như Khoa và Trang, mặc sức liệu tính còn bao lâu nữa thì mùa hè lại đến, ngay khi họ mới vừa trải qua một mùa hè đầy ắp kỷ niệm. Dòng đề tặng đầu truyện để nhớ “những tháng năm ở Cẩm Lũ” với những cái tên như Bông, Mừng, Hiền, Lộ, Luật, Cận…, chắc hẳn là đám bạn trẻ nít ngày nào của nhà văn. Cẩm Lũ, cùng với Đo Đo, Quán Gò, Trà Long, Hà Lam… là những địa danh ở quê cũ Nguyễn Nhật Ánh (Thăng Bình), đã nhiều lần xuất hiện trên các truyện dài của ông.
Nhưng mùa hè mà chúng tôi đang đề cập, dù chỉ còn cách “một bước”, chưa hẳn đã đầy ắp kỷ niệm. Hai ngày trước khi đến trường dự lễ bế giảng, một học trò lớp 8 ở TP.Tam Kỳ nhẩm đếm số môn phải học thêm trong hè. Tổng cộng 5 môn, bằng đúng số lượng các môn học thêm trong giai đoạn chính khóa. Xem ra cậu bé ở thành phố cũng “vất vả” không kém so với bạn bè cùng trang lứa đang phải mưu sinh ở các vùng quê nghèo khó: không nơi nào được nghỉ hè đúng nghĩa.
Ngồi lật lại trang sách cũ, nhận thấy vào dịp hè các thế hệ học trò cũ cũng đâu có được “nghỉ ngơi” thoải mái. Cuốn “Quốc văn giáo khoa thư” của Nha học chính Đông Pháp do nhóm tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn và in trong giai đoạn 1938-1948, có bài ngắn về “Nghỉ hè”. Sách viết: “Trời nóng nực khó chịu. Học nhiều, nghĩ nhiều, sợ đuối sức và mệt trí, nên vào khoảng mấy tháng hè, từ trung tuần tháng sáu đến tháng chín tây, thì các tràng đâu đấy đóng cửa. Tuy vậy, người học trò tốt không lấy cớ rằng nghỉ mà xao nhãng sự học. Mỗi ngày cũng phải ôn tập lại các bài trong một giờ, thì mới không quên được những điều đã học”.
Nhưng đọc kỹ, mới thấy học trò ở các tràng/trường cũ học hè là kiểu học ôn, để khỏi quên những kiến thức đã thu nhặt trước đó, theo lối “văn ôn võ luyện”. Nhẹ nhàng thôi, cốt chỉ để cho học trò “đủ sức ganh (tranh) đua với chúng bạn”. Chứ không phải học trước chương trình, học thay nội dung chính khóa, học cứ như là… đã khai giảng năm học mới, học đến mụ mẫm cả người như cách mà học trò đang theo đuổi trong những năm gần đây.
2. Thử gõ trên công cụ tìm kiếm Google, chỉ 0,38 giây đã cho ra khoảng 401.000 kết quả chứa 2 chữ “nghỉ hè”. Thật thú vị khi chúng ta đọc được từ Internet không chỉ có thông tin hướng dẫn về những trò chơi cho bé nghỉ hè, về thực tế nghỉ hè con mừng nhưng bố mẹ lo…, mà còn có cả lời “kêu gọi” đừng tước đi kỳ nghỉ hè của con. Là bởi lâu nay, dư luận xã hội vẫn mặc định kỳ nghỉ hè là “học kỳ 3”. Áp lực vô hình cứ thúc đẩy những đứa trẻ và cả những bậc phụ huynh cứ phải lao lên phía trước.
Hãy thử xem những học trò phương Tây nghỉ ngơi thế nào. Đọc lại cuốn tiểu thuyết trẻ em “Những tấm lòng cao cả” (hay “Tâm hồn cao thượng”) của văn hào Italia Edmond de Amicis xuất bản cách đây vừa chẵn 130 năm, nhận thấy bóng dáng kỳ nghỉ xả stress vào dịp hè cũng rất ấn tượng. Ở kỳ thứ 56 được tác giả đặt tên là “Thú quê”, cậu bé Enrico Bottini (từng được biết đến qua cách phỏng dịch tên nhân vật An Di) đã có một chuyến về quê thú vị ấn tượng. Không thấy dòng chữ nào hé lộ đây là kỳ nghỉ hè, nhưng chúng tôi đoan chắc đây là chuyến về quê của một cậu học trò người Ý sau khi đã bế giảng, vì ở kỳ thứ 54 trước đó (tiêu đề “Ba mươi hai độ”) tác giả viết: “Bây giờ đã sang tiết hè, trời nóng quá! Người đã thấy nhọc và kém vẻ tươi tắn của mùa xuân”. Và cũng chỉ có kỳ nghỉ hè thực sự thì cậu bé Enrico mới được hòa mình vào đồng cỏ bao la và cảm nhận “trời xanh cỏ biếc, gió thổi hiu hiu”, để cùng đám bạn dắt tay nhau xuống đồi vừa chạy vừa hát khi trời sập tối, để thấy lập lòe trăm nghìn con đom đóm giỡn bay trên cỏ…
3. Nhắc lại trải nghiệm của nhân vật Enrico, là bởi tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” (Tâm hồn cao thượng) từng được xem như một cuốn luân lý giáo khoa thư của thế hệ học trò miền Nam hồi giữa thế kỷ XX. Nếu so với những gì mà đám học trò hồi đầu thế kỷ XX qua những trang sách quốc văn giáo khoa thư, có thể cảm xúc sẽ khác biệt, và cũng sẽ không mượt mà và nhiều tình tiết như những gì mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh viết cho đám học trò hồi đầu thế kỷ XXI. Nhưng khoảng không gian sáng tạo mà bất cứ tâm hồn trẻ thơ nào cũng muốn thỏa sức ở mỗi kỳ nghỉ hè, thì dường như chỉ có một. Và sẽ không có đôi hia bảy dặm thần kỳ nào trên cõi đời này để mang mùa hè đến sớm hơn, như cách mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh úp mở trong phần cuối của truyện dài “Bảy bước đến mùa hè”, nếu người lớn không cho đứa trẻ cơ hội thực sự.
Đừng đếm những bước chân. Hãy mở hẳn một lối đi vào mùa hè cho trẻ.
CHU THỤY
Theo http://baoquangnam.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...