“Sai lầm lớn nhất của các thầy thuốc
là cố gắng chữa trị phần thể xác
mà không cố gắng cứu chữa tình thần của người bệnh;
họ đã quên rằng tinh thần và thể xác luôn đi đôi với nhau”
TRIẾT
GIA PLATO
Vào một
buổi tối cách đây nhiều năm, một người hàng xóm đến rung chuông cửa, thúc giục
tôi cùng gia đình đi tiêm vắc-xin phòng bệnh đậu mùa. Anh ta chỉ là một trong
số hàng nghìn tình nguyện viên đi gõ cửa từng nhà trong khắp thành phố New
York. Vào thời điểm ấy, lúc nào cũng có hàng chục nghìn người sợ hãi đứng xếp
hàng hàng giờ liền để được tiêm vắc-xin. Các trạm tiêm phòng không chỉ được mở
tại tất cả các bệnh viện mà còn ở các trạm cứu hỏa, đồn cảnh sát và các nhà máy
công nghiệp lớn. Hơn 2.000 bác sĩ và y tá làm việc tất bật cả ngày lẫn đêm để
tim vắc-xin cho mọi người. Đâu là nguyên nhân của tất cả sự hối hả này? Tám
người trong thành phố đã mắc bệnh đậu mùa – và hai trong số họ đã chết. Hai
trong số gần tám triệu người dân New York đã chết vì căn bệnh đậu mùa.
Dù tôi đã
sống ở New York rất nhiều năm nhưng chưa từng có ai nhấn chuông cửa nhà tôi để
cảnh báo về bệnh âu lo – một căn bệnh trong cùng khoảng thời gian đã gây thiệt
hại gấp 10.000 lần so với bệnh đậu mùa.
Không có
ai rung chuông cửa nhà tôi để cảnh báo rằng cứ 10 người sống ở Mỹ lại có một
người bị suy nhược thần kinh – và nguyên nhân của đa số các trường hợp này là
do lo lắng quá mức và mâu thuẫn trong cảm xúc.
Khi nói
về tác hại của chứng lo âu, bác sĩ Alexis Carrel, người từng đoạt giải Nobel về
Y học nói rằng: “Những người không biết cách chống lại âu lo thường chết trẻ”.
Còn theo bác sĩ O.F. Gober, Bác sĩ trưởng của Hiệp hội Bệnh viện Gulf, Golarado
và Santa Fe, thì chỉ cần sống mà không còn phải sợ hãi hay lo nghĩ thì 70%
người bệnh có thể tự chữa khỏi bệnh cho mình. Nguyên do là vì nỗi sợ hãi khiến
chúng ta luôn lo nghĩ. Việc suy nghĩ thường xuyên gây ra tình trạng căng thẳng
đầu óc, ảnh hưởng trực tiếp đến các dây thần kinh điều khiển các bộ phận khác
nhau trên cơ thể, đặc biệt là dạ dày. Nó là nguyện nhân của những căn bệnh như
khó tiêu, viêm loét dạ dày, rối loạn nhịp tim, đau đầu, chứng tê liệt, vv. Tiến
sĩ Joseph F. Montague, tác giả cuốn sách Nervous Stomach Trouble (Đau dạ dày do
suy nhược thần kinh), khẳng định: “Hầu hết các trường hợp mắc bệnh viêm loét dạ
dày không phải là do chế độ ăn mà do chính suy nghĩ của chúng ta. Và một điều
quan trọng nữa là diễn tiến của bệnh tùy thuộc vào diễn biến thăng trầm của cảm
xúc”.
Kết luận
đó được chứng minh qua một nghiên cứu được thực hiện trên 15.000 bệnh nhân đang
được điều trị chứng đau dạ dày ở Mayo Clinic(7). Có đến 4/5 số trường hợp đều không thể dùng cơ
sở y học để lý giải nguyên nhân gây bệnh. Cho đến bây giờ, người ta vẫn cho
rằng sợ hãi, lo âu, oán ghét, ích kỷ quá đáng và tình trạng bất lực trước việc
thích ứng với cuộc sống thực tại mới là căn nguyên của bệnh này. Trên thực tế,
bênh viêm loét dạ dày có thể gây chết người. Theo tạp chí Life, viêm loét dạ
dày đứng thứ 10 trong danh sách các bệnh hiểm nghèo mà con người đang phải
đương đầu.
Tại cuộc
gặp mặt thường niên của Hiệp hội Dược sĩ và Bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ, Bác sĩ
Harold C. Habein đã đọc một bài phát biểu công bố kết quả một nghiên cứu mà ông
đã tiến hành trên nhóm đối tượng gồm 176 nhà điều hành kinh doanh có độ tuổi
trung bình 44,3.Kết
quả cho thấy hơn một phần ba trong số này mắc phải một trong ba loại bệnh phổ
biến ở những người phải sống trong trạng thái áp lực cao – đó là bệnh đau tim,
viêm loét đường tiêu hóa và cao huyết áp.
Thử nghĩ
mà xem – 1/3 các nhà điều hành kinh doanh đang phải vật lộn với bệnh đau tim,
viêm loét dạ dày và cao huyết áp khi chưa đầy 45 tuổi! Một cái giá quá đắt cho
sự thành đạt! Nói đúng hơn thì họ chưa phải là những người thành đạt thực sự.
Làm sao có thể xem một người là thành đạt khi anh ta phải trả giá cho những
thăng tiến trong kinh doanh bằng việc chuốc lấy một căn bệnh hiểm nghèo? Sau
cùng, một người sẽ nhận lại gì nếu anh ta có cả thế giới nhưng lại mất đi sức
khỏe của mình? Cho dù sở hữu cả thế giới thì anh ta cũng chỉ ăn được ba bữa một
ngày và ngủ trên một chiếc giường mỗi tối mà thôi. Bạn thấy đấy, bất cứ nhân
viên mới toe nào cũng có được điều đó – và có lẽ còn ăn được ngon miệng hơn,
ngủ yên giấc hơn một giám đốc đầy quyền lực. Thật lòng, tôi thà làm một người
vô tư với thu nhập bình thường hơn là cố gắng điều hành một công ty đường sắt
hay một nhà máy thuốc là để rồi tự hủy hoại sức khỏe của mình ở tuổi 45.
Viết đến
đây, tôi chợt nhớ đến chủ một hãng thuốc lá nổi tiếng thế giới đã đột tử vì đau
tim khi đáng thư giãn chút ít trong một khu rừng ở Canada. Ông ta kiếm hàng
triệu đô-la và chết ở tuổi 61. Có lẽ ông đã đánh đổi cuộc đời mình để đạt được
cái gọi là “thành đạt trong kinh doanh”. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, nhà
kinh doanh thuốc lá nổi tiếng với tài sản hàng triệu đô-la đó chưa thành công
bằng một nửa cha tôi – một nông dân vùng Missouri qua đời ở tuổi 89, không tiền
bạc.
Một nửa
số gường ở Bệnh viện Mayo dành cho những người gặp các vấn đề về thần kinh. Tuy
nhiên, khi dùng kính hiển vi với độ phóng đại cực lớn để nghiên cứu các tế bào
thần kinh của những người này khi họ đã qua đời, trong hầu hết các trường hợp
kết quả đều cho thấy chúng hoàn toàn khỏe mạnh như tế bào thần kinh của Jack
Dempsey(8). “Vấn đề về
thần kinh” của họ không xuất phát từ sự thoái hóa các tế bào thần kinh, mà
chính là từ những lo lắng, chán chường, sợ thất bại và không dám đối mặt với
cảm giác bị thua cuộc. Triết gia Plato(9) từng
nói: “Sai lầm lớn nhất của các thầy
thuốc là cố gắng chữa trị phần thể xác mà không cố gắng cứu chữa tinh thần của
người bệnh, họ đã quên rằng tinh thần và thể xác luôn đi đôi với nhau”.
Y học đã
phải mất đến 2.300 năm để nhận ra chân lý này. Hiện nay, chúng ta chỉ mới bắt
đầu phát triển một ngành y học mang tên Psychosomatic – một ngành điều trị cùng
lúc cả thể xác và tinh thần. Đã đến lúc chúng ta phải làm như thế bởi y học
ngày nay đã loại bỏ được phần lớn các căn bệnh nguy hiểm bắt nguồn từ những mầm
bệnh hữu hình như đậu mùa, bệnh tả, sốt vàng da cùng hàng chục căn bệnh khác đã
cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Nhưng y học vẫn chưa có khả năng chữa
trị những tổn thưởng về thể chất và tinh thần không bắt nguôn từ những mầm bệnh
hữu hình mà từ những cảm xúc lo âu, sợ hãi, oán ghét, chán chường và thất vọng.
Tác hại của những căn bệnh này đang ngày một gia tăng và lan rộng với tốc độ
đáng cảnh cáo. Cứ 6 người được gọi tuyển quân trong Thế chiến thứ hai thì có
một người bị loại vì mắc phải các bệnh về tinh thần.
Đâu là
nguyên nhân của tình trạng rối loạn thần kinh? Không ai có thể đưa ra một câu
trả lời đầy đủ. Nhưng rất có thể, trong nhiều trường hợp, nỗi lo âu và sự
sợ hãi là một trong những tác nhân chủ yếu. Khi một cá nhân lo lắng, phiền muộn
và không thể chịu được nghịch cảnh, người đó thường tự cắt đứt tất cả các mối
liên hệ với môi trường xung quanh và thu mình trong thế giới ảo để thoát khỏi
nỗi lo lắng của mình.
Lo âu có
thể khiến cho một người có thể chất khỏe mạnh nhất đổ bệnh chỉ trong một thời
gian ngắn. Tướng Grant đã phát hiện ra điều này trong những ngày cuối cùng của
cuộc nội chiến Mỹ. Câu chuyện như sau: Tướng Grant bao vây Richmond suốt chín
tháng, khiến cho quân của Tướng Lee rối loạn vì bị cắt nguồn lương thực. Quân
đoàn nào cũng có hiện tượng đào ngũ. Một số binh sĩ tổ chức cầu nguyện, binh
lính chỉ biết kêu than, khóc lóc trong tình trạng hoảng loạn. Chiến tranh sắp
kết thúc. Tướng Lee cho phóng hỏa các kho bông và thuốc lá ở Richmond, đốt kho
vũ khí rồi rút khỏi thành phố vào ban đêm khi những đám cháy bốc lửa ngùn ngụt
lên bầu trời đen sẫm. Tướng Grant ráo riết đuổi theo, nã đạn vào cả hai bên mạn
sườn và từ phía sau của quân ly khai, trong khi kỵ binh của Tướng Sheridan chặn
đánh ở đằng trước, phá hỏng đường ray và bắt giữ các đoàn tàu tiếp tế.
Vào thời
khắc căng thẳng này của cuộc chiến, Tướng Grant gần như hóa mù vì một cơn đau
đầu khủng khiếp. Ông buộc phải dừng lại phía sau đoàn quân truy kích và nghỉ
tạm trong một trang trại. Sau này ông kể trong hồi ký: “Cả đêm, tôi ngâm chân
trong nước nóng và mù tạc, đắp mù tạc lên cổ tay và sau gáy, hy vọng sẽ khỏe
lại vào sáng hôm sau”.
Sáng hôm
sau, ông đã bình phục nhanh chóng, nhưng không phải do tác dụng của bột mù tác
mà bởi một kỵ binh đã phi ngựa đến mang theo lá thư xin đầu hàng của Tướng Lee.
“Lúc viên sĩ quan đưa thư đến gặp, tôi vẫn đang đau đầu kinh khủng, nhưng ngay
sau khi biết nội dung bức thư, tôi lập tức khỏe lại”. Tướng Grant đã kể lại như
thế.
Rõ ràng
là chính những lo lắng, căng thẳng và xúc cảm của Tướng Grant đã khiến ông đổ
bệnh. Và ông đã khỏi bệnh ngay khi nhìn thấy chiến thắng.
Bảy mươi
năm sau, Henry Morgenthau, Jr., Bộ trưởng Bộ tài chính dưới thời Pranklin D.
Roosevelt cũng nhận thấy sự lo lắng có thể khiến ông chóng mặt. Trong nhật ký,
ông viết rằng mình đã vô cùng lo lắng khi Tổng thống quyết định mua tới
4.400.000 thùng lúa mì chỉ trong một ngày nhằm làm tăng giá bột mì: “Tôi thực
sự thấy choáng váng trước diễn tiến của sự việc. Tôi về nhà và lên giường nằm
mê man suốt hai giờ liền”.
Riêng
tôi, nếu muốn được nhắc nhở về những tác động tiêu cực của lo lắng, thậm chí
tôi cũng chẳng cần phải nhìn sang nhà hàng xóm; dù trong căn hộ đối diện với
nhà tôi là một người bị chứng suy thần kinh, và một người khác ở căn hộ bên
cạnh đã lo lắng đến mức mắc bệnh đái tháo đường. (Mỗi khi thị trường chứng
khoán sụt giảm, lượng đường trong máu và nước tiểu của anh ta lại tăng vọt!).
Chỉ cần nhìn ngày vào căn phòng nơi tôi đang ngồi viết quyển sách này, nó vẫn
còn rất nhiều thứ gợi nhớ về người chủ cũ đã qua đời vì lo âu.
Lo lắng
cũng có thể khiến bạn phải ngồi xe lăn do bệnh thấp khớp và viêm khớp. Bác sĩ
Russell L. Cecil, một chuyên gia nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực viêm khớp,
đã chỉ ra bốn nguyên nhân phổ biến nhất gây ra căn bệnh đã làm cho rất nhiều
người phải khốn khổ này:
1/ Đổ vỡ hôn nhân
2/ Rắc rối và khủng hoảng tài chính
3/ Cô đơn và lo lắng
4/ Bất mãn kéo dài
Tất
nhiên, bốn điều này không phải là những nguyên nhân duy nhất. Có nhiều loại
viêm khớp và mỗi loại do những nguyên nhân khác nhau gây nên. Nhưng, xin nhắc
lại rằng đây là bốn nguyên nhân phổ biến nhất. Chẳng hạn, trong thời kỳ suy
thoái kinh tế, một người bạn của tôi đã bị khánh kiêt đến mức gia đình anh bị
công ty khí đốt cắt nguồn cung cấp Gas và ngân hàng thì phong tỏa tài khoản thế
chấp mua nhà. Vậy là bỗng nhiên vợ anh bị thấp khớp – và dù đã thuốc thánh điều
trị cẩn thận, căn bệnh của chị vẫn không thuyên giảm cho tới khi tình hình tài
chính của họ có dấu hiệu cải thiện.
Lo lắng
thậm chí còn có thể là nguyên nhân gây sâu răng. Bác sĩ William I. L. McGonigle
đã phát biểu trước Hiệp Hội Nha Khoa Hoa Kỳ: “Những cảm xúc khó chịu như lo
lắng, sợ hãi, bực bội … có thể làm giảm lượng can-xi trong cơ thể và gây sâu
răng”. Ông kể rằng một bệnh nhân của ông đã có một hàm răng tuyệt vời, nhưng
rồi vợ của người đàn ông ấy đổ bệnh đột ngột và người chồng vô cùng lo lắng
trước bệnh tình của vợ. Trong 3 tuần người vợ nằm bệnh viện, người chồng đã có
thêm 9 chiếc răng sâu – 9 chiếc răng sâu vì lo lắng.
Bạn đã
bao giờ gặp một người có tuyến giáp phát triển quá mức chưa? Tôi đã từng gặp
những người như thế và có thể khẳng định rằng họ cứ thường xuyên run rẩy và
rùng mình như người sắp chết vậy – và quả là khả năng này hoàn toàn có thể xảy
ra. Đó là vì tuyến giáp, tuyến điều khiển hoạt động của cơ thể họ tiết ra quá
nhiều hoóc-mon. Nó làm tim đập nhanh hơn và khiến toàn bộ cơ thể nóng bừng lên
như môt lò lửa. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong vì
“sức nóng nội tạng”. Tôi có một người bạn bị mắc chứng này và đã có lần cùng
anh đến Philadelphia để xin ý kiến bác sĩ Israel Bram, một chuyên gia nổi tiếng
có 38 năm kinh nghiệm. Trong phòng chờ của bác sĩ Bram, tôi đã đọc thấy lời
khuyên ông cho sơn vào tấm gỗ lớn treo tường như sau:
THƯ GIÃN VÀ NGHỈ NGƠI
Cách tốt nhất để thư giãn và nghỉ ngơi là tìm đến:
Tôn giáo, giấc ngủ, âm nhạc và tiếng cười.
Tin vào Thượng đế - Học cách ngủ ngon giấc;
Yêu âm nhạc – Nhìn vào mặt tích cực của cuộc sống
Khi đó, bạn sẽ có sức khỏe và hạnh phúc.
Khi bạn
tôi vào khám bệnh, câu đầu tiên ông hỏi anh ấy là: “Anh lo lắng điều gì mà đến
nông nổi này?”. Rồi ông cảnh báo rằng nếu không chịu gạt bỏ lo lắng thì anh ấy
còn có thể gặp thêm nhiều rắc rối nữa về tim mạch, loét dạ dày, đái tháo đường
…. Vị bác sĩ tài giỏi này đã nói: “Tất cả những chứng bệnh này đều có họ hàng
với nhau, chúng là anh em rất gần của nhau”.
Ngôi sao
điện ảnh Merle Oberon cũng nói với tôi rằng cô luôn tránh lo âu vì cô biết nó
có thể hủy hoại thứ quý giá nhất của một nữ diễn viên. Cô kể lại:
“Khi bắt
đầu bước vào nghề diễn viên, tôi đã rất lo lắng và sợ hãi. Tôi mới từ Ấn Độ đến
và đang cố gắng tìm việc, nhưng lại không quen biết ai ở Luân Đôn. Tôi có gặp
một vài nhà sản xuất phim, nhưng không ai tuyển tôi; trong khi đó, số tiền ít
ỏi mang theo đã bắt đầu cạn. Suốt hai tuần, tôi chỉ sống bằng bánh quy và nước
lọc. Lúc ấy tôi không chỉ lo lắng mà còn bị đói nữa. Tôi tự nhủ: “Có thể mình
là một con ngốc. Có thể mình sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành diễn viên.
Suy cho cùng, mình chẳng có kinh nghiệm gì, mình chưa được đóng phim bao giờ.
Mình có gì đâu ngoài một vẻ ngoài tương đối ưu nhìn”.
Tôi đến
trước gương. Và khi nhìn vào đó, tôi nhận ra sự lo lắng đang tàn phá gương mặt
mình một cách ghê gớm! Tôi thấy những nếp nhăn lờ mờ xuất hiện. Tôi thấy biểu
hiện của âu lo. Thế là tôi quyết định: “Phải dừng lại ngay! Mình không được lo
lắng nữa. Lợi thế duy nhất hiện nay của mình là gương mặt, và lo lắng sẽ hủy
hoại nó”.
Rất ít
thứ có thể làm phai tàn nhan sắc phụ nữ nhanh như sự lo lắng. Nó khiến gương
mặt đanh lại, quai hàm bạnh ra và nếp nhăn lộ rõ. Nó tạo ra sắc mặt cau có
thường xuyên, làm tóc bạc và thậm chí còn gây rụng tóc trong một số trường hợp.
Nó cũng hủy hoại làn da và làm xuất hiện những mụn nhọt và mẩn đỏ.
Lo lắng
cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim. Ngày nay, bệnh tim là thủ phạm
gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Trong Thế chiến thứ hai, gần 1/3 triệu người Mỹ
đã chết trong chiến đấu. Đó là một con số rất lớn, nhưng so với số người chết
vì bệnh tim trong thời gian ấy thì nó còn ít hơn nhiều: hai triệu người đã bị
bệnh tim lấy đi sinh mạng – và một triệu trong số đó là do âu lo và sống dưới
áp lực căng thẳng. Đúng vậy, bệnh tim chính là một trong những lý do khiến bác
sĩ Alexis Carrel kết luận “Những người không biết chống lại lo âu thường chết
sớm”.
Còn
William James(10) thì cho rằng: Chúa có thể tha thứ cho
tội lỗi của chúng ta, nhưng hệ thần kinh thì không”.
Có thể
bạn sẽ kinh ngạc khi biết rằng số người Mỹ tự tử một năm nhiều hơn số người
chết vì năm căn bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất. Tại sao vậy? Phần lớn câu trả
lời là, vì “Lo lắng”.
Khi muốn
tra tấn tù nhân, các quan lại Trung Hoa tàn bạo ngày xưa thường cho trói tay
chân tù nhân rồi bắt ngồi dưới các túi nước treo trên cao. Từng giọt nước nhỏ
xuống …. từng giọt … từng giọt …. đều cả ngày lẫn đêm. Cách tra tấn này cũng
được sử dụng ở tòa án dị giáo Tây Ban Nha thời Trung cổ và trong các trại tập
trung ở Đức dưới thời Hitler.
Lo lắng
cũng giống những giọt nước đều đều ấy, và từng giọt, từng giọt, từng giọt lo
lắng có thể khiến người ta phát điên và tự tử. Khi còn là một cậu bé sống ở vùng
nông thôn Missouri, tôi đã sợ chết khiếp khi nghe người lớn kể về ngọn lửa địa
ngục của thế giới bên kia. Nhưng dường như không ai biết về ngọn lửa của những
đớn đau thể xác cùng cực mà những người hay lo âu trong thế giới này đang phải
chịu đựng. Chẳng hạn, nếu bạn là người lo lắng kinh niên, một ngày nào đó bạn
sẽ phải đối diện với sự hành hạ khủng khiếp nhất mà nhân loại từng biết đến:
chứng đau thắt ngực.
Ban có
yêu quý cuộc sống này không? Bạn có muốn được sống lâu và khỏe mạnh không? Nếu
bạn trả lời có thì lời khuyên của bác sĩ Alexis Carrel có thể giúp bạn: “Những
ai giữ được tinh thần thư thái ngay giữa những xáo trộn của nhịp sống hiện đại
thì đều có khả năng miễn nhiễm trước các căn bệnh tinh thần”.
Liệu bạn
có giữ được tinh thần thư thái ngay giữa những xáo trộn của nhịp sống hiện đại?
Nếu bạn là một người khỏe mạnh bình thường, câu trả lời là: “Có”. Chắc chắn là
như vậy, bởi hầu hết chúng ta đều mạnh mẽ hơn mình tưởng. Chúng ta có những nội
lực tiềm ẩn mà bản thân ta cũng chưa hiểu hết. Như Thoreau đã nói trong tác
phẩm Walden bất hủ của ông: “Tôi chưa từng biết đến một điều nào đáng phấn
khích hơn khả năng không thể phủ nhận của con người trong việc nâng cao cuộc
sống bằng những nỗ lực có ý thức … Nếu một người tự tin theo đuổi ước mơ của
mình và nỗ lực sống theo cách mà mình mong muốn, người đó sẽ đạt được thành
công bất ngờ vào những thời điểm tưởng chừng như không thể”.
Chắc chắn
rất nhiều độc giả của quyển sách này cũng có ý chí và nội lực mạnh mẽ như Olga
K. Jarvry sống tại Coeur D’ Alene, Idaho. Cô đã nhận ra mình có thể xua tan nỗi
lo lắng, ngay cả trong hoàn cảnh bi thảm nhất. Tôi tin chắc rằng cả bạn và tôi
cũng có thể làm được điều ấy – nếu chúng ta áp dụng những chân lý xưa, rất cổ
xưa được viết trong quyển sách này. Đây là câu chuyện Olga K. Jarvey đã viết
cho tôi:
“Cách đây
8 năm rưỡi, tôi chẳng khác nào bị kết án tử hình bằng một cái chết từ từ, đau
đớn vì căn bệnh ung thư. Các bác sĩ giỏi nhất nước Mayo Clinic đã xác nhận bản
án ấy. Tôi đã ở phía cuối con đường, thần chết đã tóm được tôi! Nhưng tôi còn
quá trẻ, tôi không muốn chết! Trong cơn tuyệt vọng, tôi gọi điện cho bác sĩ của
mình ở Kellogg. Ông đã nóng nảy cắt lời tôi và trách mắng: “Chuyện gì vậy,
Olga, cháu không có một chút ý chí chiến đấu nào sao? Chắc chắn rồi, cháu sẽ chết
nếu cứ tiếp tục khóc lóc thế này. Đúng là cháu đã gặp phải điều rất tồi tệ.
Được thôi – nhưng hãy đối mặt với thực tế! Quẳng hết lo lắng đi! Và hãy làm
điều gì đó để cải thiện tình hình!”. ***
Những lời
nhắc nhở ấy mở ra cho tôi một con đường và ngay lúc ấy, tôi đã có một lời thề,
một lời thề ngấm vào máu thịt rằng: “Tôi sẽ không lo lắng nữa! Tôi
sẽ không khóc nữa! Và dù bất cứ điều gì xảy ra, tôi sẽ chiến thắng. Tôi sẽ
SỐNG”.
Hồi ấy,
thời lượng trị xạ phổ biến trong trường hợp nguy kịch như thế là 10 phút rưỡi
mỗi ngày và phải làm trong 30 ngày liên tiếp. Người ra điều trị cho tôi 14 phút
rưỡi mỗi ngày trong 49 ngày; và mặc dù thân hình của tôi gầy mòn chỉ còn da bọc
xương; dù chân tôi nặng như chì, tôi vẫn không lo lắng! Tôi không khóc một lần
nào nữa! Tôi mỉm cười! Đúng vậy, thực sự là tôi ép mình phải mỉm cười.
Tôi không
ngây thơ đến mức nghĩ rằng chỉ cần mỉm cười là có thể chữa lành ung thư. Nhưng
tôi tin rằng một trạng thái tinh thần vui vẻ sẽ giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Dù sao, tôi đã được trải nghiệm một trong những cuộc trị liệu ung thư thần kỳ.
Tôi chưa bao giờ thấy khỏe mạnh như trong mấy năm gần đây, tất cả là nhờ lời
khuyên tràn đầy ý chí đấu tranh: “Hãy đối mặt với thực tế: Quẳng
hết lo lắng đi, và làm điều gì đó để cải thiện tình hình!”.
Tôi muốn kết thúc chương này bằng cách nhắc lại lời của bác sĩ
Alexis Carrel: “Những người không biết chống lại lo âu sẽ chết sớm”.
Các tín
đồ của nhà tiên tri Mohammed thường xăm lên ngực mình những lời dạy trong kinh
Koran. Tôi cũng muốn nội dung chính của chương sách này được khắc sâu trong tâm
khảm mỗi bạn đọc.
“Những ai không biết chống lại lo âu sẽ là người chết sớm!”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét