Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Bản mệnh thơ Bùi Giáng

Bản mệnh thơ Bùi Giáng
Bùi Giáng thi sĩ là hiện tượng lạ của nền thơ Việt Nam hậu bán thế kỷ XX bởi sự tích hợp nghệ thuật kỳ bí song hành với cuộc đời kỳ dị, được công chúng yêu thơ mến mộ, truyền tụng và thêu dệt như những giai thoại, đến một ngưỡng nào đó, được xem như huyền thoại. Gồm hơn 60 tác phẩm hiện tồn, Bùi Giáng đã để lại cho đời một di sản văn chương đồ sộ, đa dạng và mang phẩm tính triết thuật cao diệu, cả trong thơ, khảo cứu và dịch thuật. Từ cuộc đời đến trang sách, thơ Bùi Giáng luôn là nghệ thuật phản quang, là âm bản của tình cảm, tư tưởng, triết mỹ của chính ông trong từng chặng hành trình cuộc sống, làm thành bản mệnh đời - Bản mệnh thơ Bùi Giáng.
Nghiên cứu về thơ Bùi Giáng, ngày càng có nhiều công trình công phu và thành tựu ra mắt bạn đọc. Nhưng với một cuộc đời đa dạng và một tài năng thơ đa diện và đa chất như ông, thì không phải mọi kết luận đều đã thống nhất và bình ổn. Vì vậy, sự vẫy gọi từ thế giới thi ca của Bùi Giáng vẫn là khả tính cho những ai quan tâm và muốn đi tìm bản thể cuộc đời và bản mệnh nghệ thuật của thi sĩ tài năng dị biệt này, đúng như nhà văn Sơn Nam đã tâm sự: "Viết đôi lời về Bùi Giáng không bằng đọc về Bùi Giáng. Đọc Bùi Giáng không bằng giao du với Bùi Giáng. Giao du với Bùi Giáng không bằng sống như Bùi Giáng. Mà sống như Bùi Giáng thật vui mà thật khó vậy. Ông thuộc vào loại thiên tài không định nghĩa được, là một bí ẩn toàn diện trong cái vùn vụt, cái bất tuyệt thao thao, cái nửa không nửa có nửa hư nửa thực" (2, tr.166). Trong bài viết ngắn này, tôi muốn đề cập đến một phương diện trong chỉnh thể Đời và Thơ của ông mà tôi tạm gọi là bản mệnh thơ Bùi Giáng.
Những nghịch lý trong sáng tạo nghệ thuật của Bùi Giáng đã làm thành tổng hòa của sự hội tụ chứ không phải là sự phân hóa thi pháp thơ. Nhưng cũng vì vậy mà trong cái bông đùa, cà rỡn có sự thăng hoa của đau xót miên trường; trong cái hồn nhiên có sự uyên uẩn, nhức nhối của trí tuệ; trong điên loạn, cuồng say có sự mộng mơ và mê đắm của cõi tình. Tất cả những nghịch lý trên chính là tâm thức hiện sinh của Bùi Giáng trên từng chặng hành trình sống và hành trình thơ. Tìm hiểu bản mệnh thơ Bùi Giáng, theo tôi, phải tính đến sự cộng hưởng thi pháp rất riêng này của ông.
1. Từ quan niệm văn chương của Bùi Giáng
Là nhà thơ và là nhà tư tưởng uyên bác, Bùi Giáng đã xuất phát từ quan niệm nào cho tư duy nghệ thuật của mình? Bằng những trang dịch, trang thơ và những tuyên ngôn giàu tính hình tượng, ta thấy Bùi Giáng luôn có ý hướng tính phóng thể văn chương rất rõ. Ông nói: "Thơ tôi làm chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức... Tôi gạ gẫm với châu chấu chuồn chuồn, đem phó thác thảm họa trần gian cho chuồn chuồn mang trên hai cánh mỏng bay đi... Tôi ra bờ sông nằm ngủ, khóc một mình giữa thơ dại chiêm bao. Trong chiêm bao, thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao” (1, tr.33). Thế giởi thơ ông chính là triển khai một cách hình tượng cho quan niệm trên. Có lúc, ông nói "thơ là cõi phiêu bồng" thì cũng là kết tinh của chiêm bao lãng đãng đó mà thôi. Thơ là hàm ngôn, nhưng có lúc lại vô ngôn, nhưng là vô ngôn của sự bừng ngộ về tư tưởng nhân sinh như Bùi Giáng luận lý: "Cái nói của tư tưởng chỉ đạt tới chỗ bình hoa thanh tịnh thuần thanh và tìm thấy lại tinh thể của mình là chính lúc nó không nói được điều gì, nó phải tồn tại trong vô ngôn, một sự vô năng như thế sẽ nhiếp dẫn tư tưởng tới tiền diện sự thế, sự vật từ như" (6,  tr.36). Vậy, Bùi Giáng, dù có tuyên ngôn đa dạng và đa niệm thế nào đi nữa, thì theo ông, thơ là cõi huyền nhiệm, kỳ bí đến bát ngát, mênh mông của tâm tưởng và tư tưởng mà chỉ có loài thi sĩ mới đạt đến và đem thông điệp cho người đời cùng ngẫm nghĩ. Trong cõi vô thức và tiềm thức đem trộn với ý thức để cho ngôn từ chảy tràn ra thành những siêu thăng của cảm xúc và tâm trạng thì khi đó, thơ sẽ tiền diện được với tại - thể - người như M. Heidegger đã triết lý. Đó chính là quan niệm thi ca cốt lõi của Bùi Giáng mà thơ ông là minh định cho triết – mỹ rất riêng ấy của ông. Thơ Bùi Giáng siêu thăng mà gần gũi, hòa nhập với hiện thể thiên nhiên và cuộc sống biết bao! Người đọc cũng phái xuất phát từ cõi vô thức, tiềm thức ấy và nhập vào thế giới ấy để đối thoại, tự thoại thì mới mong hiểu và đồng cảm với thơ ông. Nhưng điều ấy không phải dễ dàng đối với mọi chủ thể tiếp nhận, vì thơ ông quá ư đa dạng và đa ngôn, luôn biến ảo, "khả giải bất khả giải". Ông nói: "Đi vào cõi thơ. Thế nghĩa là? Có một cõi và một cuộc đi, cuộc đi có nhiều thế thái. Có thể theo lối chu du của ông Khổng Tử. Có thể đi theo lối ngồi yên không rục rịch suốt bao diên trường tuế nguyệt dưới một gốc cây bồ đề theo lối Như Lai. Cũng có thể đi theo lối anh lùa bò vào đồi sim trái chín. Đi như vậy dù sao thì dù, cũng là trong ý hướng mở cõi ra chơi. Không ai buộc ai phải theo ý của riêng độc đoán của ai... Đó là điều kiện cần và đủ, không buộc ai phải đi qua miên bạc bình sinh" (2, tr.482). Quan niệm về tiếp nhận văn học như trên của Bùi Giáng rất gần với Mỹ học tiếp nhận hiện đại phương Tây, trong đó có Tường giải học văn học Thông diễn học văn học mà nhất định Bùi Giáng có quán triệt từ vốn đọc qua vốn ngoại ngữ của mình. Mối quan hệ bộ ba: Tác giả - Tác phẩm - Người đọc theo quan niệm của Bùi Giáng đã mở ra những chân trời vẫy gọi cho liên chủ thể tiếp nhận để đồng sáng tạo, làm đầy nghĩa cho tác phẩm, theo từng cách đọc, từng "tầm đón đợi" của mỗi cá nhân.
Từ những quan niệm văn chương như trên, cộng vào quan niệm về nhà thơ của ông, có thể thấy rằng Bùi Giáng là một thi sĩ biệt tài quá ngưỡng và có ý thức nghệ thuật độc đáo, không xa lạ với kim - cổ - Đông - Tây, nhưng cũng không giống ai về lập ngôn, lập tượng và lập thức, khi ông muốn suốt đời tận hiến cho thơ: "Có bạn ngớ ngẩn tưởng rằng thi sĩ ngớ ngẩn. Quả là thi sĩ có ngớ ngẩn nhưng ngớ ngẩn với lá cỏ lá cây, lá lau lá lách cũng như sẵn sàng tích hạp ẩn tàng phơi mở với la de, rượu đế, tàu bay, tàu lặn, tàu ngầm. Nghĩa là nó ngơ ngẩn chan hòa trên mặt đất - và nó ghì thân ở lại vô thường để chị chơi gay cấn hơn là đáo bỉ ngạn (bà là mật kim cương) – và cũng chính vì thế nó thể hội viên dung ba la mật hơn mấy ông trụ trì thượng tọa nữa là khác. Nó chỉ chìm đắm trầm luân mới thể nghiệm sao gọi là chơi vơi, phiêu nhiên giải thoát" (3, tr.23). Như vây, thi sĩ không phải là người điên bệnh lý mà là người biệt nhãn và nhạy cảm mỹ học và tư tưởng với chung quanh hơn người thường rất nhiều. Và chính điều này đã giúp thi sĩ vươn đến sự phóng thể thi ca một cách nghệ thuật. Bùi Giáng là người tận hiến cho thơ đến cùng hiểu theo nghĩa đó. Thơ ông là "tinh hoa phát tiết" từ những trạng thái tình cảm tự nhiên của mình, không bắt chước và không giống ai. Nó là nguyên mộng, nguyên xuân, tức là cái đẹp nguyên sơ không toan tính gì khác ngoài ước nguyền phụng hiến. Muốn tìm về nguyên xuân, thơ phải nói "lời cố quận". Ông học và tự thể hiện cách viết "tự động tâm linh". Những mộng mơ, chiêm cảm, ảo giác là kết quả của chiêm bao và biến thành ngôn ngữ: "Đi về với gió phù du – Mở trang mộng mị cho mù sa bay".Thơ ông vì vậy, tuôn trào tự do theo dòng cảm xúc, không tuân thủ ngữ pháp, nó là ý thức nhưng cũng là vô thức mà kết quả là ông có được những câu thơ hay, bài thơ hay.
                             Ta gọi chiêm bao về mộng mị
                             Chắp ân tình cho nghĩa rộng tinh sương
                             Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
                             Người có nghe tang hải réo vô thường?
Thơ Bùi Giáng là sự hóa giải, hòa kết giữa những trạng thái hoặc tính chất tương hỗ và đối lập nhau để tạo ra sự tích hợp kỳ lạ của hình tượng và ngôn ngữ. Ví như bài thơ Bây giờ: "Bằng bút chì đen – Tôi chép bài thơ – Trên tường vôi trắng – Bằng bút chì trắng – Tôi chép bài thơ – Trên lá lục hồng – Bằng cục than hồng – Tôi đốt bài thơ – Từng giờ từng phút – Tôi cười tôi khóc bâng quơ – Người nghe cười khóc có ngờ chi không?".
Thơ Bùi Giáng mang tâm thức hiện sinh rất rõ, bởi ông là người hiểu và dịch triết hiện sinh phương Tây sang tiếng Việt theo kiểu tư tưởng – triết thi. Những  nghi vấn và hoài nghi có tính bản thể người luôn hiện diện trong thơ Bùi Giáng, kiểu như: "Em từ vô tận xa xăm - Trùng lai chất vấn: từ trăm năm nào?".Thực và mộng đan xen, làm cho cấu trúc thơ trở nên linh diệu và mơ màng. Vì vậy, có người cho rằng hiện thực trong thơ Bùi Giáng là hiện thực của "diệu tưởng" và "nghi tâm" là thế. Tư tưởng hiện đại trong thơ Bùi Giáng pha hợp nhiều nguồn, có định mệnh của Phật giáo, có Thiền, có hiện sinh, có phân tâm học, có tượng trưng, siêu thực... qua hệ thống ngôn ngữ cũng biến ảo, huyễn hoặc, tạo thành thể tính thi ca, bản mệnh thi ca rất riêng của Bùi Giáng.
Và một quan niệm có ảnh hưởng rất rõ trong thơ Bùi Giáng, đó là khi ông xem thân phận con người nằm trong "tinh thể Đười Ươi". Vì vậy mà ông phát hiện ra Phật tính trong hình hài Đười Ươi của Người – của chính tôi. Nên ông có bút danh Đười Ươi thi sĩ là vậy.
                             Thoạt rằng người cũng là tôi
                             Hay là tôi cũng là tôi như người
                             Ấy rằng tinh thể đười ươi
                             Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
                             Ấy rằng một cũng là ba
                             Là hai mai một mốt là hôm nay
Thơ Bùi Giáng dìu con người vào "cõi phiêu bồng" có hoa thơm, mật ngọt nhưng cũng ba đào, cay đắng, nhưng cao hơn tất cả, đó là lòng nhân ái, bao dung, phụng hiến cho đời, cho thơ trong một thế giới thái hòa, an lạc.
                         Còn ở lại một ngày còn yêu mãi
        Còn một đêm còn thở với trăng sao
Thì cánh mộng còn tung lên không ngại
Níu trời xanh tay với kiễng chân cao
Với những quan niệm thơ như thế, Bùi Giáng đã đi trọn hành trình đau thương và hạnh phúc để còn đây những mật ngọt thi ca phụng hiến cho đời, "dìu ba đào" về những chân trời khát vọng thi ca – không phải chỉ cho mình mà còn cho tha nhân cõi thế.
2. Đến tư duy nghệ thuật thơ Bùi Giáng
Quan niệm thơ và hành trình sáng tạo luôn tác động, hỗ tương và làm thành thi pháp cá nhân của thi sĩ, có ổn định, lặp lại nhưng cũng có biến đổi, cách tân. Thế giới nghệ thuật thơ Bùi Giáng chính là sự vận động và phát triển như thế. Bao gồm 15 tập thơ được xuất bản, từ Mưa nguồn (1962) đến Trúc mai(2008), Bùi Giáng đã đi trọn hành trình đời và hành trình thơ đau thương, bất hạnh nhưng cũng đầy vinh quang, hạnh phúc, làm thành bản mệnh đời và bản mệnh thơ của riêng ông.
Cái tôi trữ tình ngôi thứ nhất là tác giả luôn hiện hữu trong thơ, làm thành điểm nhìn nghệ thuật đa dạng trong thơ Bùi Giáng. Trước hết, là cái tôi trải lòng giao hòa với thiên nhiên, cuộc sống mà ông cho là nó có liên quan với khởi nguyên, cõi tĩnh mật ban đầu. Nó là cõi vô biên nhưng gần gũi với con người mà thi sĩ coi đó là ngôi nhà tâm hồn vĩnh cửu của mình.
                             Mây đứng lại chân trời phủ khói
                             Giòng sông đi đò bến đợi ngu ngơ
                             Chiều trời đẹp tâm tình em không nói
                             Đất với trời chung một nghĩa bơ vơ
Khi con người bất lực và buồn chán thì thiên nhiên là nguồn an ủi. Mưa nguồn – tên tập thơ đầu tiên có một ý nghĩa mưa móc suối nguồnchảy vào tâm hồn mát ngọt hương yêu của chính người thơ để thành thi cảm và thi tứ chăng? Ở đấy, thiên nhiên với con người có sự giao hòa kỳ diệu giữa hiện tại, qúa khứ và tương lai.
                             Gió trăng sông núi đợi ta
                             Chờ sương nhị nguyệt màu hoa dâng mùa
                             Một mình vào núi đợi mưa
                             Đợi nghe chớp biển xế trưa mưa nguồn
Thiên nhiên luôn rộng mở, bao la không bờ bến để con người ngao du từ sơn thủy diện tiền đến chân trời xa ngút ngát.
                             Mưa có tạnh nhưng chân trời còn mãi       
                             Những giọt sương là lệ ở trong mây
                             Dòng sông đi cho nước nói ngàn ngày      
                             Rằng biển rộng không bến bờ em ạ!
Con người chan hòa cùng hoa lá, chim muông trong vườn thắm xanh tươi sự sống. Nhờ vậy mà con người đỡ bất lực trức chính mình. Một cảm thức hiện sinh mới lại bắt đầu.
       Chạy đi em, qua vườn thắm theo ngày
Cùng với phút giây này phơi mở lá
  Em ngó nhé cành xanh cây giục giã
     Hoa nghiêng đầu ríu rít cạnh chim kêu
Thiên nhiên gắn bó sâu nặng với con người như hành trang từ nguồn đến đích để "Mai sau còn dự hội nào – Ngó nhau từ kỷ niệm đầu bão giông". Tận cùng ngây ngất của tình yêu hoa cỏ là một tự nguyện chan hòa, chia sẻ: "Anh nằm xuống để nhìn lên cho thỏa – Anh thấy lòng mở rộng đón trời xa – Chìm ngây ngất vào trong đôi mắt lá – Anh lim dim cho chết lịm hồn mình". Ở đó, thi sĩ đã lùa bò vào đồi sim trái chín để được như Tô Vũ ngày xưa hòa mình vào thiên nhiên hoang dại mà tận hưởng suối nguồn cuộc sống.
                             Và giờ đây một lời thề đã thốt
                             Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta
                             Cao lời ca bê hê em cùng thốt
                             Hòa cùng lời anh nghẹn nỗi thiết tha
Có một hình tượng lặp đi lặp lại trong thơ Bùi Giáng, đó là "cố quận", nơi ông sinh ra và lớn lên, nơi ông có những rung cảm đầu đời trong chia biệt mù sương: "Lên mù sương xuống mù sương – Bước xa bờ cỏ xa đường thương yêu – Tuổi thơ em có buồn nhiều –Thì xin cứ để bóng chiều bay qua – Bể dâu sực tỉnh giang hà – Con sơ nguyên mộng sau tà áo xanh".Vì vậy mà cố hương không bao giờ xao nhãng trong tâm hồn thi sĩ, ngay cả trong chiêm bao, mộng mị.
                             Ngày về tôi sẽ nhận ra
                             Em là cố quận tôi là tha hương
                             Tôi tìm kiếm khắp nẻo đường
                             Đường quanh lối thẳng dặm trường chiêm bao
Bùi Giáng có cảm thức giống như Xuân Diệu, ông chọn mùa xuân làm nguyên khởi cho thời gian, cho bí ẩn tinh khôi của cõi lòng mà ông gọi là Nguyên xuân, Nguyên mộng. Trong Mưa nguồn, Bùi Giáng hướng nguồn thơ của mình vào những gì tin yêu, tươi đẹp và rạo rực nhất, nên mùa xuân tràn ngập trong thơ cũng là logic của tình cảm dẫn đến thi ca vậy: "Mùa xuân, mùa xuân hiển hiện, lung linh ánh sáng, long lanh thanh sắc – Trong niềm hoan lạc của đất trời, vì tin ở sự tuần hoàn miên viễn, như tin vào một cánh én: Én đầu xuân tuyết đầu đông – Rừng cô tịch ngóng nội đồng trổ hoa".
Bài thơ Nắng nguyên đán sáng tác sau này chính là sự níu kéo tâm thức non tươi, khát vọng ấy như một cố gắng đi tìm lại thời gian hiện sinh đã mất của chủ thể lẫn khách thể.
                             Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
                             Về chân đất dưới chân em mọc cỏ
                             Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ
                             Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm
                             Chạy đi em! sương gió nắng thênh thang
                             Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
                             Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ
                             Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man
                             Nắng xuân xanh mở cỏ mọc hai hàng
                             Và riêng mở duy Một Hàng Ẩn Mật
                             Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất
                             Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang
                             Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng.
Và ít nhất trong tâm tưởng của Bùi Giáng, mùa xuân sẽ tuần hoàn trong đam luyến với những gì còn lại để tin yêu và hoài vọng: "Mùa xuân hẹn Thu về em trở lại – Ta nhìn nhau trong bóng nước mơ màng – Nước chảy mãi bởi vì xuân trở lại – Với dòng trong em hẹn ở bên đường". Dẫu điệp khúc ái ân, có lúc làm cho thi nhân nghi hoặc sự chia lìa, nhòa nhạt trong thực tại, thì thơ chính là nơi lưu giữ nguồn xanh yêu bất tuyệt, hoang vu chất ngất non hồng.
                             Mùa xuân hẹn Thu về em trở lại
                             Bên đời đi còn giữ mãi hay không
                             Giọng bất tuyệt xanh ngần xuân thơ dại
                             Sầu hoang vu vĩnh hạ vọng non hồng.
Nhưng có một thực tế, Bùi Giáng là người tha hương, sầu xứ đến ám ảnh. Ông mong ngày trở lại "cố quận", nhưng sao cứ tăm cá mịt mùng. Những giấc mơ vô thức không làm ông thỏa mãn nỗi nhớ mong ngày trùng phùng dâu bể: "Thời gian gội trắng một đời - Trông về quê cũ bạt ngàn mây tuôn". Trong ông, những địa danh thân yêu Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Vĩnh Trinh, Lệ Trạch, Lai Châu, Thì Lai, Hà Mật...vẫn nguyên trong ký ức mây mù gần nửa thế kỷ ly hương.
                             Non nửa thế kỷ xa quê
                             Mà chưa có dịp về quê một lần
                             Bảy mươi mốt tuổi tần ngần
                             Nước non Nam Việt chiếm gần trọn tim
                             Về Trung biết chốn nào tìm
                             Lại ngôi nhà cũ láng giềng đã qua?
                             Giật mình lúc chợt nghĩ ra
                             Rằng toàn thân thuộc đã qua đời rồi.
Bài thơ Tâm sự, như tên gọi của nó rất chân thành mà sao đau đáu miên man về kiếp người tại thế của thi nhân. Hình như nước mắt cũng đã cạn cùng những giọt khóc thầm, cả cho những ngày thơ dại.
                             Xuân xanh về khóc giữa dòng
                             Tuổi già quá cỡ, tấm lòng quá vui
                             Chần chờ tôi bước thụt lùi
                             Tới bao giờ gặp lại thằng tuổi thơ?
Vậy là từ một nhà thơ tự nguyện yêu trần gian hết mực, ông dùng thơ để ghi lại cuộc đời mình, cùng chuồn chuồn, châu chấu lên "đồi sim trái chín" để reo vui, bỗng chốc, ông lại rơi vào đô hội lang thang trên khắp nẻo đường, có lúc đớn đau, điên loạn "ngậm ngùi dấn thân", lạc loài cùng đỏ xanh vàng tím:"Đường quanh ngõ quẹo lang thang – Niềm vui tao ngộ muôn vàn lạ thay – Trái tim mỗi mới mỗi ngày – Mỗi giờ phút động mây trời rung rinh". Thơ, với ông là cứu cánh, là phép thắng lợi tinh thần để cứu rỗi, đê "ngậm ngùi dấn thân": "Rong chơi râu tóc bạc phơ – Còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người". Nhưng rồi ông cũng nhận ra hiện sinh đời mình là bi đát: "Ta cư ngỡ đùa vui trong chốc lát – Nào ngờ đâu đùa mãi đến điêu linh". Cho nên một tâm lý "vô thường" xuất hiện, ngay cả quê hương và danh tánh của mình, ông cũng "đùa như thật".
                             Hỏi tên rằng biển xanh dâu
                             Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa
                             Gọi tên? Rằng một hai ba
                             Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm
Có khi ông thấy cả thiên hà hỗn mang trong những giấc chiêm bao bơ vơ nơi đất khách, quê người.
                             Hỗn mang về giữa thiên hà
                             Bây giờ cố quận tên là chiêm bao
Đo đếm gì thì cũng không qua được số mệnh đời người. Chỉ còn cách là dấn thân để đi hết hành trình cuộc sống. Và đầu phía bên kia là cõi nghìn thu mà ai cũng ghé lại để yên nghỉ vĩnh hằng: "Rồi tôi cũng phải xa tôi – Đời tài hoa cũng xa xôi ven bờ". Đó phải chăng là kết quả cuối cùng của "diệu tưởng" và "nghi tâm?"
                             Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
                             Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
                             Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
                             Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
Và những câu thơ định mệnh của ông đã tiên đoán chính xác cho bản mệnh đời và bản mệnh thơ của ông.
- Thưa rằng ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân
- Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn
Vậy mà đâu đây vẫn còn vang vọng sự hóa giải gần như kỳ diệu những buồn vui, ân nghĩa quanh đời hay cứu tính hiện sinh cho mỗi kiếp đời cũng thế: Sự sống và cái chết đều sóng đôi. Hai câu thơ như chân lý bất biến.
                             Xin chào nhau giữa con đường
                             Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
Hình tượng nổi bật khác trong thơ Bùi Giáng là người gái nhân gian, biểu hiện thành người tình cụ thể hay người tình trong mộng cũng thế. Ông đã yêu chân thành, mê đắm và cuồng si đến thân xác bơ phờ, đơn phương, tuyệt vọng. Từ người tình thứ nhất thuở hoa niên không thành đã thành chấn thương tình ái trong ông.
                             Em ở lại với đời ta em nhé
                             Em đừng đi. Cho ta nắm tay em
                             Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
                             Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm
Nhưng rồi cả tâm tướng và thi ca không đủ níu kéo tình yêu, đành lặng nghe mùa thu rớt hột tạ từ. Tình đơn phương cũng thành ảo ảnh.
                             Rồi từ đó về sau mang trái đắng
                             Bàng hoàng đi theo gió thổi thu bay
                             Anh chờ em không biết tự bao ngày
                             Để thấy mãi rằng thơ không đủ gọi.
Trong thực tế bi thương khi người vợ trẻ yêu quý của ông đã ra đi vĩnh viễn thì tình yêu về sau của ông cũng thành định mệnh chăng: "Mỗi giây phút mỗi bất ngờ - Mỗi đêm tưởng tượng thẹn thò cùng em – Tình em bao xiết êm đềm – Tình tôi như thể chênh vênh lạ thường". Trong đời ông, có nhiều bóng hồng xuất hiện, mỗi người một trạng thái và cung bậc tình ái khác nhau, nhưng rồi cuối cùng cũng trở thành ảo ảnh mù xa, để ông phải than lên: "Tặng đời đóa đóa hoa sầu – Nhớ nhau từ đóa mộng đầu rã đôi".
                             Lời là muộn của muộn màng sông bể
                             Tình là yêu vô lệ tưởng tới nhau
                             Em hãy nhớ rằng xưa kia có kẻ
             Đã yêu em và suốt kiếp mang sầu
Nhưng tại sao Bùi Giáng lại chọn cho mình sự trái ngang trong tình yêu? Có lẽ đó là tự nguyện của ông chăng? Thú đau thương trong ly biệt nhiều khi là động lực để ông làm thơ và ngất ngây trong men rượu. Những người phụ nữ có liên quan đến thơ và đời ông như Mẫu Thân Phùng Khánh, tức mẹ Trí Hải Ni Cô, Nam Phương hoàng hậu, Kim Cương kỳ nữ, Nường Monroe, Gái Xiêm La, Hà Thanh ca sĩ, Gái Tô Châu, các em Châu Phi da đen, Đạm Tiên, Thúy Vân, Thúy Kiều, bé con Bình Thạnh, các chị miệt vườn Nam Bộ... Thật có, tưởng tượng, hư cấu có. Ai ông cũng có thơ viết về họ chân thành và xúc động. Phải nói là Bùi Giáng đa mang và đa cảm.
Với mẹ Trí Hải Ni Cô, thánh thiện và thanh tịnh mà ông gọi là Mẫu Thân Phùng Khánh.
                             Mẹ về đứng giữa đầu sân
                             Cuối cùng Mẹ bước vô ngần Mẹ đi
Ông còn giải thích: " Phùng Khánh vốn là bà mẹ Việt Nam. Tôi lại là con dân Việt Nam. Vậy tất nhiên Phùng Khánh là mẹ của tôi vậy...Phùng Khánh là bà mẹ của loài người" (Thơ vô tận vui, tr.454): "Con về giũ áo đười ươi - Nực cười Trí Hải ngậm ngùi mẫu thân - Đẻ con một trận vô ngần - Mẹ còn đẻ nữa một lần nữa thôi - Mẫu thân Phùng Khánh tuyệt vời - Chiều xuân thơ mộng dưới trời bước đi".
Với người con gái Long Xuyên, ông nâng lên thành thục nữ, thuyền quyên khó bao giờ gặp lại.
                             Ôi người thục nữ Long Xuyên
                             Tìm đâu thấy lại thuyền quyên một lần
Với Kim Cương kỳ nữ, Bùi Giáng tôn lên ngôi công chúa. Còn mình là vua đang "vô tận ven đường" đang lang thang định nghĩa tình yêu.
                             Kính thưa công chúa Kim Cương
                             Trẫm từ vô tận ven đường ngồi đây
                             Tờ thư rất mực móng dày
                             Làm sao định nghĩa đêm ngày yêu nhau?
Đặc biệt, xuất hiện nhiều lần trong thơ Bùi Giáng là hình ảnh Em Mọi sơn nữ, có khi ông gọi Em Mọi nhỏ, hoặc Gái Núi mà ông đã gặp trong thời kháng chiến ở miền rừng lúc ông còn trẻ. Hình ảnh cô sơn nữ ấy ám ảnh ông mà có lần ông kể "tưởng chừng mình đang lạc vào suối Đào Nguyên" mà Đặng Tiến cho rằng đó là "một ẩn dụ hữu cơ trong thơ Bùi Giáng và có khả năng cấu trúc thi hứng như một hình ảnh Đầu Nguồn, một sử lịch sơ khai, một suối Xuân diễm tuyệt...Gái Núi là một khai thị, khai tâm, khai tứ, khai từ" (7, tr.431-432).
                 Em từ Mọi Nhỏ thanh tân
 Mười hai con mắt thiên thần mở ra
Rồi ông lại xác quyết.
                             Mọi là Em, Mọi Sơ Xuân
                             Ban sơ núi đỏ chào mừng non xanh
Đó cũng là một ý kiến đáng chú ý, vì qua thơ, ta nhận ra điều ấy. Hình ảnh người em sơn nữ đã đánh thức trong tình cảm Bùi Giáng những rung cảm đẹp và nên thơ, để ông mãi gọi "Em là em mọi – Em ở đâu rồi" tưởng còn âm vang rừng núi.
                   Em ở trong rừng một buổi xưa
                   Ngẫu nhiên tao ngộ gió sang mùa
                   Hai bờ lãnh địa đâu lòng gọi
                   Sầu suốt giang sơn vọng tiếng thừa
                   (...)
Rừng xanh nắng biếc em cười nói
Một thoáng bình sinh giữa bốn trời
Có khi ông nhìn Em Mọi hóa thành Kim Cương.
                             Anh kêu gọi khắp sơn hà
                             Em là Em Mọi em là Tương Lai
                             Em là Tiên Nữ Ngày Mai
                             Em thành Thánh Nữ Thiên Tài Kim Cương
Nhưng rồi cuối cùng, với lòng tôn thờ thánh thiện những người mình yêu quý, ông nâng tình yêu lý tưởng ấy lên thành "đóa sầu" để được buốt nhớ: "Từ phen đá biết tuổi vàng – Một lời vâng tạc muôn vàn mai sau – Ăn làm sao,? Nói làm sao?- Thủy chung muôn một? Còn đau đớn nghìn? Bùi Giáng đã thực sự yêu và đau khổ, yêu và giàu có trong ly tan, tàn tạ. Và giàu có hơn ngàn làn, đó là những bài thơ tình yêu tuyệt mù ông để lại cho nhân gian.
                             Uống xong ly rượu cuối cùng
                             Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên
                             Uống như uống nước ngọc tuyền
                             Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau        
                             Uống xong ly rượu cùng nhau
                             Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
                             Em còn ở lại vui chơi
                             Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
                             Riêng anh về suốt suối vàng
                            Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Đà.    
Vậy là vĩnh biệt nhưng không vĩnh biệt vì ông đã mang khát vọng bơi ngược dòng sông thời gian để được sống trong thế giới "miên trường phía sau" của những gì không nhòa nhạt – dù đó là tình yêu "tại thể bơ vơ".
Bùi Giáng luôn luôn là những nghịch lý- nhiều lần nghịch lý. Nghịch lý giữa thể xác và tâm hồn, giữa điên và tỉnh, giữa cuộc sống và khát vọng thi ca, giữa hy vọng và thất vọng, giữa tình yêu và vỡ mộng, giữa vui bất tuyệt và cô đơn ngất mù. Tất cả những nghịch lý ấy sẽ gặp nhau, tạo thành những mảnh vỡ thi ca sáng trong như ngọc và xa xót như hồn và máu đang vơi. Đấy là phân hóa trong nhất thể hiện sinh Bùi Giáng.
                             Bỏ trăng gió lại cho đời
                             Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
                             Bỏ người yêu bỏ bóng ma
                             Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
                             Bây giờ riêng đối diện tôi
                             Còn hai con mắt khóc người một con
Bùi Giáng là người mang số phận lưu đày – lưu đày trong cuộc sống và trong thi ca của chính mình, bởi một phần ông chịu ảnh hưởng tư tưởng bi đát, hoài nghi của chủ nghĩa hiện sinh, dù bản chất căn bản của ông là yêu đời, hồn nhiên và mơ mộng để rồi ông tự thú "Buồn vui như thể thân mình – Ai chia nửa máu, ai giành nửa xương". Và những nghi vấn liên tục xuất hiện cũng chính là những hoài nghi bản thể từ chính cuộc sống tại thế đặc thù của ông.
                             Ai người đau nữa để xẻ chia
                             Trời đất hoang mang buổi mộng lìa
                             Anh ngó, anh nhìn, anh cúi xuống
                             Ngước đầu anh hỏi có trăng khuya.
Để rồi vẫn trong cảm thức nguyên xuân, ông đã tự hóa giải những gì khổ đau, hệ lụy để tiếp tục tồn tại trong khách thể bi đát, làm thành sự hòa điệu kinh cầu của thi ca.
                             Mai sau hẹn với ban đầu
                             Chờ nhau ngõ khác ngả màu nguyên xuân.
Có khi là hòa điệu tái tạo sự sống trong khát vọng tình ái bản năng.
                             Trùng sinh vô tận hương màu
                             Hồi sinh vô tận hồi sau sẽ là
                             Ôm nhau hôn hít thiết tha
                             Tình yêu vô tận ấy là từ em
Có người đã ví đi vào thế giới thơ Bùi Giáng như đi vào Sa Mạc Phát Tiết - tên một tác phẩm của ông, tức là khó mà giải mã chúng một cách tức thì, nếu không căn cứ từ nhiều yếu tố và đặc biệt là nếu không xét căn nguyên tư tưởng triết mỹ của ông. Ông thể hiện về đất nước, dân tộc hay về con người và chính mình đều có nguyên cớ và bị chi phối bởi những ám ảnh hiện sinh thực tồn của vấn đề. Bùi Giáng luôn nghĩ về lịch sử dân tộc trong tiến trình bão giông của nó cùng với con người và ông gọi đó là Sử lịch.
                             Tấm thân với mảnh hình hài
                             Tấm thân thể với canh dài bão giông
                             Cá khe nước cõng lên đồng
                             Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng
                             Tạ từ tháng chạp quay nghiêng
                             Ầm trong sử lịch thu triền miên trôi.
Cõi sương khói mơ màng, mộng tưởng thiên thu và hồng hoang tâm tưởng trong bàng bạc thơ ông thực ra cũng chính là cõi người hiện tồn đấy thôi. Càng về sau, ông càng triết lý về thời gian sống đời người trong từng kinh nghiệm quan hệ: "Ta đếm lại từng ngón tay lẩy bẩy – Đời chúng ta là mấy trăng tròn" để biết rằng cõi người và cõi tình là "sắc sắc không không".
                             Em sẽ khóc khi nhìn trong khóe mắt
                             Thấy một mình người đi lại lang thang
                             Còn ghì giữ ân tình trong cỏ nhặt
                             Múa vi vu vì hẹn với truông ngàn
Còn gì ám ảnh hơn là phận người trong hiện tồn hữu hạn. Cho nên trong thơ Bùi Giáng, cõi người luôn được ông chiêm nghiệm ở nhiều góc độ, nhiều quan hệ, nhiều tâm thế và nhiều triết lý. Có khi ông thấy "Đời dại khờ như một giấc chiêm bao", ngay cả quê hương, ông cũng tưởng tượng thành "Hỗn mang về giữa hiên nhà – Bây giờ cố quân tên là chiêm bao", nhưng rồi ông cũng nhận ra nỗi đau trong biệt ly hiện tại "nỗi đau về chẳng hẹn giờ" để cho "Mấy đời ly biệt rẽ đau một mình". Có khi chiêm bao là phương thức cứu rỗi để ông tự an ủi tâm hồn: "Đài vũ trụ hồn chiêm bao rạng tỏ - Một nụ cười thế giới sẽ chia đôi". Nhưng rồi, tình yêu chính là liều thuốc nhiệm mầu nhất có thể xoa dịu bi tình sử đời ông.
                             Chân cứ bước theo nhịp hồn cứ động
                             Em là em anh đợi khắp nẻo đường
                             Em có nụ cười buồn buồn môi mọng
                             Em có làn mi khép lá cây rung
                             Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
                             Hồ gương ơi! Sao sóng lục vô chừng!
Phụng hiến lại là cách để ông níu kéo hiện sinh trần thế một cách có ích, ít ra là cho chính mình và cho thi ca: "Còn trang thơ thắm lại với trời hồng".
                             Trần gian hỡi? Tôi đã về đây sống
                             Tôi đã tìm đâu ý nghĩa lầm than
                             Tôi ngẩng mặt ngó ngàn mây cao rộng
                             Tôi cúi đầu nhìn mặt đất thấp đen
Nguyên sơ, uyên nguyên, tịch liêu, vô cùng là triết lý của Bùi Giáng để ông tìm thấy niềm an ủi, mộng mị cỏ hoa. Chúng là thông điệp được chứa đựng bằng ngôn từ ảo ẩn, bí truyền, có khi như điên loạn, bí mật và đã trở  thành cứu cánh thi pháp thơ. Dù cho ly biệt muôn trùng thì mùa xuân vẫn còn sơ nguyên mộng: "Thưa rằng ly biệt mai sau – Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân". Cảm thức hoài niệm, hoài vãng cũng là cách thi nhân đi tìm thời gian đã một đi không trở lại để đồng hiện thuở ban đầu: "Ngõ ban sơ, hạnh ngân dài - Cổng xô còn vọng điệu tài tử qua". Và thực tế, ông luôn mang chủ nghĩa xê dịch cho đã đời một kẻ rong chơi tiêu dao trần thế. Và ông tự nhận mình là người điên viết những bài thơ bằng ngôn từ bất chợt, bừng tỉnh "Tặng nhau từ ngữ lạc lầm – Cũng xin hồng lệ hãy đầm đìa tuôn" để mong đời hãy hiểu lòng ông.
                             Người điên ngôn ngữ điệp trùng
                             Dở chừng như mộng dở chừng như mê
                             Thưa em thôn ngữ quặt què
                             Làm sao nói được nghiệp nghề người điên
Ngôn ngữ ngón tay cũng thành tín hiệu của mùa xuân sơ mộng hẹn thề thương yêu.
                             Xin chào nhau giữa bàn tay
                             Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
                             Thưa rằng: những ngón thon thon
                             Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau
Đó cũng là kết cục của những mối tình trần gian mà thành mộng ảo, nhưng Bùi Giáng không hề gì, vẫn thấy em là thác đổ bên đời. Người đàn bà trong thơ Bùi Giáng được ông thể hiện thành triết mỹ của năng lượng sống ban đầu, uyên nguyên, huyền diệu. Điều này ông có chịu ảnh hưởng từ triết lý hiện sinh mà Heidegger là mạnh mẽ nhất. Trong tác phẩm do ông dịch Heidegger và tư tưởng hiện đại, có đoạn viết: "Người đàn bà phải trở về bủa mộng chiêm bao để thiết lập mộng luân lưu cho thời gian bay múa để cuộc tồn hoạt cuả tồn sinh được tiếp xúc trở lại với hương màu vạn cổ"(4, tr.57).
                             Một lần gió táp mưa sa
                             Nghìn thu như một sát na mơ màng
                             Nhớ em suốt cả dặm đường
                             Thương em rừng rú suốt phường phố hoa
Nhưng rồi, trong tư tưởng hiện sinh của Bùi Giáng thường trực mâu thuẫn. Những nghịch lý luôn hiện hữu trong thơ như những biến thể của thất vọng và đỗ vỡ. Từ xuất phát điểm ban đầu, nhân vật trữ tình ngôi thứ nhất – nhà thơ thể hiện sự hy vọng, dấn thân, mơ mộng nhưng rồi nhanh chóng chuyển qua trạng thái ưu tư, bất tín để quá trình tiếp theo xuất hiên cảm thức cô đơn và hư vô, cảm thấy mình bị ẩn ức, bị lưu đày trong cõi nhân gian khổ đau và hệ lụy. Sự nổi loạn trong tình cảm là một logic biện chứng dẫn dắt Bùi Giáng đi cùng thi ca một hành trình khá dài và rồi tiếp theo là điểm đến cuối cùng xuất hiện tư tưởng hiện sinh siêu việt. Tư tưởng này đã chứng minh Bùi Giáng đã chịu ảnh hưởng từ những khái niệm và mệnh đề của triết học phương Tay và tôn giáo muốn thể hiện cái vô cùng để hóa giải thực tại một cách vừa cao cả vừa thiêng liêng. Thơ Bùi Giáng chính là những phức cảm, phức tượng, phức hồn và phức ngữ như thế.
                             Nàng tiên kỳ bí thập thành
                             Cỗi nguồn vô tận ngọn ngành tới đâu
                             Nàng đi đứng giữa thiên thâu
                             Tương lai, hiện tại một màu phôi phai
Vẫn là tư tưởng siêu việt,
                             Em từ thiên thượng về chơi
                             Hào quang bất chợt sáng ngời giữa trưa
                             Hình dung tình mộng thượng thừa
                             Giấc mơ kỳ vĩ còn lưa muôn đời
Ngay cả khi Bùi Giáng nói về hồn, nói về bóng âm hoặc nói về mộng và cõi lòng cũng là cách ông thõa mãn tư duy, để trừu xuất thành tư tưởng và triết lý kỳ bí của mình bằng thi ca.
                             Trời đất lạnh và lòng anh không thỏa
                             Gửi hồn đi phương hướng hút heo ngàn
                             Hồn ngơ ngác loay hoay về hỏi dạ
                             Có bao giờ dạ thỏa giữa không gian
Đến cả những gì được người đời xem là thiêng liêng và kiêng dè thì Bùi Giáng cũng đã siêu việt trong tâm tưởng để "đùa thôi mà" một cách bất ngờ và triết nghiệm bằng kiểu ngôn ngữ tu từ mang tính bản năng, bỡn cợt  đặc sắc.
                             Quan san chết đuối giang hà
                             Trời hôn cái lá đã ba lần rồi
                             Lần thứ tư chết lịm thôi
                             Ba lần cái lá bị trời ghì hôn
                             Một hai hai một bồn chồn
                             Trời hôn cái lá trên cồn của em
                             Hai lần ba một lần thêm
                             Lần khân tứ khỉ là tên ông trời
Đến cái điên của Bùi Giáng cũng là kết quả của con người nổi loạn, siêu việt. Điên mà biết mỉa mai, cà rỡn, nói lịu, nói lái, nói bỏ lửng bằng hình tượng và từ ngữ giàu ẩn dụ, hoán dụ, đối lập, láy, điệp... thì quả là nghệ thuật đầy chủ đích có một không hai của Bùi Giáng: "Điên chơi cho bớt điên đầu – Điên đầu cho bớt điên rầu rĩ chơi" đó vừa là nghệ thuật chơi chữ vừa là thú tiêu dao theo cách Bùi Giáng.
                            Đi về với gió du côn
                   `        Mở giông bão xuống cõi tồn sinh phai
                            Mép rìa vòm cỏ hương bay
                            Mở trang nhảy múa trên ngày phù du
Có lúc ông gọi là đùa tếu mà thành xa xót thật trước những ngã ba dằng xé tâm hồn.
                             Một đời được mấy mấy mình
                             Mấy mình được mấy một mình cô đơn
                             Tồn sinh một tấm một mình
                             Chẻ làm hai mảnh tiền trình dấn thân
Nhưng rồi cuối cùng, nhà thơ cũng là người bằng xương bằng thịt, nên không thể thoát ly khỏi hoàn cảnh sống đang từng ngày từng giờ tác động thân xác và tinh thần, hữu thức và vô thức, có cả tiềm thức của ông: "Trong linh hồn một bông hoa – Hình như có cõi người ta đàng hoàng". Cứ thế, ông tự hiện hữu mình trong từng không – thời gian vừa hiện tại vừa tương lai vừa tâm tưởng.
                             Tình yêu tưởng tượng hôm mai
                             Trùng sinh ký ức nhớ ngày đầu tiên
                             Đi rồi trở lại hiện tiền
                             Từ mai sau tới mọi miền tương lai
                             Cùng về một lúc một mai
                             Một mùa xuân rộng vòng xoay muôn mùa
Thời gian là cuộc lữ hiện sinh mà con người luôn trong vòng quay của nó để mang vác tất cả mọi trạng thái tình cảm tồn lưu trên thân thể của mình, rồi cứ thế hướng về phía tương lai như những mơ mộng – dù là mơ mộng  mù vợi, phai phôi. Đó phải chăng là "tại thể hoài vọng luân lưu" mà Bùi Giáng gọi là Sử lịch, một quan niệm có xuất phát từ triết lý về thời gian và hữu thể của Heidegger: "Thời gian là sự cảm thụ thuần túy về mình. Chính thời gian làm thành cái nhằm tung mình về phía trước. Cho nên thời gian làm nên cơ cấu căn bản của chủ thể tính" (8, tr.23). Thi ca Bùi Giáng phải xét trong quan hệ giữa thời gian và chủ thể tính như vậy mới thấy hết ý nghĩa hiện sinh của chủ thể sáng tạo và thi ca.
3. Vĩ thanh mở
Đến đây, dù chưa đi hết hành trình tư tưởng và nghệ thuật của thế giới thơ Bùi Giáng, chúng ta cũng đã có thấy được bản mệnh đời, bản mệnh thơ của ông một cách rộng mở, chưa có vĩ thanh khép lại trọn vẹn. Và vì vậy, thi giới Bùi Giáng luôn có sức vẫy gọi đồng sáng tạo mạnh mẽ trong nhu cầu tiếp nhận của nhiều thế hệ người đọc hôm nay và mai sau. Những tiêu đề qua từng tập thơ của ông đã là chìa khóa giúp ta lần tìm bên sau, bên sâu, bên xa của ngôn từ để phát hiện ra những "lá hoa cồn" và "ngàn thu rớt hột", qua đó, ta càng hiểu thấm thía "màu hoa trên ngàn" của "ngày tháng ngao du" với "mùa màng tháng tư" mà ở đó, Bùi Giáng đã từng đi qua "con đường ngã ba" để thành "sa mạc trường ca" và "bài ca quần đảo" mà nhận ra "rong rêu" và "mưa nguồn" xanh màu buốt nhức, và liên tục ông có dịp nhìn ngắm "rớt hột phiêu bồng" bằng "mười hai con mắt" để biết đời và "thơ vô tận vui" và cuối cùng trở thành "thi ca tư tưởng". Đó cũng chính là tinh thần  - tư tưởng - triết mỹ - tôn giáo - văn hóa mà Bùi Giáng phụng hiến cho đời, cho thơ. Thơ Bùi Giáng đã thành một hiện tượng thơ, một "thi ca chi bảo" của nền thơ Việt hiện đại thế kỷ XX.                                               
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bùi Giáng (1969), Thi ca tư tưởng, Nxb Ca dao, Sài Gòn.
2. Bùi Giáng (1969), Đi vào cõi thơ, Nxb Ca dao, Sài Gòn.
3. Bùi Giáng (2005), Rong rêu, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh.
4. Bùi Giáng dịch, biên soạn (2001), Heidegger và tư tưởng hiện đại,
Nxb Văn học, Hà Nội.
5. Đoàn Tử Huyến (chủ biên) (2008), Bùi Giàng trong cõi người ta,
Nxb Lao động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.
6. Bùi Công Khanh (2005), Bùi Giáng trong tôi, Nxb Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh.
7. Đặng Tiến (2009), Thơ - Thi pháp và chân dung, Nxb Phụ nữ, HN
8. Trần Hương Tử (1961), "Heidegger và ý nghĩa con người", Tạp chí Bách Khoa, số 156.
Vỹ Dạ,10/ 2012
Hồ Thế Hà
Theo http://www.vanhoanghean.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...