Thứ Tư, 24 tháng 8, 2016

Đọc L. N. Tolstoy: "Ông trời có mắt, nhưng còn đợi"

Đọc L. N. Tolstoy: "Ông trời có mắt, nhưng còn đợi"
Trong tập truyện ngắn của nhiều tác giả trên thế giới do HIẾU TÂN tuyển chọn, giới thiệu và dịch, có một truyện ngắn không thể không nhắc đến…
Không chỉ trong các tác phẩm lớn  mà chỉ trong một truyện ngắn như truyện ngắn này thôi L.N. Tolstoy cũng ''dư sức” khuấy động tâm can con người. Kẻ không sâu sắc đọc,  bị ám ảnh bởi nỗi khiếp hãi nào đó không giải thích nổi trong lòng, kẻ có khả năng hiểu được những điều trừu tượng nhưng chưa từng trải thì băn khoăn, mang kiến thức của mình ra tìm cách lý giải, còn ai đã trải qua những điều, những hoàn cảnh tương tự như nhân vật trong truyện thì trầm ngâm nhiều hơn nữa, kiệm lời hơn nữa…
L.N. Tolstoy không chỉ đã CHẠM vào trái tim, mà ông còn chạm đến thế giới nào sâu thẳm hơn  của con người bằng ngòi bút của mình vậy?.
Nhân vật chính của truyện ngắn ÔNG TRỜI CÓ MẮT NHƯNG CÒN ĐỢI là một kẻ bình thường như trăm nghìn kẻ khác trên đời, thậm chí, đây là một người may mắn, chàng có tiền, có vợ đẹp con khôn, tính tình vui vẻ, công việc làm ăn tốt đẹp. Không có gì đáng để kể về chàng ta, nếu một ngày không xảy ra một chuyện tày đình: chàng bị nghi là kẻ giết người.
Với bản án này cũng thực sự chưa có gì xảy ra với nhân vật chính của chúng ta, nếu chưa đến đoạn trước khi bị đày đi khổ sai biệt xứ, chàng được phép gặp vợ con:
„Nàng luồn những ngón tay vào mớ tóc chàng, nàng hỏi “Vanya yêu dấu, anh nói thật với vợ anh đi, không phải là anh đã làm chuyện đó chứ?”
“Cả đến em nữa, cũng nghi ngờ anh ư?” Aksionov nói, và úp mặt vào lòng bàn tay, chàng khóc. Lúc đó một người lính đến nói vợ con chàng phải ra, và chàng nói lời vĩnh biệt vợ con chàng.
Đến đây, câu chuyện của nhân vật chính mới bắt đầu.
Tình hướng cuộc đời bắt anh ta phải hoàn toàn thay đổi thành một người khác, một người khác từ bên ngoài nhìn vào, là một kẻ phạm tội, một người khác, nếu quả thật có Chúa, chỉ Chúa chứng giám cho sự trong sạch của anh ta mà thôi. Cần phải làm gì đây khi không thể tự thanh minh cho mình? Phải  chăng chỉ còn bằng cái chết? Người tù này chọn con đường khốn nạn duy nhất:  đành chịu đựng số phận  và chỉ  biết TIN vào chính LƯƠNG TÂM của mình mà thôi.
Đúng thế, đây là một câu chuyện về lương tâm con người. Có tồn tại một thứ gọi là lương tâm trong con người hay không? Khi nào nó sẽ lên tiếng? Liệu tiếng nói của nó có đủ trọng lượng để cứu con người khỏi sự chà đạp của cái xấu, vạch mặt cái xấu và an ủi những tâm hồn chỉ biết sùng kính và tin tưởng vào đấng cao siêu như Thượng Đế hay không? Khi nào lòng sùng kính, mộ đạo được đền đáp? Và nếu không có lòng sùng kính mộ đạo, không có đức tin vào tôn giáo, liệu con người có thể chịu đựng, có thể đi hết nổi số phận làm người của nó một cách chân chính hay không?
Ông trời có mắt nhưng phải đợi vì thế.
Đợi cái gì? Đợi tòa án của LƯƠNG TÂM con người. Con người cần xử lý lẫn nhau, chỉ con người với nhau mà thôi, bởi thế gian này là của họ, do chính họ làm ra.
(Budapest. 2016. január 30.)
Trong thành phố Vladimir có chàng thương nhân trẻ tuổi tên là Ivan Dmitrich Aksionov. Chàng có hai cửa hiệu và một ngôi nhà. Aksionov là một chàng đẹp trai, có mái tóc quăn tít vàng hoe, lúc nào cũng vui vẻ, và rất thích hát. Hồi trước, khi còn quá trẻ, chàng có thói quen uống rượu, và hễ quá chén là hay gây ồn ào náo loạn; nhưng sau khi lấy vợ chàng đã bỏ rượu, chỉ họa hoằn mới uống.
Vào một ngày hè chàng muốn đi hội chợ Nizni, nhưng khi nói lời tạm biệt vợ con thì vợ chàng bảo: “Anh ơi, đừng đi hôm nay, em vừa mơ thấy một điềm xấu về anh”
Aksionov cười và bảo “Em lại sợ anh ăn chơi tốn kém chứ gì”
Vợ chàng bảo: “Em không biết em sợ cái gì, chỉ biết rằng em có một giấc chiêm bao rất xấu. Em mơ thấy khi anh từ hội chợ trở về, và khi anh bỏ mũ ra thì tóc anh bạc trắng”
Aksionov cười “Đó là điềm tốt đấy em ạ” chàng bảo. “Em cứ chờ đấy nếu anh bán hết hàng, em sẽ mua quà hội chợ về cho em”
Chàng chào tạm biệt vợ con rồi lên đường.
Đi được nửa đường, chàng gặp một thương nhân quen biết, và hai người cùng vào một quán trọ nghỉ qua đêm. Hai người cùng uống trà, rồi vào ngủ ở hai buồng cạnh nhau.
Aksionov có thói quen dậy sớm, và , muốn đi sớm cho mát, chàng đánh thức xà ích trước rạng đông, bảo anh ta chuẩn bị ngựa xe. Rồi chàng đến gặp chủ quán (sống ở ngôi nhà nhỏ phía sau) trả tiền trọ rồi tiếp tục lên đường.
Khi đi được khoảng hai mươi lăm dặm, chàng dừng lại để cho ngựa ăn. Aksionov nghỉ một lát ở hành lang quán trọ, rồi chàng đi vào trong sảnh, gọi một ấm xamôva, rồi lấy ghi ta ra bắt đầu chơi.
Bỗng có một chiếc xe tam mã chuông reo leng keng chạy thẳng vào, từ trên xe một sĩ quan bước xuống, theo sau là hai người lính. Ông ta bước đến chỗ Aksionov và bắt đầu hỏi chàng, rằng chàng là ai và từ đâu đến. Aksionov trả lời đầy đủ và nói “Mời ông dùng chén trà với tôi”. Nhưng viên sĩ quan tiếp tục chất vấn chàng, rằng “Đêm qua anh ngủ ở đâu? Anh ở một mình, hay có người thương nhân nào cùng đi? Sáng nay anh có trông thấy người thương nhân ấy không? Tại sao anh rời khỏi nhà trọ trước khi trời sáng?”
Aksionov tự hỏi tại sao người ta lại hỏi anh thế, nhưng chàng vẫn kể lại toàn bộ những gì đã xảy ra, rồi thêm “Tại sao ông lại thẩm vấn tôi như thể tôi là quân trộm cướp ấy? Tôi đi công việc buôn bán của tôi, và không cần thiết phải căn vặn tôi như thế”
Lúc đó viên sĩ quan gọi hai người lính đến, nói “Tôi là sĩ quan cảnh sát của huyện này, và tôi thẩm vấn anh bởi vì người lái buôn cùng nghỉ trọ với anh đêm qua, sáng nay người ta thấy anh ta bị cắt đứt cổ họng. Chúng tôi phải khám xét đồ đạc của anh”
Họ đi vào nhà. Những người lính và viên sĩ quan mở tung hành lý của Aksionov để khám. Bỗng người sĩ quan rút ra một con dao từ một chiếc xắc, kêu lên: “Con dao này của ai?”
Aksionov nhìn, và khi thấy một con dao đẫm máu được lấy ra từ túi của chàng, thì chàng rụng rời.
“Tại sao trên con dao này có máu?”
Aksionov cố gắng trả lời, nhưng khó khăn lắm mới thốt ra một lời, mà chỉ lắp bắp “Tôi không biết, không phải của tôi”. Người sĩ quan cảnh sát nói: “Sáng nay người ta thấy người lái buôn kia nằm trên giường, cổ họng bị cắt. Anh là người duy nhất có thể làm việc này. Ngôi nhà đó khóa cửa bên trong, không có ai vào đó nữa. Đây là con dao vấy máu trong túi của anh, và bản mặt của anh với bộ dạng anh đã tố cáo anh! Hãy kể lại anh đã giết anh ta như thế nào, và lấy cắp bao nhiêu tiền?”
Alsionov thề rằng chàng không làm việc ấy, rằng chàng không nhìn thấy người lái buôn kia từ lúc hai người uống trà xong, rằng chàng không có tiền nào khác ngoài khoản tám ngàn rúp tiền riêng của chàng, và rằng con dao ấy không phải của chàng. Nhưng giọng chàng nghẹn, mặt chàng tái, người chàng run như người có tội vậy.
Viên sĩ quan cảnh sát thét những người lính trói Aksionov lại và quẳng chàng lên xe. Khi họ trói chân chàng và ném chàng lên xe, Aksionov làm dấu thánh giá và khóc. Chàng bị tước hết tiền nong đồ đạc và bị đưa đến một thị trấn gần nhất và bị giam ở đó. Cuộc điều ra về nhân thân của chàng được tiến hành ở Vladimir. Những thương nhân và các cư dân khác của thành phố nói rằng trước kia chàng có uống rượu và chơi bời, nhưng chàng là một người tốt. Rồi phiên toà được mở, chàng bị kết tội giết người lái buôn từ Riazan đến, và cướp của anh ta hai mươi ngàn rúp.
Vợ chàng tuyệt vọng, và không biết phải tin vào cái gì nữa. Các con chàng đều còn nhỏ, đứa bé nhất chưa rời vú mẹ. Nàng đưa cả mấy đứa con cùng đi, đến thị trấn nơi chồng nàng bị giam giữ. Lúc đầu nàng không được phép gặp chàng, nhưng sau bao nhiên van xin, cuối cùng nàng cũng được các quan cho phép, và được dẫn tới gặp chàng. Khi trông thấy chồng mặc áo tù và bị xiềng xích, nàng ngã lăn ra bất tỉnh hồi lâu. Rồi nàng kéo mấy đứa con vào lòng, ngồi sát gần chàng. Nàng kể cho chàng mọi chuyện ở nhà, và hỏi chuyện xảy ra với chàng như thế nào. Chàng kể lại tất cả, và nàng hỏi “Bây giờ ta phải làm gì?”
“Chúng ta phải thỉnh cầu Sa hoàng không để người vô tội phải chết”
Vợ chàng bảo rằng nàng đã gửi đơn thỉnh nguyện lên Sa hoàng, nhưng không được chấp nhận.
Aksionov không trả lời, trông chàng vô cùng chán nản thất vọng.
Rồi vợ chàng nói: “Việc em mơ thấy tóc anh bạc trắng không phải là không có ý nghĩa gì. Anh còn nhớ không? Lẽ ra hôm ấy anh không nên đi” Nàng luồn những ngón tay vào mớ tóc chàng, nàng hỏi “Vanya yêu dấu, anh nói thật với vợ anh đi, không phải là anh đã làm chuyện đó chứ?”
“Cả đến em nữa, cũng nghi ngờ anh ư?” Aksionov nói, và úp mặt vào lòng bàn tay, chàng khóc. Lúc đó một người lính đến nói vợ con chàng phải ra, và chàng nói lời vĩnh biệt vợ con chàng.
Khi họ đi rồi, Aksionov nhớ lại những lời đã nói, và khi chàng nhớ rằng chính vợ chàng cũng nghi ngờ chàng, thì chàng tự nhủ. “Dường như chỉ có Thượng đế mới biết sự thật, mình phải kêu cầu Người, mình chỉ trông chờ lòng thương xót duy nhất từ Người nữa mà thôi”.
Và Aksionov không viết thêm một lời thỉnh cầu nào nữa, từ bỏ mọi hy vọng, và chỉ cầu nguyện Chúa.
Aksionov bị kết án phạt đánh bằng roi và đày đến các hầm mỏ. Chàng bị đánh bằng gậy có mấu, và khi các vết thương kín miệng, chàng bị đày đi Siberia cùng với những tội phạm khác.
Hai mươi sáu năm trời Aksionov sống như một tội phạm ở Siberi. Tóc ông bây giờ bạc trắng như tuyết, râu dài, thưa và đốm bạc. Mọi vui vẻ cười đùa biến mất, lưng ông còng xuống, ông đi chậm, nói khẽ, không bao giờ cười, nhưng thường xuyên cầu nguyện.
Trong tù Aksionov học khâu giày, kiếm được một ít tiền, ông dùng tiền đó mua quyển Đời các Thánh. Ông đọc quyển sách này khi còn đủ ánh sáng trong tù, và chủ nhật ông đi nhà thờ, ông đọc kinh và hát thánh ca, vì giọng ông vẫn còn tốt.
Những người giám quản trại tù thích Aksionov vì ông hiền lành ngoan ngoãn dễ bảo, các bạn tù tôn trọng ông, họ gọi ông là “Bố già” là “ông Thánh”. Khi họ muốn thỉnh cầu giám quản điều gì, họ đều nhờ Aksionov làm người phát ngôn, và khi trong đám tù nhân có cãi cọ, họ tìm đến ông nhờ phân xử.
Aksionov không bao giờ nhận được tin nhà, thậm chí ông không biết vợ con ông còn sống hay không.
Một hôm có một đoàn tù nhân mới đến trại. Buổi tối đám tù cũ tụ tập quanh tù mới và hỏi họ đến từ thành phố hay làng xã nào, và họ bị tội gì. Giống như những người tù cũ khác, Aksionov ngồi gần đám tù mới và buồn bã nghe những điều họ nói.
Một trong những tù phạm mới, một người đàn ông khoảng sáu mươi cao to khỏe mạnh, râu hoa râm cạo sát, đang kể cho mọi người nghe tại sao ông ta bị bắt.
“Ồ các bạn ạ” Ông ta nói “Tôi chỉ lấy một con ngựa đóng vào xe trượt tuyết, thế mà tôi bị bắt và bị kết tội ăn trộm. Tôi nói tôi chỉ lấy để về nhà nhanh hơn, và sau đó đã thả nó ra, ngoài ra, người đánh xe là bạn của tôi, và tôi nói như thế không có gì sai. Nhưng họ bảo “Không, anh đã ăn trộm nó”. Nhưng tôi đã ăn trộm như thế nào và ở đâu thì họ không nói được. Tôi đã có lần thực sự làm một chuyện sai quấy, và lẽ ra tôi phải đến đây lâu rồi, nhưng lần đó tôi lại không bị phát hiện. Còn bây giờ chẳng làm sao tôi lại phải đến đây. Ừa, nhưng tôi vừa nói dối các bạn đấy, trước đây tôi đã bị bắt đưa đến Siberi, nhưng tôi không ở lâu”
“Ông từ đâu đến?” một người hỏi.
“Từ Vladimir. Gia đình tôi ở thành phố ấy. Tên tôi là Makar, người ta thường gọi là Semyonich”
Aksionov ngẩng đầu lên hỏi: “Semyonich, ông cho tôi biết, ông có biết tin gì về gia đình nhà buôn Aksionov ở Vladimir không? Họ còn sống cả không?”
“Có biết không à? Tất nhiên tôi biết chứ. Nhà Aksionov giàu, mặc dầu cha của họ đang ở Siberi. Hình như một tội phạm như chúng ta! Còn ông, Bố già, vì sao ông phải đến đây?”
Aksionov không muốn nói nỗi khổ của mình ra làm gì. Ông chỉ thở dài, và nói “Vì tội của tôi, tôi đã phải ở tù hai mươi sáu năm nay”
“Tội gì?” Makar Semyonich hỏi.
Nhưng Aksionov chỉ nói “Thôi được rồi, chắc là tôi đáng thế” Ông không nói gì hơn, những các bạn tù kể cho các tù mới đến tại sao Aksionov phải đến Siberi, một người nào đó đã giết người lái buôn, và đã đặt con dao vào trong đồ đạc của Aksionov, và Aksionov đã bị kết án oan.
Khi Makar Semyonich nghe thấy thế, ông ta nhìn Aksionov, đập tay lên đầu gối mình, và kêu lên. “Ôi thật là kỳ lạ! Kỳ lạ quá đi mất! Nhưng sao trông ông già đến thế, Bố già?”
Những người khác hỏi ông ta tại sao ông ta lại ngạc nhiên như thế, và ông ta đã gặp Aksionov ở đâu, nhưng Makar Semyonich không trả lời. Ông ta chỉ nói “Thật kỳ lạ là chúng ta lại gặp nhau ở đây”
Những lời lẽ này khiến Aksionov nghĩ ngợi liệu người này có biết ai đã giết người lái buôn kia không, nên ông nói “Hình như, Semyonich, ông đã có nghe về vụ đó, hay có lẽ ông đã gặp tôi trước đây chăng?”
“Làm sao mà tôi lại không nghe? Thiên hạ đồn rầm cả lên. Nhưng đã lâu lắm rồi, tôi đã quên những gì tôi nghe được”
“Có lẽ ông có nghe ai là người đã giết người lái buôn ấy?” Aksionov hỏi.
Makar Semyonich cười đáp: “Đó chắc là cái người mà người ta tìm thấy con dao trong túi xắc! Nếu người khác dấu con dao ở đó, “Chưa bắt được tay thì chưa phải là ăn cắp” như người ta thường nói. Làm sao người ta dấu con dao vào túi của ông được trong khi nó nằm dưới đầu ông? Như thế chắc chắn sẽ làm ông thức dậy”
Khi Aksionov nghe những lời đó, ông cảm thấy chắc chắn kẻ này đã giết người lái buôn. Ông đứng lên và đi chỗ khác. Suốt đêm đó Aksionov thức chong chong. Ông cảm thấy tột cùng đau khổ, mọi hình ảnh lại hiện lên trong trí ông. Có hình ảnh của vợ ông khi ông tạm biệt nàng để đi hội chợ. Ông thấy như nàng đang có mặt ở đây, khuôn mặt nàng, đôi mắt nàng hiện lên trước ông, ông nghe tiếng nàng nói cười. Rồi ông thấy đàn con, còn nhỏ xíu, như hồi đó, một đứa mặc chiếc áo choàng bé tí, đứa kia còn ôm vú mẹ. Rồi ông nhớ lại bản thân mình, khi ấy còn trẻ trung và vui vẻ. Ông nhớ cái lúc ông ngồi chơi ghi ta trong sảnh của nhà trọ nơi ông bị bắt, lúc ấy sao ông thanh thản vô tư thế. Ông nhìn thấy rõ ràng trong tâm trí, nơi ông bị đánh đòn, những kẻ tra tấn ông, và những người đứng xem xung quanh, những xiềng xích, những tội đồ, và hai mươi sáu năm đời ông trong lao tù, và ông già sụm trước tuổi. Nghĩ về tất cả những điều đó khiến ông đau đớn đến mức chỉ muốn tự tử.
“Và tất cả những cái đó đều do thằng khốn kiếp kia gây ra!” Aksionov nghĩ. Cơn điên giận Makar Semyonich lớn đến mức ông khao khát trả thù, dù cho bản thân ông có thể tiêu mạng về chuyện đó. Ông cầu nguyện suốt đêm, nhưng không tìm thấy yên lành. Ban ngày ông không đến gần Makar Semyonich, thậm chí không nhìn hắn.
Nửa tháng trời trôi qua như thế. Ban đêm Aksionov không thể chợp mắt, đau đớn cùng cực đến mức không biết làm gì nữa.
Một hôm khi đang bước đi trong nhà giam ông nhận thấy có những hòn đất lăn ra từ trong một ngăn tù nằm. Ông nhìn lại để xem chuyện gì. Bỗng nhiên Makar Semyonov trườn ra từ ngăn và ngước nhìn lên Aksionov với bộ mặt sợ hãi. Aksionov định bước qua không nhìn hắn, nhưng Makar nắm tay ông giữ lại, và bảo ông rằng hắn đang đào một lỗ dưới chân tường, đất thì bỏ vào ủng để mỗi ngày đổ ra đường khi tù nhân được dẫn đi lao động.
“Cụ giữ im lặng, cụ nhé, rồi cụ cũng được ra. Nếu cụ tiết lộ, họ sẽ đánh tôi đến chết, nhưng tôi sẽ giết cụ trước”
Aksionov run lên giận dữ khi nhìn xuống kẻ thù của mình. Ông giật tay ra và nói “Tôi không muốn trốn, và anh không cần giết tôi, anh đã giết tôi từ lâu rồi. Còn việc anh bảo tôi có làm thế hay không, đã có Chúa chỉ cho tôi”
Hôm sau khi đoàn tù được dẫn đi lao động, những người lính coi tù nhận thấy có người tù nào đã dốc một ít đất trong ủng ra. Nhà giam bị khám xét và người ta tìm thấy đường hầm. Trại trưởng đến và tra hỏi tất cả tù nhân để tìm ra kẻ đã đào hố. Nhưng tất cả đều chối, không ai biết gì hết. Người nào biết cũng không tố cáo Makar Semyonich, vì biết rằng hắn sẽ bị đánh đòn đến chết. Cuối cùng ông trưởng trại quay sang Aksionov vì biết ông là người trung thực, ông ta nói:
“Anh là người thật thà, hãy nói cho tôi biết: ai đã đào hố này?”
Makar Semyonich đứng như thể hắn không liên can gì, nhìn Trại trưởng không nhiều bằng liếc nhìn Aksionov. Môi và tay Aksionov run run, một lúc lâu ông không thốt ra lời nào. Ông nghĩ “Sao ta lại phải che chở cho hắn là kẻ đã tàn hại đời ta? Phải để hắn trả cho những gì ta đã phải chịu. Nhưng nếu ta nói ra, họ có thể đánh hắn đến chết, và cũng có thể ta đã ngờ sai hắn. Và, nói cho cùng, làm thế có gì tốt cho ta?”
“Nào, anh già”, Trại trưởng nhắc lại, “Nói cho tôi biết sự thật: ai đã đào dưới chân tường này?”
Aksionov liếc nhìn Makar Semyonich, và nói. “Tôi không thể nói, thưa ông. Không phải ý Chúa là tôi nên nói. Ông có thể làm gì tôi cũng được, tôi đang ở trong tay ông”
Dù Trại trưởng có cố thế nào, Aksionov vẫn không nói gì thêm, nên việc đó phải cho qua.
Đêm hôm đó, Khi Aksionov đang nằm trên giường và mới chỉ bắt đầu lơ mơ, thì có kẻ khẽ khàng ngồi xuống giường ông. Ông nhìn kỹ trong đêm tối và nhận ra Makar.
“Anh muốn gì ở tôi?” Aksionov hỏi. “Tại sao anh đến đây?”
“Makar Semyonich im lặng. Vì vậy Aksionov ngồi dậy và nói “Mày muốn gì? Cút ngay, không tao gọi lính gác”
Makar Semyonich cúi xuống người Aksionov và thì thầm “Ivan Dmitrich, xin ông tha tội cho tôi”
“Về chuyện gì?”
“Tôi là kẻ đã giết người lái buôn và giấu con dao vào đồ của ông. Lúc ấy tôi muốn giết cả ông nữa, nhưng tôi nghe có tiếng động bên ngoài, nên đã giấu con dao vào trong xắc của ông rồi chuồn ra cửa sổ”
Aksionov im lặng, và không biết nói gì. Makar Semyonich tụt xuống khỏi giường và quỳ trên mặt đất: “Ông Ivan Dmitrich, xin ông tha tội cho tôi!” hắn nói. “tha tội cho tôi! Vì tình yêu Chúa, xin tha tội cho tôi! Tôi sẽ thú tội đã giết người lái buôn, và ông sẽ được thả, và có thể về nhà”
“Mày nói thì dễ lắm” Aksionov nói “nhưng tao đã chịu tội thay cho mày hai mươi sáu năm trời. Bây giờ tao có thể về đâu? Vợ tao đã chết, các con tao đã quên tao rồi. Tao không có chỗ nào mà về”
Makar không đứng dậy, mà dập đầu xuống đất. “Ông Ivan Dmitrich, xin tha tội cho tôi” Hắn khóc. “Khi họ đánh tôi bằng gậy có mấu cũng không khó chịu đựng hơn thấy ông thế này, thế mà ông còn thương tôi, mà không nói ra. Vì Chúa, xin tha cho tôi, tôi đau lòng lắm” Và hắn nức nở.
Khi Aksionov nghe thấy hắn nức nở, ông cũng bắt đầu khóc “Chúa sẽ tha tội cho anh” ông nói. “Có thể tôi còn xấu gấp trăm lần anh”  Và với những lời đó, ông thấy lòng mình nhẹ bỗng, và nỗi khao khát nhớ nhà rời khỏi ông. Ông không còn thấy mong muốn ra khỏi tù chút nào nữa, mà chỉ mong chờ giờ phút cuối của mình sớm đến.
Mặc dù Aksionov đã nói như thế, nhưng Makar Semyonich vẫn thú tội của hắn. Nhưng khi lệnh thả ông được mang đến, thì Aksionov đã chết.
HIẾU TÂN DỊCH
Nguyễn Hồng Nhung
Theo http://www.vanchuongviet.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...