Từ thuở nọ, thi sỹ Giác
Tâm mới vừa mở mắt chào đời đã nằm võng đong đưa giữa trùng điệp phù vân lãng
đãng, ngút ngàn sương khói chung quanh, được hun đúc, tiếp cận với hồn thiêng
sông núi uy linh, hùng vĩ nên tâm hồn thi sỹ tự nhiên hàm dưỡng trong bầu khí
chất rất mực thuần khiết, nguyên sơ.
Thơ phát ra từ đó, nhẹ
nhàng như hơi thở, vừa lâng lâng bay bổng vừa bồng bềnh, thênh thang… Tiếng
thơ ngân dài, đồng vọng lên từ phương lòng trong trẻo đầy chim ca lảnh lót
hòa lẫn suối khe róc rách reo vang. Ngàn hoa nắng trổ ngát hương trời vạn cổ
dưới những vùng thung lũng mù xa, chập chùng bóng rừng sâu hun hút, hoang lạnh
buốt mưa chiều. Thơ bay phiêu phất hồn trăng vạn đại, vụt hiện lóe ngời thời
nguyên thủy, sơ khai… Thần thái mang mang, thi sỹ đi về ngơ ngác, ngạc nhiên
trước sự huyền bí của cuộc sống muôn loài, vạn vật trên mặt đất, trần gian rồi
hoát nhiên bừng thấy ra cả trời thơ đất mộng bồi hồi:
Từng viên đá thấm mồ hôi
Đóa hoa tâm nở bên đồi mù
sương
Đầu nguồn cuối bến sông
Tương
Bàn tay của mẹ thơm hương
xứ trầm
Vẫn còn đây đóa hoa tâm
Nghìn thu rụng tiếng nguyệt
cầm đầu non
Đầu non cuối biển vọng tiếng
nguyệt cầm, rung ngân bất tận một tiếng đàn trăng giữa thiên thu vời vợi… Khiến
cho bất ngờ, mồ hôi thấm từng viên đá sỏi ven đồi, thấm qua bàn tay gầy guộc
của mẹ hiền vun xới, chở che, đùm bọc, để rồi mọc lên tinh khôi một đóa hoa
lòng trong trắng, một đóa hoa tâm thầm lặng tỏa ngát hương trời giữa hoang vắng
tịch liêu trên xứ miền cao nguyên ngút ngàn mây trắng miên du, lãng đãng khói
sương mù…
Đóa hoa từ tâm, đóa hoa tuệ
tâm ấy, một ngày kia đã hóa thân thành Giác Tâm, một thi sỹ bình dị, đơn sơ
nhưng vô cùng phiêu nhiên trên tuyệt đỉnh trời thi ca lồng lộng…
Không biết tự bao giờ, dường
như là năm 1956, chàng thi sỹ ra đời, đi về xuất hiện giữa tồn sinh, nơi sơn
thôn Cỏ May, chốn Trại Mộ, Biển Hồ Trà, thuộc tỉnh Gia Lai huyền mộng này. Lớn
lên giữa thượng nguồn núi đèo heo hút, rừng rú man dại, hoang vu, sớm
chiều thấp thoáng mờ sương khói phủ. Ru hồn thơ vi vu, vi vút theo suối thác,
truông ghềnh đổ ầm xuống buôn làng thượng du, reo vang rộn ràng, trào tuôn
trôi cuốn, cuồn cuộn chảy… Chạy nhảy nô đùa với cỏ nội hoa ngàn, thở cùng gió
núi, mưa rừng, nắng rậm giữa trời đất man thiên, rỡn bướm vờn hoa, lạnh ngút
rờn sơn dã. Cho nên, mạch ngầm thi ca trong lòng chàng thi sỹ chợt bùng vỡ,
dâng trào, rào rạt nguồn cảm hứng Mẹ Và Trăng:
Áo lụa mẹ choàng trắng
trong như nguyệt bạch, trăng đậu trên vai trên vuông áo ngắn dài. Lóm đóm hoa
lóm đóm sao, mẹ trẻ trung như thời con gái, bất chợt con thấy mình thơ dại,
thật hồn nhiên như thuở vào đời. Mẹ thân yêu của con của muôn đời mãi mãi, chở
che con suốt cuộc tử sinh này.
Một chút mây vẫn còn đang
phiêu lãng và chừng như đang hội tụ cùng trăng. Cõi vĩnh hằng mây trăng thinh
lặng, rừng thênh thang đêm mênh mang, lặng lẽ ngồi lặng lẽ thở, trầm tư về một
thuở đi hoang. Huyên thuyên nhiều chi thêm ngộ nhận, con trở về chợt dứt nói
năng.
Theo mẹ đến chốn này để
nhìn đời và để nhìn mây. Đời trôi chảy như dòng sông dịch biến, mây hợp tan,
tan hợp chưa hề… Con thơ dại vẫn vầng trăng đó, tóc sương pha mây trắng vẫn
đi về, trăng tháng chạp sao mà tơ nõn, soi tỏ đêm dài và cội lão mai, trăng
sáng quá lòng bình yên lạ, ngẩn ngơ nhìn trời đất mới tinh khôi.
“Ngẩn ngơ nhìn trời đất mới
tinh khôi” là cái nhìn sơ tâm, cái thấy hồn nhiên, nguyên vẹn của hài
nhi. Khi có cái nhìn ấy thì mọi sự, muôn loài vạn hữu đều trinh tuyền, trong
suốt, hiện ngời lên vẻ đẹp vô ngần Chân Thiện Mỹ. Vẻ đẹp thanh tân Chân Thiện
Mỹ đó, phải chăng chính là Tự tánh thanh tịnh mà Lục tổ Huệ Năng đã phát biểu
hay thiền sư Huyền Giác chỉ rõ Đương xứ tức chân hoặc như thiền sư Lâm Tế nói
là cái Tâm vô sự, cái Bản lai diện mục của chính mình?
Kinh điển đại thừa đã
tuyên bố rõ ràng qua nhiều tên gọi : Như Lai, Diệu Tâm, Phật Tánh, Tánh
Không, Bồ Đề, Bát Nhã, Tuệ Giác, Niết Bàn, Chân Như, Chơn Không Diệu Hữu, Tự
Do Tự Tại… Tuy nhiều tên gọi khác nhau nhưng cùng một ý chỉ bản tâm thanh thản,
an nhiên, giải thoát mọi buộc ràng, phiền não, khổ đau thôi. Cái tâm giải
thoát ấy chẳng ở đâu xa mà vốn thường hằng hiện hữu, luôn luôn gần gũi trong
từng hơi thở của chúng ta, của tất cả sinh linh đang sống nơi cõi ta bà, mang
mang thiên địa giữa càn khôn, vũ trụ tuần hoàn này.
Nếu ai sống được với Diệu
Tâm, Tuệ Giác ấy là có ngay cái nhìn tinh khôi, cái thấy mới mẻ, mới lạ và mới
lạ, là Kiến tánh thành Phật. Thành Phật là thành tựu cái Diệu Tâm đó, là
lý sự viên dung giữa thực tại đang là. Cõi ta bà sẽ hiện bừng ra cảnh giới
huy hoàng Tịnh Độ, an lạc Niết Bàn ngay lập tức. Sở dĩ đa số chúng ta không sống
được với bản tâm vi diệu ấy là vì chúng ta tự ý đánh mất nó đi, tự mình lơ đễnh,
quên đi, tự mình giam nhốt chính mình trong những cặn bã danh lợi, những ngục
tù bản ngã ấu trĩ, những đố kỵ nhỏ nhen, u ám, trầm trệ thái quá. Tự mình
buông lung, buông thả, chìm đắm trong bóng tối đêm dài sinh tử, hụp lặn giữa
đục ngầu tham sân si, trong mộng mị chiêm bao, ảo dị sa đà:
Ta đánh mất bởi vì ta lơ đễnh
Mãi xa xôi say mộng ảo
phương nào
Hoa cỏ ấy xiết bao lòng
tríu mến
Lắng lòng nghe hoa cỏ sẽ
thì thào
Ta đánh mất bởi trầm tư
thái quá
Lối đi về quên bẵng cả
trăng sao
Mộng mị triền miên úa vàng
hoa lá
Sông thương đây tơ tưởng
núi non nào?
Lời bộc bạch lòng ta em đã
tỏ
Nối tay nhau hàn gắn những
nhịp cầu
Dòng sông xưa đôi bờ hoa nở
đỏ
Tặng cho nhau quên hết
tháng năm sầu
“Dòng sông xưa đôi bờ hoa
nở đỏ” là một câu thơ thâm trầm, tâm đắc mà thi sỹ Giác Tâm đã chọn làm
đầu đề cho tập thơ sắp xuất bản của mình. Lời bộc bạch hay lời Nguyện Ước khơi
vơi nọ, thi sỹ muốn gởi đến cho chư huynh đệ mười phương đang sống lưu linh lạc
địa, trên khắp quả địa cầu tròn trịa đang quay lông lốc giữa hư không này.
Hãy tự mình tỉnh thức. Hãy
tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy quay về quê quán ban sơ, ngồi lại bên bờ xanh mướt
thương yêu của dòng sông đời sống nhiệm mầu. Sầu đau, phiền não từ vô lượng
kiếp với bao đoạn trường tuế nguyệt liền biến tan, khi gã cùng tử biết dừng
gót chân nghiệp chướng, biết quy hồi cố xứ, theo nẻo về sâu thẳm nguồn mạch,
long lanh ánh tâm hồn:
Con lưu lạc từ ngàn xưa
lưu lạc
Bỏ quê hương quên cả lối
đi về
Đồi lộng gió tóc mẹ bay
tóc bạc
Ngóng đợi con trăng khuyết
đến trăng tròn
Con nhớ mẹ tà áo bay áo trắng
Đưa con qua suốt cuộc tử
sinh này
Cưỡng lời mẹ con uống nhiều
giọt đắng
Chợt tỉnh say mộng mị vơi
đầy
Rồi một ngày kia đi qua
chùa cổ
Bỗng reo vui khi thấy dáng
người
Mẹ hiện hữu cho trần gian
vơi khổ
Cõi người ta nay đã có tiếng
cười
Chiều cao nguyên bay qua
ngàn mây trắng
Chim thiên di về với cội
nguồn
Hành lý đời từ nay không
còn nặng
Xin gởi hồn mình theo tiếng
chuông buông.
“Xin gởi hồn mình theo tiếng
chuông buông” theo giọng chuông ngân nga, đồng vọng từ một ngôi chùa tuổi
thơ, vô vàn yêu dấu cũ nơi quê nhà ở sơn thôn Cỏ May hiu quạnh, cạnh đồi
thông xanh biếc Biển Hồ Trà, khi nhà thơ sực thấy ra bà mẹ trần gian ruột thịt
của mình cũng chính là bà mẹ hiền Bồ tát Quán Thế Âm đang trầm tịnh lắng nghe:
Mẹ về trên đỉnh mù sương
Tinh khôi áo trắng mắt
thương nhìn đời
Nước Biển Hồ có đầy vơi
Hải Triều Âm vẫn vọng lời
đại bi…
“Từ nhãn thị chúng sinh” hay mắt
thương nhìn cuộc đời là cái nhìn dịu dàng, trìu mến, chan chứa đại từ, đại
bi, đại hỷ, đại xả, là hạnh nguyện thiết tha, vô cùng, vô tận, vô biên, vô lượng
thương yêu thập loại chúng sinh của mẹ hiền Quán Thế Âm. Hạnh nguyện yêu
thương vô điều kiện đó, nhà thơ Giác Tâm thường xuyên nhắc nhở, khuyên bảo
đàn em của mình tinh tấn thực hiện, hành trì, áp dụng vào thực tế cuộc đời:
Em còn hiện hữu trong tôi
Trong từng phiến đá bên đồi
mù sương
Đi qua cuộc thế vô thường
Trong em còn có mắt thương
nhìn đời
Giọt mồ hôi với nụ cười
Hoa trên đá nở bồi hồi
ngày qua
Mai này tôi có đi xa
Trái tim xẻ nửa Hồ Trà em
ơi!
Mong em phụng đạo yêu đời
Đắp xây chùa cổ tuyệt vời
nên thơ
Thay tôi em gắng phụng thờ
Nén hương tưởng Mẹ chiều về
nghe em
Trong những đứa em tinh thần
đạo vị ấy, đặc biệt, có một sơn nữ chất phác, đôn hậu, thuần khiết với ánh mắt
hiền hòa như mặt nước Biển Hồ xanh. Trong nguồn suối yêu thương tương cảm, em
đã được thi sỹ tận tình giúp đỡ, trợ duyên cho em vào nếp sống tu tập thiện
lành và khi trưởng thành, em đã tung cánh chim rừng qua tận bên kia bến bờ đại
dương bát ngát, bay theo nghiệp mệnh của đời em. Thỉnh thoảng, em có về quê
quán cũ trên đồi Cỏ May, viếng Biển Hồ Trà, thăm suối thác, truông rừng và dừng
bước phập phồng trước ngôi cổ tự rêu phong giữa một ngày lễ hội chùa quê. Nơi
một thời thơ dại em đã lớn lên với biết bao Hoài Niệm trong lai
láng, bồi hồi:
Ngày vui bất chợt con buồn
Thầy ơi! Con nhớ hồi
chuông quê nhà
Nhớ chùa cổ nhớ cây đa
Nhớ đàm hoa nở Hồ Trà ngát
hương
Nhớ xứ thượng nhớ mù sương
Nhớ từng gương mặt đoạn
trường Thầy ơi!
Ngày vui thoảng qua mất rồi
Riêng con kỷ niệm đầy vơi
nỗi niềm
Cho con như là loài chim
Nhớ nhung vỗ cánh về tìm
nguồn xưa
Con nguyện làm hạt nước
mưa
Tưới trên quê mẹ sớm trưa
khô cằn
Cho con được là ánh trăng
Đêm rằm về lại tung tăng
quây quần
Cho con sống không vong
thân
Biết mình hiện hữu hồng trần
làm chi
Đường con đi đường Từ Bi
Trọn đời con nhớ khắc ghi
bên lòng
Mai này nguyện ước tròn
xong
Con xin trở lại cửa Không
hầu Thầy
Tình thương, tình yêu là một
điều kỳ diệu, đòi hỏi chúng ta phải tâm chứng thì mới thể nhập rốt ráo cái
tinh hoa của tình yêu thương. Krishnamurti nói: “Tình thương không phải
là quá trình của tư tưởng. Ta không thể “nghĩ” đến tình thương, không thể vun
trồng, không thể tập luyện được. Tập thương, tập rung động trong niềm tương
thân, tương ái vẫn còn trong vòng ràng buộc của khối óc, nên đó chẳng phải là
tình thương. Chỉ khi nào các thứ ấy dứt đi thì tình thương hiển hiện và lúc ấy
ta mới biết thế nào là tình thương. Tình thương không phải ở phẩm mà cũng chẳng
phải ở lượng. Khi tâm rỗng hết mọi vật của trí, khi trí rỗng hết mọi suy tư
thì có tình thương. Chỉ có cái Không mới là vô tận.”
Lấy Từ Bi làm con đường để
bước đi là một thái độ vô cùng bao dung, dũng cảm. Chỉ có những trái tim hồng
được un đúc trong lò lửa nhiệt huyết giữa cuộc sinh tồn đầy bức bách, đầy nặng
trĩu điêu linh này, đã từng chứng kiến nghìn nỗi đoạn trường, thống thiết,
triệu niềm khắc khoải, quằn quại, áo não của nhiều cảnh đời tuyệt lộ trong
hiu hắt, tàn xiêu… thì mới đủ sức mạnh thần lực mà phát tâm nguyện đại từ, đại
bi như vậy được. “Đường con đi đường Từ Bi” chỉ một câu thơ dễ hiểu
thôi, nhưng đủ gây chấn động khôn dò, bởi nói ra từ giới trẻ hôm nay, thật vô
cùng hy hữu, ít có làm sao.
Trào dâng lên làn thanh
khí thi vị, thi nhiên, tiếng thơ Giác Tâm có cảnh có tình, có nhạc có họa, “thi
trung hữu họa.” Trong thơ hiện lên những cung bậc thiền, những bức tranh
bình dị, mộc mạc, phản ánh nhiều cảnh đời thường nhật, nhiều trạng thái tâm
thức hân hoan, sầu nhớ… Lời thơ tha thiết chân thành, biểu lộ thế giới nội
tâm thâm cảm yêu thương, vô vàn chan chứa toàn thể thế nhân đang lặn hụp, nổi
chìm giữa biển phù sinh, nghẹn ngào xiết bao khổ lụy. Vì thế, chàng thi sỹ
phát tâm đại nguyện thượng thừa, đưa tay cắt đứt mái tóc hồng trần, quyết chí
đi xuất gia, quy y với Hòa thượng Từ Hương vào năm 1969, làm bậc đại trượng
phu, dù tuổi đời lúc bấy giờ, còn rất thanh xuân, mới 14 tuổi. Chỉ có tuổi trẻ
mới làm những việc phi thường, như Phạm Công Thiện, một thiên tài kiệt xuất
đã nói thế. Thiền sư Nhất Hạnh cũng lên tiếng tán thán những bậc xuất
gia, đại sỹ:
Đã thấy đời cơn huyễn mộng
Chân tâm một quyết lên đường
Nghe hải triều lên mấy độ
Nguyện phát túc về siêu
phương
Sáng nay cạo sạch mái tóc
Mở thêm rộng lớn con đường
Phiền não vô biên nguyện
đoạn
Một tâm mà động mười
phương.
“Một tâm mà động mười
phương” Đó là tâm thức bừng trổ hào quang tuệ giác siêu việt, làm rực rỡ,
huy hoàng, sáng chiếu diệu ngời khắp Đông Tây kim cổ như tuệ giác Phật Thích
Ca, Long Thọ, Mã Minh, Tăng Triệu, Milarepa, Bồ Đề Đạt Ma, Huệ Năng, Lâm Tế,
Krishnamurti, Heidegger, Nietzsche, Henry Miller, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện…
Tuyệt vời tư tưởng phóng khoáng, lẫm liệt, hùng tâm tráng khí như thiền sư
Không Lộ trên đỉnh ngàn chất ngất cô phong:
Cắm cột am cao đất rắn rồng
Vi vu thân thế tuyệt đời
ông
Đỉnh non có buổi leo lên
thẳng
Gầm dài một tiếng lạnh hư
không
Một tiếng gầm sấm sét, một
tiếng hú dữ dội, kinh hồn hay một tiếng thơ ngân dài cao vút suốt nhật nguyệt
thiên thanh đều phát khởi từ đáy sâu thăm thẳm nội lực tâm hồn thâm hậu. Từ
cõi tâm thần diệu đó, nhà thơ Giác Tâm gởi gắm nỗi lòng mình qua Tâm Sự
Hàn Sơn Tử:
Giã từ thôi chữ nghĩa
Về xem mây trắng bay
Cõi đời không dấu tích
Khắc chạm nào ai hay
Ba trăm bài vách núi
Có còn trong thiên thu?
Ta về nơi chốn ấy
Huyền nghĩa có phù du?
Thập Đắc ơi theo mình
Trụ vào nơi vô trụ
Thi phú để cho đời
Chừng bấy nhiêu tạm đủ
Sương mù len vách núi
Mờ yếu tính thiền thơ
Trôi theo dòng thi khắc
Rỡ ràng bài thơ Vô
Vô sở cầu, vô sở trụ, vô sở
đắc là bài thơ tuyệt bút của những bậc cao thủ, thượng thừa. Bài thơ Vô được
các thiền sư thường viết trên dòng nước nhân sinh, trên ngàn mây trắng thênh
thang… Hàn Sơn và Thập Đắc là hai thiền sư có hành tung kỳ bí dị thường,
không theo điều lệ tông môn nào cả, trái lại, phá chấp triệt để, thể hiện
phong thái tự do, tự tại như cuồng sỹ Tế Điên, Phổ Hóa, Đan Hà, Bùi Giáng...
Họ tung hoành ngang dọc, thõng tay vào chợ, vào chốn hỗn độn, náo nhiệt, phồn
hoa, đô hội mà vẫn vô nhiễm, thung dung, không bị trói buộc, chẳng mắc dính
vào bất cứ hình danh, sắc tướng nào hết. Bồng tênh qua lại giữa chợ đời đảo
điên, phức tạp một cách thanh thản, an nhiên.
Thiền là gì? Có người hỏi
như thế. Lục tổ Huệ Năng trả lời: “Bên ngoài lìa tướng là thiền, bên
trong chẳng loạn là định. Ngoài nếu chấp tướng, trong tâm liền loạn, nếu lìa
tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tánh tự tịnh, tự định, chỉ vì thấy cảnh, chấp cảnh
thành loạn. Còn khi mình thấy tất cả mọi cảnh vật mà tâm chẳng loạn, đó là
chơn thiền vậy.” Thiền tông phóng khoáng, mở rộng cánh cửa Tánh Không
bát ngát, làm biến mất, xóa nhòa hết mọi biên giới đối đãi như dại khôn, ngu
trí, ghét thương, được mất, cao thấp, tâm vật, Phật ma, Chúa quỷ, thánh phàm,
động tịnh, đúng sai, phải quấy, hơn thua, tốt xấu, mộng thực, có không, sống
chết… Đưa tất cả cùng về thể tánh Nhất Như bình đẳng. Vắng lặng mọi so đo
chân giả, hòa rung trên cung bậc Bất Nhị reo ca. Từ trên cung bậc Bất Nhị đó,
thiền sư và thi sỹ cùng hòa âm, tương ứng trên bước đi như thị, như nhiên:
Hiên đời nắng táp mưa sa
Về non Ngọc Lĩnh ngắm hoa
ven đồi
Am mây ngủ bóng mây trôi
Dòng sông mộng vẫn muôn đời
mênh mang
Ngỡ cùng tử mãi đi hoang
Hốt nhiên một đóa mai vàng
nở tung
Thõng tay vào chốn bụi hồng
Đường xưa mây trắng phiêu
bồng tiêu dao
Rừng hoa nắng chợt xôn xao
Từng đôi cánh mở đi vào tịch
nhiên
“Thõng tay vào chốn bụi hồng” thi
sỹ mặc sức phiêu bồng, rong chơi tận góc bể chân trời, khắp đồng bằng, châu
thổ, cao nguyên, tiêu dao du như Trang Tử, Lão Tử, như Basho, To Man Thu giữa
phù hư huyễn mộng, ruổi rong, đầm đìa mưa nắng phong trần, cát bụi phiêu
linh… Ngao du từ phố núi Pleiku xuống phố biển Nha Trang rồi lang thang
qua các vùng Huế, Sài Gòn, Hà Nội… Có lần lặn lội qua tận bến cát sông Hằng, Ấn
Độ theo đường xưa mây trắng, tìm lại dấu chân đức Từ Phụ trên tuyệt đỉnh Linh
Sơn, vọng vờn tiếng cười bất tuyệt thiên thu... Rồi cuối cùng, nhẹ nhàng làm
cuộc quy hồi cố quận, trở về ngôi chùa Bửu Minh, nơi chốn quê nhà, cố hương
yêu dấu cũ.
Sau một thời gian dài hơn
15 năm, du phương tầm cầu học đạo với những bậc tôn túc, thượng thủ, nhà sư
thi sỹ Giác Tâm trở về an trú, trụ trì chùa Bửu Minh. Với tâm hồn nghệ sỹ,
tài hoa, thầy dốc hết năng lực, trí tuệ ra trùng tu toàn bộ cảnh thiền môn xuống
cấp thành một ngôi đại tự nguy nga, tráng lệ. Chùa có vị trí biệt lập, cách
xa làng xóm, nằm trên ngọn đồi giữa những nương rẫy chè xanh thoáng đãng. Xây
cổng tam quan năm mái, đặc thù như ngũ uẩn giai không, đúc đại hồng chung, sớm
chiều ngân nga, đồng vọng trầm hùng, đánh thức dậy cơn mê ngủ, quằn quại trần
ai, trong những đêm khuya dài vắng lặng: “Lắng lòng nghe lắng lòng
nghe. Tiếng chuông chánh niệm quay về nhất tâm.”
Ngoài những tác phẩm điêu
khắc Đức Phật sơ sinh, Đức Phật ngồi tọa thiền, Đức Phật nằm nhập diệt, tượng
Di Lặc, Quán Thế Âm sắp đặt hài hòa, rải rác quanh chùa, còn có một ngọn bảo
tháp vươn lên, nổi bật trên nền trời xanh thanh thoát. Toàn bộ kiến trúc chùa
là do trái tim đầy tâm huyết của thầy, hướng dẫn thợ và cùng làm với họ, thổi
hồn vào tác phẩm. Ngôi bảo tháp vút cao, xòe tỏa ra trên mái chùa như che chở,
đùm bọc xóm làng, sơn thôn giữa chốn rừng sâu. Trên đỉnh tháp có thờ Xá lợi
Phật (thỉnh từ Tích Lan) và Đại tạng kinh. Ngôi chùa có bảo tháp cao
nhất Việt Nam này là một tác phẩm tâm đắc, độc đáo mà nhà sư thi sỹ dồn hết
thập thành công lực của mình vào mới thực hiện nổi. Đôi khi, trong những chiều
hôm nắng quái, chạnh niềm tịch mịch, ngồi ngắm nhìn ngôi bảo tháp tỏa bóng xuống
nương chè, thi sỹ lặng thầm hát nhạc Trịnh Công Sơn : “Mưa vẫn mưa bay
trên tầng tháp cổ. Làm sao em biết bia đá không đau. Xin hãy cho mưa qua miền
đất rộng. Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau…” Ngôi chùa xưa đã trải qua
bao mùa cuồng phong, bão tố vẫn đứng trầm mặc, uy hùng, cô tịch, lặng lẽ trên
nương rẫy chè, thoáng ngát triền đồi quê:
Bửu Minh chốn cũ đi về
Ngàn khơi gió lộng bốn bề
trà xanh
Cây đa rợp bóng thiên
thanh
Cho con tịnh lạc an lành
đi lên
Về đây con có mẹ hiền
Đưa con qua tận suối miền
uyên nguyên
Con về lội khắp sơn xuyên
Trồng hoa trên đá an nhiên
ngắm nhìn
Con về còn trọn niềm tin
Câu kinh Không Sắc xóa
nghìn thương đau
Về đây sương trắng mái đầu
Chợt nghe chim hót nhiệm mầu
tử sinh
“Con về còn trọn niềm tin” một
câu thơ mà thi sỹ đã lấy làm đầu đề cho tác phẩm tản văn, dài 364 trang của
mình, do Phương Đông xuất bản, năm 2012. Con về còn trọn niềm tin, khẳng
định tấm lòng son sắt của thi nhân đối với Đạo, với Thiền, với quê xứ trầm
nhiên nơi Tự Tâm, Tự Tánh. Hạnh phúc lạ lùng khi biết diệu dụng, sống với Tự
Tánh, Tự Tâm thâm thúy, vi diệu đó. Chỉ một “Câu kinh Không Sắc xóa
nghìn thương đau” và “Chợt nghe chim hót nhiệm mầu tử sinh” là
đã nói lên yếu chỉ, tinh túy, cốt tủy của Diệu Tâm mầu nhiệm, đưa ta vượt
thoát khỏi cuộc sinh tử luân hồi.
“Sắc tức thị Không, Không
tức thị sắc… sinh tử tức Niết Bàn” Đó là tiếng đàn Bát Nhã, Tâm Kinh mà
thi sỹ thường lắng nghe và ca hát nhịp nhàng theo, từ sớm tới chiều trong
liêu vắng cô liêu. Nhiều khi trầm mình trong dòng kinh, thi sỹ thích thú chuyển
dịch phẩm Phổ Môn, trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh, bằng một văn phong sinh động,
tân kỳ: “Phật bảo: Này Vô Tận Ý! Tôi vừa nói cho quý vị nghe về sự dạo
chơi tự tại của Bồ tát Quán Thế Âm trong thế giới ta bà của chúng ta và phân
tích cái thần lực cũng như cái tự do của ngài.” Dạo chơi tự tại, cái thần lực,
cái tự do là cách dịch thoát độc đáo, phảng phất khí vị văn chương.
Văn chương, nghệ thuật,
thường phiêu diêu như hơi thở, hòa quyện vào cuộc sinh diệt, đến đi của phù
sinh huyễn mộng. Bằng phương tiện thi ca, nhà thơ tiễn biệt Hòa thượng Giác
Phúc (trụ trì Tịnh xá Ngọc Phúc, Pleiku) lên đường trở về cõi miền lung
linh Tịnh Độ:
Cao nguyên hoa đàm rụng
Trời Tây trổ sen vàng
Dạt dào câu niệm tụng
Thương thầy vừa Đăng
Quang…
Hay khi nghe tin mẫu thân
Hòa thượng Thiện Nhơn (trụ trì Tổ đình Thiên Đức, Bình Định) qua đời, nhà
thơ xúc động, thốt lên tiếng lòng ngậm ngùi, thay lời của Hòa thượng, trước
cuộc vĩnh ly bà mẹ hiền dấu yêu:
Chiều nay mây trắng vương
vương tóc
Nhớ đến mẹ hiền quá lao
lung
Nghĩ đến tình đời nên con
khóc
Nguyện mẹ tiêu dao cõi vô
cùng
“Nguyện mẹ tiêu dao cõi vô
cùng” là một mong ước cho mẹ được vãng sanh, tiêu dao vào miền bất sinh
bất diệt, thần phách siêu thăng chốn Tịnh thổ Bồ Đề. Thế nên, văn chương, văn
nghệ là thể điệu nghệ thuật siêu xuất, là con đường phong quang sáng tạo, có
thể vượt qua địa ngục, thiên đường, vượt qua tất cả mọi giả chân, mê ngộ, mộng
thực… để thong dong, tự tại giữa có không, sống chết… Trên con đường
sáng tạo vô vi, thi sỹ Giác Tâm cảm nhận ngay trong cơn tử sinh trường mộng
này vốn hiện diện đầy đủ cảnh giới Niết Bàn, mặc dù còn thấp thoáng nhưng
cũng thấy ra một cõi đi về. Thành thử, cứ như vầy, như thế, tùy duyên bất biến
giữa dòng đời vạn biến, sớm biết tìm đường trở về quê quán an lạc dưới ánh đạo
vàng:
Đi về một cõi thênh thang
Suối thương yêu chảy mênh
mang đất trời
Còn đây áo trắng tinh khôi
Vờn bay thấp thoáng núi đồi
mù sương
Con về đốt nén tâm hương
Lòng thành tưởng niệm vấn
vương mẹ hiền
Cõi người ta cõi oan khiên
Con về nương tựa cửa thiền
từ đây
Một đời mê mãi sống say
Quay về ngồi ngắm may bay
đỉnh tùng
Chim nào rớt xuống lòng
thung
Xé toang lưới mộng trùng
trùng bay lên
Bay lên đỉnh núi không tên
Cất cao tiếng hót mông
mênh lưng trời
Đã về đã tới như thiền sư
Nhất Hạnh, nhà thơ Giác Tâm mỉm nụ cười trầm tịnh, lắng nghe “Suối
thương yêu chảy mênh mang đất trời” thênh thang chảy qua cả ba nghìn thế
giới. Chảy về chùa núi Bửu Minh tịch mịch, thanh vắng giữa đồi cao bạt ngàn
cà phê, nương rẫy chè xanh. Thi sỹ tùy duyên chuyển hóa, cưu mang, giúp đỡ,
hướng dẫn đồng bào phật tử hữu duyên biết buông bỏ tham lam, sân hận, si mê,
để vơi đi bớt mọi lụy phiền, điên đảo, khổ đau, sầu thảm, âm u…
Lãng đãng phong trần, giữa
muôn trùng cuộc lữ, tôi làm chuyến đi xuyên Việt, khởi từ bờ biển Kiên Giang
đến nay cũng hơn 4 tháng rồi mới tới vùng cao nguyên, phố núi Pleiku này. Một
nếp duyên lành hạnh ngộ, tôi dừng gót giang hồ, lưu trú lại chùa Bửu Minh gần
cả tuần lễ nay. Sớm chiều vào ra nhàn nhã, vô sự, ngắm huyền ảo khói sương Biển
Hồ, trông mây ngàn trôi bàng bạc trên dãy núi Tiên Sơn, chập chờn bao hoa nắng
phiêu bay, bảng lảng, vang vọng bóng sơn khê, nghi ngút bồng bềnh trên miền
thiên thanh vĩnh thúy…
Gặp du sỹ như gặp người đồng
điệu, thầy trải lòng ra hòa khúc tri âm, tri kỷ. Rót cạn mấy bình trà bên thềm
trăng khuya mà vẫn chưa hết ý, cạn lời hàn huyên, tâm sự. Một chiều, thầy đưa
xem bản thảo tập thơ Dòng Sông Xưa Đôi Bờ Hoa Nở Đỏ, hơn mấy trăm bài
thơ, vừa ngậm ngùi vừa tiêu sái, vừa nỗi niềm vừa xuất cốt, phiêu diêu. Tôi
liền đọc một mạch như đọc lại chính mình và hân hoan, sảng khoái, cảm đề bài
thơ, riêng tặng nhà sư, thi sỹ Giác Tâm, trước khi chia tay, tạm biệt, tiếp tục
lên đường, viễn phương hành theo khói trời mênh mông bay về cùng tuyệt:
BỬU MINH TRẦM TỊCH NHIÊN
Rừng nhạt nắng dừng chân
Chư Pah
Đồi cao nguyên xanh ngút
Biển Hồ Trà
Trại Mộ nao nao hồn cố quận
Bóng thông già vi vút gió
chiều qua
Hàng cau trước vườn chùa
xưa cô tịch
Đứng thanh lương như Từ Phụ
mỉm cười
Đón đứa con hoang về quê
cũ
Sau bao ngày lang bạt đuối
chơi vơi
Thương từng vệt rêu phong
trên cổ tháp
Từng nét mờ ẩn hiện dấu thời
gian
Con về còn trọn niềm tin* tưởng
Vẫn rung ngân bất tuyệt tiếng
thu ngàn
Là tiếng lòng tâm ca hòa
sâu thẳm
Quyện ân tình vĩnh cửu bước
thiên thu
Bửu Minh Bửu Minh trầm tịch
chiếu
Diệu kỳ tan vô lượng kiếp
mịt mù
(Phố núi Pleiku 20. 4.
2016)
*Con Về Còn Trọn Niềm Tin.
Thích Giác Tâm. Tập tản văn, Phương Đông xuất bản, 2012.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét