Tài
tình chi rứa Nguyễn Du?
Truyện Kiều của Nguyễn Du là kiệt tác trong
kho tàng văn học Việt Nam. Khi khen Truyện Kiều hay, cứ có cái mặc cảm rằng người
đời đang lườm ngang, nhếch mép cười tủm. Trời ơi, hiểu rồi, khổ lắm, nói
mãi ! Điều ấy hiển hiện như ban ngày trời sáng, ban đêm trời tối, có gì
bàn. Khen Nguyễn Du, bởi vậy, lại hoá ra như thể người chẳng hiểu gì. Vâng, biết!
Biết, vẫn không thể không lần nữa phô rằng: Nguyễn Du tài quá! Tài quá! Cái tài
của cụ như một thứ ma lực khó giải thích, nói mãi không chán.
Mỗi lẫn đọc lại đoạn Thuý Kiều xử án Hoạn
Thư, người viết bài này cứ một mình vỗ vào đùi mình, rồi kêu lên: “Tài tinh chi
rứa, Nguyễn Du!” cho giải toả những suy ngẫm trong lòng…
Hoạn Thư con nhà danh gia, song cũng là nữ
nhi thường tình như trăm vạn đàn bà khác: nhiều máu ghen. Có điều, sự ghen của
nàng hết sức đặc sắc. Hay tin Thúc Sinh, chồng mình, lấy Thuý Kiều làm vợ
bé, Hoạn Thư rất tức. Nhưng là người có bản lĩnh, nàng không lu loa, dằn hắt,
đay nghiến chồng như số đông phụ nữ xốc nổi khác. Nàng biết nén cơn ghen để
nó lặn vào lòng, bề ngoài đối xử với Thúc Sinh vẫn mặn nồng âu yếm. Ấy mới thực
cao thủ! Nàng không ghen bằng mồm; để bõ tức, nàng hành động. Khi chồng trở lại
Lâm Truy, Hoạn Thư vờ như không hay biết chuyện gì xảy ra giữa chồng và Thuý Kiều,
song đã lặng lẽ cho tay chân đi đường tắt đến Lâm Truy trước để bắt Kiều, đồng
thời đốt nhà, tìm một xác người chết, bỏ vào đó. Một cú dàn dựng để đánh
lừa đầy chất hình sự. Thúc Sinh đâu có ngờ rằng đây là “hiện trường giả”. Chàng
ngỡ Thuý Kiều đã chết do hoả hoạn nên buồn thương lập bàn thờ, rồi một thời
gian sau bỏ Lâm Truy, trở về nhà.
Hoạn Thư bắt được Thuý Kiều, cho tay chân
đánh đập, rồi buộc phải làm nô tỳ hầu hạ mình.
Thúc Sinh về tới nơi, Hoạn Thư khoe với chồng
rằng mới mua được một nô tỳ, và sốt sắng cho gọi ra chào. Thúc Sinh té ngửa: nô
tỳ trước mặt, không ai khác chính là Vương Thuý Kiều. Đây là một trong những
trường đoạn kịch tính hay nhất của Truyện Kiều. Thúc Sinh, Thuý Kiều đều nhận
ra nhau mà đành giả vờ như không hề quen biết. Thật oái oăm! Hoạn Thư bắt
Thuý Kiều đứng hầu để vợ chồng chén tạc, chén thù, Quả không có gì trớ
trêu hơn thế! Bắt khoan, bắt nhặt đến lời/ Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận
tay. Không chỉ Thuý Kiều mà Thúc Sinh cũng không chịu thấu cách tra tấn kiểu
cân não ấy, nên Cáo say chàng đã tính bài lảng ra. Nhưng Hoạn Thư đâu đã
tha. Biết ý chồng, Tiểu thư vội hét: Con Hoa/ Khuyên chàng chẳng cạn thì
ta có đòn. Không có một hình thức tra tấn nào độc đáo, ngoạn mục hơn thế! Hoạn
Thư quả có tài!
Hãy nghe tiếng đàn của Nguyễn Du- Thuý
Kiều trong buổi hầu tiệc rượu ấy: Bốn dây như khóc như
than/ Khiến người trong cuộc cũng tan nát lòng/ Cùng trong một tiếng tơ đồng/
Người ngoài cười nụ người trong khóc thầm.
Song nỗi ê chề chưa dừng lại ở đó. Đau hơn, tủi
nhục hơn là lúc Thúc Sinh và Hoạn Thư vào chung gối phòng loanvà bắt Thuý
Kiều phải Tựa bóng đèn chong canh dài.
Canh cửa, chịu ức chế để Thúc Sinh và Hoạn
Thư vui thú là cái cớ lớn nhất, nỗi hận lớn nhất, nỗi ê chề nhất để sau này trở
thành điều có lý khi Thuý Kiều trả ân báo oán.
Sau nhiều năm lưu lạc, Thuý Kiều trở thành vợ
Từ Hải, và thời cơ trả thù đã đến. Với những gì quỷ quái tinh maHoạn Thư
gây ra cho Thuý Kiều, đã đến lúc trả giá. Cái chết của Hoạn Thư là điều
khó tránh. Hãy chứng kiến cảnh Thuý Kiều xử án Hoạn Thư. Thoắt trông
nàng (Tức Thuý Kiều) đã chào thưa/ Tiểu thư cũng có bây giờ đến
đây?
Đây là lời chào thưa ư? Không! Đây là lối diễu,
lối ra oai kiểu mèo vờn chuột đầy uy thế của kẻ có sức mạnh, có quyền lực trong
tay. Không chỉ diễu, còn doạ: phen này kẻ cắp, bà già gặp nhau/ Kiến bò miệng
chén chưa lâu/ Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa. Rồi đe nạt, răn dạy: Càng
cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều. Gieo thứ gì, gặt thứ đó, việc tôi dẫn chị
ra đây để xử là lẽ tự nhiên, hợp quy luật, không gì phải bàn.
Cùng với thái độ kẻ cả, đắc thắng của Thuý Kiều
là cảnh thị uy Dưới cờ gươm tuốt nắp ra. Vậy là số mệnh của Hoạn Thư coi
như đi đứt! Cay nghiệt lắm thì phải trả giá, phải oan trái nhiều. Vậy thôi. Ai
cũng nghĩ rằng Hoạn Thư đã cầm chắc hình phạt nặng nhất dành cho mình.
Ấy vậy mà sau đó không lâu đã thấy Truyền
quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay. Tại sao Thuý Kiều không chỉ tha, mà còn tha
ngay cho Hoạn Thư, một kẻ đã gieo cho mình bao tủi nhục, đau khổ? Buộc vào
nỗi oán đã giỏi, gỡ ra lại quá tài tình. Nghe và nhìn thái độ cư xử của Hoạn
Thư trước “toà”, tình lý đủ cả, ai ở địa vị Thuý Kiều lại không tha! Nguyễn Du
đã tạo ra một Hoạn Thư thông minh, sắc sảo, khôn ngoan đến không nói hết, trên
đời có lẽ chỉ thấy âu một người.
Trước thực tế gươm đã tuốt khỏi nắp và thái độ
không hề tỏ ra có ý định dung tha của Thuý Kiều, quả Hoạn Thư hồn lạc phách
xiêu. Ai ở vào cảnh ấy, trước cái chết mà chẳng vậy! Song một lần nữa Nguyễn Du
đã để cho Hoạn Thư bộc lộ rõ bản lĩnh của mình trước hoàn cảnh. Tuy hồn đã lạc,
phách đã xiêu, nhưng Hoạn Thư rất bình tĩnh. Thái độ thì nhũn, Khấu đầu dưới
trướng liệu điều kêu cacủa kẻ rõ được tình thế phận yếu của mình, nhưng lý lẽ
thì rắn, hợp, Rằng tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường
tình. Đúng quá rồi! Ghen tuông là thuộc tính chung của đàn bà chứ đâu của riêng
ai. Nếu ở hoàn cảnh tôi, chị có ghen không? Một người nhạy cảm như Thuý Kiều
nghe vậy, há lại không cho rằng hợp lý. Đòn thứ nhất còn nhẹ, Hoạn Thư ra đòn
thứ hai:Lòng riêng, riêng những kính yêu/ Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Chị phán rằng tôi có tội ư? Ở địa vị của tôi chị sẽ xử sự thế nào? Nếu có một
người đàn bà nào đó đến với Từ Hải, chị có chiều không? Chị có chịu được cảnh
chồng chung? Chiêu này độc quá, giỏi quá! Ai nghe mà không gật gù cho là phải.
Xử Hoạn Thư, hoá ra Kiều xử chính mình. Song, đó là xét cái lý chung, còn ở trường
hợp cụ thể của hai ta: Nghĩ khi cho gác viết kinh/ Và khi khỏi cửa dứt
tình chẳng theo. Khi chị trộm phật tiền trên bàn thờ trốn đi, tôi không cho người
đuổi theo. Tôi đâu muốn hành hạ chị đến cùng. Mục đích của tôi là làm sao giữ
được chồng cho riêng mình. Chị đã ra đi, mục đích của tôi đã đạt, nên đâu còn
theo. Mà nếu tôi đuổi theo, chị còn có cơ hội ngồi đây mà xử tôi không? Khéo
quá! Phải quá! Lý tình, riêng chung hết chê. Tha là cái chắc!
Nhưng Nguyễn Du – Hoạn Thư chưa dừng
lại ở đó. Dẫu ở phương diện nào, lẽ phải cũng đã thuộc về bị cáo, Hoạn Thư vẫn
không tỏ ra mình là người thắng thế, vẫn hạ xuống, nhận là người có lỗi, Trót
đà gây chuyện chông gai. Mà đã có lỗi thì chỉ Còn nhờ lượng bể thương bài
nào chăng?
Xin kính cẩn được cúi xuống vái Nguyễn
Du - Hoạn Thư ba vái. Ứng xử giỏi thế là cùng! Đây là lời cầu xin? Vâng,
đã đành, còn là cửa mở, một lối thoát cho Thuý Kiều, nếu tha, còn có đường ra,
không bẽ bàng, vẫn bảo toàn danh dự. Tôi được tha không phải ở lý hợp, tình thuận.
Trước sau tôi vẫn là người có tội, được tha là nhờ lượng cả bao dung của chị.
Hay chưa! Thông minh đến vậy thật hết nói.
Kiều cũng muốn tha rồi. Tha là phải lẽ, tha
là phải đạo, nhưng cũng vuốt một câu chứ: Tha ra thì cũng may đời/ Làm ra
thì cũng là người nhỏ nhen.
Trong phiên toà này, Nguyễn Du đã đứng hẳn về
phía Hoạn Thư để bênh vực, Hoạn Thư đã thắng. Một người cầm chắc cái chết, nhờ
biết cư xử, nhờ khôn và khéo nên đã trắng án.
Quả đây là Đàn bà thế ấy thấy âu một người.
Và tài năng của Nguyễn Du cũng chỉ có một không hai.
Đình Kính
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét