Thời kỳ đổi mới, đất nước chuyển mình, bao
làng quê đổi thay, nhưng không phải không kéo theo những hệ luỵ. Hồn làng đã
theo nhịp sống công nghiệp mà nhạt nhoà dần. Nhưng vẫn còn đó, trong rất sâu
tâm thức và trong nhịp đập trái tim của những con người yêu quê hình ảnh của những
kỷ niệm một thời. Nó là cái quá vãng ư? Cái nhạt nhoà ư? sẽ không phải như vậy.
Ngược lại những ký ức một thời luôn sống động quẫy đạp, day dứt không nguôi. Và
trước những hiện thực nghiệt ngã hiện tại, nỗi đau ấy lại trào lên… Đó là cảm
xúc, là nghĩ suy bời bời mà cô giáo Nguyễn Thị Toàn trường Tiểu học Tam
Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng viết trong những dòng văn tiếc nuối.
Tôi sinh ra
và lớn lên từ một xóm nghèo bên bờ sông Bạch Đằng với những chiến công oai
hùng. Khi học lịch sử, chúng tôi tự hào và hãnh diện nói với các bạn nơi khác rằng:
“Sông Bạch Đằng của làng tớ đấy.”!
Ngày còn nhỏ, tôi cùng bà ra bắt cáy, cá lác
và bồ phóc... ở bãi bồi ven sông. Có chỗ bùn sông ngập đến ngang người tôi.
Trong trí nhớ của tôi cơ man nào là cua cá trên mặt bùn phù sa mà thiên nhiên
ban tặng cho làng. Thi thoảng gặp vũng nước, tôi lại súc giỏ cho sạch và nhòm
xem đã bắt được nhiều chưa? rồi hớn hở khoe bà. Bà cười ra nước mắt và lắc đầu.
Ngày ấy tôi không hiểu đó là bà thương tôi lắm, bởi ngay sau đó khi về bà gội đầu
cho tôi, vừa chải mớ tóc cũn cỡn của tôi vừa nói “lẽ ra cháu chỉ học thôi,
không phải vất vả như vậy”. Thực ra bà không hiểu, con nhà nông vất vả cỡ ấy đã
là gì, có điều khi ra bãi sông là tôi như bị hớp hồn muốn lao xuống ngay cho thỏa
cái thú khám phá ấu thơ. Lớn thêm một chút, tôi cùng bọn trẻ trâu hàng ngày tụ
tập xách nồi, mang chậu đi liêu bắt cù kì, cà ra chúng leo lên ngọn cây
khi nước lên to. Được ít thì nấu canh, nhiều thì làm mắm. Bà tôi thường vật cáy
trong hũ để qua mùa này, mùa khác. Tôi nhớ như in bà ngồi làm mắm cáy. Mỗi
lượt cáy, một lượt muối. Bà bảo”nhà giàu thì họ rang thóc nếp phủ thêm vào sau
này xay thành mắm rất thơm”. Thứ mắm này vắt chanh, tỏi, ớt đánh kĩ rồi giầm cá
rô nướng hay chấm rau khoai luộc, hoặc rau muống thì rất tuyệt!
Mùa lậu chín, chúng tôi ăn đến thâm môi. Những
quả lậu chu chi có vị chua ngọt rất đặc biệt. Thú vị nhất là cào ngao (cùng họ
hàng nhà ngán). Tôi thường dùng liềm cào quanh gốc cây; gặp tiếng “cạch” là vớ
được ngao rồi. Cũng có khi nước thủy triều tràn vào rừng, đi dọc theo mép nước
thấy từng đám bọt lăn tăn bùng nên, thẳng chỗ đó là ngao đấy! Mỗi lúc từ bờ
sông trở về, chợt thấy nhoi nhói cỏ may găm đầy người. Chúng tôi ngồi bệt
xuống cạnh đường, vừa nhặt cỏ may vừa nói cười, vừa chí choé cãi nhau, vừa kể
những chuyện không đầu không cuối.
Trên bờ đê, bọn trẻ trâu ngày nào chẳng bày
ra đủ trò nghịch ngợm. Ăn trộm gạo ở nhà xuống bờ đê nấu; thức ăn thì, sông đấy,
tha hồ bắt. Đủ các loại ốc, vơ lên mà luộc. Thích ngon thì ốc hương, ốc đỏ môi.
Thích...ăn cho no thì ốc đá, ốc mút… Chúng tôi đào gò đất hoặc bờ ruộng cao
thành cái bếp, hoặc giản đơn là kê 3 hòn đá làm đá làm bồ rau, sau đó nấu nướng
và mở tiệc giữa trời. Món ăn nóng, đứa nào cũng suýt xoa. mỗi lần nhớ lại dường
như vẫn thấy còn nóng ran ở bờ môi.
Tôi nhớ có năm gặp nạn đói, không biết ở đâu
cá rãi khoai, cá lác đỏ tràn về, nhiều vô kể. Cả làng đi bắt phải mang giành đựng.
Rồi con gion đó, sinh đấy bãi, cứ gạt qua một lớp đất mỏng là đến, đãi gion về
nấu canh rồi cho gà, vịt nữa. Tôi nghe những người già kể lại, con sông này giống
như ân huệ giúp làng tôi mỗi năm mất mùa hay tháng ba, ngày tám...
Làng trong hoài niệm của tôi chất chứa bao nỗi
vui buồn, nhưng bao giờ cũng như một phần của cuộc đời tôi vậy.
Thế rồi, nhà
máy đóng tàu qui mô, hiện đại và hoành tráng được dựng lên. Đó là bước tiến vượt
bậc của khoa học, kĩ thuật. Đó là tầm nhìn xa của ngành đóng tàu. Đó là sự ưu
ái quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Cái tên cũ Z.21 rồi LÊ CHÂN được đổi thành
TỔNG CÔNG TY CÔNG NGHIỆP TÀU THỦY NAM TRIỆU. Cái tên dài khi đọc nhưng không thể
cắt đi từ nào được cả; thậm chí đến bây giờ nhiều người già ở làng tôi còn
không nhớ chính xác. Cùng với sự phát triển của nhà máy, dân làng tôi mà
đa số lớp trẻ đi học vội lấy một cái nghề và khoác áo có in chữ trên
lưng...thành công nhân. Đó là giải pháp sắp xếp lao động cho người mất ruộng !
Bờ sông xưa giờ cát từ nơi khác chở về lấp đầy bãi, lòng sông hẹp lại, tức tưởi
dòng nước nghẹn ứ. Khúc sông gắn bó với tuổi thơ tôi giờ không còn cỏ may, cỏ gừng
nữa. Bê tông hoá rồi! Cáy, còng, tôm cá cũng không còn đất sống. Những
hàng cây sú vẹt, lậu… bên bờ cũng chỉ còn sót lại vài cây thưa thớt. Bên kia
sông, đất Quảng Yên, Quảng Ninh,may quá vẫn còn giữ được vạt rừng
xanh sú, lậu...Đền Trần, miếu Vua Bà uy nghiêm ngày mỗi ngày soi bóng
Bạch Đằng Giang!
Thật đáng mừng nếu như sự đổi mới đó thực sự
là đổi mới. Mấy năm trước, có thời kì các phương tiện thông tin quảng bá cho
Công ty TÀU THỦY NAM TRIỆU thật rầm rộ. Tôi cũng vui lây với nhịp điệu đổi mới
của làng quê. Chợ có mỗi lúc chiều về bán, mua sôi động. Các bà bán hàng dù vốn
ít cũng chẳng ngại ngần khi bán chịu cho công nhân. Nước nổi, bèo nổi,
bán buôn cũng phát tài.
Người mới quen hỏi nhà tôi ở đâu, tôi mô tả
khó hình dung nhưng khi nói tới địa danh... NAM TRIỆU thì họ đều “À, bọn tớ đã
về đó viết..”. Mấy năm trước, hình ảnh ông giám đốc nhà máy giống như một huyền
thoại. Họ thêu dệt, ca tụng..thôi thì đủ lời. Những cô gái thường ngày chân lấm,
tay bùn, đi học vội vài tháng, có cái chứng chỉ nấu ăn đã lột xác, đầm váy, phấn
son... thành gái phố. Sợ nhất là mỗi lúc tan tầm, xe ôtô chở công nhân từng
đoàn phóng bạt mạng, rất hãi hùng. Đường làng xe máy ngược chiều khó tránh. Nhà
trường phải lựa giờ học cho học sinh tan trường không trùng giờ cao điểm. Ghê sợ
hơn là một không gian ngập bụi và dòng sông ấu thơ của tôi xưa dường như đang
ngắc ngoải vì ô nhiễm.
Cũng may, có sự công minh của pháp luật và có
những cán bộ liêm chính trung thành đã tìm ra và xử lí những sai phạm chết người
của một nhóm quan chức ngành đóng tàu, trong đó có ông giám đốc nhà máy này, bức
tượng đài giả đã sụp đổ trước mặt dân làng tôi.
Nhưng hậu quả họ để lại thì vô cùng nan giải!
Nhà máy giờ đây gần như tê liệt. Bao nhiêu diện tích bị bỏ hoang. Công nhân nghỉ
việc ở nhà. Cũng không thể quay về nghề cũ. Ruộng không còn, sông bãi hết..
Làm sao đây? Khi mà cuộc sống mưu sinh gần
như bế tắc. Trẻ con học hành là gánh nặng lo âu của hầu hết mọi phụ huynh ở
đây. Có những câu văn học sinh Tiểu học viết thế này: “Bố mẹ em cùng làm nghề
ăn cắp sắt...” Các cô giáo trường tôi ban đầu bật cười, nhưng giờ đọc những câu
văn ấy không cười được nữa. Phê làm sao, sửa thế nào khi chúng không sai câu,
không sai từ, không sai ý.. Thật xót xa!
Bây giờ mỗi khi ra bờ đê nhìn và nghĩ về làng
một thời xa ngái thấy lòng tự nhiên trống lạnh. Đến bao giờ tất cả mới được hồi
sinh để bù đắp cho những gì làng quê tôi đã vì lợi ích Quốc gia?.
Nguyễn Thị Toàn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét