Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

GS Nguyễn Tài Cẩn - Người soi rọi ngọn nguồn tiếng Việt

GS Nguyễn Tài Cẩn - Người soi rọi 
gọn nguồn tiếng Việt
Những câu hỏi "muôn năm cũ"
Dân trí Tại sao người Việt đọc tiếng Hán mà cứ y như đọc tiếng Việt? Cách đọc Hán-Việt có từ bao giờ? Nó đã biến đổi ra sao qua bao nhiêu thế kỷ? Nguyễn Tài Cẩn muốn trả lời những câu hỏi "muôn năm cũ" ấy.
Là người Việt Nam đầu tiên đỗ Phó Tiến sĩ ngôn ngữ học tại Liên Xô (cũ), ông trở thành giáo sư, rồi được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Các công trình của ông nhằm giải quyết những vấn đề về ngữ pháp, ngữ âm tiếng Việt, về nguồn gốc và cách đọc Hán-Việt, về chữ Nôm, văn bản Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Hoa tiên, Thu dạ lữ hoài ngâm... Ông được mời đến giảng dạy tại Nga, Mỹ, Pháp, Nhật...
Chọn hướng nào đây giữa tuổi xuân mơ mộng?
Thuở nhỏ, tôi sống trong nhà bác tôi, cụ Cử nhân Nho học Nguyễn Văn Hạp, cùng ông nội tôi cụ Phó bảng Nguyễn Văn Chấn, tại khu Lục Bộ giữa Đại Nội, Huế. Hai phía tường nhà bác tôi giáp nhà cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, phụ thân BS Nguyễn Khắc Viện, và nhà cụ Phó bảng Phan Võ, phụ thân GS Phan Ngọc.
Tôi vẫn nghe anh Nguyễn Văn Hường, con bác tôi, khen anh Nguyễn Tài Cẩn học giỏi lắm, mà lại đẹp trai, nước da trắng hồng, râu mép cạo nhẵn phớt xanh. Năm đầu, anh Cẩn học Trường trung học Thuận Hóa, một trường tư do ông Tôn Quang Phiệt mở, mời được nhiều thầy giỏi nổi tiếngvề dạy như Đào Duy Anh, Hoài Thanh... Năm sau, anh thi đỗ vào Trường Quốc học Huế, và rồi từ đó, năm nào anh cũng đứng đầu lớp, nhận học bổng toàn phần.
Anh Cẩn học giỏi đều các môn, nhất là môn tiếng Pháp. Anh nuôi kỳ vọng viết văn... Tây! Một lần đến thăm thầy cũ Hoài Thanh, anh bộc bạch với thầy kỳ vọng ấy. Không ngờ thầy bảo:
- Mình là dân An Nam, học tiếng Tây ở xứ "bảo hộ", làm sao có thể viết văn Tây hay bằng các ông, bà nhà văn Tây như ông Honoré de Balzac hay bà George Sand bên "chính quốc" được?
Sau lần đó, anh Cẩn chuyên tâm học tiếng Việt hơn. Rồi anh đâm ra mê làm thơ Việt! Hôm ấy, anh mạnh dạn đem một tệp thơ do anh mới "sáng tác" đến nhờ ông Nguyễn Đình Thư nhận xét. Năm 1942, trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân từng khen thơ Nguyễn Đình Thư: “Thể hiện một mối buồn âm thầm, lặng lẽ, thấm thía vô cùng, cái buồn không nước mắt, cái buồn của điệu Nam Bình trên sông Hương”.
Đọc tệp thơ của anh Cẩn, "nhà thơ mới" Nguyễn Đình Thư liền vui vẻ động viên: "Có triển vọng đó!"
Mấy hôm sau, tới thăm thầy cũ Đào Duy Anh, anh xin thầy cho biết ý kiến về tệp thơ kia, với hy vọng thầy cũng sẽ khen hay. Nào ngờ thầy chỉ lơ đãng đọc lướt qua, rồi chậm rãi nói:
- Làm thơ, nếu quả có tài năng thiên phú như Hồ Xuân Hương, Tú Xương hay Tản Đà, Xuân Diệu... thì hãy làm! Chứ nếu không, thì chỉ... toi công! Làm cả nghìn bài, chưa chắc đã có một bài "sống sót" qua năm tháng! Lúc trẻ, mộng mơ nhiều, ưa nói những lời to tát, nhưng rồi, nửa đời nhìn lại, bỗng thấy... trắng tay! Còn nếu làm nhà học giả, thì chỉ cần thông minh, bền chí, có phương pháp tốt, có óc tìm tòi, ắt "kiến tha lâu đầy tổ", sẽ tới ngày có được những khám phá độc đáo với "tuổi thọ" khá cao.
Lời khuyên chí lý của cụ Đào giúp anh Cẩn dứt khoát "hướng nghiệp" đời mình. Anh trở thành nhà Việt ngữ học, chứ không phải nhà thơ.
Thơ Nguyễn Du sai ngữ pháp?
Đầu những năm 1960, nghe nói có vị giáo viên văn trung học say sưa phân tích trước lớp về câu thơ Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”.
- Cái gì đã rụng? - Vị giáo viên kia hỏi.
- Thưa thầy, cái giếng.
- Rụng cái gì?
- Thưa thầy, lá ngô.
- Cái giếng làm sao có lá để mà rụng? Vậy thì, giếng vàng làm sao có thể làm chủ ngữ cho động từ đã rụng? Câu thơ nói trên lẽ ra phải viết: "Một vài chiếc lá ngô đồng đã rụng bên bờ giếng dưới ánh nắng thu vàng".
Vị giáo viên nhếch mép cười khoan dung, rồi nói tiếp: Nhưng, chúng ta không chê trách Nguyễn Du. Cụ khó tránh khỏi những hạn chế của thời đại Cụ! Cách đây hai thế kỷ, khi Nguyễn Du còn ngồi trên ghế nhà trường chưa có sách ngữ pháp tiếng Việt như các em hôm nay. Cụ đâu có cái cơ may được học ngữ pháp tiếng Việt một cách khoa học!
Phải nói rằng, cho đến những năm 60 thế kỷ 20, vẫn còn không ít người muốn đem bộ khung ngữ pháp nước ngoài "đóng đinh bắt vít" vào tiếng Việt, để "phán" rằng câu nói hồn nhiên của các em học sinh "chiếc lá này xanh" cần phải chữa lại thành "chiếc lá này là xanh" mới đúng với cách viết trong tiếng Pháp "cette feuille est verte" hay cách viết trong tiếng Anh "this leaf is green"!
Mỗi ngôn ngữ có những đặc điểm riêng. Lẽ ra họ phải xuất phát từ câu nói tự nhiên của người Việt để phân tích, khái quát hoá, tìm ra quy luật ngữ pháp, thì lại làm ngược lại, bê nguyên xi ngữ pháp nước ngoài áp đặt vào tiếng Việt!
Thật ra, thơ Nguyễn Du rất đúng ngữ pháp tiếng Việt, nhưng sẽ không khớp với cái khung ngữ pháp tiếng Pháp hay tiếng Anh. Chớ nên làm chuyện ngược đời: Gọt chân người Việt cho vừa giày Tây đóng sẵn!
Nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Cao Xuân Hạo, khi còn sống, đã có lần cảnh báo: Những câu kiểu "dự án này được tài trợ bởi UNESCO", v..v... là tiếng Việt... "bồi"! Bởi lẽ, nếu cứ trượt dài theo cái đà đó, thì sẽ có lúc một chàng ngố xứ ta nói với người yêu: "Anh được yêu... bởi em"!
Bắt chước ngữ pháp nước ngoài, chẳng tốn bao công sức! Khảo sát tỉ mỉ thực tế việc sử dụng muôn hình muôn vẻ tiếng Việt, để rồi từ đó, mày mò năm này qua năm khác, khám phá ra quy luật nội tại của ngôn ngữ đơn lập này, quả là một công việc gay go, vất vả hơn nhiều! Nguyễn Tài Cẩn, ngay từ đầu, đã đi theo hướng ấy.
Về cuốn Ngữ pháp tiếng Việt: tiếng, từ ghép, đoản ngữ của Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo nhận xét:
"Cách đây 40 năm, bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn đã đem từ Liên Xô về lý thuyết âm tiết - hình vị, một lý thuyết có thể giúp giải quyết những vấn đề mà một ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt đặt ra cho ngôn ngữ học hiện đại, từ đó vạch ra con đường khắc phục "chủ nghĩa dĩ Âu vi trung" (coi châu Âu là trung tâm/europeocentrism). Tiếc rằng hồi đó không ai hiểu ông!"
Cao Xuân Hạo là nhà ngôn ngữ học có uy tín quốc tế. Cho nên, lời đánh giá của ông về vai trò của "bậc đàn anh của Việt ngữ học Nguyễn Tài Cẩn" trong việc xây dựng ngữ pháp tiếng Việt là rất đáng tin.
Sự "tài tình" của cách đọc Hán-Việt
Một công trình khác của Nguyễn Tài Cẩn cũng mang lại cho bạn đọc trí thức nhiều hứng thú là cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt xuất bản năm 1979.
Không ít người Việt Nam - trong đó có tôi - mê thơ Đường. Lớn lên trong gia đình Nho học, ngay từ thuở bé, tôi đã được học thuộc lòng hàng trăm bài thơ Đường như Đề đô thành nam trang của Thôi Hộ:
Tích niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong.
Có thể nói, trong cả bài thơ thất ngôn tứ tuyệt bằng tiếng Hán ấy, về mặt ngữ nghĩa, chỉ có hai chữ (tích và thử) là hơi lạ lẫm đối với một người Việt chưa có dịp học qua chữ Hán; còn 26 chữ khác thì đều quen thuộc từ lâu. Hơn nữa, về mặt thanh điệu, đọc bài thơ lên, ta cảm thấy bằng, trắc hài hòa, êm tai, đúng niêm luật. Dường như không có khoảng cách 12 thế kỷ giữa nhà thơ Thôi Hộ và chúng ta!
Nhà thơ Nam Trân, qua bút danh Tương Như, dịch rất sát nghĩa:
Cửa đây, năm ngoái, cũng ngày này,
Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá?
Hoa đào còn bỡn gió xuân đây!
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mượn ý hai câu thất ngôn cuối bài thơ Thôi Hộ để "sáng tạo lại" thành hai câu lục bát tuyệt hay:
Trước sau nào thấy bóng người!
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông...
Trong tiếng Việt, lớp từ Hán-Việt chiếm một tỷ trọng rất lớn, nhất là ở phong cách nghị luận, khoảng 60-70%. Mức độ phong phú của lớp từ này coi như vô hạn. Những thập niên gần đây, và cả từ nay về sau, khi cần, ta vẫn có thể mượn thêm những từ Hán mới.
Một số nhà khoa học thông thạo chữ Hán, như GS Hoàng Xuân Hãn, đã làm phong phú thêm tiếng Việt bằng vô số từ Hán hiện đại như: định lý, định luật, đẳng thức, phương trình, nguyên tử, phân tử, điện tử... Trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, lớp từ Hán-Việt cũng rất lớn: duy vật, duy tâm, cương lĩnh, chính sách, chiến lược, sách lược, du kích, chính quy, tiến công, phòng ngự, công hàm, hiệp định...
Tại sao cả một lớp từ "đông đúc" như vậy lọt sâu vào tiếng Việt, mà lại không làm thay đổi cấu trúc nội tại của Việt ngữ? Tại sao người Việt đọc tiếng Hán mà cứ y như đọc tiếng Việt? Cách đọc Hán-Việt có từ bao giờ? Nó đã biến đổi ra sao qua bao nhiêu thế kỷ?
Nguyễn Tài Cẩn muốn trả lời những câu hỏi "muôn năm cũ" ấy.
 Lội ngược dòng hơn mười thế kỷ
Tìm rõ cách đọc chữ Hán ở kinh đô Trường An (Trung Quốc) đời Đường, so sánh với hệ thống ngữ âm tiếng Việt thời ấy, để xác định cội rễ của cách đọc Hán-Việt và những biến đổi qua các thế kỷ sau của cách đọc ấy.
Cách đọc Hán - Việt bắt nguồn từ đâu?
Không chỉ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam và Trung Quốc, mà cả giới Đông phương học quốc tế cũng chú ý đến cách đọc Hán-Việt. Bởi vì, muốn nghiên cứu tiếng Hán trung đại, nghiên cứu cách đọc tiếng Hán ở Nhật Bản theo Go-On (Ngô âm) hay theo Kan-On (Hán âm), hoặc cách đọc tiếng Hán ở Triều Tiên theo cách đọc Hán-Triều, đều rất cần sự so sánh, viện dẫn cách đọc Hán-Việt, để rút ra những kiến giải.
Cứ liệu lịch sử cho biết, ngay từ đời nhà Hán, một số Thái thú Trung Hoa như Tích Quang, Nhâm Diên và Sĩ Nhiếp đã bắt đầu truyền bá văn hóa Hán ở vùng Giao Chỉ, Cửu Chân. Sĩ Nhiếp (187-236 sau CN), Thái thú Giao Châu, mở trường dạy học tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh hiện nay), thu hút rất đông sĩ tử, được các sử gia người Việt thời sau suy tôn làm "Nam giao học tổ" (ông tổ việc học đất phương Nam).
Gần đây, đền thờ và lăng mộ Sĩ Nhiếp ở Luy Lâu được Nhà nước ta công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.
Nhưng phải đến đời Tùy-Đường thì trình độ Hán học ở Giao Châu mới có thể sánh với Trung Nguyên. Khương Công Phụ, người làng Cổ Hiểm, huyện Cửu Chân, Ái Châu (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đến Trường An (nay là Tây An, tỉnh Thiểm Tây), kinh đô nhà Đường, dự thi Hội, đỗ Tiến sĩ. Ông được Hoàng đế nhà Đường mời lưu lại Trường An, về sau, làm đến chức Tể tướng Trung Hoa, hiện vẫn còn lưu truyền bài phú Bạch vân chiếu xuân hải. Em trai ông là Khương Công Phục làm đến chức Lang trung Bộ Lễ, cũng ở Trường An.
Các nhà Đông phương học hầu như nhất trí cho rằng cách đọc Hán-Việt hiện nay chính là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời Đường (618-907 sau CN) tại kinh đô Trường An, từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán được dạy lần cuối cùng tại Giao Châu trước khi Việt Nam giành được độc lập vào thế kỷ thứ 10.
Từ thế kỷ thứ 10 đến nay, cách đọc Hán-Việt tuân theo quỹ đạo phát triển của tiếng Việt, không còn lệ thuộc vào những gì biến đổi trong ngữ âm tiếng Hán ở bên kia biên giới. Nhiều thế kỷ trôi qua, hai cách đọc chữ Hán của người Hán và của người Việt ngày càng khác xa nhau, đến mức một người uyên thâm Hán ngữ như Phan Bội Châu khi gặp Lương Khải Siêu ở Trung Quốc, chỉ có thể... bút đàm!
Lớp từ Hán-Việt ngày càng lọt sâu vào kho từ vựng tiếng Việt, những nét xa lạ về mặt ngữ âm mất dần và rồi trở thành một bộ phận khăng khít - chứ không phải được "cấy ghép" - của hệ thống Việt ngữ.
Kiến giải riêng từ hàng vạn trang sách
Trên đây, để cho dễ lĩnh hội, tôi đã tóm lược những kết luận cuối cùng. Tất nhiên, trước khi đi đến những kết luận như thế, Nguyễn Tài Cẩn phải bỏ ra biết bao công sức! Chẳng hạn, nói rằng cách đọc Hán-Việt hiện nay là bắt nguồn từ cách đọc chữ Hán đời nhà Đường ở Trường An, vậy thì, vào đời ấy, người Trung Hoa ở kinh đô của họ đọc chữ Hán ra sao? Tiếng Hán đời ấy có những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Nếu sử dụng cách phiên âm quốc tế hiện nay để ghi lại, thì phải dùng những ký hiệu nào? Nhà khoa học không thể "phán" nếu thiếu luận cứ.
Và nữa, cách đọc chữ Hán của người Việt hồi thế kỷ thứ 8-9 là như thế nào? Gồm những phụ âm, những vần và những thanh điệu nào? Từ thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 20, cách đọc Hán-Việt đã biến đổi ra sao?
Để trả lời những câu hỏi ấy, phải sử dụng những phương pháp hiện đại của ngữ âm học lịch sử mà, nếu trình bày trong bài báo này, thì sẽ đi quá sâu vào học thuật, sẽ phải sử dụng nhiều biểu bảng, nhiều chữ Hán, chữ Nôm, chữ Anh, chữ Pháp, chữ Nga, nhiều ký hiệu phiên âm quốc tế, rất khó in trên báo chí phổ thông và gây "đau đầu nhức óc" cho bạn đọc không chuyên.
H. Maspéro đã viết bằng tiếng Pháp cuốn Tiếng địa phương Trường An đời Đường (Le dialecte de Tchang-an sous les Tang). B. Karlgren cũng viết bằng tiếng Pháp cuốn Khảo sát âm vị học tiếng Hán (études sur la phonologie chinoise). Đặc biệt, cuốn Thiết vận của nhóm Lục Pháp Ngôn ở Trường An đầu thế kỷ thứ 7 là tài liệu tham khảo quan trọng đối với Nguyễn Tài Cẩn.
Đọc hàng vạn trang sách bằng các thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật... về vấn đề liên quan, đưa ra thêm những luận cứ mới, những kiến giải riêng, Nguyễn Tài Cẩn đã soi rọi đến tận ngọn nguồn cách đọc Hán-Việt, một cách đọc đã giúp người Việt Nam dễ dàng tiếp nhận những tinh hoa của văn hóa Hán - một trong hai nền văn hóa lớn nhất phương Đông - mà không bị "Hán hóa".
TS Nguyễn Tài Cẩn trong những năm làm việc tại Đại học Tổng hợp Leningrad (Liên Xô cũ).
"Chao ôi, thầy kỹ tính quá!"
Chiều hôm ấy, trời lâm thâm mưa. Ông Trần Trí Dõi, Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (thuộc ĐHQG Hà Nội) đưa chị Barbara Niedeer đến nhà GS Cẩn ở một ngõ nhỏ bên đường Hoàng Quốc Việt. Dép bê bết bùn, chị Barbara vừa bước vào nhà vừa vội vã nói:
- Em sắp trở lại Paris. Em đã dịch xong cuốn sách của thầy ra tiếng Pháp. Mong thầy cho phép em đưa in bản dịch.
- Cuốn nào thế nhỉ? GS Cẩn hỏi.
- Cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán - Việt ạ! Trước kia, em chẳng chú ý mấy đến cuốn sách ấy. Nhưng thầy A. G. Haudricourt "bắt" em đọc! Đọc rồi, em mới cảm thấy hay. Và em quyết định phải dịch. Em nghĩ cuốn sách của thầy sẽ giúp ích nhiều cho các nhà Đông phương học trên thế giới, nếu họ có trong tay bản dịch tiếng Pháp...
Barbara Niedeer viết luận án tiến sĩ về tiếng Hmông-Dao. Chị đã từng sống nửa năm trên bản Hmông cao chót vót. Là người Pháp gốc Thụy Sĩ, chị thông thạo các thứ tiếng Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, biết cả tiếng Trung Quốc, Việt, Hmông, Dao. Chị hiện làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) và là học trò yêu của thầy A. G. Haudricourt, nhà Đông phương học nổi tiếng thế giới.
- Tôi rất cảm ơn cô! Nhưng mong cô thông cảm cho: Gần đây, tôi nghe nói bên Mỹ vừa xuất bản cuốn A Handbook of Old Chinese Phonology (Sách chỉ dẫn về ngữ âm tiếng Hán cổ) của W. H. Baxter, dày tới 900 trang. Tất nhiên, đó là cuốn sách viết về tiếng Hán cổ, nhưng rất có thể có liên quan phần nào đến cách đọc Hán-Việt. Tôi cần tham khảo cuốn sách đó để, nếu cần, thì chỉnh lý đôi chút cuốn sách của mình cho cập nhật. Cô chịu khó chờ một thời gian nhé!
- Chao ôi, thầy kỹ tính quá! - Barbara thất vọng kêu lên.
"Giờ thì mình hết băn khoăn"
Tháng 11/2001, tôi gặp lại GS Nguyễn Tài Cẩn tại Hà Nội sau một thời gian dài ông sống và làm việc cùng vợ tại Matxcơva. Vợ ông, GS N. V. Stankyevich, là một nhà ngôn ngữ học người Nga chuyên nghiên cứu tiếng Việt và tiếng Hán. Trước kia, bà sống và làm việc tại Việt Nam. Sau khi về hưu, do sức khỏe kém, bà trở về Nga. GS Cẩn theo vợ về bên ấy để tiện cho các con chăm sóc.
Thấy tôi đến thăm, GS Cẩn đưa cho xem bản in thử cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt sắp tái bản. Phải nói rằng việc xử lý trên máy tính bản thảo cuốn sách này thật... quá ư phiền toái! Trong một câu văn, thường có cả chữ Quốc ngữ, chữ Hán (phồn thể) và ký hiệu phiên âm quốc tế. Rồi, để cho dễ tra cứu, phải giữ nguyên dạng chữ Pháp, chữ Anh, chữ Đức, chữ Nga... ít ai dám nhận việc sửa bản in thử, ngoài tác giả!
- Chắc bây giờ anh vui lòng để chị Barbara Niedeer đưa in bản dịch tiếng Pháp cuốn sách này rồi chứ? - Tôi hỏi.
- Vừa rồi, mình đã đọc kỹ cuốn Sách chỉ dẫn ngữ âm tiếng Hán cổ của W. H. Baxter. Rồi đọc cả cuốn Phục nguyên hệ thống ngữ âm tiếng Hán cổ của nhà bác học Nga S. A. Starostin. Hai ông đưa ra một số luận điểm về ngữ âm tiếng Hán cổ mà mình rất thích. S. A. Starostin ghi là đã tham khảo sách của mình. W. H. Baxter cũng chủ trương Thiết vận có 8 nguyên âm như trong sách của mình. Giờ thì mình hết băn khoăn...
- Thế anh đã trả lời chị Barbara chưa?
- Mình sẽ gửi email cho cô ấy.
Chúng ta sẽ rất thiếu những nhà Việt Nam học
Là người nhận diện họ hàng xa gần của tiếng Việt từ mấy nghìn năm trước cho đến tận hôm nay, ông cũng cảnh báo một ngày không xa, chúng ta sẽ rất thiếu những nhà Việt Nam học có tầm cỡ.
Nghìn năm trước, tiếng Việt phát âm ra sao?
Lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo) của Nguyễn Tài Cẩn, xuất bản năm 1995, là một cuốn sách trong "cụm công trình" được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Qua 350 trang sách, tác giả đã bước đầu trả lời câu hỏi nói trên.
GS Cẩn và các học trò của ông đã vận dụng có phê phán phương pháp Swadesh, tức phương pháp ngữ thời học (grottochronology). Đó là phương pháp xuất phát từ quan niệm cho rằng, qua thời gian, việc thay thế từ vựng cơ bản cổ bằng từ vựng mới là một việc xẩy ra theo quy luật chung cho mọi ngôn ngữ. Nếu hai ngôn ngữ hay hai phương ngữ A, B cùng gốc tách nhau khoảng 1.000 năm, thì trong bảng từ vựng chúng chỉ còn giữ lại 74% là chung; nếu tách nhau 2.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chiếm khoảng 54%; tách nhau 4.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chỉ chiếm khoảng 30%.
Ông khiêm tốn gọi cuốn giáo trình nói trên là "sơ thảo". Nhưng thật ra, đó là một công trình lớn, có tính chất mở đường. Để viết giáo trình ấy, ông đã phải tham khảo hàng trăm công trình nghiên cứu tiếng Việt, tiếng Mường và các ngôn ngữ bà con gần xa như các thứ tiếng: Nguồn, Pọng, Mày, Rục, Sách, Mã Liềng, A-rem, Thà Vựng, Pakatan, Phon Soung, Khạ Phong...
Nhận diện họ hàng gần xa của tiếng Việt
Nếu hai ngôn ngữ hay hai phương ngữ A, B cùng gốc tách nhau khoảng 1.000 năm, thì trong bảng từ vựng chúng chỉ còn giữ lại 74% là chung; nếu tách nhau 2.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chiếm khoảng 54%; tách nhau 4.000 năm, thì số từ vựng chung còn lại chỉ chiếm khoảng 30%.
Ngày nay, các nhà ngôn ngữ học quốc tế gần như nhất trí: Tiếng Việt là một ngôn ngữ thuộc họ Nam á, ngành Môn-Khmer, trong tiểu chi Việt-Chứt; quan hệ với tiếng Thái-Kadai dù khá xa xưa, quan hệ với tiếng Hán dù khá sâu đậm, nhưng đó vẫn chỉ là quan hệ tiếp xúc, chứ không phải họ hàng gần. Để có thể hình dung một "ngành" như ngành Môn-Khmer trong ngôn ngữ học phức tạp đến mức nào, ta có thể xem Từ điển Bách khoa Britannica III. Thì ra, trong "ngành" ấy, có hơn... 100 ngôn ngữ! GS G. Diffloth đã lập "bản đồ" về 100 ngôn ngữ đó.
Tiểu chi Việt-Chứt là tiểu chi có đông người nói nhất trong ngành Môn-Khmer, chỉ tính riêng ở Việt Nam, vào thời điểm cuốn sách của Nguyễn Tài Cẩn được in, đã có hơn 60 triệu người. Trong khi ở tiểu chi Khmer chỉ có 7 triệu người; còn ở các tiểu chi khác, mỗi tiểu chi chưa đến 1 triệu người.
Về ngữ âm tiếng Việt thế kỷ 17, cứ liệu Nguyễn Tài Cẩn sử dụng trước hết là cuốn Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum-Lusitanum- Latinum) của Alexandre de Rhodes in năm 1651 ở Rome, Italy.
Đi ngược lên thế kỷ 15-16, Nguyễn Tài Cẩn tham khảo tài liệu An Nam dịch ngữ, một danh sách hơn 700 mục từ tiếng Việt được người Trung Quốc dịch nghĩa và phiên âm qua chữ Hán để dùng trong ngoại giao.
Ngược dòng thời gian xa hơn nữa, thì cứ liệu quan trọng nhất là hệ thống ngữ âm ở các vùng thổ ngữ Mường. Cách đây khoảng 1.200 năm, Việt và Mường cùng dùng chung một tiếng.
Về tiếng Mường, TS Nguyễn Văn Tài, một cộng sự gần gũi của GS Nguyễn Tài Cẩn, đã dày công điều tra 29 thổ ngữ Mường và công bố trong luận án tiến sĩ năm 1983. 29 thổ ngữ đó được xếp vào 9 nhóm nằm rải rác tại các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, từ Mường Phong, Mường Thái, Mường Bi đến Giai Xuân, Tân Hợp, Sông Con, v.v. Cũng là tiếng Mường, nhưng người Mường vùng này gọi là con trâu con, thì vùng kia gọi là con nghé; vùng này gọi là chiêng, thì vùng kia gọi là cồng; vùng này gọi là chân, vùng kia gọi là giò... Cũng để chỉ một con vật như nhau, nhưng người Mường nhóm 6 gọi là con dải, trong khi người Mường nhóm 7 lại gọi là con ba ba. Cũng là một hành động như nhau, nhưng người Mường nhóm 8 gọi là chửi, trong khi người Mường nhóm 9 lại gọi là bới, v.v.
Những nghiên cứu của GS Nguyễn Tài Cẩn và các học trò của ông như TS Nguyễn Văn Tài giúp cho những ai yêu tiếng Việt - trước hết là các nhà văn, nhà báo - hiểu tiếng Việt sâu xa hơn và, nhờ vậy, dùng tiếng Việt cẩn trọng hơn, chính xác hơn. Đọc cuốn sách ấy rồi, ít ai còn dám tự mãn nghĩ rằng mình đã hiểu đến tận ngọn nguồn tiếng mẹ đẻ!
Kiếm tìm trong lịch sử xa xăm
Ngược lên quá khứ xa xăm hơn nữa, khoảng 3.000 năm trước, chỗ dựa chủ yếu để nghiên cứu là các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số ở vùng núi khu Bốn như tiếng Sách, tiếng Rục, tiếng Mày, tiếng Mã Liềng, tiếng A-rem, và ở vùng bên kia biên giới Việt-Lào như tiếng Thà Vựng, tiếng Ahơ...
So sánh tiếng Việt với tiếng A-rem hay tiếng Maleng, tức là những ngôn ngữ đã tách khỏi tiếng Việt cách đây 2.300-2.500 năm, ta sẽ biết trạng thái khi hai bên còn chung một ngôn ngữ: trạng thái từ 2.500 năm trở về trước.
Căn cứ số liệu tính toán đã được công bố theo phương pháp ngữ thời học, thì tiểu chi Việt-Chứt tách khỏi Việt-Katu cách đây khoảng 4.000 năm. ở sơ kỳ của nó, tiểu chi Việt-Chứt chưa cách xa khỏi khối Katu bao nhiêu. Để nghiên cứu giai đoạn này, ta sẽ tìm cứ liệu ở các tiểu chi khác trong ngành Môn-Khmer.
Rất nhiều tộc người thiểu số, sống ở đông và tây Trường Sơn, nói các thứ thổ ngữ "líu lo như chim hót", nghe rất lạ tai, hoá ra trong quá khứ xa xăm, họ đã từng nói cùng một thứ tiếng với người Việt!
Còn về ảnh hưởng sâu xa của tiếng Hán đối với tiếng Việt thì, như ta đã biết, GS Cẩn đã có một cuốn sách chuyên khảo riêng.
GS Cẩn cũng cẩn thận tìm lai nguyên của hệ thống phụ âm đầu (âm mũi, âm tắc, âm xát...), lai nguyên của các nguyên âm dòng trước (e, ê, i, iê), các nguyên âm dòng giữa (a, ă, ư, ơ, â, ươ), của hệ thống âm cuối (m/p, n/t, ng/c, u/o (w), i/y (j), và lai nguyên của âm đệm w. Rồi tìm lai nguyên của hệ thống thanh điệu (ngang, sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng).
Ông phân tích, tổng hợp các kết quả thu thập được của các đồng nghiệp trong nước và nước ngoài để rút ra kết luận.
Chẳng hạn, M. Ferlus không những nghiên cứu sâu về ngôn ngữ Tiền Việt-Mường (Vietnamien et Proto-Vietmuong, 1975), mà còn khảo sát cả phương ngữ Vinh (La dialecte vietnamien de Vinh, 1991)... M. E. Barker nghiên cứu các âm vị Mường (The Phonemes of Muong, 1968), các phụ âm cuối và nguyên âm Tiền Việt-Mường (Proto-Vietnamuong Final Consonants and Vowels, 1970)...
Bao nhiêu bạn trẻ biết chữ Nôm?
GS Mỹ Keith W. Taylor, nhà Việt Nam học nổi tiếng của Đại học Cornell (Mỹ), sang Hà Nội, nhờ GS Nguyễn Tài Cẩn dạy chữ Nôm cho. Chị Y. S. Wang viết luận án tiến sĩ về chữ Nôm. Còn chị Olga Dror thì lại viết luận án tiến sĩ về bà chúa Liễu Hạnh...
Kỳ trước, tôi đã nhắc đến chị Barbara Niedeer viết luận án tiến sĩ về tiếng Hmông-Dao, rồi dịch cuốn Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán-Việt của Nguyễn Tài Cẩn ra tiếng Pháp.
Mới đây nhất, trong hai ngày 11 và 12/4/2008, tại Đại học Temple (Mỹ), đã diễn ra Hội nghị Nôm học quốc tế để thông báo về những kết quả mới nhất trong việc nghiên cứu chữ Nôm. Đã 82 tuổi, GS Cẩn không sang dự được, mà chỉ gửi đi bản báo cáo: Một số vấn đề về ngành Nôm học. Ông cho biết, hiện nay, chúng ta có hai loại văn bản Nôm: loại đã được khắc in mộc bản và loại ở dạng chép tay. Ông muốn nói về loại thứ nhất, vì những cuộc tranh luận gần đây (như về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Hoa tiên, v.v) đều liên quan đến loại này. Trong báo cáo đó, GS Cẩn thông báo về việc ông phát hiện một số chữ Nôm cổ còn giữ dấu vết kỵ huý đời Trần.
Tuy nhiên, chúng tôi không định đi sâu hơn vào học thuật mà chỉ muốn lưu ý bạn đọc rằng: Chữ Nôm, văn tự cổ của Việt Nam, hiện đang được nhiều nước biết tới, trong khi ở nước ta thì sao? Đốt đuốc đi tìm cũng khó thấy những bạn trẻ nào còn đọc nổi!
Rồi đây, sẽ có những bạn trẻ nào ở nước ta nuôi chí lớn kế tục sự nghiệp của các học giả lớp trước, dũng cảm bước vào ngành Nôm học hay rộng hơn Việt Nam học, Đông phương học như Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Hà Văn Tấn, Nguyễn Tài Cẩn, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Đức Từ Chi, Phan Huy Lê, Trần Đình Hượu...?
Nếu Nhà nước ta không lo lắng, kịp thời thu hút và đào tạo những tài năng trẻ, thì e rằng không lâu nữa, chúng ta sẽ rất thiếu những nhà Việt Nam học có tầm cỡ!
Tôi nhớ mãi điều nghịch lý mà GS Cẩn nói khi chia tay tôi, trở về với vợ con ông hiện đang sống ở Matxcơva.
Hàn Châu
Nguồn dantri.com.vn
Theo http://trieuxuan.info/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...